Tết Tây hay Tết Dương lịch
đi liền theo Giáng sinh có mấy bước. Người ta đã chờ đợi cả năm dài để có một
đình đám ra hồn. Sự chờ đợi làm họ mất kiên nhẫn.
Giữa tháng 11, các cửa tiệm
đã thuê thợ kẻ chữ, sơn hình cho lễ Giáng sinh. Sau lễ Tạ ơn, cuối tháng 11, là
rộ lên mua sắm. Giáng sinh là mùa của cho và nhận. Vợ chồng, cha mẹ, con cái,
bạn bè… quà cáp lẫn nhau. Và cái thú tặng quà là mua được món đồ thực dụng hay
đúng ý người nhận. Nên mỗi năm người ta lại vò đầu bứt tóc nhớ xem người yêu,
người thân mình thích cái gì hay còn thiếu thứ chi.
Dĩ nhiên là ít ai đoán đúng.
Chẳng thể mà ngay sau lễ thiên hạ lại xếp hàng đi đổi đồ. Chiếc áo kiểu này tôi
không thích, bà vợ nói với cô bán hàng. Ông chồng lại kêu trời vì cùng một lúc
ông được tặng đến hơn chục cái caravate!
Nhập gia tùy tục. Mới đầu,
gia đình tôi cũng ăn Giáng sinh kiểu Mỹ, nghĩa là cũng quà cáp lẫn nhau. Với
một gia đình đông anh em, con cháu, công việc đó không đơn giản. Mỗi năm, tôi
phải kê cái list nào quần jean cho
cháu A, áo đầm cho cháu B, chảo điện cho em H, bộ ấm trà cho… Lại phải làm sao
để quà năm nay không trùng lặp với năm ngoái, và quà người này không giống của
người kia. Xong cái list, lại đến
việc mua sắm. Mấy ngày đó, shopping
nào cũng đông đúc, đậu được cái xe cũng mất mươi, mười lăm phút, mua món đồ,
sắp hàng chờ trả tiền đôi khi mất hơn nửa tiếng. Nếu có tiền thì không nói chi,
đối với người eo hẹp, việc mua sắm là cả một nghệ thuật. Phải đọc báo xem tiệm
nào đang bán món gì, thời điểm nào, phải so sánh cân nhắc từng món hàng, phải
lái xe đến khu bình dân hơn như downtown
hay chợ trời mới mong mua được thứ mình tương đối vừa ý, và nhất là vừa với túi
tiền. Ôi, ai bày làm chi…
Với bao nhiêu công sức, tiền
bạc, thời giờ đã đổ vào Giáng sinh, không mấy ai còn ăn tết lớn được, trừ người
khá giả. Tết Dương lịch như một nốt nhạc thừa trong bản nhạc quá dài, được đánh
lên trong sự thờ ơ của mọi người. Nhiều nhà đón năm mới với cây thông vẫn còn
ngự giữa phòng khách.
Đêm giao thừa rời rạc pháo
nổ. Nếu không cố tình thức đón giao thừa, người ta sẽ ngủ luôn, không bao giờ
được đánh thức bởi pháo giao thừa.
Ngày Tết Dương lịch có khác
với ngày thường là đường sá im vắng khác thường. Không ai phải đi làm, và các
cửa tiệm cũng đóng cửa. Cửa nhà bà hàng xóm cũng đóng im ỉm. Chương trình hấp
dẫn duy nhất ở Cali
là coi xe hoa. Hàng trăm, hàng triệu cánh bông đủ loại : hồng, cúc, huệ… được
ghép thành một chú ong đang vờn hoa, hay cả một công viên có người đi qua lại,
hay một đoàn phi hành gia đang đi trên mặt trăng… Tất cả bằng hoa. Mỗi năm, số
tiền chi phí cho xe hoa lên đến bạc triệu. Lại một kiểu ăn chơi khác của xứ nhà
giàu.
Cali, tháng
12-91
MỸ LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét