Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

DÙ AI NÓI NGỬA NÓI NGHIÊNG


MỘT KỶ NIỆM ĐẸP VỀ CA SĨ THANH LAN

Dù ai nói ngửa nói nghiêng

Trích nhật ký của LÊ GIANG (Nhà thơ)

● Ngày 17-1-1990

Tôi thở phào, vậy là hôm nay đã xong phần thu hình chương trình Dân ca Nam Bộ chào mừng Tết Canh Ngọ.

Ngoài nỗi vui bồi hồi, nỗi hồi hộp phập phồng chờ ngày Đài Truyền hình Thành phố phát sóng, hình như còn một cái gì đó khiến lòng mình nhơ nhớ, nghe mới lạ, xen lẫn trong những bài dân ca được đài chăm chút khá hơn mọi lần, may mắn lọt vào tuổi con Ngựa của mình.

Đó là mình đang có cảm tình với Thanh Lan.

Trong chương trình này, Thanh Lan hát hai bài. Không phải chọn ngôi sao để câu khách cho một chương trình dở, mà mình đã ưng bụng, có rắp tâm từ lâu, khi xem Thanh Lan hát bài Mưa rơi, dân ca Xá, do nhạc sĩ Nguyễn văn Tý biên soạn.

Dù chưa quen, chưa một lần nói chuyện với Thanh Lan (mà đối với nghệ sĩ tài năng thì chuyện này không phải là quan trọng!), nhưng mình hình dung được cô ấy sẽ xử sự ra sao với điệu Hát sắc bùa rất thâm thúy, mang hơi hướng nghi lễ cầu chúc sự phát tài. Nàng sẽ ứng phó đẹp mắt bài Chèo thuyền đưa em đi chơi và nàng sẽ đón những tráng sĩ Đua ghe Ngo trong bài dân ca Khmer nổi tiếng, tươi mát, trẻ trung biết bao. Kết quả ấy đã lồ lộ khi mình nhắm mắt lại mường tượng.

Bữa thu tiếng, Thanh Lan có mặt tại phòng thu đúng “bon” giờ hẹn, nhưng sự trễ nải của nhiều người vẫn là căn bệnh trầm kha của cái xứ này.

Hình như Thanh Lan không lạ gì cái kiểu chín đợi mười chờ này, nàng tìm chỗ, nằm dưỡng sức trên chiếc ghế xếp sắt ở góc phòng thu, coi đồng hồ như “cơm sôi gạo nhảy, lửa cháy phừng phừng”. Bỗng nàng bật dậy:

- Em phải đi ngay, đã mười giờ đúng hẹn tới trường quay.

- Em nán một chút – Mình hy vọng mỏng manh.

- Không được, mấy chục người đợi em. Em mà đến trễ, họ nhìn em như con quái vật.

Thoạt tiên, mình bị sốc mạnh, bất giác nhìn thẳng Thanh Lan, nghĩ bụng : “Nàng như vậy  mà ai nỡ gọi nàng như con quái vật, nói nặng quá”. Nhưng mình thấy thấm dần sự so sánh khắt khe ấy, với một nghệ thuật “hợp đồng tác chiến” của ngành điện ảnh.

Thanh Lan cương quyết trang điểm lại và đường bệ nện gót giày cao gót, vẫy chào vui vẻ những người vốn có thói quen kiên nhẫn ngồi chờ…

Nàng lại trở lại đúng hẹn vào ba giờ chiều hôm đó. Tươi tắn, trẻ trung, sẵn sàng bước xuống… thuyền cho anh chèo đi chơi. Nhưng, thuyền lại mắc cạn tới… chạng vạng. Chờ “nước lớn”, mặt trời lặn rồi, Thanh Lan mới được cất tiếng thổ lộ tâm tình. Hát đi hát lại, nghe đi nghe lại. Ai ai cũng nghe hay rồi, trữ tình rồi, thành phố đã lên đèn rồi, thở phào rồi ; vậy mà Thanh Lan chưa chịu, bất ngờ năn nỉ ngược nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc và người phụ trách thu thanh, cho hát lại. Cái tạng của mình rất hạp với người có nết trách nhiệm với khán giả cao như vậy, mình bèn nảy sinh lòng yêu quý Thanh Lan khôn cùng, muốn hun một miếng liền.

Mình làm ngay một bài tính rợ, không sợ trật toán chút nào:

Thanh Lan = Đúng giờ + nghiên cứu kỹ bài hát + chim đầu đàn trong những hợp ca + không kỳ kèo kén chọn người hát với mình + rất trân trọng những bài dân ca được sinh ra trên mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.

Đáp số : làm nghệ thuật có trình độ văn hóa.

Nghĩ về một ngôi sao ca nhạc nhẹ, mình thấy khán giả yêu quí Thanh Lan là đúng, rất đúng. Không phải chạy theo thị hiếu mắc rẻ gì hết.

Em thật là dễ cưng trong lĩnh vực mà chị đang tiếp xúc với em, Thanh Lan ạ!

Và, cả ngày thu hình. Nhạc sĩ Phan Thao, người biên tập chương trình, chạy “sút móng”, mặt còn bằng hai ngón tay tréo, lúc thì không có áo xẩm, lúc lại thiếu một khăn đóng ; khi thì cái bộ áo Xtiêng giống đồ “disco” quá… Một trăm thứ thiếu, mượn không ai cho, mướn thì không có đồng lúi nào. Các tác giả thì cổ họng đắng nghét, chắt tới chắt lui cái bình nước bằng nhôm nhẹ như tờ giấy. Các ca sĩ tập họp đông đủ, ai cũng có lý do chồng khờ con dại xin thu hình trước, giận tới giận lui.

Còn Thanh Lan thì sao? Nàng tỉnh bơ ngồi kết tuội các bông hoa dại cho bài Chèo thuyền. Đội lên gỡ xuống, ngắm nghía bộ tóc giả thiếu nữ Khmer. Tẩn mẩn vuốt ve hoài mái tóc kiều diễm của cô gái Việt Nam trong bộ lễ phục khăn đóng áo dài mừng xuân. Chẳng đòi ai lo cho nàng. Nàng biết bài hát cần gì, đòi gì, người hát tự lo mới vừa ý bài hát.


Thanh Lan đã đứng trước máy thu hình. Tay vẫn không rời kiếng soi, vuốt cái tóc, di di cái má hồng, ngắm cái mắt, cái mũi, cái mi mắt chớp chớp… cho tới tiếng tích tắc đầu tiên hiệu lệnh của đạo diễn, nàng mới vội giấu cái kiếng soi dưới chậu kiểng, và “tung tăng” trước máy thu hình với một “ngoại hình” hết sức tự tin, với một nghệ thuật làm hấp dẫn người xem rất “siêu”.

Mình thấy đó là sự tồn tại, là bí quyết kéo dài sự tồn tại cho một say đắm của một đời người.

Mình cũng đang khát vọng sự tồn tại bằng những làn điệu đầy tình người của ông cha. Những gương mặt của ngày hôm nay trong phòng thu : Bích Phượng, Bảo Minh, Huyền Thanh, Vĩnh Thành, Ngọc Sơn, Đào Đức, Ái Xuân, Lý Bạch Huệ. Rồi Nhã Phương, Kim Yến, những hoàng hậu, công chúa của nhạc nhẹ, rồi vua hề Bảo quốc, rồi các cháu “Dây Leo Xanh” của mình, cứ hiện ra, cười với mình. Và, Thanh Lan! Nàng đang nện gót giày cao gót…




2 nhận xét: