Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

ĐI NGOÀI PHỐ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


53. ĐI NGOÀI PHỐ
                                                     Thứ ba, ngày 30

Hôm kia, khi con ở trường câm về, con đã xô phải một người đàn bà. Lần sau, con phải có ý tứ hơn vì ở phố con cũng có bổn phận. Lúc ở nhà, khi ở trường, con đã giữ gìn các cử chỉ của con được đứng đắn, cớ sao ra phố là nơi công chúng qua lại, con lại xao lãng ? Con ơi ! Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước.

Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong.

Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào.

Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch tương tàn nó sẽ làm trơ rắn lòng con.

Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội.

Khi có đám ma đưa qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng có người tạ thế.

Trông thấy những trẻ em trường bà Phước xếp hàng đi qua, mù lòa có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ lễ độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu hèn và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn trước mặt con.

Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho lễ phép. Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường. Con phải biết rằng chỉ liếc trông qua cách cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc. Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà.

Nếu một mai con phải đi xa, con sẽ thấy hình ảnh thành phố con là nơi chôn nhau cắt rốn, là chốn quê hương của tuổi thơ hiển hiện luôn luôn trong óc con . Ở thành phố ấy, con đã tập đi những bước thứ nhất do tay mẹ con dắt ; ở thành phố ấy, con đã học bài thứ nhất do thầy con dạy, và ở đấy con đã làm quen với những người bạn thứ nhất trong đời con. Vậy con hãy yêu tỉnh thành con, cùng là phố xá và nhân dân, hễ ai nói động đến thành phố con, con phải hết lòng bênh vực.

Cha con.   


Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

TRƯỜNG CÂM ĐIẾC_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


52. TRƯỜNG CÂM ĐIẾC
                                                       Chủ nhật, ngày 28.

Sáng nay có một người gọi cửa. Tôi nghe thấy cha tôi kêu tiếng ngạc nhiên :

- A ! Bác Giục !

Bác Giục là người làm vườn cũ nhà tôi quê ở Công-đô.

Sang Hy-lạp làm cho sở hỏa xa ba năm, nay bác mới về, tay xách một gói lớn. Trông bác hơi già nhưng vẫn tươi tỉnh và vui vẻ như xưa.

Cha tôi mời bác vào, nhưng bác có ý vội vã từ chối và hỏi luôn :

- Nhà tôi bình yên chứ ? Cháu Lưu-Gia độ này thế nào ?

Mẹ tôi đáp :

- Bình yên cả. Còn Lưu-Gia thì tôi mới vào thăm được mấy hôm nay.

Bác Giục mừng quá, gửi gói đồ rồi vào trường câm điếc thăm con. Cha tôi cho tôi đi theo.

Đi đường, bác nói chuyện với tôi, có ý buồn :

- Tội nghiệp cho em Lưu-Gia ! Mới lọt lòng ra đã phải chịu cái tật xấu xa. Nghĩ nỗi tôi không bao giờ được nghe thấy tiếng em gọi "cha" và em không bao giờ được nghe thấy tiếng tôi gọi "con ơi" ! , những tiếng thân yêu phát ra tự tim, huyết thì tôi buồn không biết chừng nào ! May mà có người mách và giúp cho em vào trường, tôi cũng đỡ phiền. Em vào đây từ năm lên 8, tính đến nay đã 11 tuổi rồi. Chắc em đã lớn lắm rồi, cậu nhỉ? Em đã nói chuyện được bằng dấu hiệu chưa ? Em có vui không ? Hở cậu ?

Tôi đáp :

- Trường Câm Điếc đây rồi. Bác vào sẽ biết.

Chúng tôi tới cổng, người gác ra hỏi. Bác Giục nói :

- Tôi là cha em Lưu-Gia. Hôm nay xin phép vào thăm.

Người gác đáp :

- Các cô ấy đang chơi. Để tôi thưa với bà giáo. Mời ông vào tạm phòng khách.

Vài phút sau, cửa phòng mở. Một bà giáo dắt tay một cô gái nhỏ vào.

Hai cha con nhìn nhau một lúc rồi ôm lấy nhau vừa khóc vừa mừng.

Cô bé mặc áo chùng trắng, dọc đỏ, và đeo một cái yếm xanh.

Vuốt ve con xong, bác Giục lùi lại ngắm nhìn con gái rồi kêu to :

- Trời ơi ! Con tôi chóng lớn và xinh đẹp quá !... Thưa bà, bà là bà giáo dạy cháu. Xin bà bảo cháu ra một vài dấu hiệu để nói chuyện với tôi xem thế nào ?

Bà giáo mỉm cười sẽ bảo cô bé đứng cạnh đang nhìn bà :

- Ông này là ai ?

Cô bé cười và phát ra một thứ tiếng như tiếng mọi nhưng rõ ràng :

- Thưa cô, cha... con... đấy !

Bác làm vườn sửng sốt và reo lên như một người điên :

- Con tôi biết nói à ? Chết chửa ! Thế mà tôi không biết. Con tôi biết nói rồi. Trời ơi ! Con nói nữa cho cha nghe.

Bác Giục ôm và bế con lên hai, ba lần có vẻ sung sướng lắm.

- Thưa bà thế ra cháu không phải nói chuyện bằng hiệu, bằng ngón tay ?

Bà giáo đáp :

- Thưa ông, học bằng hiệu là lối cổ, lối ấy đã bỏ rồi. Bây giờ chúng tôi dạy theo lối mới gọi là phép "khẩu truyền" ông vẫn chưa rõ à ?

- Thưa bà, tôi không hiểu, vì đã ba năm nay tôi đi ngoại quốc. Nhà có viết thư nhưng tôi vẫn yên trí, "cháu biết nói" là "nói bằng hiệu", chứ không ngỡ cháu nói ra tiếng... Con ơi ! Con có biết cha nói gì không ? Con trả lời đi !

Bà giáo đỡ lời :

- Ông ơi ! Cháu không nghe thấy gì đâu vì cháu điếc. Nhưng nhìn môi ông cử động, cháu có thể nhận ra ông nói câu gì. Tuy miệng cháu nói được, nhưng tai cháu vẫn không nghe thấy tiếng mình phát ra. Sở dĩ cháu nói thành tiếng là vì chúng tôi dạy cháu vừa vận động môi, vừa do lồng ngực và cuống họng phát ra từng "chữ" từng "vần"...

Bác làm vườn ghé vào tai hỏi con :

- Cha vào thăm, con có thích không ?

Cô bé ngẩn người đứng im.

Bà giáo cười bảo bác Giục :

- Lưu-Gia không trả lời vì không được nhìn miệng ông nói. Bây giờ ông quay lại trước mặt cháu và nhắc lại câu ông vừa nói thì cháu hiểu ngay.

Người cha nhìn mặt con, nói :

- Cha đã về, cha không đi nữa, con có sung sướng không ?

- Cha về và không bỏ con đi nữa, con rất lấy làm sung sướng.

Bác làm vườn hỏi thử con mấy câu nữa :

- Tên mẹ con là gì ?

- An-Tố-Nga.

- Tên chị con là gì ?

- An-Đế-Liên

- Trường này gọi là trường gì ?

- Trường Câm Điếc.

- Hai lần mười là bao nhiêu ?

- Hai mươi.

Bác làm vườn rất hoan hỉ, quay lại nói với bà giáo :

- Thưa bà, chúng tôi cảm ơn bà một trăm lần, một nghìn lần. Và xin bà tha lỗi cho chúng tôi là kẻ quê kệch, không biết giãi bày thế nào để cảm ơn bà.

Bà giáo nói :

- Không những cháu đã biết nói, cháu còn biết viết và biết tính nữa. Cháu biết hết cả tên những đồ vật thường dùng, biết đôi chút về sử ký và địa dư. Hiện giờ cháu đang ở lớp Ba. Học hết hai năm nữa cháu sẽ có một nền học thức phổ thông và có thể đi làm việc. Hiện đã có nhiều em học ở đây ra bán hàng cho các hãng buôn rất đắc lực... Chúng cũng làm được đủ bổn phận như người thường.

Chợt có tiếng trẻ tập đọc ở trên trường đưa xuống. Bác làm vườn thấy lạ, lắng tai nghe. Bà giáo bảo :

- Ông để tôi gọi một em ở lớp Một xuống đọc ông nghe.

Nói xong, bà ra hiệu cho người gác gọi. Lát sau người gác đưa một cô bé 8, 9 tuổi xuống. Cô này mới vào đây được ít lâu.

Bà giáo há mồm như người đọc chữ Ơ ra hiệu cho cô học trò đọc theo.

Cô bé đọc :

- Ô.

- Không phải thế.

Nói xong, bà giáo liền cầm hai bàn tay học trò, một để vào cổ họng mình, một để vào ngực mình rồi tự đọc : Ơ.

Cô bé nhận kỹ luồng hơi ở ngực phát ra và đi qua cuống họng thế nào rồi bắt chước đọc lại rất đúng : Ơ.

Rồi vẫn dùng cách ấy, bà dạy cô bé đọc những chữ C và D.

Bác làm vườn nghĩ một lúc nói :

- Thưa bà, dạy như thế này mất nhiều công và phải kiên nhẫn lắm mới được. Thiết tưởng ở trên đời này không có thứ phần thưởng gì xứng đáng để đền công các bà... Thưa bà, tôi có thể chào và cảm ơn bà Đốc được không ?

- Bà Đốc không có đây. Nhưng có một người khác mà ông đáng cảm ơn. Theo lệ ở đây thì những trò bé thường giao cho trò lớn trông nom như người chị, người mẹ trong nhà. Cháu Lưu-Gia ở đây giao cho một em 17 tuổi trông nom. Em này là con một người làm bánh, ở với Lưu-Gia rất tốt. Hai năm nay, chính em ấy đã giúp Lưu-Gia mặc áo, đội mũ, đã dạy Lưu-Gia khâu vá và lúc nào cũng ở cạnh Lưu-Gia.

- À ! Này ! Lưu-Gia ơi ! Mẹ con ở đây tên là gì ?

Lưu-Gia cười đáp :

- Cát-Tiên, tử tế lắm !

Người gác theo hiệu bà giáo chạy đi một lúc thì có một cô câm điếc khỏe mạnh, tươi tỉnh, tóc vàng, áo sọc đỏ và yếm xanh xuống. Trông thấy người lạ, đôi má ửng hồng, cô cúi đầu cười nụ.

Lưu-Gia chạy lại nắm tay Cát-Tiên và nói :

- Cát-Tiên.

Bác Giục bèn bắt tay Cát-Tiên và nói :

- Cảm ơn em. Ta chúc cho em và gia quyến em được hưởng phúc lành. Em hãy nhận lấy những lời chúc tụng thành thực của một người thợ, một người cha khốn nạn, em ạ !

Cô bé chỉ vuốt ve Lưu-Gia không trả lời .

Bà giáo nói :

- Ông có thể cho Lưu-Gia về ngay bây giờ.

- Xin phép bà cho cháu vè Công-đô, mai tôi sẽ đưa cháu lên.

Lưu-Gia chạy vào đội mũ, khoác măng tô rồi ra với cha.

Trước khi ra về, bác Giục đưa một đồng tiền vàng xin cúng vào nhà trường, nhưng bà giáo không nhận, bỏ vào túi gi-lê Lưu-Gia và nói :

- Ở đây, chúng tôi không lấy một vật gì của ai cho cả. Vả ông đã phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền... Chúng tôi rất cảm động về lòng chân thực của ông và xin cảm ơn ông .

Hai cha con chào bà giáo và dắt nhau ra.

Ra đến đường, cô bé nhảy nhót và kêu to :

- Hôm nay trời đẹp quá !


Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

QUÊ NGƯỜI TÌM MẸ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


51. QUÊ NGƯỜI TÌM MẸ
(Câu chuyện hàng tháng)

Cách đây vài năm có một em bé 13 tuổi con một người thợ đã mạo hiểm đi một mình từ thành Giê-nơ (1) sang Mỹ Châu để tìm mẹ.

Tên cậu là Mã-Nhĩ-Kha. Nhà cậu nghèo. Cha làm thợ kiếm không đủ ăn nên mẹ cậu phải đi ở cho một nhà ở thành Buê-nô-de (2), thủ phủ nước cộng hòa Á-căn-đình ở Nam Mỹ Châu. Sở dĩ mẹ cậu phải đi xa như thế là vì ở bên ấy những người làm được trả công cao.

Tại thành Buê-nô-de, cha cậu có một người em họ mở hiệu buôn, nên tin tức cứ do người này nhận và gửi giúp.

Năm thứ hai, ở nhà chỉ nhận được một lá thư nói bà bị bệnh rồi thôi, không tiếp được tin gì khác nữa. Cha cậu viết thư hỏi người em họ, đợi mãi không thấy trả lời. Cha cậu liền viết thẳng cho người chủ nhà, thư bị trả lại vì đề sai địa chỉ. Sốt ruột, cha cậu làm đơn nhờ tòa Lãnh sự Ý ở đấy điều tra giúp nhưng cũng vô hiệu vì có lẽ mẹ cậu tưởng nghề đi ở là hèn nên đã giấu tên để khỏi phương hại đến danh dự của gia đình.

Thấy cha buồn rầu, Nhĩ-Kha quả quyết xin cha cho phép sang Nam Mỹ tìm mẹ. Cha cậu đang phân vân, may sao lại có người bà con quen với một viên quan Ba tàu thủy xin cho cậu được vé hạng ba không mất tiền nên ý định của cậu được thực hiện ngay.

Một buổi chiều đẹp về tháng tư, cha cậu đưa cậu xuống tàu.

Mất 27 ngày lênh đênh trên mặt bể, cậu âm thầm chịu bao nhiêu nỗi khổ tâm : phần nhớ nhà, phần lo mẹ có khi qua đời, phần bị say sóng, lắm khi tưởng đến phải bỏ thân trong bể cả. Một buổi rạng đông tháng năm, tàu cập bến Buê-nô-de , trên sông Pơ-lát-ta (4).

Sau khi từ biệt người bạn đồng hành là một ông già người xứ Lom-bác-đi (5) (nước Ý), cậu xách va-li lên bộ thẳng đường vào thành phố.

Cậu hỏi thăm mãi mới tìm được phố Lô-dác (6) là nơi người chú họ tên là Mỹ-Liên ở đấy. Đến số nhà 171 hỏi thăm thì có một người đàn bà trả lời bằng tiếng Ý :

- Ông Mỹ-Liên đã mất vài tháng nay. Cửa hàng bán lại cho tôi rồi !

Được tin như sét đánh bên tai, cậu xanh mặt lại hỏi :

- Ông Mỹ-Liên quen với mẹ tôi. Mẹ tôi ở cho ông Mễ-Cơ-Niên tỉnh này. Vậy bà có biết nhà, xin làm ơn chỉ giúp. Tôi đi từ nước Ý sang đây chỉ có việc tìm mẹ tôi.

Bà chủ động mối thương tâm, liền gọi thằng nhỏ vẫn chạy giấy cho ông Mỹ-Liên ra hỏi, nó biết ngay và vui lòng dẫn cậu lại nhà ông Mễ-Cơ-Niên cách đấy không xa.

Đến nơi, cậu giật chuông, một người con gái ra mở cửa.

Cậu hỏi, người con gái ấy trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha :

- Nhà ông ấy đã dọn về Quốc-đô-Hoa (7) rồi.

- Thành Quốc-đô-Hoa ở đâu, thưa cô ? U già người Ý, mẹ tôi đó, có đi theo không ?

Người con gái chạy vào gọi cha. Một ông to lớn, râu đen ra hỏi đầu đuôi. Thấy vậy, ông thương tình mời cậu vào nhà, cấp cho ít tiền và viết một phong thư giới thiệu cậu với một người bạn ở tỉnh Bô-ca (8) nhờ ông này tìm cách giúp cậu đi tới Rô-da-ri-ô (9) và gửi cậu đến Quốc-đô-Hoa. Vị ân nhân ở Bô-ca lại cho cậu một tấm thiếp để đưa cho một người bạn thân ở thành Rô-da-ri-ô. Sau 3 ngày và 4 đêm đi thuyền trên sông Pa-ra-na (10), cậu tới thành phố Rô-da-ri-ô vào một buổi sáng. Thành phố này ở ngay bờ sông, những bóng lầu đài tráng lệ phản chiếu xuống mặt sông coi rất ngoạn mục. Vào thành phố Rô-da-ri-ô, cậu có cái cảm giác như là lộn lại các thành phố khác mà cậu đã qua vì trước mặt vẫn thấy những phố dài dằng dặc, thẳng băng và chia ra các ngả trong một khoảng đất phẳng phiu, hai bên vẫn thấy nhà cửa trắng thấp và diêm dúa như những hoa trang trên bãi bể, trên đầu vẫn thấy những dây điện báo chằng chịt như màng nhện.

Cậu tìm được đến vị cứu tinh ghi trong tấm thiếp, vào hỏi thì người quản gia đáp :

- Ông chủ và cả gia quyến vừa mới về quê ở Buê-nô-de rồi.

Cậu thất vọng kêu :

- Chết chửa ! Tôi làm thế nào bây giờ ? Tôi một thân một mình đến đây, cần gặp ông chủ để người giúp cho một việc...

Người quản gia sừng sộ :

- Đã bảo đi vắng ! Giúp cái gì ? Ở đây đã thừa dân Ý lắm rồi ! Mày trở về nước Ý mà xin ăn!

Cậu cực nhục vô cùng, xách va-li trở ra, óc rối bời bời.

Biết làm thế nào bây giờ ? Từ Rô-da-ri-ô đến Quốc-đô-Hoa còn cách một ngày xe lửa nữa mà trong túi chỉ còn có vài lira.

Buồn và mệt, cậu đặt cái va-li xuống hè, ngồi lên trên, lưng dựa vào tường, hai tay bưng mặt...

Chợt có người đến vỗ vai hỏi bằng tiếng Ý :

- Ngồi làm gì đây ?

Cậu ngẩng nhìn thì ra ông lão đồng hương đã cùng đi với cậu một chuyến tàu.

Cậu kể hết sự tình, ông già nghĩ được một diệu kế. Ông liền đưa cậu vào khách sạn "Ngôi sao nước Ý" giữa lúc những kiều dân Ý đang ăn uống. Ông giới thiệu cậu là đứa con nhỏ đã vượt trùng dương và chịu đói khát để tìm mẹ. Ai cũng có lòng thương hại cậu, vì thế trong có mười phút đã thu được 40 lira.

Sáng hôm sau, cậu lên tàu đi Rô-da-ri-ô, chập tối thì đến nơi.

Nhờ một vị linh mục trỏ đường, cậu tìm đến nhà kỹ sư Mễ-Cơ-Niên gõ cửa, có một bà già cầm đèn ra hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha :

- Hỏi ai ?

Cậu đáp :

- Tôi hỏi ông kỹ sư Mễ-Cơ-Niên.

Bà già khoanh tay vào ngực, lắc đầu đáp :

- Em cũng hỏi ông Mễ-Cơ-Niên à ? Đã ba tháng nay người ta cứ đến nhiễu mãi. Những tin đăng báo vẫn chưa đủ à ? Dễ thường phải yết thị khắp các phố phường là ông Mễ-Cơ-Niên đã dọn đi Tuy-quy-măng (11) rồi người ta mới để yên ?

Nhĩ-Kha phát uất nói :

- Trời ơi ! Có lẽ tôi phải chết ở đây và không được nhìn mặt mẹ tôi !... Xin bà làm ơn bảo giùm tỉnh ấy ở đâu ? Và cách bao xa ?

- Thành Tuy-quy-măng cách đây bốn năm trăm dặm.

Nhĩ-Kha nức nở khóc .

Bà già thương hại bảo :

- Nhà số 3 đầu phố này có người lái buôn thường chở hàng bằng xe bò đi Tuy-quy-măng. Em thử lại hỏi xem họ có cho đi nhờ không ?

Nhĩ-Kha lại hỏi thì người lái buôn bảo :"Hết chỗ rồi !"

Trong lưng chỉ còn 15 lira, cậu kêu van với người lái buôn xin đưa cả và đi đường có việc gì xin làm giúp.

Người lái buôn nói :

- Ta không đi Tuy-quy-măng. Lần này, ta đưa hàng đi Săng-ta-gô. Vậy đến chỗ rẽ thì em xuống. Nhưng còn phải đi bộ đến 20 ngày nữa mới đến Tuy-quy-măng, em có đi được không ? Đường vắng và khó đi lắm !

- Thưa ông, được. Tôi chịu được tất cả, miễn là tìm thấy mẹ tôi !...

- Được, thế hôm nay em ngủ ở xe, mai đi sớm.

Bốn giờ sáng hôm sau, dưới trời sao lấp lánh, một đoàn xe mỗi chiếc do 6 con bò kéo cùng một đàn bò để thay phiên, khởi hành trong một bầu không khí tĩnh mịch.

Khi đi đường, Nhĩ-Kha thường bị những phu xe sai bảo và hành hạ. May nhờ được người chủ có nhân đạo, bọn kia cũng không dám quá tay và mấy hôm bị chứng sốt rét, cậu được trông nom tử tế.

Ngày thứ 16 là hôm cậu khỏi bệnh và cũng là hôm cậu phải rời đoàn xe để về lối Tuy-quy-măng.


Sau mấy câu dặn dò, người chủ xe bắt tay từ biệt.

Nhĩ Kha một mình lủi thủi xách va-li đi về phía tây, trong dạ buồn rầu.

Nhưng một điều làm cho cậu phấn khởi đôi chút là trước mắt cậu, ở chân trời hiện ra một dãy trường sơn, ngọn cao và trắng coi tựa dãy An-sơn (13), cậu tưởng tượng như được ở gần quê hương cậu. Nhưng nào có phải là An-sơn đâu, chính là dãy núi Ăng-đơ (14) tục gọi là "sống lưng" của Tân thế giới, đi từ Xích địa miền Nam cho đến Băng dương miền Bắc.

Hôm thứ nhất Mã-Nhĩ-Kha đi cho đến lúc kiệt lực rồi nằm ngủ ở cạnh gốc cây. Hôm sau lại khởi hành nhưng chậm hơn và kém phần hăng hái. Hôm thứ ba: giầy rách chân đau, dạ đói ! Tối đến, cậu giật mình thon thót vì người ta nói ở đây lắm rắn độc !

Mặc dầu mỏi mệt, đói khát, cậu vẫn cố đi, đi mãi, đi qua những chòm cây lạ mắt, qua những đồng mía xanh tươi, qua những đồng cỏ mênh mông, trước mặt vẫn nhìn thấy ngọn núi xanh lởm chởm trong nền trời không vẩn một đám mây.

Bốn hôm, năm hôm, một tuần lễ qua. Sức cậu đã cùng. Chân cậu đổ máu. Thì chiều hôm ấy, người ta bảo cậu :

- Tuy-quy-măng còn cách đây 50 dặm.

Mã-Nhĩ-Kha mừng rỡ reo lên và đi rảo bước, bụng bảo dạ :

- Mẹ ơi bây giờ mẹ ở đâu ? Mẹ có biết con đang ở gần mẹ không ?

Khốn nạn thay cho Nhĩ-Kha! Nếu cậu biết rõ tình trạng mẹ cậu lúc này thế nào thì cậu muốn mọc ngay cánh để kịp bay đến cạnh người.

Lúc ấy, bệnh tình mẹ cậu đang ở trong thời ký trầm trọng. Vợ chồng viên kỹ sư Mễ-Cơ-Niên đang đứng bên giường bệnh khuyên bệnh nhân nên để cho Bác sĩ mổ thì mới có cơ qua khỏi .

Bệnh nhân đáp :

- Cám ơn ông bà có lòng nhân đức trông nom tôi tựa người nhà. Nhưng tôi không còn đủ sức để chịu sự mổ xẻ. Tôi sẽ chết. Xin ông bà để yên cho tôi chết. Chồng con tôi không có tin tức, chắc bị tai biến gì đây... Tôi còn sống làm gì ?...

Vợ chồng viên kỹ sư cố nài hai ba lần nữa, song bà ta chỉ khóc và ngất đi.

Ông bà Mễ-Cơ-Niên hết sức chăm sóc cho người mẹ đáng khen ấy đã vì sinh kế của gia đình đem thân đến một nơi xa quê hương hơn 3000 dặm, sau khi chịu bao nhiêu nỗi cơ khổ gian lao !

Sáng sớm hôm sau, va-li đeo trên lưng, Nhĩ-Kha, hốc hác và rách rưới, thất thểu vào thành Tuy-quy-măng, một thành phố mới mở vào hạng phồn thịnh nhất nước Á-căn-đình.

Nhĩ-Kha đang ngẩn ngơ chưa biết hỏi ai, bỗng thấy một cửa hàng ngoài đề chữ Ý, cậu liền đánh bạo vào hỏi :

- Thưa ông, ông có biết nhà ông kỹ sư Mễ-Cơ-Niên ở đâu, xin ông làm ơn bảo giúp ?

Chủ hiệu đáp :

- Ông Mễ-Cơ-Niên không ở đây nữa.

Mã-Nhĩ-Kha choáng người, kêu lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất.

Chủ hiệu đỡ dậy, hỏi chuyện rồi bảo :

- Em đừng nản lòng. Ông kỹ sư tuy không ở Tuy-quy-măng nữa, nhưng ở gần đây, đi bộ vài giờ thì tới nơi.

- Thưa ông, ở đâu ? Ở đâu ?

- Ở bờ sông San-lô-đô (15). Ở đấy người ta đang xây một nhà máy làm đường. Kỹ sư ở khu bên cạnh. Đến đấy hỏi ai cũng biết.

Một người hàng xóm nghe tiếng kêu vừa chạy sang thấy vậy nói tiếp :

- Hai tuần lễ trước tôi đã vào đấy, có gặp kỹ sư.

Cậu hỏi luôn :

- Thế anh có gặp U già nhà kỹ sư, người Ý không?

- Có , tôi có trông thấy !

Cậu sung sướng quá vừa khóc vừa nhẩy lên.

Mọi người khuyên cậu nên nghỉ ngơi cho lại sức, mai sẽ đi San-lô-đô. Nhưng cậu khăng khăng nói :

- Cảm ơn các ông. Tôi đi cốt để tìm mẹ tôi ! Dù chết ngay giữa đường, tôi cũng đi !

Vài phút sau, va-li lại đeo trên lưng, cậu khập khiễng lên đường, rồi biến trong đám cây rậm rạp.

Đêm ấy là đêm ghê gớm nhất cho bệnh nhân. Bà đau đớn, rên rỉ, lắm lúc mê man. Bác sĩ bảo : bà đau về chứng bệnh thì ít mà về tinh thần thì nhiều.

Sáng hôm sau, ông bà Mễ-Cơ-Niên lại đưa bác sĩ vào thăm. Bác sĩ khuyên :

- Nếu bà cho mổ thì thế nào cũng khỏi, bằng không thì không còn phương gì cứu được nữa.

Bà ta lắc đầu nói trong hơi thở :

- Cảm ơn bác sĩ, tôi còn có can đảm để đợi chết, chứ không còn lúc để chịu đau đớn một cách vô ích. Xin bác sĩ cho tôi chết yên lặng thì hơn !

Xong bà quay lại trối với bà chủ :

- Thưa bà, sau khi tôi chết rồi, xin bà làm ơn nhờ tòa lãnh sự Ý gửi ít tiền tôi để dành về cho chồng con tôi. Tôi mong rằng chồng con tôi vẫn được bình yên. Và bà nhớ bảo giúp rằng lúc lâm chung tôi vẫn nhớ đến chồng tôi, hai con tôi (16), và nhất là thằng Nhĩ-Kha!...

Ngoài phòng có tiếng động. Mấy phút sau, bác sĩ và ông Mễ-Cơ-Niên cùng vào, nét mặt có vẻ khác. Hai người nói nhỏ với nhau :"Đỡ ngay lập tức " ! Bệnh nhân không hiểu sao cả.

Ông Mễ-Cơ-Niên cất tiếng run run nói :

- Chị Hy-Diệp ơi ! Tôi có một tin hay muốn báo cho chị biết. Chị hãy định thần lại để nhận tin ấy. Tin ấy sẽ làm cho chị được hài lòng.

Con ngươi bệnh nhân mở rộng .

- Chị hãy sửa soạn để tiếp một người... một người mà chị yêu mến nhất !

Bà Hy-Diệp sẽ ngẩng đầu lên nhìn tứ phía.

Kỹ sư nói tiếp :

- Người ấy đã lăn ngòi noi nước đến đây một cách bất ngờ... và đã ở đây rồi !

Bệnh nhân thở hổn hển hỏi :

- Ai ? Ai thế ?

Tức thì Nhĩ-Kha rách rưới, lấm láp, ở ngoài bước vào. Bác sĩ đứng ở trong cửa, cầm cánh tay cậu giữ lại.

Bệnh nhân kêu ba lần :

- Chính con tôi ! Con tôi ! Con tôi !

Nhĩ-Kha chạy vào, như có phép thần thông giúp đỡ, mẹ cậu nhỏm dậy ôm lấy cậu như một con hổ đói mồi, vừa cười vừa khóc, hôn cậu và hỏi :

- Sao con lại đến đây ? Con độ này lớn quá ! Ai đưa con đi ? Hay con đi một mình ? Con có ốm không ? Chính con là Nhĩ-Kha của mẹ? Không phải là giấc mộng chứ ? Con nói cho mẹ hay...

Nói đến đây bà chợt đổi giọng bảo :

- Khoan đã ! Con sẽ nói sau.

Rồi quay sang bảo bác sĩ :

- Thưa bác sĩ, bây giờ tôi muốn khỏi bệnh. Tôi sẵn sàng để ngài cứu cho... Xin ngài cấp cứu cho... Con hãy ra ngoài đợi một lát...

Kỹ sư đưa Nhĩ-Kha ra.

Bác sĩ và y sĩ ngoại khoa mang các khí dụng vào và đóng cửa phòng lại.

Lát sau bác sĩ hớn hở ra phòng bảo Nhĩ-Kha :

- Mẹ con đã được cứu thoát !

Mã-Nhĩ-Kha liền quỳ trước mặt bác sĩ khóc nức nở, nói :

- Đội ơn bác sĩ đã cứu sống mẹ con !

Bác sĩ đỡ Nhĩ-Kha dậy và khen :

- Con hãy đứng dậy. Con thực là một đứa trẻ phi thường. Chính con đã cứu sống mẹ con !

-------------------------------
1) Gênes, 2) Buenos Airès, 3) République Argentine, 4) Plata, 5) Lombardie, 6) Losartes, 7) Cordova, 8) Bac, 9) Rosario, 10) Parana, 11) Tucuman, 12) Santiago del Estero, 13) Alpes là dãy núi lớn phân địa giới bốn nước Ý, Pháp, Thụy-sĩ và Đức, trên có ngọn Bạch-sơn 4810m, cao nhất các núi Âu-châu. 14) Andes chính là dãy núi theo dọc bờ biển phía tây Nam Mỹ, đây gọi gồm cả dãy núi Rocheuses ở Bắc Mỹ. 15) Salladilio. 16) Mã-Nhĩ-Kha còn người anh cả nữa đã đi làm được và cần thiết cho gia đình, không bỏ đi tìm mẹ được.


Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Ở nhà (VIII)


An cho Vũ đi theo không ngoài mục đích nhờ nó làm nhân chứng cho vụ cãi nhau tối qua. An dặn: “Chỉ cần mày kể đúng là được rồi, còn mẹ mắng, tao chịu.”

Hôm qua, từ sáng, một đám bạn của dì với xe cộ ồn ào đã đến, khi ấy An và Châu đã đi cả. Một người trách: “Gớm, trốn gì mà xa thế?” Rồi mọi người khen: “Vườn nhiều cây nhỉ, có gì ăn được không?” Dì khoát tay: “Đấy, muốn làm gì thì làm, ổi ở ngoài bờ ao có mấy cây đấy!” Vũ đứng giữa nhà, tiếc đến đứt ruột mà líu lưỡi không thành tiếng, nó đành chạy theo cái đám người ấy ra ngoài bờ ao, một chú loắt choắt trèo lên cái chạc ba, bứt một quả xanh, cắn thử một miếng rồi nhăn mặt than: “Chát quá!” Quả ổi bay vèo xuống nước, mấy cô bạn của dì cười: “Thử như thế thì hết cây!” Rồi mấy cô ấy, vì không leo cao được nên đành đứng ở dưới lắc cành hoặc với lấy cái sào mà đập túi bụi, rụng được một quả ổi con thì cũng tan nát không biết bao nhiêu là hoa. Vũ đau lắm, nó đề nghị: “Để con trèo lên hái cho!” Người lớn gạt ngay: “Thôi, con nít, để đây hái, vậy mới vui!” Một chú bảo: “Đem cái súng bắn chim lại đây, tao thử bắn con bói cá này xem sao!” Người ta xách từ xe lại cho chú cái súng dài, báng nâu bóng loáng. Trên cành xoài vươn ra bờ ao, một con bói cá xanh niềng niễng đứng lặng im, rình rập; dưới đất, mấy con gà đi lại vơ vẩn. Chú ấy cầm súng lên, ngắm rất ra vẻ, Vũ bảo: “Coi chừng bắn chết gà của cháu!” Mọi người cười: “Cái thằng này ăn nói nhảm nhí!” Rồi lại bảo: “Không khéo nó nói đúng!” Bụp! Con bói cá bay mất, chỉ có lá xoài rụng xuống ao. Có ai đó chê: “Thế mà cũng bắn! Mày bắn thử vào đây xem có trúng không?” rồi chỉ vào cái ca đỏ để trên nắp lu dưới tàn bưởi. Vũ lại kêu lên: “Đừng bắn vào đấy, vỡ!” Chú cầm súng nhìn nó: “Ơ, cài thằng này, giữ của cứ y như đàn bà thế à!” Lần này thì chú bắn trúng, cái ca con vỡ toang, mọi người vỗ tay, dì Út còn khen: “Giỏi lắm!” Vũ lẩm bẩm: “Cháu nói là vỡ mà!” – “Thì để tôi mua đền cho cu cậu vậy!” Chú bắn chim nói rồi lại giương súng ngắm chậu mẫu tử. Một cô nói: “Tôi thách ông bắn rụng cái chùm mẫu tử thò xuống kia đấy!” Thế là chú ấy bóp cò, chùm mẫu tử cũng rụng ngay lập tức, dì Út vỗ vai chú: “Trổ tài thế là đủ rồi, vào nhà đánh bài đi!” Nói xong câu ấy là có ngay một chú, mặc áo đen, lại mở cái yên xe Simson lên, lôi ra một bộ bài, chẳng ai tỏ vẻ ngạc nhiên cả, hình như họ quen thế rồi, đi đâu cũng phải có đủ chừng ấy thứ mới vui. Vừa ngồi xuống, chú bắn chim lại nói: “Vô duyên thật. Lên đây mà lại ru rú ở nhà. Gần đây có cái quán nào mát mẻ không? Ra đấy đánh bài cho vui!” Mọi người khen: “Khôn đấy”, rồi lại ùa ra xe, để lại Vũ ngẩn ngơ nhìn theo, rồi nó thơ thẩn lại gần mấy gốc ổi, ngước mắt tìm xem còn sót lại quả nào không. Nhìn những cành cây xơ xác, nó muốn òa ra khóc, rồi thấy chẳng có ai để làm nũng và khóc thì thật chẳng ra làm sao cả, nó quay vào nhà, ngồi giữa cảnh ngổn ngang, đợi các chị về để mách tội.

Trở về lúc mười hai giờ trưa, dì Út chỉ còn đi cùng với chú Hoài. Thấy hai đứa em lầm lầm lỳ lỳ, Châu đâm áy náy và tự nhiên lo cho dì. Nó lí nhí hỏi: “Dì, chú ăn cơm nhé?” – “Ăn rồi!” Đến giờ đi học An và Vũ đi ngang, chào: “Thưa dì, chú, con đi” vẫn bằng cái mặt lỳ lỳ, Châu ra khóa cửa cho hai em, trở vào, dì hất hàm: “Tụi nó làm sao vậy?” Châu cười, bối rối: “Chắc tụi nó cãi nhau” Dì lườm ra phía cửa: “Đúng là con nít!” Chú Hoài cười: “Cũng như em chứ gì?” rồi hai người liếc nhau cười, ứ á. Châu ngượng quá lủi mất vào nhà, nó nghĩ, thật tội nghiệp cho thằng Vũ, cả một buổi sáng đã phải chịu đựng những cảnh này.

… An thanh minh với mẹ: “Đáng lẽ con không hỗn thế đâu, nếu dì không vứt nhà đi chơi, bắt chúng con ở ngoài!” Nó nhớ chiều qua, tan trường về, vừa mệt, vừa đói, hai chị em phải thơ thẩn ngồi đợi vì không ai mở cửa. Thằng Vũ còn chạy chơi được chứ An, An cáu, An ngồi đợi, mặt giận dữ và tưởng tượng ra trước một trận cãi nhau với dì Út đến nảy lửa. Trời chiều, nhạn đen bay tít trên cao trong ráng vàng, Châu cũng đã về, nó chỉ bảo: “Dì ham chơi quá!” rồi cúi mặt nghĩ vẩn vơ. Châu sợ, sáng mai, rủi các bạn của nó cũng nghịch ngợm như các bạn của dì, khi ấy, nó sẽ ăn nói ra sao?...

Sáu giờ rưỡi, chú Hoài thả dì trước cửa rồi phóng xe đi mất. Dì trợn mắt: “Ủa, đợi hả? Tội chưa!” Không chịu được, An đứng vùng dậy, nó sưng sỉa: “Dì đưa khóa đây cho con!” – “Đừng có hỗn!”, dì chậm rãi nhìn ba đứa, thế là An òa ra khóc, ai cũng sững sờ, cả nó, nó cũng thấy sao mà mình điên thế này, yếu thế này, thế là nín bặt. Dì hỏi: “Làm gì mà dữ vậy? Hư xe về trễ một chút không được sao?” – “Dì vứt nhà đi chơi, vậy lên đây với tụi con làm gì? Để tụi con với nhau cũng được rồi, dì về nhà dì đi!” Dì cười: “Dễ, khỏe! Mày nhớ mày đuổi tao nhé!” rồi dì quay sang nhìn Châu, nó chỉ biết cúi mặt né tránh, chân di di mấy hòn sỏi. Thôi, dì về cũng phải, nó cũng mong dì đừng nói thêm tiếng nào kẻo An ta lại phun luôn chuyện đám bạn sáng nay đã phá ổi của nó, bắn vỡ ca của nó, bắn rụng cây cảnh của nó… thì thêm mệt.

Dì đi, mấy đứa trẻ hàng xóm lại thì thào: “Mới cãi nhau đấy!” Rồi chúng nó nhìn nhau: “Tại sao con An lại khóc nhỉ?”

*

Ngày mẹ về cũng là sinh nhật của An, mẹ bảo: “Đáng lẽ mai mới được về nhưng mẹ xin ra trước.” Sinh nhật, An có rất nhiều quà, đầu tiên là bà ngoại gởi cho tiền để chị em muốn làm bánh trái gì thì làm, rồi đúng trưa, anh đưa thư mang đến cái phong bì có ghi: “Xin đừng gấp, cảm ơn!” của bố. Một cái thiệp cho An vẽ con mèo đang phồng mang trợn má thổi nến, một cái thư viết cho cả nhà và cho riêng An, hẹn sẽ có quà sau. Đọc thư, Châu thở dài: “Thế là bố không biết chuyện mẹ ốm rồi. Cái thư của tụi mình lạc đâu rồi nhỉ?”

… Châu hỏi: “Em thích quà gì?” rồi nói thêm: “Đừng đắt quá đấy nhé!” Hai chị em dẫn nhau ra hàng tạp hóa ông Tàu, An xin chị một quyển sổ ca rô thật to, Châu hỏi: “Để làm gì thế?” An cũng không biết để làm gì, có điều, nó thích sổ lắm, quyển nào cũng vẽ vời mấy trang xong cất đấy, lâu lâu bố khen: “Con An có sổ đẹp nhỉ?” là An lại nổi máu giang hồ đem ra cho ngay.

Vũ tặng An cục gôm, lại còn dặn thêm: “Em mới dùng một tý thôi!” Cả nhà cười bảo: “Anh Vũ cứ kẹo như thế này là về sau giàu to đấy!”, thế là An lại phải bênh em: “Không, cục gôm này cũng khó mua được lắm đấy, với lại, con cũng đang không có gôm mà!” Mẹ nghe và nghĩ bụng: “An đã lớn rồi!”

An hỏi: “Cả nhà muốn ăn gì?” Châu bảo: “Mình hoãn lại đi, mẹ mới ra viện, cái bụng còn yếu lắm. Khi nào mẹ khỏe, tụi mình làm lại cũng được mà!” Vũ phụng phịu nhưng không dám nói gì, An an ủi nó: “Nói thế thôi chứ hôm nay chị cũng mua trước một ít bánh kẹo mà!” Vậy là đến chiều, nó đã vác về đủ thứ lắt nhắt, có cả một gói nến con xanh đỏ: “Em sẽ thổi!” Châu cười: “Đua đòi quá nhỉ!”

Sinh nhật. Một cái đĩa con và 12 cái nến bé tẹo. An băn khoăn: “Con biết nói gì đây hả mẹ?” – “Tùy con!” – “Thôi, con nói thế này nhé! Hôm nay con mười hai tuổi, con chúc mẹ mạnh khỏe!” Châu lại cười: “A! Sinh nhật con mà con lại chúc mẹ!” Mẹ cười: “Sinh nhật An, mẹ chúc An học giỏi, hát được giải, không cần chúc con ngoan vì con ngoan lắm rồi!” – “Con cũng ngoan rồi!” Vũ kêu lên, và An thổi nến, Vũ cũng chỉ đợi có thế, thò tay lấy bánh, và để giải thích cho hành động trơ trẽn này, nó cười giả lả: “Sinh nhật!”


PHAN THỊ VÀNG ANH    


Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Ở nhà (VII)


Hiệp nhớ lại lời hẹn với Châu mà cười một mình. Ấm ớ thật, nhà mình cũng có ao cơ mà, có khi lại còn rộng hơn cả ao nhà Châu ấy chứ! Ao nhà Hiệp lại thả cá đàng hoàng, còn bên Châu toàn là cá ruộng tự động vào ra, biết câu được mấy con? Tóm lại, chỉ là cái cớ!

Vậy là sáng chủ nhật, Hiệp sang Phong từ sớm với cần, với lưỡi đủ cỡ. Mới sáng mà đã mưa, trời âm u đầy mây xám xịt và mưa lúc to lúc nhỏ, rỉ rả không hiểu đến khi nào mới ngừng. Hai đứa sốt ruột nhìn trời, trong bụng lo lắng không hiểu chủ nhà có đợi hay không? Mẹ của Phong đứng trước hiên xỉa răng, chép miệng: “Mưa thế này, hai đứa ở nhà chứ câu cá gì hả?” Rồi bà nói lan man về thời tiết, nắng mưa, hai thằng con trai bụng dạ càng như lửa đốt, ngồi nghe mà không hiểu gì hết.

… Phong đứng dậy, cầm lấy cần câu dựng ở cửa, đội cái mũ “bán đậu phộng” vào rồi ra lệnh: “Đi luôn đi! Mưa thế này, biết đợi đến lúc nào cho cùng!” Hai đứa đạp xe như bay, đất đỏ bắn đầy ống quần, Hiệp lẩm bẩm: “Bẩn thỉu như thế này, đến nhà ai cũng ngại!” Rồi nó cười: “Tao nghĩ hôm nay tụi mình chẳng câu được con nào đâu!”

Ở nhà, Châu và Vân cũng sốt ruột không kém. Sáng nay, Châu đã ra vườn, cắt vào một nắm bóng nước hồng hồng, bẻ vài cây thủy trúc và đi tìm cái bàn chông. Còn An đi ngang nhìn cái đĩa hoa của chị đang cắm dở, kêu lên: “Chị cắm chủ đề gì mà hoa cứ túm tụm lại thế?” Châu bảo: “Thì tao cắm chủ đề Túm Tụm, được chưa?” An bắt chước mẹ, chép miệng: “Chỉ phí hoa!” Vân đứng bên bàn xem Châu trổ tài, đợi An đi khỏi mới thì thào: “Con An nhà mày nanh nọc quá!” Rồi vớt vát: “Nhưng mà nó tốt!”

Vậy là sáng chủ nhật này, tất cả đều nơm nớp sợ An. Châu và Vân thì chỉ lo nó bực điều gì mà tương cho vài câu lỗ mãng trước mặt trước mặt hai bạn trai thì khốn, còn Hiệp và Phong, khi thấy một con bé mặt đanh lại ra mở cửa, nghiêm nghị mời: “Các anh vào nhà!” rồi hỏi: “Các anh vác cần đi đâu đây?” là hai chú đâm rụt rè, thầm đánh giá: “Đối tượng này khó mua chuộc!” Cả Châu và Vân ra đón cũng rụt rè, Châu lí nhí: “Tưởng đâu không tới!” Hiệp cũng lí nhí, cười: “Tới chứ!’. Trời đã ngớt mưa, gà đã quanh quẩn đi lại trong vườn, An đem ra một cái khăn mặt mới thật to đưa Hiệp và Phong, vẫn rất nghiêm trang: “Các anh lau đi!” rồi quay vào nhà ngay. Châu cười, giải thích cho các bạn: “Nó bắt chước mẹ Châu đấy!”

Bốn đứa đi dạo vơ vẩn trong vườn, Hiệp chỉ một nhánh ổi gãy, lá còn tươi, đầy quả nhỏ bị quăng xuống mép ao: “Sao gãy thế kia?” Châu kể: “Hôm qua đấy, bạn dì Út tới chơi, làm một trận náo loạn, rồi về”. Vân hỏi: “Dì Út đâu, sao sáng giờ tao không thấy?” – “Về rồi! Cãi nhau với con An nhà tao đêm qua, về rồi!” Rồi thấy không hay ho gì, nó bảo Vân: “Thôi, dẹp chuyện đó qua một bên, đi câu cá!”

Không ai hỏi thêm tiếng nào nữa, mấy đứa đào giun dưới gốc cây hồng xiêm rồi kê dép ngồi câu. Trên ao, nắng đã hưng hửng, đã nghe tiếng cá đớp lách chách dưới những dề rau muống. Câu cá là phải im lặng, thật im lặng, nhưng ở đây, mấy đứa lại nói chuyện râm ran, khi nào vui thì cười, mà cười là cái cần run rẩy, An tựa cửa sổ, nhận xét: “Chị Châu cười như vậy thì thách tiền cá nó cũng không dám đến!” rồi nó xin: “Em chở thằng Vũ vào mẹ nhé! Cho em đi cái xe đạp cao, xe em nặng lắm!” Châu cười, nhẹ nhõm: “Đi đi, liệu mà kể lại vụ dì Út cho mẹ đấy!” Khi hai chị em An, Vũ dắt xe ra cổng, Châu còn gọi với theo: “An đi xe không được bỏ tay ra nghe chưa?” Không cho thằng Vũ tập xe đâu đấy nhé!” Hai đứa nhấm nháy, An bảo: “Ngồi lên, vịn tao chắc vào!” và Vũ thì thào: “Tý nữa ra đầu hẻm, em chở chị nhé!”

Đến mười một giờ trưa thì tất cả đều đã thấy rằng buổi câu cá thất bại. Thất bại ở đây là không có con cá nào được kéo lên bờ, chứ còn mọi việc đều vui vẻ (cũng có khi tại vui vẻ quá mà không câu được cá cũng nên!). Hiệp bảo: “Vườn nhà Châu bừa bộn quá!” Châu ngượng nghịu: “Thằng Vũ cũng có quét đấy chứ, nhưng nó làm ẩu lắm!” – “Để Hiệp quét!” Chẳng ai cản nó làm gì, chỉ có Phong vừa nhặt củi khô vừa bảo: “Tao nghĩ mà tội cho cái vườn của mày đấy Hiệp ạ! Một năm không biết mày ra thăm nó được mấy lần?” Bọn con gái e lệ mời: “Ở lại ăn cơm!” Hai đứa con trai cũng dịu dàng từ chối, hy vọng được mời thêm tiếng nữa, không ai dám mời thêm nên cũng không ai có thể từ chối thêm. Quét xong vườn, mọi người vào uống nước và ngắm dĩa hoa của Châu, cười khó hiểu, rồi về.

Một ngày vui mơ màng đã qua, và Châu lôi quyển nhật ký giấu đằng sau tủ ra và viết: “Chủ nhật, ngày…, tháng…, năm…,”

*

_________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VIII