An cho Vũ đi
theo không ngoài mục đích nhờ nó làm nhân chứng cho vụ cãi nhau tối qua. An
dặn: “Chỉ cần mày kể đúng là được rồi, còn mẹ mắng, tao chịu.”
Hôm qua, từ
sáng, một đám bạn của dì với xe cộ ồn ào đã đến, khi ấy An và Châu đã đi cả.
Một người trách: “Gớm, trốn gì mà xa thế?” Rồi mọi người khen: “Vườn nhiều cây
nhỉ, có gì ăn được không?” Dì khoát tay: “Đấy, muốn làm gì thì làm, ổi ở ngoài
bờ ao có mấy cây đấy!” Vũ đứng giữa nhà, tiếc đến đứt ruột mà líu lưỡi không
thành tiếng, nó đành chạy theo cái đám người ấy ra ngoài bờ ao, một chú loắt
choắt trèo lên cái chạc ba, bứt một quả xanh, cắn thử một miếng rồi nhăn mặt
than: “Chát quá!” Quả ổi bay vèo xuống nước, mấy cô bạn của dì cười: “Thử như
thế thì hết cây!” Rồi mấy cô ấy, vì không leo cao được nên đành đứng ở dưới lắc
cành hoặc với lấy cái sào mà đập túi bụi, rụng được một quả ổi con thì cũng tan
nát không biết bao nhiêu là hoa. Vũ đau lắm, nó đề nghị: “Để con trèo lên hái
cho!” Người lớn gạt ngay: “Thôi, con nít, để đây hái, vậy mới vui!” Một chú
bảo: “Đem cái súng bắn chim lại đây, tao thử bắn con bói cá này xem sao!” Người
ta xách từ xe lại cho chú cái súng dài, báng nâu bóng loáng. Trên cành xoài
vươn ra bờ ao, một con bói cá xanh niềng niễng đứng lặng im, rình rập; dưới
đất, mấy con gà đi lại vơ vẩn. Chú ấy cầm súng lên, ngắm rất ra vẻ, Vũ bảo:
“Coi chừng bắn chết gà của cháu!” Mọi người cười: “Cái thằng này ăn nói nhảm
nhí!” Rồi lại bảo: “Không khéo nó nói đúng!” Bụp! Con bói cá bay mất, chỉ có lá
xoài rụng xuống ao. Có ai đó chê: “Thế mà cũng bắn! Mày bắn thử vào đây xem có
trúng không?” rồi chỉ vào cái ca đỏ để trên nắp lu dưới tàn bưởi. Vũ lại kêu
lên: “Đừng bắn vào đấy, vỡ!” Chú cầm súng nhìn nó: “Ơ, cài thằng này, giữ của
cứ y như đàn bà thế à!” Lần này thì chú bắn trúng, cái ca con vỡ toang, mọi
người vỗ tay, dì Út còn khen: “Giỏi lắm!” Vũ lẩm bẩm: “Cháu nói là vỡ mà!” –
“Thì để tôi mua đền cho cu cậu vậy!” Chú bắn chim nói rồi lại giương súng ngắm
chậu mẫu tử. Một cô nói: “Tôi thách ông bắn rụng cái chùm mẫu tử thò xuống kia
đấy!” Thế là chú ấy bóp cò, chùm mẫu tử cũng rụng ngay lập tức, dì Út vỗ vai
chú: “Trổ tài thế là đủ rồi, vào nhà đánh bài đi!” Nói xong câu ấy là có ngay
một chú, mặc áo đen, lại mở cái yên xe Simson lên, lôi ra một bộ bài, chẳng ai
tỏ vẻ ngạc nhiên cả, hình như họ quen thế rồi, đi đâu cũng phải có đủ chừng ấy
thứ mới vui. Vừa ngồi xuống, chú bắn chim lại nói: “Vô duyên thật. Lên đây mà
lại ru rú ở nhà. Gần đây có cái quán nào mát mẻ không? Ra đấy đánh bài cho
vui!” Mọi người khen: “Khôn đấy”, rồi lại ùa ra xe, để lại Vũ ngẩn ngơ nhìn
theo, rồi nó thơ thẩn lại gần mấy gốc ổi, ngước mắt tìm xem còn sót lại quả nào
không. Nhìn những cành cây xơ xác, nó muốn òa ra khóc, rồi thấy chẳng có ai để
làm nũng và khóc thì thật chẳng ra làm sao cả, nó quay vào nhà, ngồi giữa cảnh
ngổn ngang, đợi các chị về để mách tội.
Trở về lúc
mười hai giờ trưa, dì Út chỉ còn đi cùng với chú Hoài. Thấy hai đứa em lầm lầm
lỳ lỳ, Châu đâm áy náy và tự
nhiên lo cho dì. Nó lí nhí hỏi: “Dì, chú ăn cơm nhé?” – “Ăn rồi!” Đến giờ đi
học An và Vũ đi ngang, chào: “Thưa dì, chú, con đi” vẫn bằng cái mặt lỳ lỳ,
Châu ra khóa cửa cho hai em, trở vào, dì hất hàm: “Tụi nó làm sao vậy?” Châu
cười, bối rối: “Chắc tụi nó cãi nhau” Dì lườm ra phía cửa: “Đúng là con nít!”
Chú Hoài cười: “Cũng như em chứ gì?” rồi hai người liếc nhau cười, ứ á. Châu
ngượng quá lủi mất vào nhà, nó nghĩ, thật tội nghiệp cho thằng Vũ, cả một buổi
sáng đã phải chịu đựng những cảnh này.
… An thanh
minh với mẹ: “Đáng lẽ con không hỗn thế đâu, nếu dì không vứt nhà đi chơi, bắt
chúng con ở ngoài!” Nó nhớ chiều qua, tan trường về, vừa mệt, vừa đói, hai chị
em phải thơ thẩn ngồi đợi vì không ai mở cửa. Thằng Vũ còn chạy chơi được chứ
An, An cáu, An ngồi đợi, mặt giận dữ và tưởng tượng ra trước một trận cãi nhau
với dì Út đến nảy lửa. Trời chiều, nhạn đen bay tít trên cao trong ráng vàng,
Châu cũng đã về, nó chỉ bảo: “Dì ham chơi quá!” rồi cúi mặt nghĩ vẩn vơ. Châu
sợ, sáng mai, rủi các bạn của nó cũng nghịch ngợm như các bạn của dì, khi ấy,
nó sẽ ăn nói ra sao?...
Sáu giờ rưỡi,
chú Hoài thả dì trước cửa rồi phóng xe đi mất. Dì trợn mắt: “Ủa, đợi hả? Tội
chưa!” Không chịu được, An đứng vùng dậy, nó sưng sỉa: “Dì đưa khóa đây cho
con!” – “Đừng có hỗn!”, dì chậm rãi nhìn ba đứa, thế là An òa ra khóc, ai cũng
sững sờ, cả nó, nó cũng thấy sao mà mình điên thế này, yếu thế này, thế là nín
bặt. Dì hỏi: “Làm gì mà dữ vậy? Hư xe về trễ một chút không được sao?” – “Dì
vứt nhà đi chơi, vậy lên đây với tụi con làm gì? Để tụi con với nhau cũng được
rồi, dì về nhà dì đi!” Dì cười: “Dễ, khỏe! Mày nhớ mày đuổi tao nhé!” rồi dì
quay sang nhìn Châu, nó chỉ biết cúi mặt né tránh, chân di di mấy hòn sỏi.
Thôi, dì về cũng phải, nó cũng mong dì đừng nói thêm tiếng nào kẻo An ta lại
phun luôn chuyện đám bạn sáng nay đã phá ổi của nó, bắn vỡ ca của nó, bắn rụng
cây cảnh của nó… thì thêm mệt.
Dì đi, mấy
đứa trẻ hàng xóm lại thì thào: “Mới cãi nhau đấy!” Rồi chúng nó nhìn nhau: “Tại
sao con An lại khóc nhỉ?”
*
Ngày mẹ về
cũng là sinh nhật của An, mẹ bảo: “Đáng lẽ mai mới được về nhưng mẹ xin ra
trước.” Sinh nhật, An có rất nhiều quà, đầu tiên là bà ngoại gởi cho tiền để
chị em muốn làm bánh trái gì thì làm, rồi đúng trưa, anh đưa thư mang đến cái
phong bì có ghi: “Xin đừng gấp, cảm ơn!” của bố. Một cái thiệp cho An vẽ con
mèo đang phồng mang trợn má thổi nến, một cái thư viết cho cả nhà và cho riêng
An, hẹn sẽ có quà sau. Đọc thư, Châu thở dài: “Thế là bố không biết chuyện mẹ
ốm rồi. Cái thư của tụi mình lạc đâu rồi nhỉ?”
… Châu hỏi:
“Em thích quà gì?” rồi nói thêm: “Đừng đắt quá đấy nhé!” Hai chị em dẫn nhau ra
hàng tạp hóa ông Tàu, An xin chị một quyển sổ ca rô thật to, Châu hỏi: “Để làm
gì thế?” An cũng không biết để làm gì, có điều, nó thích sổ lắm, quyển nào cũng
vẽ vời mấy trang xong cất đấy, lâu lâu bố khen: “Con An có sổ đẹp nhỉ?” là An
lại nổi máu giang hồ đem ra cho ngay.
Vũ tặng An
cục gôm, lại còn dặn thêm: “Em mới dùng một tý thôi!” Cả nhà cười bảo: “Anh Vũ
cứ kẹo như thế này là về sau giàu to đấy!”, thế là An lại phải bênh em: “Không,
cục gôm này cũng khó mua được lắm đấy, với lại, con cũng đang không có gôm mà!”
Mẹ nghe và nghĩ bụng: “An đã lớn rồi!”
An hỏi: “Cả
nhà muốn ăn gì?” Châu bảo: “Mình hoãn lại đi, mẹ mới ra viện, cái bụng còn yếu
lắm. Khi nào mẹ khỏe, tụi mình làm lại cũng được mà!” Vũ phụng phịu nhưng không
dám nói gì, An an ủi nó: “Nói thế thôi chứ hôm nay chị cũng mua trước một ít
bánh kẹo mà!” Vậy là đến chiều, nó đã vác về đủ thứ lắt nhắt, có cả một gói nến
con xanh đỏ: “Em sẽ thổi!” Châu cười: “Đua đòi quá nhỉ!”
Sinh nhật.
Một cái đĩa con và 12 cái nến bé tẹo. An băn khoăn: “Con biết nói gì đây hả
mẹ?” – “Tùy con!” – “Thôi, con nói thế này nhé! Hôm nay con mười hai tuổi, con
chúc mẹ mạnh khỏe!” Châu lại cười: “A! Sinh nhật con mà con lại chúc mẹ!” Mẹ
cười: “Sinh nhật An, mẹ chúc An học giỏi, hát được giải, không cần chúc con
ngoan vì con ngoan lắm rồi!” – “Con cũng ngoan rồi!” Vũ kêu lên, và An thổi
nến, Vũ cũng chỉ đợi có thế, thò tay lấy bánh, và để giải thích cho hành động
trơ trẽn này, nó cười giả lả: “Sinh nhật!”
PHAN THỊ VÀNG ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét