Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Ở nhà (VI)


… Rồi nghỉ hè, vào lớp bảy, cả lớp bầu An làm lớp phó học tập kiêm trưởng ban văn nghệ. Ban văn nghệ, An cũng chẳng hiểu nó gồm những ai, chỉ thấy mình nắm cái chức ấy trong tay mà quanh năm chẳng có việc gì làm, có chăng là từ đó, An không bao giờ được từ chối mỗi khi bị chỉ lên hát, từ chối, cả lớp lại nhao nhao: “Phải làm gương chứ!” Còn nếu như nói dối: “Tôi bị viêm họng!” thì thế nào cũng có một đứa phá bĩnh: “Tao mới thấy mày ăn kem đá giờ ra chơi!”

Cho đến hôm vừa rồi, trường phát động thi văn nghệ và làm báo tường. Các lớp nô nức thi nhau tập múa, giấu giấu diếm diếm các tiết mục như sợ đứa nào cuỗm mất. Xuân Ánh, như một gián điệp chính cống, về lớp kể: “Lớp nào cũng múa quạt hay hoa gì đó, kiểu đứng thành vòng tròn rồi quay quay đưa lên hạ xuống… giống như trong cải lương gì nhỉ…?” Cả bọn kêu lên: “À! Trong “Bên cầu dệt lụa!” Xuân Ánh thở ra: “Ừ, đúng rồi, giống nhau, chán chết!” Bàn qua tính lại, cuối cùng cả lớp hát đồng ca, bảo rằng như thế vừa đông vừa vui, dễ được giải mà lại không sợ bị quê nếu hát dở, cùng lắm, mọi người chỉ nói: “Lớp 72 hát tệ quá!” chứ cũng chẳng nghĩ ra được cụ thể đứa nào hát không hay cả!

Tưởng đã xong, không ngờ cả lớp lại còn cái tư tưởng tiếc của: “Lớp mình nhiều đứa hát hay thế mà lại chỉ đồng ca!” Cô giáo bảo: “Hát dân ca ba miền nhé cho không giống ai. Lớp mình có Như Nguyện mà!” Tôn Nữ Như Nguyện, cái tên nghe đã có cảm giác vua chúa luẩn quẩn đâu đó, nhỏ nhẹ từ chối: “Em hát ẹ lắm, cô ơi!” Cô cũng biết tỏng là nó nói vậy thôi nên giả như xuống nước: “Giúp lớp đi em, em xem, cả lớp không ai hát được bằng tiếng Huế cả!” Như Nguyện cười, như cái cười của một vị cứu tinh…

Thế là buổi tối, An, Nguyện, Sương mỗi đứa đã có trong tay một tờ giấy cô chép cho bài dân ca để tập hát. Ở nhà, An không còn ê a các bài linh tinh nữa, cả buổi chỉ lập đi lập lại một lời: “Hỡi bạn đường xa, hái hoa (mà) cho khéo, hoa nào (mà heo) héo, thì hái (chứ) bỏ đi, chứ để (mà) làm chi, í i ì… hoa tàn… Tang tang tang tính tang tình tang tang…” Vũ sốt ruột, hỏi: “Sao chị cứ hát mãi bài gì lạ thế?” An ngượng chin người, rồi nó nhủ thầm: “May mà không ai biết mình sắp đi thi bài này!”

Hát được chưa phải là đã xong, lại còn cái khoản quần áo mặc làm sao cho hợp. Mẹ hỏi: “Thế ba đứa mặc gì để hát dân ca?” An buồn bã: “Nguyện nó có cái áo dài màu vàng đẹp lắm, nó mặc vừa khít, con với cái Sương không có, cô đi mượn ở đâu về không biết, mặc chẳng đẹp tý nào, rộng ơi là rộng! Mà thôi, mặc tạm vậy!” An nhớ hôm thử áo ở nhà cô, có cái chị nào lớn lớn ở dưới nhà chạy lên nhìn Sương và An, cười to: “Ối, giống hai cụ lý đi ăn cỗ quá!” Cô đang hướng dẫn cho mấy đứa phe phẩy cái quạt con, cũng phải lùi ra, ngắm lại rồi công nhận: “Ừ, giống thật!” Cuối cùng, An có vẻ rất cân nhắc khi quyết định với mẹ: “Có lẽ thi hát xong, con sẽ từ chức!” Mẹ quên mất, hỏi: “Chức gì?” An bực bội lắm vì mẹ chằng nhớ gì đến chức vụ của nó cả, nó làu bàu: “Chức trưởng ban văn nghệ ấy!” Rồi thở dài rất ra vẻ mà kết luận: “Mệt lắm rồi!”

*

Hơn một giờ rưỡi nhưng phải đến hai rưỡi cả lớp mới khởi hành được. Đi thăm người ốm mà cứ như đi cắm trại, cũng quần áo đẹp, cũng làm bộ làm tịch ai chở ai… Đi được nửa đường thì trời đổ mưa, cả bọn đứng khép nép trú dưới mái hiên, trên đường, vài thằng loi choi đạp xe như bay, người vặn vẹo, thỉnh thoảng lại buông hai tay vuốt nước trên mặt rồi tiếp tục gò lưng đuổi nhau, rú rít ầm ĩ, mấy đứa con trai lớp Châu nhìn theo bực bội và ra vẻ coi thường, kiểu như muốn nói: “Tại tao đang bận, chứ không, bọn mày đừng hòng đua với tao!”

Vào đến bệnh viện là ba giờ rưỡi. Ở đây, mưa cũng vừa tạnh, không khí mát mẻ và sạch sẽ, vài bệnh nhân mặc những bộ quần áo trắng đã ngả mầu ngồi chơi trên ghế đá, mỉm cười mơ hồ khi nhìn thấy cái lũ trẻ mạnh khỏe này đi ngang, tò mò nhìn vào từng giường. Châu e thẹn: “Mẹ ơi, lớp con đến thăm!” Mẹ cười, ngồi dậy quấn lại tóc, nhìn cả đám láo nháo đang gật đầu chào: “Bác ạ!” Mấy đưa đun đẩy nhau ra tuyên bố lý do, nhì nhèo mãi cuối cùng thấy một đứa cao lêu khêu, đeo kính cận dày cộp, ôm một gói to bước lên vài bước, nó hắng giọng trong khi bọn con gái bấm nhau cười nhè nhẹ: “Hôm nay lớp con đến thăm bác…”. Sau khi tuyên bố xong, không khí thoải mái hẳn. Bác Ngà bảo: “Các cháu ngồi lên giường này! Bác ra ngoài cho mát một tý!” Châu chỉ: “Mẹ ơi, đây là Trúc lớp phó. Đây là Phương, ngồi cạnh con…” Trong cả đám láo nháo ấy, mẹ không nhớ kỹ được ai, chỉ nhận ra được con Vân, mọi khi vẫn đến nhà trèo ổi, giờ cũng khép nép bên mép giường. Mẹ cũng để ý đến cái đứa tên Hiệp, ngồi núp sau lưng mấy đứa bạn, ngày thường, nghe Châu kể chuyện, nó nhanh nhảu lắm cơ mà!

… Cả lớp cứ thế ngồi rù rì từng cụm với nhau. Thỉnh thoảng, một đứa nghĩ ra câu gì đấy để hỏi, đại loại: “Bác ở đây, chừng nào được về?” Hay: “Đêm ngủ có nhiều muỗi không, hả bác?” thì những đám rì rầm tạm im, mỉm cười nhẹ nhàng mà nghe câu trả lời… Cứ e thẹn, rù rì như  vậy đến mười lăm phút thì lại đun đẩy nhau, lại đẩy ra cái anh chàng lênh khênh cận thị lúc nãy để nói lời bế mạc, lần này thì hùng hồn hơn lần trước, rồi cả đám ào ào “chào bác” và về, bước ra khỏi cửa đã thấy bọn trẻ con đổi khác, như được sổng chuồng, thoát khỏi các nghi lễ tốt đẹp nhưng khó mà thoải mái vừa rồi.

Còn lại Châu với mẹ, bác Ngà cũng đã vào, khen: “Mấy đứa bạn cháu ngoan quá, ra về thưa gởi đàng hoàng lắm…” Mẹ hỏi: “Bạn con, cái đứa đeo kính cận là ai thế, mẹ quên mất rồi, Mẫn phải không?” Châu gắt: “Mẹ chẳng nhớ gì cả, thằng Mẫn ngồi ở đầu giường ấy, đấy là thằng Hải. Thằng Mẫn học giỏi nhưng không sinh hoạt lớp. Còn thằng Hải sinh hoạt lớp nhưng học không giỏi.” Mẹ cười: “À!” có lẽ như vỡ lẽ ra chuyện tày đình, thật ra trong lòng mẹ nghĩ: “Trẻ con đến là độc đoán!” Bạn của bố mẹ, nó không nhớ được bác nào ra bác nào, trong khi đấy lại bắt mẹ nhớ kỹ càng từng đứa bạn của nó, rủi mà nhầm đứa này thành đứa nọ là thế nào cũng lùng bùng giận dỗi. Để chuộc lỗi, mẹ bảo: “À, Hải là đứa hôm nọ đánh vỡ kính trong lớp phải không?” Châu “vâng”, mẹ nhớ, thế là nó hài lòng.

Mẹ hỏi: “Ở nhà ra sao? Dì đến có đỡ vất vả hơn không?” Châu kêu lên: “Ối! Con An nó cáu lắm đấy, con chỉ sợ có ngày dì cháu lại cãi nhau. Mẹ biết không, từ ngày mẹ vào đây, An nó cứ như bà cụ non, cái gì cũng thích làm chủ, ra lệnh!” Mẹ cười: “Tội nghiệp! Em nó còn bé!” Mẹ nói xong, tự nhiên Châu cũng thấy rằng An còn bé thật, tội nghiệp thật. Nhớ mới ít hôm trước, khi mẹ còn ở nhà, An ta ăn xong là chạy đi chơi, rồi lăn về nhà ngủ, ngủ say đố ai gọi dậy nổi. Mấy ngày nay, cô nàng đành bỏ rơi các bạn chơi cùng xóm, cả Vũ cũng thế, nhưng Vũ là bị cưỡng bức, bị An tước mất chìa khóa cửa (An bảo: “Không tin được thằng này, nó mà cho các bạn nó vào nhà thì tan hoang cả!”).

… Mẹ lại hỏi: “Bố đã gửi thư vào chưa?” Châu cũng không hiểu cái thư của ba chị em có thất lạc không mà đến giờ vẫn chẳng có chữ nào của bố. “Mà thôi! – nó kết luận trước khi ra về – để tự bọn con lo liệu cũng được mà!” Trong lòng, nó thầm nghĩ, cứ có thêm một người lớn xen vào là mọi công việc trở nên bớt hứng thú hẳn.

______________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VII

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét