Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Ở nhà (IV)


Châu bảo: “Chiều mai lớp chị vào thăm mẹ đấy!” An đang rửa rau ngừng lại nhìn chị: “Chị lại đem khoe chuyện mẹ ốm trong lớp hả?” – “Không, tự bọn nó biết đấy chứ!” Châu ngượng nghịu – “Ai mà biết được nếu chị không nói!” – “Không, chị có định kể đâu” Châu chống đỡ yếu ớt – “Tại con Vân nó đòi đến nhà mình đổ bánh xèo, chị bảo bận lắm, mẹ ốm, thế nên bọn nó mới biết!”

Không, mấy ngày qua, Châu thấy mình quan trọng hẳn lên. Quản cả một cái nhà, một khu vườn, hai đứa em nghịch ngơm, một đứa lại ốm, rồi lại đi thăm mẹ, đi chợ… tất cả những việc ấy nó đứng ra gánh vác, nó cũng muốn khoe lắm chứ!

Mỗi sáng, Châu đến trường. Trường cấp ba của Châu ở gần nhà, đi bộ, nghĩ vơ vẩn một tí là đã thấy cổng trường hiện ra. Hồi trước, Châu vẫn đi bộ, mấy ngày nay, nó đạp cái xe mini đỏ của mẹ sau khi đã bỏ một ngày để chùi rửa lại cho sạch sẽ (An trêu: “Cứ y như cô Tấm tắm ngựa đi dự hội!”) Bạn bè thắc mắc, Châu tỏ vẻ mệt mỏi, giải thích: “Bận lắm, đi bộ mất thì giờ, tao phải về sớm, để lo cơm nước cho bọn An, Vũ còn đi học”. Cả bọn trợn mắt thán phục, ra về, không đứa nào dám rủ Châu ở lại ăn chè, ăn gỏi như mọi ngày.

Hôm nay, giờ ra chơi, Châu đang vơ vẩn gần mấy cây sứ cùi tìm Vân thì Hiệp từ đâu đến, chìa ra hai cái kẹo dừa: “Má Châu bệnh hả? Châu bận, có cần Hiệp chép bài hộ không?” Châu phì cười: “Tôi có nghỉ bữa nào đâu mà thiếu bài!” – “Có, bữa đầu tiên má Châu bệnh đó! Châu phải ở lại đêm trong bệnh viện mà!” – “Ai kể Hiệp nghe thế?” – “Vân!” Hiệp cười ngượng nghịu, đá một hòn sỏi bay vào bụi tre vàng rồi quay sang cười hiền lành: “Hết giận há!” Châu gật đầu, nó cũng không nhớ rõ đã giận Hiệp chuyện gì, cứ hai, ba ngày lại giận một lần, toàn chuyện vớ vẩn không nói thành lời, ai mà nhớ cho nổi!

Lớp có 52 đứa, Hiệp làm lớp trưởng, quanh năm suốt tháng chỉ loay hoay với mấy cái khăn trải bàn, hộp phấn, sổ đầu bài, với những buổi họp chớp nhoáng trên văn phòng nghe phổ biến thông báo của cô hiệu trưởng. Hiệp không phải là học sinh giỏi nhất lớp. Hai đứa giỏi nhất là Trí và Mẫn, người bé loắt choắt, mặt già đanh, thì lại không bao giờ làm việc lớp, cùng lắm là chỉ đi thi đố em vớ vẩn, thắng hay thua mặt cũng lạnh tanh, mặc kệ cả lớp nhốn nháo hồi hộp cổ vũ bên dưới. Trong lớp, Châu là tổ phó tổ 2, cả năm thất nghiệp vì con Vân tổ trưởng không bao giờ nghỉ học; mà đến ngay như nó có nghỉ học đi chăng nữa thì cái chức tổ trưởng cũng chẳng có việc gì mà làm, nói chi tổ phó! Học hành, Châu năm nào cũng đứng lẫn lộn trong tám, chin đứa học sinh tiên tiến một cách không có gì là oai vệ lắm. Đến ngay như Vân, thiên vị Châu là thế, khi mấy đứa lớp bên cạnh hỏi: “Con Châu học có giỏi không?” Vân cũng chỉ dám kết luận: “Chăm! Chữ nó đẹp lắm!”

… Còn Hiệp, ra chơi xong, vào tiết Sử, nó bần thần mở vở rồi ân hận liếc sang Châu. Liều mạng thật, chữ Hiệp xấu kinh khủng, nó tự hỏi không hiểu tại sao lúc nãy mình lại dám nhận chép bài cho Châu nhỉ?

*

Đến ngày thứ tư kể từ khi mẹ vào nằm bệnh viện thì công cuộc cai quản gia đình của mấy chị em Châu được chuyển sang tay dì Út. An hậm hực lắm, nó có cảm giác rằng mình bị cướp công, còn thằng Vũ, vừa ăn ổi, vừa chép miệng như một ông già: “Lại thêm một tầng áp bức nữa”.

Dì đến vào buổi chiều, khi ấy mặt trời sắp lặn, đỏ như một quả bóng to nằm nửa kín nửa hở giữa những đụn mây xám đen vằn vện. Một người bạn chở dì trên chiếc xe lạ mắt, bấm kèn inh ỏi. Vũ ta chạy ra kính cẩn khoanh tay: “Chào chú ạ!” Chú ấy trợn mắt nhướn mày, cũng không cười, quay lại hỏi dì: “Cháu em hả?” Dì Út vịn vai chú, nghiêng đầu, tay chỉ về phía hàng rào: “Coi kìa, mặt trời lặn, đẹp thật là đẹp!” rồi họ nhìn nhau cười, An quay sang Châu, nó bấm một cái đau điếng vào cổ tay chị và lẩm bẩm trong họng: “Thối!”

Dì Út sống với bà ngoại, bà chiều dì lắm. Mỗi lần về thăm bà, ai cũng phải thấy ngượng trước cái cảnh tượng kỳ quái là mấy đứa cháu bé lít nhít, không đứa nào làm nũng, ngồi ngẩn ra nhìn dì Út, to đùng thế mà lăn ra vòi vĩnh đủ thứ. An hỏi mẹ: “Dì học lớp mấy” – “Dì nghỉ học rồi!” – “Dì có đi làm không?” – “Không, dì đang xin việc làm”. Xin gì, An chẳng hiểu, chỉ thấy quanh năm suốt tháng, dì ở nhà tỉa lông mày, sơn móng chân, đứng trước gương thử quần áo mới rồi đi chơi. Dì nhìn vào vở toán của An và Châu, lật qua lật lại vài trang rồi cười: “Quên hết rồi!” – “Toán lớp 7 mà dì?” – “Lớp 7 lại càng quên!” thế nên trẻ con có vẻ không được phục dì cho lắm!

Lần này xuống trông nhà hộ, đề nghị đầu tiên mà dì đưa ra là Mun, Tít không được đi lại quanh quẩn trong nhà một cách tự do như trước nữa. Trẻ con cãi: “Có sao đâu!” Dì cương quyết chứng minh bằng cách chỉ ra những dấu chân tròn tròn đen nhẻm của Tít in trên nền gạch bông sau khi chị ả đi từ sàn nước vào, rồi dì bảo: “Bẩn lắm, chỉ mất công lau nhà, phải đuổi ra hết!” Vũ ngọ nguậy khổ sở: “Bao nhiêu năm nay bọn nó quen thế rồi, dì ơi! Có khi còn ngủ chung với cháu nữa cơ mà! Đuổi ra không được đâu, bọn nó lại vào ngay thôi!” – “Cứ để cái roi ở cửa, con nào vào thì quất, vài ngày sưng mông lên là quen ngay”, dì quyết định. “Cứ như bà tướng ấy!” An nghĩ bụng, rồi nó thương lượng: “Dì quất tụi nó nhé, tụi con không dám đâu. Đánh nó là nó cắn lại, ghê lắm!” – “Cắn lại hồi nào?” Vũ ngố nghế thắc mắc, An trừng mắt nhìn thằng em thật thà rồi quay sang khẳng định lần nữa với dì Út: “Tụi nó điên lắm, không biết đâu mà lường”, xong nhìn Châu, nó nghiêm khắc mớm cung: “Phải không, chị Châu?” Châu ú ớ gật đầu, tình trạng điên dại của Mun, Tít như vậy đã được xác nhận. Kế hoạch “nhà sạch” coi như đổ bề, dì Út cũng không dại gì vì giữ cho nền gạch bông nhà người ta sạch sẽ đẹp đẽ một chút mà lại phải đi chích ngừa chó dại.

Tối đến, ếch nhái từ ao chuôm kêu vang, dì nhìn ra cửa sổ tối đen, le lưỡi: “Ghê quá!” Rồi hỏi: “Ở đây có ai làm móng chân không?” Châu bảo: “Có, nhưng làm không đẹp, toàn mấy đứa bạn cháu nghỉ học, đi học nghề về mới được vài tháng, bọn nó cắt đau lắm!” Dì lưỡng lự liếm môi: “Thôi, mai ra chợ làm vậy! Ở chợ có hàng làm móng chân chứ hả?” – “Có! Dì có cần uốn tóc, se lông mặt luôn không?” An hỏi gay gắt rồi bỏ vào nhà trong nằm, nó lẩm bẩm: “Thế mà cũng gọi là đến để giúp đỡ các cháu!” Được khoảng mươi phút, nó nghe tiếng Châu vén màn, thì thào: “Kệ dì, em làm thế dì lại mách bà là mình hỗn, phiền lắm!” – “Kệ em! Chị lúc nào cũng nhịn với hèn”, rồi nó quay mặt vào tường kéo chăn kín mít và ngủ mất.

_________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét