Ba đứa dự
báo: “Có lẽ sắp mưa to!” Từ sáng, kiến đã đùn lên những đụn đất to nhỏ đủ cỡ,
rồi chúng nối đuôi nhau đi vòng vèo đầy sân. Đứng đâu cũng bị kiến cắn, bát đũa
nồi niêu bận để quên một tí không rửa là đã đặc những kiến là kiến, cả cái chậu
rửa bát cũng đầy kiến; An lè lưỡi, chìa cánh tay ra cho Vũ: “Em xem, tay chị
nổi hết cả da gà lên này!”
Kiến nhiều,
ba chị em có thêm việc là tốn giấy và diêm để đốt kiến. An tinh vi hơn, dùng
một cái chảo bẩn làm bẫy rồi len lén bắc lên bếp; con bé Thảo nhà bên cạnh, mắt
ti hí, một tháng theo mẹ ăn chay hai lần, nhìn tất cả những cảnh giết chóc ấy
mà lắc đầu bất bình: “Tụi mày sát sinh nhiều quá, tội lỗi lắm đó!” Vũ châm thêm
một mồi lửa, dí sát vào mặt Thảo, cười ngạo nghễ: “Kệ, cứ đốt cho khoái đã,
chết tính sau!” An nói thêm: “Mình không đốt nó, nó đốt mình!”
Ở cái xóm
này, trẻ con người lớn gọi mấy chị em Vũ là “Quỷ không sừng”. Châu có vẻ không
vui lắm, nó than thở với mẹ: “Con bây giờ có còn nghịch nữa đâu!” Mẹ cười: “Thì
cũng là “cựu” quỷ không sừng. Oan cái nỗi gì!” Ấy là ví von thế thôi chứ cả xóm
cũng đã ai nhìn thấy quỷ nó nghịch ngợm như thế nào đâu; chỉ biết chị em An, Vũ
có mặt ở chỗ nào thì chỉ mấy phút sau chỗ đó đã í ỏm, một cái ấm đổ tung tóe
trà nước, một con mèo bị bịt cái bao ni lông vào đầu hay một bầy gà con nhà ai
đó bị đuổi táo tác… Người lớn bực bội ra đứng giữa đường, nói trổng: “Bố mẹ
không biết dạy con!” Mẹ ngồi trong nhà, nghe thế nhưng thấy mình có lỗi nên
cũng chẳng nói gì. Bố đi công tác hầu như quanh năm, chỉ mình mẹ ở nhà, mẹ lại
hiền như bụt, cứ mỗi khi giận, mắng đứa nào, mới được một, hai câu mà thấy nó
đã rơm rớm nước mắt, vẻ ân hận không để đâu cho hết là mẹ lại thôi; và mấy phút
sau, trẻ con lại chứng nào tật ấy, con An lại la hét, cãi nhau giữa trưa làm hàng
xóm mất ngủ, thằng Vũ lại vác gậy kều xoài non nhà ai đó dù xoài nhà mình lủng
lẳng đầy cây.
Lần này mẹ
ốm, cả xóm chuẩn bị tinh thần sẵn sang đón chờ những trò nghịch ngợm của mấy
chị em không có ai quản. Vậy mà đã hai, ba ngày, vẫn không thấy chuyện gì, chỉ
thấy Vũ lui cui quét vườn, Châu nghiêng ngả đạp xe chở cám cho gà. Lần này đến
lượt mấy chị em Châu trở thành gương sáng cho trẻ con cả xóm, như sáng nay
chẳng hạn, bác Chất bảo con Thanh và thằng Thịnh: “Chúng mày đứa nào dắt bò đi
ăn một tý đi!” Hai đứa đùn đẩy nhau, bác Chất cáu tiết, hét cho một trận rồi
lầm bầm kết luận: “Thật không bằng cái gót chân con An, thằng Vũ. Bọn mày vừa
học ngu, vừa lười, tao mà ốm liệt giường thì chúng mày đi ăn xin cả đám!”
Dự báo thời
tiết của ba chị em Châu thế mà đúng. Chiều tối, trời vần vũ, đen kịt, rồi mưa,
lúc đầu chỉ lộp độp từng giọt to tướng, rồi sau rầm rập khắp mái tôn, những
rặng tre quanh nhà vặn vẹo trong mưa gió, gà qué lập cập co ro trú dọc hiên
nhà, mới trước đấy ít phút, cả bọn còn đậu ngất nghểu trên những cành hông
xiêm, bác Quân đi lễ về ngang, tay ve vẩy cái quạt giấy, chỉ đàn gà, nói to:
“Sắp mưa khiếp lắm đây!”
Mưa không
biết đến lúc nào mới dừng. Vũ rụt rè hỏi hai chị: “Em tắm mưa?” – “Thôi, mẹ dặn
rồi, không được tắm!” Châu nghiêm nghị. An cũng muốn tắm mưa lắm, nó cũng muốn
được nhẩy nhót trong mưa, cùng thằng Vũ hò hét, đuổi nhau. Hai đứa sẽ đi bịt
nước chỗ này, tháo nước chỗ nọ… Nó bảo Châu: “Kệ, cho nó tắm một tý!” – “Mẹ dặn
rồi”, Châu lặp lại – “Ở nhà mẹ cũng cho nó tắm đấy thôi!”… Châu vốn nhu nhược,
chỉ hai phút sau đã thấy Vũ ta hò hét trong mưa. An kiếm cớ: “Em đi chọc mấy lỗ
thoát nước mái tôn!” rồi vác một cái sào dài có móc ở đầu, nó đi đến từng ống
thoát nước, ngửa cổ thọc sào rồi nhảy vào đứng, để cho dòng nước mạnh từ trên
cao gõ thẳng vào giữa đỉnh đầu, khoái trá. Châu vịn cửa sổ, cười khẩy: “Tắm mưa
hợp pháp nhỉ?” An bảo: “Thì trước sau cũng ướt mà!” – “Liệu đấy, bọn mày mà
bệnh nữa là chết với mẹ!”
Bệnh thật,
đêm ấy Vũ sốt cao. An sợ sệt và hối hận lắm, nó rụt rè hỏi Châu: “Hồi mẹ ở nhà,
nó tắm mưa có bao giờ bệnh đâu?” Châu dài miệng: “Phải rồi! Có mẹ ở nhà, chúng
mày có bao giờ được tắm lâu thế đâu! Tại tao hiền quá, bọn mày coi thường!”
Rồi, hai đứa lui cui pha nước chanh, đắp khăn mặt cho Vũ. An cũng nhức đầu lắm
chứ, nước mũi cũng chực chảy ra nhưng nó không dám than một tiếng, nó phải gánh
lấy phần việc của Vũ, đóng cửa, lau nhà, người thì mệt rã rời. Xong mọi việc,
An lao ngay lên giường, kéo chăn kín mít, bên cạnh, Vũ cũng trùm chăn rên hừ
hừ. An ghé tai em, gắt lầm bầm: “Thôi, im đi! Đòi tắm cho lắm rồi rên! Thằng này…
xui không chịu được!”
Khuya, mưa
tạnh, Châu thì thào bên màn: “Chị nấu cháo cho Vũ nhé!” – “Không ăn đâu!” Vũ
lào phào – “Chứ em muốn ăn gì? Hay em uống sữa?” – “Chị đừng hỏi nữa!”, Vũ lụng
bụng rồi rút sâu hơn vào trong chăn. An thò đầu ra, cầu khẩn: “Đừng kể mẹ nghe nhé!”
Không trả lời, Châu ngồi bên mép giường lặng lẽ cúi đầu, An càng sợ, van nài:
“Đừng nói mẹ, nghe chị Châu!” Châu “ờ”, nó cười thầm: “Mày tưởng chuyện này lộ
ra, mẹ biết thì tao không chết à?”
Mưa đêm, trời
mát lạnh, Vũ mơ thấy một bánh xe to lắm lăn từ trên dốc xuống, còn nó, nó chạy,
vừa chạy vừa thở hổn hển, chạy mãi vẫn không thoát được cái bánh xe mà cái bánh
xe khổng lồ cũng không bắt kịp nó. Đất cát hai bên đường mịt mờ, hoảng quá, nó
hét lên kêu cứu, thấy lạnh toát, ướt át. Mở mắt, nó thấy Châu mặt đăm đăm ngồi
bên giường, tay ấp cái khăn mặt gói cục nước đá trên trán em. Vũ hỏi: “Sao chị
không ngủ?”, rồi nhắm mắt lại ngay, mệt rã rời, nó thấy chị Châu vò võ thật tội
nghiệp, nếu biết trước như thế này, buổi chiều, nó đã chẳng tắm mưa làm gì cho
mất công!
Châu tuyên
bố: “Tối nay chị sẽ viết thư cho ba, đứa nào muốn nhắn gì thì nghĩ trước đi,
tối chị cho “quá giang”!”
Tối, Châu cắt
góc một tờ giấy thật cẩn thận, trịnh trọng ngồi vào bàn, viết được dòng đầu:
“Ba thân yêu!” xong tắc tị, chống cằm thần mặt ra, nghĩ ngợi. An và Vũ, như hai
tên lính hầu, mỗi đứa tựa một cạnh bàn cũng ngẩn ra, không biết nên tiếp tục
như thế nào. Châu xoe xoe cái bút trong tay, nhìn hai đứa em, cười: “Khó quá,
mình phải làm sao báo được chuyện mẹ ốm mà ba lại khỏi bị cuống lên nhỉ?” Vũ
hoan hỉ reo lên: “Ba cuống thì ba sẽ về nhanh, càng tốt chứ sao?” An cau có:
“đi công tác chứ có phải đi bắt dế như mày đâu mà muốn đi là đi, muốn về là
về!” Rồi nó bảo Châu: “Thì cứ viết: Ba ơi, đừng lo gì cả nhé! Mẹ vào bệnh viện
nhưng chúng con tự trông nhà được. Bác sỹ bảo là không có gì đáng sợ cả, nằm ít
ngày cho khỏe hẳn rồi sẽ cho về.” Xong nó hất hàm ra lệnh: “Viết đi!” Châu
ngoan ngoãn viết theo em. Vũ lại háo hức: “Nhớ kể chuyện mối ăn sách vở nữa
nhé!” Và bọn nó viết: “Ba ơi, mối nhà mình nhiều khủng khiếp, chúng con phát
hiện được trong tủ sách, đằng sau kệ…may mà chỉ mới gặm một ít. Ở ngoài bụi tre
cũng có một ổ mối to, chúng con đã rắc hết gói thuốc ba vẫn để dưới nhà kho ấy…
Nói chung mọi việc đều ổn cả, ba đừng lo gì hết!” Cả bọn ngọ nguậy nhìn cái
thư, ước lượng: “Còn ngắn lắm, viết chuyện gì nữa bây giờ?” An chỉ mặt Vũ: “À
tao mách ba, mày mấy hôm nay rồi, vở toàn ghi “không thuộc bài” Rồi nhớ ra, nó
cười: “Thôi tha! Tội nghiệp! Mấy hôm nay mày bận!” Châu thêm: “Với lại, chuyện
tủn mủn không đưa vào thư làm gì, nhưng Vũ mà còn thế nữa là chị mách ba đấy!”
… “Viết gì
nữa bây giờ?” Cả bọn thần ra nghĩ ngợi. Ngoài vườn, côn trùng rả rich, đêm đen
như mực. An reo lên: “Đúng rồi, viết chuyện mưa to đứt dây điện, bác Chất phải
nối hộ đi!” Và Châu tả lại cái buổi chiều rùng rợn ấy cho ba, buổi chiều không
có người lớn, ba đứa co lại với nhau trong nhà, lo âu nghe gió quạt trên các
cành cây và bóng đèn chớp tắt, chớp tắt. Châu dự đoán: “Khéo đứt dây điện thì
chúng mình bỏ xừ!” Bỏ xừ thật, tối ấy ba chị em không thể học bài nổi vì mấy
cái đèn dầu tù mù, thằng Vũ lên nhà, xuống nhà đều đòi cho được một ngườI đi
theo vì sợ. Bác Chất đứng ngoài hàng rào, gọi: “Hỏng điện à?” Con Thanh đi theo
cũng lập lại thánh thót: “Hỏng diện à? Vũ ơi!” Ba đứa bé chạy ra kể lể, chỉ lên
cây xoài: “Nó tóe lửa trên ấy đấy, bác ạ!” Bác bảo: “Sáng mai bác sang xem!”
rồi về, con Thanh líu ríu đi theo, cũng quay lại dặn: “Sáng mai sang xem!”
… Châu viết
tất cả những chuyện ấy vào thư. Cuối mỗi sự cố đều có câu: “Ba đừng lo gì cả”
nhưng xem ra đọc xong thư hẳn ba sẽ phải lo cuống lên. Nó bảo: “Ký vào đây!” Ba
đứa cùng ký. Vũ còn cẩn thận ghi cả tên lẫn họ ở phía dưới, trông như một tờ cớ
gởi công an có ba người làm chứng.
________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét