Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Ở nhà (VII)


Hiệp nhớ lại lời hẹn với Châu mà cười một mình. Ấm ớ thật, nhà mình cũng có ao cơ mà, có khi lại còn rộng hơn cả ao nhà Châu ấy chứ! Ao nhà Hiệp lại thả cá đàng hoàng, còn bên Châu toàn là cá ruộng tự động vào ra, biết câu được mấy con? Tóm lại, chỉ là cái cớ!

Vậy là sáng chủ nhật, Hiệp sang Phong từ sớm với cần, với lưỡi đủ cỡ. Mới sáng mà đã mưa, trời âm u đầy mây xám xịt và mưa lúc to lúc nhỏ, rỉ rả không hiểu đến khi nào mới ngừng. Hai đứa sốt ruột nhìn trời, trong bụng lo lắng không hiểu chủ nhà có đợi hay không? Mẹ của Phong đứng trước hiên xỉa răng, chép miệng: “Mưa thế này, hai đứa ở nhà chứ câu cá gì hả?” Rồi bà nói lan man về thời tiết, nắng mưa, hai thằng con trai bụng dạ càng như lửa đốt, ngồi nghe mà không hiểu gì hết.

… Phong đứng dậy, cầm lấy cần câu dựng ở cửa, đội cái mũ “bán đậu phộng” vào rồi ra lệnh: “Đi luôn đi! Mưa thế này, biết đợi đến lúc nào cho cùng!” Hai đứa đạp xe như bay, đất đỏ bắn đầy ống quần, Hiệp lẩm bẩm: “Bẩn thỉu như thế này, đến nhà ai cũng ngại!” Rồi nó cười: “Tao nghĩ hôm nay tụi mình chẳng câu được con nào đâu!”

Ở nhà, Châu và Vân cũng sốt ruột không kém. Sáng nay, Châu đã ra vườn, cắt vào một nắm bóng nước hồng hồng, bẻ vài cây thủy trúc và đi tìm cái bàn chông. Còn An đi ngang nhìn cái đĩa hoa của chị đang cắm dở, kêu lên: “Chị cắm chủ đề gì mà hoa cứ túm tụm lại thế?” Châu bảo: “Thì tao cắm chủ đề Túm Tụm, được chưa?” An bắt chước mẹ, chép miệng: “Chỉ phí hoa!” Vân đứng bên bàn xem Châu trổ tài, đợi An đi khỏi mới thì thào: “Con An nhà mày nanh nọc quá!” Rồi vớt vát: “Nhưng mà nó tốt!”

Vậy là sáng chủ nhật này, tất cả đều nơm nớp sợ An. Châu và Vân thì chỉ lo nó bực điều gì mà tương cho vài câu lỗ mãng trước mặt trước mặt hai bạn trai thì khốn, còn Hiệp và Phong, khi thấy một con bé mặt đanh lại ra mở cửa, nghiêm nghị mời: “Các anh vào nhà!” rồi hỏi: “Các anh vác cần đi đâu đây?” là hai chú đâm rụt rè, thầm đánh giá: “Đối tượng này khó mua chuộc!” Cả Châu và Vân ra đón cũng rụt rè, Châu lí nhí: “Tưởng đâu không tới!” Hiệp cũng lí nhí, cười: “Tới chứ!’. Trời đã ngớt mưa, gà đã quanh quẩn đi lại trong vườn, An đem ra một cái khăn mặt mới thật to đưa Hiệp và Phong, vẫn rất nghiêm trang: “Các anh lau đi!” rồi quay vào nhà ngay. Châu cười, giải thích cho các bạn: “Nó bắt chước mẹ Châu đấy!”

Bốn đứa đi dạo vơ vẩn trong vườn, Hiệp chỉ một nhánh ổi gãy, lá còn tươi, đầy quả nhỏ bị quăng xuống mép ao: “Sao gãy thế kia?” Châu kể: “Hôm qua đấy, bạn dì Út tới chơi, làm một trận náo loạn, rồi về”. Vân hỏi: “Dì Út đâu, sao sáng giờ tao không thấy?” – “Về rồi! Cãi nhau với con An nhà tao đêm qua, về rồi!” Rồi thấy không hay ho gì, nó bảo Vân: “Thôi, dẹp chuyện đó qua một bên, đi câu cá!”

Không ai hỏi thêm tiếng nào nữa, mấy đứa đào giun dưới gốc cây hồng xiêm rồi kê dép ngồi câu. Trên ao, nắng đã hưng hửng, đã nghe tiếng cá đớp lách chách dưới những dề rau muống. Câu cá là phải im lặng, thật im lặng, nhưng ở đây, mấy đứa lại nói chuyện râm ran, khi nào vui thì cười, mà cười là cái cần run rẩy, An tựa cửa sổ, nhận xét: “Chị Châu cười như vậy thì thách tiền cá nó cũng không dám đến!” rồi nó xin: “Em chở thằng Vũ vào mẹ nhé! Cho em đi cái xe đạp cao, xe em nặng lắm!” Châu cười, nhẹ nhõm: “Đi đi, liệu mà kể lại vụ dì Út cho mẹ đấy!” Khi hai chị em An, Vũ dắt xe ra cổng, Châu còn gọi với theo: “An đi xe không được bỏ tay ra nghe chưa?” Không cho thằng Vũ tập xe đâu đấy nhé!” Hai đứa nhấm nháy, An bảo: “Ngồi lên, vịn tao chắc vào!” và Vũ thì thào: “Tý nữa ra đầu hẻm, em chở chị nhé!”

Đến mười một giờ trưa thì tất cả đều đã thấy rằng buổi câu cá thất bại. Thất bại ở đây là không có con cá nào được kéo lên bờ, chứ còn mọi việc đều vui vẻ (cũng có khi tại vui vẻ quá mà không câu được cá cũng nên!). Hiệp bảo: “Vườn nhà Châu bừa bộn quá!” Châu ngượng nghịu: “Thằng Vũ cũng có quét đấy chứ, nhưng nó làm ẩu lắm!” – “Để Hiệp quét!” Chẳng ai cản nó làm gì, chỉ có Phong vừa nhặt củi khô vừa bảo: “Tao nghĩ mà tội cho cái vườn của mày đấy Hiệp ạ! Một năm không biết mày ra thăm nó được mấy lần?” Bọn con gái e lệ mời: “Ở lại ăn cơm!” Hai đứa con trai cũng dịu dàng từ chối, hy vọng được mời thêm tiếng nữa, không ai dám mời thêm nên cũng không ai có thể từ chối thêm. Quét xong vườn, mọi người vào uống nước và ngắm dĩa hoa của Châu, cười khó hiểu, rồi về.

Một ngày vui mơ màng đã qua, và Châu lôi quyển nhật ký giấu đằng sau tủ ra và viết: “Chủ nhật, ngày…, tháng…, năm…,”

*

_________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VIII

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét