Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Ở Nhà (II)


Từ mờ sáng, An đã vắt vẻo đạp xe vào với mẹ. Bảy giờ, một cô y tá đi ngang qua các dãy phòng, gọi: “Người nhà ra hết nha!” Vậy là tất cả lục tục kéo nhau ra ghế đá đằng trước mà ngồi. Mẹ nằm cạnh cửa sổ, từ đấy nhìn ra được một khoảng trời bé tí với cây mận không bao giờ thấy quả chín. Sáng nào cũng vậy, một chị sinh viên, áo thêu vài cái sao, tay ôm mấy quyển vở, đến hỏi mẹ: “Bác ngủ có được không?... Ăn có được không?...” Mẹ cười: “Cám ơn, ăn được, ngủ được…” Chị ấy lại hỏi: “Ở nhà, bác đau ra sao, có uống thuốc gì không? Có ói không? Ói ra cái gì?...” Lần đầu tiên, khi bị hỏi liền một tràng như thế, An thấy mẹ ngẩn ra. Chị ấy phải bảo: “Thôi, bác cứ kể cho con nghe từ đầu…” Vậy là mẹ kể. Rồi sáng hôm sau, hôm sau nữa, mọi chuyện lại diễn ra y như cũ, ngày nào mẹ cũng phải tả lại cái buổi chiều kinh hoàng ấy cho chị sinh viên nghe. An thấy cáu tiết, vì sao một chuyện đơn giản đến như thế mà chị ấy không nhớ được nhỉ!

Có một hôm, vài anh chị sinh viên khác từ đâu đến, cổ đeo ống nghe, đi ngang qua, nhìn mẹ, và hỏi chị ấy: “Bệnh gì đây?” Rồi họ lại bắt đầu hỏi mẹ: “Bác ở nhà đau ra sao? Có ói không? Có sốt không?” Chị sinh viên đứng bên cạnh, im lặng, và An chỉ biết nhìn chị như cầu khẩn: “Chuyện này, chị biết rồi mà, sao chị không kể lại cho bạn chị nghe, cứ bắt mẹ em lập đi lập lại mãi?” An đề nghị với mẹ: “Để con chép lại tất cả chuyện mẹ ói, mẹ đau bụng ra một tờ giấy… Từ nay, hễ có ai hỏi, mẹ chỉ việc đưa ra cho người ta đọc là xong, nhé!” Mẹ chỉ cười: “Ai lại làm thế! Các anh, chị ấy học mà!”

Nói vậy chứ ngoài cái khoản hay hỏi linh tinh ấy ra làm An bực mình, còn lại thì An cũng quí mến mấy anh chị đi thực tập ấy lắm. Thứ nhất là họ dễ dãi, không bao giờ bắt người nhà phải ra khỏi phòng như mấy cô y tá hay làm. Khi các chị ấy khám bệnh, An có thể vơ vẩn chơi bên giường mẹ, cho đến khi thấy cô y tá đi ngang thì lủi nhanh ra ngoài. Thứ hai là họ hay nói chuyện với An, mà An thì nói cũng nhiều thế nên xem ra rất tâm đầu ý hợp. Có lần, một chị sinh viên còn đưa An mượn cái ống nghe, An đeo vào tai, chỉ thấy đau và lùng bùng nên gỡ ra trả liền, kèm theo một câu kết luận: “Đau thế này thì em chịu, không học bác sỹ được!” Mọi người nhìn An cười, có vẻ như câu nói vừa rồi ngố nghế lắm thì phải!

Thế rồi buổi trưa từ bệnh viện, An lại khệ nệ xách một giỏ toàn quần áo bẩn, cà mèn cùng một lô trái cây, bánh kẹo mẹ gửi cho ba đứa, về nhà. Một cơn mưa rào lẫn lộn nước và nắng đổ ập trên đường, mọi người cuống cuồng dạt vào những hiên nhà, cau có nhìn trời, và An đạp xe ngang qua, vừa vuốt những giọt mưa như kim đâm vào mặt, vừa đưa mắt liếc những người trú mưa theo cái kiểu: “Thấy tôi bé thế này mà tôi giỏi không? Tôi đi xe đạp chỉ cần một tay, tôi chở một giỏ to, mưa như thế mà tôi không cần mặc áo mưa gì cả!” Được một đoạn, mưa tạnh, cũng đột ngột như khi bắt đầu, mọi người lại ùa ra đường, ai cũng khô ráo, sạch sẽ, chỉ mình An, như một con chuột con vừa rơi xuống ao, ngượng nghịu đạp xe giữa phố xá đông đúc.

Về đến nhà, cửa vườn mở toang, mấy đứa bé lạ không phải hàng xóm đang lấy gậy kều hoa ti gôn hàng rào. An trợn mắt, thét: “Cút ngay, tao đá chết hết bây giờ!” Bọn trẻ con bỏ chạy vù vù, vứt lại những cành hoa hồng hồng tung tóe trên cỏ xanh. Được khoảng mười thước, bọn nó đứng lại, cầm mấy cái gậy múa may ưỡn ẹo trêu An. Uất ức, An nghĩ, giá bây giờ có phép lạ, mình làm tụi nó không nhúc nhích được, rồi “tẩn” cho mỗi đứa một trận, thế mới hả dạ!...

Vũ chạy ra, tay ve vẩy một cái giẻ đen nhẻm, sũng nước, kêu to: “Đừng vào nhà! Em đang lau! Vào là ngã trợn mắt đấy!” An đi vòng ra sau bếp, nhìn lên phòng khách, kinh hãi, trên nền đá hoa, nước lẹp nhẹp và xà phòng sủi bọt. An hỏi: “Mày điên hả Vũ? Ai khiến mày? Bẻ răng tao bán đi mua xà phòng cho mày rửa nhà nhé!” Vũ làu bàu: “Chị nói cứ như mẹ nói ấy! Mẹ mới đi có hai hôm mà chị đã khác hẳn, cứ như bà già ấy!”

Tự nhiên An ngượng, thấy đúng thế thật. Mà phải thôi, bao nhiêu việc trước kia chỉ nhìn; bây giờ phải làm. Bây giờ, An mới thấy rằng cái nhà này là của mình, cái vườn này là của mình, đến mấy con gà, con chó, mấy cái chậu sứt cũng của mình nốt, và thế là phải lo cho nó. Rồi lẩn thẩn tựa vào cánh cửa bếp, nhìn ra vườn, An nghĩ ngợi, không hiểu, chừng ấy việc, cộng thêm ba chị em An nữa, trước đây mẹ lo thế nào nhỉ?

*

Trong vườn, Châu tính ra có rất nhiều loại hoa. Mùa mưa, trên nền đất ẩm ướt, hoa bóng nước đỏ và trắng thi nhau nở báo mưa. Ở hàng rào, hoa giấy ngấm nước ủ rũ, thưa thớt, nép mình cho ti gôn mọc chằng chịt nở đầy hoa hồng hồng. Rồi hoa ổi như đào trắng rụng cánh đầy bờ ao. Phong lan và ngọc trâm cũng ra hoa, ong bướm chập chờn cả ngày trong vườn, An rất lạnh lùng đánh giá: “ Chỉ tổ lắm sâu!”

Ba chị em, thái độ đối với hoa lá mỗi đứa mỗi khác. Vũ chắc chắn không bao giờ thèm quan tâm đến những loại cây không cho trái ăn được. Còn như đến mùa bưởi hay xoài nở hoa, buổi chiều, cả nhà đứng dưới tàn cây thơm ngào ngạt hít hà rất lãng mạn thì Vũ chỉ kết luận gọn lỏn: “Năm nay nhiều trái lắm cho coi!” Châu có vẻ mơ mộng nhất nhà, ai tặng nó một cành hoa, nó có thể cầm trên tay cả buổi, trái ngược hoàn toàn với An, An vẫn bảo: “Đừng có đưa hoa cho em, em cầm một tí là thế nào cũng bỏ quên ở đâu đấy cho mà xem!” Thế nhưng ở nhà, mẹ bảo: “Con An chính ra yêu hoa nhất!” An không bao giờ hái hoa vớ vẩn để ngắm nghía, cầm tay như Châu. Mỗi khi Châu ra vườn, cắt vào một bó bóng nước, loay hoay một hồi với bàn chông, thủy trúc mới bưng lên được một bình hoa, An đều nhận xét: “Thà chị cứ để nó mọc hoang lung tung trong vườn mà lại đẹp hơn, cắt vào, trông thật tội nghiệp!” Lúc ấy, Châu chỉ biết làu bàu: “Nói như mày, người ta đẻ ra môn cắm hoa để làm gì?”

Lần này vào bệnh viện, mẹ dặn Châu phải để ý khi nào mấy nụ quỳnh nở. Đây là cây quỳnh bố đem từ Hà Nội vào cho mẹ, hình như bố tưởng ngoài ấy hoa quỳnh to hơn, nhiều cánh hơn… thì phải! Mẹ bảo: “Coi chừng đấy nhé, nó nở có một đêm thôi đấy…!” rồi dặn Châu cách cắt nụ, canh đến đêm mà cầm kính lúp xem hoa. Bác Ngà nằm cạnh giường mẹ, nghe chuyện, hỏi: “Nở có một đêm thôi mà mất công thế à? Thế có thơm không?” – “Thơm lắm ạ” – “Thế sao không thấy bán ngoài chợ nhỉ?” Châu phì cười: “Bán về đêm hả, bác?” Bác Ngà vỗ vỗ đầu cười: “Chết thật, già mất rồi, vừa mới hỏi câu trước, câu sau đã quên tiệt!”

Về đến nhà, việc đầu tiên là Châu chạy ra bồn đất dưới cửa sổ. Ở đó mẹ trồng một bụi dao với những cành ngoe nguẩy như những cái đũa con màu xanh, một cây ớt hiểm cao lêu đêu đầy quả (Mỗi khi có khách đến, mẹ đều dẫn ra vườn chỉ, người lớn tròn mắt nhìn, kêu lên: “Khéo đến hai mét chứ không ít!”, một bụi lan đất nở hoa tim tím, một bụi quỳnh lá dài oặt oẹo dựa vào mấy thanh tre, trên cành, một bông hoa vừa nở đêm qua, giờ củ rủ như một con gà con ướt. Còn lại hai cái nụ đang ló dần cánh trắng, Châu buột miệng kêu: “Hú vía!”, rồi vào nhà, nó lấy ra một cái đĩa to bằng sứ trắng, ở giữa vẽ cô tiên mắt một mí, tay bưng đào, đứng ưỡn ẹo trong mây…, rồi dặn An, Vũ: “Tối nay thức xem hoa nở nhé!” An hỏi: “Mấy cái?” – “Hai” – “Cho bác Quân một nụ đi! Lần trước bên bác có chậu cẩm cù nở hoa, bác cũng cho mình mượn xem đấy, nhớ không?” Rồi hai đứa cầm nụ quỳnh, có thằng Vũ tháp tùng đi sang nhà bác. Vũ đá ầm ầm vào cánh cửa tôn làm bọn chó chạy ra sủa nhắng nhít, bác Quân đang chiết ổi gọi với ra: “Đứa nào phá đấy?” An và Châu cười: “Chúng cháu đây!” Rồi mắng Vũ: “Cái thằng này, đi đâu cũng sinh chuyện!”… Bác hỏi: “Cho bác, rồi các cháu xem bằng gì?” Cả bọn vừa quay về vừa cười: “Bác đừng lo, ba đứa cháu tối nay cũng có một nụ để canh rồi!”

Bắt đầu từ tối, cái nụ hoa lớn như thổi. An ghé mắt nhìn vào, mong được nhìn thấy cái nụ hoa đẹp đẽ tựa một hang động con như mẹ tả, nhưng vô ích! Những cánh hoa vẫn khép chặt! Vũ cũng bắt chước ghé mũi vào hít hà. Châu đi ngang, kéo cổ áo nó lại, bảo: “Mày ngửi hoa trông thô bạo quá, khéo rụng hết cánh!” Vũ trêu chị, hít thêm một cái nữa thật mạnh, cái nụ hoa rung rinh, rồi nó nhìn chị lơ láo: “Có rụng đâu!”

Ăn cơm xong là tám giờ tối, Vũ vỗ bụng kêu: “Ăn no là em lại buồn ngủ! Em ngủ trước, chừng nào hoa nở nhớ gọi em!” Còn lại hai chị em ngồi bên bàn học bài, trước mặt là đĩa hoa và cái kính lúp, thỉnh thoảng An lại soi vào nhụy xem nó cử động  ra sao. Châu cười: “Đua đòi quá! Mày bắt chước y như mẹ!” Được một tý, Châu ngỏn ngoẻn: “Chị nằm chừng nửa giờ thì gọi dậy nhé! Còn học bài mai kiểm tra mười lăm phút nữa!” An kêu lên: “Còn có mình em xem hoa thôi à? Thôi, em với chị đi ngủ một tý, mình vặn đồng hồ báo thức nửa giờ nữa cũng được mà!” Rồi hăng hái chui vào màn, ngoài bàn, cái nụ quỳnh lặng lẽ nở một mình. Đêm, gió lùa qua những cửa sổ quên đóng, lạnh toát, trẻ con mê ngủ hất chăn rồi nằm co ro.


Sáng, Châu và An dắt xe đạp ra cửa. Bác Quân bế con bé tẹo chơi trước ngõ, hỏi: “Hoa đẹp quá nhỉ? Nở to lắm!” Hai đứa ngượng nghịu nhìn nhau cười, rồi chào bác, đạp xe đi thẳng.

________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN III


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét