Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Ở nhà (V)


Tám giờ sáng, nắng ùa vào đầy giường, dì Út ngọ nguậy, nheo mắt, cau mày một lúc rồi cũng phải bò dậy: “Đâu hết cả rồi?” Dì ngáp dài rồi hỏi Vũ, đang bò ra lau nhà. “Chị Châu đi học, chị An vào với mẹ. Dì ăn cơm đi, cơm sáng chị Châu để dưới cái chảo”, rồi nó lại cong lưng, bò trên hai cái giẻ lau mà chui vào gầm bàn. Dì tỏ vẻ ngạc nhiên lắm: “Sáng ăn cơm? Nặng bụng chết! Thôi để dì ra chợ, làm móng luôn thể. Ở ngoài chợ có gì ăn được không?” – “Có chứ, nhiều lắm”. Vũ hoan hỉ kể tên một lô thứ quà bánh, nó hy vọng là dì Út sẽ mua ít nhất là một thứ về cho nó.

Dì Út đi ra ngõ, mấy đứa trẻ con ngồi chơi đồ hàng xúc cát vào lá giả làm xôi, bình luận nghe rõ mồn một: “Điệu nhỉ! Ở Sài Gòn lên đấy!” Dì liếc qua cả đám, trẻ con ở đây sao mà nhếch nhác, chân tay mặt mũi đen nhẻm, đồ bộ lấm lem cũng không nhìn ra được là in cái hoa gì. Ở vùng này, đến cái chợ cũng xa, muốn ăn cái gì cũng khó, chẳng bù ở nhà với bà, quà bánh cứ ít phút lại í ới rao trước cửa; cứ vậy, dì ăn hàng cả ngày, đến chiều tối lại than với bà: “Bụng con như cái thùng rác!”

Còn An ở lại buổi trưa thật trễ với mẹ. Nó bảo: “Có dì Út ở nhà rồi, con không phải về sớm nữa. Tối nay, con vào ngủ với mẹ nhé, đêm mẹ cần gì đã có con!” Mẹ cười: “Mẹ chỉ ngủ thôi chứ có cần gì đâu, với lại mẹ không thích trẻ con cứ vạ vật ở bệnh viện, quanh quẩn toàn bệnh tật không tốt chút nào!” Đúng ra dì Út phải vào với mẹ buổi tối, nhưng hôm nọ, nghe đến chuyện đó, thấy dì có vẻ ngài ngại, mẹ lại nói lảng sang chuyện khác. Có lẽ, dì sợ chuột, gián trong bệnh viện, sợ không có chỗ ngủ đàng hoàng… mà quên mất, mới năm ngoái mẹ đã vạ vật ở bệnh viện cả một tuần khi dì bị bệnh, lần đó bà ngoại khóc đến gầy tóp người, còn dì, bình thường vẫn nằm góp chuyện với mấy bệnh nhân bên cạnh, nhưng hễ bà hay chú bạn vào thăm là dì lại thiêm thiếp, hỏi câu nào gật đầu câu ấy, cho đến lúc xuất viện.

Có dì, Châu cũng trở nên đủng đỉnh hơn thường lệ. Gần giờ về, nó rủ Vân, Lan: “Đi ăn chè đi!” không quên liếc qua Hiệp một cái, Vân gật đầu, quay sang, ghé tai Hiệp: “Trưa về, đi ăn chè?” rồi liếc Phong. Đến lượt Hiệp, hiểu ra cái nghĩa vụ của mình, vứt cho Phong tờ giấy: “Đi ăn chè!” Năm đứa vào quán chè Quảng Đông, người ta hỏi: “Các em uống gì?” – “Chè thịt!” Ở đây bán chè đậu đen, đáy ly bao giờ cũng có ba cục bột nếp bọc thịt mỡ, không đứa nào thấy ngon, trái lại, ghê ghê, nhưng đều căng mặt ra, bình thản mà nuốt hết cho có vẻ tay chơi. Cứ vậy, quán thu hút không biết bao nhiêu học sinh của cái trường cấp ba này.

Châu khoe: “Ao nhà tao chắc nhiều cá lắm đó Vân! Hôm qua Vũ nó mua cần về rồi, mà tao sợ tao không dám cho nó ra ao một mình.” – “Em mày lớn lắm rồi mà! Bằng thằng Quốc, phải không, Phong?” Phong gật đầu cười, mọi người cũng vơ vẩn mỉm cười theo. Hiệp nói: “Hiệp đến câu cá, được không?” – “Chia 7-3 nhé!” mấy đứa con gái kêu lên. “Hiệp tặng hết, không tính công”. “Gớm, toàn là cá cơm bé bằng mắt muỗi mà tặng với chả biếu!” con Lan bĩu môi, nó là đứa hay làm cho những phút lãng mạn trở nên thô lỗ nhất.

… Về tới cửa nhà, thằng Vũ chạy ra làu bàu: “Không ai nấu cơm hết, em trễ học thì sao?” – “Dì đâu?” – “Dì mới về, còn đang nghỉ mệt!” Đang nói, nghe tiếng An nhảy từ xe đạp xuống: “Ơ, chị cũng mới về à?” Châu thì thào: “Dì chưa làm gì cả, vào nấu cơm nhanh lên! Em đừng có sưng sỉa mặt lên đấy nhé!”

Trời vẫn oi nồng, ba đứa bé cuống quit nhặt rau, vo gạo. Dì Út ra tựa cửa, ngắm nghía mấy móng tay mới, góp ý: “Sợ trễ sao không ăn mì ăn liền cho tiện?” Châu lí nhí: “Thôi ạ!”. An và Vũ cắm đầu, im lặng. Dì hỏi: “Có cần dì phụ gì không?” – “Dạ, thôi!” Châu lại lí nhí. Dì đi vào nhà, rút mấy tờ báo ở bàn khách ra đọc. Bọn trẻ dưới nhà nhễ nhại mồ hôi, thỉnh thoảng lại nghe dì khúc khích, bọn nó nhìn nhau thì thầm: “Cái gì vậy?” An đứng ở tam cấp nhìn vào nhà rồi chán nản xuống báo lại: “Đọc báo Cười!”, xong ba đứa lại lao vào công việc bếp núc bằng phong cách đầy hậm hực.

*

Vừa vào đến phòng bệnh, An đã thì thào bên giường: “Mẹ! Con báo cho mẹ tin này, mẹ hứa là không được nói cho ai biết nhé, cả chị Châu, cả thằng Vũ… Mẹ hứa nhé!” Mẹ gật đầu, An mím môi quan trọng: “Con sắp đi thi hát!” – “Con? Con hát bài gì?” – “Con hát dân ca với hai đứa nữa, con Sương và con Nguyện đó!” Mẹ cười: “Sao lại phải giấu chị Châu với thằng Vũ?” An phụng phịu: “Thôi, nói ra thằng Vũ biết, ở nhà, con tập hát, nó lại trêu!” Rồi nghi ngờ, nó quay sang đe nẹt: “Mẹ không được nói đấy nhé!” Cô y tá đi ngang qua, dừng lại ở cửa, nghiêm khắc nhìn An: “Đến giờ bác sĩ đi khám bệnh rồi, sao người nhà không ra?” An vội vã nhét cái giỏ vào ngăn tủ nhỏ rồi tót ra ngồi ngoài cái ghế đá trước cửa, ngồi đó, trên tay ôm quyển vở học bài mà đầu óc nó mơ màng đến ngày thi hát sắp tới.

Nói về hát, người đầu tiên có công phát hiện ra giọng hát của An là cô Vinh, cô chủ nhiệm cũ hồi lớp 6. Cô còn trẻ lắm, mặt tròn, hai má đầy tàn nhang. Năm ấy, An nhớ, cô thích cho lớp đi chơi, thích tập bài hát mới, thích đến thăm trò này, trò kia… Một lần, cô dẫn cả lớp An đi cắm trại ở Đầm Sen, trong đó có những ông phó nhòm mặc áo xanh niềng niễng, đeo cái túi da đen to cộ, đến vơ vẩn cạnh cô Vinh: “Cho các em chụp hình kỷ niệm không cô?” Cô hỏi lớp: “Chụp hình ở đâu đây, các em?” Cả bọn chỉ tay về phía mấy con voi bằng đá nâu nâu, đỏ đỏ. An chạy đến sớm nhất, bám lên được cái vòi (cái ảnh ấy, An còn giữ, mỗi khi cho ai xem, họ đều nói: “Trông mày tội nghiệp quá, cứ như sắp bị nó hất xuống đến nơi!”). Rồi sau đó, cả lớp cắm trại trên một khoảnh đất trồng bạch đàn gần hồ nước. Con Ngân lớp trưởng là đứa thích hát nên bày ra một trò chơi với luật lệ kỳ quái là ai thua thì phải hát một bài. Đương nhiên là nó thua đầu tiên. Cả lớp vỗ tay rào rào cổ vũ rồi im lặng. Ngân ta véo von bài: “Bông hồng tặng cô!”, mắt cúi xuống, tay bứt vài cọng cỏ, cũng luyến, cũng láy nhưng nhạc sai bét cả. Mấy đứa con gái bấm nhau: “Thấy mà ghê!”… Trò chơi tiếp tục, đến vòng thứ tư thì An thua, chợt các bài hát ngày thường nó vẫn véo von biến sạch, An không biết phải hát bài nào trước lớp, đành cắn môi nghĩ ngợi. Bọn con trai hét: “Hát đi! Định ăn gian hả?” An trừng mắt: “Ai thèm ăn gian bọn mày!” Cô Vinh cười, gợi ý: “Hay em hát bài cô mới tập hôm thứ năm đi!” Thế là An hát, cả lớp im phăng phắc, vài đứa bé đi ngang qua dừng lại tò mò nhìn An, trong Đầm Sen, chủ nhật, đầy quần áo đẹp và bong bóng trẻ con cầm tay đi xem múa rối… Gần cuối bài, chịu hết nổi, An nuốt nước bọt, bài hát dừng lại, cả lớp cười, cô cũng cười và khen: “Hôm nay cô mới biết lớp mình có danh ca!” An bẽn lẽn cúi đầu cười, bọn con trai lại bảo: “Hôm nay mới thấy nó hiền được một tý!”

________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét