Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP


Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những thắt lưng dài đỏ hoe, những đôi dép cong nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì. Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần dành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thủy Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:

Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò
Chạy mưa.

Sáng hôm sau, Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới:

Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.

Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá, Thủy Tinh liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai:

Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn thế: kiếm chuyện cười chơi. Cũng có khi người cười những nhân vật chính người tạo ra, như cái cô bé đi Chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà:

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu.

Có khi chẳng còn biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của Mỵ Nương, người thêm một câu:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ,

Người vờ ngơ ngẩn để kiếm cớ diễu mình chơi, hay người muốn diễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng?

Lại có khi không diễu mình không diễu người, thi nhân cũng cười: cười vì một cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng Vương sung sướng nhìn con:

Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng cũng hơi nhiều.

Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi Chùa Hương và cùng cô bé san sẻ nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:

Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.

rồi:

Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!"

Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu đến buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó.

Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng A. France, nhưng xem Ngày Xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de mon ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay diễu đời và thương người như A. France? Không, nói diễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp còn hiền lành hơn. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. Dầu sao, tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ. 

(Trích Thi nhân Việt Nam)    
 HOÀI THANH - HOÀI CHÂN   

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

O CHUỘT


Trong nhà, trừ người, chó và mèo làm chúa tể. Chó giữ về mặt bộ, mặt thủy. Hắn có phận sự chạy nhông khắp chốn để đánh hơi, để hỏi han và để mắng những người lạ đi tơ mơ vào trong ngõ.

Có khi cao hứng hắn lội xuống ao, tắm; hoặc nếu có ai cầm hòn gạch ném vào nước và huýt mấy tiếng còi, hắn cũng động cỡn mà nhảy tùm xuống. Một đôi bận, sự đùa cợt của hắn cũng được việc. ấy là khi hắn bơi ở trong ao để dồn vịt về chuồng. Chó hay lèm bèm, ủng oẳng, sinh sự nhỏ nhen. Nhưng tính tình hắn lại phổi bò, dễ dãi và thường chóng quên. Con mèo rất khác. Mèo lờ đờ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quí phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưa toan một việc gì ghe gớm lắm. Có phải thế chăng, hỡi cái gã lừ đừ và nghiêm nghị kia? Gã lại càng làm ra vẻ khó hiểu tợn. Nhưng ngoài cái vỏ ngoài chưa thể đủ để nói rõ được bề trong. Biết đâu, mèo ta không khó chịu như mình tưởng. Mà vốn hắn lại hiền lành cũng nên?

Hôm nay, tôi kể chuyện một gã mèo, một gã mèo trẻ tuổi. Y sống lặng lẽ trong một nếp nhà ngói cổ kính, giữa một vườn cây rộng, ở làng Nghĩa Ðô, cùng một sân với bọn chó, bọn gà ri, bọn ngỗng…

Y là một chàng mèo mướp. Giống đó, nhà quê người ta nuôi nhiều . Cái bộ lông mèo mướp thực là dị kỳ. Nó vừa trắng màu lụa, vừa xám màu tro lại vừa đen xỉn. Khắp mình, ba màu ấy trộn lẫn với nhau, mà trôn rất nhỏ, hòa hợp lại thành một màu đặc biệt như màu cái chăn dạ của các chú lính tập. Chỉ ở dưới bụng mới có một mảng lông trắng mềm mềm. Màu mướp ấy trông bẩn, vì đen ngòm ngòm, nhưng chính ra sạch lắm. Nó sạm như đất, mà không phải là có đất bám. Nó lại mờ mịt như có tro là chỗ ngủ tốt nhất của loài mèo – mà thực ra cái bờm lông xấu xí đó chẳng vấn một chút bụi tro. Ngắm thì không đẹp mắt, nhưng nếu sờ tay vào, nó muốt như sờ tay trên tấm nhung tơ.

Hai mắt mèo tròn và quắc như hai hòn bi ve để dưới ánh mặt trời. Hắn không có môi, song hắn có cái mũi đo đỏ, đẹp như môi son hồng của các cô con gái đương thì. Ðàn bà không ưa cái mũi đỏ ấy. Người ta bảo mèo mũi đỏ là mèo hay ăn vụng. Hai bên mép hắn có hai hàng ria cứng nhắc như ria làm bằng thép nước. Lũ trẻ con, có lúc nghịch, đè ngửa hắn xuống, lấy kéo cắt trụi cả đôi hàng ria xuôm đuột. Nhưng chỉ qua ít ngày, nó lại trổ ra như thường.

Gã mèo mướp ăn ở thì giờ như một người đúng mực. Ban ngày hắn ngủ hoài, cái dáng mèo nằm, dáng êm, dáng thanh, dáng lâng, đẹp biết bao! Lúc bấy giờ, cái thân hắn nhẹ muốt, chỉ như một chút gợn gió phẩy bay một nắm bông gạo nõn.

Mà giá ban ngày hắn có thức cũng không làm gì; hắn chỉ nằm gù gù. Ðể đến đêm, trong cái bóng tối mung lung, hắn mới ra tay hoạt động. Hắn đi rà rà thâu canh như người trương tuần. Gã mèo có cái vẻ đạo mạo như một ông đứng tuổi, đương bắt đầu để râu. Hắn hiền hiền mà lại ang ác. Nghĩa là trông hắn thì không tài nào đoán được trong óc hắn nghĩ ngợi gì. Mà chừng hắn chẳng tư tưởng chi ráo! Hắn chỉ là một người rong chơi lông bông.

Chẳng có những bác trông mặt thì ra dáng đăm chiêu tư lự mà thực ra trong đầu không chứa đựng một ý nhỏ định nào.

Gã ngồi đấy, ở trên mặt dại bể. Hai chân trước đứng thẳng, đôi chân sau gấp lại, y như lối ngồi xổm. Ðôi mắt nhìn xa sôi… Thỉnh thoảng, theo thói quen, hắn đưa cẳng chân phải lên gãi mép, cũng như người ta đưa tay lên vuốt râu cho nó oai vậy. Trời đã xế chiều rồi. Một chiều thu êm ả. Vài gợn nắng vàng nhạt đọng trên những tàu cau rách rưới màu xanh om. Bên nhà ngang, tiếng guồng tơ quay đều đều. Trên đường cái, lũ trẻ con đi học về, vừa chạy thi nhau vừa la, nghe vang động xa vời vợi. Ngoài giếng khơi, người ta kéo nước rào rào. Cái gáo mo lạt sạt đụng vào thành giếng đá. Trong bếp lặng tờ. Bây giờ là sau bữa cơm chiều, người ta không dùng đến bếp nữa. Gã mèo mướp ngồi ngắm trời, ngắm đất mãi thì cũng chán. Gã bèn đứng lên, uốn cong cái lưng và nhuôi bốn chân ra để vươn vai, rồi đi về căn nhà hiu quạnh. Hắn bước từ tốn và uyển chuyển như một con hổ nhỏ. Khi qua gốc cau, chẳng biết ý định sao, hắn leo tót ngay lên, quào quào mấy móng sắc vào cái vỏ cây cau điệp trắng, rồi lại tụt xuống, rồi đi lểu đểu, đạo mạo như trước. Hắn thường có những cử chỉ đột nhiên. Hắn làm bất ngờ như trong lòng đang khoan khoái một điều mà hắn thường nghĩ đến. Luôn luôn gã mèo mang một nét tư lự.

Y ngồi vào thì lì bên bếp tro. y nghiêng mang tai để rũi vào một ông đồ rau, to bằng hòn gạch vồ lớn. Lúc nào y cũng ngứa và cần gãi.

Bỗng y đứng im. Y nghếch đầu lên. Hai cái tai mỏng vểnh ra để nghe ngóng. Hình như có tiếng lịch kịch ở sau đống củi. Nhưng khi bước lại thì không thấy đọng gì nữa. Gã quay đầu ra, ngước mắt nhìn lên đám mạng nhện có mắc bồ hóng đen xạm, bị gió đưa lúc lắc trên trần bếp.

Có tiếng động thực. Lần này gã mèo dúm bốn chân lại, bước từng bước rất nhẹ về phía đống củi. Ðống củi đó người ta để phiền quá, vừa chướng bếp, vừa làm cái rừng bùm tum, chỉ tiện cho quân gian núp náu.

Giống mèo là một giống, đứng ở chỗ nào, không thể chịu có được một tiếng động nhỏ. Ðã có khi gã mèo mướp nằm ngủ suốt đêm ở trên một đống củi. Ðấy là chỗ ra vào của lũ chuột ngày, cái lũ chuột con rất tinh ranh, hễ tha được một hột cơm nhỏ cũng chạy thọt ngay vào đó để nhấm nháp.

Mèo và chuột là đôi loài có thù không đội trời chung với nhau. Mèo ghét chuột quá, ghét kịch liệt. ý giả mèo ta tin rằng giống mình giỏi nhất thiên hạ; những tên chuột, tất cả lò nhà chuột, chỉ đáng đem thân làm nô lệ cho loài mèo thần thánh. Thế mà cái giống thấp hèn ấy không biết điều mà lại hay tắt mắt, táy máy, bặng nhặng làm nghịch mắt và rác tai bề trên.

Hai cái tai mèo mướp hơi động đậy. ấy là khi anh hết sức lắng nghe. Tai mèo mỏng tanh, gần soi bóng qua được, dỏng lên như chiếc tai lừa tý hon. Cái vòng tai rộng mở và loe ra. Chả trách gã nghe rõ lắm.

Gã khum hai chân trước xuống nhìn vào gầm đống củi. Rõ ràng gã trông thấy một chiếc đuôi nhỏ và dài thò lò dưới một mẩu gỗ. Ðúng cái đuôi chuột. Gã nép về một bên, thon người lại. Lúc này trông gã mèo quái ác dị thường, thoát hẳn cái dáng lừ đừ, hiền hậu hàng ngày. Y quời quời cái chân. Sau y biết làm thế hấp tấp quá. Phải chờ cho cái đuôi chuột lùi ra nữa mới được.

Lại có tiếng rúc rích ở trong. à có hai thằng chuột rửng mõ đang đùa nhau. Chúng nó hẳn đến ngày tận số. Ai đời chuột lại dám đánh đu ở miệng mèo!

Tuy cáu nhưng mèo cũng đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội tốt đến. Trong kia, hai con chuột vô tình, vẫn đùa cợt vui vẻ. Nhiều lúc, có nhách lại chạy ra tận ngoài. Thò cái mõm nhọn ngửi xung quanh. Lộn tiết, gã mèo đã toan chộp, nhưng chuột lại ngay vào mất. Con mèo lại yên lặng, chịu khó ngồi rình.

Bóng tối chùm xuống mau nhẹ. Vừa với nhọ mặt người, bây giờ đã đêm hẳn. Ðêm nay là đêm rằm. Mặt trăng đã nhô tròn ở đầu đường. Một mảnh sáng nhờn nhợt in trước sân bếp. Trên nhà, người đã quẹt diêm để châm sáng đền cho trẻ học. Tiếng những đứa trẻ ra ao rửa chân, vừa đi vừa khua guốc lóc cóc.

Hai chú chuột ở trong gần đống củi hẳn thấy trời tối rồi thì muốn ra ngoài chơi lắm. Cái thằng mèo mướp ốm bệnh hen cò cửi quanh năm mà không chết ấy, bữa nay chắc đi chơi đâu vắng; nếu nó có nhà tất đã thấy nó rên gừ gừ ở trên đầu ông đầu rau. Chúng mình ra ngoài kia đùa một tí hoặc kiếm chác một cái gì ăn thì hay quá.

Hai cái đầu ló ra. Rồi hai gã chuột bước hẳn ra đống củi đi lần về phía bếp. Chúng vui vẻ cãi nhau choe chóe.

Hai cái bóng bé nhỏ quá, chụm lại với nhau chưa bằng một ngón chân người lớn ta. Ðấy là hai con chuộc nhắt. Chuột nhắt bé hơn chuột chù. Nhưng nó nhanh và hoạt bát hơn nhiều . Anh chuột chù có cái mõm dài nghêu – cứ vác cái mõm đã đủ mệt – đi đến đâu cũng rụt rụt, rè rè. Hễ hơi có cái gì đáng sợ là vội hốt hoảng chạy cuống lên, vãi cả đái và kêu rối rít. Ðã thế còn chậm và không biết leo tường, leo cột, chỉ luẩn quẩn sát mặt đất. Thật là một thứ chuột cùng dân, thấp kém nhất trong xã hội chuột. Vậy mà thiên hạ lại ưa thứ chuột đó. Không phải là ưa cái thân hôi hám của nó – chẳng đã có câu mỉa “Hôi như chuột chù” – nhưng người ta chỉ ưa có tiếng kêu “chuúc…chuuuúc…”. Các cụ ta nói: ” ấy chuột chù bảo: túc, túc, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài”.

Và đây chỉ là hai con chuột nhắt. Thân chúng nhỏ nhắn, mõm chúng xinh xinh vừa phải. Về sự nhanh nhẹn, phải biết rằng nhờ ở cái thân hình bé bỏng, chúng leo vun vút, chúng chạy nhoăn nhoắt như có phép biến hóa.
Thoạt thấy bón đôi chuột lúi húi ra khỏi đống củi, gã mèo mướp mừng khấp khởi. Nhưng rồi chàng chán đớ ra ngay. Nó tưởng chuột chiếc to tát thế nào, chứ nếu biết chỉ là hai chuột nhắt tép ranh ấy thì nó đã bước từ nãy, không phải tốn công, tốn sức mà rình nấp vô ích. Mèo ta cũng khá đại lượng. Song thực cũng tại cái tính lười nhác cố hữu chả muốn cất đại công trình mà được chỉ có một tí ti kết quả đó thôi.

Nhưng đã thế này thì cứ bắt chơi. Hầy! Ðùa một mảy vậy. Nghĩ vậy, mèo ta co lưng lại để lấy thế rồi vươn hai chân ra chộp cả hai bóng đen ngọ nguậy ở trước mặt. Có tiếng kêu “chí…i…”. Một con thoát được, còn một bị nắm lại. Mèo gầm gừ để thị uy và dọa dẫm. Chú chuột khốn nạn bị túm lại, nằm ngất trong hai bàn tay sắt đầy vuốt cong và sắc của ông mèo, y như cái cảnh rúm ró của chị cua nhà quê mà bị cụ ếch đại vương lấy một bàn tay mà vỗ vào vai.

Chú chuột nhắt bị mèo tha ra đến cửa bếp và được thả xuống đấy. Mèo không hề chú ý đến sự nhắm chú chuột nọ. Dễ thường chàng ta ví mình như một người anh hùng cái thế, có thèm sát hại lũ trẻ oắt bao giờ đâu! Sinh phúc cho chúng sống, còn hơn là túm lấy chúng mà nhai. Chưa bõ dính răng. Nhưng vốn mèo vẫn ác tính. Gã không ăn mà gã cũng không thả chuột ra. Cái mùi hôi ở lông chuột khiến cho gã mèo nhớ rằng thịt chuột ngon và loài chuột là loài đáng ghét lắm.

Mèo nhả chú chuột xuống đất, rồi ngồi ngây ra mà nhìn. Con vật khổ sở nằm co ro. Mèo ta đắc chí, lấy một chân vờn vờn vào mặt chuột. Bất tỉnh nhân sự từ nẫy giờ mới lại hoàn hồn, chuột khe khẽ thoi thóp thở. Mèo yên lặng, dáng ngẫm nghĩ. Gã không để ý đến chú chuột đương giương đôi mắt lồi như hai hột chàng ràng ra nhìn gã. Chỉ ti hí mắt lương mà ranh thượng hạng.

Bỗng, thoáng một cái, chú chuột chạy vụt vào phía trong. Nhưng chàng mèo vẫn nhanh hơn. Chàng vươn tay ra. Lại chộp liền ngay lấy gáy chú nhỏ. Ôi chao! Chàng ta mới chộp cho chú nhỏ một cái nhá! Chú nhỏ kêu “chíi…chíi…” rầm cả lên.

Có lẽ nhân cuộc chạy trốn ấy, gã mèo bầy ra một trò chơi tiêu khiển qua thì giờ. Gã đem chuột ra chỗ ánh trăng, giả vờ để yên chú ra đấy. Rồi mèo yên lặng. Chú chuột sợ hãi không nhúc nhích.

Nhưng chính ra chuột vẫn rình mèo và mèo cũng lại rình chuột. Ðể hễ khác ý là chuột lại chuồn biến. Còn mèo, mèo cũng chỉ chờ chuột chạy là vồ ngay lấy. Gã mèo giương oai thả lỏng và chắc chắn chẳng khi nào chú chuột chạy thoát nổi đôi bàn chân nanh móng của gã.

Mà cũng thế thật. Chú chuột tưởng bác mèo hấc lờ, cứ xểnh một chút lại chạy. Có đến mươi lần. Nhưng cũng không lần nào khỏi bị tóm lại. Mỗi bận chuột động chân, mèo ta chỉ nhoi lên một tí, đã túm được dễ dàng. Mãi rồi con chuột hóa mệt lử. Nó chạy chậm dần và cuộc chơi cũng dần mất thú vị.

Khi đó, trong đống củi, bỗng lại có tiếng rúc rích. Lại có tiếng lao xao của lũ chuột nào khác. Chả biết là chúng đùa nhau hay chúng định chơi cái lối chó cậy gần nhà, đứng trong ấy mà chửi đổng ra. Toan nhảy vào vồ cho chúng chết một mẻ, nhưng mèo vướng có con chuột tù binh ở dưới chân. Ðã thế, phải mắng cho chúng một trận mới được. Mèo liền gầm gừ, gầm gừ làm như sắp lăn ngay vào chiến tranh với những quan thù cỏ rác kia. Lũ chuột nhép câm ngay. Song chúng cũng không câm hẳn. Hễ mèo mà ngắt tiếng là chúng nó lại “chiií ….” rầm rầm. Làm điệu như xỉ vả bác mèo.

Bực mình, mèo ta nhảy một bước. Chú chuột nhắt đang nằm yên như chết vụt vùng chạy. Mèo hoảng hốt thò dài chân ra, nắm lấy nó. Nhưng chỉ nắm hụt được bóng cái lưng của chú chuột in thoáng trên nền đất dài đầy ánh trăng. Hai mắt mèo long lanh, sáng quắc! Cũng không thể đủ sáng để chọc thủng bóng tối dầy ra, mà tìm thấy chú chuột nhắt tí hon.

Gã mèo sục vào đống củi. Giá gã đâm đến vỡ đầu ra cũng chẳng tóm được một nỡm chuột. Mà những tiếng chíi…chíi quái ác, rất khó chịu vẫn văng vẳng đâu hai bên lỗ tai.

Chàng mèo mướp – mà chàng nào cũng thế – không cố ý ăn thịt chuột nhắt bao giờ. Mèo chỉ bắt những con chuột tiểu yêu đó để đùa nghịch và để hả cơn cáu kỉnh; vì loài chuột nhép cứ bặng nhặng, rúc rích trong xó bếp, là chỗ nghỉ ngơi của mèo. Chính những con chuột lớn lại đứng đắn, không ầm ĩ đến thế. Chỉ vì bực mình mà mèo bắt chuột nhắt. Nhưng chú chuột nhỏ khôn ngoan vẫn hay chạy trốn được. Ðời đời, cái giống chuột nhắt tai quái cứ làm rức tai loài mèo.

Suốt đêm hôm đó, gã mèo mướp kia chỉ đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột nhắt. Và có những đêm sau, hắn cũng đi tìm chuột, nhưng – vẫn khờ dại như thường – hắn chỉ tìm để đùa chơi một chút. Rồi nó có rông mất, hắn lại khó chịu, bực dọc, hậm hực mà đi lùng bắt những con khác. Cái loài chuột nhãi cứ làm ta rối đầu và ngứa mắt quá.

Cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột.


TÔ HOÀI  

Nguồn : http://www.truyentho.net

 

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

ANH CHÀNG CHĂN LỢN


Ngày xưa, có một hoàng tử rất nghèo chỉ có một giang sơn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, giang sơn ấy nhỏ thì nhỏ thật, nhưng cũng đủ để cho chàng kén được một người vợ và lúc này chính là lúc chàng đang muốn tìm người làm bạn trăm năm.

Chàng rất sẵn sàng hỏi công chúa con hoàng đế : "Nàng có bằng lòng kết duyên với ta không ?" Chàng rất có thể làm thế, vì danh tiếng của chàng vang lừng khắp vùng và có thể đến hàng trăm công chúa nghe chàng hỏi như thế sẽ trả lời : "Vâng"

Nhưng đây lại là con gái hoàng đế ! Các bạn hãy nghe đầu đuôi câu chuyện :

Trên mộ vua cha mọc một cây hồng. Trời ! Cây hồng mới đẹp làm sao ! Cứ năm năm nó mới ra hoa một lần, lại chỉ mọc có một đóa, nhưng đó là một đóa hồng thơm dịu đến nỗi chỉ ngửi hoa thôi cũng đủ quên hết ưu phiền. Hoàng tử lại còn có một con họa mi hót hay tuyệt vời. Từ cái cổ họng nhỏ xíu của nó phát ra những khúc điệu thánh thót. Con gái hoàng đế nghe họ đồn vậy muốn có cả hoa hồng và họa mi. Hoàng tử bèn đặt cả hai thứ vào hai tráp bạc gửi biếu nàng.

Hoàng đế cho đem những thứ ấy đến cho ngài xem trong đại điện, nơi công chúa đang chơi trò tiếp khách với các cung nữ. Vừa nhìn thấy những tráp bạc, nàng vỗ tay hoan hỉ reo lên :

- Ước gì được con mèo con thì thú quá !

Nhưng người ta lại lôi cây hồng ra trước.

Các cung nữ rú lên :

- Ố ! Đẹp quá !

Hoàng đế nói :

- Đẹp, chưa đủ, phải nói là tuyệt mỹ mới xứng.

Nhưng công chúa chạy ra ngửi hoa và phụng phịu nói :

- Ồ ! Tâu phụ vương, hoa thật chứ không phải hoa giả !

Bọn nịnh thần phụ họa :

- Ôi chao ! Hoa hồng thật !

Hoàng đế phán :

- Hãy xem cái tráp kia đựng gì đã, rồi hãy bực mình cũng chưa vội.

Người ta mở tráp cho con họa mi ra. Nó cất tiếng ca thánh thót, hay không còn chê vào đâu được.

Bọn cung nữ nói bằng một thứ tiếng Pháp rất dở như họ thường dùng :

- Charmant ! Merveilleux ! (Dễ thương quá ! Tuyệt quá !)

Một lão nịnh thần tán :

- Con chim này làm hạ thần nhớ lại đến cái hộp đựng thuốc bào có máy hát của cố hoàng hậu, giống như hệt, từ giọng cho đến điệu.

- Đúng lắm ! Đúng lắm ! Hoàng đế nói rồi òa lên khóc như một đứa trẻ con.

Công chúa nói :

- Không thể tin đây lại là một con họa mi thật.

Những người đem chim đến vội tâu :

- Thưa đúng là chim thật đấy ạ !

- Thế thì cho nó bay đi thôi !

Và nàng kiên quyết không cho hoàng tử vào cung.

Nhưng chàng không hề nản lòng. Chàng lấy phẩm nâu và phẩm đen bôi lên mặt, kéo mũ sụp xuống tận mắt, giả vờ đi khập khiễng, bước vào trình diện và nói :

- Thánh thượng vạn tuế ! Cúi xin thánh thượng cho kẻ bầy tôi vào hầu hạ trong hoàng cung.

- Có nhiều người xin việc quá rồi. Nhưng ta cần một người chăn lợn, nhà ngươi có làm được việc ấy không ?

Hoàng tủ nhận chăn lợn. Người ta cho chàng một căn buồng tồi tàn gần chuồng lợn. Chàng cặm cụi suốt ngày và ngay tối đầu tiên chàng đã làm xong một cái nồi xin xắn có gắn đầy nhạc. Mỗi khi đặt nồi lên bếp, nhạc rung lên một điệu khúc cổ xưa của nước Đức.

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !
( Ô này ! Augustin thân mến ơi ! mọi việc đều như ý, như ý, như ý! )

Nhưng kỳ diệu nhất là mỗi khi thò ngón tay vào đám hơi bốc ở nồi ra thì lập tức ngửi ngay thấy mùi tất cả các món ăn đang xào nấu trên tất cả các bếp trong kinh thành.

Nhất định là cái nồi ấy khác xa một bông hồng !

Công chúa cùng tất cả các cung nữ đi chơi qua nghe thấy tiếng nhạc, dừng lại nghe và mê tít, vì nàng cũng biết chơi bản nhạc ấy.

Ach ! du lieber Augustin !

Nhưng phải nói thật: nàng chỉ biết chơi có mỗi một câu ấy, và chỉ biết đánh đàn kiểu mổ cò thôi. Công chúa thốt lên :

- Chính là cái điệu khúc ta đã thuộc. Tên chăn lợn chẳng phải là người ngu đần đâu. Hãy vào hỏi hắn ta xem cái đàn của hắn ta đáng giá bao nhiêu tiền.

Một cung nữ chui vào chuồng lợn, trước khi vào chuồng không quên đi guốc, rồi hỏi :

- Cái nồi này anh lấy bao nhiêu tiền ?

- Tôi lấy mười cái hôn của công chúa.

Cung nữ kêu lên :

- Trời ơi là trời !

- Không lấy kém đâu.

Côn chúa hỏi:

- Hắn ta bảo sao ?

Cung nữ đáp:

- Con chẳng dám nhắc lại đâu. Khiếp lắm !

- Nói thầm cho ta hay vậy.

Người cung nữ tuân lệnh.

- Quân thô tục.

Công chúa kêu lên và bỏ đi. Nàng đi chưa được mười bước, nhạc lại bắt đầu thánh thót ngân vang:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

- Chạy lại hỏi hắn ta có bằng lòng nhận mười cái hôn của các cung nữ không ?

Chàng chăn lợn trả lời:

- Không, xin cảm ơn ! Mười cái hôn của công chúa kia, không thì xin cứ để nồi đấy cho tôi.

Công chúa nói:

- Bướng bỉnh thật ! Thôi đành, các người đứng vây lấy ta, đừng để ai trông thấy.

Các cung nữ quây tròn lại và căng váy ra. Chàng chăn lợn được mười cái hôn, còn công chúa thì được cái nồi.

Mọi người đều vui sướng. Người ta đem cái nồi ra chơi suốt buổi tối. Không còn một bếp nào trong kinh thành giữ bí mật được nữa. Từ quan thị vệ cho đến các thợ giày, ai ăn gì họ đều biết cả. Các cung nữ thích quá, vừa vỗ tay vừa nhảy cẫng lên.

- Chúng mình biết hết: ai sẽ là người ăn xúp với hạnh nhân hay trứng tráng, ai là người sẽ ăn thịt quay và món bột nấu với sữa. Tuyệt thật !

- Đúng thế. Quan giám thị trong cung phụ họa.

Công chúa dặn thêm :

- Cốt nhất là không được bép xép gì vì ta là con gái hoàng đế, nghe chưa ?

Tất cả các cung nữ đồng thanh:

- Trời sẽ giữ mồm giữ miệng cho chúng con !

Chàng chăn lợn, tức là hoàng tử mà mọi người tưởng là một anh chăn lợn chính cống, không để một ngày giờ trôi qua mà không sáng chế ra một thứ gì mới.

Chàng gọt được một cái Cơrêxen rất xinh. (Crécelle : một thứ nhạc cụ bằng gỗ hình tròn, có các thanh gỗ to nhỏ, khi quay có một cái cần đập vào các thanh gỗ phát ra tiếng)

Khi quay, cái Cơrêxen ấy phát ra nào là điệu valse, nào điệu phi ngựa, điệu ponka, tóm lại, đủ các điệu nhảy trên đời.

Công chúa đi qua, phải thốt ra :

- Hay quá đi mất ! Ta chưa từng được nghe thứ nhạc mê ly ấy bao giờ. Vào hỏi hắn ta xem cái vật ấy đáng giá bao nhiêu; nhưng lần này thế nào thì thế, ta cũng không hôn hắn đâu đấy.

Người cung nữ vào hỏi rồi trở ra trả lời :

- Lần này anh ta đòi một trăm cái hôn.

Công chúa nói :

- Điên ! - và nàng bỏ đi.

Nhưng đi chưa được mười bước công chúa đã dừng lại phán :

- Phải khuyến khích nghệ thuật. Ta là con gái Hoàng đế. Vào bảo hắn là ta sẽ ban cho hắn mười cái hôn như hôm qua, còn bao nhiêu thì cung nữ của ta sẽ hôn cho đủ số.

Cung nữ giẫy nẩy:

- Hôn cái anh chàng thô lỗ ấy à ?

Công chúa nói:

- Thì đã làm sao ? Đến ta đây cũng còn hôn được huống chi các ngươi là bề tôi do ta nuôi cho ăn và trả tiền !

Người cung nữ lại quay vào chuồng lợn. Chàng chăn lợn khăng khăng :

- Một trăm cái hôn của công chúa, không thì ai giữ lấy của người ấy.

Công chúa truyền:

- Đứng quây lấy ta.

Các cung nữ đứng lại thành vòng tròn và chàng chăn lợn bắt đầu hôn.

Hoàng đế đang đứng trên bao lơn trông ra, tự hỏi :

- Có chuyện gì gần chuồng lợn thế kia ?

Ngài dụi mắt và đeo kính vào.

- À! Bọn cung nữ đùa nghịch. Phải ra xem bọn chúng đùa nghịch gì mới được! Hoàng đế đi giày băng túp vào, xuống thang gác rõ nhanh.

Xuống đến sân, ngài rón rén lại gần. Thật ra làm thế cũng bằng thừa vì các cung nữ còn đang mải đếm từng cái hôn để gã chăn lợn khỏi hôn quá số được hưởng.

Họ không biết có hoàng đế đi tới. Ngài kiễng chân nhìn vào và kêu lên :

- Thế này là thế nào ?

Rồi ngài rút giày băng rúp quật bọn cung nữ túi bụi.

Chàng chăn lợn đang hôn đến cái thứ tám mươi sáu thì hoàng đế cáu tiết hét:

- Cút ngay !

Thế là chàng chăn lợn và công chúa bị đuổi ra khỏi vương quốc.

Trời mưa như trút nước. Công chúa òa lên khóc.

Nàng than vãn:

- Khổ thân cho tôi ! Sao tôi chẳng lấy chàng hoàng tử đáng yêu có hay hơn không ?

Chàng chăn lợn chạy nấp sau một gốc cây, lau sạch phẩm nâu và phẩm đen trên mặt, cởi bỏ bộ quần áo xấu xí ra, trở lại chỗ công chúa trong bộ quần áo hoàng tử của mình và nói :

- Ta đến đây cốt để nói cho công chúa biết là ta rất khinh công chúa. Công chúa không muốn yêu một hoàng tử thật thà phúc hậu, công chúa không hiểu giá trị của bông hồng lẫn họa mi, nhưng vì một vật nhỏ mọn mà công chúa hôn một tên chăn lợn ! Cho đáng kiếp !

Chàng lập tức quay về nước mình, vào nhà và khóa chặt cửa lại. Công chúa đến trước cửa nhà chàng hát mãi:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

Nhưng chẳng có hiệu quả.

Hoàng tử chẳng mở cửa.

HANS CHRISTIAN ANDERSEN 

 

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

CHÚ PHÓ NỀ TRONG PHÚT HIỂM NGHÈO_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


42. CHÚ PHÓ NỀ TRONG PHÚT HIỂM NGHÈO
                                                 Thứ bảy, ngày 18

Bệnh tình "chú phó nề" mấy hôm nay có phần trầm trọng. Thầy giáo bảo chúng tôi lại thăm. Anh Long, anh Sinh và tôi, ba người rủ nhau đi. Chúng tôi có hỏi thử cậu quý phái Cát-Lộ, quả nhiên cậu chối từ một cách lãnh đạm. Cả đến anh Tiên cũng thoái thác nữa, có lẽ anh sợ đến đấy, vôi sẽ giây bẩn bộ quần áo mới của anh chăng ?

Tan học chiều, chúng tôi lại thăm anh Niên, tức "chú phó nề" mà chúng tôi thường gọi đùa. Trời mưa như trút ! Anh Long đứng dừng ở giữa phố, rút mấy đồng bạc trong túi bảo chúng tôi :

- Các anh định mua gì cho Niên ?

Anh Đỗ và tôi liền bỏ thêm tiền mua được 3 quả cam lớn. Chúng tôi leo cầu thang đến "rầm thượng". Đến cửa nhà anh Niên, anh Đỗ liền tháo bội tinh bỏ túi. Tôi hỏi anh:

- Sao lại tháo ra?

Anh đáp :

- Cất mề đay, vào người không, có lẽ tiện hơn.

Chúng tôi gõ cửa, cha anh Niên ra mở, người cao lớn, nét mặt đầy vẻ lo lắng buồn rầu.

Ông hỏi:

- Các cậu là ai?

Anh Long đáp :

- Chúng tôi là bạn cùng lớp với anh Niên, chúng tôi lại thăm và biếu anh mấy quả cam.

Ông phó nề lắc đầu đáp :

- Tội nghiệp cho em! Không chắc em còn ăn được quà của các cậu cho nữa không !

Nói xong, ông lấy tay áo gạt nước mắt rồi dẫn chúng tôi vào chỗ anh Niên nằm. Mẹ anh đang quỳ và gục đầu bên cạnh giường không biết chúng tôi vào.

Trên tường treo mấy cái bàn chải , một cái cuốc và một cái sàng để sàng vôi.. Ở góc nhà có cái thùng sắt và mấy cái bay.

Anh Niên sao mà còm và xanh thế ? Anh nằm đờ và thở khò khè. hai chân anh ủ dưới cái áo ngoài của cha anh hãy còn loang lổ những vết vôi.

Ngày thường bạn tôi xinh thế, vui thế, bây giờ nom khác hẳn đi, biết đến bao giờ anh mới lại có trò "nhăn mõm thỏ" với chúng tôi ?

Anh Long đặt một quả cam bên gối, cạnh mặt Niên. Ngửi thấy mùi thơm, anh quay lại cầm quả cam rồi lại bỏ rơi xuống và nhìn anh Long không chớp mắt.

Anh Long lên tiếng :

- Tôi là Long đây ! Anh có nhận ra không ?

Một nụ cười nhợt nhạt thoáng qua trên miệng, bệnh nhân cố đưa tay ra, anh Long đỡ lấy và đưa lên miệng hôn rồi nói :

- Anh Niên ơi ! Cố lên ! Anh ạ. Mai kia anh khỏi, anh lại đi học với chúng tôi. Thầy giáo sẽ cho anh ngồi cạnh tôi. Anh có bằng lòng không ?

Cậu "phó nề" không nói gì.

Mẹ cậu bỗng dưng nức nở khóc :

- Niên, con ơi !Nếu con có mệnh hệ nào thì mẹ cũng không sống được !

Ông chồng gạt đi, nói :

- Thôi, im đi ! Khóc mãi tôi đến phải điên mất!

Rồi ông quay lại bảo chúng tôi :

- Cảm ơn các cậu. Xin các cậu hãy trở lại nhà, ở đây buồn lắm !

Anh Niên lại nhắm nghiền mắt lại như người sắp chết.

Anh Long nói :

- Thưa ông, có việc gì tôi xin làm giúp.

Ông đáp :

- Cảm ơn các cậu có lòng quí hóa... Chúng tôi không có việc gì cả.

Nói xong, ông đưa chúng tôi ra cửa. Nhưng xuống đến lưng chừng thang chúng tôi nghe có tiếng gọi !

- Anh Long, anh Long ơi !

Chúng tôi vội lộn lên.

Ông phó hơi mừng, chạy ra bảo :

- Cậu Long ! Em vừa gọi cậu. Đã ba hôm nay em không nói năng gì, thế mà vừa rồi em gọi được cậu hai lần : Thực là một triệu chứng hay !

Anh Long liền bảo chúng tôi :

- Các anh về trước. Tôi ở lại.

Nói xong, anh theo ông phó vào nhà.

Ra về, thấy mắt anh Đỗ rỏ lệ, tôi hỏi :

- Anh thương anh Niên lắm, phải không ?... Anh ấy đã nói được, tất sẽ khỏi.

Anh Đỗ đáp :

- Tôi cũng tin thế, nên không nghĩ đến anh Niên... Tôi đang nghĩ đến anh Long, anh ăn ở với bầu với bạn như thế thực là chí tình, ai trông thấy cũng phải đem lòng cảm mến.


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

LÒNG CHÁU_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


41. LÒNG CHÁU
(Câu chuyện hàng tháng)

Hôm ấy, nhà thằng Pha-Lục-Tư lặng ngắt hơn ngày thường. Cha nó là chủ một tiệm tạp hóa nhỏ, ra Phố-Lợi cất hàng, mẹ nó cũng theo đi, nhân tiện để chữa mắt cho một đứa cháu gái; đến hôm sau  hai người mới về được. Người vú già, cơm chiều xong cũng xin phép về thăm con. Vì thế ở nhà chỉ còn một bà cụ già liệt chân với đứa bé 13 tuổi, tên gọi Pha-Lục-Tư.

Nhà này nhỏ, thấp, ở chơ vơ cạnh đường cái ra Phố-Lợi (1) lỵ sở tỉnh Rô-Man (2). Sau nhà có vườn trồng rau, xung quanh rào giậu. Cạnh nhà là một tòa khách sạn cháy đổ đã hai tháng nay, bỏ không. Bốn mặt là những cánh đồng dâu, xa xa thấp thoáng mấy làng xóm cô tịch.

Đêm ấy, đồng hồ sắp điểm 12giờ, bên ngoài trời tối như mực, mưa rơi tầm tã, gió thổi ào ào. Bà lão hãy còn thức, ngồi tựa lưng trong cái ghế bành ở buồng ăn, là một gian bày lủng củng những bàn ghế cũ và chỉ cách vườn rau có một bức vách mỏng. Bà cụ có vẻ lo buồn và nóng ruột, mỗi tiếng động lại làm cho bà phải lắng tai.

- Cạch ! cạch !

Có tiếng gõ cửa. Lần này đích thực là thằng Tư đi chơi về. Người ướt như chuột lội, đầu tóc rũ rượi vì mũ bị gió đánh bay xuống hố ! Trán nó sưng vếu bằng quả ổi vì nó đi đánh nhau bị đá ném phải. Không những thế nó còn thua bạc nữa, trong túi có đồng nào cũng hết sạch !

Ánh sáng ngọn đèn dầu tuy lù mù leo lét, bà cụ cũng nhìn thấy vẻ tiều tụy của cháu. Bà hỏi chặn mấy câu, hiểu ngay "ông cháu" đã đi đánh nhau và bị thua bạc. Biết không thể giấu được nữa, Tư liền thú mọi tội. Bà cụ vốn thương cháu nhất nhà nên nức nở khóc.

- Cháu ơi ! Thực là cháu chẳng thương bà, không thế sao cháu lại nhân lúc cha mẹ vắng nhà đi chơi bời lêu lổng như vậy ? Để bà ro ró một mình ở nhà, cháu thực nhẫn tâm ! Này Tư ơi ! Ta bảo, cháu đã bắt đầu sa vào con đường đen tối, nó sẽ đưa cháu tới những chốn xấu xa nhơ nhớp ! Ta đã trông thấy nhiều đứa trẻ bắt đầu lêu lổng như cháu rồi sau thành ra những kẻ bất lương. Trước hết trốn nhà đi chơi, đánh nhau với bạn, ham mê cờ bạc rồi dần dần từ cái đấm đi đến lưỡi dao, từ cờ bạc đến việc làm xằng, từ việc làm xằng đến việc ăn cướp !

Tư tựa lưng vào tủ, cúi gằm mặt đứng nghe.

Bà cụ vừa khóc vừa nói tiếp :

- Từ chỗ bài bạc đến chỗ ăn trộm, ăn cướp không xa đâu cháu ạ. Cháu không trông gương thằng Mã-Diên ở vùng này là một thằng đầu trộm đuôi cướp, mới 24 tuổi đã hai lần ngồi tù. Mẹ nó, ta cũng quen. Bà ta buồn rầu về con rồi mất. Cha nó thất vọng cũng bỏ sang Thuỵ Sĩ (3). Ta biết nó từ khi nó hãy còn nhỏ. Thằng Mã-Diên lúc đầu cũng lêu lổng như cháu, rồi mỗi ngày một hư đốn thêm. Nếu cháu không nghe bà thì sau này cha mẹ cháu cũng sẽ phải chịu một số phận như cha mẹ thằng Mã-Diên, chứ chẳng không !

Tư đứng im. Thực ra nó cũng là một đứa trẻ cũng có chút lương tâm, chỉ phải cái tính bướng bỉnh và khó bảo.

Thấy Tư đứng im, bà cụ lại nói :

- Cháu ơi, cháu không có một câu gì để hối hận à ? Cháu thử trông kỹ thân hình bà xem còn sống được bao lâu nữa ? Cháu không nên nhẫn tâm làm cho người sinh ra mẹ cháu đã quá già yếu, suy nhược, đang nằm kề miệng lỗ, còn phải đau lòng, còn phải rơi lệ ! Ngày còn bé sao cháu yêu bà, quý bà thế ? Đến bây giờ bà già yếu không đi lại được là lúc cần có cháu để an ủi thì cháu lại...

Nghe đến đây, Tư cảm động quá toan chạy lại với bà, bỗng có tiếng sột soạt ở ngoài vườn, nó dừng lại lắng tai.

Trời mưa nặng hạt.

Cửa vườn lại có tiếng động, lần này bà cụ nghe thấy, giật mình hỏi cháu.

Tư nói sẽ :

- Thưa bà, mưa !

Bà cụ lau nước mắt nói tiếp :

- Cháu hãy hứa với bà từ nay về sau, cháu sẽ không làm cho bà phải đau lòng nữa !

Bỗng cửa vườn lại có tiếng kẹt ! Bà cụ xám ngắt kêu :

- Cháu ra xem. Không phải trời mưa...

Song bà lại bảo :

- Nhưng thôi, cháu cứ đứng đây.

Rồi bà cầm tay Tư kéo lại cạnh bà.

Cả hai bà cháu đều nín thở. Chỉ thấy tiếng mưa ào ào.

Một lát sau, hai bà cháu đều phát run lên vì có tiếng người đi ở gian bên cạnh.

Tư cất giọng run run hỏi :

- Ai đấy ?

Không tiếng trả lời.

Tư mặt tái mét, hỏi dồn :

- Ai đấy ? Ai đấy ?

Vừa hỏi xong, thì hai bà cháu đều rú lên một tiếng : Có hai người đàn ông nhảy vào trong buồng !

Một người sấn lại, một tay nắm chặt lấy Tư , một tay bịt miệng nó ; còn người kia thì chạy lại bóp cổ bà già.

Người thứ nhất nói :

- Muốn sống thì im mồm !

Người thứ hai giơ dao và kêu :

- Suỵt !

Cả hai người đều đeo mặt nạ đen, người thứ nhất hỏi sẽ Tư :

- Tiền bạc bố mày để đâu ?

Tư, hai hàm răng lập cập thưa :

- Ở đằng kia... trong tủ.

Người kia bảo :

- Mày theo tao !

Rồi lôi nó lại trước tủ dúi nó xuống đất, lấy hai chân kẹp lấy cổ, còn một tay cầm đèn lồng, một tay cạy tủ.

Vơ vét xong, chúng dọa hai bà cháu nếu kêu cứu, chúng sẽ lộn lại "sửa" cả hai.

Chợt có tiếng người đi và hát ở ngoài đường cái. Tên trộm thứ hai vung mặt ra ngoài mạnh quá làm rơi mặt nạ.

Bà lão kêu to :

- Mã-Diên !

Tên trộm thét lớn :

- Đồ khốn nạn ! Không thể để mày được !


Nói xong, hắn giơ dao thẳng cánh đâm bà lão !

Nhanh như chớp, Tư chạy lại ôm choàng lấy bà để chắn mũi dao.

Hai tên trộm đạp tắt đèn tẩu thoát. Tư bỏ bà ra và tụt xuống đất, hai chân quỳ, đầu gục vào lòng bà.

Bà lão hoàn hồn gọi cháu :

- Tư ơi !

Cháu đáp :

- Bà ơi !

- Chúng đi cả rồi chứ?

- Vâng.

- Chúng không giết bà?

- Không... bà thoát nạn. Chúng chỉ lấy tiền thôi. Nhưng cha cháu đã mang gần hết tiền đi cất hàng, chả còn gì !

Bà cụ thở một hơi dài như trút một gánh nặng.

Tư vẫn quỳ và ôm lấy bà, thở hổn hển nói :

- Bà ơi ! Bà yêu quý của cháu ơi ! Bà vẫn yêu cháu chứ ?... Thế mà, cháu cứ làm phiền lòng bà...

- Không, cháu đừng nói thế, bà không nghĩ đến chuyện ấy nữa, bà quên cả rồi, bà yêu cháu bà vô cùng !

Bằng giọng run run, cậu bé gắng sức nói tiếp :

- Cháu cứ làm phiền lòng bà, nhưng... bao giờ cháu cũng yêu bà trên tất cả mọi người. Bà thứ lỗi cho cháu không? Tha cho cháu, bà ạ !

- Ừ, bà tha lỗi cho cháu. Bà hết lòng tha lỗi cho cháu. Cháu chưa tin à ? Cháu yêu dấu của bà ơi ! Cháu hãy đứng dậy. Bà không mắng cháu nữa đâu ! Cháu giỏi lắm ! Đi thắp đèn đi... Cố lên ! Đứng dậy, Tư ơi !

Cậu bé đáp, giọng yếu dần :

- Cám ơn bà. Bây giờ cháu yên lòng lắm. Bà ơi ! Bà có nhớ cháu bà không ? Bà không bao giờ quên cháu Tư của bà chứ ?

Thấy cháu nói vậy, bà cụ thất kinh vỗ vai cháu, gọi :

- Tư ơi !

Và cúi xuống nhìn mặt cháu.

Cậu bé nói phì phào trong hơi thở :

- Bà nhớ cháu nhá ! Cháu nhờ bà hôn mẹ cháu... cha cháu... em Lưu-Gia... Lạy bà... Bà ơi !

Bà cụ kinh ngạc lay đầu cháu và kêu :

- Tư ơi ! Cháu làm sao thế ? Trời ơi ! Không biết làm sao cháu tôi lại thế này ? Khốn nạn cháu tôi ! Ai cứu cháu tôi với... Tỉnh dậy cháu ơi !

Nhưng Tư không trả lời. Cậu bé anh hùng ấy, bị lưỡi dao đâm suốt lưng, máu ra lênh láng, vừa thở hơi cuối cùng, trong lòng rất vui sướng vì đã cứu bà thoát chết.

------------------
Chú thích. 1) Forli 2) Romagne 3) Suisse.


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

LỄ PHÁT PHẦN THƯỞNG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


40. LỄ PHÁT PHẦN THƯỞNG
                                              Thứ ba, ngày 14 tháng ba

Khoảng hai giờ chiều, nhà hát lớn chật ních những người. Các ghế hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, ghế hai bên và trên diễn đàn đều có người ngồi cả. Trong rạp có tới vài nghìn người : nào các cô, các cậu, các bà, các ông, nào giáo sư, nào thợ thuyền. Nhìn xuống sân rạp người ta trông thấy một lớp đầu và tay dao động, một trào sóng lông mũ rập rờn, một làn dải mũ, tóc tơ phất phới và những tiếng rì rầm vui vẻ khiến lòng ta hớn hở vô cùng.

Trong rạp treo những tràng hoa kết theo sắc cờ rất rực rỡ. Ở nhạc sở người ta đã đặt thêm hai bậc lên xuống : bên phải là lối học sinh được thưởng lên đàn, bên trái là lối xuống. Trên sân khấu, người ta đặt một dãy ghế bành nệm nhung, trên lưng ghế giữa có treo một vòng hoa nguyệt quế. Bên cạnh là một cái bàn phủ thảm xanh, trên bày la liệt sách vở buộc bằng những dải tam tài đẹp đẽ quá khiến các em học sinh nhìn bằng đôi mắt thèm muốn.

Ban nhạc vẫn ở chỗ ngày thường, nghĩa là đối diện với sân khấu. Các thầy giáo, các cô giáo đứng chật chỗ đầu hành lang là nơi đã dành sẵn. Sau ban nhạc có hơn trăm em bé ngồi trên những chiếc ghế dài giúp việc hát, mỗi em cầm một bài hát trong tay. Các giám thị đi đi lại lại quanh phòng để giữ trật tự và xếp học trò. Ở dãy cuối cùng, mấy bà đang nắn mũ, áo cho con.

Đúng hai giờ, âm nhạc bắt đầu. Đồng thời, người ta trông thấy ông thị trưởng, ông quận trưởng, ông đốc học và nhiều vị khác vận lễ phục mầu thâm lên đàn, ngồi vào những ghế đỏ. Khi các tân khách yên vị và ban nhạc dứt bài thì một nhạc sư, tay cầm đũa nhịp đứng dậy ra hiệu cho các cậu bé hát. Các em bé đứng lên đồng thanh hát một bài rất là hùng tráng. Cử tọa đều lắng tai nghe và ra chiều cảm động. Hát hết bài, công chúng vỗ tay nhiệt liệt.

Cuộc phát phần thưởng bắt đầu. Thầy giáo cũ tôi, ở lớp hai, tóc đỏ mắt sáng, bước lên sân khấu giữ việc đọc danh sách các học sinh trúng giải. Người ta nóng lòng đợi xem 12 em giữ việc dâng sách cho các quan khách. Các báo đều đăng tin 12 người ấy sẽ là 12 em quê quán ở khắp các tỉnh trong nước.

Chợt người ta thấy đoàn đại biểu xếp hàng đi đến và nhanh nhẹn bước lên sân khấu, rồi 12 em đại biểu đứng quay mặt ra, em nào cũng tươi tỉnh, nhưng hơi có vẻ ngượng nghịu. Cử tọa, chừng ba nghìn người đều đứng cả dậy, tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô nổi lên như sấm. Các em bé càng bối rối.

Tôi nhận ra ngay anh Cát-Tây, đại biểu xứ Cát-Lạp, mặc y phục đen như mọi ngày. Một ông Hội viên thành phố ngồi cạnh chúng tôi, quen mặt mấy em đại biểu khác bèn chỉ dẫn cho mẹ tôi nghe :

- Em bé tóc đỏ kia là đại biểu thành Vơ-ni, em lớn tóc quăn kia là đại biểu thành La Mã. Còn em bé nhất quàng cái băng xanh là đại biểu thành Phờ-lô-răng.

Trong bọn 12 em, có hai, ba em ăn mặc sang trọng, còn những em khác tuy là con nhà thợ thuyền nhưng cũng ăn vận sạch sẽ và chỉnh tề.

Các em xếp hàng một và diễn qua ông Thị trưởng, một giáo sư đứng cạnh xướng danh ; nghe mỗi tên thì ông Thị trưởng lại hôn một em :

- Phờ-lô-răng (1), Náp-pờ (2), Bô-lô-nhơ (3), Pa-léc (4)...

Mỗi em đi qua trên đài, quan khách lại vỗ tay một loạt. Các em đại biểu diễn xong ra đứng cả lên bên cạnh bàn sách. Thầy giáo bắt đầu xướng tên trường, tên lớp và tên các em được thưởng. Các em lần lượt lên sân khấu, coi rất đẹp mắt.

Một bài âm nhạc êm ái dịu dàng ở trong buồng trò phát ra, nghe tựa như những tiếng âu yếm của các bà mẹ, các thầy giáo và các cô giáo đang rủ rỉ khuyên lơn, khích lệ con em.

Những em được thưởng lần lượt lại chỗ các quan trưởng và các vị thân hào để lĩnh thưởng, mỗi lần trao sách, các ngài đểu nói với các em một câu âu yếm hoặc xoa đầu tỏ ý thân yêu. Mỗi khi thấy những em còn bé mà được phần thưởng to, những em nghèo mà chiếm phần thường danh dự hay những em bé quá lên đàn cuống quít không biết đi đâu hoặc vướng chân vào mép thảm bị ngã, thì công chúng lại vỗ tay và cười reo rất vui vẻ !

Bây giờ đến lượt trường chúng tôi. Trước tiên tôi thấy gọi tên anh Quyết-Tư. Hôm nay anh ăn mặc mới từ đầu đến chân, nét mặt nở nang, nụ cười tươi thắm để lộ đôi hàm răng trắng như ngà. Biết đâu sáng nay anh lại không vác củi đỡ cha mẹ. Ông thị trưởng vỗ vai anh hỏi tại sao trên trán anh lại có vết đỏ. Tôi đưa mắt nhìn cha và mẹ anh ngồi ở sân rạp thấy hai người bưng miệng cười. Thứ nhì là anh Đỗ-Sinh. Anh mặc bộ áo xanh thẫm, cúc kền sáng nhoáng, người mảnh dẻ, bộ thanh nhã, trán cao, làn tóc đỏ tỏa xuống hai vai ; coi anh xinh xắn quá chừng, ai trông thấy cũng phải yêu. Các vị đều nắm tay hỏi han. Kế thầy giáo gọi :

- Dư-Biên !

Người ta thấy cậu con quan Ba pháo thủ chống nạng lên đàn. Người ta hỏi nhau và biết ngay nguyên nhân cái tai nạn đã xảy ra cho cậu, tức thì một tràng pháo tay nổ ran làm chuyển động cả rạp. Các ông thì đứng cả dậy, các bà thi vẫy mùi soa, nhao nhao cả rạp khiến cậu Biên bối rối và cảm động run cả người đứng ỳ giữa sân khấu... Ông thị trưởng kéo cậu lại gần, hôn cậu, xong lấy vòng hoa nguyệt quế treo ở lưng ghế mắc vào đầu cái nạng cậu cầm ở trước ngực. Xong ông thị trưởng đưa cậu lại chỗ cha cậu ngồi ở hàng ghế thứ nhì, cha cậu liền đỡ cậu vào chỗ ngồi. Cử tọa đều vỗ tay khen ngợi.

Ban nhạc vẫn cử những bài êm ái du dương. Các học sinh vẫn kế tiếp lên đàn lĩnh thưởng. Đây là học trò trường La-Đại, phần nhiều là con nhà buôn bán. Đây là học trò trường Vân-Lan con cái thợ thuyền. Nọ là trường Ích-Hữu, phần nhiều là con nhà làm ruộng. Cuối cùng là trường La-Nhi.

Phần thưởng phát xong, một trăm cậu học trò ở sân rạp lại đồng thanh hát nghe rất hùng hồn. Đoạn ông Thị trưởng đọc một bài diễn văn ngắn. Ông Đốc học nói tiếp :

- Các con ơi ! Trước khi ở đây ra về, các con không được quên không để lời kính chào và lời cảm ơn những người đã chịu bao nhiêu nỗi khó nhọc vì các con, những người đã hy sinh tất cả tâm trí cho các con, những người đã sống vì các con và sẽ chết vì các con, đó là những vị đang đứng ở bên cạnh các con đấy !

Ông Đốc vừa nói vừa chỉ sang chỗ các thầy giáo và các cô giáo đứng. Cảm động về lời hiệu triệu ấy, mấy nghìn đứa trẻ đều đứng lên một loạt và giơ tay về chỗ các giáo viên. Các thầy và các cô đều vẫy mũ, vẫy tay để trả lời và có vẻ bùi ngùi về sự biểu lộ chân tình của lũ trò em.

----------------
Chú thích. 1) Florence 2) Naples 3) Pologne – 4) Palerme.



Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

TRƯỚC NGÀY 14 THÁNG BA_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


39. TRƯỚC NGÀY 14 THÁNG BA
                                       Thứ hai, ngày 13

Hôm nay, ngày 13 tháng Ba, trường tôi có vẻ rộn rịp, vì mai là ngày phát phần thưởng cho các học trò tại nhà hát Việt-Tô, một ngày hội lớn nhất trong năm học. Năm nay, những trò em cử lên sân khấu trình danh sách học sinh được phần thưởng cho các quan chức phải lựa chọn kỹ càng.

Sáng nay, ông hiệu trưởng vào lớp bảo chúng tôi :

- Ta báo cho các con biết một tin mừng !

Rồi ông gọi :

- Cát-Tây đâu ?

Cậu bé xứ Cát-Lạp (1) đứng dậy.

- Mai con có muốn cầm sổ tên học sinh được thưởng trình các vị thân hào ở nhà hát không ?

Cậu bé xứ Cát-Lạp thưa "có".

Ông hiệu trưởng nói :

- Tốt lắm ! Thế là ta sẽ có một đại biểu của xứ Cát-Lạp. Thành phố năm nay muốn rằng : 10 hay 12 trò em đệ danh sách và phần thưởng cho các quan chức phải là người thuộc các tỉnh khác nhau trong nước Ý và chọn trong các trường công ở thành phố Tuy-Ranh (2). Ở đây, ta có 20 trường chính, 5 trường phụ với 7 nghìn học sinh. Như thế, sự lựa chọn cũng không khó gì.

Trường Đại- Sách đã tìm được hai đại biểu ở đảo : một là dân Sác-Đe (3), một là dân Si-Xinh (4). Trường Ích- Hữu đã cử một cậu người xứ Phơ-lô-răng (5) là con một người thợ chạm. Trường Mỹ-Tư-Kha cho cậu La Mã (6). Mấy trường nữa đã tìm được những cậu ở Vơ-ni (7), ở Lom-bác-đi (8), ở Rô-man (9). Trường Mộng-Vi trình cậu người Náp-pờ (10) là con một sĩ quan ; còn trường Ba-Lệ-Tư ta cử một cậu thành Giê-nơ (11)và một cậu xứ Cát-Lạp. Như thế kể cũng hay đấy chứ ? Nghĩa là toàn thể anh em ở tất cả các tỉnh trong nước Ý đến đưa phần thưởng. Khi các cậu đại biểu lên sân khấu trình diện, các con phải chú ý và phải hoan hô. Tuy là trẻ con thực, nhưng chúng thay mặt cho cả quê hương chúng thì khác gì người lớn. Một cái băng tam tài nhỏ kia có phải là biểu hiệu của nước Ý cũng như lá cờ lớn không? Các con hãy tiếp rước các bạn đại biểu cho nồng nàn để tỏ rằng cái trái tim mười tuổi, trái tim non nớt của các con cũng biết phấn khởi trước hình ảnh thiêng liêng của tổ quốc !

Nói xong, ông hiệu trưởng ra. Thầy giáo chúng tôi mỉm cười nói thêm :

- Cát-Tây nhớ chưa ? Con sẽ là ông nghị viên của xứ Cát-Lạp đấy !

Chúng tôi đều vỗ tay reo cười. Khi ra phố, chúng tôi xúm lại kẻ ôm chân, người kiệu Cát-Tây lên vai và hò reo khác nào như người ta hoan nghênh một tướng quân thắng trận.

Có anh hô :

- Hoan nghênh ông nghị xứ Cát-Lạp !

Đó là họ đùa chứ không phải là chế giễu. Họ mừng cho anh Cát-Tây cũng đáng vì anh là một người bạn ai cũng ưa, anh bị kiệu và lôi kéo ra đến đầu phố thì chạm phải một ông mày rậm, râu đen, ông này thấy thế đang đứng cười .

- Cha tôi đấy !

Thấy anh Cát-Tây nói vậy, chúng bạn liền ôm anh trao cho cha anh đỡ lấy rồi giải tán mỗi người một nơi.

------------------------
Chú thích. – 1) Calabre 2) Turin – 3) Sardaigne – 4) Sicile – 5) Florence – 6) Rome – 7) Venise – 8) Lombardie – 9) Romagne – 10) Naples – 11) Gênes.


Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

NGƯỜI CHINH PHU VỀ


Phần 3 và cũng là phần cuối của trường ca Hòn Vọng Phu là sự trở về của người chinh phu. Với nét nhạc tài hoa và lời ca chắt lọc, nhạc sỹ Lê Thương đã lột tả được hết nỗi đau xót của người chồng, người cha khi biết tin vợ đã không còn nữa. Cũng đâu đó tiếng vó ngựa nhưng trong phần 3 không phải là sự bịn rịn và lòng quyết tâm ra đi như trong phần 1 mà là sự nô nức muốn đoàn tụ với gia đình của những người lính trận. Thế nhưng sự nghiệt ngã luôn là một phần không thể thiếu của bất kỳ cuộc chiến nào, từ cổ chí kim!


 Nghe bài hát "Người chinh phu về" xin mời bấm dưới đây:

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

NGƯỜI TÙ SỐ 78_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


38. NGƯỜI TÙ SỐ 78
                                                         Thứ tư, ngày mồng 8.

Hôm qua tôi đã được mục kích một tấn kịch cảm động.

Đã mấy hôm nay, mỗi khi bà hàng quả đi qua là bà nhìn anh Đỗ một cách rất yêu quí, vì từ khi anh đã khám phá ra câu chuyện "người tù số 78 với cái lọ mực gỗ", anh liền đem lòng thân yêu anh Xuyên là con người tù nói trên và là một trẻ mắc bệnh bại tay. Anh giúp anh Xuyên trong khi làm bài hoặc trả lời, anh cho anh Xuyên giấy, bút mực và bút chì, tóm lại, anh coi anh Xuyên như em để đền bù lại những nỗi đau khổ của người cha lao tù mà anh Xuyên không biết.

Bà mẹ anh Xuyên là một người rất thương con, nay thấy có cậu học trò đầu lớp để tâm dắt dìu con mình thì lòng bà cảm mộ vô cùng.

Bà cứ nhìn anh Đỗ chòng chọc như muốn thổ lộ điều gì song không dám nói ra.

Mãi đến sáng qua, bà giữ anh Đỗ ở gần cổng trường và nói rằng :

- Xin lỗi em, em là một người rất tốt đối với em Xuyên. Không lấy gì tạ lòng em được, gọi là có chút quà này biếu em, em nhận cho.

Nói xong, bà rút trong thúng ra một hộp bọc giấy vàng.

Anh Đỗ đỏ mặt, lắc đầu từ chối :

- Bà để dành cho anh Xuyên, tôi không dám nhận.

Bà hàng quả có vẻ ngượng ngùng, xin lỗi :

- Xin em đừng giận. Đây là gói kẹo nhỏ biếu em thôi.

Nhưng anh Đỗ ra vẻ khó chịu quay mặt đi.

Bà kia rụt rè rút bó củ cải trong thúng ra nói :

- Thôi, ít nhất em cũng nhận cho bó cải này, còn tươi nguyên, để đem về biếu bà.


Anh Đỗ cười đáp :

- Cảm ơn bà ! Tôi không muốn nhận gì cả. Tôi sẽ hết lòng giúp đỡ anh Xuyên mãi mãi và không bao giờ tôi lại nhận một vật gì bà cho, cảm ơn bà !

Bà kia có ý ân hận, hỏi :

- Tôi làm em mếch lòng sao?

Anh mỉm cười đáp :

- Thưa bà, không phải thế.

Rồi anh đi. Bà Xuyên lẩm bẩm :

- Thực là một tấm lòng vàng ! Tôi chưa từng thấy một trò em nào lại giỏi giang và đứng đắn như em này !

Ai cũng tưởng thế là thôi ; nhưng đến chiều, vào khoảng 4 giờ, đang lo gặp bà hàng quả thì anh Đỗ lại phải chạm trán với cha anh Xuyên đã đợi sẵn ở cổng trường nét mặt buồn rầu tư lự. Ông ta giữ anh Đỗ lại, thái độ luống cuống hình như ông ta biết anh Đỗ hiểu rõ chuyện bí mật của mình. Ông nói bằng giọng âu yếm :

- Cậu yêu em Xuyên lắm. Tôi không rõ tại sao cậu lại đem lòng thương em ?

Anh Đỗ mặt đỏ như gấc, lòng anh như muốn bảo rằng :

- Tôi yêu anh Xuyên vì anh ấy khổ sở, vì chính ông, ông cũng là người khổ sở hơn là kẻ tội nhận, vì ông đã chuộc tội ông rồi, vì ông còn chút lương tâm...

Nhưng cổ anh nghẹn ngào vì anh không đủ can đảm phát ra câu nói.

Thực ra, anh cảm thấy một sự hãi hùng, một sự ghê tởm đối với một kẻ sát nhân, một kẻ đã ngồi sáu năm tù !

Nhưng dù anh chẳng nói ra, cha anh xuyên cũng đoán được cả. Hắn lại gần anh, giọng run run, ông nói nhỏ bên tai anh :

- Cậu yêu em, nhưng cậu không ghét, không khinh cha em chứ ?

Anh Đỗ vội trả lời :

- Không. Không bao giờ có thế !

Kẻ tội nhân hai tay chực ôm lấy anh, nhưng lại rụt lại, đành lấy tay vuốt ve món tóc đỏ của anh rồi nước mắt chảy quanh, tự để hai ngón tay lên môi gửi cho anh một cái hôn, xong hai cha con dắt nhau về.


Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

ĐÁM ĐÁNH NHAU_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


37. ĐÁM ĐÁNH NHAU
                                          Chủ nhật, ngày mồng 5.

Phan-Tín bị đuổi rắp tâm trả thù anh Đinh. Nó đứng đợi ở đầu phố, là lối anh Đinh thường đón em học ở trường Nữ học Đỗ-Xá về để gây chuyện. Thúy-Hoa, em tôi, thấy đám đánh nhau sợ hãi chạy một mạch về nhà không đợi tôi.

Việc xảy ra như sau này :

Phan-Tín đội mũ cát-két lệch che cả tai, rón rén theo sau anh Đinh ; tới nơi, nó liền cầm đuôi tóc em gái anh Đinh giật mạnh để sinh sự. Cô bé bị kéo giật một cái bất ngờ ngã lăn ra đất. Anh Đinh quay lại thấy Phan-Tín, giận quá sấn lại đánh luôn, không sợ nó vừa to vừa khỏe hơn. Vì thế, anh Đinh bị đánh trả rất đau. Trong phố lúc bấy giờ chỉ có toàn học trò con gái nhỏ không ai là người lớn để gỡ chúng ra.

Hai trẻ đánh nhau kịch liệt. Anh Đinh đổ cả máu mũi, nhiều lần bị ngã, lại cố đứng dậy chống đỡ. Cuối cùng hai người vật lộn nhau trên mặt đất. Anh Đinh hết sức bình sinh vật ngửa được Phan-Tín ra và lấy đầu gối đè lên ngực. Một tiếng bên ngoài kêu :

- Chết chửa ! Thằng khốn nạn nó rút dao !

Anh Đinh biết thế liền cắn mạnh vào cánh tay Phan-Tín làm cho con dao rơi ra.

Mọi người chạy lại gỡ và lôi hai người dậy. Bị công chúng xỉ vả, Phan-Tín chạy thẳng. Đứng giữa bãi chiến trường, anh Đinh tuy mặt đầy máu, mắt sưng húp, nhưng thắng trận. Cô em đứng khóc bên cạnh. Mấy cô học trò nhặt hộ sách vở rơi tung tóe trên hè. Anh Đinh thu thập sách vở bỏ vô cặp, lấy khăn chùi mặt rồi dắt em về.

Mọi người đều tấm tắc :

- Không sợ kẻ mạnh hơn mình, bênh vực cho em như thế, thực đáng khen thay!


Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

LỚP HỌC TỐI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


Tháng ba


36. LỚP HỌC TỐI
                                 Thứ năm, ngày mồng 2.

Hôm qua, cha tôi dẫn tôi ra trường để xem lớp học tối. Khi chúng tôi đến thì đèn các lớp đều thắp sáng trưng và học trò đang lục tục kéo đến.

Ông hiệu trưởng đang bực tức vì có người vừa ném đã vào vỡ mất miếng kính.Người gác cổng chạy sổ ra và bắt được một đứa trẻ, nó kêu khóc và cãi không phải mình.

Anh Đinh, nhà ở trước cửa trường, thấy thế liền chạy sang và bảo người gác cổng :

- Không phải em bé này đâu. Chính thằng Phan-Tín nó ném. Mắt tôi trông thấy. Nó dọa nếu mách nó sẽ đánh tôi, song tôi không sợ.

Người gác cổng buông ngay em bé kia và ông hiệu trưởng bảo cha tôi rằng mai ông sẽ thẳng tay đuổi Phan-Tín ra, không thể dung thứ được nữa.

Tôi chưa được xem lớp học tối bao giờ. Thực là một cảnh tượng rất hứng thú.

Trong trường có tới 200 người thợ đủ các hạng tuổi, từ trẻ con 12, 13 tuổi cho đến những người lớn đã có râu, đi làm đến để học thêm, nào thợ mộc, nào thợ nề, nào thợ máy, nào thợ sơn, v.v... Trong bọn có cả mấy người lính pháo thủ do viên cai dẫn đến.

Cửa các lớp để ngỏ. Giờ học bắt đầu. Nhìn vẻ chăm chú của các "ông học trò" ngồi nghe giáo viên dẫn giảng, tôi rất lấy làm thán phục ! Tôi thấy chỗ thì mấy người cầm vở lên bàn giấy hỏi nghĩa lại, chỗ thì 4, 5 người thợ quây quần một giáo viên đang chấm bài. Thầy giáo trẻ nhất trường tôi mà chúng tôi đặt tên là "Tiểu luật sư" cũng có mặt ở đấy. Tôi thấy thầy chìa quyển vở loang lỗ những vết đỏ, vết xanh cho cậu học trò thợ nhuộm xem và cười...!

Trong bọn thợ học tối nay, cũng có nhiều người chưa kịp về ăn cơm nên trông có vẻ mệt nhọc.

Mấy em bán bánh vào học được nửa giờ thì gục xuống bàn ngủ. Giáo viên lại gần lấy đuôi bút lông ngỗng sẽ quệt vào má để đánh thức các em. Còn những người lớn thì chú ý lắm, mắt đăm đăm nhìn giáo viên cắt nghĩa ; người ta có thể nghe được tiếng ruồi bay.

Tôi rất lấy làm đắc ý trông thấy những người lớn ngồi vào chỗ cúng tôi. Nếu chúng tôi bắt chước được như những người thợ ấy, ngồi im lặng, học chăm chú thì thích biết dường nào !

Chỗ tôi ngồi là một người trẻ tuổi có râu ria, có lẽ là một người thợ máy vì người ấy bị thương ở một ngón tay bên phải còn quấn bông ; tuy nhiên, người ấy cũng cố viết nắn nót như các người khác !

Thực là một tấm gương nhẫn nại cho tôi.

Còn chỗ "chú phó nề" thì buồn cười quá ! Tôi thấy cha chú ngồi. Ông phó người to lớn lại ngồi vào chỗ hẹp quá, nên có vẻ "câu thúc" nhưng ông ta thích thế vì ông ta đã xin phép ngồi vào chỗ thân yêu ấy !

Cha tôi và tôi đứng ngoài xem cho đến lúc mãn giờ. Đó cũng là một bài học thực hành cho tôi, một bài học dạy về "ý tứ", dạy về "cử chỉ" rất có ích lợi.

Ở cửa trường có nhiều bà ẵm con đến đón chồng. Thấy cha ra, đứa bé giơ tay theo, người cha bế lấy và hôn một cách rất yêu dấu. Còn bà vợ thì cầm đỡ sách vở cho chồng và giục :

- Nhanh lên ! Cái ăn nguội cả !

Họ đi từng toán về nhà. Phố xá đông đúc và rộn rịp một lúc rồi lại yên lặng, vắng tanh. Tôi chỉ còn nhìn thấy bóng ông hiệu trưởng trường tôi đi lừ thừ ra vẻ mệt nhọc.

Ông là người đến sớm nhất và cũng là người về sau rốt. Ông hiệu trưởng đáng tôn quí ấy, thực là một người cúc cung tận tụy với nghề !

Trông gương học trò tối trước, sáng nay tôi cố ngồi im và hết sức chăm chú khiến ông Bích-Niên phải lấy làm lạ và để ý đến tôi.