Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP


Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những thắt lưng dài đỏ hoe, những đôi dép cong nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì. Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần dành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thủy Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:

Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò
Chạy mưa.

Sáng hôm sau, Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới:

Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.

Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá, Thủy Tinh liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai:

Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn thế: kiếm chuyện cười chơi. Cũng có khi người cười những nhân vật chính người tạo ra, như cái cô bé đi Chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà:

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu.

Có khi chẳng còn biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của Mỵ Nương, người thêm một câu:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ,

Người vờ ngơ ngẩn để kiếm cớ diễu mình chơi, hay người muốn diễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng?

Lại có khi không diễu mình không diễu người, thi nhân cũng cười: cười vì một cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng Vương sung sướng nhìn con:

Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng cũng hơi nhiều.

Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi Chùa Hương và cùng cô bé san sẻ nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:

Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.

rồi:

Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!"

Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu đến buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó.

Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng A. France, nhưng xem Ngày Xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de mon ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay diễu đời và thương người như A. France? Không, nói diễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp còn hiền lành hơn. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. Dầu sao, tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ. 

(Trích Thi nhân Việt Nam)    
 HOÀI THANH - HOÀI CHÂN   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét