Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Sau khi lựa chọn, người tá điền dắt ngay ra con bò cái mà vợ tôi đã giao.

Con bò thật mập mạp tốt tướng, tôi rất vừa lòng cầm dao vừa định thọc huyết thì con bò đó bỗng rống lên dữ dội, rồi hai giòng lệ chảy dài trên đôi khóe mắt.

Tôi lần đầu thấy cảnh lạ nầy nên không đành lòng xuống tay liền cởi trói bảo tá điền dắt bò về chuồng đổi con khác.

Vợ tôi không bằng lòng, nàng phản đối:

- Con bò nầy mập mạp nhất chuồng, sao mình không làm thịt nó đi? Làm lễ tế thần mà lựa bò xấu không nên đâu.

Để cho vợ tôi vui lòng, tôi liền nhắm mắt cầm dao toan thọc huyết thì lần nầy nó lại càng rống to hơn và nước mắt ràn rụa.

Tôi đành buông dao, không thể can đảm giết được, liền bảo người tá điền:

- Chú hãy thay tôi hạ sát nó đi, tôi có việc phải đi.

Nói xong tôi liền bỏ đi. Người tá điền điềm nhiên giết chết con bò nhưng khi lột da thì thật lạ lùng, vì trông con bò bề ngoài tốt tươi thế mà bên trong chỉ có xương, không có chút thịt nào, liền chạy đi cho tôi hay.

Tôi đến nơi chứng kiến việc kia thì rất ngạc nhiên. Quá cảm động, tôi bảo người tá điền:

- Thôi, tôi cho chú đó, mang về chia lối xóm đi, rồi hãy vào chuồng bắt cho tôi một con bò tơ vậy.

Người tá điền y lời lựa ra cho tôi một con bê mập mạp. Dù không mảy may nào biết nó là con nhưng tôi vẫn cảm thấy lòng xao xuyến khi đứng trước nó. Riêng nó vừa trông thấy tôi thì lồng lộn bứt dây chạy đến quỳ mọp xuống chân tôi, rống lên từng chặp như yêu cầu tôi đừng giết nó.

Nước mắt và tiếng kêu thảm thiết của nó làm tôi bủn rủn tay chân hơn cả con bò cái kia. Tôi thấy quyến luyến nó, có lẽ vì giòng máu của tôi lôi kéo chăng?

Tôi nói với người tá điền:

- Thôi chú dắt nó về chuồng đi, nhớ săn sóc nó tử tế rồi tìm con khác làm tạm cũng được.

Vợ tôi đứng bên la lớn, tỏ ý phản đối, nó nói:

- Tại sao mình lạ lùng vậy? Hãy nghe tôi, làm thịt con nầy đi đừng đổi.

Tôi buồn bã nói:

- Mình à! Không hiểu sao tôi thấy hồi hộp quá, tôi muốn tha cho nó, mình đừng ép tôi.

Vợ tôi nhất định không nghe, nó lăn lộn khóc lóc. Sau rốt, để chiều lòng nó cho yên vui, tôi liền trói con bê lại rồi dùng dao định thọc huyết nó.

Kể vừa đến đây Mỹ Thanh Loan thấy trời sáng liền dừng lại.

Mỹ Thanh Liên tiếc rẻ nói:

- Ồ, câu chuyện đang hay mà lại bị bỏ dở nửa chừng uổng quá.

Mỹ Thanh Loan liền mỉm cười nhìn nhà vua nói:

- Đoạn sau còn hay hơn, nếu hoàng thượng cho chị sống thêm ngày nữa chị sẽ kể cho em nghe rồi mới hiểu nó hay như thế nào.

Đức vua Ba Tư bị mê hoặc trong câu chuyện hấp dẫn kia nên nói:

- Thôi nàng đừng nói nữa, ta đã bằng lòng hoãn cuộc hành quyết cho đến khi nào dứt câu chuyện.

Thưa quí vị, câu chuyện đêm thứ năm tiếp theo đã làm cho nhà vua say mê và cho đến sau tôi chỉ ghi lại toàn thể câu chuyện ; quí vị cứ hiểu tất cả đều do nàng Mỹ Thanh Loan kể trong những đêm kế tiếp.



ĐÊM THỨ NĂM


- Tâu hoàng thượng…

Nàng Mỹ Thanh Loan kể tiếp:

- Ông già dắt con nai cái tiếp tục kể câu chuyện cho vị hung thần nghe:

Tôi cầm dao cương quyết giết con bê cho vừa lòng vợ tôi nhưng không thể được, cứ nhìn hai hàng nước mắt của nó tôi không thể nào xuống tay, tôi liệng dao nói:

- Thú thật với mình không thể nào tôi giết nó được.

Vợ tôi cố tìm lời nói khích, cố cho tôi giết bằng được con bê, nhưng tôi không nghe, tìm cách hoãn binh nói:

- Mình ạ, thôi để lễ nầy sang năm tôi sẽ giết nó.

Rồi tôi bắt người tá điền đổi ngay con khác.

Hôm sau người tá điền gặp riêng tôi nói:

- Thưa ông, tôi có chuyện nầy mong ông không cho là tà mị. Số là hôm qua tôi đưa con bê đó về, đứa con gái tôi có học về phép thuật, nó nhìn thấy thì khóc ba tiếng rồi cười ba tiếng. Tôi lấy làm lạ hỏi nó thì nó giảng rằng:

“Nó khóc là buồn cho ông chủ mất nàng nô lệ còn cười là mừng con ông chủ thoát chết ; vì con bò hôm qua chính là nàng nô lệ, còn con bê chính là con trai của ông. Đó là những lời của nó tôi chỉ thuật lại thôi, mong ngài đứng hiểu lầm tôi”.

Nghe lời nói ấy tôi tức tốc sang ngay nhà người tá điền để gặp con gái ông ta hỏi cho ra lẽ.

Người con gái ấy rất mừng rỡ nên chạy ra chào mừng. Tôi hỏi ngay:

- Cô nói thế nhưng có điều gì chắc không?

Nàng nói:

- Nếu ông muốn tôi sẽ làm cho con ông trở lại như xưa.

Tôi vui mừng quá ôm chầm lấy nàng nói:

- Cô làm ơn cứu con tôi đi, tôi sẽ dâng tất cả tài sản của tôi cho cô.

Người thiếu nữ lắc đầu nói:

- Thưa ngài, ngài là chủ tôi thì cha con tôi đã được mang ơn ngài từ trước, tôi không dám đòi hỏi gì cả, tôi chỉ xin hai điều là : Thứ nhất, nếu cứu được anh ấy thành người thì anh ấy phải lấy tôi làm vợ. Thứ hai, ngài cho phép tôi trừng phạt người đã gây nên thảm trạng nầy.

Tôi liền gật đầu bằng lòng ngay:

- Chẳng những tôi đồng ý mà tôi con xin biếu cô một phần tài sản, nhưng xin cho biết ai đã gây ra thảm cảnh nầy.

Nàng thong thả nói:

- Đó chính là bà chủ.

Tôi ngạc nhiên kêu lên:

- Trời ơi, chính vợ tôi đã giết nàng và con tôi?

Nàng mỉm cười nói:

- Chính thế, vậy ngài có bằng lòng điều kiện thứ hai không?

Tôi miễn cưỡng đáp:

- Tôi cũng hiểu vợ tôi là kẻ vô nhân đạo, nhưng xin cô hãy nương tay cho nó, đừng giết nó.

Nàng nói:

- Vâng, tôi sẽ xử với bà chủ, như bà đã đối với con ngài.

Tôi nóng lòng nói:

- Được rồi, nhưng trước hết cô cứu giùm con tôi đã.

Người con gái liền múc một bát nước đầy, tiến thẳng đến chuồng bò vẩy tay nước vào mình con bê, nói:

- Nầy con vật kia, cầu thượng đế khiến ngươi trở lại nguyên vẹn như xưa.

Vừa dứt lời, con bê bỗng rùng mình rồi biến ngay ra con tôi. Mừng rỡ quá tôi ôm lấy nó hôn rồi nói:

- Con ơi, hãy cám ơn thượng đế đã xui nàng đến đề cứu con thoát nguy. Để đền ơn cứu mạng của nàng, con hãy lấy nàng làm vợ vì cha đã hứa.

Con tôi bằng lòng. Hôn lễ sắp cử hành thì nàng làm phép cho vợ tôi để đền tội biến thành một con nai cái.

Thấy vợ tôi đã đền tội nhưng tôi không buồn vì dù sao dưới lốt nai cái xem cũng đã ghê tởm, tôi có thể giữ nàng mãi trong nhà.

Mấy năm sau dâu tôi mắc bạo bệnh qua đời, con trai tôi buồn bã xin đi du lịch nhưng hắn đi mấy năm không có tin tức nên tôi phải đi tìm. Vì nhà không người thân tín có thể giao vợ tôi nên tôi đành dắt nó theo để tự tay săn sóc.

- Thưa tôn thần, câu chuyện con nai nầy có làm cho ngài vừa ý không?

Hung thần đáp:

- Cũng khá ly kỳ, vậy ta bằng lòng cho ngươi một phần ba thân thể của người phú thương kia.

Hung thần vừa dứt lời thì ông già dắt hai con chó mực tức là ông già thứ hai, nói:

- Thưa ngài, tôi xin kể ngài nghe một câu chuyện còn ly kỳ hơn chuyện kia nếu ngài cũng cho tôi một phần người của ông ta để tôi sử dụng.

Hung thần gật đầu nói:

- Được rồi, ta bằng lòng nếu câu chuyện đó hay hơn chuyện kia.

Ông già thứ hai ngồi xuống bắt đầu kể:


CHUYỆN ÔNG GIÀ THỨ HAI VÀ ĐÔI CHÓ MỰC


- Thưa tôn thần và quí vị, hai con chó này với tôi là ba anh em ruột. Cha mẹ chúng tôi qua đời để lại ba ngàn đồng cho ba chúng tôi.

Chúng tôi chia làm ba mỗi người được một ngàn đồng, tôi mở một quán bán hàng còn hai anh tôi thì xuất vốn đi xa. Bỗng một hôm vừa đúng một năm, lúc tôi đang ngồi kiểm điểm tiền lời thì thấy một người rách rưới bước vào.

Có lẽ không nhìn rõ mặt tôi, anh ấy xin tôi bố thí, tôi liền ôm lấy anh nói:

- Trời ơi! Có phải chính anh không?

Anh tôi có vẻ thẹn thùng khi gặp mặt tôi nên cúi đầu làm thinh không nói lời nào.

Tôi biết anh ngượng nên tìm lời an ủi rồi hỏi thăm sức khỏe và câu chuyện một năm làm ăn ra sao.

Anh tôi buồn bã lắc đầu nói:

- Thôi, chú đừng hỏi nữa, trông thấy tình cảnh tôi thế nầy chú chưa hiểu được sao, việc buôn bán của tôi đã thất bại đến mức cuối cùng, chú đừng bắt tôi kể ra thêm đau lòng mà thôi.

Tôi liền đưa anh đi tắm rửa rồi đóng cửa hiệu lại, dẫn anh đi mua sắm quần áo sang trọng. Xong tôi trở về tính lại sổ sách thấy sau một năm dành dụm tôi đã để dành được hơn một ngàn đồng vàng, tôi liền chia cho anh tôi hai phần ba để lấy vốn buôn bán gây dựng lại tương lai.

Tôi lại an ủi anh:

- Thôi anh ạ, chuyện đời may rủi là thường, anh đừng buồn bã lắm, nhờ trời anh sẽ lấy lại mấy hồi. Anh hãy nhận ít đây để làm vốn.

Anh vui vẻ nhận lấy, từ biệt ra đi.

Chẳng bao lâu lại đến người anh thứ hai của tôi cũng ra đi và trở về trong bộ quần áo rách. Anh cũng tìm đến tôi và tôi cũng đối với anh như với anh cả, lại lo giúp vốn cho, anh tôi cũng nhận lấy rồi ra đi buôn bán ở ngoại quốc.

Tôi lại ở nhà lo chăm chỉ làm ăn dành dụm.

Vừa sống trong cảnh an nhàn sung sướng thì hai anh tôi trở về một lượt với ý định là thu xếp hàng hóa để đi buôn xa, nhưng lần nầy thì cứ nhất định rủ tôi đi cho bằng được.

Tôi không đồng ý, nói:

- Các chuyến đi của các anh vừa rồi đã khiến cho chúng ta hiểu thế nào là kết quả, chúng ta chỉ nên ở nhà làm ăn còn hơn.

Hai anh tôi cứ nằng nặc nói:

- Chú không hiểu thế nào là cảnh lạ, sao không nhân dịp nầy cứ đi một chuyến xem sao? Nếu nhờ trời ta sẽ giầu to rồi làm nở mặt giòng họ nhà ta mấy chốc.

Mặc cho lời hai anh cám dỗ, tôi vẫn bền chí ở lại nhà lo chăm chỉ làm ăn. Nhưng đến năm năm sau, khi tôi đã trở nên giàu có thì hai anh tôi cứ nói mãi, buộc tôi phải vâng theo cho họ vui lòng. Thế là chúng tôi thu xếp tất cả tiền bạc, sắm thiệt nhiều hàng hóa, mua một chiếc tàu để ra đi.

Số tiền còn lại là sáu ngàn đồng, tôi đem chia ra làm ba phần chia cho hai anh tôi đem theo, còn phần tôi đem giấu một nơi phòng khi thất bại thì còn chi dùng.

Chuẩn bị xong, mấy hôm sau chúng tôi lên đường.

Thuận buồm xuôi mái, vừa mới một tháng chúng tôi đến một thương cảng to.

May mắn lần nầy chúng tôi buôn may bán đắt, một vốn mười lời nên kiếm lời thật nhiều.

Chúng tôi mừng rỡ mua thêm hàng hóa rồi nhổ neo sang nước khác. Khi thuyền sắp nhổ neo thì có một người ăn mặc rách rưới, mặt mũi xấu xí đến bên thuyền run rẩy xin cho theo và lấy nàng làm vợ.

Tôi rất khó nghĩ nhưng nàng cứ hết sức năn nỉ với những lời bi thiết làm tôi cảm động quên đi những vẻ xấu xí dơ dáy kia, tôi liền nhận lời.

Tôi liền săn sóc cho nàng để chuẩn bị lễ cưới, xong đưa nàng xuống thuyền ra khơi.

Mặc dù xấu xí nhưng đức hạnh nàng làm cho tôi cảm mến, tôi lại càng yêu mến vợ hơn.

Nàng săn sóc tôi rất ân cần, hạnh phúc của chúng tôi thật tràn trề, hai anh ganh tị vì buôn bán kém tôi.

Hai người anh cùng máu mủ kia không hiểu sao có thể tàn nhẫn đến độ rắp tâm hại tôi.

Một hôm, giữa lúc đêm khuya, lúc chúng tôi đang mê man trong giấc điệp thì hai anh tôi bế chúng tôi liệng cả hai xuống bể.

May vợ tôi cứu tôi được, chúng tôi trôi giạt đến một hoang đảo thoát chết. Tôi rất biết ơn vợ tôi, tôi càng ân cần với nàng hơn và một hôm có lẽ hiểu được tôi, nàng nói:

- Này mình, tôi xin thú thật với mình tôi chính là tiên nhân, thấy mình là người nhân đức nên giả vờ ăn mặc rách rưới biến đổi ra xấu để thử lòng mình. Qua một thời gian gần gũi, tôi đã hiểu mình thật là kẻ có lòng nhân nên tôi mới cứu mình thoát chết. Càng thương mình tôi lại càng giận hai anh mình lắm, tôi phải trừng trị họ mới vừa lòng.

Nghe nàng nói tôi vừa mừng vừa sợ, tôi vội xin với nàng dung tha mạng sống cho hai anh tôi. Nàng nói:

- Thật là những kẻ khốn nạn không làm sao thấu đáo được lòng dạ của người hiền, nhưng mình đã xin thì tôi cũng tạm tha cho họ, chỉ bắt họ nhận lãnh một hình phạt nhẹ mà thôi.

Tôi hỏi:

- Thế mình định làm gì hai anh?

Nàng mỉm cười nói:

- Chàng cứ yên lòng, tôi đã hứa để họ toàn tính mạng.

Nói xong nàng ôm tôi bay bổng lên không trung rồi đặt tôi xuống nền nhà cũ.

Thật là một sự đau lòng, lúc ra đi tôi giàu có sang trọng mà nay chỉ còn hai bàn tay trắng. Tôi liền đào số tiền chôn giấu lên lo dựng lại nhà cửa để tiếp tục tìm kế sinh nhai.

Hôm sau, lúc tôi lo đi chào hàng các khách cũ ra về, vừa mở cửa nhà, tôi đã ngạc nhiên thấy nàng đang tươi cười nhìn tôi mừng rỡ. Tôi vội đến gần nàng đón mừng thì nàng dắt tôi vào trong, chỉ hai con chó mực nầy mà hỏi:

- Mình có biết hai con chó mực nầy là ai không?

Tôi nói:

- Mình màng nó về làm gì, tôi không thích giống chó đen nầy đâu.

Nàng mỉm cười nói:

- Nhưng tôi biết mình sẽ nuôi vì đó chính là hai anh của mình đó. Tôi đã hóa họ thành chó để trị tội gian ác kia. Hàng hóa và tàu tôi đã đánh đắm rồi, nhưng rồi tôi sẽ đền lại sau cho chàng, chàng đừng buồn.

Quá thương tình máu mủ, tôi vội kêu nàng hãy tha cho hai anh tôi, nhưng nàng lắc đầu nói:

- Tội ác của họ thật là to lớn, nếu tôi không trừng phạt họ thì rồi thượng đế cũng hại họ, vậy mình cứ yên lòng, tôi chỉ phạt họ làm lốt thú trong mười năm rồi họ sẽ trở lại như xưa, khi họ hối xong tội lỗi.

Rồi nàng dặn tôi chỗ gặp nàng mười năm sau và nàng biến mất.

Hôm nay hẹn xưa đã đến, tôi dẫn hai anh đến tìm nàng để nhờ giải lời nguyền cho họ. Nhân đi qua đây thấy hoàn cảnh vị phú thương đáng tội nghiệp nầy tôi liền động lòng nán lại, và ngài đã nghe xong câu chuyện nầy và thấy có ly kỳ hay không, nếu ngài hài lòng xin ngài hãy tha cho phú thương và cho tôi xin một phần ba tội của ông ta.

Hung thần gật đầu nói:

- Được rồi, ta bằng lòng tha cho hắn theo lời hứa.

Hung thần vừa dứt lời thì người thứ ba cũng đứng lên nói:

- Tôi cũng xin kể cho ngài nghe một câu chuyện lý thú và xin ngài một phần ba tội của ông phú thương nếu ngài bằng lòng.

Hung thần gật đầu, ông ta liền kể:

Câu chuyện của lão già thứ ba tôi không rõ nhưng chắc hẳn là phải hay hơn hai chuyện trước nên khi nghe xong hung thần đứng lên nói:

- Ta sẽ tha cho vị phú thương nhưng không phải vì lòng nhân từ của ta mà do công của ba nhà ngươi, vậy để ta chia cho ba ông mỗi người một phần thân thể của ông ta cho đồng đều.

Nói xong ông ta nắm lấy vị phú thương rồi dùng gươm định chém làm ba để chia.

Ba ông già kia vội vàng quỳ xuống tâu:

- Thưa ngài, xin ngài cứ để tội nhân cho chúng tôi tùy nghi sử dụng.

Hung thần nghe lời liền biến đi theo một trận cuồng phong dữ dội. Vị phú thương cám ơn ba ông rối rít, ba ông già cũng hân hoan vì đã cứu được một mạng người.

Ông phú thương ân cần mời họ đến nhà mình để khoản đãi, đền ơn cứu mạng, nhưng họ đều từ chối để đi lo việc của mình và hẹn gặp lại khi xong việc.

Ông phú thương vội vàng từ giã để về nhà báo tin mừng cho vợ con.

*

Kể đến đây Mỹ Thanh Loan nhìn vua mỉm cười:

- Tâu Hoàng thượng, câu chuyện vừa rồi cũng không hay bằng câu chuyện thiếp sắp kể đây nếu Hoàng thượng bằng lòng.

Không kịp cho nhà vua bằng lòng, Mỹ Thanh Liên vỗ tay reo:

- A, nhân dịp trời chưa sáng, xin chị kể tiếp cho em nghe câu chuyện đó đi, có lẽ Hoàng thượng cũng vui lòng.

Vua Sa-hy-A mỉm cười nói:

- Được, khanh cứ kể đi, trẫm cho phép.

Mỹ Thanh Loan nhìn vua Ba Tư với đôi mắt tình tứ rồi nói:

- Tâu Hoàng thượng, thần thiếp xin kể tiếp câu chuyện của người đánh cá:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét