Hai hôm sau vua nước Ba Tư
cùng em và đoàn tùy tùng ra khỏi hoàng thành, tiến về một khu rừng xa rồi
truyền hạ trại.
Sa-hy-A nai nịt gọn gàng
xong liền gọi một viên đại thần đến nói:
- Vì có việc cần, trẫm phải
giao quyền quản thủ cho khanh để đi xa, khanh hãy truyền cho tất cả ở đây cấm
không cho một ai rời xa đây.
Nói xong ngài liền lên ngựa
cùng em tìm đường tắt lặng lẽ trở lại hoàng cung.
Hoàng hôn buông xuống cảnh
vật một bóng tối mờ ảo, vườn thượng uyển chập chờn trong bóng hoa, ánh trăng
non buông xuống nét vàng lợt.
Vào đến cung điện của mình,
vua nước Ba Tư và em là Sa-hy-Na suốt đêm không thể nào chợp mắt được. Thỉnh
thoảng họ lại nhìn qua cánh cửa sổ tối đen bên kia nơi đã diễn ra cảnh dâm ô
lần trước.
Gà đã gáy sang canh, màu sữa
loãng của ánh trăng ngả sang màu sáng, sự vắng lặng vẫn bao trùm cảnh vật.
Trong lúc hai người đương
nóng lòng thì đột nhiên một tiếng động nhẹ rồi cánh cửa bí mật của thâm cung hé
ra, hoàng hậu Ba Tư dẫn đầu, theo sau là hai mươi cung nữ mỉm cười bước ra. Từ
trên cây, tên Ma-Zu tuột xuống cùng với các tên nô lệ, rồi cảnh tượng ấy diễn
ra sau khi xiêm y trút bỏ, mọi việc đều xảy ra như hôm nọ.
Sa-hy-A thấy thế chết điếng
ngồi trân như một pho tượng gỗ. Một lúc sau hoàn hồn, ngài liền thốt ra những
lời giận dữ, cay đắng:
- Thượng đế ơi! Nhục nhã và
ghê tởm quá. Ai có thể ngờ được một bậc mẫu nghi thiên hạ, một hoàng hậu của
một cường quốc nhất thế gian lại có một hành động bỉ ổi đến thế. Trên đời này
làm thế nào có một người đàn ông còn dám tự phụ là mình chiếm trọn vẹn tình yêu
của vợ mình nữa.
Quá đau đớn, Sa-hy-A ôm em
vào lòng bảo:
- Em ạ, thật ta không còn muốn sống một phút nào ở nơi
cung son gác tía, thôi chúng ta hãy tìm đến một nơi xa hẳn loài người đen bạc
đi.
Sa-hy-Na tuy không còn buồn
khổ song thấy anh quá đau đớn thì không dám khuyên can, chỉ khẽ bảo:
- Thưa anh, em rất vui lòng
theo anh đến một nơi nào đó, nhưng em xin phép giao ước với anh một điều.
Sa-hy-A hỏi:
- Em muốn nói điều gì?
Vua Thát-Đát mỉm cười nói:
- Em muốn xin anh một điều
kiện là khi nào chúng ta gặp một kẻ kém may mắn hơn chúng ta thì ai sẽ về nước
người đó mà giữ gìn giang sơn.
Sa-hy-A đồng ý nên gật đầu
nói:
- Anh xin hứa sẽ bằng lòng
nếu gặp kẻ bất hạnh hơn hai ta, nhưng anh tin em sẽ thua vì sẽ không có một ai
vô phúc hơn hai chúng mình.
Sa-hy-Na mỉm cười nói:
- Em thì em tin chắc là
chúng ta chỉ đi ít hôm thôi vì trên đời này còn bao nhiêu giống đàn bà trắc nết
như vợ em và hoàng hậu Ba Tư.
Hai người khoác áo lên ngựa
ra khỏi hoàng thành lúc trời còn tờ mờ sáng, theo con đường tắt họ đi đến khu
rừng nơi quan quân đang chờ đợi họ.
Ngày hôm ấy, hai ông vua đi
mãi trong rừng vắng, lên thác xuống ghềnh để mau đến nơi.
Đến giữa trưa, vì quá mệt
mỏi với cuộc hành trình của hai ngày liền, họ bèn nghỉ lại dưới một cây đại thọ,
nơi một gốc cây to lớn.
Hai ông vua ngồi nói chuyện
về lòng dạ của đàn bà cho qua cơn mệt nhọc. Họ đang mải mê câu chuyện thì nghe
ngoài bể khơi vang dội rất khủng khiếp. Liền đó, nước biển rẽ ra làm hai, một
làn khói đen bốc lên ngùn ngụt.
Hai người rất kinh hãi vội
leo lên cây cao để núp.
Giữa làn nước rẽ ngoài khơi,
một bóng đen to lớn tiến vào theo làn khói đen nghịt cả một vùng.
Hơn một phút, vầng khói đen
dần dần tan, trên mặt biển hiện ra một hình thù dị tướng, mặt đen như trôn
chảo, mắt đỏ như máu, thân hình cao nghệu, trên đầu ông thần cổ quái kia đội
một chiếc hòm thủy tinh trắng toát, trên nắp có khóa bằng bốn cái khóa to lớn.
Hung thần tiến về phía cánh
đồng, đến gốc cây cổ thụ trên có hai ông vua đang núp, ông ta đứng lại.
Hai người chân tay run rẩy,
ôm lấy cành cây nhìn đăm đăm vào thân hình vị hung thần.
Có lẽ vô tình không nhìn
thấy hai người đang núp, hung thần thản nhiên đặt chiếc hòm thủy tinh xuống
dưới gốc cây, rồi móc trong lưng ra một xâu chìa khóa, mở hòm kéo ra một cô gái
ăn mặc thật lộng lẫy khêu gợi, bày một thân hình tuyệt mỹ, vẻ mặt thiếu nữ đẹp
như một đóa hoa.
Khẽ bế cô gái ra khỏi hòm kính,
hung thần đặt nàng ngồi một bên, âu yếm nói:
- Người đẹp ôi! Nàng là
người đẹp nhất trần gian, là chúa tể của mọi sắc đẹp. Ta may mắn cướp được nàng
giữa đêm tân hôn và ta sẽ không để một ai có thể đụng đến người nàng. Hôm nay
ta hơi mệt, vậy nhân dịp qua đây, có gió mát, vậy nàng hãy để ta ngủ bên nàng
để lấy lại sức khỏe, để yêu nàng nhé.
Hung thần nói xong không kịp
để cho cô gái kia bằng lòng liền nằm gối đầu lên chân nàng, mê mệt trong giấc
ngủ, tiếng ngáy lớn như sóng biển.
Người con gái ấy ngồi một
mình có vẻ buồn nên đưa mắt nhìn chung quanh. Chợt mắt nàng bắt gặp hai người
đang run rẩy ép mình vào cành lá.
Người đẹp mỉm cười đưa tay
ra hiệu cho hai người bảo leo xuống.
Hai ông vua nhìn vị hung
thần bằng đôi mắt sợ sệt rồi tỏ ý xin mỹ nhân tha cho mình.
Nàng lắc đầu khẽ nói:
- Hãy im lặng và xuống cho
mau, nếu không các người khó toàn mạng vì ta sẽ gọi hắn dậy.
Hai ông vua không biết làm
sao liền cùng nhau leo xuống. Người đẹp nhẹ tay nhấc đầu vị hung thần xuống rồi
từ từ bước đến cùng hai người kéo tay dắt vào một bụi cây ép buộc giao hoan.
Hai ông vua hết sức lo sợ,
một mực chối từ nhưng mỹ nữ cất lới hăm dọa nên cả hai đành phải chiều theo để
khỏi chết.
Sau khi thỏa mãn, mỹ nữ nhìn
thấy tay hai người đều có đeo nhẫn, liền bảo cởi ra để đưa nàng làm kỷ niệm.
Hai người vội vàng vâng lời,
liền cởi hai chiếc nhẫn ra trao cho nàng.
Mỹ nữ tiếp lấy rồi cho tay
vào túi lấy ra một chiếc hộp nhỏ, mở ra, trong đó đựng một xâu nhẫn đủ các
loại.
Nàng mỉm cười nhìn cả hai
hỏi:
- Các người biết ta lấy các
vật này ở đâu không?
- Thưa không.
Mỹ nữ tiếp:
- Của các tình nhân ta tặng
đó, tất cả ta có chín mươi tám chiếc rồi, nay có hai chiếc nữa là đủ một trăm.
Cô ta cười khúc khích rồi
tiếp:
- Các người trông, ta có tất
cả một trăm tình nhân, mặc dù lão hung thần cẩn thận kia luôn luôn nhốt ta vào
hòm thủy tinh giấu tận đáy biển. Các ngươi có hiểu thế nào lá ý muốn của người
đàn bà chưa? Khi họ thích thì dù cho có chồng hay tình nhân cũng không sao cản
nổi. Vậy các ngươi không nên để trái ý đàn bà, như thế mới thực là khôn.
Nói xong, mỹ nữ cho cả hai
chiếc nhẫn vào xâu, cất vào hộp bỏ túi rồi bước đến gần chỗ hung thần đang nằm
ngủ sau khi ra dấu cho hai vua bảo đi trốn, xong liền đặt lại đầu vị hung thần
lên gối mình như lúc nãy.
Hai ông vua vừa hồi hộp, lo
sợ, lặng lẽ trở về đường cũ. Ra khỏi nơi đó, đức vua Sa-hy-A bật cười xòa nói
với em mình:
- Câu chuyện vừa rồi em thấy
thế nào, có thú không? Ta hết cả buồn bực khi thấy cái chung tình của vợ lão
hung thần. Thực là mưu trí của đàn bà dù cho đến một ông thần cũng còn bị lầm.
Xảo quyệt thay cho lòng dạ đàn bà em nhỉ?
Sa-hy-Na cũng cười tiếp:
- Sao, bây giờ chắc anh đồng
ý với em rồi nhỉ. Vị hung thần kia còn bất hạnh hơn ta gấp bội, dù cho có khóa
vào hòm chôn xuống biển cũng không thoát khỏi ý muốn phản bội của họ, vậy nếu
anh bằng lòng ta hãy về triều vì điều ta muốn ta đã tìm được rồi.
Vua Ba Tư gật đầu, hai người
cùng vui vẻ lên ngựa về trại.
Quan quân đã chuẩn bị sẵn sàng
để đón tiếp hai người bằng một bữa tiệc thịt rừng săn được ở đấy.
Ăn uống no nê, hai ông vua
hạ lịnh nhổ trại để về triều.
Vừa về đến hoàng cung, vua
đi thẳng vào phòng hoàng hậu, sai quân bắt trói lại, rồi ra lệnh cho quan đại
thần đem ra xử trảm.
Vị quan già ngơ ngác nhưng
trước lệnh của đức vua, ngài đành miễn cưỡng vâng theo mà trong lòng hết sức
phân vân, ngơ ngẩn không hiểu hoàng hậu bị tội gì.
Giết xong đứa dâm phụ, đức
vua Sa-hy-A vẫn chưa hết cơn giận, còn tự tay chém đầu cả đám cung nữ theo hầu
hoàng hậu và bọn nô lệ kia.
Sau khi vua Ba Tư trừng
phạt, vua Thát-Đát biết anh mình hết cả nỗi buồn liền cáo từ về nước.
Để trả thù đàn bà và cũng để
khỏi bị phụ tình, đức vua Ba Tư liền sai quan đại thần chọn mỹ nữ để tuyển cung
rồi cứ mỗi đêm vua sai đem đến cho ngài một nàng thật lộng lẫy, xinh đẹp, rồi
sau một đêm ân ái, sáng ra ngài hạ lịnh giết chết dù cho người đẹp có quyến rũ
đến đâu.
Quan nhứt phẩm đại thần rất
đau lòng nhưng không biết làm sao cãi lệnh vua nên đành gạt nước mắt mỗi hôm
chém một tuyệt sắc giai nhân vô tội.
Xứ Ba Tư từ đó cứ mỗi ngày
có một tội nhân bị hành quyết và mỗi đêm có một tân hoàng hậu.
Chánh sách hoàng hậu một đêm
của nhà vua làm chấn động cả dân trong nước. Những giọt lệ khóc con, em của dân
thành Ba Tư tràn ngập khắp nơi tưởng chừng như không thể chấm dứt.
Vị quan đại thần bị buộc
cưới vợ mỗi đêm cho đức vua và chém hoàng hậu buổi sáng rất lo sợ cho hai cô
con gái của ngài.
Ông ta hết sức buồn rầu khi
thấy chiếu chỉ còn ban ra, ông ta hồi hộp khi nghĩ đến lúc đức vua truyền tấn
cung hai cô con gái yêu quý xinh đẹp của mình khi nước hết mỹ nữ.
Cả hai con gái của quan nhứt
phẩm đại thần đều xinh đẹp, tuổi lại đến tuần cập kê.
Người chị tên là Mỹ Thanh
Loan, người em là Mỹ Thanh Liên, cả hai đều xinh đẹp, tánh lại hiền từ, thùy
mị, xa gần đều mến phục.
Riêng phần Mỹ Thanh Loan, ngoài
những đức tính tài năng khuê các, nàng lại có tài học hỏi để tìm hiểu những
chuyện hay lạ về tích xưa cũng như giỏi về văn thơ, và tài ăn nói cao siêu hơn
các bậc triết lý gia.
Vì thế quan nhứt phẩm đại
thần rất quý mến, cưng chiều nàng như một hòn ngọc quí, không để phật ý đứa con
tài hoa kia bao giờ.
Hôm ấy, sau khi quan nhứt
phẩm đại thần đang lo buồn vì vừa chém xong một người con gái xinh đẹp thì thấy
con gái yêu là nàng Mỹ Thanh Loan đến gần nói:
- Thưa cha, cha có thương
con không?
Nhất phẩm đại thần nhìn con
trìu mến nói:
- Sao con lại hỏi thế? Cha
yêu hai con nhất trên đời.
Mỹ Thanh Loan mỉm cười nói:
- Nếu thế xin cha cho con
xin một điều, chắc cha bằng lòng chứ?
Nhất phẩm đại thần bảo con:
- Con cứ nói, nếu điều đó có
lý cha sẽ bằng lòng ngay.
Mỹ Thanh Loan nhìn cha với
đôi mắt biết ơn, xong nói:
- Thưa cha con muốn cứu cho
những cô gái đẹp trong nước thoát khỏi cơn giận dữ của nhà vua Ba Tư.
Quan đại thần mỉm cười hiền
từ nói:
- Ý định của con tuy tốt
thật song hơi táo bạo đấy. Con có biết cha đã bao lần cùng với bá quan, van xin
đức vua hãy thương những người vô tội, nhưng ngài vẫn một mực thi hành ý định
tàn bạo kia. Con có phương thuốc mầu nhiệm nào mà dám định khuyên can ngài?
Mỉm một nụ cười thật tươi,
Mỹ Thanh Loan nói:
- Mỗi đêm đức vua thay một
hoàng hậu, con muốn thưa với cha để xin được làm hoàng hậu một đêm kia.
Quan nhất phẩm đại thần nghe
con nói thật lạ lùng, đôi mày dựng lên như ngạc nhiên cực điểm, hỏi lại:
- Trời ơi! Con đã mất trí
rồi sao chứ? Ai lại nghĩ việc khinh khủng có thể nguy hiểm đến tính mạng thế?
Con có biết đức vua đã nhất định chỉ có một đêm chăn gối thì phải đem chém ngay
dù cho cô gái ấy xinh đẹp như tiên nga đi nữa sao?
Hé vành môi mọng, Mỹ Thanh
Loan nhìn xuống, nói:
- Thưa cha điều đó con đã
rõ, chính vì thế mà con mới nghĩ đến để xin cha cho con hy sinh tính mạng để cứu
các nàng mỹ nữ của nước ta. Xin cha cứ cho con đi, con đã có một kế để thi
hành, nếu chẳng may con có bị chết đi thì cái chết đó là cái chết danh dự, còn
nếu con may thoát được thì sẽ giúp nước nhà một lợi ích to lớn.
Quan đại thần nhất định
không bằng lòng. Ngài nói:
- Cha không bằng lòng, nhất
định không dù con đã nhất định hy sinh không kể cái chết, nhưng còn cha, cha
phải bảo toàn giọt máu của cha chứ, cha đâu để cho con chết một cách vô lý như
thế, khi chính tay cha nhúng vào giòng máu của cha khi đưa gươm vào cổ con.
Mỹ Thanh Loan vẫn một mực
van xin:
- Thưa cha, dẫu cha có giết
đứa con ngu dại nầy thì con xin cha cũng hãy mủi lòng chấp thuận cho, vì chỉ có
điều nầy mới cứu nổi non sông và lòng con mới an.
Thấy con vẫn khăng khăng nài
nỉ, quan nhất phẩm đại thần giận dữ nói:
- Tại sao con cứ ngoan cố
thế? Nếu con cứ coi thường nguy hiểm nhất định chui đầu vào cái chết thì đã
chẳng được như con lừa kia, con lừa tài khôn mà phải mang tội vào thân.
- Thưa cha, câu chuyện tài
khôn của con lừa đó ra thế nào xin cha kể cho con nghe.
- Ừ, ta sẽ kể để con thấy
cái dại của con lừa đó, nó giống con ở điểm nào.
Cha còn nhớ cha đã xem trong
một quyển sách hay kia có một người phú thương giàu có, có nhà cửa to lớn ở
khắp miền quê.
Ông ta lập trại nuôi súc vật
và đưa gia đình về trú ngụ nơi đó vì chán cảnh phồn hoa đô thị : tự tay ông ta
săn sóc, chăn nuôi cho thú vật và trang trại.
Ông ta có một thuật lạ là
nghe được tiếng nói của loài vật và ông ta hay thơ thẩn đi tìm nghe những điều
lạ kia, nhưng có điều nếu ông ta kể lại cho ai nghe, ai nghe ông ta nói gì thì
sẽ bị thiệt mạng.
Tại một chuồng trong trại có
đôi súc vật, một thật ngu dại và một tinh ranh, đó là con bò và con lừa.
Hôm ấy nhân dịp rảnh rổi ông
đi đến gần chuồng đó thì nghe con bò nói với con lừa.
- Nầy anh lừa, anh sung
sướng quá, được nghỉ cả ngày không phải làm việc lại được chủ nhân săn sóc từ
miếng ăn giấc ngủ, tắm rửa mỗi ngày. Còn tôi sao mà khổ thế, từ nửa đêm đã phải
thức dậy để mang ách vào cổ, để rồi suốt ngày cày bừa, người ta lại cứ theo sau
để đánh đập khi tôi bước chậm, khi về lại phải ăn toàn cỏ khô, cây mục, đêm lại
phải ngủ trên phân. Nếu đem so sánh thì tôi không thể nào tránh khỏi phàn nàn.
Lừa im lặng chờ bò nói xong,
liền mỉm cười đáp:
- Anh quá giản dị nên bị
người ta lợi dụng tài năng và sức khỏe cũng phải, vì anh dễ dãi nên họ cho ăn
sao đành chịu vậy. Còn đôi sừng của anh để làm gì, sao anh không dùng nó khi
người ta mang ách vào cổ, tròng dây vào mũi? Còn chân anh để làm gì tại sao anh
không dậm mạnh lên khi người ta đánh anh? Nếu anh không thèm ăn cỏ khô, dây khô
thì ai người ta bắt anh ăn được. Anh nhu nhược thế, để cho người ta xỏ mũi như
thế, thảo nào người ta chẳng có câu : ngu như bò là phải.
Nghe lừa nói xong, bò có vẻ
hiểu nên cám ơn rối rít, mừng rỡ nói:
- Tôi sẽ tuân lời anh dạy.
Vị phú thương nghe thế nhưng
vẫn thản nhiên trở về. Đúng như lời bò nói, sáng hôm sau, khi người chăn mang
ách cho bò như lệ thường liền bị nó húc cho mấy cái nên thân, người thợ cày
đành chịu thua bỏ đi làm việc khác.
Tối hôm ấy, khi đem cỏ khô
cho bò thì thấy máng vẫn còn nguyên cỏ và bò thì nằm im thở thực mạnh.
Tưởng bò bị bịnh, người thợ
cày vội thưa với phú thương. Nghe lời người thợ cày nói, ông phú thương chỉ mỉm
cười bảo:
- Hãy đem lừa ra cày thế cho
bò trong khi còn ốm và nhớ đánh thật đau nếu nó cưỡng lại.
Người thợ cày thấy chủ bảo
lạ đời là đem lừa đi cày nhưng cũng không dám cãi và vì lừa không quen làm việc
nặng nhọc nên luôn bị ngọn roi vút lên đầu cổ, theo lời dạy của phú thương.
Suốt trọn ngày đó lừa làm
việc mệt nhoài lại còn bị đòn đau khi bò nằm trong chuồng thảnh thơi nhai cỏ
tốt, dành cho lừa vì người đi cày ngỡ nó đau phải cho an ngon, nó thích thú lắm
và định bụng chờ lừa về sẽ cám ơn.
Khi lừa về đến chuồng, bò
đến bên cung kính cảm ơn dạy bảo và xin lừa chỉ bảo thêm những kế hoạch khôn
khéo hơn.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét