Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ


Tâu hoàng thượng, thuở xưa ở một làng trù phú kia có một thương gia rất giàu có, vườn ruộng vô số cũng như nô lệ nhiều nhất vùng. Dù giàu sang như thế, ông ta vẫn chịu khó đi giao thiệp với các khách hàng ở khắp nơi hầu tìm cách khuếch trương thêm về lợi tức của mình.

Năm ấy, nhân có một việc cần đi xa, ông ta liền thu xếp lên ngựa ra đi. Muốn đến nơi đó phải qua một sa mạc vắng vẻ, không một người cũng như nhà cửa, cây cối.

Ông ta dự bị mang theo bên mình thật nhiều lương khô và trái cây để phòng lúc đói khát, trong một chiếc bị treo bên mình ngựa cả một bầu nước trong.

Đến nơi và lo công việc xong, ông ta vui vẻ trở về, không quên mua thêm ít quả đào để về biếu cho họ hàng làm món quà phương xa.

Trời trưa nắng gắt, sa mạc như thiêu như đốt, mồ hôi ông chảy vã ra như tắm, bình nước mang theo đã cạn đến giọt cuối cùng ; quá khát vì sức nóng, ông ta dừng ngựa lại một cành cây lẻ loi, móc đào trong bị ra ăn cho đỡ khát.

Gió nhẹ phơ phất làm ông ta cảm thấy khoan khoái vui vẻ. Ông ta vừa ăn vừa ném tung những hạt đào ra khắp nơi.

Nhưng ông ta ăn chưa xong quả đào thì thấy cát bốc lên mù mịt, rồi một ông thần to lớn dị thường hiện ra, tay cầm một thanh kiếm sáng ngời vung lên, tiến lại phía mình với dáng điệu giận dữ, hét to:

- Tên kia, ngươi đứng lên mau để đền mạng cho con trai ta.

Vị phú thương thất đảm kinh hồn run lên cầm cập nói:

- Thưa ngài, tôi chưa hề được biết ngài cũng như lịnh huynh thì làm sao ngài bảo tôi đền mạng?

Trợn ngược đôi mắt to như quả trứng, hung thần nói:

- Ta sẽ giết ngươi, vì ngươi vừa giết con trai ta!

Vị phú thương hoảng hốt hỏi:

- Thưa ngài tôi nào phạm tội đó vì tôi có gặp công tử lần nào đâu?

Hung thần hét to như sấm:

- Ngươi còn chối nữa hả? Lúc nãy ngươi không có ăn đào à? Và ngươi lại quăng hạt đào ra để con ta chạy ngựa đến bị văng vào mắt, nó ngã ngựa chết không kịp trối còn gì nữa?

Vị phú thương hoảng hốt nói:

- Thưa ngài, đó là do tôi người trần mắt thịt không nhìn thấy được lúc công tử đi qua nên vô tình xúc phạm, xin ngài hãy tha thứ cho.

Giận dữ, vị hung thần quát:

- Không thể nào ta tha thứ cho mi được vì giết người thì phải đền mạng là lẽ dĩ nhiên.

Ông phú thương nài nỉ:

- Thưa ngài, chẳng lẽ ngài lại bắt tội một kẻ vô tình, thế thì trái phép công bình của trời đất. Xin ngài hãy tha mạng tôi, tôi xin thành thật xin lỗi ngài.

Hung thần vẫn không lay chuyển, nói:

- Không, nhất định ta phải giết ngươi.

Nói xong ông ta nắm lấy ông thương gia kia giơ bổng lên rồi cầm gươm định đâm vào yết hầu.

Ông phú thương kêu trời kêu đất, van lạy rối rít, kể lể nào là mình còn vợ con quyến thuộc bằng những lời lẽ thống thiết nhất đời.

Hung thần vẫn trơ như đá ; ông ta mỉm cười thật ghê rợn, nói:

- Ngươi nói xong chưa? Giờ hãy ngửa cổ ra chịu chết.

Ông phú thương thở mạnh vô cùng cảm xúc, nức nở nói:

- Nếu ngài đã thương con ngài như thế ắt ngài cũng thương con tôi. Xin ngài gia ơn cho tôi được về từ giã nó vì tôi chỉ có mình nó và nó chỉ có mình tôi.

Hung thần vẫn giơ cao lưỡi gươm, nói:

- Không, ta sẽ giết ngươi, như ngươi đã giết con ta.

Mỹ Thanh Loan kể đến đây thì trời đã lờ mờ sáng, giờ của vị hoàng hậu một đêm ra pháp trường.

Mỹ Thanh Liên thở dài tỏ vẻ tiếc rẻ câu chuyện đang lúc gay cấn. Nàng nói:

- Chị ạ, em rất tiếc không được nghe chị kể đoạn chót mà chắc là hay lắm.

Mỹ Thanh Loan cũng nhìn em trìu mến nói:

- Em có biết không, đoạn sau còn hay hơn nhiều. Thôi trời sắp sáng, giờ hành quyết cũng sắp đến rồi, chị xin vĩnh biệt em giữa câu chuyện dở dang nầy vậy.

Vua Ba Tư cũng đang hoang mang trước cái đứt đoạn của câu chuyện. Ông ta nghĩ thầm:

- Hay là ta hãy tạm để nàng sống thêm một đêm nữa để nàng kể cho xong câu chuyện rồi giết cũng chẳng muộn gì.

Thế là sáng hôm ấy xứ Ba Tư có một người thoát khỏi bị chết vì đức vua sau buổi điểm tâm liền lâm triều không truyền lệnh.

Khổ sở nhứt là quan nhứt phẩm đại thần. Suốt đêm hôm qua ông không hề chợp mắt, lòng cứ phập phồng lo sợ từng giây phút, khắc khoải cho đến sáng hôm sau, trời vừa lờ mờ ông đã trở dậy pha trà uống rồi ngồi chờ tin dữ. Nhưng gần giờ vào chầu cũng chưa thấy thái giám đến, ông mừng rỡ vào triều bái yết.

Ai để ý thì thấy mới qua một đêm mà trông ông già đi hàng chục tuổi. Mãi sau không nghe vua nói gì, ông hết sức cảm ơn thượng đế đã ban phước lạ cho gia đình mình.

Suốt ngày, đức vua Sa-hy-A cùng quần thần làm việc nước cho đến đêm, ông vào cung an nghỉ cùng nàng Mỹ Thanh Loan.

Trời vừa lờ mờ, nàng Mỹ Thanh Liên đã trở dậy cất tiếng êm ái gọi chị:

- Chị ạ! Nếu chị không còn buồn ngủ, xin hãy cho em nghe đoạn kết của câu chuyện đêm qua.

Mỹ Thanh Loan nhìn đức vua Sa-hy-A thì ngài hiểu ý nói ngay:

- Khanh hãy kể tiếp ngay đi, ta cũng đang nóng lòng muốn nghe đây.


ĐÊM THỨ HAI


Mỹ Thanh Loan cám ơn nhà vua rồi kể tiếp:

- Tâu hoàng thượng, người phú thương thấy ông thần hung bạo kia giơ gươm nhất định giết mình thì luống cuống nói mau qua màn lệ:

- Thôi được rồi, nếu ngài cứ cố tình chấp nhất thì tôi cũng đành chịu vậy. Nhưng xin ngài hãy dung tình cho tôi hẹn một thời gian để trở về thu xếp gia đình, chia của cải tài sản cho vợ con, rồi tôi sẽ đến đây để tùy ngài sử dụng để báo oán cho con.

Hung thần cò vẻ hoài nghi trợn mắt nạt:

- Thôi đi, ngươi đừng dối ta, nếu ta cho ngươi một thời gian rồi ngươi trốn ta thì sao?

Ông phú thương vội nói:

- Tôi xin thề với đức thượng đế công minh : nếu tôi sai lời xin trời hãy tiêu diệt tôi.

Hung thần hạ gươm hỏi:

- Ngươi muốn xin bao lâu?

Vị phú thương nói:

- Tôi xin được gia hạn một năm, sang năm đúng ngày nầy tôi sẽ đến đây nạp mạng.

Hung thần nói:

- Ta cũng nhủ lòng nhân tha cho ngươi thêm một năm như lời ngươi thỉnh cầu, nhưng ngươi phải lấy danh của thượng đế mà thề thì ta mới tin.

Vị phú thương quả quyết nói:

- Vậy tôi xin lấy danh nghĩa của thượng đế làm chứng cho tôi lời thề trước.

Hung thần buông ông phú thương ra rồi hóa ra giông tố bụi cát bay mù mịt, ông ta cũng biến theo.

Như vừa tỉnh cơn ác mộng, vị phú thương vội vàng leo lên ngựa phóng mau về nhà.

Đến nơi, vợ con ông xúm lại mừng rỡ, nhưng ông vội gạt nói:

- Mình và con hãy để tôi nghỉ ngơi, tôi vừa trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần cần tịnh dưỡng.

Nhìn thấy nét mặt ủ dột của chồng, bà vợ lo lắng hỏi:

- Tại sao hôm nay mình đi về lại có nét u buồn lo sợ thế, xin mình kể lại cho tội nghe để bớt nỗi u sầu phần nào chăng.

Ông phú thương sụt sùi kể lể:

- Mình ạ, tôi chỉ còn sống có một năm nữa mà thôi. Tôi không tiếc thân tôi nhưng tôi chỉ thương mình và con dại không nơi nương tựa khi tôi mất.

Rồi ông đem câu chuyện kể lại cho vợ nghe.

Bà vợ nghe chồng nói ôm mặt khóc ngất, kêu gào thảm thiết, trách trời đất và nguyền rủa hung thần không tiếc lời. Đứa con cũng sán lại ôm cha khóc kể như mưa.

Thế rồi qua ngày hôm sau, ông phú thương nọ không còn thiết gì đến công việc làm ăn, chỉ lo thanh toán các món nợ nần, chia của cải cho bà con và người nghèo khổ và cho nô lệ trở về quê quán.

Ông ta gầy sút đi thấy rõ. Những bữa ăn toàn cao lương mỹ vị mà ông ta không buồn nếm, chỉ dùng qua loa cho con, vợ yên lòng. Rồi những đêm thao thức lo sợ từng giây phút.

Thời gian thấm thoát đã một năm qua nhanh như thoi đưa. Ông phú thương không dám chậm trễ vội vàng từ biệt vợ con lên đường.

Thế rồi bao nhiêu nước mắt trong chuyến tiễn biệt kia, vợ con ông đều mặc tang chế sau mấy dặm đường cho đến lúc kiệt sức, ông ta thì cũng như chết rồi chỉ còn mong được sớm thoát cõi đời để khỏi bao nhiêu lụy phiền.

Đến nơi thì trời còn tối, ông ta cột ngựa vào cành cây, vẻ mặt buồn rười rượi.

Giữa bầu trời quang đãng của sa mạc ban mai, một ông già từ xa đi lại dắt một con nai xinh đẹp.

Nhìn thấy vị phú thương ngồi một mình, ông ta đến gần hỏi:

- Ông bạn ôi! Ông ngồi làm gì giữa nơi hoang vắng này thế? Ông không sợ nguy hiểm có thể xảy ra cho một người giàu có, hiền từ như ông sao?

Người thương gia buồn bã đáp:

- Thưa ông, dù cho vua sư tử tôi cũng không sợ vì tôi sắp chết rồi, chỉ chốc nữa thôi, tôi sẽ bị giết để đền một tội vô tình mắc phải.

Ông già ngạc nhiên hỏi:

- Ông bạn nói gì lạ vậy? Sao lại ngồi đây chờ chết? Mà ông bạn làm gì?

Vị phú thương liền kể rõ câu chuyện tại sao mình lại ở đây chịu chết ; ông già nghe xong bất bình than thở:

- Thật là một việc lạ lùng, ông bạn không thể bội ước lời thề sao?

Vị phú thương thiểu não đáp:

- Không thể nào được vì tôi đã thề với đấng Thượng đế công minh rồi.

Ngưng một lúc để suy nghĩ, ông già đáp:

- Thế thì tôi sẽ ở lại đây để mục kích câu chuyện bi đát nầy để xem có cách nào giúp ông bạn không?

Vị thương gia nhìn ra xa xôi nói:

- Thôi đừng mong lay chuyển con người đó, nếu ông muốn thì cứ ở lại xem thôi, đừng nói vào chọc giận ông ta mà không toàn tính mạng.

Lúc ông già và phú thương đang nói chuyện với nhau thì… Mỹ Thanh Loan nhìn ra ngoài trời thấy đã sáng nên buồn bã nói:

- Trời đã sáng rõ, tiếc quá, câu chuyện đã đến lúc hay.

Nhà vua vì muốn nghe nốt câu chuyện nên bằng lòng cho Mỹ Thanh Loan sống thêm một hôm.


ĐÊM THỨ BA


Đêm đó, Mỹ Thanh Liên cũng y như trước, gọi chị dậy yêu cầu kể tiếp.

Đức vua Sa-hy-A không đợi nàng hỏi, bảo:

- Nàng hãy kể tiếp đi.

Mỹ Thanh Loan dịu dàng mỉm cười tiếp tục:

- Tâu hoàng thượng, giữa lúc cả hai đang bàn chuyện thì bỗng có một ông già khác dắt theo hai con chó mực đến gần.

Ông già thứ hai cũng tiến đến chào hỏi như thường lệ của kẻ gặp nhau trong sa mạc.

Ông già dắt nai cái liền kể lại câu chuyện cho ông mới đến nghe. Nghe xong ông bùi ngùi nói:

- Nếu thế tôi cũng ở lại để xem có gì có thể giúp ông bạn đây chút nào.

Cả ba chưa dứt lời thì lại có một ông già thứ ba tiến đến. Câu chuyện lại được kể lại cho ông bạn mới, rồi ông ta cũng đòi ở lại nghe cho xong câu chuyện lạ lùng đó.

Họ tiếp chuyện nhau chưa được bao lâu thì có một luồng gió mạnh thổi đến rồi bụi cát tung lên mù mịt. Vừng bụi tiến đến một hồi mới dừng lại trước mặt bốn người ; rồi hiện ra một ông thần hung dữ, trợn tròn đôi mắt, giơ cao thanh kiếm nhìn người phú thương hét:

- Ngươi đã chuẩn bị xong chưa, mau chịu tội.

Thấy tính mạng mình sắp mất, người phú thương đột nhiên bật khóc òa lên, ba ông già cũng khóc làm xao động cả bãi sa mạc hoang vu…

Đến đây thì trời đã sáng, Mỹ Thanh Loan liền dừng lại.

Đức vua Sa-hy-A đành hậm hực lâm triều.

Riêng nói về kẻ vui mừng nhứt là quan cận thần nhứt phẩm, ba đêm qua ông ta luôn sống trong hồi hộp, sáng hôm nay vẫn không nghe vua nhắc nhở đến vụ chém giết, ông ta hân hoan ra mặt.

Dân chúng trong nước cũng bớt hồi hộp vì mấy ngày lo lắng cho tiểu thơ Mỹ Thanh Loan cũng như cho con gái họ.

Tối hôm đó, sau khi chung chăn gối, đức vua và Mỹ Thanh Loan cùng yên giấc cho đến nửa đêm.


ĐÊM THỨ TƯ


Mỹ Thanh Liên gọi chị dậy yêu cầu kể nốt câu chuyện trong lúc đức vua cũng để ý đến đoạn kết thật hồi hộp.

Mỹ Thanh Loan tiếp:

- Muôn tâu hoàng thượng, lúc hung thần vừa đưa tay nắm lấy cổ vị phú thương thì ông già dắt con nai cái vội quỳ xuống đất rập đầu lạy vị hung thần, nói:

- Thưa ngài, xin ngài cho tôi nói một lời.

Hung thần nhìn ông ta rồi hỏi:

- Ngươi là ai, sao dám ngăn ta trả thù cho con ta?

Ông già rập đầu tâu:

- Thưa ngài, tôi chỉ là người bàng quan không có bà con quyến thuộc gì với ông đây, nhưng ngài hãy cho tôi kể một câu chuyện thật về đời tôi, nếu ngài thấy lý thú thì xin hãy tha tội cho ông phú thương khổ sở này.

Hung thần thấy ý kiến của ông già hơi ngộ nghĩnh liền ngẫm nghĩ một lúc rồi bằng lòng.

- Ta chấp thuận lời cầu xin của ngươi, vậy ngươi hãy kể đi.

Ông già thứ nhất dắt con nai cái cám ơn rồi tâu:


CHUYỆN ÔNG GIÀ THỨ NHẤT VÀ CON NAI


- Thưa ngài, nếu ngài đã đồng ý cho phép thì tôi xin bắt đầu ; trước khi kể rõ câu chuyện ngộ nghĩnh nầy tôi xin giới thiệu với ngài và quý vị con nai nầy : chính nó là em họ và cũng là vợ tôi.

Tôi cưới nàng lúc nàng vừa được đầy một giáp, nghĩa là mười hai tuổi trong lúc tôi đã ngoài ba mươi cho nên nàng xem tôi là một người cha hơn là người chồng hay người anh.

Sống gần nhau được ba mươi năm mà không phai lạt tình yêu khắng khít.

Nàng muộn màng không con mà tôi lại là con một, nên tôi rất mong muốn có con để nối dõi, nhưng tôi rất ngần ngại. Sau cùng tôi vì quá thương nàng nên bàn sẽ mua một nàng nô lệ để tìm con chớ không lấy vợ lẽ vì sợ nàng ganh tị.

Nàng đành phải bằng lòng. Tôi liền đi lựa mua một nàng da trắng đẹp đẽ và một năm sau, nàng nô lệ xinh đẹp kia cho tôi một con trai.

Dù rất thương yêu nàng, tôi cũng không quên vợ tôi, nhưng quí vị còn lạ gì tính đàn bà ghen, nhất là cái ghen ngấm ngầm của vợ tôi thật là độc hại.

Tôi không dám tỏ ra cưng chiều đứa con trai ra mặt và vì có việc nhà cứ phải đi xa luôn nên tôi không hiểu những sự đối đãi của vợ tôi với nó.

Con tôi rất ngoan, nó không bao giờ làm phiền tôi nên tôi không thấy gì hơn là mừng cho cảnh vui vẻ của gia đình. Con tôi ngày càng lớn mau như thổi.

Lúc nó được mười tuổi, tôi phải xa nhà một thời gian lâu. Quá thương con nhưng không tiện đem theo, tôi đành gửi mẹ con nó lại cho vợ tôi với sự ân cần dặn bảo:

- Mình hãy ở lại trông nom nhà cửa và chị em hãy lo cho con như có tôi ở nhà.

Vợ tôi, ngoài mặt vẫn tỏ ra vui vẻ vâng dạ nhưng trong lòng lại để tâm oán trách tôi lo cho con, nên nhất định trả thù.

Thừa dịp tôi vắng nhà mấy tháng, vợ tôi đi tìm học phù phép rồi sau khi thành công nó biến nàng nô lệ và con tôi thành ra hai con bò, một mẹ, một con, xong đem giao cho người tá điền bảo nuôi giùm.

Người tá điền vẫn không chút nghi ngờ, vẫn nuôi nấng chăm nom như những con bò khác nhốt chung một chuồng.

Hơn một năm sau tôi mới về thì không thấy mẹ con nàng đâu cả, hỏi thì vợ tôi trả lời:

- Nàng nô lệ đã chết rồi.

- Thế còn thằng con của nàng đâu?

Vợ tôi hờ hững trả lời:

- Nó đi mất tích gần tháng nay, tôi có cho người đi tìm khắp nơi nhưng không thấy.

Buồn chán quá, tôi cứ bỏ đi lang thang. Nhân dịp một lễ to, tôi truyền cho người tá điền bắt một con bò nào mập nhất trong chuồng ra đề làm lễ tế trời đất.

_______________________________________________________________________
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét