Lừa mệt mỏi quá không buồn
nhìn món cỏ khô thứ dành cho bò thường ngày, nó nằm im suy nghĩ:
- Mình thật là ngu dại, ai
đời đi bảo cho bò biết cách làm reo để mình phải thay thế cho nó làm việc. Đời
ta đang sống thảnh thơi sung sướng lại đi chuốc khổ vào thân, nếu ta không khéo
chắc phải khổ sở suốt đời thay nó.
Kể đến đấy vị đại thần hiển
nhiên nhìn mặt Mỹ Thanh Loan nói:
- Đó con có thấy cái tài
khôn dại dột của lừa chưa. Nếu con cứ một mực nhất định làm theo ý nghĩ thì sẽ
đi đến chỗ chết như con lừa kia.
Mỹ Thanh Loan vẫn mỉm cười
thản nhiên nói:
- Thưa cha, dù cho câu
chuyện giáo huấn của cha kể có đúng sự thật đi nữa thì con cũng không có thể
thay đổi ý định kia. Nếu cha không bằng lòng, con sẽ một mình đến xin với đức
vua ân huệ kia.
Thấy con cứ cứng đầu, quan
nhất phẩm đại thần can nàng, nói:
- Thật nếu con không đổi ý
thì buộc lòng cha phải đối xử với con tàn nhẫn như vị phú thương kia đã xử với
vợ. Đây, để cha kể tiếp cho con nghe rồi tùy con liệu định…
Người phú thương biết lừa bị
cực khổ như thế chắc sẽ còn nói thêm gì với bò nên ăn cơm xong, lại xuống
chuồng bò, lừa để nghe.
Trăng vừa lên mà vẫn chưa
nghe lừa nói gì, phú thương định trở vào thì bà vợ lại mang ghế dựa ra cùng
chồng ngắm trăng.
Lừa có vẻ hơi mệt nên hỏi
bò:
- Này anh bò, nếu hôm nay họ
đem cỏ khô đến, họ cư xử không phải như trước thì anh liệu thế nào?
Bò nói:
- Thì còn gì hơn là thi hành
chiến thuật của anh hôm qua đã dạy là phải dậm cẳng, húc mạnh, rống to, rồi giả
đau nằm im thì họ phải thôi chứ gì?
Lừa đã có ý định sẵn nên giả
vờ thương hại bò, nói:
- Ờ, không được đâu, nếu anh
cứ làm mãi, ngày kia chắc anh không thể nào sống được.
Bò ngạc nhiên hỏi:
- Sao kỳ thế anh?
Lừa làm ra vẻ quan trọng
nói:
- Anh không hiểu loài người
rất lợi hại sao? Hôm qua sở dĩ họ cho anh nghỉ ngơi, ăn ngon là vì họ sợ anh ốm
nhiều mất việc của họ nên dưỡng sức cho anh. Còn hôm nay, nếu anh còn ốm nữa
thì họ sợ anh chết mất sẽ mất thịt cả luôn thì sẽ thiệt hại nhiều, vì thế họ sẽ
làm thịt anh trước khi anh bị bệnh chết.
Bò có vẻ hoài nghi hỏi lừa:
- Sao lại thế? Hôm qua họ để
cho tôi sung sướng mà?
Lừa làm ra vẻ dửng dưng nói
lơ là:
- Ồ, đó là tùy ở anh, tôi
thấy anh dại tôi chỉ cho thế thôi, còn anh muốn làm gì thì làm, tôi đâu dám
xui.
Bò nhìn lừa với vẻ thành
khẩn, nói:
- Anh lừa ơi! Anh làm ơn chỉ
cho tôi điều phải nếu không tội nghiệp cho tôi lắm.
Lừa giả vờ thương hại bò, nó
nói:
- Được rồi, nếu anh yêu cầu
thì tôi không nỡ từ chối vì lúc nãy khi về chuồng, tôi có nghe ông chủ của ta
nói với bà chủ như thế nầy : “Con bò đó hôm qua trông có vẻ mệt nhọc nay lại
đau ốm, tôi muốn làm thịt nó để lấy bộ da, còn thịt thì bố thí cho người nghèo
chứ nếu bán thì chẳng được giá gì giống bò ốm đau kia.”
Bò hốt hoảng vội rối rít năn
nỉ lừa:
- Thế anh dạy tôi phải làm
thế nào? Tôi hứa sẽ không dám quên sự dạy bảo của anh muôn đời.
Lừa làm như mình rất nhân
đạo, nó nói:
- Chỗ chúng ta với nhau
chẳng lẽ thấy anh nguy mà tôi không cứu, vậy anh cứ yên lòng làm theo lời chỉ
bảo của tôi thì anh sẽ thoát nguy.
Bò mau mắn hỏi:
- Làm thế nào, anh hãy làm
ơn cứu tôi với?
Lừa chậm rãi đáp:
- Được rồi, tôi đã hứa sẽ
giúp anh kia mà. Anh hãy làm đúng theo lời tôi là khi nào người thợ cày mang
cỏ, rơm khô đến anh hãy đứng lên cho mạnh dạn và cho thật nhanh, không được húc
hay làm dữ gì cả, người thợ cày sẽ vào nói với ông chủ là anh đã lành bịnh thì
ông ta sẽ không làm thịt anh nữa.
Bò tuy đỡ sợ nhưng vẫn chưa
hết vẻ lo lắng, cứ luôn thấp thỏm thở ra thở vô thật thảm não.
Ông phú thương nghe dứt câu
chuyện đột nhiên bật cười lớn vì thấy quả con lừa rất tinh ranh. Ông ta quên
mất là mình đang ngồi với vợ.
Người vợ đang nhiên thấy
chồng bật cười thì không rõ việc gì nên gạn hỏi:
- Mình cười gì một mình thế,
hãy nói để chúng ta cùng cười cho vui.
Người phú thương lắc đầu
nói:
- Mình đừng bắt tôi phải nói
điều mà tôi không thể nào nói được vì nó sẽ làm cho tôi không còn sống trên đời
nầy.
Vốn là người đa nghi, vợ
người phú thương nhất định bắt chồng kể cho bằng được câu chuyện. Bà ta nói:
- Mình thật là không đứng
đắn, ngồi với vợ mà nghĩ đâu đâu. Nếu mình không kể cho tôi nghe câu chuyện kia
thì tôi nhất định không chịu đâu.
Ông phú thương nói:
- Mình đừng nên nghi ngờ,
điều tôi nói đó chỉ là tôi cười về chuyện của hai con bò và lừa đang nói với
nhau thôi.
Bà vợ nhất định không nghe,
cố nài nỉ:
- Tôi không tin, nếu thế có
gì mình phải giấu, mình cứ nói ra cho tôi tin.
Ông phú thương nói:
- Không thể nào tôi kể được
với mình vì tôi sẽ chết ngay khi dứt lời, đó là sự thật, nếu mình thương thì
hãy nên tin tôi.
Bà vợ ông ta có vẻ hoài nghi
nói:
- Làm thế nào tôi lại tin
được câu chuyện hoang đường kia. Thôi mình đã không còn yêu tôi, sanh lòng nọ
kia thì để tôi chết cho mình vừa lòng.
Nói xong bà ta khóc nức nở.
Vốn thương chiều vợ, ông phú
thương không thể cầm lòng trước những giọt nước mắt của vợ mình. Ông ta liền
sai gia nhân đi mời tất cả bà con hai họ đến khuyên giải giùm vợ ông.
Nhưng mặc cho những lời
khuyên can, bà ta cứ nhất định không nghe, cứ càng làm già hơn, bỏ cả ăn uống,
cứ lăn lộn đòi chết, nếu không được chồng kể cho nghe chuyện kia.
Quá buồn bã, ông ta liền bảo
với vợ:
- Thôi để cho gia cảnh được
an vui, tôi bằng lòng kể cho bà nghe câu chuyện kia để cho bà tin lòng tôi. Vậy
bà hãy cho mời những gia trưởng trong thân tộc đến để làm chúc thư và để tôi
gởi gấm các con vì tôi sẽ chết tức khắc lúc kể xong cho bà nghe điều bí mật ấy.
Nghe chồng bảo sẽ kể cho
nghe, bà ta thích quá quên mất cái chết sắp đến của chồng, bà ta liền trở dậy
trang điểm để đi mời người gia trưởng.
Kể đến đây, ông quan đại
thần hỏi Mỹ Thanh Loan:
- Đấy, con xem người chồng
có đáng thương không?
Mỹ Thanh Loan vẫn thản nhiên
hỏi lại cha mình:
- Thưa cha, thế ông phú
thương nọ có chết không?
Nhứt phẩm đại thần buồn rầu
đáp:
- Không, ông ta may mắn gặp
được một lời giải đáp chứ không như cha bị bế tắc trước cái cứng đầu dại dột
của con. Thôi để cha kể tiếp cho con nghe.
Ông phú thương biết chắc
mình sẽ chết để cho vợ vui lòng thì buồn rầu vô cùng. Ông ta gọi các con lại,
ôm chúng vào lòng dặn dò lẽ phải để sống ở đời rồi đi khắp nơi để nhìn lại
những con vật thân yêu một lần cuối cùng.
Đến trước sân, ông ta thấy
con gà trống đang theo một chị mái to lớn gạ gẫm.
Cón chó nằm tiu nghỉu gần
đấy thấy thế mắng gà:
- Thật mầy là đồ vô dụng,
trong lúc này mà mầy còn có thể làm được việc kia không hổ thẹn sao?
Con gà trống cãi lại:
- Tại sao anh mắng tôi?
- Ta mắng mầy vì mầy là quân
vô ơn bội nghĩa, có thể vui thú trong lúc gia chủ đang có việc bối rối trong
nhà.
Gà ngạc nhiên hỏi lại:
- Chuyện
gì mà anh có vẻ quan trọng thế?
Chó lớn tiếng nói:
- Thật mầy là giống ngu
ngốc, ông chủ nuôi mầy chỉ uổng gạo, lúa mà thôi. Mầy có biết đâu từ hôm qua
đến nay ông chủ và bà chủ có việc cãi nhau, bà chủ cứ nằng nặc đòi ông kể cho
nghe câu chuyện bí mật mà ông cố giấu vì nếu kể sẽ bị chết ngay. Nhưng rồi bà
khóc lóc đập đầu đập cổ, ông thấy thế chịu không được đành phải chiều bà và hẹn
sẽ kể. Một lúc nữa đây nếu ông kể thì ông sẽ chết, mà ông chết thì chúng ta sẽ
phải chịu một cái tang, đó chẳng là điều quan trọng sao?
Gà trống hách dịch ngước lên
gáy te te rồi nói:
- Ồ! Ông chủ ngu thì ông ta
chết, tội gì mà buồn cho bận tâm. Thôi hãy để yên cho ông ta chết, đừng có dài
giòng nữa.
Chó tức giận hỏi:
- Tại sao mầy dám nói là ông
chủ ngu?
Gà trống mỉm cười nói:
- Chẳng những tôi nói ông
chủ ngu mà tôi còn khinh ông chủ dại nữa kia.
Chó gạn hỏi:
- Nhưng tại sao mầy có ý
nghĩ đó?
Gà quạt cánh tiếp:
- Anh xem như tôi, một mình
có đến năm mươi bà vợ mà nào có khi nào có chuyện gì xảy ra đâu. Đó là vì tôi
khéo biết cách dạy cũng như thu xếp trong nhà. Ông chủ chỉ có một bà mà lại để
sanh chuyện nọ chuyện kia thì chẳng dại là gì?
Chó hỏi:
- Thế chú mầy biểu ông chủ
nên làm sao?
Gà nói:
- Theo tôi ông chủ cần gì
phải năn nỉ và phải chết một cách vô lối thế kia, cứ việc xách roi vào vụt cho
mươi chiếc thì đâu phải vào đó ngay, có việc gì mà buồn khổ.
Người phú thương nghe câu
nói của gà thì mừng rỡ tươi ngay nét mặt, vùng đi vào nhà thì gặp ngay bà vợ
đang hớn hở đi về cho hay đã tìm được người gia trưởng.
Không nói một câu, ông ta cứ
lôi bừa bà vào phòng rồi vớ lấy phất trần đánh lấy đánh để, vừa đánh vừa la:
- Nầy, cứng cổ nầy.
Bà vợ bị chồng đánh đau quá
vội vàng la lên:
- Thôi mình tha cho tôi, tôi
không dám đòi hỏi gì nữa cả.
Thấy vợ biết hối cải, ông
phú thương mừng rỡ vô cùng, ông vội ngừng tay ra tiếp người gia trưởng. Ai nấy
nghe nói ông ta đã thu xếp xong chuyện đều khen ông biết cách chống giữ gia
đình.
Kể xong, quan nhất phẩm đại
thần hỏi con gái:
- Còn con, con có muốn cha
cũng đối xử như vị phú thương nọ rồi mới chịu bỏ tánh cứng đầu không?
Mỹ Thanh Loan khôn khéo nói:
- Cha giận mà bảo thế chứ
con tin một người hiền lành như cha không bao giờ lại đối xử với con như thế.
Nếu cha muốn, con xin kể cho cha nghe nhiều chuyện khác chứng tỏ rằng cha nên
bằng lòng cho con làm điều đó. Xin cha hãy khứng cho lời cầu xin của con, hoặc
con sẽ làm theo lời nói nếu cha không cho con đi.
Thấy đứa con gái khôn ngoan
của mình cứ khăng khăng đòi đi cho bằng được, quan đại thần nghi là Mỹ Thanh
Loan đã có ý định gì nên phải chiều theo. Ngài nói:
- Thôi, nếu con đã muốn thì
cha cũng làm vừa lòng con, nhưng con hãy liệu làm sao cho tay cha khỏi phải
nhúng vào máu của con, đấy là điều đau đớn nhất cho cha.
Nói xong ông ta liền tức tốc
đi vào triều để báo tin cho vua hay tối nay tiến cung con gái của mình.
Vua Ba Tư ngạc nhiên hỏi:
- Vì lý do nào khanh lại đem
con gái dâng cho trẫm, bộ trong nước hết gái đẹp rồi sao? Khanh có biết dù cho con
của khanh đi nữa thì nàng cũng phải chịu chết sáng ngày mai như lời hứa của ta
sao?
Quan nhứt phẩm buồn bã tâu:
- Thưa hoàng thượng, thần đã
biết rõ điều đó, nhưng chính con gái của hạ thần đã nhất định đòi vào cung để
được cái vinh dự làm hoàng hậu một đêm, thần không sao cản được.
Vua Sa-hy-A nói:
- Nếu thế thì ta cũng truyền
cho khanh cứ y theo lệnh mà làm. Nếu sáng mai khanh không thể chém đầu con gái
thì chính tay ta sẽ chém đầu khanh, khanh hãy nghe cho rõ đi.
- Tâu hoàng thượng, từ mấy
đời nay ông cha thần vẫn luôn giữ trọn đạo làm tôi, hoàng thượng hãy tin lòng
trung thành của hạ thần.
Vua Ba Tư bằng lòng.
Quan đại thần tất tả trở về,
buồn bã báo tin cho con hay. Mỹ Thanh Loan rất vui mừng, nàng liền tìm lời an
ủi cha:
- Thưa cha, nếu cha đau lòng
hôm nay thì ngày sau cha sẽ sung sướng thấy hạnh phúc của con và hãnh diện vì
con, xin cha hãy an lòng.
Nói xong nàng gọi Mỹ Thanh
Liên vào phòng riêng dặn:
- Em ạ! Chị cần có em làm
hậu thuẫn để đổi lòng ông vua tàn bạo kia cứu trăm họ. Vậy em hãy vui lòng giúp
chị một việc là nếu tối nay đức vua có đòi em vào cung em hãy bình tĩnh đừng sợ
hãi vì đó là do chị yêu cầu ; em hãy yên lòng khi chị xin đức vua cho em ngủ
gần chị, rồi đúng khi trời gần sáng mỗi hôm em hãy đánh thức chị dậy để yêu cầu
chị kể cho em một câu chuyện trước khi chị từ giã cõi đời. Em hãy nhớ rõ lời
chị và cứ thế mà thi hành, chị sẽ làm được như ý chị muốn.
Mỹ Thanh Liên vui vẻ nhận
lời.
Đêm hôm ấy như thường lệ,
quan cận thần mang tiến cung Mỹ Thanh Loan. Ông ta không khỏi thấy lòng bồi hồi
cảm động khi thấy đứa con thân yêu đi vào cõi chết.
Nàng từ giã cha khi bước vào
Hoàng Cung, vẫn rạng rỡ không chút u sầu.
Đức vua cầm lấy tay nàng giở
chiếc mạng che, gương mặt tuyệt đẹp của Mỹ Thanh Loan làm cho ông rung động.
Khẽ kéo nàng ngồi kế bên
mình, Sa-hy-A hỏi:
- Tại sao mặt hoa nàng có
nét ủ dột?
Mỹ Thanh Loan nét mặt lộ vẻ
u buồn rồi trên đôi mắt lại long lanh đôi giọt lệ. Nàng buồn rầu nói:
- Muôn tâu Hoàng thượng,
thần thiếp được vào đây thật là diễm phúc, nhưng vì thương một đứa em gái từ
trước đến nay không hề xa rời nhau mà ngày mai thì thần thiếp sẽ xa rời trần
thế, vậy nếu bệ hạ có lòng nhân thi ơn cho thiếp được gặp em đêm cuối cùng thì
thần thiếp muôn vàn cảm tạ.
Vua Ba Tư chuẩn y lời của
nàng. Ngài liền sai nội giám đến nhà quan nhất phẩm đại thần đem chiếu chỉ đến
với Mỹ Thanh Liên.
Đại thần nhất phẩm đang ngồi
lo buồn về sinh mạng cô con gái yêu của mình thì thấy nội giám vào dâng chiếu
chỉ.
Xem xong ông ta suýt ngất đi
khi thấy vua truyền lịnh cho đòi con gái thứ của ông là Mỹ Thanh Liên vào chầu.
Nhưng dù sao trước lệnh của
vua ông ta không thể nào cưỡng lại được nên đành bảo con thay đổi quần áo vào
bệ kiến.
Mỹ Thanh Liên không ngạc
nhiên trước cái tin kia vì nàng đã được chị cho biết trước nên rất vui vẻ ra
đi.
Quan nhất phẩm cận thần
không hiểu sao hai đứa con của mình đều dửng dưng trước cái chết nên cũng rất
lạ lùng.
Khi Mỹ Thanh Liên vào đến
nơi, hai chị em mừng nhau rồi đức vua truyền lệnh bày yến tiệc để khoản đãi hai
nàng.
Đêm hôm ấy đức vua cùng Mỹ
Thanh loan chung gối trên Long sàng còn Mỹ Thanh Liên thì ngủ trên một chiếc
giường Ngự-Ỷ gần đấy.
Lúc gần sáng, gà vừa gáy
sang canh, Mỹ Thanh liên đã trở dậy gọi chị.
- Chị ơi, nếu chị đã thức
giấc với em thì chị hãy kể cho em nghe lần cuối cùng câu chuyện lý thú như
những lần trước chị đã kể cho em nghe vì mai chị có còn nữa đâu.
Mỹ Thanh Loan mỉm cười nói
với vua Sa-hy-A:
- Tâu hoàng thượng, nếu
hoàng thượng thấy không có gì trở ngại, xin vui lòng cho thiếp được làm vừa
lòng đứa em yêu dấu lần chót trước khi chị em vĩnh biệt ngàn thu.
Đức vua muốn chiều người vợ
một đêm, lại cũng muốn biết hai chị em họ nói gì với nhau nên gật đầu đồng ý.
Mỹ Thanh Loan sung sướng cảm
ơn đức vua rồi bắt đầu kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét