Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

MỘT NGƯỜI YÊU SÁCH ĐÃ RA ĐI


Kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông Khai Trí

Sau 1975, ông Khai Trí vẫn di chuyển bằng xe đạp như trước.

TT - Ông tên là Nguyễn Văn Trương (bút hiệu Nguyễn Hùng Trương) nhưng mọi người vẫn quen gọi ông là ông Khai Trí. Cả trước và sau 1975, sau đến 30 năm, đến bây giờ người ta đều quen gọi ông như thế. Mặc cho nhà sách Khai Trí uy tín bậc nhất miền Nam thuở ấy đã không còn nữa...

Ở tuổi 80 sự ra đi ấy không là quá sớm, nhưng sao với ông, cái chết ấy vẫn đến vội quá. Vội vàng quá với một người chưa thực hiện được ước mơ cuối cùng của đời mình: gầy dựng lại một nhà sách. Mười mấy năm rồi ông mơ giấc mơ ấy.

Năm 1991 ông đi đoàn tụ với vợ con ở Mỹ. Nhưng chưa đi ông đã biết mình sẽ trở về và ông cũng chỉ ở nơi xứ lạ quê người được năm năm. Năm 1996 xin hồi hương, ông mang về nguyên vẹn giấc mơ của mình. Nhưng tiền thì vẫn thiếu, ông vẫn chỉ có sách là nhiều. Thì ông tạm làm người biên soạn sách, những cuốn sách không đặc sắc nhưng chứa đựng được tâm nguyện của một người luôn coi sách là một bài học (Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả dành cho người miền Nam, Những bài thơ hay trong văn chương VN, Danh ngôn hạnh phúc, Danh ngôn tình bạn, Danh ngôn tình yêu...). Giấc mơ cũ không thấy ông nhắc lại nữa. Những nhà sách lớn nhỏ, không phải của ông, cũng đã đua nhau mọc lên rồi.

Con cháu ông kể lại những ngày cuối cùng trong bệnh viện, trong cơn hôn mê, ông cứ tìm sách. Hỏi tìm cuốn sách này rồi lại hỏi tìm cuốn sách kia, chỉ đến khi đặt được bàn tay mình trên cuốn sách, ông mới yên tâm nhắm mắt. Ông tìm sách như tìm một hơi ấm. “Biết rằng ngày mai tôi mất, hôm nay tôi vẫn còn phải học, biết đâu chút nữa, chiều nay hoặc tối nay, việc học có thể giúp ích phần nào cho tôi và cho những người xung quanh tôi”, một lần, hơn 20 năm trước, ông đã viết như vậy. Bởi với ông, làm sách, biên soạn sách hay đọc sách không chỉ là một cách kinh doanh, đó còn là một cách để học. Năm 1952, từ khi mở nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn, ông cũng đã sống đúng như vậy. Có lẽ ông chỉ không biết ngay cả lúc sự sống đã sắp rời xa ông, cái ông muốn níu kéo vẫn lại là những cuốn sách mà ông đã yêu quí trong cả cuộc đời mình.

Có ai đó đã từng hát “nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita”. Nhưng với riêng ông, không chắc ông Khai Trí đã muốn điều đó. Ông sẽ không muốn mang sách theo mình, ông chỉ muốn những cuốn sách được ở lại, giúp người, giúp đời…

THÚY NGA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét