Em trở về thành phố biển một mình vào một buổi chiều nhạt nắng. Lòng em dâng lên một niềm vui khó tả. Tim em đập từng nhịp bồi hồi theo vòng bánh xe lăn. Đại lộ Gia Long vẫn thơ mộng như ngày nào. Trạm Air VN vẫn u buồn như ngày xưa ra đi. Không có gì thay đổi mặc dầu đã ba năm qua. Con bé ngày xưa bây giờ đã lớn, thành phố Nha Trang vẫn dễ thương, thơ mộng ngàn đời.
Em xách chiếc va-li nhỏ chậm rãi bước xuống xe ca. Gió thổi áo em bay bay, đôi tà áo trắng phần phật quấn quít trong chiều. Em thấy mình bé bỏng đến tội nghiệp. Đám người ồn ào đón đợi thân nhân làm đau nhức màng nhĩ em không ít. Một chiếc xích lô trờ tới. Về đâu, cô? Đường Duy Tân nha bác. Em leo lên ngồi nhỏ bé trên nệm xe. Chiếc va-li đặt dưới chân im lìm. Đôi tay em trắng xanh thuôn dài buông thỏng trên đùi. Hơn một giờ trên phi cơ làm em mệt nhoài. Hai hàng me bên đại lộ đã đến mùa thay lá. Lá me vàng bay bay. Một giọt nắng vàng nhỏ xíu rơi trên nền áo em trắng muốt. Nha Trang ơi, thành phố của em dễ thương đời đời.
Chiếc xe dừng lại, em trả tiền rồi xách va li đẩy cổng bước vào trong. Những viên đá cuội lào xào dưới bước chân em. Vài khóm quì rạng rỡ kiêu sa. Khi xa Nha Trang em đã nhớ nhiều những bông hoa Cúc Quì. Một loài hoa trùng tên với em. Cúc Quì. Hoa Cúc Quì trầm lặng trong gió sớm và kiêu sa trong nắng chiều. Hàng dương liễu xanh rì chạy dài từ cổng vào mãi sân nhà làm mái che cho lối đi thêm thơ mộng. Cậu bé Ti Ti thấy em trước tiên. Mẹ ơi, chị Cúc Quì về. Em đặt chiếc va li giữa nhà, vòng tay ôm hôn chú bé. Mẹ từ dưới bếp chạy lên. Ánh mắt mẹ nhìn em tràn đầy âu yếm. Niềm vui òa vỡ trên môi, thấm ngát lên nụ cười.
- Mẹ nhận được điện tín con hôm qua. Mẹ mừng quá ăn cơm chả được đó. Trọn ngày nay trông chừng hoài.
Em ôm hông mẹ.
- Chị Quang Chung đâu mẹ?
- Chị con đi học rồi.
- Bên Hải Học Viện hở mẹ?
- Ừ! Thôi thay áo đi con. Mẹ có mua cua về nấu bún riêu cho con ăn này. Thích không?
- Thích chứ mẹ. Nhất mẹ rồi cơ.
Mẹ cười hiền, đi xuống nhà sau. Cậu bé Ti Ti lại đòi quà nhặng cả lên. Em cho bé một chùm nhãn Vũng Tàu, và một chiếc tàu bằng vỏ sò ráp nối thật khéo léo. Công trình một tháng của anh Khắc Tiệp đó. Em lắc lắc đầu. Tạm quên hình ảnh Khắc Tiệp trong vài phút. Em đang hít thở không khí Nha Trang, thành phố dấu yêu ngàn đời sóng vỗ. Em vào phòng tắm dội nước ào ào. Cậu bé Ti Ti nói thật to: - Sáng mai đi tắm biển với em nha chị Quì. Tắm lúc sáu giờ ấy chị. Buổi sáng nước biển ấm tuyệt vời. Em xin mẹ đi thăm phố một tị, mẹ dặn về sớm dùng cơm. Em dạ thật ngoan. Chiếc quần xì-gà tím rộng ống, áo pull vàng, bộ đồ ba mới sắm cho. Cậu bé Ti Ti cười reo lên, áo chị Quì đẹp ác. Em cười cười đạp xe mini ra cổng. Em đạp xe chạy vòng vòng quanh phố. Phố xá bây giờ có vẻ thịnh hơn trước. Con đường Độc Lập vẫn tấp nập, em quẹo xe, rẽ sang đường khác. Bất ngờ một chiếc Vespa trờ tới đâm vào xe em. Em rủa thầm, lái xe mà để mắt nhòm đâu đâu á. May mà chẳng có sao. Trầy da chân sơ sơ. Ăn thua chi, lãnh thẹo mới sợ chứ. Em không để ý đến người đã đụng nhầm em, có lẽ em sẽ tỉnh bơ quay đi nếu người ta không lên tiếng:
- Xin lỗi cô! Có sao không cô?
Hắn nở một nụ cười rất dễ thương. Ơi, nụ cười giống anh Khắc Tiệp chi lạ. Em lắc đầu:
- Cám ơn ông. Tôi không sao cả.
Hắn bắt chuyện:
- Cô là khách của Nha Trang?
- Không.
Hắn mở tròn mắt ngạc nhiên. (có lẽ lúc nãy em nhòm phố xá một cách... kỳ lạ lắm sao?) Em đoán biết được ý nghĩ trong đầu hắn.
- Tôi xa Nha Trang ba năm, làm khách lạ ở Vũng Tàu.
Hắn ồ lên gật gù. Và hắn mỉm cười:
- Hình như cô yêu biển lắm.
- Vâng. Ông nhận biết vì màu da tôi?
Hắn nhìn em thật khó hiểu:
- Tôi không có ý nói như vậy đâu. Tôi nói nơi cô sống toàn biển với cát thôi.
Em quay đầu xe lại:
- Đã đến giờ phải về dùng cơm. Xin phép ông.
- Vâng. Mong gặp lại cô.
Và em quên hẳn đi, sau bữa cơm chiều. Ở tuổi em, dễ quên mà cũng dễ nhớ. Một tia mắt nhìn, một mái tóc bồng cũng đủ làm bâng khuâng suốt buổi. Một cuộc gặp gỡ tình cờ, một hình ảnh nào đó, có thể, cũng dễ lãng quên. Buổi tổi, chị Quang Chung trò chuyện cùng em trước hiên nhà. Nhỏ mau lớn ghê, mười sáu tuổi rưỡi rồi phải không. Em gật đầu, im lặng nghe chị tâm sự. Chị có yêu một người học cùng lớp, anh ta dễ thương lắm bé ạ. Em hỏi:
- Anh ấy đối với chị ra sao, có yêu chị không?
- Coi như bạn. Hình như anh ấy không biết. Con trai không tế nhị bằng con gái, phải không em?
- Vâng ạ.
Chị vỗ nhẹ vai em:
- Còn mi sao? Có "chấm" ai chưa?
Em bỗng nhớ đến anh Khắc Tiệp. Em cười:
- Ở Vũng Tàu em chẳng có một tên bạn trai nào, ngoại trừ anh Khắc Tiệp, con bác Vinh.
- Tình cảm em đối với anh Khắc Tiệp như thế nào?
- Em mến anh ấy.
- Dĩ nhiên rồi. Chị muốn hỏi "chuyện kia" cơ.
- Em hổng biết.
- Sao lại hổng biết?
- Em vẫn tự hỏi lòng mình. Xa anh Tiệp em nhớ. Gặp anh Tiệp em thích cãi nhau, thích nhìn anh cười. Thế thôi.
- Vậy thì chưa chắc. Ở tuổi em mau quên lắm.
- Em cũng nghĩ như chị.
Hai chị em thủ thỉ thật lâu. Gió biển thổi lên từ phía trước mát thật mát. Em kể cho chị nghe chuyện Vũng Tàu. Về ngôi trường Đinh Tiên Hoàng an tọa trên đồi cát lộng gió. Ngôi trường yêu dấu có em trong suốt ba năm. Về thầy Trần Thái L. cũng sinh trưởng ở vùng cát trắng biển xanh đã mỉm cười khi nhìn học bạ của em. Hai thầy trò ở cùng một quê hương xứ sở kia mà. Em kể chị nghe, bãi Dâu chất chồng những đá. Em tả chị nghe con đường quen thuộc N.A.N có bụi cát bay bay, trong mỗi cơn gió lốc. Có một điều em không nhắc đến là ba, về dì Phương, người đã cướp ba ra khỏi gia đình, xa khỏi tình mẹ hiền dịu. Chúng em ngồi bên nhau cho đến khuya, tự nhiên em thấy nơi này ấm áp lạ. Tự dưng em thấy yêu Nha Trang vô cùng.
Em đi chầm chậm trên cát. Bãi cát mịn màng trắng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Hàng dừa lả ngọn đong đưa trước gió. Gió bể đùa cợt! Áo bay. Tóc bay. Thân hình ba mươi sáu ký của em cũng muốn bay luôn, sóng biển vẫn hoài hoài một điệu tình ca muôn thuở. Nắng biển đời đời vẫn muốn lột tróc da mặt cho gió cuốn đi. Và mặt biển, vẫn đẹp như đôi mắt của nàng tiên kiều diễm. Biển, đôi khi có một vẻ đẹp dịu dàng, đôi khi như muốn chồm lên gào thét cho bão tố phong ba. Em đang say sưa nhìn vẻ đẹp trùng trùng xanh ngát của biển khơi, tình cờ ngẩng lên, đôi mắt người con trai nhìn mình như lạ hẳn đi. À, người con trai hôm qua. Người con trai có nụ cười giống anh Khắc Tiệp. Hắn bước lại gần em:
- Tôi biết thế nào cũng gặp cô ở đây.
Em không nhìn hắn. Quán Gió Khơi khác ra vào tấp nập. Vài người đi lang thang trên bãi biển nhìn biển say mê như muốn thu hết vẻ đẹp của biển vào trong đôi mắt.
- Cô nói gì đi chứ?
- Nói gì hở ông?
- Cô có vẻ thi sĩ quá.
- Tôi không biết làm thơ. Nhưng tôi rất yêu biển, yêu như yêu tôi.
Giọng hắn xa xôi:
- Cô chỉ yêu cô và biển thôi à?
- Còn mẹ tôi, ba tôi, chị em tôi và hoa Cúc Quì nữa chứ.
- Cô cũng yêu hoa Cúc Quì nữa à? Cùng một ý thích với tôi rồi.
Em hơi vui:
- Ông yêu hoa Cúc Quì?
- Tôi yêu Cúc Quì vì cô yêu Cúc Quì.
Hình như tim em đập trật nhịp:
- Tôi không thích nghe ông đùa như thế.
- Xin lỗi cô.
- Chào ông. Tôi có việc phải đi.
Lần này thì em không thể quên hắn. Em đi thật nhanh về nhà. Mặt em còn nóng ran như cảm mạo. Em nhìn vào gương, một vài hạt mụn be bé làm duyên trên má. Em cười trong gương. A! Nụ cười sắp đến hồi chín tươi trên bờ môi duyên dáng. Em đã lớn rồi phải không, phải không?
Tiếng chị Quang Chung ríu rít ngoài phòng khách, chị ấy đi đâu về kìa. Hình như có dắt bạn bè về nữa cơ. Chị Chung đến phòng em:
- Cúc Quì ơi, có anh ấy tới kìa.
Em ngơ ngẩn:
- Anh ấy nào?
- Anh Hoàng, người bạn tối chị kể với em đó.
- À à... em nhớ ra rồi.
Chị Chung cười tươi:
- Chị ra phố về. Gặp anh ấy đi lang thang trên đường PBC, chị mời về đây.
- Chị ra tiếp anh ta đi.
Chị nắm tay em:
- Đi. Em đi với chị. Chị giới thiệu cho em, em "coi mắt" giúp chị.
Chị lôi em ra phòng khách mặc dù em chẳng muốn đi chút nào. Em muốn ngồi một mình để nhớ và nghĩ đến một bóng hình vừa thoáng qua. Xin giới thiệu với anh... Trời ơi. Hắn. Người con trai ban nãy. Hắn là người chị Quang Chung đang nuôi mộng đắp mơ. Chị Chung vô tình nói tiếp:
- Cúc Quì, em gái của Quang Chung. Và đây anh Hoàng, bạn chị.
Hắn nhìn em không chớp:
- Hân hạnh được quen Cúc Quì.
Em đỏ mặt, quay đi tránh tia nhìn của Hoàng. Chị Chung nhìn em, nhìn hắn nghi ngờ:
- Hai người đã quen nhau?
Em lắc đầu:
- Không.
Và bỏ chạy khỏi phòng. Chị Quang Chung gọi Quì, Cúc Quì.
Hình như bên tai em còn vang vang một giọng nói ấm áp:
- Tôi yêu Cúc Quì vì cô yêu Cúc Quì.
TUYẾT OANH
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 138, tuần lễ từ 28-6 đến 5-7-1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét