Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

THỜI CHƯA CƯỚI - Khái Hưng

Trên bãi biển Sầm Sơn, Phát và Hoàn biết nhau lưu ý đến nhau rồi thân mật với nhau.

Hoàn và mẹ thuê nhà nghỉ mát, thuộc dãy thứ sáu. Mỗi khi ra bãi biển, Hoàn phải qua một khách sạn nhỏ. Phát trọ ở đấy. Sáng nào, chiều nào chàng cũng đứng trên hiên gác đợi Hoàn đi tắm. Và chàng thả xuống những lời bỡn cợt. Trước Hoàn còn mỉa mai đáp lại. Sau thấy anh chàng trơ trẽn quả, nàng lặng thinh, hoặc mỉm cười khinh bỉ.

Nhưng cái lặng thinh ấy, cái mỉm cười ấy, Phát không cho là ý nghĩa khinh bỉ. Trái lại, chàng nhất định tin rằng Hoàn ưng mình.

Hoàn khó chịu đi lối khác ra biển tuy lối này vừa dài hơn, vừa bẩn hơn, nhất là những hôm trời mưa. Biết thóp, Phát đến đón ở gần cổng nhà Hoàn, để theo nàng đi tắm. Hoàn bật cười. Và chẳng giữ nổi lạnh lùng, nàng trả lời Phát một câu nhã nhặn: Thế là hai người bắt đầu làm quen nhau.

Từ đấy Hoàn lại theo con đường cũ. Mỗi lần qua khách sạn, nàng ngửng lên nhìn, và cố nhiên gặp Phát đứng vẫy rồi vội xuống để cũng đi ra bãi biển. Hoàn thấy Phát có duyên Phát thấy Hoàn không nhạt cũng không rởm đời như phần nhiều thiếu nữ chàng đã gặp. Đó là, theo ý chàng, một hạnh kiểm rất hiếm ở một cô gái con nhà.

Nhờ làn không khí dễ dàng ở nơi tắm biển, hai người rất chóng thân mật, suồng sã với nhau nữa. Nghĩa là có những cử chỉ và ngôn ngữ mà ở Hà thành người ta sẽ cho là quá thân mật, suồng sã. Ở đây, đó chỉ là những sự đã được coi thường, đã quen mắt lắm. Ở đây, còn ai giữ gìn bẽn lẽn làm gì nữa, khi mà nam nữ gần trần truồng đứng nói chuyện với nhau hằng giờ rất tự nhiên và thẳng thắn. Ở đây, chỉ những người giả đạo đức mới cho thế là lõa lồ, là dơ dáng.

Vì thế, không ai lưu ý đến Phát và Hoàn khi hai người cầm tay dắt nhau đi dưới nước, hay rúc rích cười nhảy theo làn sóng trắng. Và khi Phát dạy Hoàn bơi, không những chị em bạn Hoàn không lấy làm chướng mắt mà còn nhờ Hoàn giới thiệu mình với Phát để được chàng dạy. Phát đã trở nên một thiếu niên được phái đẹp cưng chiều trên bãi biển. Chàng không lấy thế làm tự hào với đám phụ nữ vì ngoài Hoàn ra chàng không để mắt tới một ai. Chàng sung sướng rằng môn bơi lội của mình đã làm tôn giá trị mình ở trước mặt Hoàn.

Còn Hoàn thì nàng tự phụ rằng đã quen trước các chị em một người có tài bơi lội - chỉ cái tài ấy là đáng kể ở nơi bãi biển - mà lại quen thân. Nhưng một hôm, chính nàng cùng không hiểu tại sao, nàng bỗng cảm thấy nàng ghen. Tính tình ấy vụt hiện ra trong tâm khảm nàng. Có lẽ thoạt tiên đó chỉ là lòng ích kỷ không ưng người khác có cái mình có. Phát đã dạy nàng bơi, nàng muốn một mình nàng được hưởng cái đặc quyền ấy.

Rồi tính ghen thu hẹp lại trong phạm vi ái tình, Hoàn đau đớn nhìn Phát giữ trong tay những tấm thân màu nâu hồng, chắc nịch và khỏe khoắn.

Nàng đã bắt đầu yêu.

Phát thì mê man, ngây ngất trong giấc mộng mới nhóm. Chàng thấy Hoàn có đủ hết đức tính về hình thức và tinh thần. Một hôm chàng gọi đùa và nịnh: “Cô Hoàn toàn”. Hoàn sung sướng và đỏ mặt, nhưng vờ hỏi:

- Sao anh lại gọi tôi là Hoàn toàn?

Chàng mỉm cười đáp:

- Vì cô hoàn toàn đẹp cả người lẫn nết.

Mặt Hoàn càng đỏ, và nàng ngượng ngùng nhìn Phát:

- Anh cứ mỉa em!

Thế là tiếng “em” đột ngột lọt vào trong câu chuyện, rồi ở lại đấy; trước còn ngập ngừng, sau trở nên tự nhiên và thân mật. Tới thời kỳ ấy, anh chị đã năng đến nhà nhau, hoặc Phát lại bà hàn rồi cùng bà và Hoàn ra bãi biển, hoặc Hoàn lúc qua khách sạn rẽ vào đó để đợi Phát thay slip. Những hôm bà hàn không đi tắm được, bà không quên dặn Phát:

- Ông đừng cho em ra xa quá nhé. Tôi nghĩ đến những người chết đuối mà tôi sợ... Mà ông cho em về sớm một tí.

Lần nào Hoàn cũng cười và có khi nũng nịu đáp lại mẹ:

- Mẹ làm như con mẹ lên năm hay lên ba không bằng!

Nếu con bà lên năm hay lên ba thì bà hàn đã chẳng lo sợ. Bà lo sợ chỉ vì Hoàn năm nay vừa mười tám. Nhưng bà đã kịp hỏi thăm tin tức về Phát rồi. Bà biết Phát là con nhà giàu sang lại sắp lên năm thứ ba trường Luật. Vì thế, bà bằng lòng cho phép Hoàn gần gụi Phát tuy bà càng cẩn mật giữ gìn con gái hơn trước. Bà thầm mong Phát sẽ trở nên rể bà, nhưng bà vẫn ngại cho cái tính quá phóng túng, quá tự do của cô con cưng.

Trong khi ấy, Phát và Hoàn đi sâu mãi vào tính tình, vào tâm khảm nhau. Và một ngày một thêm kính trọng, yêu mến nhau hơn. Phát cho Hoàn là người vợ mình mơ ước bấy nay. Không một cái gì một người đàn bà cần phải có mà chàng không thấy Hoàn có. Về phần Hoàn, thì nàng mừng rằng nàng đã do dự chưa nhận lời lấy Phiên người đến hỏi nàng đầu năm nay. So với Phát, Phiên còn đáng kể vào đâu!

Về Hà Nội Phát vẫn chăm chỉ đến nhà Hoàn. Bây giờ, tuy chưa hỏi, hai người đã tôn nhau như vị hôn phu và vị hôn thê của nhau rồi. Trong đám bạn bè của hai nhà, có người lại tưởng như Phát và Hoàn đã lấy nhau.

Ở Hà Nội, làn không khí thân mật suồng sã ngoài bãi biển đã nhường chỗ cho một làn không khí trang nghiêm và buồn tẻ nơi khách thính. Nhưng không vì thế mà đôi bên thấy kém lạc thú trong sự giao thiệp. Có buổi chiều, hằng giờ ngắm nghía Hoàn đan chiếc áo len ở bên cạnh bà mẹ ngồi chăm chú phá trận, Phát sung sướng hơn là được trò chuyện với Hoàn. Vì trong lúc yên lặng ngắm nghía Hoàn chàng nghĩ đến cái sung sướng khôn cùng của chàng.

Nghỉ hè năm sau, Phát đã đỗ bằng cử nhân. Và trước khi vào Sầm Sơn, chàng đã hỏi Hoàn làm vợ. Đó là một việc không cần vội, theo ý Phát và Hoàn, nhưng trước sau cũng một lần, làm cho xong đi thì vẫn hơn. Vả hỏi rồi, hai người sẽ được tự do nói chuyện, sẽ được tư do đi chơi mát với nhau mà không sợ người ta dị nghị.

- Nhưng chỉ hỏi thôi đấy nhé? Còn cưới thì hãy thong thả.

Hoàn âu yếm bảo Phát thế. Và Phát cười ngất trả lời:

- Vâng, xin tuân thượng lệnh.

Hoàn cảm động, giọng nói run run:

- Năm nay em mười chín, ước gì em được sống cái thời chưa cưới trong ba năm nữa.

- Bấy giờ em hăm hai và anh hăm sáu, vừa lắm. Thời chưa cưới càng dài, mình càng sung sướng, phải không em?

Hoàn giọng nũng nịu:

- Chính thế. Với lại em sợ lúc cưới rồi, anh không yêu em bằng lúc chưa cưới.

Phát cười, trách:

- Em không tin bụng anh sao?

Hoàn vội vàng tạ lỗi.

Quả nhiên hai người xin được nhà cho hoãn việc cưới. Họ đều là con cưng, muốn sao cũng được cha mẹ chiều theo.

Năm nay ra biển, Hoàn thấy kém thú. Nàng cố tìm duyên cớ, và dễ dãi nàng cho ngay rằng Sầm Sơn buồn tẻ là vì số người ra nghỉ mát không đông. Sự thực thì chỉ tại năm trước nàng mới bắt đầu làm quen với Phát, nàng còn đương náo nức, bồng bột. Năm nay lòng nàng đã chấn tĩnh lại. Và bên người chồng chưa cưới, nàng thấy cần phải giữ gìn hơn bên một người bạn trai. Với người bạn, nàng không sợ phật ý. Với người chồng chưa cưới, nàng chỉ lo làm phiền lòng vì một câu nói lỡ, hay vì mất ý tứ kém thân yêu. Nàng trở nên thiếu thành thực đối với Phát và đối với mình. Không phải nàng không yêu Phát bằng năm ngoái, trái lại thế. Nhưng lúc nào nàng cũng phải cố biểu lộ tình yêu của nàng, đó có lẽ là cái cớ làm nàng lúc nào cũng áy náy không vui.

Còn Phát thì chàng thấy cử chỉ của chàng ngượng ngập, ngôn ngữ của chàng lúng túng. Bọn phụ nữ quen chàng bảo nhau: “Phát làm sao ấy, không được như năm ngoái nữa”. Quả thực, Phát kém thân mật, kém vui vẻ kém cả tự nhiên đối với họ. Chàng đã nhận biết tính ghen của Hoàn. Chàng thầm cảm ơn Hoàn, cho tính ghen ấy là tình yêu: Và chàng cố cư xử sao cho Hoàn khỏi bực tức vì chàng: Chàng lạnh lùng với tất cả mọi người, trừ Hoàn ra. Chẳng bao lâu chàng trở nên một người cứng cỏi, ít giao thiệp. Nguy hiểm cho chàng, Hoàn cùng nhận thấy thế.

Nhưng may mắn cho hai người, mùa nghỉ mát của họ kéo dài có đến đấy. Họ về Hà Nội và tình thế cứu vãn kịp. Vì ở Hà Nội hai người ít gặp nhau như ở Sầm Sơn, và nhờ đó, ít phải giữ gìn hơn. Bởi thế họ lại cảm thấy họ yêu nhau nồng nàn. Có xa nhau mới biết yêu nhau mới nhận thấy tình yêu của nhau. Mà ở Hà Nội tuy gần nhau nhưng hai người vẫn xa nhau. Phát ngày hai buổi bận dạy học ở một trường tư. Rỗi lúc nào lại cắm cổ học thêm để chờ thi tham tá lục sự, hay thương chánh hay một chân kiểm soát ngạch tây nào đó. Theo luồng tư tưởng mới trong đám trưởng giả mới. Hoàn rất ghét quan, lấy sự nói xấu quan trong khách thính làm hợp thời thế.

Hoàn cũng biết Phát chăm học lắm, và chăm học như thế là vì nàng. Nàng cảm động và yêu Phát hơn, mặc những lời chỉ trích của các chị em bạn. Họ bảo Hoàn:

“Anh cử nhà chị học lấy chết à?” - “Anh đồ của chị học mụ người đi mất thôi”. - “Bây giờ chả thấy mặt mũi anh chàng đâu nữa” - “Ghê quá! Hôm nọ gặp anh chàng ở Gô-đa, trông người bây giờ lù đù tệ!”

Hoàn nghe những câu chế riễu đã chán cả tai. Nhưng một hôm nàng thấy Phát lù đù thật, nhất Phát lại đi bên cạnh một người bạn lực lưỡng, khỏe mạnh, đẹp đẽ bội phần. Phát giới thiệu bạn với vị hôn thê:

- Anh Huấn, một nhà quán quân quần vợt kiêm quán quân bơi lội, sinh viên trường thuốc.

Hoàn nhã nhặn đưa tay ra bắt.

Sang nghỉ hè năm thứ ba của thời chưa cưới. Đã có sự thay đổi: Phát vừa đỗ kiểm soát thương chánh và bà hàn vừa làm xong nếp nhà nghỉ mát ở Sầm Sơn. Bà mời Phát cùng đến ở với mẹ con bà, nhưng Phát từ tạ nói đã trót thuê nhà rồi. Sự thực, chàng giữ kẽ không muốn đến ở nhà vợ trước khi cưới, nhất chàng lại biết bà mẹ vợ rất khó tính và lắm điều.

Vui vẻ khỏe mạnh nay đã trở về với Phát. Những người quen thuộc đều nhận thấy anh Phát năm xưa, hồi còn theo học trường luật. Nhưng Hoàn, trái lại, lúc nào cũng nghĩ ngợi nét mặt buồn tẻ, lạnh lùng, Phát mải đùa nghịch không hề lưu ý đến cái buồn, cái tẻ của nàng, làm nàng càng bực tức, khó chịu. Nàng khinh bỉ tự nhủ thầm:

“Lúc người ta lên thì người ta biến đổi đến thế đấy! Nhưng mới được thế mà đã cho là lên thì tầm thường quá!”

Và nàng thấy Phát tầm thường. Nhớ lại nàng không tìm thấy một cái gì cao thượng ở Phát. Nhưng nàng chép miệng tự an ủi: “Người ta tầm thường như thế cả, có gì mà mình phải bận lòng!”

Giữa lúc ấy Huấn vào Sầm Sơn, đến ở nhà Phát. Tính ngộ nghĩnh hay pha trò của Huấn khiến Hoàn quay về với vui vẻ được hơn một tuần lễ. Rồi sau khi Huấn ra Hà Nội đâu lại vào đó.

Một hôm nàng mỉm cười chua chát đứng nhìn Phát giữ cho một bạn gái của nàng tập nằm ngửa trên mặt nước. Phát quay lại, thoáng nhìn thấy cái mỉm cười ấy, chàng không giữ nổi châu mày. Chàng nghĩ thầm: “Hoàn vô lý quá! Bạ ai cũng ghen”. Tính ghen mà trước kia chàng cho là tình yêu, nay chỉ là một tính tình nhỏ nhen, khả ố. “Chưa cưới mà còn thế này, nữa là lúc đã cưới, mình sẽ mất hết tự do”. Chàng cũng không trang nghiêm nghĩ tới tương lai. Và ngay buổi chiều, chàng ngỏ ý kiến với Hoàn về tính ghen. Chàng không muốn để bụng một điều gì. Hoàn xin lỗi chàng. Phát đã quen với tính mỉa mai của vị hôn thê. Chàng không biết lúc nào Hoàn thành thực, lúc nào nàng riễu cợt. Đối với Hoàn, chàng thường ngờ vực, và những lời xin lỗi của Hoàn, chàng không dám chắc rằng đó là những lời thành thực..

Giữa hai người như có một bức rào ngăn cản. Cả hai cùng cố phá bức rào ấy đi, nhưng phá một cách quá uể oải, nên một ngày nó mọc một dầy hơn, bền vững hơn.

Chỉ còn những sự giả dối để che đậy: cử chỉ dịu dàng, ngôn ngữ mềm mại, thân mật. Và ở ngoài bãi biển bao giờ hai người cũng đi liền với nhau. Họ khoác cánh nhau, vui cười trò chuyện với nhau. Nhưng đó là những lúc linh hồn họ xa nhau nhất. Hoàn bảo Phát: “Sáng mai chúng ta ra tắm sớm nhé?” Và nàng nghĩ thầm: “Mình phải bảo Nga Lan cùng đi tắm mới được, nếu không thì sẽ buồn chết”. Phát cố giữ cái ngáp để trả lời: “Phải đấy Hoàn ạ, mai đi tắm sớm nhé!” Và chàng tự nhủ: “Để ngắm cái mặt buồn hiu của bà vị hôn thê! Rõ khổ!”

Họ đi sát cánh nhau. Họ nói chuyện để nghe thấy câu chuyện tẻ nhạt của nhau. Họ yên lặng để nghĩ đến, để nhớ đến cái xoàng, cái tầm thường của nhau, của gia đình nhau. Nay họ biết nhau, hiểu nhau như vợ chồng. Ba năm gần chung sống rồi còn gì! Cái mỉm cười của người này, người kia nhận thấy hết nghĩa sâu kín. Câu khôi hài của người kia người này cố không nghe thấy vì đã nghe không biết lần thứ mấy rồi.

Họ hiểu nhau, để mà chán nhau, để mà khinh nhau. Nếu họ là vợ chồng rồi thì họ cứ chán nhau cứ khinh nhau, không sao. Đằng này họ là vị hôn phu, vị hôn thê của nhau. Họ có can đảm chán, khinh nhau mãi để chờ ngày cưới không?

Phát cho việc hôn nhân của mình là một câu chuyện danh dự: vì chàng gắn bó theo đuổi mà Hoàn trở nên vị hôn thê của chàng. Bây giờ còn biết nói sao? “Thôi thì cũng liều vả lại lấy Hoàn vị tất đã khổ hơn lấy một người khác, bất cứ người nào. Về nhan sắc thì Hoàn chẳng kém ai. Có một người vợ đẹp kể cũng oai, cũng đáng tự hào với chúng bạn”. Tư tưởng ấy làm Phát bật cười lên tiếng.

Hoàn thì cho việc hôn nhân của mình là do số mệnh. Nàng nghĩ đến, nàng nhớ lại những người định hỏi nàng và bị nàng lãnh đạm từ chối. Nàng thấy những người ấy đều hơn Phát. “Ít ra cũng không tầm thường bằng!” Vì mới quen, nàng không biết tính tình họ, nhưng nàng chắc rằng không đến nỗi xoàng xĩnh như tính tình Phát.

Kể nàng tìm cớ tuyệt giao thì cũng được, cũng chẳng khó khăn gì. Phiền một nỗi thời chưa cưới của nàng đã kéo dài quá. Ai ai cũng biết rằng nàng là vị hôn thê của Phát. Ai ai cũng nói đến. Hơn thế, người ta coi hai người như đã thành vợ chồng rồi. Chẳng lẽ bây giờ câu chuyện lấy nhau bỗng im bặt đi! Như cái pháo tịt ngòi? Thế còn ê chề hơn là nhắm mắt lấy nhau vậy. Giá Phát xin thôi, thì đã đi một lẽ. Ừ, giá Phát xin thôi...

Từ đó nàng hy vọng Phát xin thủ tiêu hôn ước. Và tính nết nàng càng khó chịu: nàng mong thầm rằng nhờ thế mà may ra nàng được Phát tuyệt giao.

° ° °

Hết hè, nhà Phát và nhà Hoàn nhộn nhịp sắm sửa. Đôi bên cha mẹ muốn lo xong việc hôn nhân cho con trước khi Phát được bổ vào Saigon.

Và đám cưới linh đình, ồn ào, ầm ĩ.

Để che cái nhạt nhẽo, cái lạnh lùng của hai linh hồn sắp hòa hợp.

Tối nhập phòng Phát bảo Hoàn:

- Giá chúng ta lấy nhau ngay mùa hè mới biết nhau ở Sầm Sơn...

Hoàn hiểu thấu tư tưởng của Phát, cau có hỏi:

- Sao anh lại nói thế?

Phát chữa.

- Thì có phải bây giờ đã có con rồi không?

Hoàn cười làm lành.

- Ừ! Thì bây giờ may ra đã có con rồi.

 (Trích từ tập truyện ngắn HẠNH) 
  

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

VỠ LÒNG YÊU - Bình Nguyên Lộc

Hải vừa gởi gạo cho bà từ xong thì mấy bạn hữu cậu chạy rần rần ra sân chùa. Tò mò, cậu cũng mau bước theo họ và một chiếc xe Huê-Kỳ cũng vừa đậu ngay trước cổng chùa.

Khách xe hơi đến viếng kiểng chùa Vĩnh Tràng ngày một, họ không còn lạ gì nữa. Nhưng chiếc xe nầy to quá, dài quá sức, và nhứt là màu sắc rất kỳ dị và lố lăng nên họ không khỏi tò mò.

Ngồi băng trước để lái xe là một người đàn ông phốp-pháp, đầu bạc hoa râm, cạnh ông là một người đờn bà đồng lứa với ông ấy. Chắc là chủ xe. Băng sau, một cô gái để tóc theo lối phụ nữ Ai Cập ngày xưa, ngồi cạnh một cậu con trai độ lên mười.

Cả nhà cùng xuống xe rồi đi vào chùa. Hôm ấy là sáng thứ bảy nên khách viếng chùa, trừ gia đình nầy ra, chỉ có những cô cậu học sinh, nhà ở phía trong kia, và ghé qua đây sau giờ học, để đụt nắng.

Ông chủ xe đứng giữa sân chùa, với gia đình, nhìn cổng chùa, rồi nhìn bao quát ngôi chùa, đoạn phê bình bằng tiếng Pháp:

- Kiến trúc thật là lố lăng và dốt nát, Tây chẳng ra Tây, Tàu cũng chẳng ra Tàu, nhứt là không giống một kiểng chùa chút xíu nào, còn thua xa chùa Hội Khanh trên Bình Dương.

- Nhưng đồ sộ hơn - bà chủ cãi.

- Phải, cái đồ sộ khoe của ấy.

Hải nghe là ông nầy phê bình đúng. Nhiều du khách khác cũng nhận thấy điều đó. Nhưng ở miền Nam nầy cũng hiếm trò xem, nên tuần nào cũng có người xuống Định Tường để viếng chùa Vĩnh Tràng.

Hải nhớ ra thì năm ngoái cũng có một gia đình Huê-Kỳ xuống đây, và nhờ biết tiếng Ăng-lê nên cậu nghe họ chê lối kiến trúc lố bịch của ngôi chùa dữ lắm.

Gia đình du khách ra hậu liêu, vì trước cửa nhà chùa luôn luôn đóng kín.

Hải nhát nên toan rút lui vào trong để trốn, nhưng không kịp, vì cô gái con ông chủ đã gọi :

- Chú tiểu ơi, ra đây cho tôi hỏi cái nầy.

Từ ba tháng nay, vì tóc có trứng, nên cậu phải cạo trọc. Lớp tóc sau đó thì trơn lu, nhưng để trọc nghe mát vào mùa nực nầy, nên cậu cạo luôn mỗi hai tuần lễ và vì lười giặt-gỵa nên cậu nhuộm màu dà tất cả mấy bộ bà ba trắng của cậu.

Cô gái Saigon ngộ nhận là phải.

Rầu lòng, Hải bước ra ngoài sân, chào cả nhà theo lễ độ nhà chùa, vì họ đã hiểu lầm thì đính chánh vô ích, mà nếu không đính chánh thì phải chắp tay bái và nói "mô phật" kẻo họ khinh tiểu chùa không biết phép nhà Phật.

- Mô Phật ! Tín nữ có điều chi dạy bảo ?

Cậu hỏi xong thì muốn bật cười vì giọng tuồng của cậu. Cậu bắt chước câu nói và lời, theo một dĩa hát cải lương.

Cô gái không biết thế, ngỡ người nhà chùa phải ăn nói như vậy, nên cô tự nhiên :

- Nhờ chú đưa tôi đi viếng cảnh chùa.

- Vâng !

Cậu nói tiếng ấy với tất cả chua xót của một kẻ tủi thân. Cô gái xem chừng ít tuổi hơn cậu, lại cả gan khinh miệt gọi cậu bằng chú trong khi đáng lẽ ra cô phải nói "ông tiểu" mới đúng lễ độ cho.

Cậu lại chua xót chính vì sự nhờ cậy nầy. Trong giây phút đầu, cũng nghe hãnh diện, nhưng rồi nhận thức được ngay rằng sở dĩ cô ta nhờ vả cậu cũng là vì xem thường cậu. Bạn hữu của cậu đứng trong hậu liêu dòm ra, đông hàng chục đứa, đứa nào cũng bảnh trai cả trong những bộ pi-da-ma rất khéo, thế mà cô ta không nhờ họ, nghĩa là cô ta ngại ngùng với họ, còn cậu chỉ là một chú tiểu xoàng thôi, nên cô ta khỏi e dè gì cả.

Hải nhớ ra nhiều lần thấy nhiều cô tiểu thơ đi dạo mát chiều, bằng lòng bắt chuyện với mấy bác phu xích lô mà cố tránh trao lời với các học sinh không bảnh trai.

Không phải vì họ sợ mang tiếng, cũng không phải vì họ thích bình dân hơn, mà vì họ đã cùng một tâm trạng với cô gái viếng chùa nầy.

Ông cụ bà cụ của cô gái hình như không cần người đưa lối, nắm tay cậu bé rồi cả ba bước lên tam cấp để vào hậu liêu.

Hải mời :

- Có hòn non bộ đây là gần hơn hết, xin mời tín nữ xem trước cái đã.

Hai người bước bốn bước là tới trước bộ giả sơn gắn dựa vách tường.

Bỗng trong chùa vang lên tiếng đờn ca vốn đã có từ nãy giờ, nhưng cô gái vừa chợt chú ý đến thôi.

Tiếng Tây-ban-cầm đưa hơi theo những lời ca vọng cổ, một bài vọng-cổ có sẵn trong dĩa hát mà người ta đã khéo nhái y hệt theo :

"Em Lan ơi, tội tình chi mà em phải đọa-đày..."

Lời ca của tuồng Lan và Điệp ấy hợp với khung cảnh nầy phần nào, nên Hải nghe bùi ngùi như chính cậu đang đứng trước cổng chùa và chú tiểu Lan vừa ra đến nơi khi nghe tiếng gọi của cậu.

Cô gái ngạc nhiên hỏi :

- Sao trong chùa lại có đờn ca, chú tiểu ?

- Tín nữ không biết chớ ở đây có cho học sinh ở trọ. Chính các anh học sinh ấy đờn ca đó.

- Vậy hả ? Có phải mấy anh mặc pi-da-ma đó hay không ?

- Mô Phật, phải.

- Nhà chùa biết cách làm tiền dữ !

- Thưa không. Nhà chùa cho họ ở mà không lấy tiền, lại còn phải tốn công nấu ăn cho họ nữa.

- Tốt bụng dữ vậy ? Đủ những điều kiện gì mới được ân huệ đó ?

- Miễn là nhà ở xa đây. Ai muốn ở thì mang gạo đến, mỗi ngày bà từ sẽ nấu nướng giùm.

- Có đông hay không chú ?

- Mười tám nam, sáu nữ.

Bấy giờ thiếu nữ mới chú ý tới hòn giả sơn. Trong ấy cũng có một ngôi chùa xưa, mái sứ cong cong nhưng trông không nên thơ chút nào vì có lẽ đây cũng là công trình của nhà kiến-trúc nhảy-dù đã cất lên ngôi chùa Vĩnh Tràng. Hòn non nhỏ quá đối với kiểng chùa giả, và những cầu đá, những ông tiên lại to quá đối với ngôi chùa.

- Chú tiểu à, chú nghĩ gì về hòn giả sơn nầy ?

- Thưa tín-nữ, tôi thấy thiên nhiên trong đó bị xáo trộn cả. Nếu có chiếc xe Huê-kỳ của cô trong đó, chắc nó phải lớn hơn trái núi nầy.

Thiếu-nữ cười dòn lên vì lấy làm ngộ nghĩnh mà thấy một gã tu hành lại trào phúng.

Cô ta nhìn lại chú tiểu thì thấy chú nầy diện mạo khôi ngô, da mặt hồng hào và trông rất yêu đời chớ không có vẻ gì là chán chê sự thế cả. Cô ta hỏi :

- Chú à, tôi tên Liễu, học đệ-ngũ trường Gia Long trên Saigon. Xin cho biết pháp danh ?

- Tôi là chú tiểu Mộc.

Cô gái lại cười dòn như nhai cốm.

- Mô Phật, tại sao tín nữ lại cười tôi ?

Thiếu nữ trả lời bông lơn :

- Bạch chú tiểu, tôi đâu dám. Chỉ vì nghe tên chú tiểu, bỗng dưng tôi nhớ lại tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên".

Hải giả đò ngơ ngác :

- Tiểu - thuyết ấy có dính líu tới tên tôi ?

- Bạch chú tiểu, phải, trong đó có hai nhân vật danh tiếng, chú tiểu Lan và chú tiểu Mộc. Chú tiểu Lan là gái giả trai.

- Vậy à ? Nhưng tôi là trai thật.

- Cố nhiên, khôi ngô như chú, không thể là gái được.

Cả hai tai Hải đều ửng đỏ lên như đầu con cắc ké bò trong chùm bông bụp.

Nữ sinh biết Hải dễ xúc động, ranh mãnh hỏi :

- Chú Mộc nè, chú sầu nỗi gì mà đến phải đi tu vậy a chú ?

- Mô Phật - Hải cũng cà rỡn lại - bần đạo tu để thanh thản tâm hồn, hầu làm việc cho đắc lực.

- Vậy ra chú tu rất khoa học, khác người, chớ không mong thành Phật.

- Vâng.

Nữ sinh cười dòn rụm :

- Như thế, chú nên qua Nam Hàn mà tu. Nghe nói bên ấy chánh thức cho phép sư cưới vợ.

Cả hai cùng cười xòa.

Hải rất nhát gái. Nhưng khi đội lốt khác, cậu nghe cậu được bảo vệ bằng cái lốt đó, và cá nhơn thật của cậu, tự ái của cậu không ai chạm tới được. Nhờ vậy mà cậu bỏ quên mặc cảm, trả đũa lại cô gái như bất cứ anh nam sinh lanh lợi nào.

Còn cô gái thì lấy làm kỳ cho chú thầy chùa nhỏ nầy lắm. Cô ngỡ cô quá quắt, ranh mãnh thì chú ta sợ hãi, đằng nầy chú ta đương đầu lại như một anh con trai có nuôi quỉ trong bụng.

Hòn non bộ không xứng đáng ngắm lâu, Liễu hỏi :

- Còn nơi nào cần xem nữa chú ?

- Cũng chẳng còn gì để xem. Cô bước lại ao sen nghỉ mát thì hơn.

Bấy giờ đã khá trưa và nắng ngập sân. Ao sen bên hông sân chùa núp dưới bóng mát trông dễ thèm như một kiểng chùa hẻo lánh khi ta có tâm sự bão bùng cần tìm nơi nương náu cho tâm hồn.

Giữa trưa nước hồ trong vắt, có đôi cá vàng nhởn nhơ bơi lội.

Họ vừa bước tới đầu ao, thì từ một ngôi mộ cổ chun ra một đôi bạn nam-sinh và nữ-sinh, hai người có vẻ như khó chịu vì sự xâm-lăng nầy, nên di cư nơi khác.

Ngôi mộ đồ-sộ có rào sắt vây quanh như một thành trì kiên cố, họ núp sau đó mà Hải và Liễu không trông thấy.

- Đây là hai anh chị ở trọ nhà chùa, phải không chú ? Họ có bộ lén lút chắc là không hay, sao họ dám như vậy ?

- Mô Phật, không, đó là người ngoài. Các anh chị ở chùa bắt buộc phải đứng đắn hơn, không thì bị mời đi nơi khác. Nhưng chúng tôi cũng làm ồn ào quá, huyên náo cả nơi tĩnh mịch nầy.

- Chúng tôi ? Chú cũng là học sinh à ?

Hải ú ớ không đáp được, giây lâu mới cải chánh láo :

- Nghĩa là mấy năm trước Hòa thượng tôi có cho tôi đi học. Giờ thôi học rồi mà tôi cứ nghe tôi là học trò.

Một lần nữa Liễu nhìn lại Hải. Không, chú tiểu nầy không có vẻ gì chú tiểu hết. Người tuấn tú, gương mặt tuy hiền từ nhưng lanh lợi quá, không phải là gương mặt của kẻ sống ẩn nhiều năm trong kinh kệ. Chú ta lại ăn nói như là người thường.

Hay đây là một anh con nhà nghèo, tạm tu hành để nhờ cơm nhà chùa mà đi học ?

Chỉ là một dự đoán thôi, nhưng Liễu lại tin đó là sự thật và bỗng nghe thương xót anh học trò khó nầy. Và tư nhiên cô ta đâm ra thẹn như mình đang đứng trước một nam sinh lạ.

Nhạc gió rỉ-rả trên ngọn phi lao, ru đôi lứa thiếu niên vào giấc mộng triền miên của buổi vỡ lòng yêu. Họ vừa bước một bước qua khỏi những bâng khuâng vơ vẩn của tuổi dậy thì, nhưng chưa đi vào tình yêu thật sự.

Đối tượng của tình yêu đã có, trước mặt họ hôm nay, nhưng vừa qua ngưỡng cửa thì họ chạm phải gai góc: chú tiểu giả hiệu thấy rằng, cho dẫu cậu ta không rủi ro đội phải lốt thầy tu hôm nay, cậu ta cũng chẳng hy vọng gì. Một cậu học sinh đệ tứ ở trọ nhà chùa, khó lòng mong chiếm được lòng con gái của ông chủ chiếc xe hơi lộng lẫy kia. Nàng đang rung động, những rung động đầu mùa của tuổi thiếu niên, rồi nàng sẽ khôn ra.

Vịn song sắt hàng rào ngôi mộ cổ, Hải híp mắt lại để chỉ nhìn thấy được một mình Liễu thôi. Hình ảnh cô nữ sinh áo trắng ngồi trước ao sen hôm nay, cậu thấy lần đầu, và chắc chắn là lần chót, nên cậu quyết tạc sâu nó vào trí cậu và sẽ giữ mãi bức ảnh vô hình ấy làm kỷ niệm.

Liễu cũng đồng y tâm trạng Hải. Trời ơi ! Sao người con trai khôi ngô và ăn nói có duyên nầy lại không là một nam sinh ở trọ nhà chùa như những anh khác !

Cả hai đều đứng ngoài ngưỡng của đền ái tình lắng nghe cả một thế giới âm thanh huyền diệu bên trong mà không dám sấn bước vào, và cả hai đều khởi thảo nơi trí họ hai pho tiểu thuyết rất ly kỳ.

Tiểu thuyết của Liễu là truyện một anh hùng kia khoác áo nhà sư để trốn tránh ai đó.

Tiểu thuyết của Hải là truyện một nữ sinh si tình một anh học trò khó, rồi gia đình nữ sinh gả ép nữ sinh cho một công tử, rồi...

Bấy giờ cậu bé, em của Liễu, chạy ra. Nó nhìn Hải rồi nói với chị nó :

- Chị Ba nè, ông thầy chùa nầy giống Yul Brynner quá.

Hải và Liễu cười xòa; buồn bâng quơ của họ nhờ thế mà tan mất. Bé lại thêm :

- Ba má nói ra chợ ăn cơm rồi qua Bến Tre, chị Ba đi hôn ?

- Sao lại không đi, chị ở đây làm gì ?

- Kìa ba má ra kìa.

Liễu uể oải đứng lên, mỉm cười chào từ biệt chú tiểu còn ngộ nhận, nên cứ buồn buồn cho mình đã, trong giây phút để tưởng tượng lôi kéo đi xa quá, ngỡ vị sư trẻ là một nam sinh trá hình, và cũng buồn cười cho người đã nếm mùi tương chao mà lòng còn vướng bận trần tục.

Chiếc xe quay đầu để chạy trở ra chợ và khi nó rút mình vọt tới thì Hải thoáng thấy nụ cười khó hiểu của cô khách một giờ.

Từ hôm đó, sáng cuối tuần nào chú Yul Brynner cũng mong hão cô bạn mà cậu đã vỡ lòng yêu, tuy biết cô ta không bao giờ đến nữa.

"Chị ở đây làm gì ?" Câu nói khinh bạc của người con gái, cứ văng vẳng vang lên.

Tiểu thuyết thứ bảy, 1959    

  (Trích từ tập truyện ngắn Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò)

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

TÌNH THƠ DẠI - Bình Nguyên Lộc

 
Cả nhà ngóng đợi nàng từ hơn tuần lễ rồi. Nói cả nhà, nhưng thật ra chỉ bọn đàn ông là bôn chôn thôi, còn phụ nữ thì khó chịu lắm, nhưng không dám nói ra.

Kẻ náo nức nhứt là ba tôi. Ba tôi đã già rồi, nhưng thuở trai trẻ ông cũng trăng hoa lắm (về sau tôi mới biết được điều đó) và cô đào nầy sẽ mang lại cho ổng chút ít dư vang của thời thanh xuân của ổng.

Kẻ thứ nhì là chú út tôi. Chú Thuận ấy chưa vợ, ở chung nhà với ba tôi từ khi ông nội tôi qua đời. Chú Thuận ra mặt mê nàng vì chú còn trẻ không sợ ai chê cười gì như ba tôi.

"Không biết nàng có đẹp hay không?" Ngày nào chú Thuận cũng hỏi như vậy, khiến má tôi nổi dóa mắng: "Nhà tôi có con gái, con trai, chú nó có muốn hư thân mất nết thì đi nơi khác kẻo hại cho các cháu của chú nó".

Những người đàn ông khác là khách, nhưng họ tới lui một ngày mấy bận để hỏi tin tức về nàng, thành thử phải xem họ như người nhà.

"Không biết nàng có đẹp hay không?". Đó là câu hỏi to của mọi người, và là câu hỏi thầm của ba tôi, má tôi nghe thì nguýt một cái, khinh khi lũ đàn ông ra mặt.

Phán Lượng tỏ ra ta đây thành thạo, nói:

- Cái lũ hát bội ấy, ban đêm, trên sân khấu và dưới ánh đèn xem thấy ngỡ họ là tiên nữ giáng trần, nhưng sáng ra, nước da xanh dờn, đôi môi tái lợt của họ làm ta bắt nhờm. Có đứa mình mẩy đầy lác, ốm nhom ốm nhách trông đến kinh khiếp.

Bởi vậy các tay hào hoa phong nhã có rước đào hát bội đi thì họ rước ngay lúc vãn hát, để nguyên xiêm y phấn sáp...

Nói xong, ông ta cười ha hả, sung sướng lắm và hãnh diện đã biết mặt thật của đào hát bội.

Giáo Yên sợ thua phán Lượng cũng khoe tài thạo đời :

- Riêng tôi, tôi được dịp theo hát nhiều lần, quen biết với vô số đào. Họ mà không đẹp cũng dễ coi, vì họ biết chưng diện, chớ không quê mùa như các bà nội... tướng của ta đâu.

Chú út tôi không có ý kiến nào, nhưng xem ra chú trông đợi nàng hơn ai hết. Chú sẽ thủ vai Đơn Hùng Tín, đóng cặp với nàng thì chú băn khoăn về vai cặp của chú là phải. Nhưng về sau tôi mới biết chú thuộc vào hạng đa tình ngấm ngầm, y như ba tôi vậy.

Tỉnh nhà vừa qua một cơn lụt kinh hồn mà con sông Đồng Nai hiền lành tàn phá nhiều làng mạc nên "Ủy ban cứu trợ nạn lụt" trong tỉnh đã làm đủ mọi trò để tìm tài chánh, mà cái trò hát làm nghĩa nầy là một.

Nghĩ rằng mua giàn không lợi bao nhiêu nên ủy ban mới nhờ các công chức ham kịch nghệ chọn cho một tuồng hát bội rồi diễn lấy, đã khỏi tốn tiền cho gánh nào, lại rất có thể ăn khách vì trong tỉnh ai cũng ham xem "mấy thầy" "mần tuồng" coi ra thế nào.

Thuở ấy chưa có cô ký, còn cô giáo thì không cô nào dám xung phong làm đào nên phải cầu viện. Hội đồng Ngỗ đi gọi đào Sài Gòn lên để thủ vai Đơn phu nhân trong vở "Tống tửu Đơn Hùng Tín" ấy, và chỉ có ông ta là biết mặt mũi cô đào ra sao nhưng ông ta ít lời, chỉ cho biết mấy chi tiết cần thiết thôi và ổng cũng không lui tới nhà nầy để cho người ta hỏi thăm thêm.

Cứ theo ông hội đồng Ngỗ thì cô đào ấy là đào của rạp Cầu Muối, tên là cô ba Đắc hay Đắt gì đó không rõ, hai mươi tuổi, hát hay có tiếng và thinh sắc lưỡng toàn.

Cổ sẽ lên đây với ông nhưn Sáng, thầy tuồng, ông nhưn nầy đi theo để giữ gìn áo mão mà rạp Cầu Muối cho ủy ban thuê và để sắp đặt cuộc trình diễn.

Ba tôi là tay Mạnh Thường Quân trong tỉnh, lại không sợ vợ nên được giao phó trọng trách đài thọ ăn uống của hai đào kép nầy hai ba hôm, thời gian ngắn cần thiết để giúp cho mấy thầy dượt lại điệu bộ và các bài hát Nam hát Khách mà vì lâu diễn quá, họ có thể quên.

Ngày long trọng đã đến. Trưa hôm ấy, một chiếc xe ngựa, thứ xe riêng biệt của tỉnh Biên Hòa, đậu lại trước nhà tôi. Thấy hai khách lạ bước xuống xe, một ông lão và một thiếu nữ, cả nhà đều đoán được họ là ai rồi, nên đổ xô ra để mừng đón họ và để phụ mang những hộp áo mão vào nhà.

Ngôi nhà yên ổn của gia đình tôi ở Vườn Mít, ngoại ô thành Biên Hòa, bỗng trở nên một trung tâm kịch nghệ, một nơi tập tuồng náo nhiệt như các đình của ngoại ô Sài Gòn ngày nay, qui tụ tất cả các tay ưa thích hát bội trong tỉnh thuộc đủ mọi giới: giới thương mại, giới thể thao, giới có của ăn không ngồi rồi và giới chính trong vụ nầy là giới công chức.

Tất cả mọi người đều hài lòng vì cô Ba Đắc quả đẹp thật. Và họ ngạc nhiên hết sức mà thấy mặc dầu là đào hát bội và là dân sài Gòn, cô Ba Đắc lại trông ngây thơ như các cô gái nhà lành ở thôn quê. Cô đẹp thùy mị, vào ra ăn nói khuôn phép và phục sức hết sức khiêm tốn chớ không có lòe loẹt.

Năm ấy mẫu áo Cát Tường do nhà văn Nhất Linh vừa "lăng xê", được miền Nam hoan nghinh nhiệt liệt và phụ nữ ta bắt đầu ăn mặc hoa hòe và xinh đẹp, thế mà cô Ba Đắc vẫn tiếp tục mặc áo rộng thùng thình như mấy năm trước đó.

Tất cả đàn ông đều hài lòng, và ông nào ông nấy trông cứ làm sao ấy : họ đã si mê cô đào dễ thương đó rồi và có người si rất đậm, ăn ngủ luôn tại nhà tôi chớ không chịu về nhà họ nữa.

Má tôi thì khổ không chỗ nói. Cơm nước bánh trái, trầu thuốc cho bao nhiêu người khách ấy làm cho má tôi đuối sức mà không dám hó hé một tiếng vì má tôi là người vợ hiền, cái gì ba tôi muốn là trời muốn.

Nhưng được chỗ an ủi là vừa vào nhà, chào tất cả "quan khách" xong, cô Ba Đắc xin phép đi ngay ra nhà sau chào má tôi, rồi ở lì ở ngoài ấy để hủ hỉ với bà chớ không chịu trở lên giữa bọn đàn ông nữa, trái hẳn với tác phong của phần đông các cô đào.

Cô Ba Đắc gọi má tôi bằng "Má" và xưng con, gọi chi Hai tôi bằng "Em" ngọt xớt, và xưng "Chị" với chị ấy. Cô phụ tay với má tôi để nấu nướng, dọn dẹp bếp núc, và cô lên đây mới có nửa tiếng đồng hồ mà đã chinh phục được một bà cụ và một cô gái mười sáu là chị Hai tôi.

Riêng tôi, tôi đứng ở xó nhà để quan sát cô Ba. Cô Ba sún một cái răng cửa ở hàm trên và tôi thấy đó là một điểm duyên không ai bì kịp. Tuy ăn mặc xềnh xoàng, cô Ba có tướng khoan thai, đi đứng vừa nhanh nhẹn vừa dịu dàng, còn giọng nói của cô Ba sao mà ấm và trong trẻo lạ.

Năm đó tôi mới lên mười, còn học lớp ba trường tiểu học (mà thuở ấy gọi là sơ học) đầu hớt "rốp" trọc lóc như thầy chùa và ngáo hết sức.

Thình lình day lại thấy tôi đứng trong kẹt mà nhìn cô không nháy mắt, cô Ba mỉm cười rồi đưa tay ngoắc tôi.

Tôi cứ đứng trong hốc mà làm thinh và không nhúc nhích khiến cô phải bước tới, nắm tay tôi kéo ra. Cô cười, nói :

- Còn em nhỏ nữa đây hả má, mà từ sớm đến giờ con không thấy. Ra đây chơi với chị em nhỏ.

Tôi riu ríu đi theo chị, chị lôi đi đâu tôi bước tới đó và chị hỏi gì tôi mới nói.

- Em nhỏ học lớp mấy ?

- Dạ lớp ba.

- Giỏi lắm. Sao em nhỏ không chạy chơi ?

- Dạ em ở nhà để...để...ơ...hơ...coi chị.

Cô Ba cười dòn lên một chuỗi cười giống như ai đập ly bằng thủy tinh. Tôi mắc cỡ và giận cô Ba lắm, nhưng không thể hờn dỗi bỏ cô mà đi. Trái lại tôi cứ muốn cô Ba nắm tay tôi như khi nãy, vì tôi đã nghe một cảm giác dễ chịu trong cử chỉ ấy của cô.

Ăn cơm xong, "mấy thầy" không ai ngủ trưa cả ; cái giấc ngủ nầy bất di bất dịch mà có việc tày đình họ cũng không chịu bỏ, nay bỗng dưng không được ai tôn trọng nữa cả.

Họ gọi cô Ba lên dượt và ông nhưn Sáng nói là để "rà" lại bổn tuồng.

Giáo Yên rất đẹp trai và trót lỡ đòi thủ vai La Thành, mặt trắng, bạch giáp, bạch bào cho bảnh thêm, từ lúc thấy mặt cô Ba, lại đâm ra thích thủ vai Đơn Hùng Tín. Thầy ta tranh đấu để đổi ngôi, nhưng chú út tôi cương quyết không chịu nhượng bộ.

Nhưn Sáng được ngồi ghế xa-lông giữa nhà với các ông lớn để giựt dây dụi cho đào kép. Ông ta để búi tóc, những tóc con nơi trán ông được nhổ rất sâu vào, theo một lằn ngay tăm tắp và xanh um những chơn tóc.

- Nào - ông ta nói, giọng hách dịch - dượt đoạn tống tửu coi nào.

Thật tôi không dè chú út tôi múa hay đến thế, không kém hát bội thứ thiệt chút nào hết.

Cô Ba Đắc không chịu bỏ chiếc áo dài để mặc bà ba theo lời yêu cầu của nhìều người. Khi cô múa hai vạt áo bay lên, xòe ra như cái củn của đào, trông đẹp quá chừng.

Hai người múa quay tròn rồi chú Út tôi đứng lại và thình lình quát lớn :

- Nầy phu nhanh !

Hát bội gốc ở đâu đó không rõ và người địa phương sáng chế ra nghệ thuật hát bội phát âm các tiếng ngoài sao mà chữ N ra chữ Nh hết thảy.

Chú út tôi phải nhái y hệt họ và thay vì gọi Phu Nhân, chú nói là Phu Nhanh.

Cô Ba Đắc cũng dừng lại, tay chống má rồi "Dạ" một tiếng tôi nghe mà thương hết sức.

- Nầy phu nhanh !

- Dạ !

- Chữ tử sanh hữu mạng, câu vạn sự do thiên, vậy thôi thời chốn khuê phòng, phu nhanh thủ phận thuyền quyên, ôi...ối, còn cái nơi chiến địa là mồ của liệt sĩ, có chi mà phu nhanh phải bận lòng đó phu nhanh ?

Hai người nói qua nói lại những gì rắc rối lắm tôi không hiểu và không nhớ, rồi họ lại múa quay cuồng sau khi chú út tôi nạt :

- Á thôi, hãy xê ra !

Cô Ba Đắc khóc sướt mướt, khóc ra nước mắt thật như cô Kim Cương bây giờ và mắt tôi cũng dầm dề lệ thảm.

Tôi oán chú út tôi vô cùng đã nạt nộ cô Ba và làm cho cô Ba khóc.

Bỗng một lúc kia, chú út tôi tuốt gươm ra khỏi vỏ khiến tôi không còn hồn vía nào. Nhưng chú út tôi chỉ cắt giáp thôi, cái vạt giáp mà cô Ba đang níu lấy. Hú vía ! Nhưng chú ấy tàn nhẫn và khốn nạn một cách đáng ghét : chú cắt giáp rồi xô cô Ba té lăn cù.

Tôi thét lên một tiếng kinh khủng và đau thương khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Họ dòm lại tôi, thấy tôi nước mắt nước mũi choàm ngoàm, họ phá lên cười muốn bể nhà, khiến tôi càng tức.

Thật cái bọn ấy lòng sắt dạ đá hay sao mà không biết thương cô Ba, và kẻ lòng dạ chai cứng nhứt là chú út tôi. Tôi mà được làm Đơn Hùng Tín, tôi sẽ ở lại với cô Ba để vỗ về cô và không đi oánh giặc nữa.

Cô Ba bị ngược đãi như vậy mà cũng không dám giận hờn gì, còn chạy theo chú út khốn nạn của tôi để khóc mà "thán" rằng :

- "Tướng công ơi, lưu lụy, sở khai vô tận lụy, đoạn tràng ta thán đoạn tràng bi...".

Thán xong, cô hát Nam tiếp theo :

- "... Đoạn tràng bi, biệt ly phu phụ, nát gang vàng, đứt đoạn héo hon..."

Chú út quất ngựa nghe một cái trót rồi nhảy tuốt vô buồng. Cô Ba té quị xuống, tôi cũng thế, rồi cả hai khóc mùi mẫn.

Cô Ba còn khóc và còn nói lu bù cái gì ấy một hơi rồi mới sai thị tỳ đem ra một khúc lụa. Cô dùng lụa ấy để thắt cổ tự tử.

Khi cô Ba tắt thở ngã xuống thì có quân báo tin cho chú Đơn Hùng Tín hay, chú vội vã phi ngựa trở về đúng lúc đó để đỡ cô Ba. Đơn phu nhân phải ngã trên tay Đơn Hùng Tín mới bi thảm và mới mùi.

Nhưng chú Đơn Hùng Tín, mặc dầu cỡi ngựa phóng nước đại cũng chậm chân hơn tôi. Tôi đã phóng vô trước để đỡ cô Ba mà tôi thương vô cùng.

Cô Ba nặng quá, đè tôi ngã xuống gạch và nằm chồng lên người tôi khiến tôi suýt ngộp thở.

Chú Đơn Hùng Tín bị "họt-rơ", nổi giận đá tôi một cái té lăn cù rồi bảo cô Ba té trở lại cho chú ẵm.

Lần nầy tôi khóc vì đau mà cũng khóc vì ghen với chú Út tôi. Tôi hờn lắm, bỏ đi thơ thẩn ngoài vườn.

Chiều xuống mát rượi. Khách càng lúc càng đông. Ai cũng đòi hỏi cô Ba cả, nhưng cô Ba lại xin lỗi tất cả quan khách và nhờ tôi đưa xuống bờ sông để ngắm cảnh Đồng Nai và để hóng mát.

Ông La Thành xung phong làm công việc hướng dẫn nầy, nhưng bị cô Ba từ chối khéo, khiến ông ta tức, chưởi âm thầm:

- Chú cháu nó giành hết cả các vai tốt. Mẹ kiếp !

Mặc dù tôi làm hướng đạo, nhưng chính cô Ba nắm tay tôi mà dắt đi, cô Ba hỏi chuyện lu bù, nhưng tôi sung sướng quá, không nghe gì hết, trả lời bậy bạ, hoặc ừ hử cầm chừng, khiến cô Ba buồn cười chế nhạo tôi hoài.

Xuống tới bờ sông, hai chúng tôi đứng đó mà ngắm những cánh buồm ngà bọc no nứt gió đang lướt bay trên mặt nước.

Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn cô Ba, nhìn cái môi trên của cô hơi lõm xuống vì cái răng thiếu dưới ấy. Tôi thấy cô Ba sún răng như vậy có duyên lắm.

Cô Ba cũng chốc chốc cúi nhìn tôi và một khi kia, bốn mắt gặp nhau, cô Ba cười, hỏi :

- Sao em cứ làm thinh hoài vậy em nhỏ ?

Tôi nuốt nước bọt rồi nói :

- Chị Ba ơi !

- Gì đó em ?

- Nữa lớn em theo hát bội...

- Ừ, cũng được...

- Em sẽ làm Đơn Hùng Tín...

- Càng hay.

- Và em sẽ không nạt nộ chị Ba, không xô chị Ba té như chú Út của em.

Cô Ba cười ngất và tôi nói tiếp :

- Em cũng hổng thèm đi oánh giặc, em ở nhà với chị Ba hè...

Cô Ba gập người lại mà cười, cười đến đỏ mặt tía tai, khiến tôi nhột nhạt không biết mình đã nói bậy điều gì.

Một lát sau đó cô Ba hết cười rồi ngồi phệt xuống bãi cỏ, níu tôi ngồi xuống theo.

Bấy giờ cô gái vui tươi kia buồn vô hạn, nhìn vào khoảng không rất lâu, đoạn day qua, cúi hôn lên đầu tôi và nói :

- Em nè, chị cám ơn em lắm. Em đã làm cho chị sung sướng không biết bao nhiêu. Nhưng chừng ấy chị đã già rồi em à, đâu còn hát chung với em được.

- Chị làm sao mà già được.

- Em xem nước dưới kia và những cọng rác trôi trên mặt nước. Nước ấy và rác ấy trôi ngang qua đây, rồi đi thẳng luôn ra biển không bao giờ trở lại chốn nầy cả. Tuổi tác con người cũng thế em à ! Em hai mươi tuổi là chị đã ba mươi rồi.

Tôi không hiểu gì về những câu triết lý về kiếp người cả, nhưng tôi ngây ngất vì được cô Ba hôn lên đầu, nên nói một câu vô nghĩa :

- Ừ đúng vậy, mà em sẽ hát với chị.

- Mộng ảo ! Chị sẽ già...

- Chị mà làm sao già được.

Cô Ba chỉ thờ dài.

Lâu lắm, tôi hỏi :

- Sao chị không muốn hát với em ? Em ưa ẵm chị lúc chị ngã.

- Chị chỉ mong được thế, nhưng như đã nói chị sẽ già em à. Hay là giờ chị ẵm em trước, cũng thế thôi.

Nói xong, cô Ba ẵm ngửa tôi trên tay rồi cúi xuống nhìn thẳng vào mắt tôi mà cười, cười nhưng đôi mắt buồn hiu.

Tôi sung sướng đê mê, úp mặt vào lòng cô Ba mà khóc. Bỗng nghe một tiếng nấc, day mặt ra tôi thấy cô Ba cũng khóc. Mãi cho đến ngày nay mà tôi còn nghe cái cảm giác nóng hổi trên má do những giọt lệ của cô Ba rơi xuống đó, gây ra.

Cô Ba thút thít nói :

- Muôn ngàn năm sau, chị sẽ nhớ đến buổi chiều hôm nay, buổi chiều sung sướng nhứt của đời chị.

- Em cũng vậy.

- Em sẽ quên chị.

- Không đâu chị à, em nhớ chị hoài mà ! Em sẽ theo hát bội, em sẽ tìm chị ! Em xin thề !

Cô Ba lắc đầu mỉm cười chua xót mà rằng :

- Khó mong !

Những ngày cô Ba lưu lại ở đây, tôi bỏ mẹ đòi ngủ với cô Ba. Má tôi bằng lòng, còn ba tôi thì cười mà nói nho nhỏ :

- Hát bội dơ lắm !

- Không, cô Ba sạch lắm mà ba !

Tôi khóc bù lu bù loa và ba tôi phải nhượng bộ. Cái đêm thứ bảy ấy tôi ngủ chèo queo một mình, không trở về buồng má tôi, quyết bụng đợi cô Ba đang diễn thật sự đêm hát làm nghĩa dưới rạp Rạch Cát.

Đợi mãi không được, tôi ngủ quên luôn và khi kiểng nhà thờ đổ tôi giựt mình thức dậy, rờ quanh mình chỉ gặp chiếc chiếu không.

Buồn lắm, tôi tự hỏi không biết cô Ba thức làm gì sớm thế. Cả nhà còn ngủ yên, mà tôi thì rất sợ ma, nên không dám dậy để chạy đi tìm người bạn của tôi.

Tôi ngủ trở lại đến sáng bét mới dậy. Ba má tôi, chú Út tôi và chị Hai tôi đang ngồi ăn cháo đậu xanh ở bàn ăn.

Chú út tôi nói :

- Con nhỏ hát hay thiệt. Thiên hạ hoan nghinh nó quá xá làm tôi khiếp, hát không được. Nó kính lời vĩnh biệt anh chị vì ông hội đồng ổng mướn lô-ca-xông đem trả nó cho rạp Cầu Muối liền ngay sau khi vãn hát.

Nghe tiết lộ nầy, tôi rụng rời, đứng chết sững rất lâu. Chị Hai tôi mắng :

- Giờ nầy mà mầy còn say ngủ hả. Có đi rửa mặt đi hay không?

Tôi bước đi thất thểu như một tướng hát bội vừa bại trận, như Đơn Hùng Tín đại náo Đường dinh, bị bắt dẫn vào cho Lý Thế Dân xử tội.

Tôi thẫn thờ như vậy cả mấy tháng trường, chiều chiều xuống bờ sông để sống lại những giây phút thần tiên bên cạnh cô Ba, mắt nhìn về hướng Sài Gòn để cố tìm hình ảnh xa của người bạn năm ngày mà thân như đã quen nhau đâu từ thiên vạn kỷ.

Trời ơi ! Sài Gòn xa quá, mà tôi thì còn ngây thơ, biết làm thế nào để đi thăm cô Ba cho đỡ nhớ ?

Tôi đã nhiều bận theo ba má tôi xuống cái đô thị lớn ấy, và một khi kia tôi hỏi má tôi :

- Má ơi, rạp Cầu Muối ở đâu má ?

- Ở dưới kia, gần chợ Ông Lãnh.

- Đi xuống dưới nha má.

- Chi vậy ?

- Để con thăm cô Ba Đắc.

Má tôi cười mà rằng :

- Ối, ai lại thăm phường hát bội !

Rồi má tôi lôi tôi đi và tôi không dám nài nỉ.

Không rõ vì sao mà rồi tôi quên được. Tôi quên mất người thiếu nữ sún răng một cách hữu duyên ấy mà đôi má hây hây ửng đỏ khi cười chế giễu tôi dưới bờ sông, mà đôi mắt u buồn lúc triết lý về cuộc đời, mà hai điểm ấy tôi ngỡ ghi nhớ mãi đời đời kiếp kiếp.

Ba năm sau tôi đậu bằng tiểu học (thuở ấy gọi là sơ học), tôi xuống Sài Gòn để vào ly-xê.

Cầu Muối ở cạnh trường tôi, chỉ tốn hai cắc xe kéo là đi đến nơi, hoặc có hà tiện, đi xe điện bờ sông tốn có hai xu là tìm thăm được người bạn cũ. Nhưng tôi đã lỗi hẹn.

Tôi mê khám phá cái thành phố đông đúc, đa thái và lắm trò hay ấy. Và tôi mê học.

Mãi cho đến bốn năm sau, đỗ bằng Thành chung, tôi đã trưởng thành.

Mười tám tuổi ? Tôi bắt đầu bâng khuâng trước gió sớm mây chiều, trước mưa rơi, lá rụng, bắt đầu nhớ một người không quen biết, đang ở nơi chân trời xa lạ nào không rõ, mà nghe thân lắm, nghe thương lắm.

Một hôm chúa nhựt ra chơi, chiều trở về trường sớm quá, cửa trường Trương Vĩnh Ký chưa mở, tôi xẹt ra vườn Bà Lớn, là một khu vườn thuở ấy vừa sạch vừa đẹp, vừa yên tĩnh, để nằm dưới các khóm tre, bên bờ ao sen, trên thảm cỏ xanh viền đường sạn trắng, để lắng nghe chim kêu, thì thình lình không rõ nhờ chi tiết gợi nhớ xưa nào mà kỷ niệm cũ về buổi chiều trên bờ sông Đồng Nai bỗng thức dậy nơi trí, nơi lòng tôi.

Người chị năm xưa nay đã ra sao rồi ? Tôi tự hỏi như vậy rồi lòng bôn chôn vô cùng, trông đợi cho qua một tuần để chiều thứ bảy xin ra, hầu đi tìm người cũ.

Người con trai mới lớn lên là tôi, đã bắt đầu mơ yêu và tự nhiên không sao không nhớ lại mối tình thơ dại buổi đầu cuộc đời.

Tối lại, trong nội trú, nằm cô đơn trên giường, giữa hằng trăm bạn đồng buồng đang ngáy như sấm, tôi lắng nghe lại lòng mình thuở ấy và so sánh với tâm trạng của tôi bấy giờ và chợt nhận ra rằng tôi đã yêu lúc đó.

Phải, đó là những bước chập chững, những lời bập bẹ của tình yêu nơi một cậu bé thể chất nhạy cảm. Mối tình manh nha ấy ngủ yên đi để chờ cậu bé lớn lên và khi cậu bé ấy trưởng thành rồi thì tình cảm đó lấp ló sắp tái hiện.

Cố nhân ra thể nào ? Tôi hình dung lại người chị năm xưa và cứ thấy một thiếu nữ hai mươi, sún một cái răng rất có duyên, đôi má hây hây đỏ, đôi mắt buồn triền miên.

Một tuần lễ sao mà dài ghê ! Nhưng rốt cuộc thứ bảy cũng đến. Tôi nhờ người bảo giám của tôi lãnh tôi ra chiều thứ bảy và đêm ấy tôi trốn bạn hữu đi xem hát bội ở rạp Cầu Muối. Phải trốn vì hát bội đã quá thời, bị xem là "xưa lắm", đứa nào đi xem bị nó cười cho mà ê mặt.

Tôi phải đợi lâu lắm cố nhân tôi mới xuất hiện ra sân khấu vì cô Ba không thủ những vai "Mộc Quế Anh dưng cây", những vai "Điêu Thuyền", những vai "Phàn Lê Huê" nữa.

Trùm lên mớ tóc còn xanh một mớ tóc giả như bông gòn, cô ba Đắc đóng vai "mụ".

Tôi thừ người ra, khi thấy người xưa với những nét trên mặt không thay đổi bao nhiêu, trừ đôi má đã hóp và đôi quầng mắt đã sâu, khi thấy nàng làm một bà mẹ già chống gậy.

Ngoài đời, có lẽ nàng không đến đỗi lụm cụm như thế, nhưng tôi biết chắc rằng nàng cũng đã già nên mới bị phát vai mụ và biết thế do đôi má và quầng mắt thâm đen kia.

Cô Ba đã trồng nhiều cái răng vàng vì cô đã sún thêm nhiều cái răng cửa, nhưng răng vàng chỉ là trò che giấu sự già nua mà thôi.

Tôi buồn vô hạn mà nhớ lại câu mà cô Ba thốt ra vào buổi chiều năm đó : "Chừng ấy chi đã già rồi, đâu còn đóng cặp với em được".

Đợi cho tới lúc gần vãn hát, cô Ba hết vai, tôi mới xin phép vào hậu trường để nhìn tận mặt người xưa khi nàng đã rửa sạch mặt phấn để xem sao.

Trời ơi ! Bức chân dung mà ông Phán Lượng đã vẽ phác ra, quả đúng y như vậy. Cô Ba tiều tụy không thể tưởng tượng được và tôi nghĩ ngay đến một chứng bệnh mà những nghệ sĩ sống trong cái hộp ẩm thấp là rạp Cầu Muối tất mắc phải, không sao tránh được. Đó là bệnh lao phổi.

Cả một bầu trời sụp đổ quanh tôi, cái bầu trời rực rỡ huy hoàng màu sắc của tuổi thơ với những giấc mộng đẹp của nó, đẹp lóng lánh như bong bóng xà-bông, nó giòn, nó mong manh, nó dễ tan vỡ.

Cô đào già đôi mắt sáng lên vì cảm động mà được một cậu con trai mười tám tuổi theo vào hậu trường để xem mặt cô ta. Không biết cô còn nhớ chuyện mười năm xưa hay chăng mà một cậu bé lên mười đã mê Đơn phu nhân ?

Bỗng chợt nhận thấy vẻ thất vọng trên mặt thanh niên, cô đào danh tiếng năm xưa tủi thân quá, bỏ khách mà vụt chạy đi. Cô Ba chạy trốn, để khóc thầm chăng ?

Tôi thẫn thờ bước ra ngoài, lòng chết lạnh vì một giấc mơ cũng vừa chết. Rồi tôi than thầm, đôi mắt hơi ươn ướt :

- "Chị Ba ơi ! Lời thề năm cũ, tôi đã không giữ vẹn : tôi không có theo hát bội, không có tìm chị, và khi tái ngộ, tôi cũng không muốn nhắc lại kỷ niệm ngày xưa. Xin chị tha thứ cho tôi nhé !

"Nhưng có một điều khác giữa đôi ta là chị quên buổi chiều trên sông lộng gió, còn tôi thì nhớ. Tôi nhớ buổi chiều ấy mà cái vị ngọt bùi của nó thình lình biến ra chát chúa trên đầu lưỡi tôi. Đời là thế, chị Ba ơi, tha thứ cho tôi nhé !"

 (Trích từ tập truyện ngắn Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò)

 

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

DUYÊN HẠNH NGỘ - Trần Thị Nguyệt Mai

      

   Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972. Trùng hợp làm sao đó là năm đầu tiên trường mở lớp B (ban toán) và cũng là năm đầu tiên thời Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục chuyển đổi cách gọi các lớp trung tiểu học sang số thứ tự của năm học từ lớp 1 đến lớp 12 thay vì cách gọi như trước đó (Năm, Tư, Ba, ... , Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất). Tôi là “ma mới” trong số những “ma mới” của lớp học này vì cũng có một số bạn khác từ trường ngoài vào. Nhưng các bạn đều rất dễ thương, không phân biệt trường gốc hay trường ngoài. Tất cả hòa đồng với nhau, cùng học, cùng vui, cùng giỡn (rất đúng với câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”) dưới sự “lãnh đạo” của trưởng lớp Đỗ Thị Hậu. Hậu học rất giỏi và tính cũng rất “tếu”. Những lúc thầy cô chưa lên lớp, nàng hay đùa giỡn, nói câu nào là cả lớp cứ cười thỏa thuê!

  Tôi vẫn còn nhớ cô Mảnh người miền Nam dạy Toán, thầy Kính người Huế dạy Lý Hóa, ... Và đặc biệt là cô Vân người Huế, dáng nhỏ, rất dịu dàng và dễ thương, dạy môn Anh văn. Trong ngày cuối cùng của niên học, tôi đã nhìn thấy những dòng nước mắt của cô lăn trên má. Về đến nhà, vẫn còn nguyên xúc cảm, tôi ghi lại một mạch bằng thơ.

CÒN MÃI TRONG TIM

Kính tặng Cô Ngô Thị Vân – Giáo Sư Anh Văn

Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt – Gia Định


Với chúng em, đây là niên học cuối

một cuộc thi chấm dứt thuở học trò

chỉ còn lại chút dư âm tiếc nuối

những tháng ngày rất đẹp, rất nên thơ…

 

Ngày cuối cùng Cô giảng xong bài học

dặn những điều cần thiết lúc đi thi

em đã thấy, ở Cô, dòng lệ ngọc

biết bao tình trong giây phút biệt ly

 

(Em vẫn biết còn học trò áo trắng

là vẫn còn giữ những nét dễ thương

đời mai sau sẽ có nhiều bóng nắng

tìm đâu ra khoảng mát chốn học đường?)

 

Và Cô ơi, suốt đời em mãi nhớ

dòng lệ nào tràn ngập những thương yêu

một khoảng trời màu hồng trong tim nhỏ

bục gỗ, bàn thầy, bóng dáng chắt chiu…

 

1972

 

    Bài thơ vẫn ở với tôi, và tôi vẫn xúc động mỗi lần đọc lại. Có lần khi vào trang nhà trường Lê Văn Duyệt, thấy lời kêu gọi đóng góp bài cho Giai Phẩm, tôi đã định gửi, nhưng không thành. Sau đó, tôi đã post trên trang blog của mình và của bạn bè, mong nhờ sức mạnh của internet, bằng cách nào đó, cô Vân sẽ đọc được bài thơ của học trò làm tặng năm xưa. Và hy vọng đã được nhen lửa. Và ước mơ đã trở thành sự thật. Ngày 18-11-2020, nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, Quang Võ đã cho post lại trên trang blog của em:

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2020/11/con-mai-trong-tim.html

     May mắn sao lần này bài thơ được lọt vào mắt xanh của bạn Nhã Đảo (Thuận) và bạn chuyển đến Cô Vân. Cô đã ứa nước mắt khi đọc thơ học trò và nhờ Nhã Đảo tìm ngay địa chỉ của tôi để liên lạc. Cảm ơn Quang Võ và Nhã Đảo nhiều lắm. Các bạn đã giúp cho Cô giáo và học trò “gặp” lại nhau sau gần 50 năm! Tuy chưa thực sự được gặp nhau bằng xương bằng thịt, được ôm (hug) nhau, nhưng tôi vẫn như đang được ở gần Cô, được nghe Cô kể chuyện về đời sống của Cô bây giờ nhờ những links Cô chia sẻ các bài viết. Và đây đã là món quà lớn nhất của tôi trong mùa Lễ Tạ Ơn năm 2020…

 

       Khi đọc những bài Cô gửi, tình cờ thấy Cô nhắc đến tên Hoàng Ngọc Biên, nên tôi hỏi Cô, “Cô ơi, có phải đây là Nhà văn Hoàng Ngọc Biên không?” Thật bất ngờ khi được Cô xác nhận đó là người em họ mà Cô rất thương quý. Quả đất thật tròn! Tôi được hân hạnh quen với anh Hoàng Ngọc Biên vào năm 2017 khi chúng tôi cùng thực hiện cuốn sách “Tuyển tập I - Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa” của Bác sĩ / Nhà văn Ngô Thế Vinh. Anh Vinh đã đặt cho nhóm bốn người cộng tác là “dream team” gồm Ngô Thế Vinh, Hoàng Ngọc Biên, Lê Hân và Nguyệt Mai. Và khi biết anh Biên là bạn với Thầy Lê Hà Quảng Lan, tôi đã xin anh cho gọi là Thầy, nhưng anh không cho và dặn cứ gọi là anh. Tôi cũng chia sẻ với Cô Vân bài thơ “Tiễn anh Hoàng Ngọc Biên” tôi viết năm 2019 khi anh đi xa cũng như tác phẩm cuối đời The Train - a novella and selected writings của anh, do Nhân Ảnh xuất bản năm 2019. Cô ngỏ ý muốn có một cuốn, nên tôi đã nhờ anh Lê Hân in tặng Cô.

   Một lần Cô chia sẻ ý muốn gom tất cả bài viết từ trước đến nay để in sách làm kỷ niệm. Cả anh Lê Hân và tôi đều rất vui được Cô tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Do đó, tôi đã có dịp được cùng làm việc với bạn Nguyễn Thị Ngọc Diễm và anh Ngô Khắc Trí. Tôi vẫn còn nhớ Ngọc Diễm, trưởng lớp 12 A4 niên khóa 1971-1972, nước da rất trắng, tóc quăn, xinh xắn và học rất giỏi. Chắc chắn Ngọc Diễm không thể hình dung ra tôi vì nào biết tôi là ai trong số học sinh đến lớp Diễm trong giờ ra chơi ngày ấy, khi thỉnh thoảng tôi ghé thăm Lê Nguyễn Mai Trắng (Lê Thị Bạch Mai) – một bạn văn ở Tuổi Hoa. Sau này, được biết Ngọc Diễm là một văn nghệ sĩ nhưng tên tuổi bạn nổi bật hơn trong lĩnh vực âm nhạc, và cũng là em của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và chị của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung. Có lần tôi đã xin anh Trịnh Y Thư email của chị Trọng Tuyến để viết thư nhờ chị chuyển đến Ngọc Diễm, hỏi thăm về tin tức hai người bạn trong lớp 12 B mà chúng tôi đã mất liên lạc từ sau biến cố Tháng Tư Đen... Nay có dịp “gặp” lại Ngọc Diễm trong “project” này. Thật vui. Trước đây, Ngọc Diễm đã giúp cho Cô Vân tập họp phần lớn bài vở trong cuốn sách này, và nay anh Ngô Khắc Trí là em trai của Cô tiếp tục những phần còn dang dở. Anh Trí từ lâu cũng đã âm thầm lưu giữ những bài viết của Cô và giờ đây đánh máy lại toàn bộ văn thơ để thực hiện ước mơ của người chị thân yêu...

 

      Nhân chuyến nghỉ hè ở miền Nam California năm 2022, tôi ngỏ ý nhờ anh Lê Hân chở giúp đến thăm Cô. Anh Hân rất sốt sắng, vui vẻ nhận lời. Hẹn hò email trước với Cô, Cô chọn ngày thứ Năm 7/7/2022. Sốt ruột, mong ngóng, đợi chờ... Rồi ngày đã đến... Niềm vui thật khó tả! Cô giáo và học trò được trùng phùng tái ngộ không phải nơi ngôi trường mang tên vị đại thần của hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, cũng là người duy nhất hai lần được đề cử giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, mà ở thành phố Ngàn Cây Sồi (Thousand Oaks), California, Hoa Kỳ sau đúng nửa thế kỷ (1972 – 2022). Cô vẫn như xưa, dáng nhỏ dịu dàng, không chút thay đổi, ngoại trừ những nét thời gian mà không ai có thể tránh khỏi. Lần này, tôi được dịp gặp Cô Vĩnh, là nha sĩ, em của Cô. Thật thương hai Cô thức dậy từ sáng sớm, nấu bữa tiệc hội ngộ rất thịnh soạn đãi chúng tôi. Làm sao có thể quên được buổi này, cảm động lắm hai Cô ơi! Nhân đây, Nguyệt Mai xin cảm ơn anh chị Hân – Châu thật nhiều. Không có anh chị, chắc chắn buổi gặp gỡ này khó có thể thành sự thật.

   Thưa Cô rất kính thương, hôm nay cuốn sách đang trên đường hoàn tất... Những kỷ niệm để nhớ để thương của Cô sẽ được lưu giữ và chia sẻ với tất cả những người thương yêu. Một đời Cô hết lòng với gia đình cũng như tận tụy dạy dỗ, lo lắng cho học trò, nên Cô được tất cả mọi người yêu quý. Cuốn sách này được thành hình từ những tình cảm quý mến yêu thương Cô của những người thân trong gia đình và các học trò. Riêng với em, có một câu ngạn ngữ mà em rất thích, “Những Thầy Cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”. Cô chính là một trong những người Thầy như thế. Để em luôn mang ơn và nhớ đến...

 

Trần Thị Nguyệt Mai

29.10.2022

 

(trích từ phần Phụ Lục sách Những kỷ niệm để nhớ để thương*

của Ngô Thị Vân – Nhân Ảnh xuất bản 2023)