Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

TÌNH THƠ DẠI - Bình Nguyên Lộc

 
Cả nhà ngóng đợi nàng từ hơn tuần lễ rồi. Nói cả nhà, nhưng thật ra chỉ bọn đàn ông là bôn chôn thôi, còn phụ nữ thì khó chịu lắm, nhưng không dám nói ra.

Kẻ náo nức nhứt là ba tôi. Ba tôi đã già rồi, nhưng thuở trai trẻ ông cũng trăng hoa lắm (về sau tôi mới biết được điều đó) và cô đào nầy sẽ mang lại cho ổng chút ít dư vang của thời thanh xuân của ổng.

Kẻ thứ nhì là chú út tôi. Chú Thuận ấy chưa vợ, ở chung nhà với ba tôi từ khi ông nội tôi qua đời. Chú Thuận ra mặt mê nàng vì chú còn trẻ không sợ ai chê cười gì như ba tôi.

"Không biết nàng có đẹp hay không?" Ngày nào chú Thuận cũng hỏi như vậy, khiến má tôi nổi dóa mắng: "Nhà tôi có con gái, con trai, chú nó có muốn hư thân mất nết thì đi nơi khác kẻo hại cho các cháu của chú nó".

Những người đàn ông khác là khách, nhưng họ tới lui một ngày mấy bận để hỏi tin tức về nàng, thành thử phải xem họ như người nhà.

"Không biết nàng có đẹp hay không?". Đó là câu hỏi to của mọi người, và là câu hỏi thầm của ba tôi, má tôi nghe thì nguýt một cái, khinh khi lũ đàn ông ra mặt.

Phán Lượng tỏ ra ta đây thành thạo, nói:

- Cái lũ hát bội ấy, ban đêm, trên sân khấu và dưới ánh đèn xem thấy ngỡ họ là tiên nữ giáng trần, nhưng sáng ra, nước da xanh dờn, đôi môi tái lợt của họ làm ta bắt nhờm. Có đứa mình mẩy đầy lác, ốm nhom ốm nhách trông đến kinh khiếp.

Bởi vậy các tay hào hoa phong nhã có rước đào hát bội đi thì họ rước ngay lúc vãn hát, để nguyên xiêm y phấn sáp...

Nói xong, ông ta cười ha hả, sung sướng lắm và hãnh diện đã biết mặt thật của đào hát bội.

Giáo Yên sợ thua phán Lượng cũng khoe tài thạo đời :

- Riêng tôi, tôi được dịp theo hát nhiều lần, quen biết với vô số đào. Họ mà không đẹp cũng dễ coi, vì họ biết chưng diện, chớ không quê mùa như các bà nội... tướng của ta đâu.

Chú út tôi không có ý kiến nào, nhưng xem ra chú trông đợi nàng hơn ai hết. Chú sẽ thủ vai Đơn Hùng Tín, đóng cặp với nàng thì chú băn khoăn về vai cặp của chú là phải. Nhưng về sau tôi mới biết chú thuộc vào hạng đa tình ngấm ngầm, y như ba tôi vậy.

Tỉnh nhà vừa qua một cơn lụt kinh hồn mà con sông Đồng Nai hiền lành tàn phá nhiều làng mạc nên "Ủy ban cứu trợ nạn lụt" trong tỉnh đã làm đủ mọi trò để tìm tài chánh, mà cái trò hát làm nghĩa nầy là một.

Nghĩ rằng mua giàn không lợi bao nhiêu nên ủy ban mới nhờ các công chức ham kịch nghệ chọn cho một tuồng hát bội rồi diễn lấy, đã khỏi tốn tiền cho gánh nào, lại rất có thể ăn khách vì trong tỉnh ai cũng ham xem "mấy thầy" "mần tuồng" coi ra thế nào.

Thuở ấy chưa có cô ký, còn cô giáo thì không cô nào dám xung phong làm đào nên phải cầu viện. Hội đồng Ngỗ đi gọi đào Sài Gòn lên để thủ vai Đơn phu nhân trong vở "Tống tửu Đơn Hùng Tín" ấy, và chỉ có ông ta là biết mặt mũi cô đào ra sao nhưng ông ta ít lời, chỉ cho biết mấy chi tiết cần thiết thôi và ổng cũng không lui tới nhà nầy để cho người ta hỏi thăm thêm.

Cứ theo ông hội đồng Ngỗ thì cô đào ấy là đào của rạp Cầu Muối, tên là cô ba Đắc hay Đắt gì đó không rõ, hai mươi tuổi, hát hay có tiếng và thinh sắc lưỡng toàn.

Cổ sẽ lên đây với ông nhưn Sáng, thầy tuồng, ông nhưn nầy đi theo để giữ gìn áo mão mà rạp Cầu Muối cho ủy ban thuê và để sắp đặt cuộc trình diễn.

Ba tôi là tay Mạnh Thường Quân trong tỉnh, lại không sợ vợ nên được giao phó trọng trách đài thọ ăn uống của hai đào kép nầy hai ba hôm, thời gian ngắn cần thiết để giúp cho mấy thầy dượt lại điệu bộ và các bài hát Nam hát Khách mà vì lâu diễn quá, họ có thể quên.

Ngày long trọng đã đến. Trưa hôm ấy, một chiếc xe ngựa, thứ xe riêng biệt của tỉnh Biên Hòa, đậu lại trước nhà tôi. Thấy hai khách lạ bước xuống xe, một ông lão và một thiếu nữ, cả nhà đều đoán được họ là ai rồi, nên đổ xô ra để mừng đón họ và để phụ mang những hộp áo mão vào nhà.

Ngôi nhà yên ổn của gia đình tôi ở Vườn Mít, ngoại ô thành Biên Hòa, bỗng trở nên một trung tâm kịch nghệ, một nơi tập tuồng náo nhiệt như các đình của ngoại ô Sài Gòn ngày nay, qui tụ tất cả các tay ưa thích hát bội trong tỉnh thuộc đủ mọi giới: giới thương mại, giới thể thao, giới có của ăn không ngồi rồi và giới chính trong vụ nầy là giới công chức.

Tất cả mọi người đều hài lòng vì cô Ba Đắc quả đẹp thật. Và họ ngạc nhiên hết sức mà thấy mặc dầu là đào hát bội và là dân sài Gòn, cô Ba Đắc lại trông ngây thơ như các cô gái nhà lành ở thôn quê. Cô đẹp thùy mị, vào ra ăn nói khuôn phép và phục sức hết sức khiêm tốn chớ không có lòe loẹt.

Năm ấy mẫu áo Cát Tường do nhà văn Nhất Linh vừa "lăng xê", được miền Nam hoan nghinh nhiệt liệt và phụ nữ ta bắt đầu ăn mặc hoa hòe và xinh đẹp, thế mà cô Ba Đắc vẫn tiếp tục mặc áo rộng thùng thình như mấy năm trước đó.

Tất cả đàn ông đều hài lòng, và ông nào ông nấy trông cứ làm sao ấy : họ đã si mê cô đào dễ thương đó rồi và có người si rất đậm, ăn ngủ luôn tại nhà tôi chớ không chịu về nhà họ nữa.

Má tôi thì khổ không chỗ nói. Cơm nước bánh trái, trầu thuốc cho bao nhiêu người khách ấy làm cho má tôi đuối sức mà không dám hó hé một tiếng vì má tôi là người vợ hiền, cái gì ba tôi muốn là trời muốn.

Nhưng được chỗ an ủi là vừa vào nhà, chào tất cả "quan khách" xong, cô Ba Đắc xin phép đi ngay ra nhà sau chào má tôi, rồi ở lì ở ngoài ấy để hủ hỉ với bà chớ không chịu trở lên giữa bọn đàn ông nữa, trái hẳn với tác phong của phần đông các cô đào.

Cô Ba Đắc gọi má tôi bằng "Má" và xưng con, gọi chi Hai tôi bằng "Em" ngọt xớt, và xưng "Chị" với chị ấy. Cô phụ tay với má tôi để nấu nướng, dọn dẹp bếp núc, và cô lên đây mới có nửa tiếng đồng hồ mà đã chinh phục được một bà cụ và một cô gái mười sáu là chị Hai tôi.

Riêng tôi, tôi đứng ở xó nhà để quan sát cô Ba. Cô Ba sún một cái răng cửa ở hàm trên và tôi thấy đó là một điểm duyên không ai bì kịp. Tuy ăn mặc xềnh xoàng, cô Ba có tướng khoan thai, đi đứng vừa nhanh nhẹn vừa dịu dàng, còn giọng nói của cô Ba sao mà ấm và trong trẻo lạ.

Năm đó tôi mới lên mười, còn học lớp ba trường tiểu học (mà thuở ấy gọi là sơ học) đầu hớt "rốp" trọc lóc như thầy chùa và ngáo hết sức.

Thình lình day lại thấy tôi đứng trong kẹt mà nhìn cô không nháy mắt, cô Ba mỉm cười rồi đưa tay ngoắc tôi.

Tôi cứ đứng trong hốc mà làm thinh và không nhúc nhích khiến cô phải bước tới, nắm tay tôi kéo ra. Cô cười, nói :

- Còn em nhỏ nữa đây hả má, mà từ sớm đến giờ con không thấy. Ra đây chơi với chị em nhỏ.

Tôi riu ríu đi theo chị, chị lôi đi đâu tôi bước tới đó và chị hỏi gì tôi mới nói.

- Em nhỏ học lớp mấy ?

- Dạ lớp ba.

- Giỏi lắm. Sao em nhỏ không chạy chơi ?

- Dạ em ở nhà để...để...ơ...hơ...coi chị.

Cô Ba cười dòn lên một chuỗi cười giống như ai đập ly bằng thủy tinh. Tôi mắc cỡ và giận cô Ba lắm, nhưng không thể hờn dỗi bỏ cô mà đi. Trái lại tôi cứ muốn cô Ba nắm tay tôi như khi nãy, vì tôi đã nghe một cảm giác dễ chịu trong cử chỉ ấy của cô.

Ăn cơm xong, "mấy thầy" không ai ngủ trưa cả ; cái giấc ngủ nầy bất di bất dịch mà có việc tày đình họ cũng không chịu bỏ, nay bỗng dưng không được ai tôn trọng nữa cả.

Họ gọi cô Ba lên dượt và ông nhưn Sáng nói là để "rà" lại bổn tuồng.

Giáo Yên rất đẹp trai và trót lỡ đòi thủ vai La Thành, mặt trắng, bạch giáp, bạch bào cho bảnh thêm, từ lúc thấy mặt cô Ba, lại đâm ra thích thủ vai Đơn Hùng Tín. Thầy ta tranh đấu để đổi ngôi, nhưng chú út tôi cương quyết không chịu nhượng bộ.

Nhưn Sáng được ngồi ghế xa-lông giữa nhà với các ông lớn để giựt dây dụi cho đào kép. Ông ta để búi tóc, những tóc con nơi trán ông được nhổ rất sâu vào, theo một lằn ngay tăm tắp và xanh um những chơn tóc.

- Nào - ông ta nói, giọng hách dịch - dượt đoạn tống tửu coi nào.

Thật tôi không dè chú út tôi múa hay đến thế, không kém hát bội thứ thiệt chút nào hết.

Cô Ba Đắc không chịu bỏ chiếc áo dài để mặc bà ba theo lời yêu cầu của nhìều người. Khi cô múa hai vạt áo bay lên, xòe ra như cái củn của đào, trông đẹp quá chừng.

Hai người múa quay tròn rồi chú Út tôi đứng lại và thình lình quát lớn :

- Nầy phu nhanh !

Hát bội gốc ở đâu đó không rõ và người địa phương sáng chế ra nghệ thuật hát bội phát âm các tiếng ngoài sao mà chữ N ra chữ Nh hết thảy.

Chú út tôi phải nhái y hệt họ và thay vì gọi Phu Nhân, chú nói là Phu Nhanh.

Cô Ba Đắc cũng dừng lại, tay chống má rồi "Dạ" một tiếng tôi nghe mà thương hết sức.

- Nầy phu nhanh !

- Dạ !

- Chữ tử sanh hữu mạng, câu vạn sự do thiên, vậy thôi thời chốn khuê phòng, phu nhanh thủ phận thuyền quyên, ôi...ối, còn cái nơi chiến địa là mồ của liệt sĩ, có chi mà phu nhanh phải bận lòng đó phu nhanh ?

Hai người nói qua nói lại những gì rắc rối lắm tôi không hiểu và không nhớ, rồi họ lại múa quay cuồng sau khi chú út tôi nạt :

- Á thôi, hãy xê ra !

Cô Ba Đắc khóc sướt mướt, khóc ra nước mắt thật như cô Kim Cương bây giờ và mắt tôi cũng dầm dề lệ thảm.

Tôi oán chú út tôi vô cùng đã nạt nộ cô Ba và làm cho cô Ba khóc.

Bỗng một lúc kia, chú út tôi tuốt gươm ra khỏi vỏ khiến tôi không còn hồn vía nào. Nhưng chú út tôi chỉ cắt giáp thôi, cái vạt giáp mà cô Ba đang níu lấy. Hú vía ! Nhưng chú ấy tàn nhẫn và khốn nạn một cách đáng ghét : chú cắt giáp rồi xô cô Ba té lăn cù.

Tôi thét lên một tiếng kinh khủng và đau thương khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Họ dòm lại tôi, thấy tôi nước mắt nước mũi choàm ngoàm, họ phá lên cười muốn bể nhà, khiến tôi càng tức.

Thật cái bọn ấy lòng sắt dạ đá hay sao mà không biết thương cô Ba, và kẻ lòng dạ chai cứng nhứt là chú út tôi. Tôi mà được làm Đơn Hùng Tín, tôi sẽ ở lại với cô Ba để vỗ về cô và không đi oánh giặc nữa.

Cô Ba bị ngược đãi như vậy mà cũng không dám giận hờn gì, còn chạy theo chú út khốn nạn của tôi để khóc mà "thán" rằng :

- "Tướng công ơi, lưu lụy, sở khai vô tận lụy, đoạn tràng ta thán đoạn tràng bi...".

Thán xong, cô hát Nam tiếp theo :

- "... Đoạn tràng bi, biệt ly phu phụ, nát gang vàng, đứt đoạn héo hon..."

Chú út quất ngựa nghe một cái trót rồi nhảy tuốt vô buồng. Cô Ba té quị xuống, tôi cũng thế, rồi cả hai khóc mùi mẫn.

Cô Ba còn khóc và còn nói lu bù cái gì ấy một hơi rồi mới sai thị tỳ đem ra một khúc lụa. Cô dùng lụa ấy để thắt cổ tự tử.

Khi cô Ba tắt thở ngã xuống thì có quân báo tin cho chú Đơn Hùng Tín hay, chú vội vã phi ngựa trở về đúng lúc đó để đỡ cô Ba. Đơn phu nhân phải ngã trên tay Đơn Hùng Tín mới bi thảm và mới mùi.

Nhưng chú Đơn Hùng Tín, mặc dầu cỡi ngựa phóng nước đại cũng chậm chân hơn tôi. Tôi đã phóng vô trước để đỡ cô Ba mà tôi thương vô cùng.

Cô Ba nặng quá, đè tôi ngã xuống gạch và nằm chồng lên người tôi khiến tôi suýt ngộp thở.

Chú Đơn Hùng Tín bị "họt-rơ", nổi giận đá tôi một cái té lăn cù rồi bảo cô Ba té trở lại cho chú ẵm.

Lần nầy tôi khóc vì đau mà cũng khóc vì ghen với chú Út tôi. Tôi hờn lắm, bỏ đi thơ thẩn ngoài vườn.

Chiều xuống mát rượi. Khách càng lúc càng đông. Ai cũng đòi hỏi cô Ba cả, nhưng cô Ba lại xin lỗi tất cả quan khách và nhờ tôi đưa xuống bờ sông để ngắm cảnh Đồng Nai và để hóng mát.

Ông La Thành xung phong làm công việc hướng dẫn nầy, nhưng bị cô Ba từ chối khéo, khiến ông ta tức, chưởi âm thầm:

- Chú cháu nó giành hết cả các vai tốt. Mẹ kiếp !

Mặc dù tôi làm hướng đạo, nhưng chính cô Ba nắm tay tôi mà dắt đi, cô Ba hỏi chuyện lu bù, nhưng tôi sung sướng quá, không nghe gì hết, trả lời bậy bạ, hoặc ừ hử cầm chừng, khiến cô Ba buồn cười chế nhạo tôi hoài.

Xuống tới bờ sông, hai chúng tôi đứng đó mà ngắm những cánh buồm ngà bọc no nứt gió đang lướt bay trên mặt nước.

Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn cô Ba, nhìn cái môi trên của cô hơi lõm xuống vì cái răng thiếu dưới ấy. Tôi thấy cô Ba sún răng như vậy có duyên lắm.

Cô Ba cũng chốc chốc cúi nhìn tôi và một khi kia, bốn mắt gặp nhau, cô Ba cười, hỏi :

- Sao em cứ làm thinh hoài vậy em nhỏ ?

Tôi nuốt nước bọt rồi nói :

- Chị Ba ơi !

- Gì đó em ?

- Nữa lớn em theo hát bội...

- Ừ, cũng được...

- Em sẽ làm Đơn Hùng Tín...

- Càng hay.

- Và em sẽ không nạt nộ chị Ba, không xô chị Ba té như chú Út của em.

Cô Ba cười ngất và tôi nói tiếp :

- Em cũng hổng thèm đi oánh giặc, em ở nhà với chị Ba hè...

Cô Ba gập người lại mà cười, cười đến đỏ mặt tía tai, khiến tôi nhột nhạt không biết mình đã nói bậy điều gì.

Một lát sau đó cô Ba hết cười rồi ngồi phệt xuống bãi cỏ, níu tôi ngồi xuống theo.

Bấy giờ cô gái vui tươi kia buồn vô hạn, nhìn vào khoảng không rất lâu, đoạn day qua, cúi hôn lên đầu tôi và nói :

- Em nè, chị cám ơn em lắm. Em đã làm cho chị sung sướng không biết bao nhiêu. Nhưng chừng ấy chị đã già rồi em à, đâu còn hát chung với em được.

- Chị làm sao mà già được.

- Em xem nước dưới kia và những cọng rác trôi trên mặt nước. Nước ấy và rác ấy trôi ngang qua đây, rồi đi thẳng luôn ra biển không bao giờ trở lại chốn nầy cả. Tuổi tác con người cũng thế em à ! Em hai mươi tuổi là chị đã ba mươi rồi.

Tôi không hiểu gì về những câu triết lý về kiếp người cả, nhưng tôi ngây ngất vì được cô Ba hôn lên đầu, nên nói một câu vô nghĩa :

- Ừ đúng vậy, mà em sẽ hát với chị.

- Mộng ảo ! Chị sẽ già...

- Chị mà làm sao già được.

Cô Ba chỉ thờ dài.

Lâu lắm, tôi hỏi :

- Sao chị không muốn hát với em ? Em ưa ẵm chị lúc chị ngã.

- Chị chỉ mong được thế, nhưng như đã nói chị sẽ già em à. Hay là giờ chị ẵm em trước, cũng thế thôi.

Nói xong, cô Ba ẵm ngửa tôi trên tay rồi cúi xuống nhìn thẳng vào mắt tôi mà cười, cười nhưng đôi mắt buồn hiu.

Tôi sung sướng đê mê, úp mặt vào lòng cô Ba mà khóc. Bỗng nghe một tiếng nấc, day mặt ra tôi thấy cô Ba cũng khóc. Mãi cho đến ngày nay mà tôi còn nghe cái cảm giác nóng hổi trên má do những giọt lệ của cô Ba rơi xuống đó, gây ra.

Cô Ba thút thít nói :

- Muôn ngàn năm sau, chị sẽ nhớ đến buổi chiều hôm nay, buổi chiều sung sướng nhứt của đời chị.

- Em cũng vậy.

- Em sẽ quên chị.

- Không đâu chị à, em nhớ chị hoài mà ! Em sẽ theo hát bội, em sẽ tìm chị ! Em xin thề !

Cô Ba lắc đầu mỉm cười chua xót mà rằng :

- Khó mong !

Những ngày cô Ba lưu lại ở đây, tôi bỏ mẹ đòi ngủ với cô Ba. Má tôi bằng lòng, còn ba tôi thì cười mà nói nho nhỏ :

- Hát bội dơ lắm !

- Không, cô Ba sạch lắm mà ba !

Tôi khóc bù lu bù loa và ba tôi phải nhượng bộ. Cái đêm thứ bảy ấy tôi ngủ chèo queo một mình, không trở về buồng má tôi, quyết bụng đợi cô Ba đang diễn thật sự đêm hát làm nghĩa dưới rạp Rạch Cát.

Đợi mãi không được, tôi ngủ quên luôn và khi kiểng nhà thờ đổ tôi giựt mình thức dậy, rờ quanh mình chỉ gặp chiếc chiếu không.

Buồn lắm, tôi tự hỏi không biết cô Ba thức làm gì sớm thế. Cả nhà còn ngủ yên, mà tôi thì rất sợ ma, nên không dám dậy để chạy đi tìm người bạn của tôi.

Tôi ngủ trở lại đến sáng bét mới dậy. Ba má tôi, chú Út tôi và chị Hai tôi đang ngồi ăn cháo đậu xanh ở bàn ăn.

Chú út tôi nói :

- Con nhỏ hát hay thiệt. Thiên hạ hoan nghinh nó quá xá làm tôi khiếp, hát không được. Nó kính lời vĩnh biệt anh chị vì ông hội đồng ổng mướn lô-ca-xông đem trả nó cho rạp Cầu Muối liền ngay sau khi vãn hát.

Nghe tiết lộ nầy, tôi rụng rời, đứng chết sững rất lâu. Chị Hai tôi mắng :

- Giờ nầy mà mầy còn say ngủ hả. Có đi rửa mặt đi hay không?

Tôi bước đi thất thểu như một tướng hát bội vừa bại trận, như Đơn Hùng Tín đại náo Đường dinh, bị bắt dẫn vào cho Lý Thế Dân xử tội.

Tôi thẫn thờ như vậy cả mấy tháng trường, chiều chiều xuống bờ sông để sống lại những giây phút thần tiên bên cạnh cô Ba, mắt nhìn về hướng Sài Gòn để cố tìm hình ảnh xa của người bạn năm ngày mà thân như đã quen nhau đâu từ thiên vạn kỷ.

Trời ơi ! Sài Gòn xa quá, mà tôi thì còn ngây thơ, biết làm thế nào để đi thăm cô Ba cho đỡ nhớ ?

Tôi đã nhiều bận theo ba má tôi xuống cái đô thị lớn ấy, và một khi kia tôi hỏi má tôi :

- Má ơi, rạp Cầu Muối ở đâu má ?

- Ở dưới kia, gần chợ Ông Lãnh.

- Đi xuống dưới nha má.

- Chi vậy ?

- Để con thăm cô Ba Đắc.

Má tôi cười mà rằng :

- Ối, ai lại thăm phường hát bội !

Rồi má tôi lôi tôi đi và tôi không dám nài nỉ.

Không rõ vì sao mà rồi tôi quên được. Tôi quên mất người thiếu nữ sún răng một cách hữu duyên ấy mà đôi má hây hây ửng đỏ khi cười chế giễu tôi dưới bờ sông, mà đôi mắt u buồn lúc triết lý về cuộc đời, mà hai điểm ấy tôi ngỡ ghi nhớ mãi đời đời kiếp kiếp.

Ba năm sau tôi đậu bằng tiểu học (thuở ấy gọi là sơ học), tôi xuống Sài Gòn để vào ly-xê.

Cầu Muối ở cạnh trường tôi, chỉ tốn hai cắc xe kéo là đi đến nơi, hoặc có hà tiện, đi xe điện bờ sông tốn có hai xu là tìm thăm được người bạn cũ. Nhưng tôi đã lỗi hẹn.

Tôi mê khám phá cái thành phố đông đúc, đa thái và lắm trò hay ấy. Và tôi mê học.

Mãi cho đến bốn năm sau, đỗ bằng Thành chung, tôi đã trưởng thành.

Mười tám tuổi ? Tôi bắt đầu bâng khuâng trước gió sớm mây chiều, trước mưa rơi, lá rụng, bắt đầu nhớ một người không quen biết, đang ở nơi chân trời xa lạ nào không rõ, mà nghe thân lắm, nghe thương lắm.

Một hôm chúa nhựt ra chơi, chiều trở về trường sớm quá, cửa trường Trương Vĩnh Ký chưa mở, tôi xẹt ra vườn Bà Lớn, là một khu vườn thuở ấy vừa sạch vừa đẹp, vừa yên tĩnh, để nằm dưới các khóm tre, bên bờ ao sen, trên thảm cỏ xanh viền đường sạn trắng, để lắng nghe chim kêu, thì thình lình không rõ nhờ chi tiết gợi nhớ xưa nào mà kỷ niệm cũ về buổi chiều trên bờ sông Đồng Nai bỗng thức dậy nơi trí, nơi lòng tôi.

Người chị năm xưa nay đã ra sao rồi ? Tôi tự hỏi như vậy rồi lòng bôn chôn vô cùng, trông đợi cho qua một tuần để chiều thứ bảy xin ra, hầu đi tìm người cũ.

Người con trai mới lớn lên là tôi, đã bắt đầu mơ yêu và tự nhiên không sao không nhớ lại mối tình thơ dại buổi đầu cuộc đời.

Tối lại, trong nội trú, nằm cô đơn trên giường, giữa hằng trăm bạn đồng buồng đang ngáy như sấm, tôi lắng nghe lại lòng mình thuở ấy và so sánh với tâm trạng của tôi bấy giờ và chợt nhận ra rằng tôi đã yêu lúc đó.

Phải, đó là những bước chập chững, những lời bập bẹ của tình yêu nơi một cậu bé thể chất nhạy cảm. Mối tình manh nha ấy ngủ yên đi để chờ cậu bé lớn lên và khi cậu bé ấy trưởng thành rồi thì tình cảm đó lấp ló sắp tái hiện.

Cố nhân ra thể nào ? Tôi hình dung lại người chị năm xưa và cứ thấy một thiếu nữ hai mươi, sún một cái răng rất có duyên, đôi má hây hây đỏ, đôi mắt buồn triền miên.

Một tuần lễ sao mà dài ghê ! Nhưng rốt cuộc thứ bảy cũng đến. Tôi nhờ người bảo giám của tôi lãnh tôi ra chiều thứ bảy và đêm ấy tôi trốn bạn hữu đi xem hát bội ở rạp Cầu Muối. Phải trốn vì hát bội đã quá thời, bị xem là "xưa lắm", đứa nào đi xem bị nó cười cho mà ê mặt.

Tôi phải đợi lâu lắm cố nhân tôi mới xuất hiện ra sân khấu vì cô Ba không thủ những vai "Mộc Quế Anh dưng cây", những vai "Điêu Thuyền", những vai "Phàn Lê Huê" nữa.

Trùm lên mớ tóc còn xanh một mớ tóc giả như bông gòn, cô ba Đắc đóng vai "mụ".

Tôi thừ người ra, khi thấy người xưa với những nét trên mặt không thay đổi bao nhiêu, trừ đôi má đã hóp và đôi quầng mắt đã sâu, khi thấy nàng làm một bà mẹ già chống gậy.

Ngoài đời, có lẽ nàng không đến đỗi lụm cụm như thế, nhưng tôi biết chắc rằng nàng cũng đã già nên mới bị phát vai mụ và biết thế do đôi má và quầng mắt thâm đen kia.

Cô Ba đã trồng nhiều cái răng vàng vì cô đã sún thêm nhiều cái răng cửa, nhưng răng vàng chỉ là trò che giấu sự già nua mà thôi.

Tôi buồn vô hạn mà nhớ lại câu mà cô Ba thốt ra vào buổi chiều năm đó : "Chừng ấy chi đã già rồi, đâu còn đóng cặp với em được".

Đợi cho tới lúc gần vãn hát, cô Ba hết vai, tôi mới xin phép vào hậu trường để nhìn tận mặt người xưa khi nàng đã rửa sạch mặt phấn để xem sao.

Trời ơi ! Bức chân dung mà ông Phán Lượng đã vẽ phác ra, quả đúng y như vậy. Cô Ba tiều tụy không thể tưởng tượng được và tôi nghĩ ngay đến một chứng bệnh mà những nghệ sĩ sống trong cái hộp ẩm thấp là rạp Cầu Muối tất mắc phải, không sao tránh được. Đó là bệnh lao phổi.

Cả một bầu trời sụp đổ quanh tôi, cái bầu trời rực rỡ huy hoàng màu sắc của tuổi thơ với những giấc mộng đẹp của nó, đẹp lóng lánh như bong bóng xà-bông, nó giòn, nó mong manh, nó dễ tan vỡ.

Cô đào già đôi mắt sáng lên vì cảm động mà được một cậu con trai mười tám tuổi theo vào hậu trường để xem mặt cô ta. Không biết cô còn nhớ chuyện mười năm xưa hay chăng mà một cậu bé lên mười đã mê Đơn phu nhân ?

Bỗng chợt nhận thấy vẻ thất vọng trên mặt thanh niên, cô đào danh tiếng năm xưa tủi thân quá, bỏ khách mà vụt chạy đi. Cô Ba chạy trốn, để khóc thầm chăng ?

Tôi thẫn thờ bước ra ngoài, lòng chết lạnh vì một giấc mơ cũng vừa chết. Rồi tôi than thầm, đôi mắt hơi ươn ướt :

- "Chị Ba ơi ! Lời thề năm cũ, tôi đã không giữ vẹn : tôi không có theo hát bội, không có tìm chị, và khi tái ngộ, tôi cũng không muốn nhắc lại kỷ niệm ngày xưa. Xin chị tha thứ cho tôi nhé !

"Nhưng có một điều khác giữa đôi ta là chị quên buổi chiều trên sông lộng gió, còn tôi thì nhớ. Tôi nhớ buổi chiều ấy mà cái vị ngọt bùi của nó thình lình biến ra chát chúa trên đầu lưỡi tôi. Đời là thế, chị Ba ơi, tha thứ cho tôi nhé !"

 (Trích từ tập truyện ngắn Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét