Vậy là một trong muôn vàn những giấc mơ lớn nhỏ của tôi cuối cùng cũng đã trở thành sự thật: Tôi được quay lại thăm Châu Đốc sau hơn nửa thế kỷ rời xa. Xưa Từ Thức cùng người thương/tiên nữ tiêu dao quên cả tháng ngày nơi tiên giới. Lúc sực nhớ đến cha mẹ bèn quay trở lại chốn hồng trần tìm kiếm thì hỡi ôi, hơn 500 năm đã trôi qua, cảnh cũ đã khác xưa, người xưa đã trở thành thiên cổ.
Còn tôi ư? Nếu không có "thổ địa" Châu Đốc là chị Thơ con bác giáo Đ., hàng xóm láng giềng của chúng tôi khi trước, làm "hướng dẫn viên du lịch", thì tôi đã không thể nào nhận ra lại được đường xưa lối cũ. Ví dụ, nhà công vụ của thân phụ chị Thơ trước đây nay đã trở thành một quán cà phê hai mặt tiền, hoặc Ty Thông Tin cách nhà công vụ của bác tôi một hương lộ nhỏ, qua bao đời chủ, đã biến hình đổi dạng thành khách sạn nơi chúng tôi vừa tạm trú qua đêm! Đúng là vật đổi sao dời!
Trong suốt chuyến đi về Châu Đốc kỳ này, tôi may mắn được nghe nhiều câu chuyện xoay quanh những nhân vật mà tôi từng biết khi còn nhỏ. Ví dụ như ông giáo sư Luông, người thường dắt chúng tôi đi hái hoa lục bình vào mỗi chiều thứ bảy, chính là cháu ruột của Tổng Trưởng Giáo Dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa Ngô Khắc Tỉnh, rồi sau này ông Luông lại trở thành con rể của ngài đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Trung Hoa Dân Quốc là ông Nguyễn Văn Kiểm, bào huynh của tổng thống Thiệu. Nghe kể tới đây tôi đã mừng hết lớn, vì lúc "quen biết" ông Luông tôi chỉ mới "tí tuổi đầu", chưa đủ lớn để mê mệt ông giáo sư đào hoa ấy, bởi vì nếu tôi sàn sàn tuổi người chị họ của tôi và những nữ sinh bạn của chị ấy, nếu phải lòng ông Luông thì tôi chỉ còn nước ôm đầu máu chạy về, từ chết tới bị thương, vì ông Luông dòng dõi danh gia vọng tộc như vậy, khó lòng có chuyện "Đài gương soi xuống dấu bèo cho chăng" lắm!
Đêm. Nằm trằn trọc trong khách sạn trước đây từng là Ty Thông Tin của Châu Đốc, tôi tiếc nhớ mùi hương hoa Dạ Lý và hoa Quỳnh bên nhà bác giáo lúc xưa thường thoang thoảng bay sang lúc đêm về. Cuối cùng tôi cũng biết được loài hoa nhỏ li ti màu trắng và rất thơm trước đây cũng được trồng trong vườn nhà bác giáo mà tôi tình cờ thấy lại ở Sài Gòn lúc gần đây mà tôi cứ thắc mắc mãi có tên là hoa Đuôi Chồn! Không thích đi xe hơi vì bít bùng khó thở, dễ làm tôi nôn ói, tôi cũng chẳng thích nằm máy lạnh vì cùng lý do. Đối với tôi, hiện đại chỉ tổ hại điện.
Tôi mở cửa bước ra, ngắm thành phố Châu Đốc về đêm. Nhìn sang bên kia là chùa Bồ Đề, một địa danh vẫn còn giữ lại chút ít nét quen thuộc. Đối diện chùa, trước đây là bến xe đò đậu quanh bồn kèn, nay là bến xe taxi. Còn bồn kèn đã được lát gạch láng, gắn đèn xanh đỏ chớp tắt, nửa quê nửa tỉnh. Ôi còn đâu cây hoa phượng thương yêu thuở nào mọc ở bồn kèn, đã khiến tôi mang vào những bài tập làm văn luôn đứng đầu lớp. Gần chùa giờ có một quán ăn mặn bề ngoài tuy đơn sơ giản dị nhưng đồ ăn ngon hết biết.
Bờ sông Châu Đốc đối diện dinh Tỉnh Trưởng xưa kia nay có vẻ đông đúc bát nháo hơn, hướng nhìn sang Tân Châu cũng bị che khuất bởi những bè cá, và cầu tàu năm xưa chúng tôi thường ngồi đón gió tối tối nay có một bức tượng hình cá ba sa được dựng lên là biểu tượng của Châu Đốc. Dù vẫn biết rằng…You can never go home again (Thomas Wolfe)... Bạn không thể nào trở về chốn cũ lần nữa, vì mọi việc đều thay đổi, tôi vẫn không khỏi cảm thấy thất vọng giùm bài hát Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng giờ đây không còn thích hợp để tả cảnh bờ sông Châu Đốc nữa rồi. https://youtu.be/k8uelmx3wcg? si=CcHjdKfsAvlR01ni
Đi hết cả Châu Đốc, tôi chẳng tìm thấy đâu một cành hoa lục bình kỷ niệm thời ấu thơ, nhưng ít ra tôi vẫn còn được trông thấy lối đi hẹp khi xưa dẫn đến ao hoa lục bình, đàng sau những căn nhà phố, cách khu nhà công vụ ông Luông và những giáo sư trường Thủ Khoa Nghĩa ở, nơi lưu dấu những bước chân chúng tôi tới hái hoa những chiều cuối tuần.
Một đặc sản của Châu Đốc mà tôi đã vội "vồ" ngay lấy trong chuyến "hồi hương" này là những chiếc xe lôi chất chứa nhiêu kỷ niệm. Nhưng nhìn những người đạp xe lôi ốm nhách đến lòi cả xương, tôi thật lòng rất muốn trách móc những ai có bổn phận/trách nhiệm nhưng lại không tạo ra công ăn việc làm cho những người dân thấp cổ bé miệng nơi đây, dù đã suýt soát nửa thế kỷ từ "ngày ấy" đã trôi qua rồi.
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Hình đính kèm: Chùa Bồ Đề (giữa), xa xa là khách sạn Thành Phát màu trắng (Ty Thông Tin cũ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét