Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

VỠ LÒNG YÊU - Bình Nguyên Lộc

Hải vừa gởi gạo cho bà từ xong thì mấy bạn hữu cậu chạy rần rần ra sân chùa. Tò mò, cậu cũng mau bước theo họ và một chiếc xe Huê-Kỳ cũng vừa đậu ngay trước cổng chùa.

Khách xe hơi đến viếng kiểng chùa Vĩnh Tràng ngày một, họ không còn lạ gì nữa. Nhưng chiếc xe nầy to quá, dài quá sức, và nhứt là màu sắc rất kỳ dị và lố lăng nên họ không khỏi tò mò.

Ngồi băng trước để lái xe là một người đàn ông phốp-pháp, đầu bạc hoa râm, cạnh ông là một người đờn bà đồng lứa với ông ấy. Chắc là chủ xe. Băng sau, một cô gái để tóc theo lối phụ nữ Ai Cập ngày xưa, ngồi cạnh một cậu con trai độ lên mười.

Cả nhà cùng xuống xe rồi đi vào chùa. Hôm ấy là sáng thứ bảy nên khách viếng chùa, trừ gia đình nầy ra, chỉ có những cô cậu học sinh, nhà ở phía trong kia, và ghé qua đây sau giờ học, để đụt nắng.

Ông chủ xe đứng giữa sân chùa, với gia đình, nhìn cổng chùa, rồi nhìn bao quát ngôi chùa, đoạn phê bình bằng tiếng Pháp:

- Kiến trúc thật là lố lăng và dốt nát, Tây chẳng ra Tây, Tàu cũng chẳng ra Tàu, nhứt là không giống một kiểng chùa chút xíu nào, còn thua xa chùa Hội Khanh trên Bình Dương.

- Nhưng đồ sộ hơn - bà chủ cãi.

- Phải, cái đồ sộ khoe của ấy.

Hải nghe là ông nầy phê bình đúng. Nhiều du khách khác cũng nhận thấy điều đó. Nhưng ở miền Nam nầy cũng hiếm trò xem, nên tuần nào cũng có người xuống Định Tường để viếng chùa Vĩnh Tràng.

Hải nhớ ra thì năm ngoái cũng có một gia đình Huê-Kỳ xuống đây, và nhờ biết tiếng Ăng-lê nên cậu nghe họ chê lối kiến trúc lố bịch của ngôi chùa dữ lắm.

Gia đình du khách ra hậu liêu, vì trước cửa nhà chùa luôn luôn đóng kín.

Hải nhát nên toan rút lui vào trong để trốn, nhưng không kịp, vì cô gái con ông chủ đã gọi :

- Chú tiểu ơi, ra đây cho tôi hỏi cái nầy.

Từ ba tháng nay, vì tóc có trứng, nên cậu phải cạo trọc. Lớp tóc sau đó thì trơn lu, nhưng để trọc nghe mát vào mùa nực nầy, nên cậu cạo luôn mỗi hai tuần lễ và vì lười giặt-gỵa nên cậu nhuộm màu dà tất cả mấy bộ bà ba trắng của cậu.

Cô gái Saigon ngộ nhận là phải.

Rầu lòng, Hải bước ra ngoài sân, chào cả nhà theo lễ độ nhà chùa, vì họ đã hiểu lầm thì đính chánh vô ích, mà nếu không đính chánh thì phải chắp tay bái và nói "mô phật" kẻo họ khinh tiểu chùa không biết phép nhà Phật.

- Mô Phật ! Tín nữ có điều chi dạy bảo ?

Cậu hỏi xong thì muốn bật cười vì giọng tuồng của cậu. Cậu bắt chước câu nói và lời, theo một dĩa hát cải lương.

Cô gái không biết thế, ngỡ người nhà chùa phải ăn nói như vậy, nên cô tự nhiên :

- Nhờ chú đưa tôi đi viếng cảnh chùa.

- Vâng !

Cậu nói tiếng ấy với tất cả chua xót của một kẻ tủi thân. Cô gái xem chừng ít tuổi hơn cậu, lại cả gan khinh miệt gọi cậu bằng chú trong khi đáng lẽ ra cô phải nói "ông tiểu" mới đúng lễ độ cho.

Cậu lại chua xót chính vì sự nhờ cậy nầy. Trong giây phút đầu, cũng nghe hãnh diện, nhưng rồi nhận thức được ngay rằng sở dĩ cô ta nhờ vả cậu cũng là vì xem thường cậu. Bạn hữu của cậu đứng trong hậu liêu dòm ra, đông hàng chục đứa, đứa nào cũng bảnh trai cả trong những bộ pi-da-ma rất khéo, thế mà cô ta không nhờ họ, nghĩa là cô ta ngại ngùng với họ, còn cậu chỉ là một chú tiểu xoàng thôi, nên cô ta khỏi e dè gì cả.

Hải nhớ ra nhiều lần thấy nhiều cô tiểu thơ đi dạo mát chiều, bằng lòng bắt chuyện với mấy bác phu xích lô mà cố tránh trao lời với các học sinh không bảnh trai.

Không phải vì họ sợ mang tiếng, cũng không phải vì họ thích bình dân hơn, mà vì họ đã cùng một tâm trạng với cô gái viếng chùa nầy.

Ông cụ bà cụ của cô gái hình như không cần người đưa lối, nắm tay cậu bé rồi cả ba bước lên tam cấp để vào hậu liêu.

Hải mời :

- Có hòn non bộ đây là gần hơn hết, xin mời tín nữ xem trước cái đã.

Hai người bước bốn bước là tới trước bộ giả sơn gắn dựa vách tường.

Bỗng trong chùa vang lên tiếng đờn ca vốn đã có từ nãy giờ, nhưng cô gái vừa chợt chú ý đến thôi.

Tiếng Tây-ban-cầm đưa hơi theo những lời ca vọng cổ, một bài vọng-cổ có sẵn trong dĩa hát mà người ta đã khéo nhái y hệt theo :

"Em Lan ơi, tội tình chi mà em phải đọa-đày..."

Lời ca của tuồng Lan và Điệp ấy hợp với khung cảnh nầy phần nào, nên Hải nghe bùi ngùi như chính cậu đang đứng trước cổng chùa và chú tiểu Lan vừa ra đến nơi khi nghe tiếng gọi của cậu.

Cô gái ngạc nhiên hỏi :

- Sao trong chùa lại có đờn ca, chú tiểu ?

- Tín nữ không biết chớ ở đây có cho học sinh ở trọ. Chính các anh học sinh ấy đờn ca đó.

- Vậy hả ? Có phải mấy anh mặc pi-da-ma đó hay không ?

- Mô Phật, phải.

- Nhà chùa biết cách làm tiền dữ !

- Thưa không. Nhà chùa cho họ ở mà không lấy tiền, lại còn phải tốn công nấu ăn cho họ nữa.

- Tốt bụng dữ vậy ? Đủ những điều kiện gì mới được ân huệ đó ?

- Miễn là nhà ở xa đây. Ai muốn ở thì mang gạo đến, mỗi ngày bà từ sẽ nấu nướng giùm.

- Có đông hay không chú ?

- Mười tám nam, sáu nữ.

Bấy giờ thiếu nữ mới chú ý tới hòn giả sơn. Trong ấy cũng có một ngôi chùa xưa, mái sứ cong cong nhưng trông không nên thơ chút nào vì có lẽ đây cũng là công trình của nhà kiến-trúc nhảy-dù đã cất lên ngôi chùa Vĩnh Tràng. Hòn non nhỏ quá đối với kiểng chùa giả, và những cầu đá, những ông tiên lại to quá đối với ngôi chùa.

- Chú tiểu à, chú nghĩ gì về hòn giả sơn nầy ?

- Thưa tín-nữ, tôi thấy thiên nhiên trong đó bị xáo trộn cả. Nếu có chiếc xe Huê-kỳ của cô trong đó, chắc nó phải lớn hơn trái núi nầy.

Thiếu-nữ cười dòn lên vì lấy làm ngộ nghĩnh mà thấy một gã tu hành lại trào phúng.

Cô ta nhìn lại chú tiểu thì thấy chú nầy diện mạo khôi ngô, da mặt hồng hào và trông rất yêu đời chớ không có vẻ gì là chán chê sự thế cả. Cô ta hỏi :

- Chú à, tôi tên Liễu, học đệ-ngũ trường Gia Long trên Saigon. Xin cho biết pháp danh ?

- Tôi là chú tiểu Mộc.

Cô gái lại cười dòn như nhai cốm.

- Mô Phật, tại sao tín nữ lại cười tôi ?

Thiếu nữ trả lời bông lơn :

- Bạch chú tiểu, tôi đâu dám. Chỉ vì nghe tên chú tiểu, bỗng dưng tôi nhớ lại tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên".

Hải giả đò ngơ ngác :

- Tiểu - thuyết ấy có dính líu tới tên tôi ?

- Bạch chú tiểu, phải, trong đó có hai nhân vật danh tiếng, chú tiểu Lan và chú tiểu Mộc. Chú tiểu Lan là gái giả trai.

- Vậy à ? Nhưng tôi là trai thật.

- Cố nhiên, khôi ngô như chú, không thể là gái được.

Cả hai tai Hải đều ửng đỏ lên như đầu con cắc ké bò trong chùm bông bụp.

Nữ sinh biết Hải dễ xúc động, ranh mãnh hỏi :

- Chú Mộc nè, chú sầu nỗi gì mà đến phải đi tu vậy a chú ?

- Mô Phật - Hải cũng cà rỡn lại - bần đạo tu để thanh thản tâm hồn, hầu làm việc cho đắc lực.

- Vậy ra chú tu rất khoa học, khác người, chớ không mong thành Phật.

- Vâng.

Nữ sinh cười dòn rụm :

- Như thế, chú nên qua Nam Hàn mà tu. Nghe nói bên ấy chánh thức cho phép sư cưới vợ.

Cả hai cùng cười xòa.

Hải rất nhát gái. Nhưng khi đội lốt khác, cậu nghe cậu được bảo vệ bằng cái lốt đó, và cá nhơn thật của cậu, tự ái của cậu không ai chạm tới được. Nhờ vậy mà cậu bỏ quên mặc cảm, trả đũa lại cô gái như bất cứ anh nam sinh lanh lợi nào.

Còn cô gái thì lấy làm kỳ cho chú thầy chùa nhỏ nầy lắm. Cô ngỡ cô quá quắt, ranh mãnh thì chú ta sợ hãi, đằng nầy chú ta đương đầu lại như một anh con trai có nuôi quỉ trong bụng.

Hòn non bộ không xứng đáng ngắm lâu, Liễu hỏi :

- Còn nơi nào cần xem nữa chú ?

- Cũng chẳng còn gì để xem. Cô bước lại ao sen nghỉ mát thì hơn.

Bấy giờ đã khá trưa và nắng ngập sân. Ao sen bên hông sân chùa núp dưới bóng mát trông dễ thèm như một kiểng chùa hẻo lánh khi ta có tâm sự bão bùng cần tìm nơi nương náu cho tâm hồn.

Giữa trưa nước hồ trong vắt, có đôi cá vàng nhởn nhơ bơi lội.

Họ vừa bước tới đầu ao, thì từ một ngôi mộ cổ chun ra một đôi bạn nam-sinh và nữ-sinh, hai người có vẻ như khó chịu vì sự xâm-lăng nầy, nên di cư nơi khác.

Ngôi mộ đồ-sộ có rào sắt vây quanh như một thành trì kiên cố, họ núp sau đó mà Hải và Liễu không trông thấy.

- Đây là hai anh chị ở trọ nhà chùa, phải không chú ? Họ có bộ lén lút chắc là không hay, sao họ dám như vậy ?

- Mô Phật, không, đó là người ngoài. Các anh chị ở chùa bắt buộc phải đứng đắn hơn, không thì bị mời đi nơi khác. Nhưng chúng tôi cũng làm ồn ào quá, huyên náo cả nơi tĩnh mịch nầy.

- Chúng tôi ? Chú cũng là học sinh à ?

Hải ú ớ không đáp được, giây lâu mới cải chánh láo :

- Nghĩa là mấy năm trước Hòa thượng tôi có cho tôi đi học. Giờ thôi học rồi mà tôi cứ nghe tôi là học trò.

Một lần nữa Liễu nhìn lại Hải. Không, chú tiểu nầy không có vẻ gì chú tiểu hết. Người tuấn tú, gương mặt tuy hiền từ nhưng lanh lợi quá, không phải là gương mặt của kẻ sống ẩn nhiều năm trong kinh kệ. Chú ta lại ăn nói như là người thường.

Hay đây là một anh con nhà nghèo, tạm tu hành để nhờ cơm nhà chùa mà đi học ?

Chỉ là một dự đoán thôi, nhưng Liễu lại tin đó là sự thật và bỗng nghe thương xót anh học trò khó nầy. Và tư nhiên cô ta đâm ra thẹn như mình đang đứng trước một nam sinh lạ.

Nhạc gió rỉ-rả trên ngọn phi lao, ru đôi lứa thiếu niên vào giấc mộng triền miên của buổi vỡ lòng yêu. Họ vừa bước một bước qua khỏi những bâng khuâng vơ vẩn của tuổi dậy thì, nhưng chưa đi vào tình yêu thật sự.

Đối tượng của tình yêu đã có, trước mặt họ hôm nay, nhưng vừa qua ngưỡng cửa thì họ chạm phải gai góc: chú tiểu giả hiệu thấy rằng, cho dẫu cậu ta không rủi ro đội phải lốt thầy tu hôm nay, cậu ta cũng chẳng hy vọng gì. Một cậu học sinh đệ tứ ở trọ nhà chùa, khó lòng mong chiếm được lòng con gái của ông chủ chiếc xe hơi lộng lẫy kia. Nàng đang rung động, những rung động đầu mùa của tuổi thiếu niên, rồi nàng sẽ khôn ra.

Vịn song sắt hàng rào ngôi mộ cổ, Hải híp mắt lại để chỉ nhìn thấy được một mình Liễu thôi. Hình ảnh cô nữ sinh áo trắng ngồi trước ao sen hôm nay, cậu thấy lần đầu, và chắc chắn là lần chót, nên cậu quyết tạc sâu nó vào trí cậu và sẽ giữ mãi bức ảnh vô hình ấy làm kỷ niệm.

Liễu cũng đồng y tâm trạng Hải. Trời ơi ! Sao người con trai khôi ngô và ăn nói có duyên nầy lại không là một nam sinh ở trọ nhà chùa như những anh khác !

Cả hai đều đứng ngoài ngưỡng của đền ái tình lắng nghe cả một thế giới âm thanh huyền diệu bên trong mà không dám sấn bước vào, và cả hai đều khởi thảo nơi trí họ hai pho tiểu thuyết rất ly kỳ.

Tiểu thuyết của Liễu là truyện một anh hùng kia khoác áo nhà sư để trốn tránh ai đó.

Tiểu thuyết của Hải là truyện một nữ sinh si tình một anh học trò khó, rồi gia đình nữ sinh gả ép nữ sinh cho một công tử, rồi...

Bấy giờ cậu bé, em của Liễu, chạy ra. Nó nhìn Hải rồi nói với chị nó :

- Chị Ba nè, ông thầy chùa nầy giống Yul Brynner quá.

Hải và Liễu cười xòa; buồn bâng quơ của họ nhờ thế mà tan mất. Bé lại thêm :

- Ba má nói ra chợ ăn cơm rồi qua Bến Tre, chị Ba đi hôn ?

- Sao lại không đi, chị ở đây làm gì ?

- Kìa ba má ra kìa.

Liễu uể oải đứng lên, mỉm cười chào từ biệt chú tiểu còn ngộ nhận, nên cứ buồn buồn cho mình đã, trong giây phút để tưởng tượng lôi kéo đi xa quá, ngỡ vị sư trẻ là một nam sinh trá hình, và cũng buồn cười cho người đã nếm mùi tương chao mà lòng còn vướng bận trần tục.

Chiếc xe quay đầu để chạy trở ra chợ và khi nó rút mình vọt tới thì Hải thoáng thấy nụ cười khó hiểu của cô khách một giờ.

Từ hôm đó, sáng cuối tuần nào chú Yul Brynner cũng mong hão cô bạn mà cậu đã vỡ lòng yêu, tuy biết cô ta không bao giờ đến nữa.

"Chị ở đây làm gì ?" Câu nói khinh bạc của người con gái, cứ văng vẳng vang lên.

Tiểu thuyết thứ bảy, 1959    

  (Trích từ tập truyện ngắn Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét