Chiều thứ bẩy, nếu bây giờ là năm sáu năm về trước thì cái cảnh "dập dìu tài tử giai nhân" đã diễn ra tưng bừng trên con đường trước bao lơn nhà tôi. Ngày ấy, không chiều thứ bẩy đẹp trời nào mà chị Diễm không vờ nhõng nhẽo:
- Me ơi, cho con sang nhà con Thu một lát nha.
Và để me thật tin, chị kéo tôi đi theo làm chứng cho chị. Mỗi bận thế tôi thích lắm, được chị hóa trang cho bằng chiếc áo đầm xanh, nơ xanh, ví xanh, hài xanh lại thêm vài chục trong ví xách tay thì sướng mê người. Tôi tung tăng nắm đuôi áo chị Diễm đi khắp nơi, quên rằng không phải chỉ có hai chị em mà còn thêm một ông tướng, chị Diễm gọi thế, cao lêu nghêu kè kè theo từ lúc ra đến ngõ. Và một lát của chị Diễm là suốt cả buổi chiều nắng đẹp. Về nhà, me nhìn chị tủm tỉm:
- Gớm, hai cô đẹp như tiên. Đi có mỏi chân không con?
Mỏi chân ghê lắm, tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế bành, chị Diễm cũng ngồi theo nhưng chị không thấy mỏi mà lặng người đến tội nghiệp. May quá me cười xòa rồi đi xuống bếp. Đến bây giờ tôi mới hiểu cái lo sợ của chị. Thì ra, me không ngây thơ như chị nghĩ, me không nói ; thế là tuần sau chứng nào tật ấy, chị em lại... đến nhà bạn, tha hồ thích!
Bây giờ, chị Diễm không còn để dẫn tôi đi tung tăng nữa vì tòa đã cấp giấy phép công khai cho chị dung dăng dung dẻ mí cái anh chàng ấy ; lấy từ thứ hai đến chúa nhật làm ngày thứ bảy sốt. Còn tôi? Sau ngày người ta "xỏ mũi" chị, me vừa lau nước mắt vừa nói với chị Diễm trong ngày cưới thế, kéo... sang sông thì tôi đâm buồn kinh khủng. Ba mất sớm, gia tài của me có ba đứa con, hai gái một trai. Mà thằng bé sống toàn với chị, "gần dèn thì sáng", tính tình y hệt con gái, nhu mì nhủ mỉ, chơi toàn trò chơi con gái, không thèm bắn bi ve không thèm chơi con quay. Chị Diễm đi rồi, chỉ có hai chị em cu ky trong nhà, không hiểu thằng Vinh học cái sách nào mà suốt ngày chuyên nghề phá thiên hạ. Thấy người ta thơ thẩn dạo vườn dưới trăng đêm, hắn giả ma nhát tôi suýt ngất. Thấy tôi chợt vô ý tủm tỉm một mình, hắn cũng nheo mắt:
- Vinh biết rồi, chị Duyên đang nhớ tô bún riêu ngoài chợ.
Tôi sợ hắn còn hơn sợ me nữa cơ đấy. Từ dạo chị Diễm ra đi, tôi cũng bắt đầu "kỳ cục về mọi phương diện". Tôi hay buồn vơ vẩn một mình thôi. Vì bao giờ thì tôi vẫn thấy xa cách với me thế nào nhất là me phải thế ba lo sinh kế, còn thì giờ nào gần con gái me. Nghĩa là bây giờ tôi hoàn toàn quạnh quẽ. Sao chị Diễm đi quá sớm. Sao me không cho tôi một đứa em gái nữa, ngoài thằng Vinh ra.
Tôi yêu hoa ti gôn lắm. Những lúc như vầy đây, tôi chỉ còn biết đứng trên bao lơn ngắm những cánh hoa bé xinh xinh, thì thầm kể với hoa chuyện Đức giận hờn tôi suốt cả tuần nay, chiều thứ bảy không thèm đến chơi với tôi. Mấy lần tôi muốn xuống nước làm "con chó leng keng" cho tôi đừng ray rức mỗi lúc nhìn đôi mắt Đức u buồn, nhưng e ngại thế nào! Đức ngồi bàn trên vẫn lặng lẽ, không hay quay xuống tủm tỉm với tôi nữa. Tôi nghe bơ vơ làm sao giữa lớp học. Mỗi lúc bị kêu lên bục, ánh mắt trìu mến và nụ cười khuyến khích Đức vẫn dành cho tôi. Đức giận tôi, Đức có biết đã làm cả hai buồn bã đến đâu không? Giờ chơi, Đức đứng ở hành lang nhìn người ta dưới sân trường, tôi vẫn ngồi ì trong lớp, không đi đâu cả. Có ai để đùa như mọi hôm nữa. Con bé Bích Hà hất đầu về phía Đức:
- Giận hở?
- Ừ.
- Hèn nào không thấy mày cười lấy một tiếng. Từ hai ba niên học không nghe một lần xích mích, bi chừ bộ chúng bây "mát dây" hay sao mà giận mí hờn thế nhỉ?
Tôi phân bua:
- Tao không nhớ rõ làm sao mờ Đức giận tao nữa. Hình như tao làm con bé tức cái gì đó. Mà nó không thèm nói, chả biết làm sao bi chừ.
Bích Hà nhún vai một cái rồi đi. Tôi chợt thấy đôi mắt Đức thoáng nét buồn bã, chắc Đức nghĩ rằng tôi vô tình không thèm rầu rĩ khi giận nhau. Trong cái bộ mặt lầm lỳ ấy, Đức đang khổ sở lắm, hai đứa chỉ có nhau là bạn. Hiểu rõ nhau, thương nhau, có chuyện gì tôi cũng mò đến Đức nói hắn nghe, cả chuyện chiều thứ bẩy này nữa. Cuối tuần rồi! Mây mùa đông trôi nhiều quá.
- A, chị Duyên đây này! Thế mà Vin tìm chị khắp nơi không thấy.
- Tìm chị để chi?
- Để hỏi chị xem hắn tới chưa.
- Hắn nào?
- Thằng cha Thứ Bẩy!
Tôi lườm Vinh một cái:
- Vinh thật là lộn xộn!
- Chứ không phải sao? Chiều thứ bẩy nào cũng đợi hắn từ lúc ăn cơm xong. Ba giờ rồi, chắc hắn sắp tới.
- Mặc hắn chứ.
Vinh háy mắt:
- Vinh mời hắn vào nhà nhé?
Tôi xùy một cái. Vinh nhẩy như con choi choi:
- Chị Duyên chối nè! Vinh biết rồi. Thế nào Vinh cũng bắt cóc hắn vào nhà mình cho xem.
Tôi tủm tỉm cúi đầu. Thôi Vinh ạ! Để yên cho hắn đi. Chị đang khổ sở vì hắn đây. Vinh chưa kịp làm gì thì hắn đã... bắt cóc linh hồn chị rồi, Vinh đâu biết nhật ký đã đầy ắp thương yêu chị viết cho hắn. Không hiểu hắn nhốt lòng chị nơi nào mà phải cố gắng hết sức mới nuốt được vài chữ. Còn thì để thì giờ ngồi viết vơ vẩn những câu chi là lạ, từ bao giờ đến nay chị chưa viết bao giờ. Chị viết hay mắt hắn viết cho chị? Tôi nhìn đám hoa ti gôn cũng tưởng rằng có bóng dáng hắn thấp thoáng bên kia. Giàn hoa ti gôn đỏ hồng như màu son con gái. Hắn có bứt một chùm đưa lên môi không nhỉ?
- Thôi Vinh ơi. Đừng làm chị quê à nghe.
- Biết bắt hắn vào nhà làm gì không? Vinh sẽ đét vào đít hắn vài roi.
- Chết! Vinh?
- Ừ, ai bảo hắn cứ lang thang trước cửa làm chị cứ...
- Cứ sao? Chị chả sao cơ mà.
Tôi cốc đầu Vinh một cái rồi bỏ vào phòng. Ba giờ rưỡi. Hắn đến chưa nhỉ? Hay hắn ngủ quên ở quán café nào rồi? Tôi không nhớ là hắn bắt đầu quấy phá tôi từ lúc nào, chỉ thấy một buổi chiều bỗng đâm buồn đến não nuột. Ngắm mây, mây trôi mất, thì thầm với gió, gió lặng im. Với tay ngắt chiếc lá cây bông sứ hoa đã bị tôi bứt hết từ lâu, cả cây sum suê hoa, chỉ có cành này đâm vào bao lơn thì toàn màu xanh ngắt, chỉ còn lá với cành khô, vò vò rồi thả rơi lả tả. Lá rơi buồn bã không tiếng động như lòng tôi bây giờ. Tôi hoang mang như đi đến cõi nào xa xăm. Chơ vơ giữa khoảng không lạ lùng. Chợt cái gì níu kéo tôi về với gần hoa nhỏ đỏ ửng dễ thương. Lá xanh mướt lẫn mấy dây hoa và lẫn mái tóc hắn nữa. Đầu hắn nhấp nhô dưới khóm hoa, chiều thứ bẩy đi dạo phố đấy hở? Nhưng ở đây đường im vắng giữa hai hàng cây rợp bóng, không người, không xe cộ, chỉ toàn hoa với lá, với mây trời và bóng mát, hắn dạo gì ở đây? À, hay hắn đang làm thơ đấy nhỉ? Trên bao lơn này tôi cũng làm thơ đây. Những vần thơ lạ lùng chưa từng thấy.
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu (X.D.)
Và bằng cánh hoa ti gôn nho nhỏ nữa. Và rồi thời khắc biểu của tôi thay đổi một chút ở chiều thứ bẩy. Thay vì xếp sách vở đánh một giấc, thì tôi lại ghi : 4 đến 5 giờ, nói chuyện với ti gôn. Khác với chị Diễm, chiều thứ bẩy là buổi chiều của tình yêu, trong sáng như da trời xanh lơ.
Khi tôi trở ra bao lơn thì thằng Vinh đã đi đâu mất, mất cả chiếc xe của hắn. À, chiều thứ bẩy hắn cũng có chương trình, me tôi còn bận trông hàng, bằng không có lẽ cũng có việc khác nốt. Ba tôi đã mất từ bao năm nay rồi còn gì.
Nắng chợt bừng sáng, gió hây hây, gió sang mùa độc địa làm người ta cảm cúm tưng bừng. Đứng trên bao lơn mà sốt ruột, hay hắn cảm mất rồi? Từ cuối con đường rợp bóng, nếu tôi không để ý thì hắn sẽ hiện ra và thấy tôi trước. Nhưng nếu tôi nép vào bóng cây bông sứ thì tôi sẽ phát giác ra cái dáng điệu thơ thẩn đường chiều một khách thơ lơ đãng nhìn lá rụng. Có lẽ chiều thứ bẩy của hắn sẽ là thì giờ để nói chuyện với lá me Trần Quí Cáp rơi! Lá me chứ không phải là rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi đâu người ấy nhé.
Tôi nép vào chính giữa bóng cây bông sứ rậm rạp trốn hắn. Ai bảo để người ta sốt ruột từ nẫy đến giờ vẫn chưa thèm đến. Tôi sẽ núp ở đây, nhìn lén đôi mắt ngơ ngác của hắn khi bao lơn vắng bóng người con gái đợi hắn đi qua. Bốn mắt gặp gỡ, một tia nhìn thôi, hắn đi qua, tôi vào phòng. Hắn đi rồi có về không, tôi không biết. Hay chiều nay tôi rán kiên nhẫn dạo hết con đường, xem có trở lại không. Lá me rơi khá nhiều. Không hiểu lá mơ của Nguyễn Bính thế nào, chứ lá me của hắn trông be bé, vàng vàng như hạt bắp. Từ trong này nhìn ra, tôi có thể tưởng là mưa phùn màu vàng. Lá rơi nhiều rồi mà tôi chưa thấy hắn. Chao ơi! Hắn có thể quên hẹn ư? Để tôi đứng một mình đây sao! Nhỡ có người khác đi ngang giàn hoa ti gôn thì sao? Hắn có ghen không? Hay hắn không để ý rằng có tôi đứng trên bao lơn lén trông hắn qua cây bông sứ, qua giàn ti gôn? Có thể thế ư? Nhưng sao mỗi thứ bẩy, hắn vẫn nhìn vào đây, có lần tôi trốn ở một góc thì thấy hắn đứng lại kiễng chân dòm vào kiếm cơ mà. Sao hôm nay hắn để tôi nhón chân ngóng hắn mãi thế này? 4 giờ rưỡi. Hắn ngủ quên? Hắn ốm? Hay sao? Một cánh sứ rụng xuống, lòng tôi cũng rụng một cánh hoa buồn bã, cánh hoa đỏ như một giọt máu: hoa ti gôn. Nhưng giàn hoa xa quá, ngoài tầm tay, tôi đành bứt lá bông sứ cho lên miệng ngăn tiếng thở dài. Lá bông sứ tẩn mẩn trên môi đăng đắng vậy. Con đường của tuần trước vui tươi rộn rã bước chân hắn dáng người hắn, bây giờ sao mà vắng lặng buồn bã thế này? Gió càng nhiều, me càng rơi, tôi càng muốn sàn xuất thực nhiều "viên thuốc nước mắt".
Tôi rời khỏi bao lơn từ lúc nào để xuống những bậc tam cấp của ngôi nhà cổ kính. Đi trên lối sỏi xào xạo, tôi lặng lẽ đếm bông sứ rơi. Có một chiếc ngớ ngẩn ngừng trên tóc tôi. Hoa thương hại tôi đấy ư? Hoa an ủi tôi ấy à? Hoa có cô đơn không? Rời cành hoa có buồn không? Hoa có biết nắng đã nhạt mà người ta không tới không? Người ta quên tôi rồi hoa ạ! Người ta ốm hở? Hay người ta đã thay đổi chương trình rồi, đi đến một nơi ồn ào khác, với người khác rồi phải không? Tôi cúi đầu bước trên con đường lá me bay vàng úa, con đường hắn vẫn thơ thẩn chiều thứ bẩy đây mà. Trên vỉa hè có giàn ti gôn giăng đầy hoa cỏ, loài hoa mang thật nhiều tên rắc rối : nho, hoa chuông, nho ti gôn, lắm khi tôi cãi với bạn bè chỉ vì hoa nho, hoa ti gôn đấy. Tôi đang bắt chước hắn đây, cũng ngắm lá mơ. À lá mơ rơi. Cũng kiễng chân nhòm vào bao lơn nhà, tưởng tượng xem thấy tôi đứng trong kia, tôi có thương tôi không. Tóc gió khẽ bay bay yên lặng, đẹp thế thì hẳn là tim hắn phải thay nhịp đập rồi nhỉ? Thế sao hắn không đến? Hắn không thương nhớ suốt cả tuần sao? Không bồn chồn nóng nẩy sao? Không nhớ màu hoa ti gôn sao? Đầy hoa đỏ ửng.
Tối với tay định ngắt một dây hoa thì có việc hơi lạ lùng xẩy ra làm tôi sửng sốt. Trên giàn hoa có một tờ giấy, không như những tờ giấy thông thường trên mặt hè, mà được gấp làm tư, có lẽ được giấu cẩn thận hơn là vất bừa vào. Thế nào? Có nên nhặt không? Thay vì hái hoa, tôi lại tò mò cầm tờ giấy và đọc hàng chữ: "Tôi phải đi Đà lạt đến thứ hai mới về. Đằng ấy cho tôi biết tên đi. Sáng thứ ba tôi đến nhận thư, nghe! Đỗ Văn Thái Phương". Vài chiếc lá me rơi vãi trên tờ giấy. Thái Phương! Thư đề thứ năm, hắn đã đi Đà lạt rồi. Tôi có linh cảm rằng bức mật thư này của hắn, hắn xin lỗi trễ hẹn đây mờ! Hắn đây sao? Bức thư cài trên nhánh ti gôn dễ yêu, bức thư gởi đi mà không chắc tới tay người nhận. Nhỡ trận mưa cuối thu làm trôi đi mất thì sao. Con người gì mà liều lĩnh thế! Nhưng tôi lại hoang mang lạ lùng. Thư gởi cho ai? Thái Phương là ai? Là hắn phải không? Hoa ti gôn, hẳn nhánh hoa này biết rõ ai đã đặt thư vào đây. Hoa biết rõ nhất, sao hoa có khẽ rung rinh trước gió như cùng chung nỗi sung sướng vu vơ trong lòng tôi? Ơi! Bức thư mầu nhiệm là chiều đứng dừng lại, nắng reo vui. Tôi nghe trong gió tiếng lá me thì thầm. Sáng thứ ba, sẽ có kẻ ngơ ngẩn đọc lại bức thư của mình đã đặt trên chỗ cũ, nhưng được thêm vài hàng chữ: "Đà lạt vui không? Sáng thứ ba đừng kiễng chân nhìn vào nhà, người ta đi học rồi. Nguyễn Thị Vân Duyên". Và có lẽ cũng thẫn thờ tự hỏi có phải ti gôn đã viết thư? Hay người con gái lặng lờ trong bao lơn ấy đã dời chân đến đây ghi thêm vài câu làm người tưởng như đang trong giấc mộng! Thực hay hư?
LAM THỦY
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 76, tuần lễ từ 9-11 đến 16-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét