Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

SOI LẠI BÓNG MÌNH - Kiều Giang

 

 Tự nhiên tôi thấy mình bước hụt một bậc thang, chơi vơi, và giật mình thức dậy. Tim còn đập rộn ràng trong lồng ngực. Ghé sát mặt vào cái đồng hồ nhỏ, mới có bốn giờ sáng. Tôi nằm lại nhưng mãi chẳng ngủ được mà còn ê ẩm cả người. Hai mi mắt cứng mỏi, tôi ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ, qua màn lưới, trời ngoài kia tối mò. Gió lùa qua khe cửa lạnh hai bàn chân. Tôi dựa vào tủ áo một lúc và chợt thấy bóng mình trong tấm gương lớn, cái bóng trắng mờ buồn xo, tội nghiệp. Hôm qua đang giờ học, Vân Hằng bỗng từ bàn trên quay xuống hỏi tôi: "Tại sao mi gầy đi quá chừng thế? Ốm nhom hà!" Tôi  bật cười vì tiếng ốm nhom của nó, chưa đến nỗi nào đâu nhỏ ơi. Tôi là con bé "tốt tướng", Tâm ưa bẹo má tôi và là lên: "Búp bê ơi, cưng mi quá đi". Hằng hỏi xong, mấy nhỏ bạn nhao nhao xác nhận. Tôi cười cười nói tếu cho qua chuyện. Nhưng rồi Dung ngồi cạnh chợt nắm bàn tay tôi, "có phải tuần này G. lo nghĩ dữ lắm không?" Tôi nhìn vào mắt nó, lòng mềm ra và gật đầu. Còn có gì để giấu nhau không hả Dung? Rằng thì người ta cũng chỉ nhìn ta bằng tia mắt nhìn đứa em tội nghiệp như mi vậy thôi.

Tôi bật ngọn đèn bàn, lôi cái sắc trắng  ra soạn quần áo đi biển. Bữa nay lễ, mấy nhỏ lớp tôi rủ nhau đi Cấp. Tôi chỉ muốn về nhà ôm lấy cuốn nhật ký xấu hơn cuốn vở nháp của mình, viết và đọc. Nhưng Dung trừng mắt với tôi. A, vậy ra nó thương tôi hơn là tôi tưởng. Ông thầy có lần thắc mắc tại sao hai đứa là hai thái cực lại ngồi với nhau được. Mà thầy đâu biết, bao lần tụi con cãi nhau, mỗi tuần mấy bận đấy ạ.

Trời rựng sáng. Tiếng còi tan giới nghiêm văng vẳng. Tôi thay một bộ đồ patte gọn gàng. Lúc đứng cột tóc trước gương, tự thấy mình ốm đi thật và nghĩ thầm, chẳng biết người có nhận ra điều này? Có hay không, thì cũng là muôn ngàn xa cách, hồn ta xao xác lắm rồi cũng phải im hơi!

Má tôi trong bếp, bà dặn phải coi chừng mọi tai nạn... Tôi vâng dạ và xách cái sắc trắng chạy biến. Phải đợi ở đầu ngõ khoảng năm phút mới thấy xe chở cả bọn tới. Loại Toyota chở hàng. Đông quá, lại thêm đồ đạc lỉnh kỉnh. Tôi ném cái sắc trước rồi leo vào ngồi cạnh Dung. Sàn xe chật những túi, sắc, thức ăn, tuy ngồi chen nhau một chút, nhưng vui kinh khủng.

Xe ra khỏi thành phố, qua cầu xa lộ. Trên mặt sông còn mờ hơi sương. Cả bọn nhìn nhau cười thoải mái, chia nhau từng khúc bánh mì. Tiếng nhạc từ Cassette mở hết cỡ gào thi với tiếng gió, nhạc Pháp. Tới bài Le jour le plus long, cả bọn cùng hát theo, giọng của Tâm to nhất, nous irons au coeur du monche, par la poudre et le canon... Tiếng hát buổi sáng làm ấm lòng không ít. Tự dưng giữa sự thân tình ấy, tôi bỗng lạnh đi. Đầu tựa vào thành xe và lòng rưng rưng, người cao ngạo như bóng núi, mắt nhìn thẳm mấy từng xanh. Tôi chợt muốn được ấm đôi lời hỏi han, ơi những lời hỏi han trầm, ngọt, xa vời vợi dù mới nghe hôm qua, hôm kia. Thôi thì còn cả năm, cả đời để buồn, nếu muốn, tội gì ta cứ phải âm u như lá mục giữa đám bạn thế nhỉ? Tôi vùng dậy nghịch ngợm với mấy nhỏ: "Coi kìa, anh chàng lái Mazda đi đàng sau cười duyên với đứa nào kìa?"

Xe chạy dọc bờ biển, mùi muối mặn ngan ngát muốn tung hai buồng phổi. Con đường vòng núi nên thơ. Đứa nào cũng đòi tắm Bãi Sau. Tôi và Dung cãi lại "Lỡ có chuyện gì ai chịu vô đây? Xuống bãi Dứa đi". Ồn ào một lát Loan la to. "Bãi Sau, có gì xác ai nấy chôn, hồn ai nấy liệm..." Câu nói dễ sợ giáng như búa tạ làm cả bọn nghẹt thở trong giây lát. Tội cho Loan ăn nói vội vàng bị vài cái cốc đầu hét om. Riêng tôi chợt thấy lòng dạ hồ đồ, có thể nào đó là lời nói trước, và chính là mình chăng?

Đứa nào thấy biển cũng háo hức, thay đồ thật lẹ. Hôm nay nắng to, máy hình đem ra bấm loạn xạ. Tôi bơi dở không dám ra xa sợ nước xoáy cuốn đi mất như má đã dặn, bơi ngang thì chán ngắt. Tôi thích hít một hơi dài rồi nắm úp mặt xuống nước, buông xoãi tay chân nghe sóng đánh từng đợt  vào người. Một lần tôi đang trong tư thế đó thì bị bọn Dung, Thao nắm tóc kéo lên. Thấy tôi ngỡ ngàng vuốt nước trên mặt, Dung kêu "con khỉ làm ta hết hồn, tưởng mi làm sao rồi chứ". Nó không cho tôi chơi kiểu đó nữa, trông ghê ghê làm sao. Ơ hay, người ta còn yêu đời lắm cơ, Dung ạ.

Bữa trưa trải tấm bạt lên cát và cả bọn quây quần. Bánh mì, xôi giò chả, nước ngọt khuân ra, ăn thế mà lại ngon. Tôi gặm miếng bánh mì kẹp chả, vừa ăn vừa nhìn quanh. Bãi Sau có một loại dây bò lan trên mặt cát, rễ trắng, lá hơi vuông màu xanh. Tôi bứt một dây, đưa Thao: "coi này, loại cây sống trên cát". Thao mân mê cuống lá "lạ đời!"

Thao và tôi ngồi lại trên bãi, nhìn mấy nhỏ bạn tắm biển thôi cũng thấy vui vui. Giấy gói bánh vứt tung. Thao bảo "Ở đây sướng nhỉ, ăn rồi quăng bừa bãi đã có người đi quét". Tôi buột miệng. "Vậy có chỗ nào tim mình không biết xôn xao, không cần yêu thương không?". "Chỗ thì không nhưng tim thì có, tim đá."

Nắng chói lòa trên mặt biển, bãi cát nâu ẩm ướt lún biết bao dấu chân người. Những đợt sóng to lớn thi nhau tấp vào bờ sủi đầy bọt, tiếng bọt nước vỡ hay hay. Mơ hồ trong âm reo của biển có chút gì não nuột như tiếng thở dài. Liệu vó giống tiếng thở dài của con bé mặt to này? Mắt to thì khóc nhiều, lời nhỏ nào tàn ác trêu tôi đấy. Tôi nhất định không thèm khóc, mím môi lại mà chịu, cứng người lên mà chịu. Lỗi tại mình đã vụng về để vướng vào vòng vây không lối thoát chứ. Lỡ nhau một lần, bài hát nào mới nghe đây mà đã nhạt nhòa, đã ngỡ như từ thuở xa thẳm, chỉ nhớ được một câu (cái câu làm đau lòng ta không ít). Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi... Ôi tiếng hát người trải đầy khu vườn làm se thắt lòng nhỏ G. ngồi giấu mặt dưới bãi cỏ.

Tôi chạy xuống nước bấm mười đầu ngón chân trên cát lún đưa lưng cho sóng đập. Tự nhủ, mình phải tập vững vàng đi chứ, với người dù là mơ vọng hão huyền vẫn là một điểm tựa cho ngày tháng xưa, nay thì chỉ một mình. Lời hát ấy thay chỗ câu trả lời dứt khoát, như muôn ngàn đợt sóng bạc đầu phủ lên tôi lúc này, làm con bé tối mắt. Thao nhào tới kéo tôi ngã xuống, nước biển thi nhau ùa cái vị mặn đắng vào miệng tôi: "sao mi có những lúc lơ ngơ thật lạ." Tôi nhắm mắt, úp mặt, vùi đầu vào làn sóng, thì chẳng phải là anh Khiêm đã bảo: nhỏ G. lạc loài giữa mọi ồn ào đó sao. Con nhỏ nắm một lọn tóc ướt của tôi: "A, mái tóc mi dài ghê, nhớ hồi đó mi cắt ngắn cơ mà?" Tôi ậm ừ. Bà nội tôi bảo mỗi sợi tóc là một tội. Tóc càng dài tội tình càng nặng, chất lên vai ta muốn oằn, làm sao tụi mi biết được. Không biết thì tụi hắn đoán mò, một thời gây tai tiếng cho tôi. Đi gặp đứa bạn nào cũng bị chất vấn, hỏi han. Ngay đến M. Dung biết rõ mà cũng đến nghi ngờ dọa dẫm vài câu. Nào có cái chi đâu, vì dáng vẻ nồng hậu của tôi đối với Lê, người tôi quí mến như anh, đã làm tôi khốn đốn. Thành thử tấm lòng yêu chuộng vẫn đầy nhưng khuôn mặt lạnh lùng phải được thiết lập để ngăn ngừa khiến Lê ngạc nhiên không ít, vì sự xa lánh này. Ơi bạn bè mà sao cứ đem nhau ra làm cho nhau điếng lịm từng mạch máu vậy nhỉ?

Chán nản, tôi đến bãi trước nhất. Bước chân bị cát níu kéo lúc nào cũng muốn quỵ xuống. Hình như lời hát ấy vẫn quanh quất đâu đây và đôi lúc lồng lộng với gió, in từng chữ từng vần rõ ràng trong óc tôi. Duyên kiếp lỡ làng rồi... chao ơi, danh từ đao to búa lớn hay chỉ là một cách nói, hả người? Bởi vì tuổi tôi chưa được quyền nghĩ những tiếng đó. Lần nào mới đây vùi mặt vào lòng má thở dài, buồn quá má ơi. Mà tôi khẽ đẩy ra, chuyện gì thế? Và bà nghiêng mặt, thôi nhé, các cô chỉ có một chuyện duy nhất đó mới làm cho buồn được. Liệu hồn đấy! Má tôi chỉ đoán thế thôi nhưng vẫn làm tôi sợ. Và nính lặng. Những đêm chợt tỉnh giấc, áp mặt vào tường vôi lạnh, thầm thì cho tường vôi nghe, rằng tôi hối hận ăn năn nhiều. Ôi bức tường vô giác, vô tri một đời cứng cỏi.

Cả bọn lần lượt bỏ sóng lên bờ, huyên náo một góc bãi. Một đứa thấy tôi, ngạc nhiên: "Nhỏ G. làm gì mà ngồi trong xe coi buồn bã vậy?" Nghe có tiếng Dung suỵt khẽ: "Nè, hắn nhớ "chàng tuổi trẻ" con thầy Nguyện dạy Việt văn lớp tôi mà", mấy nhỏ thì tới tấp cật vấn đòi tôi khai lý lịch của "ảnh". Tôi nhìn Dung, hắn lên giọng. "Chàng tên Vĩnh Bảo, được tròn bốn xuân xanh". Tiếng cười của 20 cái miệng ào ra như lốc xoáy cuốn tôi vào giữa. Dại gì cứ u trầm trong những sự chẳng thể thay đổi vậy nhỉ. Thôi ta gửi lại nhờ biển cất giùm nỗi buồn này đó. Tôi cất tiếng với giọng đùa thường nhật: "Tên chi nghe sặc mùi bánh cốm, bánh xu xê hả. Thôi nhường lại nhỏ Dung nuôi giùm, tao không thèm."

Xe ngừng lại ở Thích Ca Phật Đài, bác tài cười dễ dãi: "còn sớm, cho các cô đi dạo thêm một vòng". Cả bọn níu nhau lên các bực thang, lại chụp hình liên hồi. Tôi leo lên một mỏm đá cáo nhìn xuống bờ biển, rừng xanh, nhà cửa xa tít mù phía dưới, gió bay tóc lồng lộng. Dung bấm máy, reo mừng. "Tấm hình này nhất định tuyệt đẹp. Trông mi như ẩn sĩ nhìn xuống cuộc  đời". "Con nhỏ ví von nghe dễ sợ chưa, bữa nào ta thử lên núi một lần nhỉ"? "Được hai ngày, mấy gói ô mai nó giục mi trở về lẹ". Tâm lí lắc với một cành hoa sứ định làm duyên chụp hình, nào ngờ cành cây dòn, gẫy lìa, nhựa trắng chảy có giọt. Tôi tái mặt: "ở đây cấm bẻ hoa, Giáng Hương ơi, đời này hết Từ Thức rồi". Cả bọn chạy ào ào xuống xe dù chẳng ai thấy, Tâm lúp xúp đằng sau nhưng tay vẫn níu cành hoa. Hắn nói để làm kỷ niệm. Cả bọn ôm nhau cười mỏi miệng.

Đường về đứa nào cũng mệt, nằm ngồi nghiêng ngả. Xe vùn vụt băng từng cây số đường đưa tôi về thành phố, nơi giăng mắc những tơ sầu. Nhưng tôi đã hứa bỏ nỗi buồn lại cho biển rồi mà. Ở đó cái khối buồn của tôi sẽ ngày ngày được sóng mang ra khơi một ít, và mất tăm. Tôi tiếp tục ca hát, chọc phá nhau như cả bọn. Ơi lũ bạn vô tư của tôi. Vỏ chôm chôm vứt đầy sàn xe, chai nước ngọt cuối cùng đem ra chia mỗi đứa một ít. Nhìn nhau chợt thấy thương nhau hơn.

Những con đường quen thuộc trước mắt. Đường thành phố chằng chịt xe cộ, khói xăng. Xe ghé nhà Thao trước tiên. Nó xuống và vòng qua hông xe đưa cho tôi mảnh giấy, chẳng biết nó viết những giòng này tự lúc nào... Thì ra cùng với cái bề ngoài mạnh mẽ đó, mi vẫn là đứa dễ xúc cảm. Tại sao cứ lao vào đám đông thế nhỉ? Dù mi che giấu cách nào cũng lộ ra vẻ đơn độc ngơ ngác. Trở về với những ngọn sóng ngầm của mi đi, mi sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ...

Có tiếng Dung hỏi cái gì vậy, nhưng tôi lắc đầu vò nát tờ giấy. Thao nó hiểu tôi hơn tôi ư? Nó nói cho tôi biết những điều tôi phân vân. Bây giờ thì tôi rõ, tôi sống khác mọi người (?) Tôi lạ đời như loại dây mọc lan trên cát ở Bãi Sau. Nhưng Thao ác quá mi ạ, khuyên ta chi câu đó, hãy cứ để ta đi tìm con người mình qua các cuộc vui, hầu kéo dài thêm được chuỗi ngày mờ ảo vô tư này, còn hơn là thấy rỏ con đường của mình mà tiến tới.

Hình như tôi sợ trách nhiệm thì phải. Má tôi đứng đón ở cửa, thấy tôi bà hỏi: "Đi chơi vui không con?". Tôi nở nụ cười "Dạ vui lắm!" Nụ cười tôi chắc héo rũ, tôi phải gắng kể chuyện chuyến đi cho bà nghe... Cho đến khi khuya khoắt, tôi nằm chuồi xuống giường úp mặt vào gối cố dỗ dành giấc ngủ. Nhưng hai mắt cứ mở tròn trong bóng tối, một nỗi hoang mang kéo đến làm run cả môi. Tiếng nhạc hòa tấu vẳng nghe rõ âm thanh cửa lòng của violon. Đột nhiên tôi nhận thức được một điều mới và phải trấn tĩnh đôi môi run ấy vài giây mới nghĩ tiếp được. Tôi tung gối ngồi dậy, như nói với má trước mặt: "Dạ vui lắm, nhưng con đã dại dột gửi trả lại niềm vui ấy cho biển rồi, má à!"

Buồn phiền đã mím môi dứt bỏ cho biển. Quanh tôi bây giờ chả còn gì cả, và trong hồn tôi, là một nỗi lạnh căm trong suốt như nước đá, đông hoài không tan.


KIỀU GIANG     
 
 (Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 111, tuần lễ từ 19-7 đến 26-7-1973)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét