Năm đó tôi được mười lăm hay mười sáu tuổi. Tóc tai bờm xờm như chổi lông gà, chuyên môn mang đôi giày ba-ta đạp gót kéo lê thê đến trường. Từ một chỗ ngồi gần cửa sổ nhìn ra những cây phượng ven bờ sông Hương trước kia vẫn xanh ngát, nay đã thêm màu đỏ rực của bông hoa.
Bông phượng đỏ và tiếng ve kêu trong nắng tươi tắn của mặt trời là hồi chuông báo hiệu niên học sắp hết. Và mùa hè đã đến.
Đối với những người còn mặc áo trắng học trò, nhất là học trò bé con của một thành phố êm đềm như Huế, mùa hè là mùa thiên đàng.
Đôi mắt cô giáo hơi buồn, cô đứng trên bục gỗ nhìn khắp lớp học như muốn ghi nhớ hết những khuôn mặt của bọn học trò đã làm cô mệt óc trong chín tháng qua. Cô nhìn bâng quơ xấp thông tín bạ ghi điểm hai kỳ thi lục cá nguyệt.
Tôi nghe những lời nói dịu dàng từ đôi môi cô giáo, như một bản nhạc buồn tạm biệt :
- Ngày mai là ngày các em được nghỉ. Cô chúc các em một mùa hè thật vui vẻ bên cạnh gia đình. Sang năm có lẽ cô còn được gặp lại đầy đủ các em, nhưng không dạy các em nữa. Tất cả đều được lên lớp, cô thì vẫn dạy lớp này...
Cô giáo ngừng lại. Bọn học trò ngước mắt hồi hộp chờ đợi cô giáo đọc kết quả kỳ thi cuối năm, xem ai nhất lớp và ai là người đội sổ.
Tôi không quan tâm đến điều đó cho lắm. Tôi biết rõ sức học của mình. Đó là trình độ "tà tà", chuyện đứng nhất hay đứng chót không bao giờ đến với tôi cả. Vị thứ của tôi bao giờ cũng ở giữa, đội đầu vài chục thằng. Tháng nào học hành xuất thần lắm, tôi leo lên đến hạng nhì là hết sức mình. Rồi tháng kế tiếp rớt ào xuống thấp như một chiếc bong bóng xì hơi.
Trong khi cô giáo đọc tên và số điểm từng người, tôi chợt chú ý hôm nay lần đầu tiên cô mặc chiếc áo dài đỏ như màu hoa phượng. Điểm đặc biệt này làm tôi lưu ý hơn cả. Trí óc tôi giờ đang lan man mơ tưởng đến sớm mai sẽ ngủ dậy thật muộn, không còn nghe tiếng dục dã gọi đi học của bà ngoại. Những ngày tháng nghỉ ngơi tiếp theo quyến rũ như một giấc mơ, và ngày mai sẽ không còn mơ hồ như giấc mơ nữa.
Duy là thằng đứng nhất lớp. Nó được đại diện cho cả lớp, đứng lên đọc bài "diễn văn" từ giã cô giáo. Hai má và lỗ mũi của Duy đỏ au lên như trái ớt chín vì mắc cỡ và cảm động. Cô giáo cũng nói vài lời, cô khuyên học trò nên giúp đỡ cha mẹ trong những ngày nghỉ chứ không phải lo chơi đùa không thôi. Giọng nói của cô dễ thương biết bao. Tôi hơi hối hận vì suốt năm nay tôi thường lơ là với giọng nói quen thuộc ấy trong những khi cô giảng bài. Tuy nhiên, tôi ít thích câu nói cuối cùng của cô :
- Thỉnh thoảng các em phải xem lại bài vở, nhờ anh chị chỉ dẫn thêm vì sang năm là các em học lớp thi, chương trình mệt hơn năm nay nhiều...
Cô quay sang nhìn vài đứa học trò đặc biệt, loại làm biếng nhất lớp, trong số đó dĩ nhiên có tôi.
- ... Em nào thấy mình hơi kém môn nào, nên theo học lớp hè. Sang năm mà còn biếng nhác, trốn học thì khó mà đậu được... Nghe không Tú ? Em đang suy nghĩ chuyện gì vậy ?
Tôi giật nẩy mình như bị ai đập mạnh vào vai lúc ngủ gục. Cô giáo hay cắt đứt những lúc mơ mộng của tôi bằng cách bất thần gọi tên như thế. Tôi lúng túng nói :
- Dạ... có nghe.
- Nghe gì ?
- Nghe cô dặn em chăm học trong năm tới.
Nhưng không có điều gì làm tôi mau quên bằng lời dặn dò đó.
Sớm mai hôm sau, tôi không dậy muộn như mình tưởng. Hình ảnh của một ngày trời thảnh thơi cứ đầy tràn trong trí óc tôi suốt một đêm làm tôi nôn nao không ngủ được, cứ chong mắt chờ cho trời mau sáng.
Lần đầu tiên tôi là người dậy sớm nhất, hơn cả bà ngoại. Tôi súc miệng đánh răng qua loa rồi chạy vội ra vườn.
Khu vườn từ lâu tôi không có dịp chui rúc vào từng bụi cây, nay tôi thèm dược chạy quanh khắp cả. Mùa hạ mặt trời lên sớm, nhưng vẫn còn màn sương lạnh trên những tàu lá chuối xanh mềm. Sự yên tĩnh trong sạch bao bọc trên đám cỏ dại, trên những cây trứng cá rậm rạp với trái chín đang lôi cuốn bầy chim chào mào.
Thơm nhất là những đám huệ trắng nằm trong bồn cỏ trước sân. Khu vườn, cây cối như một người bạn thân yêu vừa gặp lại nhau sau nhiều ngày xa cách. Cây ổi có vài trái vừa chín ửng vàng trên cành, những trái mãng cầu trong lòng bàn tay làm tôi chảy nước bọt. Tất cả những thứ trái đó giờ đây như đang chào mừng reo vui bên cạnh tôi, và tôi chứng tỏ cảm tình của tôi đối với chúng vẫn đậm đà như ngày nào, bằng cách làm ngay một bữa điểm tâm trái cây : hai trái mãng cầu ngọt lịm và ba quả ổi xá lỵ chua dòn, nghe rào rạo trong hàm răng nhai ngấu nghiến.
Tôi phải ăn vội vàng vì sợ bà ngoại bắt gặp. Bà ngoại không tiếc gì với tôi nhưng mùa này mãng cầu đang hiếm, bà định dùng mấy trái để cúng và ổi chưa chín lắm sẽ làm tôi đau bụng. (Đối với tôi thì ăn trước hay ăn sau khi cúng cũng đều như nhau và trái ổi nào nhai được đều là chín cả).
Có tiếng kêu của anh Vui làm tôi quay đầu nhìn ra vườn bắp. Thân hình vạm vỡ nhưng thấp lùn của anh đang lúi húi trên những luống đất cào xới thành một hàng đều nhau.
Bà ngoại tôi có một lối đặt tên cho người làm thật đặc biệt và lạc quan. Bất cứ người giúp việc nào, nếu đàn ông thì bà gọi là Vui và nếu đàn bà thì tên là Mừng. Nhà tôi có hai người : anh Vui lo chuyện vườn tược và chị Mừng chuyên về bếp núc nấu nướng.
Sáng nào anh Vui cũng dậy sớm vác cuốc ra vườn xới đất, tưới cây, bón phân hay nhổ cỏ dại. Tôi lại gần anh sau khi nhai nốt những miếng ổi cuối cùng trong miệng. Anh Vui nhoẻn miệng cười, điếu thuốc lá Cẩm Lệ dính trên môi anh, đong đưa nhưng không rớt, trông thật tài tình. Anh phang một nhát cuốc thật mạnh ngập sâu xuống đất rồi hất hàm hỏi tôi :
- Nghỉ hè rồi phải không ?
- Ừ. Nghỉ học ba tháng lận.
Anh Vui nhướng mắt, xoa hai tay vào nhau cho bụi đất bay đi.
- Sướng quá ta. Sáng mai nhớ ra vườn giúp tôi tưới cây nhổ cỏ nghe .
Tôi nhún vai:
- Tưới cây thì được, còn nhổ cỏ xin chịu. Mệt lắm.
Anh Vui dừng tay. Anh nheo mắt lim dim nhìn tôi, miệng bặm lại ra vẻ trịnh trọng :
- Tú sợ tôi không ?
- Không. Mắc chi mà sợ ?
- Được rồi. Chốc nữa tôi mách với bà ngoại Tú vừa mới trộm mấy trái mãng cầu quý của bà. Tối nay là giỗ ông ngoại , không có trái cây để cúng là Tú chết rồi.
Tôi thấy hơi ngài ngại, mặc dù biết anh Vui không bao giờ mách chuyện đó với bà ngoại. Anh ấy với tôi tuy tuổi tác cách xa nhau nhưng là bạn "vong niên" của tôi trong những vụ tát ao bắt cá hay bắn chim.
Tôi phải "phản công" ngay vào nhược điểm của anh Vui :
-Mách với bà ngoại là tôi trả thù anh liền, tôi không "gà" anh viết thư cho chị Mừng nữa.
Thế là anh Vui phải vội cười hề hề giảng hòa. Tôi vốn là "cố vấn" văn chương của anh Vui. Anh ấy và chị Mừng không biết phải lòng nhau từ lúc nào mà mỗi tuần hai anh chị thư từ với nhau tốn cả đống giấy pelure xanh. Bà ngoại tôi rất nghiêm nên hai anh chị ít có dịp tâm sự trực tiếp với nhau. Mỗi lần anh Vui viết thư cho chị Mừng là phải kiếm tôi góp ý kiến.
Vì mấy đồng bạc hối lộ của anh, tôi lúc nào cũng cố gắng tưởng tượng ra những câu văn diễm tình hết sức bóng bẩy, rất là cải lương nhưng anh Vui lại khoái ghê lắm.
Đại khái như :
"Buổi chiều hôm qua tại sao Mừng lỗi hẹn với tôi. Tôi đứng cô đơn trên cầu Bến Ngự, nhìn sông lững lờ trôi mà trong lòng nổi lên cơn bão tố tơi bời. Tại sao Mừng không đến ? Phải chăng những lời nói hôm nào của Mừng chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi...
Ký tên :
Vui, một người đang buồn bã."
Tôi khoái chí nghe anh Vui nói hứa cuối tháng này sẽ xin bà ngoại dẫn tôi về quê anh chơi, ở dưới làng Sình thường có đấu vật và đua ghe. Tôi cũng hứa với anh tối nay tôi sẽ thảo cho anh một lá thư nữa thật văn hoa.
Có tiếng ho nhẹ của bà ngoại từ trong nhà. Bà ngồi trên ghế trường kỷ, mái tóc bạc và gọng kính trắng hiện ra sau khung cửa sổ. Bà đang pha bình trà điểm tâm buổi sớm, khói nhẹ bay vào không khí một mùi thơm dịu dàng quen thuộc. Những cánh bông tường vi lả tả tẩm trong bình trà tàu sôi nóng, làm tách trà thêm phần hương vị.
Bà ngoại ngạc nhiên hỏi tôi sao dậy sớm thế, bà quên mất là tôi đã được nghỉ hè. Tôi trả lời bởi vì sáng nay tôi không phải làm điều gì cả. Nếu biết buổi sáng có công việc gì là tự dưng con ma ngủ dìm chết tôi trong giường đến thật trưa.
Bà ngoại hút một điếu thuốc lá Mélia vàng nặng kinh khủng. Có lần tôi trộm của bà một điếu hút thử, khói đắng nghét và nóng đốt cháy cả cuống họng, không thấy ngon lành gì cả.
Buổi trưa nắng dát đầy sân nhưng trong khu vườn vẫn có nhiều bóng má . Tôi ngồi dưới bóng một cây nhãn già cỗi, nhìn vẩn vơ mấy con ốc sên màu xám như bùn đất, bám trên bờ ao cạn nước.
Đợi đến khi nắng bớt gay gắt, tôi đem chiếc xe đạp ra chùi bóng loáng, siết thắng lại thật chắc, cho thêm dầu mỡ vào sên xe để khỏi bị trật sên bất thần giữa đường.
Rồi với hai chục đồng của bà ngoại mới cho cất kỹ trong túi áo, tôi vội vàng phóng xe đi tìm mấy thằng bạn thân, trong bụng nôn nao nghĩ đến một buổi chiều rong chơi thú vị.
Thuở ấy tôi có ba thằng bạn nối khố thân thiết nhất : Duy, ốm tong, mặt mũi trắng trẻo hiền lành như con gái, thường đứng nhất lớp ; Sơn, thằng chuyên môn sưu tầm được những kiểu áo quần mới lạ ; và Toại, thằng Bắc kỳ duy nhất trong một bọn toàn người Huế.
Ở Huế lúc đó mà được vài chục đồng là thấy đời tươi đẹp lắm rồi. Cả bọn bốn thằng nghênh ngang lái xe đạp dàn hàng bốn chật cả đường lang thang khắp cả. Trên con đường ven bờ sông Hương ngợp bóng phượng, qua cầu Trường Tiền tóc tai bay bổng mát rượi nhờ gió thổi từ dòng sông, vào những con đường bóng mát thật êm ả trong Đại Nội.
Bọn tôi đạp xe lên ga xe hỏa, chui vào quán trước ga, làm mỗi đứa một ly chè đậu xanh đánh trộn với nước đá bào lạnh ngắt, ngọt lịm và ngon lành tuyệt trần. Xong xuôi cả bọn lại phóng xe ngược về phố ,vào quán kêu bốn ly cà phê đá. Còn dư đồng nào mua vài điếu thuốc lẻ, cũng ngậm điếu thuốc trệ xuống ở môi, nhả khói um sùm như những tay giang hồ từng trải.
Uống gần hết ly cà phê thì Sơn nhắc :
- Tụi mình đến trường bây giờ là vừa rồi. "Tụi nó " sắp bãi học rồi.
Toại đứng dậy, đồng ý :
- Mau lên kẻo hụt. Hôm nay là buổi học cuối cùng của "tụi nó".
"Tụi nó" đây là bốn cô nữ sinh đẹp nhất trường tôi. Ở Huế, mọi người đều biết "yêu" rất sớm, và người nào cũng tự cho mình cái quyền được chọn bất cứ cô gái nào xứng đáng nhất để yêu. Mỗi đứa trồng cây si một nàng, và không bỏ sót buổi nào trong cả năm học, đến đứng chực trước cổng trường, ngơ ngẩn nhìn "người yêu" chưa bao giờ dám nói của mình cắp sách ra về.
Khi bọn tôi phóng xe đến, trường học đã bãi. Bọn con gái chuyện trò tíu tít đứng chật cả con đường trước mặt trường. Bốn đứa đạp xe đi diễu qua, đứa nào cũng làm bộ lừ đừ nhìn qua những cô gái, mặt mày làm ra vẻ tỉnh bơ. Trong bụng thằng nào cũng đang nghĩ rằng có cả chục nàng đang thán phục nhìn mình.
Duy đập mạnh vào vai tôi :
- Nga "của mày" kìa !
Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của Duy và tim đập liên hồi như trống trận.
Nga xinh xắn biết bao. Nàng nổi bật hẳn trong đám đông như một ngôi sao băng. Đôi mắt thật to đen, mái tóc buông ngang vai óng ánh cùng với chiếc áo đầm trắng trông nghịch ngợm như một con bướm nhỏ. Giọng nói cũng thật êm ái rộn ràng nữa. Tôi biết được điều này bằng cách nghe lóm nàng nói chuyện với mấy con bạn. Tôi thì chưa bao giờ dám nói với nàng một câu.
Tôi vội phóng xe mình khỏi đám bạn, đạp nhanh một quãng khá xa rồi vòng trở lại đối mặt với Nga. Khi chiếc xe đạp của tôi phớt nhanh qua Nga, tôi bắt gặp trong một giây ngắn ngủi đôi mắt của Nga nhìn mình, nhưng ánh mắt ấy thật khó hiểu, không biết có được một chút cảm tình nào chăng.
Tôi tin là bộ vó của mình lúc ấy cũng "kẻng" lắm. Áo nyl-france màu xanh rộng thùng thình như áo choàng của hiệp sĩ, quần jean bó với những hàng nút gắn hai bên nẹp quần ("Mốt" thịnh hành nhất ở Huế thời đó). Hai chân đạp xe dang ra khuỳnh khuỳnh. Trông yên hùng như đang phi ngựa. Tôi chỉ hối hận lúc ấy sao mình không dám cười với Nga một phát. Một nụ cười làm quen thật dễ dàng biết bao, thế mà suốt năm nay tôi chưa bao giờ dám thực hiện. Cái miệng của tôi lúc đó nửa làm nghiêm, nửa muốn cười, cứ mấp máy hoài, chắc méo mó trông buồn cười chết được.
Tôi quay đầu xe trở lại một lần nữa. Đôi mắt của Nga thoáng ngạc nhiên, môi nàng bặm vào nhau trêu chọc. Lần này tôi nhất định cười chào nàng, nhưng tôi bắt gặp đôi mắt quyến rũ ấy chiếu thẳng vào mình, tôi bỗng luýnh quýnh suýt đâm đầu xe vào gốc cây, và vội vàng phóng thật nhanh qua mặt nàng. Đầu óc tôi quay cuồng loạn xạ. Rồi cái bóng nhỏ nhắn của Nga dần xa, mất hút sau những thân cây trên vỉa hè.
Tôi trở lại với tụi bạn. Cả hai thằng xúm vào tôi hỏi "kết quả" cuộc gặp gỡ vừa rồi. Sơn chế giễu :
- Sao ? Có phát ngôn được gì không hay là nhắm mắt, câm miệng hến như thường lệ ?
Tôi nhìn những bộ mặt tinh quái một cách đáng ghét của tụi bạn. Chắc chắn bọn quỷ ấy sẽ cười chế nhạo tôi tơi bời nếu biết sự nhút nhát của tôi vừa rồi. Và cái tật nói dối lại quyến rũ tôi. Tôi nhún vai :
- Lần này thì tao thành công vĩ đại rồ . "Em" cười chào tao, tao đứng nói chuyện với "em" lâu lắm, còn hẹn mai đến nhà chơi nữa.
Duy nheo mắt nghi ngờ, nó suy bụng ta ra bụng người :
- Xạo hoài cha nội. Mày mà dám nói với con Nga một tiếng là tụi này đi đầu xuống đất hết.
Tôi bừng mặt, nổi sùng thách thức :
- Được rồi. Đạp xe rượt theo Nga mau, xem tao biểu diễn. Tụi mày dám cá gì không ?
Ba thằng bạn vốn biết rõ tính nhát gái của tôi, chúng không ngần ngại xúm nhau cá liền. Toại đề nghị :
- Mày cứ trổ tài đi. Nếu mày dám nói với con Nga một câu, tụi tao đãi mày đi xi nê. Rạp Tân Tân đang chiếu phim Rio Bravo, một phim cao bồi thượng hạng. Nếu mày vẫn câm, tụi tao "nghỉ" chơi mày ra.
Tôi gật đầu đồng ý và rủ tụi bạn phóng xe rượt theo Nga. Nhà nàng ở gần trường nên chúng tôi phải cố chạy nhanh kẻo nàng vào nhà là mất một dịp đánh cuộc.
Tôi nhìn thấy tấm lưng áo trắng của Nga hiện ra gần trước mặt, hai gót chân nàng mềm nhỏ như miếng bánh kem sữa tung tăng trong đôi giày màu vàng. Bỗng dưng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng vì nghĩ rằng có lẽ mình sẽ thua cuộc, mình sẽ không dám hé răng thốt một lời "phạm thượng" nào trước đôi mắt quá đỗi thiên thần của Nga. Tôi hồi hộp còn hơn là dở tài liệu ra quay trong lớp vào mùa thi. Một thằng quỷ nào đó ở đằng sau bỗng bóp còi xe kêu rổn rảng thật chói tai. Nga giật mình quay đầu lại, nàng ngạc nhiên rồi đôi lông mày hơi nhíu gần nhau tỏ vẻ khó chịu.