Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Ở LẠI - Duy Nguyên

 

Tôi đứng dậy trong tiếng động ngoài phòng khách. Tiếng dép đi từ phòng anh Huy ra. Trời lạnh, vùi đầu vào trong chăn tôi vẫn phân biệt được hai tiếng chân khác nhau. Tiếng kéo cửa vặn quả đấm thật lâu, tiếng chân kéo lười biếng trên nền gạch chắc chắn không phải là anh Huy của tôi. Anh Huy thì lúc nào cũng vội vã, nói tiếng này đuổi tiếng kia. Cái tiếng dép kéo lê trên gạch hoa giúp tôi hình dung ra bước chân buồn bã, lười biếng. Cũng như cái tính gàn gàn của anh, bạn anh Huy. Tách. Tiếng bật điện và qua khe cửa tôi thấy ánh sáng tràn ngập ngoài phòng khách. Rồi hai người sẽ rút thuốc hút, nhả những vòng khói tròn lên trần nhà. Tự dưng tôi bỗng thích những khói tròn đó. Chúng quấn quít lấy nhau bay lên thật cao rồi tan loãng. Rồi hai người sẽ pha cà phê. Cà phê đen, thật ít đường. Hai tách cà phê, ngồi uống trọn buổi sáng. Tôi không tài nào hiểu được mấy ông con trai, dùng cà phê đen, đắng như thuốc bắc. Nó bí hiểm như những chất kỳ lạ làm thuốc bắc. Nó bí mật như anh, như anh Huy và như tất cả những người con trai hôm nay.

Tôi không biết bây giờ là mấy giờ. Vừa nghe tiếng chuông đồng hồ đánh lên một bản nhạc nửa giờ. 4 giờ rưỡi hay 5 giờ rưỡi? Cái cửa sổ lúc tối tôi khép sơ một cánh, nhìn ra vẫn tràn ngập bóng tối. Không thấy giàn hoa giấy, không thấy chậu lan của anh tặng. Thoang thoảng mùi hương bay vào. Mùi hương của đủ loại hoa ngoài vườn và trộn lẫn mùi lá cỏ, sương đêm. Tôi thích hoa ngọc lan, mê mùi hương dịu dàng của hoa. Mỗi ngày tôi đều để trong phòng tôi một dĩa hoa. Và tôi ngủ trong hương thơm êm ả đó. Anh Nghĩa bảo chắc tôi định tự tử bằng hoa hay sao. Và anh mở ra một cánh cửa sổ, trong đêm thứ hai anh ở nhà tôi. Ở trong phòng tôi với anh Huy tán dóc. Ở trong thành phố buồn bã của tôi. Vâng, tôi muốn nói của tôi bởi vì tôi mến yêu thành phố này lạ lùng. Ở đây, đời sống của tôi bình thản, ở đây tâm hồn tôi mênh mang, êm ả như những loài hoa. Đời sống như một giòng sông hiền hòa.

Căn phòng của tôi cũng như tôi, cũng như thành phố đang sống. Phẳng lặng và êm đềm. Chừng ấy tiếng động. Bấy nhiêu thay đổi giới hạn. Sạch sẽ và khuôn mẫu. Từ bao nhiêu năm nay rồi. Từ thuở má tôi, dì tôi. Cái giường lên nước bóng, kê sát cửa sổ. Thường tôi ngủ quay đầu vào trong, ít khi dám nhìn ra cửa sổ. Tôi thích những đêm sáng trăng, nhưng trăng thường làm tôi mất ngủ. Một mình tôi một giường. Rộng rãi, riêng tây. Năm nay tôi gần mười bảy tuổi, đầu tôi và chân tôi chạm vừa vặn hai thành giường. Trong nhà tôi, so với con gái có lẽ tôi là người cao nhất. Tôi nhớ hôm kia anh Nghĩa nói anh thích những người con gái tóc dài, có dáng thon thon. Như tôi vậy đó. Tôi lắc đầu cười, tôi mà được như vậy à, tôi gầy như con mắm chứ thon gì, tôi đen như con lọ lem vậy. Anh Nghĩa cười nói tôi xạo hoài. Phía bên trái cửa sổ có treo một cái gương. Chung quanh viền chạm trổ thật đẹp, gương hình bầu dục. Nhưng tiếc là nhìn vào mờ mờ như xem phim thời hát bóng câm. Anh Huy bảo cái gương đó chắc của bà ngoại ngày xưa dùng. Tôi cười khi nhớ rằng ngoại tôi đã già, đã hơn tám mươi. Vậy mà tôi quí cái gương đó, nó treo trên bức tường màu ngà cũ, giống như cái gương của công chúa soi lúc nàng vừa lớn. Tôi cũng có cái gương tròn của nhỏ bạn tinh nghịch tặng năm tôi vừa 16 tuổi.

Cái bàn học của tôi cũng rất xưa. Mặt bàn chạm trổ xà cừ. Tuy nhiên hãy còn chắc lắm. Ghế cùng loại với bàn. Phòng có 2 cái ghế. Một của tôi học bài, một để không. Tôi nhớ ngoài những người thân trong gia đình, anh Nghĩa là người đầu tiên ngồi trên chiếc ghế đó.

Trong phòng tôi còn có một tủ nhỏ đựng quần áo, vài bức tranh phong cảnh xưa. Tất cả những thứ đó, này bàn, ghế, này giường, gương, tủ đã là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống ổn định của tôi. Cái khung cửa sổ nhìn ra giàn hoa giấy, gốc ngọc lan nay lạ với tầm mắt tôi vì có một chậu lan treo lủng lẳng của anh Nghĩa mang về từ Đà Lạt. Đời sống của tôi cũng có những tiếng động quen thuộc, trong phòng, trong nhà ngoài giờ đi học. Một số tiếng động quen thuộc. Tiếng hàng bánh cuốn, tiếng reo mừng của lũ em, tiếng đùa giỡn, tiếng guitare của anh Huy, tiếng hát ông ổng mỗi lúc anh ấy đi đâu về.
 
Có một vài tiếng động mới lạ, chưa quen thuộc với tôi. Như tiếng mở cửa lúc chưa sáng, tiếng chân kéo lê chậm chạp, tiếng muỗng quậy cà phê. Những tiếng động đó của anh Nghĩa, những tiếng động lạ trong cuộc sống ổn định của tôi. 

Tôi lắng nghe và chờ đợi. Chỉ nghe rất nhẹ tiếng động của hơi thở nhả khói, tiếng quậy cà phê. Không nghe hai người nói chuyện. Tôi chờ đợi giọng nói trầm hơi giống tiếng con gái, không nhanh mà cũng không chậm, cất lên. Tiếng động và hình ảnh, một buổi xế chiều đã đến, cách nay một tuần, hình như làm khác đi đời sống bình lặng của tôi. Hình như thế, không có gì chắc chắn lắm đâu.

Anh Nghĩa từ Đà Lạt đến thành phố này, vào cổng nhà tôi một chiều thứ ba. Va ly nhỏ trên vai, tay cầm lủng lẳng mấy nhánh lan, áo pull xanh, quần đen và bạc thếch. Xa lạ và ngỡ ngàng trước cổng nhà tôi. Lúc đó tôi đang định hái vài cành ngọc lan, chợt nhìn thấy cái hình ảnh phong trần đó đập vào mắt tôi, gợi sự chú ý và làm tôi nhớ tất cả những gì trên người anh. Nghĩa vẫy tay gọi tôi, bỡ ngỡ:

- Có phải đây là nhà Huy không ạ?

Tôi gật đầu, mỉm cười và mở cổng. Nghĩa ngước nhìn giàn hoa giấy vàng nghệ khen đẹp và nói chắc tôi trồng phải không? Tôi cười.

- Căn nhà này đẹp quá nhỉ!

- Nhờ có hoa đấy anh ạ, anh xem căn nhà xưa từ thời Gia Long đấy mà.

- Tôi thích những căn nhà xưa, thật xưa cũng được. À, mà cô tên gì thế? Tôi tên Nghĩa, Trần Duy Nghĩa, ngày xưa học chung với anh Huy...

Quỳnh Tiên, tôi nhắc tên tôi, tôi đọc tên tôi lên. Nghe vô nghĩa và chẳng có gì thực tại trong đó. Quỳnh Tiên. Thế mà anh Nghĩa khen tên tôi đẹp, đặc biệt.

Lúc đi ngang phòng tôi vòng ra sau nhà, tôi dừng lại ném mấy đóa ngọc lan lên giường. Anh Nghĩa sừng lại ngắm và hỏi:

- Phòng Quỳnh Tiên đấy à?

- Vâng, anh xem có xưa không? Anh Huy bảo có từ thời bà ngoại còn con gái như Tiên.

- Nhưng tôi thích không khí lạnh lẽo, cổ lỗ đó. Tiên sống trong phòng đó giống như một nàng công chúa lắm!

Cả hai chúng tôi cùng cười. Hình như cử chỉ của tôi hơi lúng túng, bước chân tôi đi không vững vàng. Anh Nghĩa bảo phải có chiếc lồng chim nhỏ treo ở cửa sổ thì nhất. Rồi anh lấy một chậu lan treo lên thành cửa sổ.

Những ngày sau đó, tôi, anh Huy, anh Nghĩa đi chơi khắp nơi. Sẵn dịp tết dương lịch, tôi nghỉ luôn ngày thứ hai. Cả ba người đi khắp thành phố, vào những quán kem, những nơi rất lạ lùng với tôi. Hôm chúa nhật chúng tôi về quê ngoại, một làng nhỏ trong quê. Tôi chẳng biết vô tình hay cố ý, anh Huy trợt xuống ruộng. Đôi giày dính đầy bùn, anh Huy xin ở lại để ra suối rửa giày rồi sẽ vào sau. Thế là tôi và anh Nghĩa đi trước. Trời lành lạnh và gió nhiều. Hai tà áo của tôi vướng vít bước chân, làm tôi suýt mấy lần ngã xuống ruộng. Trời lạnh từ vài bữa nay, sáng qua tôi lôi chiếc áo len hồng cất kỹ từ năm ngoái ra mặc. Và tôi thấy nó xa lạ với tôi. Chật thêm và không còn xinh xắn như mùa đông năm ngoái. Vì thế nên tôi đành phải chỉ mặc áo dài. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ. Chuyện những tờ báo mà tôi đọc, hỏi về những ông văn sĩ. Chuyện học hành, chuyện thời tiết. Tôi hỏi anh lúc này chắc trên Đà Lạt lạnh lắm nhỉ? Anh Nghĩa gật đầu, nói anh thích thời tiết ở đây hơn. Trời lạnh nhưng có mặt trời và có gió. Chả bù với Đà Lạt chỉ có mây mù, cả tháng không thấy mặt trời. Anh kể tôi nghe về thành phố sương mù đó. Những địa danh xa lạ, những thắng cảnh mà tôi chưa từng đặt chân đến: thác Prenn, Valley d'amour, đập nước Suối Vàng, Đỉnh gió hú... Những con đường mà tôi chưa bao giờ nghe đến, chưa hình dung ra. Những vườn hồng, những con đường anh đào, những thung lũng hoa quì vàng. Tôi biết, ở nơi đó cũng có những cái quen thuộc của anh. Những con đường, những con gái má hồng, những tiếng động chẳng hạn. Anh Nghĩa bảo tôi khi nào rảnh lên Đà Lạt anh sẽ dẫn đi chơi. Tôi nghĩ đến kỳ thi sau tết, không biết tôi có đậu không mà đi? Mà còn Huy nữa, chả lẽ tôi lại đi một mình à?

Thành phố này thật dễ thương! Anh Nghĩa bảo thế. Ở đây đời sống bình lặng. Như giòng sông vẫn chảy. Như cây cỏ tự nhiên lớn. Anh kết luận đây là nơi dưỡng già tốt nhất. Tôi cười - "Nhưng tụi mình còn trẻ mà anh". "Tiên không biết chứ, bọn anh đôi lúc thấy tâm hồn mình già hơn những người già nhất!"

Vâng, tôi còn trẻ. Tôi gần mười bảy tuổi. Như anh Nghĩa nói, thành phố này dành cho những người già. Ngôi nhà, căn phòng tôi ở cũng vậy. Bây giờ sau những ngày đi chơi khắp thành phố, tôi quả thật hơi chán nản. Đời sống không còn cái bình thản dễ yêu nữa. Đời sống đã vẫy tay gọi tôi, xui tôi nghĩ đến những nơi khác. Như Đà Lạt của anh Nghĩa chẳng hạn. Ở đó có những ngọn đồi toàn là thông. Tôi và anh Nghĩa đi trong đó, giữa thiên nhiên, chỉ có hai người, tôi sẽ được đi thăm tất cả những thắng cảnh của thành phố quyến rũ đó. Ý nghĩ đó làm tôi nóng bừng đôi má.

Bây giờ chúng tôi đang rẽ vào con đường nhỏ. Ở đây thật yên lặng. Tiếng gió xào xạc trên những tàu dừa, tiếng lúa reo, tiếng con lạch nhỏ chảy róc rách. Tôi nhìn quanh, không có ai cả. Anh Huy còn ở một nơi nào đó. Cả hai chúng tôi im lặng như thế cho đến khi tới nhà ngoại. Ngoại ngạc nhiên quá khi tôi đi với một người lạ hoắc. Mọi khi, với ngoại tôi hay tía lia, nhưng sao giờ tôi chẳng giới thiệu anh Nghĩa với ngoại. Tôi chào ngoại xong bỏ ra ngoài cổng đợi anh Huy. Tôi đứng bối rối bứt mấy hoa vạn thọ, xé ra từng sợi. Chúng tôi đứng dưới giàn dưa tây, hình như đợi anh Huy lâu lắm. Lúc thấy mặt anh Huy cười hì hì, tôi thấy ghét lạ. Tại sao anh lại dẫn bạn anh đến ở một tuần lễ, tại sao anh quen anh Nghĩa, để tôi phải bối rối vô cùng lúc này. Đáng lẽ hôm nay chúa nhật, tôi nằm nghe radio trên cái giường cổ xưa đó. Để tôi nối tiếp chuỗi ngày bình thản từ nhỏ đến giờ.

Trong những ngày đi chơi đó, tôi rất vui vẻ. Đó là những ngày vui bất ngờ trong thời khóa biểu nhất định của tôi. Thành phố của tôi trở nên lạ lùng, thay đổi hẳn trong cảm tưởng của tôi trong lúc đi với anh Nghĩa. Cũng như nhà tôi, phòng tôi. Ngày nào tôi cũng cắm những hoa bươm bướm trong bình nhỏ xíu. Tất cả mọi vật quanh tôi đều thay đổi, cuộc sống trong tuần lễ đó cũng không còn bình thản, thay đổi như những chuyến đi bất ngờ không định trước. Sau lần đi đâu về, tôi hay nằm trên giường, quay đầu ra cửa sổ có chậu lan, lim dim suy nghĩ vẩn vơ. Lúc học bài, tôi không thể nào học vô, tờ giấy nháp chằng chịt những hình vẽ vô nghĩa. May là mùa thi chưa đến, tôi chưa thi Đệ I Lục cá nguyệt. Tôi biết chắc rằng lòng tôi có nhiều thay đổi. Tôi hay soi gương, cái gương cũ mờ mờ. Đôi lúc đứng im nhìn trong gương tôi tưởng tượng mình là nàng công chúa hay tiểu thơ cành vàng lá ngọc. Công chúa thời Gia Long như anh Nghĩa bảo. Công chúa cấm cung đến tuổi trăng tròn. Mỗi ngày nàng đi dạo trong vườn. Có hoa ngọc lan, có giàn hoa giấy, hoa bươm bướm, lối đi trải sỏi trứng, và chiếc ghế khuất trong vườn mát lạnh. Rồi công chúa biết mơ mộng, nàng hay soi gương mỗi sáng thức dậy, chải lại mái tóc dài, mỉm cười với người đẹp trong gương. Nàng hát nhỏ mỗi lúc đi ngủ. Tuy nhiên đời sống nàng vẫn bình thản. Rồi một chiều hoàng tử đến. Như một cánh bướm lạ, như một khách lãng mạn đến vườn của nàng, làm công chúa ngây ngất, nàng làm điệu hơn, nàng biếng dùi mài kinh sử. Nàng đã gặp tiếng sét. Đêm ngủ nàng nằm mơ thấy hoàng tử. Dáng người cao, gàn gàn, bước đi chậm chạp, chán nản ; giọng nói trầm trầm, mái tóc bồng bềnh. Hoàng tử, như một vị thiên thần ngự giữa tim nàng, cao sang, sáng chói hơn cả phụ vương và hoàng hậu. Quỳnh Tiên sống trong cung điện cổ xưa từ thời Gia Long. Anh, có phải anh là hoàng tử không, Nghĩa?

Những ngày vui bao giờ cũng qua mau. Đó là những ngày thay đổi không khí cho cuộc sống bớt buồn tẻ. Tôi, cũng sống khép kín như Trang trong Để tưởng nhớ mùi hương. Rồi Nghĩa cũng như Ninh, bỏ lại cho tôi ngày tháng tiếp nối! Không biết chừng nào anh Nghĩa đi. Thôi, đi đi cho rồi. Tôi còn một kỳ thi năm này.

Tiếng khuấy cà phê ngoài phòng khách thỉnh thoảng vang lên. Rồi tiếng muỗng rơi xuống đáy ly, âm thanh vỡ rạn. Tôi không tài nào ngủ được nữa, lắng nghe những tiếng động ngoài phòng khách vọng vào. Xé bao thuốc nghe rõ mồn một, rồi tiếng bật lửa. Thật lâu rất im lặng. Tôi biết chắc là có 2 người, vì tiếng chân anh Huy ra sau một tí. Tôi như khắc khoải chờ đợi những tiếng nói cất lên, để tôi biết hai người còn đó. Lát nữa đây trời sáng tôi sẽ đi học. Hôm nay thứ ba, mau thật, vậy mà anh Nghĩa đến đây đã được tuần lễ.

- Cậu soạn quần áo xong chưa?

- Rồi.

Tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng. Như vậy là anh sẽ đi, sáng nay phải không? Tôi nhắc tên anh, nghe vang vang trong đầu kỳ hoặc. Môi tôi se đắng, tôi chưa chuẩn bị cho một từ giã, một cánh chim. Tôi không chuẩn bị được như lần anh đến, lần đi chơi bất ngờ, và một lần ra đi. Một lần vui và một lần buồn. Vui và buồn chỉ một lần thôi, nhưng rồi còn những ám ảnh, những mỏi mòn chờ đợi sau này. Tất cả đều chỉ một lần mà thôi, một lần tình cờ anh đến! Hoa hồng nở trong tim em rồi sau này lại có loài hoa khác. Hoa pensée hoa tương tư đó anh!

Tiếng đàn vang lên từ đồng hồ, chia thời gian ra từ mảnh. Rồi trời sáng tôi đi học. Rồi mờ sáng anh ra đi.

- 5 giờ rưỡi rồi, 6 giờ tớ phải lên Sàigòn sớm.

- Cậu uống cà phê nữa?

- Cũng được.

Tiếng chân vội vã của anh Huy xa dần. Tôi muốn xuống giường, ra nói chuyện với anh. Tôi tưởng tượng dáng ngồi trầm ngâm, chân gác lên bàn thấp, miệng phì phà điếu thuốc. Khuôn mặt kiêu ngạo, bất cần. Tôi muốn nói chuyện với anh Nghĩa, còn nửa giờ nữa anh sẽ đi. Tôi muốn nghe tiếng nói mình vang lên, xa lạ và thay đổi bất ngờ. Muốn như thế, nhưng tôi vẫn nằm yên trên giường, nhìn ra cửa sổ, nơi đó có chậu lan.

Tôi nghe tiếng chân anh Nghĩa đi ngang phòng tôi, dừng lại. Vội vàng trùm chăn kín đầu tôi nằm giả vờ ngủ. Cửa mở nghe tiếng rít ê cả răng, anh quay sang hỏi:

- Chằng biết Quỳnh Tiên thức chưa, cậu?

- Ối, con bé đó mà, công chúa còn ngủ đến sáng!

Cửa phòng tôi khép lại, hé một góc chăn tôi thấy gương mặt mờ mờ, điếu thuốc trên môi lập lòe. Rồi tiếng chân trở ra phòng khách, ngồi xuống, khuấy cà phê. Tôi, tôi không muốn nghe lời từ biệt, tôi muốn anh ra đi, ra đi âm thầm, không hay biết. Sáng thức dậy tôi có một cặp mắt ướt, tại vì anh đó, Nghĩa. Người đi bao giờ cũng vui vẻ, chỉ có kẻ ở lại là buồn. Ra đi dầu có buồn, nhưng trời cao, thành phố lạ, trở về nhà vẫn vui như thường. Ở lại, với những kỷ niệm còn đầy ắp, chứa cùng khắp căn nhà, làm sao quên được.

Tôi nhớ đọc một đoạn văn ở đâu đó, đại ý người ta sống với những hình ảnh, một số tiếng động quen thuộc. Nói sống thế này thế nọ đều là văn chương, tiểu thuyết. Tôi cũng có một số tiếng động, hình ảnh quen thuộc và một số lạ. Do anh Nghĩa mang đến. Ở một thành phố nào đó xa lắc, anh cũng có những hình ảnh quen thuộc. Anh sẽ gặp lại, thân áu, trong nỗi vui mừng. Cuộc sống của anh không có tôi dự phần trong đó, không có Quỳnh Tiên. Với anh, chẳng có hình ảnh, tiếng động nào đó xa lạ do tôi mang đến. Nhưng anh, anh đã mang đến, đã phá vỡ cuộc sống ổn định của tôi. Để rồi anh ra đi để lại cho tôi nỗi buồn chất ngất.

Những kỷ niệm anh mang đi ở thành phố này, căn nhà này, căn phòng của Quỳnh Tiên rồi cũng quên đi, nơi xa xăm đó không gợi lại cho anh một nỗi nhớ nào. Chỉ có công chúa Quỳnh Tiên nằm ngủ nhìn chậu lan nhớ anh, soi gương nhớ gương mặt anh, nhìn cái ghế nhớ dáng anh. Và thành phố, và căn phòng, ngôi nhà thảy đều vây bọc lấy em, bóp nghẹt quả tim bé nhỏ của em mà thôi.

Sáu giờ. Đồng hồ thong thả đánh. Tôi nghe tiếng ly đặt xuống bàn, tiếng động của ghế khi anh Nghĩa đứng dậy. Và tiếng chân đi vòng ngõ sau ra đường. Ngang phòng tôi, tiếng chân chậm lại, ngừng hẳn, xong tiếp tục bước, buồn bã. Tôi nhìn ra cửa sổ, mờ mờ chậu lan, và dáng anh đi ngang qua rất chậm. Chợt tôi muốn ra chào anh, muốn nói một lời từ giã, muốn chúc anh đi đường bình yên, về thành phố gặp lại vui mừng. Dĩ nhiên là không có tôi ở thành phố sương mù đó. Ý nghĩ đó làm tôi bật khóc, tôi cắn chặt môi, chạy ra cửa sổ. Trong vùng ánh sáng rất mờ, bóng anh lẫn với bóng tối. Và tôi không nhìn thấy gì cả.

Quay vào, tôi bật điện, ánh sáng chan hòa khắp phòng. Lúc đang lúi húi xếp mùng, tôi chợt thấy một vật lạ trên bàn. Vội vàng chạy lại, tôi cầm trên tay với một cảm giác bâng khuâng khó tả. Đó là bản nhạc bằng gỗ, rất đẹp, chắc anh mua từ Đà lạt. Bên dưới có chữ "Tặng Quỳnh Tiên". Và tên Trần Duy Nghĩa bên dưới. Tôi nhìn tờ lịch, ghi ngày vào món quà. Tôi vẽ những hình vô nghĩa trên tờ giấy viết thư, rồi tôi viết tên tôi. Nguyễn Quỳnh Tiên, bên cạnh tên Trần Duy Nghĩa với hàng địa chỉ anh đọc cho tôi hôm về quê ngoại. Không biết nghĩ sao, tôi gạch hàng địa chỉ của anh, đến làm rách 2 tờ giấy. Tôi không muốn nghe đến, nhìn thấy thành phố của anh. Vì ở đó có những người con gái má hồng mà anh quen biết. Tôi sẽ không lên thành phố đó đâu, tôi không thèm viết thư cho anh đâu, Nghĩa. Anh sẽ chẳng nhớ gì đến tôi, con bé xấu xí này, phải không?

Với món quà trên tay, tôi soi lại gương. Chiếc gương cũ từ thủa ngoại tôi còn như tôi. Tôi đứng lặng yên nhìn tôi. Tóc tôi đen và dài, môi tôi hồng, mắt tôi to và đỏ ướt. Tôi nhìn tôi trong gương. Chăm chú, tò mò như nhìn một người nào khác. Nhất là cặp mắt của tôi, đỏ hoe và có giọt nước lăn xuống má. Tất cả như một tấm ảnh cũ, chụp  từ lâu lắm, trầy trụa và khuôn mặt vừa lớn của tôi buồn bã trong đó.

Hôm đó tôi gần mười bảy tuổi?


DUY NGUYÊN     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 41, tuần lễ từ 9-3 đến 16-3-1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét