Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

DÒNG MÁU ĐỨT QUÃNG - Thế Lữ

 


Năm giờ sáng hôm ấy, hai người cảnh sát hết giờ đi tuần đêm, đang từ cuối phố hàng Đẫy thong thả đi xe đạp về bóp chính Bờ Hồ, bỗng có tiếng gọi đằng sau :

- Ông đội xếp ơi! Ông đội xếp ơi!

Hai viên cảnh sát cùng quanh xe trở lại, thì thấy một người đàn ông mặc quần áo nâu từ xa chạy lại, vừa vẫy tay, vừa gọi rối rít.

Một người cảnh sát càu nhàu :

- Suốt đêm không sao, bây giờ mới lại sắp giở chuyện.

Rồi xẵng tiếng hỏi người đàn ông đang tiến lên :

- Cái gì mà ngậu mãi lên thế?

Người kia đứng dừng lại trước hai cái xe đạp, hổn hển thở ra được một câu nhát gừng :

- Thưa hai ông... ông cai Bốn bên nhà tôi... sáng hôm nay... thấy nằm chết... ở... trước cửa.

- Trước cửa nhà ai?

- Nhà ông ấy.

- Nhà người ấy ở đâu?

- Ở bên nhà tôi.

- Mà nhà tôi ở đâu chứ?

Người đàn ông thở mạnh một hơi rồi thưa :

- Bẩm ở ngoại ô, bên đường cái. Tôi toan lên bóp trình, đến đây thì gặp hai ông... May quá!

Hai người cảnh sát tức khắc đạp xe xuống phía Ô Cầu Giấy. Người đàn ông chạy theo, vừa thở vừa thuật :

- Sáng hôm nay, tôi dậy sớm, mở cửa ra thì thấy cái cửa liếp nhà ông cai Bốn đổ xuống bên đường, rồi tôi trông thấy ông ta nằm chết trên đó, tôi sợ quá vội đi trình Cẩm... Hai ông đến mà xem.

- Trên người có thương tích gì không?

- Tôi không biết.

Qua dãy đèn điện thành phố, đi chừng năm phút nữa thì đến một lớp nhà lụp sụp ở bên tay trái. Một bọn bảy tám người, vừa đàn ông vừa đàn bà, trẻ con đang xúm xít trước gian nhà lá cuối cùng. Người đàn ông áo nâu chỉ tay nói :

- Nhà ông cai Bốn ở đấy.

Bọn người thấy "đội xếp" đến thì đứng rẽ ra hai bên. Hai viên cảnh sát liền trông thấy xác một người đàn ông lực lưỡng, trạc độ ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, mặc quần tréo go thâm, áo cánh trắng. Người ấy nằm ngửa, đầu về phía đường, đè lên cánh cửa liếp, nét mặt trông già dặn mà không đều, hai mắt mở rất to, nhìn lên mái nhà một cách dữ dội, cái cằm vuông nổi cả xương quai hàm lên, mồm hơi mở, để hé ra hai cái hàm răng cắn chặt lại. Một tay người ấy bấm xuống mặt liếp, còn một tay thì đặt ngang mình. Một chân gập lại bị đè dưới một chân duỗi thẳng.

Cảnh tượng ẩy tỏ ra người đàn ông kia chết một cách khác thường lắm.

Nhưng sao trên người không có qua một vết thương nào? Hai viên cảnh sát đương cúi nhìn, bỗng một người nói :

- Kìa, ông nhìn trên ngực người chết xem, kia kìa, ở phía dưới cái cánh tay để ngang bụng ấy. Hình như những giọt máu thì phải...

Người cảnh sát thứ hai gật đầu :

- Ừ, phải đấy, có nhẽ là những giọt máu thực.

Quả nhiên là ở phía bụng trên người chết có đến năm, sáu giọt máu đỏ thẫm, to bằng đầu đũa một, chạy thành một hàng trên chiếc áo cộc trắng. Nhưng ngoài những vết máu không biết từ đâu mà có ấy, thì không thấy thương tích nào.

Hai người cảnh sát xem xét xong, cùng đứng lên nhìn nhau, cùng có một ý nghĩ giống nhau, nên cùng nói :

- Thực lạ lùng!

Rồi một người quay lại hỏi :

- Thế vợ con người chết đâu?

Người đàn ông lúc nãy thưa :

- Không thấy vợ con gì cả. Ông ta mới đến ở đây được ba, bốn tháng.

- Làm nghề nghiệp gì?

- Bẩm, ông ta làm Cai lục lộ.

- Không ai thổi nấu cho ư?

- Bẩm có. Trước thì ông ta ăn cơm hàng trên phố, vì phải đi vắng cả ngày. Sau ông ta nhờ chúng tôi thổi nấu cho...

- Có hay cãi nhau, đánh nhau bao giờ không? Có ai thù oán không?

- Bẩm, ông ta hiền lành lắm, không mất lòng ai bao giờ... Cũng không chơi bời gì bao giờ... Làm ăn kể cũng được khá tiền, nhưng ông ta tiếng vậy mà thỉnh thoảng lại khó ở trong mình, phải uống thuốc luôn, nên ăn tiêu cũng không được rộng rãi lắm.

Người cảnh sát lại hỏi :

- Thế ra người này đau yếu luôn ư?

- Bẩm vâng. Nhưng mấy hôm nay ông ta phải bận đi làm cả ngày thì lại ra dáng khỏe mạnh. Tối hôm qua, ông ta còn sang đánh cờ với tôi và ông phó Nhớn bên nhà mãi khuya mới về ngủ. Bên này tôi còn nghe thấy ông Bốn quạt và thỉnh thoảng lại kêu bức.

- Chúng tôi cũng vì trời nóng, mãi đến hơn một giờ đêm mới ngủ được, mà vẫn không thấy nhà ông Bốn có chuyện gì.

- Thôi được rồi. Khai thế là đủ.

Nói đoạn viên cảnh sát quay lại bảo người bạn đồng sự :

- Ông đứng đây coi, để tôi về sở trình. Đừng cho ai vào trong nhà kia nhá!

Viên cảnh sát vừa nhảy lên xe đạp thì mấy người đàn bà hàng xóm hình như sợ liên lụy đến mình, nên tìm những lời lễ phép kể cho viên cảnh sát đứng coi đó về cách ăn ở của ông cai Bốn. Họ hết lời tỏ lòng thương hại cho con người hiền lành tử tế như thế mà lại chết một cách thảm hại như thế. Cái tình lân lý của những kẻ già mồm hay chửi nhau kia, có lẽ chưa bao giờ đằm thắm bằng lúc này. Nhưng họ thấy người cảnh sát khoanh tay đứng đó, nét mặt vẫn thản nhiên, vẫn lạnh lùng, nên phải đành những tiếng chép miệng, thở dài với những lời xót thương cho các người qua đường nghe vậy.

Trong bọn người chen chúc nhau, có một người thiếu niên, đầu trần, đi xe đạp với tôi là chú ý đến việc này.

Tôi biết vụ án mạng từ lúc năm giờ sáng, chính là lúc tôi đi xe đạp bên cạnh hai viên cảnh sát ở phố hàng Đẫy và nghe thấy tiếng gọi "đội xếp" ở đằng sau. Tôi liền bỏ cuộc đi chơi sáng thường ngày của tôi và cùng đi tới đây với họ. Còn người thiếu niên kia, có lẽ cũng là người đi chơi sáng - thì đến sau tôi ít lâu.

Từ lúc viên cảnh sát thứ nhất đi rồi, tôi thấy chàng ta cứ cúi xuống hoài mà nhìn cái xác chết một cách rất cẩn thận, rồi lại ngẩng đầu chăm chỉ nhìn gian nhà. Trong nhà, ngoài chiếc giường cầu với một cái rương kê một bên không còn bày biện gì nữa. Nhưng hình như người thiếu niên còn muốn tìm ra một vật gì khác nữa thì phải, nên cứ hết nhìn cái xác lại nhìn vào trong nhà, mãi không thôi.

Tôi thấy vậy, đứng lại bên chàng ta sẽ hỏi :

- Ông cho việc này có lạ không?

Chàng ta đứng thẳng người lên, ngẫm nghĩ một hồi, rồi đáp :

- Lạ, thì còn nhiều cái lạ hơn... Nhưng thế nào mà chả có một... nguyên ủy?

Tôi ngạc nhiên trông thẳng vào mặt người kia. Chàng ta yên lặng nhìn tôi rồi nói tiếp :

- Phải, việc này thoạt thấy kể cũng lạ đấy... Nhưng xét kỹ thì cũng chẳng có gì là kỳ dị lắm... cũng là một việc thường.

- Một việc thường! Vậy ông bảo người này chết vì đâu? Trong mình còn có thương tích nào nữa không? Mà sao lại có những giọt máu lạ lùng ấy?

Người thiếu niên vuốt lại tóc mỉm cười :

- Ông hỏi tôi một cách thực thà quá, làm như trong giây phút tôi có thể trả lời ông được ngay bằng ấy câu. Nhưng thế cũng chưa phải là một cớ để nói rằng việc này không thể cắt nghĩa được.

Tôi nghĩ bụng: "Thực là giọng lưỡi trong tiểu thuyết trinh thám... Có lẽ người nói chuyện với mình đây là một tay Sherlock Holmes thứ hai cũng nên".

Từ đó tôi lại càng để ý đến người thiếu niên hơn trước. Chàng ta mặc áo trắng dài chân đi dép tóc hất ngược và dài, bù rối như không bao giờ chải. Vẻ mặt lạnh lùng và thỉnh thoảng lại như hơi có dáng mỉa mai. Hai mắt đen và sáng ở trên cái sống mũi cao.

Thỉnh thoảng chàng ta lại se sẽ gật đầu như đang hiểu ra được một điều gì mới tìm thấy.

Tôi toan hỏi thì một tiếng còi xe hơi hách dịch réo lên, báo hiệu cho mọi người biết rằng ông Cẩm đã đến.

Đám người rẽ tản mát ra để lấy lối. Viên cảnh sát đứng thẳng người lên chào lối nhà binh.

Từ trên xe bước xuống bốn người: một viên Cẩm, một viên mật thám Tây, một ông đốc tờ với người cảnh sát về báo lúc nãy.

Lúc đó mọi người bị hai viên cảnh sát bắt đứng ra xa. Tôi phần phải giữ xe đạp, phần bị chen và đẩy lùi lại đằng sau không thể nào tiến lên được, nên không biết các nhà chuyên trách tra vấn, khám nghiệm ra sao cả.

Một lát tôi ngoảnh lại định nói chuyện với chàng thiếu niên thì không thấy chàng ta đâu nữa, mà cái xe đạp của chàng ta thì thấy dựng ở một gốc cây bên đường. Tôi nhớ lại những cử chỉ của người thiếu niên và sinh ra nghi hoặc. Bụng bảo dạ: "Con người kỳ khôi thực, không biết sao lại chú ý đến người chết quá như thế nhỉ... Mà bây giờ lại lủi đi đâu mất? Không biết có liên lạc gì với cái ‘án mạng’ ly kỳ này không?"

Bấy giờ vào khoảng bảy giờ. Trên trời xanh ngắt không có một sợi mây nào. Ánh nắng về sáng mà đã thấy khó chịu.

Trong gian nhà lá, mấy nhà chuyên trách đã khám xét xong. Nhưng hình như chưa tìm ra được manh mối gì cả. Viên đốc-tờ cùng với viên chánh mật thám, vẻ mặt mệt nhọc và tư lự, vừa bước ra đường vừa chấm mồ hôi trán. Hai ông nhắc đi nhắc lại một câu nói :

- Thực là một chuyện tối ly kỳ.

Viên cầm Tây cũng đạo mạo gật đầu :

- Phải. Thực ly kỳ lắm!

Rồi họ cùng bước lên ô-tô. Trong lúc ấy thì người ta khiêng cái xác ông cai Bốn lên một chiếc xe tay để đem về nhà xác.

Tôi đứng đó nhìn theo và nghĩ bụng rằng những điều bí mật trong cái chết khác thường kia chưa biết bao giờ mới khám phá ra được, tất cũng lại vùi lấp đi, rồi quên đi, cũng như bao nhiêu cái chết tối tăm khác. Rồi tôi cứ bùi ngùi thương con người xấu số ấy hoài... Bỗng một tiếng nói đàng sau tôi làm tôi sửng sốt, ngoảnh trông lại: thì ra người thiếu niên.

Chàng ta mỉm cười bào tôi :

- Ông nghĩ gì vậy? Họ có bắt ai đi theo không?

- Họ là ai kia?

- Các nhà "chuyên trách" ấy mà!

- À! Không. Không bắt ai cả.

Người thiếu niên ra ý vui vẻ :

- Nếu vậy thì may! Bởi vì những người hàng xóm đây, cũng như ông với tôi, không có liên can gì đến việc này hết. Tôi chỉ sợ họ bắt oan, rồi làm khổ những người vô tội. Các nhà chuyên trách không thể hiểu việc này được, vì họ khám xét sơ sài quá. Nhưng có gì là lạ lắm đâu?

Tôi hỏi :

- Ồ, thế ra ông biết được những việc xảy ra ư?

- Không. Tôi đã bảo tôi cùng như ông: là một người ngoại cuộc. Nhưng cái bí mật ấy tôi lấy trí mà dò xét, tôi khám phá ra gần hết rồi.

- Ông khám phá ra được?

- Phải. Có gì là lạ? Ông hãy dựng xe đạp một chỗ rồi nhân lúc bọn người kia đang bàn tán hão với nhau, ta vào trong nhà này dò xét lại xem.

Vừa mới bước chân vào nhà, người thiếu niên đã chỉ cho tôi thấy một điều lạ: trên mặt đất đen và ẩm, có một tràng máu nữa, giọt máu cũng to bằng những giọt trên mình người chết, chạy từ một bên cửa đến dưới chiếc giường cầu. Chiếc giường này áp vào bức vách hậu ngay dưới một cái cửa sổ đóng lại bằng một mành phên. Cái chiếu cũ trên giường hơi lệch về một bên, trên mặt chiếu lại thấy những giọt máu chạy thẳng một chiều; như nối theo tràng máu dưới đất, và chạy từ thành ngoài cái giường gỗ cho đến cái cửa sổ ở bức vách sau. Trên mặt vách, khoảng trên cái thành giường trong và dưới cửa sổ, cũng có một giọt máu nữa, nhưng dài và nhỏ hơn.

Người thiếu niên nói :

- Ông có thấy cái gì khác ở tràng máu trên giường này không?

- Tôi chỉ thấy ở giữa giường hình như tràng máu đứt một quãng.

- Chính thế! Những giọt máu từ cửa vào đây vẫn liên tiếp và cách nhau thực đều... Cả ở chỗ hai chân người chết đè lên cũng vậy? Duy có chỗ này là đứt quãng đến hai gang tay. Thế nghĩa là lúc tràng máu chạy từ ngoài, qua giường mà ra ngoài cửa sổ kia thì người chết, người đã chết, ông nghe chưa, vẫn nằm trên giường, nằm ở chỗ tràng máu bị đứt. Mà khoảng máu ấy...

- Thì ở trên minh người chết chứ gi?

- Phải. Đấy ông xem. Dễ hiểu lắm.

- Nhưng sao ông biết người ấy chết rồi mới có những giọt máu trên mình?

- Vì theo lời ông đốc-tờ mà tôi nghe lỏm được lúc nãy, thì người này chết đã được hơn bốn giờ... nghĩa là vào khoảng trước hai giờ đêm. Hai giờ đêm đến giờ thì những giọt máu đọng kia không thể còn tươi như thế được: bây giờ máu mới hơi se và bắt đầu thâm dần. Vậy lâu lắm thì những giọt máu kia cũng mới có tự ba rưỡi, bốn giờ sáng.

- Thế sao người chết lúc chết thì nằm trên giường... để cho những giọt máu kỳ lạ kia nhỏ được lên mình, mà sao lại thấy nằm dưới đất?

- Điều quan hệ là ở trong câu hỏi đó.. Nhưng ông để cho tôi phân giải có đầu đuôi.

... Tôi biết rằng người ấy chết lúc hai giờ, rồi tôi lại biết người ấy chết một cách tự nhiên, bình thường, chết vì thứ bệnh mà người lao động dẫu khỏe mạnh đến đâu cũng có khi mắc phải. Đó là bệnh đau tim.

- Bệnh đau tim?

- Phải. Bệnh này, người mắc thường không tự biết hay có biết nhiều người cũng coi thường... Rồi đột nhiên, hoặc trên giường hoặc đang ngồi chơi, hoặc đang đi, bỗng lăn ra, tắt hơi, quả tim ngưng đập, không thể cứu được. Cho nên tối hôm qua, hàng xóm vẫn thấy ông cai Bốn đi lại như thường, rồi lúc ông ta chết không ai biết gì cả.

- Tôi vẫn không hiểu rõ. Ông chỉ nói cho tôi biết cái tính nguy của chứng bệnh nhưng không nói tại sao ông biết người ấy đau tim?

Người thiếu niên liền đưa cho tôi xem những mảnh giấy trắng nhỏ đã bẩn, đã nát, và bảo tôi :

- Chứng cớ ở đấy. Những chữ viết trên giấy này đã mờ nhưng cũng đủ rõ cho tôi biết được đó là những giấy gói thuốc: "Bromure de sodium" mà người ấy xin ở nhà thương Bảo Hộ. Giấy này tôi thấy rất nhiều, vứt ra sau nhà, nên tôi đoán người uống thuốc mang bệnh đã nặng lắm. Ông đã nghe ra chưa?

- Tôi nghe ra rồi. Nhưng nếu chỉ chết về bệnh thì sao đến nỗi thế kia...

- Vâng, chính vậy. Nếu không có gì xảy ra hết, nếu người chết không vì một sức gì làm cho cử động được, thì chả ai cho là lạ cả, thì các nhà chuyên trách không phải bận đến khám xét, mà tôi không được cái hân hạnh nói chuyện với ông ở đây...

... Bây giờ tôi nói đến cái điều mà ông nóng nghe... nói đến những giọt máu và cái cảnh tượng khác thường mà ta đã trông thấy. Chính những giọt máu đó là những vết tích chứng cho ta biết rằng: Có một vật bị thương, từ ngoài đường đi vào, nhảy qua giường người chết, khiến cho người chết vùng dậy, đứng xuống đất.

- Ông bảo sao? Người chết đứng được xuống đất?

- Phải, rồi như cái máy, loạng choạng nhảy lùi ra cửa rồi ngã ngửa lên chiếc cửa phên kia!...

Tôi hỏi dồn :

- Ồ, thế thì quái lạ thực! Một vật làm cho người chết đứng được dậy, vùng ra cửa... nếu vậy thì ra là... là...

- Là quỷ nhập tràng! Phải rồi, người chết bị quỷ nhập tràng... nhưng ông đừng nhìn tôi một cách kinh ngạc quá như thế... Việc này không phải là một điều quái gở đâu. Chắc ông cũng thường thấy nói rằng một người mới chết, nếu có một con mèo nhảy qua, thì sẽ đứng dậy, cử động được một lúc như có luồng điện sai khiến vậy.

- Tôi vẫn biết là thế... Nhưng vì đâu mà ông biết rằng người chết bị quỷ nhập tràng được?

- Có gì đâu? Đó là vì sau khi tôi xem xét người chết, thấy những vết máu trên bụng hắn, tôi lại thấy những vết máu giống như thế rơi trên mặt đất thì tôi thoáng có một ý kiến khác hẳn của các nhà chuyên trách: tôi nhất định tin rằng việc này không có tay người dính vào... Đã có cái ý nhất định ấy rồi, nhân tình cờ tôi lại gặp một điều "lạ" mà giá lúc khác thì mình coi thường không chú ý đến. Đó là một vết đo đỏ tôi thấy trên mặt đường đá, ngay bên cái bánh xe ô-tô đỗ trước cửa nhà này. Vì nghĩ đến xe ô-tô, và vì lại trông thấy cách đó mấy bước có một vết mờ mờ đo đỏ nữa, trong trí tôi liền nảy ra một tia sáng cho tôi đoán được các việc xảy ra. Tôi đoán rằng hồi gần sáng - lúc ấy ông cai Bốn đã chết nằm trên giường - có một con vật chạy qua đường thình lình bị xe ô-tô nghiến què một cẳng. Cửa liếp nhà ông Bốn không buộc cài ở trong. Con vật đau cuống lên, lẻn vào trong nhà, nhưng vẫn còn hoảng sợ. Nó trông thấy cái cửa sổ lúc ấy vẫn mở, liền nhảy lên giường, vượt qua cái xác chết mà ra ngoài. (Lúc qua cửa sổ, nó làm rơi cái thanh tre chống tấm phên nhỏ, cái thanh tre rơi xuống chân vách ngoài, tôi đi tìm thấy). Cái việc ấy xảy ra không đầy nửa phút... Người chết bị con vật nhảy qua vùng đứng phắt ngay dậy, rồi như một người máy không hồn loạng choạng đến gần một phút, rồi sau đến ngã ngửa lên chiếc cửa liếp kia.

Đấy, câu chuyện theo những điều tôi xét thì chỉ có thể... Nếu ông chưa tin, thì đây, tôi đã có chứng cớ.

Nói đoạn, người thiếu niên dẫn tôi ra đàng sau nhà, đi năm sáu bước nữa đến một bụi cây rậm. Chàng ta cẩn thận vạch một cụm lá ra, rồi chỉ cho tôi trông thấy một con mèo vàng to, và gầy, bị nát một nửa chân sau, đang nằm nép trong một xó. 

 

THẾ LỮ       

(Trích tuyển tập truyện ngắn Bên Đường Thiên Lôi) 

 

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

MỐI TÌNH ĐẦU - Tôn Nữ Thu Dung

 

 

 

 

 

 

 

 

Mối tình đầu tiên đã qua rất lâu
Sao đêm nay bỗng bồi hồi nhớ lại
Là tiếng guốc của một thời thơ dại
Gõ nhịp buồn đau buốt trái tim tôi.

Quán cà phê Mây Tím thuở xa xôi
Đêm thơm ngát một mùi hương Dạ Lý
Mùa hạ trong tôi là nhành phượng vỹ
Mới ngày nào nghiêng xuống lối đi xưa.

Tôi đưa em về trong những đêm mưa
Tay ái ngại chẳng dám cầm cho ấm
Cách xa nhau là hai đầu chiếc cặp
Vẫn nghe lòng xao động mãi không thôi.

Nụ hoa vàng em ngậm ở trên môi
Và chiếc lá thuộc bài trong trang vở
Có gì đâu mà tôi hoài trăn trở
Mối tình đầu xa lắc của tôi ơi!

                                       Tôn Nữ Thu Dung

 Nguồn : https://tranthinguyetmai.wordpress.com

 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

MIỀN QUÊ NỘI - Trần Ngọc Hưởng



 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ta ăn vú sữa vườn quê nội
Mơ áo lụa vàng bông lúa thơm
Tép bưởi chớm hồng từ một thuở
Mát thơm mùi nhãn trái dày cơm
 
Ăn xôi lá cẩm mê mùa cấy
Cao vút tiếng hò bóng cố hương
Điên điển trổ vàng mùa nước nổi
Phù sa bù đắp một tình thương
 
Nhớ buổi về đây bên mái lá
Nhà xưa ta dựa cột hàng ba
Uống nước dừa xiêm như đã uống
Nước mắt muôn dòng xứ sở ta
 
Ta đâu quên được miền quê nội
Lối nhỏ bạc màu hoa cỏ may
Lâu lắm không về ta vẫn nhớ
Mặn mà sóng áo lụa vàng bay
 
Hoa cỏ may buồn như đất nước
Bao năm chinh chiến vẫn điêu linh
Cay mù bụi khói miền quê nội
Cầu nguyện Tổ tiên xuống phước lành.
 
                                     TRẦN NGỌC HƯỞNG
 
------------------------------
Bài này viết và in báo ở Sài gòn năm 1968 với bút hiệu Linh Thùy. Anh Nguyễn Đức Nhân, anh ruột nhà thơ Ngọc Thùy Giang, năm 1969, chọn in vào tuyển tập Mùa Xuân Hồng trên quê hương yêu dấu rồi bị thất lạc. Đến nay, Ngọc Thùy Giang còn thuộc và đọc cho chép lại, một đứa con thất lạc 40 năm mới tìm lại được.
 

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

BÊN KIA SÔNG - Thạch Lam

 
 

Huyện lỵ nơi quê tôi là một huyện miền hạ du, cũng giống những huyện lỵ khác của nước ta, không có gì là đặc biệt. Huyện không to lắm, nhưng rất sầm uất và đông đúc. Nhờ có con đường xe hỏa đi qua, và một con sông nhỏ, nhánh của sông Nhị hà, nên sự buôn bán đâm ra thịnh vượng. Phố huyện có một giẫy - bên này là đường xe hỏa, một giẫy nhà lá trát vách hay tường gỗ, những cửa hàng nho nhỏ của người trong làng mở bán các thức lặt vặt. Trừ hai cái nhà gạch hai tầng và khá rộng: hai hiệu của người khách đến lập nghiệp ở đây không biết từ bao giờ, hai hiệu buôn to nắm hết cả quyền lợi buôn bán ở trong huyện. Sau quầy hàng bằng gỗ, lúc nào cũng thấy một hai chú Khách ngồi gảy bàn tính, và ông chủ hiệu, người béo tốt, hồng hào, đầu bóng như hòn bi, ngồi bệ vệ trong ghế bành, luôn tay châm mồi lửa vào cái điếu thuốc lào. Những người khách chú ấy, và cái cửa hàng đồ sộ của họ, là những người vật lần đầu gây cho tôi hình ảnh của sự giàu có, bởi làm cho tôi đoán thấy một nước lạ ở đâu đâu, nước kỳ dị mà họ ở đấy đến đây; thường ngày, có khi hàng giờ, tôi dừng lại đứng ngắm họ, nhìn nhận các cử chỉ của họ, và nghe tiếng họ nói líu lo, khiến tôi nghĩ đến một thế giới khác lạ lùng.

Hồi ấy, tôi mới mười ba tuổi. Thầy mẹ tôi ở Hà Nội vì buôn bán thua lỗ nên mới dọn hàng về huyện này - chỗ quê của thầy tôi - đã được hai năm. Chúng tôi ở một căn nhà nhỏ ba gian ngay giữa phố, mặt trước nhìn ra đường xe hỏa, mặt sau trông ra cảnh đồng ruộng. Mẹ tôi dọn một cửa hàng tạp hóa nhỏ để bán cho những người nhà quê quanh vùng đấy họ lên huyện những ngày phiên. Vì chợ họp ngay ở giữa phố, những hàng quà bánh, hàng gạo, hàng cà, quang gánh ngổn ngang và thúng mủng xếp hàng hai dẫy đối diện nhau. Dưới trời, tiếng ồn ào của người họp chợ, một tiếng ồn ào đặc biệt, vang động và sang sảng, từ đám đông ấy bốc lên như ngọn lửa, bao trùm lấy cả huyện; một đám đông hoạt động, và vui vẻ, rực rỡ nhiều màu, đầy ánh sáng và tiếng cười, lẫn những câu chửi rủa lanh lảnh như kim qua không khí.

Đó là tất cả nơi quê tôi, tất cả quang cảnh cái huyện Văn Dương miền hạ du, mà một người trong họ tôi sính làm thơ đã vịnh trong bốn câu tuyệt tác này:

Văn Dương xuân sắc cớ sao buồn,

Đủ mặt ta, tàu khắp bán buôn.

Dưới bến thuyền buôn chen chúc đậu.

Trên đường xe hỏa lại qua luôn!


Tôi qua ở đấy tất cả cái tuổi niên thiếu của tôi, sung sướng và nhảy nhót như một con chim giữa cuộc sống hoạt động kia bao bọc lấy tôi, để hết cả mắt mà trông, cả tai mà nghe, cả mũi mà ngửi cái mùi cát, mùi đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với sương mà tràn vào trong phố.

Tất cả chợ huyện, những kẽ ngách hay bãi không, đối với tôi đều quen thuộc, thân mật như một vật cũ trong nhà. Nhưng, bên kia sông, ở về phía huyện nha, cách chợ độ nửa cây số, có một nơi đối với tôi như một xứ bí mật, xa lạ. Nơi ấy, người trong phố vẫn gọi là bến Sen, và con sông đi qua chỗ ấy được gọi tên là sông Sen. Bến Sen là một túm nhà độ hơn mười nóc, lấp vào cây cối xanh um, ở hai bên vệ một con đường giải đá đi tăm tắp không biết về đâu. Phía sau, là một cánh đồng hoang, đầy bãi tha ma và bụi dứa; bên này, một con đê nhỏ và một rặng cây; bên kia, một cái quán cột đá, đứng cạnh con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi vào làng có cây đa tiên, một cây đa cổ không biết mấy trăm năm, rễ thẳng xuống đất to mấy người ôm, khiến không ai có thể phân biệt được đâu là gốc, đâu là rễ. Gần đấy, có một cái phần mộ xây đá bỏ hoang, một vài tượng đá mốc rêu lẫn trong cỏ rậm, dưới hai gốc thông cao vút, chội lên cả một vùng.

Một cái cầu gỗ lung lay sắp đổ, một cái cầu nhà nước đã bỏ, bắc qua sông, nối liền bến Sen với chợ huyện bên này. Trong những dịp rất hiếm mà tôi được sang bên ấy, không lần nào tôi đi qua chiếc cầu đó mà không ghê sợ; các ván cầu cũ đã mọt rung động dưới bước đi, và qua khe hở, tôi trông thấy dòng sông thăm thẳm chảy. Nhưng những dịp sang chơi bến Sen rất ít, vì người ở bên này không hay giao thiệp với người bên ấy. Bến Sen ăn về tỉnh khác, tỉnh Bắc; những bọn cướp nhiều lần vào cướp ở phố huyện rồi lùi sang đó để trốn tránh sự tầm nã, lại càng làm cho vùng đó đối với dân huyện, đối với tôi, thành một vùng hay nhộn và đáng sợ. Người trong phố thường thì thầm kể với nhau những chuyện xảy ra bên ấy; và mỗi khi có người ở bến Sen sang, ai ai cũng chăm chú nhìn như một người ở chốn xa lạ nào đến.

Có lần, một ông cụ già râu bạc đến chơi nhà tôi, cùng thầy tôi uống rượu và ngâm thơ phú. Khi biết ông ta ở bên Sen, tôi nhìn ông ta khâm phục lắm, mẹ tôi lại bảo ông ta là một ông đồ rất hay chữ, ở cái làng ven sông phía bên kia, một làng nổi tiếng vì ngày xưa, đã có một thời mười tám ông tiến sĩ. Khi ông cụ ra về, tôi đưa ra đến đầu cầu, tôi dừng lại nhìn ông giương ô đi qua cánh đồng, đến khi ông nhỏ lấp ở chân trời.

Vùng bên Sen cứ luôn luôn ám ảnh trí tưởng tượng non nớt của tôi. Nhiều lần, tôi lẻn ra đằng sau nhà, đứng lên một mô đất nhìn sang bên kia sông, nhìn khu nhà nấp bên cây cối, cái quán trơ vơ và rặng cây trên bờ đê, bên con đường đi không biết về đâu, về những chốn xa xăm nào tận bên kia giải đồi núi lờ mờ xanh ở chân trời; với tôi, sinh trưởng ở chốn đồng bằng bùn lầy nước đọng, đồi núi quyến rũ như một tiếng gọi lạ lùng. Trong giải núi ấy, có một quả đồi mà những buổi chiều nắng trong, tôi thấy nổi đỏ lên trời xanh. Trên đỉnh đồi, người ta thấy rõ một chùm cây, mẹ tôi bảo đó là chùa Thiên Thai. Thiên Thai! cái tên huyền ảo thần tiên ấy khiến tôi nghĩ đến những chốn bồng lai xinh đẹp, chốn vui chơi của những tiên ông mà thầy tôi vẫn đọc đến tên trong các truyện và kể cho tôi nghe. Rồi tôi thơ thẩn cho đến buổi chiều, đến lúc mặt trời thấp xuống, để được trông cả vùng bên kia sông chói lòa, rực rỡ tia ánh nắng; rồi tối hơn nữa, lúc chỉ còn ráng chiều chiếu các nền mây, được trông dẫy nhà mờ đi và thấp xuống, lẫn vào mặt đất, và hai gốc thông cao lên, nổi đen trên da trời.

*

Dần dần, tôi được có nhiều dịp sang chơi bên Sen. Sự đó là nhờ ở anh Tiến, bạn tôi. Tôi đang học ở lớp ba trong trường, gần hết năm, thì Tiến xin vào học. Tôi yêu mến anh ta ngay; Tiến là một đứa trẻ mảnh dẻ và xinh xắn, mắt to và da trắng, tóc mềm như sợi tơ. Tôi yêu Tiến như yêu một cô con gái, Tiến thùy mị, hiền lành và hết lòng với bạn. Nhưng ngoài những nết tốt ấy, Tiến khiến tôi gần gụi và quyến rũ tôi là vì anh ở bên kia sông. Một cái đó đã khiến cho anh ta đối với tôi trở nên một đứa trẻ kỳ dị khác thường. Tôi kết bạn với Tiến rất là thân thiết, và chiều nào tan học, tôi cũng tiễn anh ta đến tận đầu cầu rồi mới trở về.

Một hôm chủ nhật, Tiến rủ tôi sang chơi nhà. Tôi sung sướng như một người sắp được đi phiêu lưu mạo hiểm, vì lần ấy là lần đầu tôi được sang bên kia sông. Tôi với Tiến cùng đi qua cầu; chúng tôi dừng lại tựa vào thành cầu nhìn xuống sông; mấy con thuyền của các người buôn bán chen nhau đậu bên bờ, trên có mấy đứa trẻ chơi đùa và con chó nằm cuộn tròn trên mui thuyền ngủ. Đó chính là những chiếc thuyền từ tỉnh Bắc về, chở những thứ hàng lạ. Tiến giơ tay chỉ vào đám thuyền bảo tôi:

- Ngày trên Bắc về đây, chúng tôi cũng đi một chiếc thuyền như thế này.

Tôi nhìn Tiến muốn hỏi anh ta về tỉnh Bắc xa xôi ấy, nhưng lại thôi. Tiến đã giắt tay tôi qua cầu đi đến phố Sen. Nhà Tiến ở cuối phố, sát ngay cánh đồng. Tôi thấy một cửa hàng tạp hóa cũng giống như cửa hàng của mẹ tôi, nhưng nhỏ hơn. Trên tấm phản, sau mấy ngăn hàng, một bà cụ già tóc bạc phơ, vẻ mặt nhân từ, đang ngồi tính tiền. Thấy tôi và Tiến bước vào, bà cụ tươi nét mặt hỏi:

- Cháu đi đâu về thế?

Tiến vừa lấy vạt áo lau mồ hôi, vừa đáp:

- Thưa bà, con sang chợ chơi ạ.

Bà cụ nhìn vào tôi, đứng nấp sau lưng Tiến, bảo:

- Cháu về mà uống nước. Cả cậu nữa, cậu vào chơi. Trời nắng thế này mà đi có nhọc không?

Tiếng bà cụ êm dịu và ngọt ngào, khiến tôi thấy dễ chịu và vui vẻ.

Tiến mời tôi vào trong nhà, bầy biện rất sơ sài, những đồ đạc rẻ tiền và cũ kỹ. Chúng tôi vừa ngồi thì bỗng trong nhà bước ra một người con gái độ mười lăm tuổi. Tôi biết ngay là chị Tiến, vì giống Tiến như hệt, cũng nước da trắng, hai mắt to. Trông thấy em, chị Thúy nở một nụ cười trên đôi môi thắm, một nụ cười tươi và duyên sắc như trong đời tôi chưa từng thấy bao giờ.

- Em đã về đấy à?

Tiếng nói cũng êm dịu như tiếng bà cụ, nhưng trong hơn. Thúy lại gần chúng tôi, săn sóc hỏi em. Tôi ngây người trước cái sắc đẹp của nàng, trong lòng tự nhiên cảm động; tuy còn trẻ nhưng tôi cũng biết là tôi đương đứng bên một sự gì quý báu và hiếm có, một sự gì mong manh rồi sẽ không còn nữa.

Khi Thúy để tay lên vai tôi, tôi thấy rung động cả người, tôi cảm thấy tôi bắt đầu yêu nàng.

- Em cùng học một lớp với Tiến à?

- Vâng ạ.

Thúy vuốt sẽ qua tóc tôi, bảo:

- Em ngoan ngoãn quá.

Nàng tiếp:

- Ở đây chơi với em Tiến rồi ăn bánh nhé. Tiến, chị có để phần bánh trên bàn kia kìa.

Thúy không ăn, chỉ ngồi nhìn chúng tôi; tôi thấy nàng nhìn Tiến rất thương yêu khiến tôi ghen với bạn đã có người chị xinh đẹp và ân cần như thế. Nhưng nàng cũng hỏi chuyện tôi luôn, tôi trả lời hoạt bát và vui vẻ, không phải cốt nói, nhưng cốt được nghe cái tiếng trong trẻo và êm ái của nàng.

Ăn xong, Tiến rủ tôi ra chơi ngoài bãi tha ma đằng sau nhà. Lần đầu, tôi được đứng giữa cái vùng bí mật, được nhìn gần hai gốc thông với mấy tượng đá giấu trong cỏ. Tiếng thông reo rì rào như một tiếng đàn xa lạ, trầm như ở một cõi khác nào đưa lại, và cái quán cột đá lộng gió giữa cánh đồng hình như đang đợi chờ những người ở thời nào, lâu lắm, đến nghỉ chân.

Từ hôm ấy, thường thường tôi vẫn sang bên Sen luôn. Tôi muốn gần gụi cây cỏ bên vùng ấy, đối với tôi vẫn có một vẻ riêng khác hẳn cây cối bên này. Tôi muốn được luôn luôn trông thấy Thúy, được nghe tiếng nói của nàng, được nhìn cái miệng xinh tươi của nàng hé trên hàm răng đen nhánh. Cả bà cụ cũng khiến tôi yêu mến. Tôi không biết rõ gì về gia đình của Tiến, nhưng trên mặt các người trong nhà ấy, lúc nào tôi cũng thấy phảng phất một vẻ trầm mặc, một nét thoáng buồn, càng khiến họ đáng yêu. Tôi đoán trước khi đến buôn bán ở đây, họ đã có một cuộc đời lạ lùng và phong phú, mà vết tích còn lại là những đồ vật kỳ dị, như thanh gươm, cái khánh đồng, con rùa ngọc, để trong một cái tủ kính mà gỗ đã long sơn. Với lại họ khác những người vui vẻ, thô sơ bên này thế; chị Thúy và Tiến đều có nước da trắng xanh, chân tay nhỏ nhắn, những dáng điệu thanh nhã, tiếng nói nhẹ, không như các người hồng hào vì cục mịch ở trước nhà tôi. Hồi ấy, tôi cho là vì họ ở cái vùng bí mật ấy, hay là vì họ là những người khác thường nên mới dám đến ở đó.

Tôi chơi với Tiến càng ngày càng thân mật; tôi được coi như một người con của gia đình ấy. Chị Thúy coi tôi như em, cũng săn sóc và âu yếm tôi như Tiến. Nhiều khi chị để tôi ngả đầu xuống bên lòng, xoa tóc tôi, hỏi những câu chuyện ân cần. Đến bây giờ trải qua bao nhiêu lâu, tôi vẫn còn nhớ, lúc nhìn lên, đôi mắt trong và cái miệng xinh thắm của nàng cúi xuống tôi, bàn tay nhỏ nhắn của nàng đặt trên trán tôi nóng vì chạy nhảy ngoài cánh đồng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người con gái yểu điệu và tươi đẹp ấy, nổi lên trong thời niên thiếu của tôi như một nàng tiên hiền hậu, giữa một vùng cây cỏ lạ.

Nhưng không bao lâu, tôi phải từ giã người bạn nhỏ của tôi; thầy mẹ tôi dọn nhà lên Hà Nội, tôi cũng phải đi theo. Buổi cuối cùng của tôi với Tiến bên sông Sen vào một ngày mùa đông u ám và rét lạnh. Chúng tôi cùng nhau đi thăm một lần cuối cùng mấy ông tượng đá vẫn ngồi yên trong cỏ; giờ xa nhau gần đến, có lẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa, song chúng tôi còn trẻ quá không biết buồn. Đến lúc Thúy đặt tay lên vai tôi, êm ái bảo:

- Bao giờ chị mới lại được gặp em?

Tôi bỗng thổn thức cả người, nước mắt tràn ra khóe mắt, tôi gục đầu vào vai Thúy khóc.

*

Câu chuyện phải có lúc hết. Mười năm sau tôi mới lại có dịp trở về Văn Dương. Quang cảnh khác xưa, phố chợ bây giờ sầm uất hơn, nhà ngói san sát. Những người cũ ngồi bán hàng đều già, râu tóc bạc, và những trẻ cùng học với tôi trước kia bây giờ đã ngồi thay vào đấy, thành những người lớn trông lạ hẳn đi.

Tôi sang bên kia sông; cái cầu sắt không còn nữa: một đêm gió to, cầu bị sập và người ta cũng không sửa chữa vì con đường sang Bắc ít người qua lại. Bây giờ qua sông phải dùng đò. Tôi qua đò lúc buổi chiều, lúc sương đã bắt đầu xuống lẫn với khói trong mấy chiếc thuyền chài đậu ở bến đưa ra. Một cảnh hoang tàn đợi tôi: bên kia sông, giờ chỉ còn là miếng đất bỏ hoang, cỏ mọc trên những thềm nền nhà cũ. Một cái quán nước siêu vẹo trống không bên một gốc đa cằn. Cả một dẫy phố đã mất đi, những cây cối lơ thơ và xơ xác dưới gió chiều: chỉ giặng cây bên đê vẫn còn, vẫn như cũ, bên con đường xa thẳm không biết về đâu, con đường sắp đầy ánh tối mênh mông, tận chân trời không có một bóng người nào.

Tôi không dám đi xa nữa; buồn rầu, tôi trở lại đò, qua dòng sông đã xám dưới sương mù. Tôi không hỏi người lái đò xem những người trước ở đây bây giờ đâu, tôi chắc anh ta cũng không biết. Thấy chân cầu gạch đen rêu phủ, tôi nhớ lại người bạn nhỏ của tôi, nhớ đến Thúy, dáng điệu thùy mị đáng yêu của nàng, cái vẻ buồn lúc nào cũng phảng phất trên mặt nàng, bây giờ tôi đoán biết đã che kín bao nhiêu sự đổi thay đau đớn. Đôi mắt nàng như vừng trời trong thẳm tôi đã được soi thấy cái dư vị của cuộc đời.

Lên bờ, tôi còn quay lại lần cuối nữa, nhìn rặng cây, cái quán, với làng mạc xa xa dưới chân giải núi tận đâu kia; vùng bên kia sông đối với tôi không còn bí mật nữa, chỉ còn cho tôi trông thấy cái buồn thảm của đất nghèo.

 

THẠCH LAM    

 

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Nắng Trong Vườn) 

 

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

ANH PHẢI SỐNG - Khái Hưng

 
 

Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ.

Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.

Theo dòng nước đỏ lờ lờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về, nổi lềnh bềnh, như một dẫy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Đứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:

- Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân giời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!

Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:

- Mình đã thổi cơm chưa?

Vợ buồn rầu đáp:

- Đã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.

Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông: Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.

Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:

- Liều!

Vợ lắc đầu, không nói. Chồng hỏi:

- Mình đã đến nhà bà Ký chưa?

- Đã.

- Thế nào?

- Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.

- Thế à?

Hai chữ “thế à” rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên bức tường đương xây. Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:

- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.

- Đã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.

- Nhưng mình về thì vẫn hơn. Cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.

- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về, chứ đứng đây làm gì?

- Được, cứ về trước đi, tôi về sau.

Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

oOo

Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng.

Lúc nhúc trên phản gỗ không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bu. Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.

Cái Nhớn dỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:

- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú.

Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.

Chị phó Thức chạy vội lại ẵm con, nói nựng:

- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.

Rồi chị ngồi xuống phản cho con bú. Song thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.

Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:

- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc, thằng bé vì mệt quá lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.

Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ một cách rành mạch, là chưa bao giờ được thư nhàn, được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau, rồi hai người lấy nhau.

Năm năm ròng, trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba năm ba đứa con.

Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chằn vặt suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.

Bỗng mùa nước năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi.

Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.

Thì hôm qua, cái ăn, trời đã bắt đầu đưa đến cho gia đình nhà bác.

Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

oOo

Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.

Gió vẫn to, vù vù, gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một màu đen sẫm.

Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu bành bạch như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:

- Mình định đi đâu?

Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:

- Sao không ở nhà với con?

Lạc sợ hãi ấp úng:

- Con ... nó ngủ.

- Nhưng mày ra đây làm gì?

- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?

- Mày hỏi làm gì?... Đi về!

Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:

- Sao mình khóc?

- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.

Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:

- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!

Lạc cười:

- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.

- Được!

Tiếng “được” lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:

- Mình sợ?

- Không.

oOo

Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.

Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

- Giời ôi!

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

Chồng hỏi vợ:

- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

- Được!

- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

- Được! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

- Thế nào?

- Được! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

- Có bơi được nữa không?

- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

- Em buông ra cho mình vào nhé?

Chồng cười:

- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

- Không!... Sao?

- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:

- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

oOo

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

 

[Rút từ tập truyện ngắn ANH PHẢI SỐNG, Nxb Đời nay, Hà Nội, 1934.]

 

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

CỒN CÁT NGUỘI - Hồ Minh Dũng

 

1.- Ở vào những ngày mưa đầm đìa như hôm nay, tôi bắt đầu nhớ Vũ. Có thể là đầu thu, cuối thu hay đầu đông, nước sông lên bất ngờ. Nước nguồn xối xả đổ về. Nước nguồn đục ngầu và tàn bạo, luôn luôn chảy qua trong lòng tôi những tiếng động xôn xao, kỳ lạ vừa thách thức vừa gọi nhớ. Cảm giác của tôi là cảm giác của một khách lữ hành đụt mưa, nhìn con đường phía trước mưa bưng kín mít, chân trời đang quấn một vành khăn tang khổng lồ, đường về thì xa tắp mây đùn, khói bạc. Tôi tìm kiếm mãi và không biết ở đâu những chùm kỷ niệm rung chuông hoài hoài trong trí nhớ. Có thể Vũ đã trở về với những giọt mưa ngoài hàng hiên. Có thể Vũ đã đứng đợi tôi dưới một cửa thành nào đó dẫn vào nội thành. Mưa như sinh con nở cháu trên những cành lá biếc, trên những thân cây xác xơ, trên bờ thành lở lói, trên tháp chuông cụt đầu của một ngôi thánh đường bỏ hoang. Mưa tràn ngập làm lụt lớn đôi mắt nhung đen của Vũ. Mưa dựng từng chấn song lên ngoài cửa sổ trời bao la. Mưa mọc phong rêu mờ trên lớp ngói, mưa làm nở phồng mái hiên nơi tôi đứng chờ Vũ và làm teo tóp lại con đường dẫn tới vườn hoa huệ trắng của một tu viện d2ong mến Thánh Giá. Mưa hòa tan giọt buồn tôi giữa hư vô vời vợi.

Tôi nhớ ngôi nhà Vũ nằm giữa cồn cát. Cồn cát nằm giữa lòng sông. Lòng sông trong xanh và đầy nắng của ngày đầu tôi gặp Vũ.

Đứng bên này hữu ngạn trong một buổi sáng mờ sương, giữa một trưa hanh nắng hay núp dưới cánh một chiều vàng nhìn ngôi nhà Vũ ở như một tổ chim ngạo nghễ trên cành cây vừa thay lá. Con đò nhỏ và dài đưa Vũ vào bờ một ngày hai bận đến trường. Tôi chưa lần nào gặp người lái đò đó nhưng biết ông ta đã già còm cõi, sống níu kéo cái ngày tàn của đời mình trên mũi đò phiêu du.

Chỉ có ngôi nhà Vũ ở bên kia cồn cát mà thôi sao? Tôi phân vân và tự vẽ thêm vào cảnh vật đó những cây bắp non nở trái đầy những lông tơ màu tím, những cánh chim bay và những đám mây đậu, ngủ quên. Nhưng tấm tranh tưởng tượng đó bị chìm đi khi hình bóng người thiếu nữ áo trắng tóc thề xuất hiện. Vũ yểu điệu tha thướt như dáng tiên bên trời. Vũ làm cho cây rụng hết lá và mây tan biến đi. Tóc Vũ nhuộm xanh biếc thêm giòng sông và làm âm u cánh rừng già ở thượng lưu. Con đò đã cắm sào mệt mỏi. Mùa hạ đã đến. Vũ thêm một lần ghi vào cuốn lưu bút những kỷ niệm vàng son của thời thơ ấu.


2.- Một buổi chiều.

Nắng ru chiếc võng hồng chở nàng thu qua sông. Vũ đứng sát bên tôi. Tóc nàng làm nồng ấm một vùng không gian quanh tôi. Vũ nở một nụ cười chan hòa, nàng nói:

- Hôm nay, anh đứng với em bên nầy sông. Cứ gọi là bên nầy vì bên kia là bên kia, của những người khác. Bên nầy là tả ngạn, ừ phải rồi, sau lưng ta mặt trời sẽ lặn ở dẫy núi đó, bên nầy là của ta, phải không anh?

Tôi nói:

- Và của những trái tim vừa mới chín, treo lơ lửng trên cành, chưa ai hái, chưa rụng vì thời tiết.

Vũ cười, tóc bay vòng quanh má:

- Nhưng trái tim của em bị anh hái lúc mới hườm hườm rồi. Anh ác lắm, không đợi cho nó chín. Tội nghiệp nó.

Tôi choàng cánh tay sau lưng Vũ:

- Em có bắt đền gì anh không?

- Có. Em bắt đền anh phải dựng cho em một nhịp cầu từ bờ sông nầy ra nhà em ở, phải làm trong mười hôm.

Tôi cười:

- Làm nhịp cầu tre có được không?

Vũ cầm tay tôi:

- Làm gì cũng được miễn là đưa dâu khỏi rớt xuống sông thì thôi.

Nắng phớt mờ trên mặt sông. Nắng vội vàng nhuộm ướt cồn cát. Ngôi nhà Vũ sáng loáng dưới trời cao. Chúng tôi dìu nhau qua những gốc cây thẳng đứng, qua những tia bạc của bồn nước công viên và dừng lại trên chiếc ghế đá vừa mới sơn sửa. Vũ không rời bàn tay tôi, nàng thì thào trong gió:

- Bên nầy là tả ngạn. Anh phải nhớ. Sáng thì phải nhớ đâu là phương hướng của nguồn. Bên kia không phải là của chúng mình như là vùng của mơ ước. Chiếc cầu em bắt đền anh là tưởng tượng để đưa chúng ta đi trên đó, đưa chúng ta về, đoàn tụ, không chia ra, không phải là kẻ đầu sông, kẻ cuối sông nữa, anh nhớ chưa?

- Nhớ và ghi mãi lời em.

- Có như thế em mới yêu anh. Em không bao giờ yêu người khác nữa.

Bỗng Vũ ứa nước mắt:

- Suốt đời em chỉ có anh.

Tôi nói trong cảm xúc:

- Suốt đời anh cũng chỉ có em.

Bóng tối tràn ngập. Tóc Vũ giãn nở ra. Bên kia sông, một vì sao chợt xuất hiện. Vì sao đơn độc không đủ báo hiệu đêm về.

Còn một tia sáng như lưỡi gươm nhọn cắt ngang lòng sông và ngôi nhà nàng ở. Một vầng trăng lại mọc lên. Vầng trăng như chỉ đủ soi sáng một con đò sắp chỗi dậy cho cuộc hành trình nào đó, xa tắp, vô định.

Tôi đưa Vũ đi qua một cửa thành treo lủng lẳng sương. Đây là thành nội, nơi anh gặp em lần đầu, trong trường âm nhạc, dưới chùm lá vàng sậm của hàng bàng quanh duyệt-thị-đường, nơi anh cùng em trong thời gian ngắn đã chứng kiến bao cảnh phù sinh, đã nhìn tận mắt những tấm đá ngũ sắc in mờ dấu chân dã tràng. Những đỉnh đồng nặng bao nhiêu cân nằm om lìm trước điện Thái Hòa cũng không tượng trưng cho sức nặng của tình anh yêu em. Tiếng trống vang xa ngàn dặm trên cửa Ngọ Môn vẫn không nung nấu bằng tiếng gọi thì thầm của em trong huyết quản anh. Đêm đã dày đặc và xóa tan lối về. Em cố gắng để đi với anh hết những con đường nầy, hết những chướng ngại vật nầy, hết những bóng âm u tàn tạ đổ xuống. Em cùng anh tát cạn một ao tù ẩm ướt, nung sôi một mớ kỷ niệm của thời hùng tráng, thời cánh lông chim hồng mới mọc. thời của mũi tên phiêu bồng mới ra khỏi cung. Thời của anh yêu em, của ngày anh làm tên trộm vụng về, đam mê, hái trái tim em lúc mới hườm hườm.


3.- Cơn lụt đã bớt giận dữ. Tôi đến bờ sông, bên nầy tả ngạn. Nước dâng lên cao tiếp giáp với những dãy đồi thoai thoải. Nước mênh mông. Giòng sông mênh mông. Bên cạnh tôi những vòi nước vẫn phun ra sáng bạc. Trên chiếc ghế đá ngày trước tôi và Vũ ngồi có một người đàn ông già cả đang run cầm cập. Tôi hỏi:

- Ông là ai?

- Tôi là người lái đò.

Tôi không hỏi thêm, đứng im lặng, định quay bước đi thì nghe tiếng lão già hỏi:

- Em có thấy chiếc đò của lão đâu không?

Răng tôi cắn chặt vào nhau. Từng cơn buốt lạnh tê cóng xương thịt. Tôi nhìn ra cồn cát, nơi ngôi nhà Vũ ở. Không còn một cồn cát nào trên dòng cuồng lưu nữa.

Người lái đò đôi mắt đỏ ngầu:

- Trôi hết rồi!

Tôi hờ hãi, buông xuôi:

- Trôi hết rồi, Vũ ơi!


HỒ MINH DŨNG       
(mùa lụt 1972)          

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 76, tuần lễ từ 9-11 đến 16-11-1972)

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

BÀI HÁT NGHÌN TRÙNG - Tôn Nữ Thu Dung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình như sương rơi thật nhẹ
Đánh thức đóa Quỳnh nửa khuya
Lá cỏ trở mình rất khẽ
Hình như cánh vạc bay về

Thuở ấy lòng tôi cánh vạc
Chờ hoài một buổi thiên di
Ngàn năm đường mây ca hát
Không nghe lời gió thầm thì

Thuở ấy lòng tôi lời gió
Thênh thang trời rộng sông dài
Xa xưa nghìn trùng tản lạc
Vọng về từ cõi mơ phai.


                         Tôn-Nữ Thu-Dung

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com 


Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

NGÀN ĐỜI PHƯỚC HẠNH - Nhã Uyên

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Núi sông cản trở đôi bàn chân

Ngại ngần  rụt chí đã bao lần

Bơ vơ đất khảch  ai là bạn

Lố nhố  vạn người chỉ một  thân


Hôm nay  ta chẳng phải  là ta

Là người lạ hoắc với hôm qua

Rượu đào  chưa nếm mà say quá

Chập chờn bóng dáng  những bông hoa


Khát nước mơ màng  dòng suối trong

Lừ nhừ  mỏi mệt  vẫn  đợi mong

Kiệt sức giữa  đường  chưa tới đích

Kìa con chim nhỏ  chợt bay vòng


Rồi chim đáp xuống  rất gần ta

Nghiêng đầu nhìn ngắm khách từ xa

 Cất cao tiếng hót chào người đến

Giữa  một  bầu trời  xanh bao la


Rồi chim dẫn đến  chốn thần tiên

Quanh  co  dòng nước chảy ngoan hiền

Thêm xanh đồng cỏ  hương thơm ngát

Ngọt ngào tươi mát  cảnh   thiên nhiên


Một miền đất hứa giữa thinh không

Cảm ơn  ân điển đã ngập lòng

Ta tuy   khờ khạo  không  lầm lạc

Nghìn đời phước hạnh   vẫn  chờ  mong


                                                       Nhã Uyên