Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

CỒN CÁT NGUỘI - Hồ Minh Dũng

 

1.- Ở vào những ngày mưa đầm đìa như hôm nay, tôi bắt đầu nhớ Vũ. Có thể là đầu thu, cuối thu hay đầu đông, nước sông lên bất ngờ. Nước nguồn xối xả đổ về. Nước nguồn đục ngầu và tàn bạo, luôn luôn chảy qua trong lòng tôi những tiếng động xôn xao, kỳ lạ vừa thách thức vừa gọi nhớ. Cảm giác của tôi là cảm giác của một khách lữ hành đụt mưa, nhìn con đường phía trước mưa bưng kín mít, chân trời đang quấn một vành khăn tang khổng lồ, đường về thì xa tắp mây đùn, khói bạc. Tôi tìm kiếm mãi và không biết ở đâu những chùm kỷ niệm rung chuông hoài hoài trong trí nhớ. Có thể Vũ đã trở về với những giọt mưa ngoài hàng hiên. Có thể Vũ đã đứng đợi tôi dưới một cửa thành nào đó dẫn vào nội thành. Mưa như sinh con nở cháu trên những cành lá biếc, trên những thân cây xác xơ, trên bờ thành lở lói, trên tháp chuông cụt đầu của một ngôi thánh đường bỏ hoang. Mưa tràn ngập làm lụt lớn đôi mắt nhung đen của Vũ. Mưa dựng từng chấn song lên ngoài cửa sổ trời bao la. Mưa mọc phong rêu mờ trên lớp ngói, mưa làm nở phồng mái hiên nơi tôi đứng chờ Vũ và làm teo tóp lại con đường dẫn tới vườn hoa huệ trắng của một tu viện d2ong mến Thánh Giá. Mưa hòa tan giọt buồn tôi giữa hư vô vời vợi.

Tôi nhớ ngôi nhà Vũ nằm giữa cồn cát. Cồn cát nằm giữa lòng sông. Lòng sông trong xanh và đầy nắng của ngày đầu tôi gặp Vũ.

Đứng bên này hữu ngạn trong một buổi sáng mờ sương, giữa một trưa hanh nắng hay núp dưới cánh một chiều vàng nhìn ngôi nhà Vũ ở như một tổ chim ngạo nghễ trên cành cây vừa thay lá. Con đò nhỏ và dài đưa Vũ vào bờ một ngày hai bận đến trường. Tôi chưa lần nào gặp người lái đò đó nhưng biết ông ta đã già còm cõi, sống níu kéo cái ngày tàn của đời mình trên mũi đò phiêu du.

Chỉ có ngôi nhà Vũ ở bên kia cồn cát mà thôi sao? Tôi phân vân và tự vẽ thêm vào cảnh vật đó những cây bắp non nở trái đầy những lông tơ màu tím, những cánh chim bay và những đám mây đậu, ngủ quên. Nhưng tấm tranh tưởng tượng đó bị chìm đi khi hình bóng người thiếu nữ áo trắng tóc thề xuất hiện. Vũ yểu điệu tha thướt như dáng tiên bên trời. Vũ làm cho cây rụng hết lá và mây tan biến đi. Tóc Vũ nhuộm xanh biếc thêm giòng sông và làm âm u cánh rừng già ở thượng lưu. Con đò đã cắm sào mệt mỏi. Mùa hạ đã đến. Vũ thêm một lần ghi vào cuốn lưu bút những kỷ niệm vàng son của thời thơ ấu.


2.- Một buổi chiều.

Nắng ru chiếc võng hồng chở nàng thu qua sông. Vũ đứng sát bên tôi. Tóc nàng làm nồng ấm một vùng không gian quanh tôi. Vũ nở một nụ cười chan hòa, nàng nói:

- Hôm nay, anh đứng với em bên nầy sông. Cứ gọi là bên nầy vì bên kia là bên kia, của những người khác. Bên nầy là tả ngạn, ừ phải rồi, sau lưng ta mặt trời sẽ lặn ở dẫy núi đó, bên nầy là của ta, phải không anh?

Tôi nói:

- Và của những trái tim vừa mới chín, treo lơ lửng trên cành, chưa ai hái, chưa rụng vì thời tiết.

Vũ cười, tóc bay vòng quanh má:

- Nhưng trái tim của em bị anh hái lúc mới hườm hườm rồi. Anh ác lắm, không đợi cho nó chín. Tội nghiệp nó.

Tôi choàng cánh tay sau lưng Vũ:

- Em có bắt đền gì anh không?

- Có. Em bắt đền anh phải dựng cho em một nhịp cầu từ bờ sông nầy ra nhà em ở, phải làm trong mười hôm.

Tôi cười:

- Làm nhịp cầu tre có được không?

Vũ cầm tay tôi:

- Làm gì cũng được miễn là đưa dâu khỏi rớt xuống sông thì thôi.

Nắng phớt mờ trên mặt sông. Nắng vội vàng nhuộm ướt cồn cát. Ngôi nhà Vũ sáng loáng dưới trời cao. Chúng tôi dìu nhau qua những gốc cây thẳng đứng, qua những tia bạc của bồn nước công viên và dừng lại trên chiếc ghế đá vừa mới sơn sửa. Vũ không rời bàn tay tôi, nàng thì thào trong gió:

- Bên nầy là tả ngạn. Anh phải nhớ. Sáng thì phải nhớ đâu là phương hướng của nguồn. Bên kia không phải là của chúng mình như là vùng của mơ ước. Chiếc cầu em bắt đền anh là tưởng tượng để đưa chúng ta đi trên đó, đưa chúng ta về, đoàn tụ, không chia ra, không phải là kẻ đầu sông, kẻ cuối sông nữa, anh nhớ chưa?

- Nhớ và ghi mãi lời em.

- Có như thế em mới yêu anh. Em không bao giờ yêu người khác nữa.

Bỗng Vũ ứa nước mắt:

- Suốt đời em chỉ có anh.

Tôi nói trong cảm xúc:

- Suốt đời anh cũng chỉ có em.

Bóng tối tràn ngập. Tóc Vũ giãn nở ra. Bên kia sông, một vì sao chợt xuất hiện. Vì sao đơn độc không đủ báo hiệu đêm về.

Còn một tia sáng như lưỡi gươm nhọn cắt ngang lòng sông và ngôi nhà nàng ở. Một vầng trăng lại mọc lên. Vầng trăng như chỉ đủ soi sáng một con đò sắp chỗi dậy cho cuộc hành trình nào đó, xa tắp, vô định.

Tôi đưa Vũ đi qua một cửa thành treo lủng lẳng sương. Đây là thành nội, nơi anh gặp em lần đầu, trong trường âm nhạc, dưới chùm lá vàng sậm của hàng bàng quanh duyệt-thị-đường, nơi anh cùng em trong thời gian ngắn đã chứng kiến bao cảnh phù sinh, đã nhìn tận mắt những tấm đá ngũ sắc in mờ dấu chân dã tràng. Những đỉnh đồng nặng bao nhiêu cân nằm om lìm trước điện Thái Hòa cũng không tượng trưng cho sức nặng của tình anh yêu em. Tiếng trống vang xa ngàn dặm trên cửa Ngọ Môn vẫn không nung nấu bằng tiếng gọi thì thầm của em trong huyết quản anh. Đêm đã dày đặc và xóa tan lối về. Em cố gắng để đi với anh hết những con đường nầy, hết những chướng ngại vật nầy, hết những bóng âm u tàn tạ đổ xuống. Em cùng anh tát cạn một ao tù ẩm ướt, nung sôi một mớ kỷ niệm của thời hùng tráng, thời cánh lông chim hồng mới mọc. thời của mũi tên phiêu bồng mới ra khỏi cung. Thời của anh yêu em, của ngày anh làm tên trộm vụng về, đam mê, hái trái tim em lúc mới hườm hườm.


3.- Cơn lụt đã bớt giận dữ. Tôi đến bờ sông, bên nầy tả ngạn. Nước dâng lên cao tiếp giáp với những dãy đồi thoai thoải. Nước mênh mông. Giòng sông mênh mông. Bên cạnh tôi những vòi nước vẫn phun ra sáng bạc. Trên chiếc ghế đá ngày trước tôi và Vũ ngồi có một người đàn ông già cả đang run cầm cập. Tôi hỏi:

- Ông là ai?

- Tôi là người lái đò.

Tôi không hỏi thêm, đứng im lặng, định quay bước đi thì nghe tiếng lão già hỏi:

- Em có thấy chiếc đò của lão đâu không?

Răng tôi cắn chặt vào nhau. Từng cơn buốt lạnh tê cóng xương thịt. Tôi nhìn ra cồn cát, nơi ngôi nhà Vũ ở. Không còn một cồn cát nào trên dòng cuồng lưu nữa.

Người lái đò đôi mắt đỏ ngầu:

- Trôi hết rồi!

Tôi hờ hãi, buông xuôi:

- Trôi hết rồi, Vũ ơi!


HỒ MINH DŨNG       
(mùa lụt 1972)          

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 76, tuần lễ từ 9-11 đến 16-11-1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét