Huyện
lỵ nơi quê tôi là một huyện miền hạ du, cũng giống những huyện lỵ khác
của nước ta, không có gì là đặc biệt. Huyện không to lắm, nhưng rất sầm
uất và đông đúc. Nhờ có con đường xe hỏa đi qua, và một con sông nhỏ,
nhánh của sông Nhị hà, nên sự buôn bán đâm ra thịnh vượng. Phố huyện có
một giẫy - bên này là đường xe hỏa, một giẫy nhà lá trát vách hay tường
gỗ, những cửa hàng nho nhỏ của người trong làng mở bán các thức lặt vặt.
Trừ hai cái nhà gạch hai tầng và khá rộng: hai hiệu của người khách đến
lập nghiệp ở đây không biết từ bao giờ, hai hiệu buôn to nắm hết cả
quyền lợi buôn bán ở trong huyện. Sau quầy hàng bằng gỗ, lúc nào cũng
thấy một hai chú Khách ngồi gảy bàn tính, và ông chủ hiệu, người béo
tốt, hồng hào, đầu bóng như hòn bi, ngồi bệ vệ trong ghế bành, luôn tay
châm mồi lửa vào cái điếu thuốc lào. Những người khách chú ấy, và cái
cửa hàng đồ sộ của họ, là những người vật lần đầu gây cho tôi hình ảnh
của sự giàu có, bởi làm cho tôi đoán thấy một nước lạ ở đâu đâu, nước kỳ
dị mà họ ở đấy đến đây; thường ngày, có khi hàng giờ, tôi dừng lại đứng
ngắm họ, nhìn nhận các cử chỉ của họ, và nghe tiếng họ nói líu lo,
khiến tôi nghĩ đến một thế giới khác lạ lùng.
Hồi ấy, tôi mới mười ba tuổi. Thầy mẹ tôi ở Hà Nội vì buôn bán
thua lỗ nên mới dọn hàng về huyện này - chỗ quê của thầy tôi - đã được
hai năm. Chúng tôi ở một căn nhà nhỏ ba gian ngay giữa phố, mặt trước
nhìn ra đường xe hỏa, mặt sau trông ra cảnh đồng ruộng. Mẹ tôi dọn một
cửa hàng tạp hóa nhỏ để bán cho những người nhà quê quanh vùng đấy họ
lên huyện những ngày phiên. Vì chợ họp ngay ở giữa phố, những hàng quà
bánh, hàng gạo, hàng cà, quang gánh ngổn ngang và thúng mủng xếp hàng
hai dẫy đối diện nhau. Dưới trời, tiếng ồn ào của người họp chợ, một
tiếng ồn ào đặc biệt, vang động và sang sảng, từ đám đông ấy bốc lên như
ngọn lửa, bao trùm lấy cả huyện; một đám đông hoạt động, và vui vẻ, rực
rỡ nhiều màu, đầy ánh sáng và tiếng cười, lẫn những câu chửi rủa lanh
lảnh như kim qua không khí.
Đó là tất cả nơi quê tôi, tất cả quang cảnh cái huyện Văn Dương
miền hạ du, mà một người trong họ tôi sính làm thơ đã vịnh trong bốn câu
tuyệt tác này:
Văn Dương xuân sắc cớ sao buồn,
Đủ mặt ta, tàu khắp bán buôn.
Dưới bến thuyền buôn chen chúc đậu.
Trên đường xe hỏa lại qua luôn!
Tôi qua ở đấy tất cả cái tuổi niên thiếu của tôi, sung sướng và
nhảy nhót như một con chim giữa cuộc sống hoạt động kia bao bọc lấy tôi,
để hết cả mắt mà trông, cả tai mà nghe, cả mũi mà ngửi cái mùi cát, mùi
đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với
sương mà tràn vào trong phố.
Tất cả chợ huyện, những kẽ ngách hay bãi không, đối với tôi đều
quen thuộc, thân mật như một vật cũ trong nhà. Nhưng, bên kia sông, ở về
phía huyện nha, cách chợ độ nửa cây số, có một nơi đối với tôi như một
xứ bí mật, xa lạ. Nơi ấy, người trong phố vẫn gọi là bến Sen, và con
sông đi qua chỗ ấy được gọi tên là sông Sen. Bến Sen là một túm nhà độ
hơn mười nóc, lấp vào cây cối xanh um, ở hai bên vệ một con đường giải
đá đi tăm tắp không biết về đâu. Phía sau, là một cánh đồng hoang, đầy
bãi tha ma và bụi dứa; bên này, một con đê nhỏ và một rặng cây; bên kia,
một cái quán cột đá, đứng cạnh con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi vào làng có
cây đa tiên, một cây đa cổ không biết mấy trăm năm, rễ thẳng xuống đất
to mấy người ôm, khiến không ai có thể phân biệt được đâu là gốc, đâu là
rễ. Gần đấy, có một cái phần mộ xây đá bỏ hoang, một vài tượng đá mốc
rêu lẫn trong cỏ rậm, dưới hai gốc thông cao vút, chội lên cả một vùng.
Một cái cầu gỗ lung lay sắp đổ, một cái cầu nhà nước đã bỏ, bắc
qua sông, nối liền bến Sen với chợ huyện bên này. Trong những dịp rất
hiếm mà tôi được sang bên ấy, không lần nào tôi đi qua chiếc cầu đó mà
không ghê sợ; các ván cầu cũ đã mọt rung động dưới bước đi, và qua khe
hở, tôi trông thấy dòng sông thăm thẳm chảy. Nhưng những dịp sang chơi
bến Sen rất ít, vì người ở bên này không hay giao thiệp với người bên
ấy. Bến Sen ăn về tỉnh khác, tỉnh Bắc; những bọn cướp nhiều lần vào cướp
ở phố huyện rồi lùi sang đó để trốn tránh sự tầm nã, lại càng làm cho
vùng đó đối với dân huyện, đối với tôi, thành một vùng hay nhộn và đáng
sợ. Người trong phố thường thì thầm kể với nhau những chuyện xảy ra bên
ấy; và mỗi khi có người ở bến Sen sang, ai ai cũng chăm chú nhìn như một
người ở chốn xa lạ nào đến.
Có lần, một ông cụ già râu bạc đến chơi nhà tôi, cùng thầy tôi
uống rượu và ngâm thơ phú. Khi biết ông ta ở bên Sen, tôi nhìn ông ta
khâm phục lắm, mẹ tôi lại bảo ông ta là một ông đồ rất hay chữ, ở cái
làng ven sông phía bên kia, một làng nổi tiếng vì ngày xưa, đã có một
thời mười tám ông tiến sĩ. Khi ông cụ ra về, tôi đưa ra đến đầu cầu, tôi
dừng lại nhìn ông giương ô đi qua cánh đồng, đến khi ông nhỏ lấp ở chân
trời.
Vùng bên Sen cứ luôn luôn ám ảnh trí tưởng tượng non nớt của
tôi. Nhiều lần, tôi lẻn ra đằng sau nhà, đứng lên một mô đất nhìn sang
bên kia sông, nhìn khu nhà nấp bên cây cối, cái quán trơ vơ và rặng cây
trên bờ đê, bên con đường đi không biết về đâu, về những chốn xa xăm nào
tận bên kia giải đồi núi lờ mờ xanh ở chân trời; với tôi, sinh trưởng ở
chốn đồng bằng bùn lầy nước đọng, đồi núi quyến rũ như một tiếng gọi lạ
lùng. Trong giải núi ấy, có một quả đồi mà những buổi chiều nắng trong,
tôi thấy nổi đỏ lên trời xanh. Trên đỉnh đồi, người ta thấy rõ một chùm
cây, mẹ tôi bảo đó là chùa Thiên Thai. Thiên Thai! cái tên huyền ảo
thần tiên ấy khiến tôi nghĩ đến những chốn bồng lai xinh đẹp, chốn vui
chơi của những tiên ông mà thầy tôi vẫn đọc đến tên trong các truyện và
kể cho tôi nghe. Rồi tôi thơ thẩn cho đến buổi chiều, đến lúc mặt trời
thấp xuống, để được trông cả vùng bên kia sông chói lòa, rực rỡ tia ánh
nắng; rồi tối hơn nữa, lúc chỉ còn ráng chiều chiếu các nền mây, được
trông dẫy nhà mờ đi và thấp xuống, lẫn vào mặt đất, và hai gốc thông cao
lên, nổi đen trên da trời.
*
Dần
dần, tôi được có nhiều dịp sang chơi bên Sen. Sự đó là nhờ ở anh Tiến,
bạn tôi. Tôi đang học ở lớp ba trong trường, gần hết năm, thì Tiến xin
vào học. Tôi yêu mến anh ta ngay; Tiến là một đứa trẻ mảnh dẻ và xinh
xắn, mắt to và da trắng, tóc mềm như sợi tơ. Tôi yêu Tiến như yêu một cô
con gái, Tiến thùy mị, hiền lành và hết lòng với bạn. Nhưng ngoài những
nết tốt ấy, Tiến khiến tôi gần gụi và quyến rũ tôi là vì anh ở bên kia
sông. Một cái đó đã khiến cho anh ta đối với tôi trở nên một đứa trẻ kỳ
dị khác thường. Tôi kết bạn với Tiến rất là thân thiết, và chiều nào tan
học, tôi cũng tiễn anh ta đến tận đầu cầu rồi mới trở về.
Một hôm chủ nhật, Tiến rủ tôi sang chơi nhà. Tôi sung sướng như
một người sắp được đi phiêu lưu mạo hiểm, vì lần ấy là lần đầu tôi được
sang bên kia sông. Tôi với Tiến cùng đi qua cầu; chúng tôi dừng lại tựa
vào thành cầu nhìn xuống sông; mấy con thuyền của các người buôn bán
chen nhau đậu bên bờ, trên có mấy đứa trẻ chơi đùa và con chó nằm cuộn
tròn trên mui thuyền ngủ. Đó chính là những chiếc thuyền từ tỉnh Bắc về,
chở những thứ hàng lạ. Tiến giơ tay chỉ vào đám thuyền bảo tôi:
- Ngày trên Bắc về đây, chúng tôi cũng đi một chiếc thuyền như thế này.
Tôi nhìn Tiến muốn hỏi anh ta về tỉnh Bắc xa xôi ấy, nhưng lại
thôi. Tiến đã giắt tay tôi qua cầu đi đến phố Sen. Nhà Tiến ở cuối phố,
sát ngay cánh đồng. Tôi thấy một cửa hàng tạp hóa cũng giống như cửa
hàng của mẹ tôi, nhưng nhỏ hơn. Trên tấm phản, sau mấy ngăn hàng, một bà
cụ già tóc bạc phơ, vẻ mặt nhân từ, đang ngồi tính tiền. Thấy tôi và
Tiến bước vào, bà cụ tươi nét mặt hỏi:
- Cháu đi đâu về thế?
Tiến vừa lấy vạt áo lau mồ hôi, vừa đáp:
- Thưa bà, con sang chợ chơi ạ.
Bà cụ nhìn vào tôi, đứng nấp sau lưng Tiến, bảo:
- Cháu về mà uống nước. Cả cậu nữa, cậu vào chơi. Trời nắng thế này mà đi có nhọc không?
Tiếng bà cụ êm dịu và ngọt ngào, khiến tôi thấy dễ chịu và vui vẻ.
Tiến mời tôi vào trong nhà, bầy biện rất sơ sài, những đồ đạc rẻ
tiền và cũ kỹ. Chúng tôi vừa ngồi thì bỗng trong nhà bước ra một người
con gái độ mười lăm tuổi. Tôi biết ngay là chị Tiến, vì giống Tiến như
hệt, cũng nước da trắng, hai mắt to. Trông thấy em, chị Thúy nở một nụ
cười trên đôi môi thắm, một nụ cười tươi và duyên sắc như trong đời tôi
chưa từng thấy bao giờ.
- Em đã về đấy à?
Tiếng nói cũng êm dịu như tiếng bà cụ, nhưng trong hơn. Thúy lại
gần chúng tôi, săn sóc hỏi em. Tôi ngây người trước cái sắc đẹp của
nàng, trong lòng tự nhiên cảm động; tuy còn trẻ nhưng tôi cũng biết là
tôi đương đứng bên một sự gì quý báu và hiếm có, một sự gì mong manh rồi
sẽ không còn nữa.
Khi Thúy để tay lên vai tôi, tôi thấy rung động cả người, tôi cảm thấy tôi bắt đầu yêu nàng.
- Em cùng học một lớp với Tiến à?
- Vâng ạ.
Thúy vuốt sẽ qua tóc tôi, bảo:
- Em ngoan ngoãn quá.
Nàng tiếp:
- Ở đây chơi với em Tiến rồi ăn bánh nhé. Tiến, chị có để phần bánh trên bàn kia kìa.
Thúy không ăn, chỉ ngồi nhìn chúng tôi; tôi thấy nàng nhìn Tiến
rất thương yêu khiến tôi ghen với bạn đã có người chị xinh đẹp và ân cần
như thế. Nhưng nàng cũng hỏi chuyện tôi luôn, tôi trả lời hoạt bát và
vui vẻ, không phải cốt nói, nhưng cốt được nghe cái tiếng trong trẻo và
êm ái của nàng.
Ăn xong, Tiến rủ tôi ra chơi ngoài bãi tha ma đằng sau nhà. Lần
đầu, tôi được đứng giữa cái vùng bí mật, được nhìn gần hai gốc thông với
mấy tượng đá giấu trong cỏ. Tiếng thông reo rì rào như một tiếng đàn xa
lạ, trầm như ở một cõi khác nào đưa lại, và cái quán cột đá lộng gió
giữa cánh đồng hình như đang đợi chờ những người ở thời nào, lâu lắm,
đến nghỉ chân.
Từ hôm ấy, thường thường tôi vẫn sang bên Sen luôn. Tôi muốn gần
gụi cây cỏ bên vùng ấy, đối với tôi vẫn có một vẻ riêng khác hẳn cây
cối bên này. Tôi muốn được luôn luôn trông thấy Thúy, được nghe tiếng
nói của nàng, được nhìn cái miệng xinh tươi của nàng hé trên hàm răng
đen nhánh. Cả bà cụ cũng khiến tôi yêu mến. Tôi không biết rõ gì về gia
đình của Tiến, nhưng trên mặt các người trong nhà ấy, lúc nào tôi cũng
thấy phảng phất một vẻ trầm mặc, một nét thoáng buồn, càng khiến họ đáng
yêu. Tôi đoán trước khi đến buôn bán ở đây, họ đã có một cuộc đời lạ
lùng và phong phú, mà vết tích còn lại là những đồ vật kỳ dị, như thanh
gươm, cái khánh đồng, con rùa ngọc, để trong một cái tủ kính mà gỗ đã
long sơn. Với lại họ khác những người vui vẻ, thô sơ bên này thế; chị
Thúy và Tiến đều có nước da trắng xanh, chân tay nhỏ nhắn, những dáng
điệu thanh nhã, tiếng nói nhẹ, không như các người hồng hào vì cục mịch ở
trước nhà tôi. Hồi ấy, tôi cho là vì họ ở cái vùng bí mật ấy, hay là vì
họ là những người khác thường nên mới dám đến ở đó.
Tôi chơi với Tiến càng ngày càng thân mật; tôi được coi như một
người con của gia đình ấy. Chị Thúy coi tôi như em, cũng săn sóc và âu
yếm tôi như Tiến. Nhiều khi chị để tôi ngả đầu xuống bên lòng, xoa tóc
tôi, hỏi những câu chuyện ân cần. Đến bây giờ trải qua bao nhiêu lâu,
tôi vẫn còn nhớ, lúc nhìn lên, đôi mắt trong và cái miệng xinh thắm của
nàng cúi xuống tôi, bàn tay nhỏ nhắn của nàng đặt trên trán tôi nóng vì
chạy nhảy ngoài cánh đồng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người con gái yểu
điệu và tươi đẹp ấy, nổi lên trong thời niên thiếu của tôi như một nàng
tiên hiền hậu, giữa một vùng cây cỏ lạ.
Nhưng không bao lâu, tôi phải từ giã người bạn nhỏ của tôi; thầy
mẹ tôi dọn nhà lên Hà Nội, tôi cũng phải đi theo. Buổi cuối cùng của
tôi với Tiến bên sông Sen vào một ngày mùa đông u ám và rét lạnh. Chúng
tôi cùng nhau đi thăm một lần cuối cùng mấy ông tượng đá vẫn ngồi yên
trong cỏ; giờ xa nhau gần đến, có lẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa,
song chúng tôi còn trẻ quá không biết buồn. Đến lúc Thúy đặt tay lên vai
tôi, êm ái bảo:
- Bao giờ chị mới lại được gặp em?
Tôi bỗng thổn thức cả người, nước mắt tràn ra khóe mắt, tôi gục đầu vào vai Thúy khóc.
*
Câu
chuyện phải có lúc hết. Mười năm sau tôi mới lại có dịp trở về Văn
Dương. Quang cảnh khác xưa, phố chợ bây giờ sầm uất hơn, nhà ngói san
sát. Những người cũ ngồi bán hàng đều già, râu tóc bạc, và những trẻ
cùng học với tôi trước kia bây giờ đã ngồi thay vào đấy, thành những
người lớn trông lạ hẳn đi.
Tôi sang bên kia sông; cái cầu sắt không còn nữa: một đêm gió
to, cầu bị sập và người ta cũng không sửa chữa vì con đường sang Bắc ít
người qua lại. Bây giờ qua sông phải dùng đò. Tôi qua đò lúc buổi chiều,
lúc sương đã bắt đầu xuống lẫn với khói trong mấy chiếc thuyền chài đậu
ở bến đưa ra. Một cảnh hoang tàn đợi tôi: bên kia sông, giờ chỉ còn là
miếng đất bỏ hoang, cỏ mọc trên những thềm nền nhà cũ. Một cái quán nước
siêu vẹo trống không bên một gốc đa cằn. Cả một dẫy phố đã mất đi,
những cây cối lơ thơ và xơ xác dưới gió chiều: chỉ giặng cây bên đê vẫn
còn, vẫn như cũ, bên con đường xa thẳm không biết về đâu, con đường sắp
đầy ánh tối mênh mông, tận chân trời không có một bóng người nào.
Tôi không dám đi xa nữa; buồn rầu, tôi trở lại đò, qua dòng sông
đã xám dưới sương mù. Tôi không hỏi người lái đò xem những người trước ở
đây bây giờ đâu, tôi chắc anh ta cũng không biết. Thấy chân cầu gạch
đen rêu phủ, tôi nhớ lại người bạn nhỏ của tôi, nhớ đến Thúy, dáng điệu
thùy mị đáng yêu của nàng, cái vẻ buồn lúc nào cũng phảng phất trên mặt
nàng, bây giờ tôi đoán biết đã che kín bao nhiêu sự đổi thay đau đớn.
Đôi mắt nàng như vừng trời trong thẳm tôi đã được soi thấy cái dư vị của
cuộc đời.
Lên bờ, tôi còn quay lại lần cuối nữa, nhìn rặng cây, cái quán,
với làng mạc xa xa dưới chân giải núi tận đâu kia; vùng bên kia sông đối
với tôi không còn bí mật nữa, chỉ còn cho tôi trông thấy cái buồn thảm
của đất nghèo.
THẠCH LAM
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Nắng Trong Vườn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét