Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Sau khi lựa chọn, người tá điền dắt ngay ra con bò cái mà vợ tôi đã giao.

Con bò thật mập mạp tốt tướng, tôi rất vừa lòng cầm dao vừa định thọc huyết thì con bò đó bỗng rống lên dữ dội, rồi hai giòng lệ chảy dài trên đôi khóe mắt.

Tôi lần đầu thấy cảnh lạ nầy nên không đành lòng xuống tay liền cởi trói bảo tá điền dắt bò về chuồng đổi con khác.

Vợ tôi không bằng lòng, nàng phản đối:

- Con bò nầy mập mạp nhất chuồng, sao mình không làm thịt nó đi? Làm lễ tế thần mà lựa bò xấu không nên đâu.

Để cho vợ tôi vui lòng, tôi liền nhắm mắt cầm dao toan thọc huyết thì lần nầy nó lại càng rống to hơn và nước mắt ràn rụa.

Tôi đành buông dao, không thể can đảm giết được, liền bảo người tá điền:

- Chú hãy thay tôi hạ sát nó đi, tôi có việc phải đi.

Nói xong tôi liền bỏ đi. Người tá điền điềm nhiên giết chết con bò nhưng khi lột da thì thật lạ lùng, vì trông con bò bề ngoài tốt tươi thế mà bên trong chỉ có xương, không có chút thịt nào, liền chạy đi cho tôi hay.

Tôi đến nơi chứng kiến việc kia thì rất ngạc nhiên. Quá cảm động, tôi bảo người tá điền:

- Thôi, tôi cho chú đó, mang về chia lối xóm đi, rồi hãy vào chuồng bắt cho tôi một con bò tơ vậy.

Người tá điền y lời lựa ra cho tôi một con bê mập mạp. Dù không mảy may nào biết nó là con nhưng tôi vẫn cảm thấy lòng xao xuyến khi đứng trước nó. Riêng nó vừa trông thấy tôi thì lồng lộn bứt dây chạy đến quỳ mọp xuống chân tôi, rống lên từng chặp như yêu cầu tôi đừng giết nó.

Nước mắt và tiếng kêu thảm thiết của nó làm tôi bủn rủn tay chân hơn cả con bò cái kia. Tôi thấy quyến luyến nó, có lẽ vì giòng máu của tôi lôi kéo chăng?

Tôi nói với người tá điền:

- Thôi chú dắt nó về chuồng đi, nhớ săn sóc nó tử tế rồi tìm con khác làm tạm cũng được.

Vợ tôi đứng bên la lớn, tỏ ý phản đối, nó nói:

- Tại sao mình lạ lùng vậy? Hãy nghe tôi, làm thịt con nầy đi đừng đổi.

Tôi buồn bã nói:

- Mình à! Không hiểu sao tôi thấy hồi hộp quá, tôi muốn tha cho nó, mình đừng ép tôi.

Vợ tôi nhất định không nghe, nó lăn lộn khóc lóc. Sau rốt, để chiều lòng nó cho yên vui, tôi liền trói con bê lại rồi dùng dao định thọc huyết nó.

Kể vừa đến đây Mỹ Thanh Loan thấy trời sáng liền dừng lại.

Mỹ Thanh Liên tiếc rẻ nói:

- Ồ, câu chuyện đang hay mà lại bị bỏ dở nửa chừng uổng quá.

Mỹ Thanh Loan liền mỉm cười nhìn nhà vua nói:

- Đoạn sau còn hay hơn, nếu hoàng thượng cho chị sống thêm ngày nữa chị sẽ kể cho em nghe rồi mới hiểu nó hay như thế nào.

Đức vua Ba Tư bị mê hoặc trong câu chuyện hấp dẫn kia nên nói:

- Thôi nàng đừng nói nữa, ta đã bằng lòng hoãn cuộc hành quyết cho đến khi nào dứt câu chuyện.

Thưa quí vị, câu chuyện đêm thứ năm tiếp theo đã làm cho nhà vua say mê và cho đến sau tôi chỉ ghi lại toàn thể câu chuyện ; quí vị cứ hiểu tất cả đều do nàng Mỹ Thanh Loan kể trong những đêm kế tiếp.



ĐÊM THỨ NĂM


- Tâu hoàng thượng…

Nàng Mỹ Thanh Loan kể tiếp:

- Ông già dắt con nai cái tiếp tục kể câu chuyện cho vị hung thần nghe:

Tôi cầm dao cương quyết giết con bê cho vừa lòng vợ tôi nhưng không thể được, cứ nhìn hai hàng nước mắt của nó tôi không thể nào xuống tay, tôi liệng dao nói:

- Thú thật với mình không thể nào tôi giết nó được.

Vợ tôi cố tìm lời nói khích, cố cho tôi giết bằng được con bê, nhưng tôi không nghe, tìm cách hoãn binh nói:

- Mình ạ, thôi để lễ nầy sang năm tôi sẽ giết nó.

Rồi tôi bắt người tá điền đổi ngay con khác.

Hôm sau người tá điền gặp riêng tôi nói:

- Thưa ông, tôi có chuyện nầy mong ông không cho là tà mị. Số là hôm qua tôi đưa con bê đó về, đứa con gái tôi có học về phép thuật, nó nhìn thấy thì khóc ba tiếng rồi cười ba tiếng. Tôi lấy làm lạ hỏi nó thì nó giảng rằng:

“Nó khóc là buồn cho ông chủ mất nàng nô lệ còn cười là mừng con ông chủ thoát chết ; vì con bò hôm qua chính là nàng nô lệ, còn con bê chính là con trai của ông. Đó là những lời của nó tôi chỉ thuật lại thôi, mong ngài đứng hiểu lầm tôi”.

Nghe lời nói ấy tôi tức tốc sang ngay nhà người tá điền để gặp con gái ông ta hỏi cho ra lẽ.

Người con gái ấy rất mừng rỡ nên chạy ra chào mừng. Tôi hỏi ngay:

- Cô nói thế nhưng có điều gì chắc không?

Nàng nói:

- Nếu ông muốn tôi sẽ làm cho con ông trở lại như xưa.

Tôi vui mừng quá ôm chầm lấy nàng nói:

- Cô làm ơn cứu con tôi đi, tôi sẽ dâng tất cả tài sản của tôi cho cô.

Người thiếu nữ lắc đầu nói:

- Thưa ngài, ngài là chủ tôi thì cha con tôi đã được mang ơn ngài từ trước, tôi không dám đòi hỏi gì cả, tôi chỉ xin hai điều là : Thứ nhất, nếu cứu được anh ấy thành người thì anh ấy phải lấy tôi làm vợ. Thứ hai, ngài cho phép tôi trừng phạt người đã gây nên thảm trạng nầy.

Tôi liền gật đầu bằng lòng ngay:

- Chẳng những tôi đồng ý mà tôi con xin biếu cô một phần tài sản, nhưng xin cho biết ai đã gây ra thảm cảnh nầy.

Nàng thong thả nói:

- Đó chính là bà chủ.

Tôi ngạc nhiên kêu lên:

- Trời ơi, chính vợ tôi đã giết nàng và con tôi?

Nàng mỉm cười nói:

- Chính thế, vậy ngài có bằng lòng điều kiện thứ hai không?

Tôi miễn cưỡng đáp:

- Tôi cũng hiểu vợ tôi là kẻ vô nhân đạo, nhưng xin cô hãy nương tay cho nó, đừng giết nó.

Nàng nói:

- Vâng, tôi sẽ xử với bà chủ, như bà đã đối với con ngài.

Tôi nóng lòng nói:

- Được rồi, nhưng trước hết cô cứu giùm con tôi đã.

Người con gái liền múc một bát nước đầy, tiến thẳng đến chuồng bò vẩy tay nước vào mình con bê, nói:

- Nầy con vật kia, cầu thượng đế khiến ngươi trở lại nguyên vẹn như xưa.

Vừa dứt lời, con bê bỗng rùng mình rồi biến ngay ra con tôi. Mừng rỡ quá tôi ôm lấy nó hôn rồi nói:

- Con ơi, hãy cám ơn thượng đế đã xui nàng đến đề cứu con thoát nguy. Để đền ơn cứu mạng của nàng, con hãy lấy nàng làm vợ vì cha đã hứa.

Con tôi bằng lòng. Hôn lễ sắp cử hành thì nàng làm phép cho vợ tôi để đền tội biến thành một con nai cái.

Thấy vợ tôi đã đền tội nhưng tôi không buồn vì dù sao dưới lốt nai cái xem cũng đã ghê tởm, tôi có thể giữ nàng mãi trong nhà.

Mấy năm sau dâu tôi mắc bạo bệnh qua đời, con trai tôi buồn bã xin đi du lịch nhưng hắn đi mấy năm không có tin tức nên tôi phải đi tìm. Vì nhà không người thân tín có thể giao vợ tôi nên tôi đành dắt nó theo để tự tay săn sóc.

- Thưa tôn thần, câu chuyện con nai nầy có làm cho ngài vừa ý không?

Hung thần đáp:

- Cũng khá ly kỳ, vậy ta bằng lòng cho ngươi một phần ba thân thể của người phú thương kia.

Hung thần vừa dứt lời thì ông già dắt hai con chó mực tức là ông già thứ hai, nói:

- Thưa ngài, tôi xin kể ngài nghe một câu chuyện còn ly kỳ hơn chuyện kia nếu ngài cũng cho tôi một phần người của ông ta để tôi sử dụng.

Hung thần gật đầu nói:

- Được rồi, ta bằng lòng nếu câu chuyện đó hay hơn chuyện kia.

Ông già thứ hai ngồi xuống bắt đầu kể:


CHUYỆN ÔNG GIÀ THỨ HAI VÀ ĐÔI CHÓ MỰC


- Thưa tôn thần và quí vị, hai con chó này với tôi là ba anh em ruột. Cha mẹ chúng tôi qua đời để lại ba ngàn đồng cho ba chúng tôi.

Chúng tôi chia làm ba mỗi người được một ngàn đồng, tôi mở một quán bán hàng còn hai anh tôi thì xuất vốn đi xa. Bỗng một hôm vừa đúng một năm, lúc tôi đang ngồi kiểm điểm tiền lời thì thấy một người rách rưới bước vào.

Có lẽ không nhìn rõ mặt tôi, anh ấy xin tôi bố thí, tôi liền ôm lấy anh nói:

- Trời ơi! Có phải chính anh không?

Anh tôi có vẻ thẹn thùng khi gặp mặt tôi nên cúi đầu làm thinh không nói lời nào.

Tôi biết anh ngượng nên tìm lời an ủi rồi hỏi thăm sức khỏe và câu chuyện một năm làm ăn ra sao.

Anh tôi buồn bã lắc đầu nói:

- Thôi, chú đừng hỏi nữa, trông thấy tình cảnh tôi thế nầy chú chưa hiểu được sao, việc buôn bán của tôi đã thất bại đến mức cuối cùng, chú đừng bắt tôi kể ra thêm đau lòng mà thôi.

Tôi liền đưa anh đi tắm rửa rồi đóng cửa hiệu lại, dẫn anh đi mua sắm quần áo sang trọng. Xong tôi trở về tính lại sổ sách thấy sau một năm dành dụm tôi đã để dành được hơn một ngàn đồng vàng, tôi liền chia cho anh tôi hai phần ba để lấy vốn buôn bán gây dựng lại tương lai.

Tôi lại an ủi anh:

- Thôi anh ạ, chuyện đời may rủi là thường, anh đừng buồn bã lắm, nhờ trời anh sẽ lấy lại mấy hồi. Anh hãy nhận ít đây để làm vốn.

Anh vui vẻ nhận lấy, từ biệt ra đi.

Chẳng bao lâu lại đến người anh thứ hai của tôi cũng ra đi và trở về trong bộ quần áo rách. Anh cũng tìm đến tôi và tôi cũng đối với anh như với anh cả, lại lo giúp vốn cho, anh tôi cũng nhận lấy rồi ra đi buôn bán ở ngoại quốc.

Tôi lại ở nhà lo chăm chỉ làm ăn dành dụm.

Vừa sống trong cảnh an nhàn sung sướng thì hai anh tôi trở về một lượt với ý định là thu xếp hàng hóa để đi buôn xa, nhưng lần nầy thì cứ nhất định rủ tôi đi cho bằng được.

Tôi không đồng ý, nói:

- Các chuyến đi của các anh vừa rồi đã khiến cho chúng ta hiểu thế nào là kết quả, chúng ta chỉ nên ở nhà làm ăn còn hơn.

Hai anh tôi cứ nằng nặc nói:

- Chú không hiểu thế nào là cảnh lạ, sao không nhân dịp nầy cứ đi một chuyến xem sao? Nếu nhờ trời ta sẽ giầu to rồi làm nở mặt giòng họ nhà ta mấy chốc.

Mặc cho lời hai anh cám dỗ, tôi vẫn bền chí ở lại nhà lo chăm chỉ làm ăn. Nhưng đến năm năm sau, khi tôi đã trở nên giàu có thì hai anh tôi cứ nói mãi, buộc tôi phải vâng theo cho họ vui lòng. Thế là chúng tôi thu xếp tất cả tiền bạc, sắm thiệt nhiều hàng hóa, mua một chiếc tàu để ra đi.

Số tiền còn lại là sáu ngàn đồng, tôi đem chia ra làm ba phần chia cho hai anh tôi đem theo, còn phần tôi đem giấu một nơi phòng khi thất bại thì còn chi dùng.

Chuẩn bị xong, mấy hôm sau chúng tôi lên đường.

Thuận buồm xuôi mái, vừa mới một tháng chúng tôi đến một thương cảng to.

May mắn lần nầy chúng tôi buôn may bán đắt, một vốn mười lời nên kiếm lời thật nhiều.

Chúng tôi mừng rỡ mua thêm hàng hóa rồi nhổ neo sang nước khác. Khi thuyền sắp nhổ neo thì có một người ăn mặc rách rưới, mặt mũi xấu xí đến bên thuyền run rẩy xin cho theo và lấy nàng làm vợ.

Tôi rất khó nghĩ nhưng nàng cứ hết sức năn nỉ với những lời bi thiết làm tôi cảm động quên đi những vẻ xấu xí dơ dáy kia, tôi liền nhận lời.

Tôi liền săn sóc cho nàng để chuẩn bị lễ cưới, xong đưa nàng xuống thuyền ra khơi.

Mặc dù xấu xí nhưng đức hạnh nàng làm cho tôi cảm mến, tôi lại càng yêu mến vợ hơn.

Nàng săn sóc tôi rất ân cần, hạnh phúc của chúng tôi thật tràn trề, hai anh ganh tị vì buôn bán kém tôi.

Hai người anh cùng máu mủ kia không hiểu sao có thể tàn nhẫn đến độ rắp tâm hại tôi.

Một hôm, giữa lúc đêm khuya, lúc chúng tôi đang mê man trong giấc điệp thì hai anh tôi bế chúng tôi liệng cả hai xuống bể.

May vợ tôi cứu tôi được, chúng tôi trôi giạt đến một hoang đảo thoát chết. Tôi rất biết ơn vợ tôi, tôi càng ân cần với nàng hơn và một hôm có lẽ hiểu được tôi, nàng nói:

- Này mình, tôi xin thú thật với mình tôi chính là tiên nhân, thấy mình là người nhân đức nên giả vờ ăn mặc rách rưới biến đổi ra xấu để thử lòng mình. Qua một thời gian gần gũi, tôi đã hiểu mình thật là kẻ có lòng nhân nên tôi mới cứu mình thoát chết. Càng thương mình tôi lại càng giận hai anh mình lắm, tôi phải trừng trị họ mới vừa lòng.

Nghe nàng nói tôi vừa mừng vừa sợ, tôi vội xin với nàng dung tha mạng sống cho hai anh tôi. Nàng nói:

- Thật là những kẻ khốn nạn không làm sao thấu đáo được lòng dạ của người hiền, nhưng mình đã xin thì tôi cũng tạm tha cho họ, chỉ bắt họ nhận lãnh một hình phạt nhẹ mà thôi.

Tôi hỏi:

- Thế mình định làm gì hai anh?

Nàng mỉm cười nói:

- Chàng cứ yên lòng, tôi đã hứa để họ toàn tính mạng.

Nói xong nàng ôm tôi bay bổng lên không trung rồi đặt tôi xuống nền nhà cũ.

Thật là một sự đau lòng, lúc ra đi tôi giàu có sang trọng mà nay chỉ còn hai bàn tay trắng. Tôi liền đào số tiền chôn giấu lên lo dựng lại nhà cửa để tiếp tục tìm kế sinh nhai.

Hôm sau, lúc tôi lo đi chào hàng các khách cũ ra về, vừa mở cửa nhà, tôi đã ngạc nhiên thấy nàng đang tươi cười nhìn tôi mừng rỡ. Tôi vội đến gần nàng đón mừng thì nàng dắt tôi vào trong, chỉ hai con chó mực nầy mà hỏi:

- Mình có biết hai con chó mực nầy là ai không?

Tôi nói:

- Mình màng nó về làm gì, tôi không thích giống chó đen nầy đâu.

Nàng mỉm cười nói:

- Nhưng tôi biết mình sẽ nuôi vì đó chính là hai anh của mình đó. Tôi đã hóa họ thành chó để trị tội gian ác kia. Hàng hóa và tàu tôi đã đánh đắm rồi, nhưng rồi tôi sẽ đền lại sau cho chàng, chàng đừng buồn.

Quá thương tình máu mủ, tôi vội kêu nàng hãy tha cho hai anh tôi, nhưng nàng lắc đầu nói:

- Tội ác của họ thật là to lớn, nếu tôi không trừng phạt họ thì rồi thượng đế cũng hại họ, vậy mình cứ yên lòng, tôi chỉ phạt họ làm lốt thú trong mười năm rồi họ sẽ trở lại như xưa, khi họ hối xong tội lỗi.

Rồi nàng dặn tôi chỗ gặp nàng mười năm sau và nàng biến mất.

Hôm nay hẹn xưa đã đến, tôi dẫn hai anh đến tìm nàng để nhờ giải lời nguyền cho họ. Nhân đi qua đây thấy hoàn cảnh vị phú thương đáng tội nghiệp nầy tôi liền động lòng nán lại, và ngài đã nghe xong câu chuyện nầy và thấy có ly kỳ hay không, nếu ngài hài lòng xin ngài hãy tha cho phú thương và cho tôi xin một phần ba tội của ông ta.

Hung thần gật đầu nói:

- Được rồi, ta bằng lòng tha cho hắn theo lời hứa.

Hung thần vừa dứt lời thì người thứ ba cũng đứng lên nói:

- Tôi cũng xin kể cho ngài nghe một câu chuyện lý thú và xin ngài một phần ba tội của ông phú thương nếu ngài bằng lòng.

Hung thần gật đầu, ông ta liền kể:

Câu chuyện của lão già thứ ba tôi không rõ nhưng chắc hẳn là phải hay hơn hai chuyện trước nên khi nghe xong hung thần đứng lên nói:

- Ta sẽ tha cho vị phú thương nhưng không phải vì lòng nhân từ của ta mà do công của ba nhà ngươi, vậy để ta chia cho ba ông mỗi người một phần thân thể của ông ta cho đồng đều.

Nói xong ông ta nắm lấy vị phú thương rồi dùng gươm định chém làm ba để chia.

Ba ông già kia vội vàng quỳ xuống tâu:

- Thưa ngài, xin ngài cứ để tội nhân cho chúng tôi tùy nghi sử dụng.

Hung thần nghe lời liền biến đi theo một trận cuồng phong dữ dội. Vị phú thương cám ơn ba ông rối rít, ba ông già cũng hân hoan vì đã cứu được một mạng người.

Ông phú thương ân cần mời họ đến nhà mình để khoản đãi, đền ơn cứu mạng, nhưng họ đều từ chối để đi lo việc của mình và hẹn gặp lại khi xong việc.

Ông phú thương vội vàng từ giã để về nhà báo tin mừng cho vợ con.

*

Kể đến đây Mỹ Thanh Loan nhìn vua mỉm cười:

- Tâu Hoàng thượng, câu chuyện vừa rồi cũng không hay bằng câu chuyện thiếp sắp kể đây nếu Hoàng thượng bằng lòng.

Không kịp cho nhà vua bằng lòng, Mỹ Thanh Liên vỗ tay reo:

- A, nhân dịp trời chưa sáng, xin chị kể tiếp cho em nghe câu chuyện đó đi, có lẽ Hoàng thượng cũng vui lòng.

Vua Sa-hy-A mỉm cười nói:

- Được, khanh cứ kể đi, trẫm cho phép.

Mỹ Thanh Loan nhìn vua Ba Tư với đôi mắt tình tứ rồi nói:

- Tâu Hoàng thượng, thần thiếp xin kể tiếp câu chuyện của người đánh cá:


Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


CHUYỆN ÔNG THẦN NHÂN TỪ


Tâu hoàng thượng, thuở xưa ở một làng trù phú kia có một thương gia rất giàu có, vườn ruộng vô số cũng như nô lệ nhiều nhất vùng. Dù giàu sang như thế, ông ta vẫn chịu khó đi giao thiệp với các khách hàng ở khắp nơi hầu tìm cách khuếch trương thêm về lợi tức của mình.

Năm ấy, nhân có một việc cần đi xa, ông ta liền thu xếp lên ngựa ra đi. Muốn đến nơi đó phải qua một sa mạc vắng vẻ, không một người cũng như nhà cửa, cây cối.

Ông ta dự bị mang theo bên mình thật nhiều lương khô và trái cây để phòng lúc đói khát, trong một chiếc bị treo bên mình ngựa cả một bầu nước trong.

Đến nơi và lo công việc xong, ông ta vui vẻ trở về, không quên mua thêm ít quả đào để về biếu cho họ hàng làm món quà phương xa.

Trời trưa nắng gắt, sa mạc như thiêu như đốt, mồ hôi ông chảy vã ra như tắm, bình nước mang theo đã cạn đến giọt cuối cùng ; quá khát vì sức nóng, ông ta dừng ngựa lại một cành cây lẻ loi, móc đào trong bị ra ăn cho đỡ khát.

Gió nhẹ phơ phất làm ông ta cảm thấy khoan khoái vui vẻ. Ông ta vừa ăn vừa ném tung những hạt đào ra khắp nơi.

Nhưng ông ta ăn chưa xong quả đào thì thấy cát bốc lên mù mịt, rồi một ông thần to lớn dị thường hiện ra, tay cầm một thanh kiếm sáng ngời vung lên, tiến lại phía mình với dáng điệu giận dữ, hét to:

- Tên kia, ngươi đứng lên mau để đền mạng cho con trai ta.

Vị phú thương thất đảm kinh hồn run lên cầm cập nói:

- Thưa ngài, tôi chưa hề được biết ngài cũng như lịnh huynh thì làm sao ngài bảo tôi đền mạng?

Trợn ngược đôi mắt to như quả trứng, hung thần nói:

- Ta sẽ giết ngươi, vì ngươi vừa giết con trai ta!

Vị phú thương hoảng hốt hỏi:

- Thưa ngài tôi nào phạm tội đó vì tôi có gặp công tử lần nào đâu?

Hung thần hét to như sấm:

- Ngươi còn chối nữa hả? Lúc nãy ngươi không có ăn đào à? Và ngươi lại quăng hạt đào ra để con ta chạy ngựa đến bị văng vào mắt, nó ngã ngựa chết không kịp trối còn gì nữa?

Vị phú thương hoảng hốt nói:

- Thưa ngài, đó là do tôi người trần mắt thịt không nhìn thấy được lúc công tử đi qua nên vô tình xúc phạm, xin ngài hãy tha thứ cho.

Giận dữ, vị hung thần quát:

- Không thể nào ta tha thứ cho mi được vì giết người thì phải đền mạng là lẽ dĩ nhiên.

Ông phú thương nài nỉ:

- Thưa ngài, chẳng lẽ ngài lại bắt tội một kẻ vô tình, thế thì trái phép công bình của trời đất. Xin ngài hãy tha mạng tôi, tôi xin thành thật xin lỗi ngài.

Hung thần vẫn không lay chuyển, nói:

- Không, nhất định ta phải giết ngươi.

Nói xong ông ta nắm lấy ông thương gia kia giơ bổng lên rồi cầm gươm định đâm vào yết hầu.

Ông phú thương kêu trời kêu đất, van lạy rối rít, kể lể nào là mình còn vợ con quyến thuộc bằng những lời lẽ thống thiết nhất đời.

Hung thần vẫn trơ như đá ; ông ta mỉm cười thật ghê rợn, nói:

- Ngươi nói xong chưa? Giờ hãy ngửa cổ ra chịu chết.

Ông phú thương thở mạnh vô cùng cảm xúc, nức nở nói:

- Nếu ngài đã thương con ngài như thế ắt ngài cũng thương con tôi. Xin ngài gia ơn cho tôi được về từ giã nó vì tôi chỉ có mình nó và nó chỉ có mình tôi.

Hung thần vẫn giơ cao lưỡi gươm, nói:

- Không, ta sẽ giết ngươi, như ngươi đã giết con ta.

Mỹ Thanh Loan kể đến đây thì trời đã lờ mờ sáng, giờ của vị hoàng hậu một đêm ra pháp trường.

Mỹ Thanh Liên thở dài tỏ vẻ tiếc rẻ câu chuyện đang lúc gay cấn. Nàng nói:

- Chị ạ, em rất tiếc không được nghe chị kể đoạn chót mà chắc là hay lắm.

Mỹ Thanh Loan cũng nhìn em trìu mến nói:

- Em có biết không, đoạn sau còn hay hơn nhiều. Thôi trời sắp sáng, giờ hành quyết cũng sắp đến rồi, chị xin vĩnh biệt em giữa câu chuyện dở dang nầy vậy.

Vua Ba Tư cũng đang hoang mang trước cái đứt đoạn của câu chuyện. Ông ta nghĩ thầm:

- Hay là ta hãy tạm để nàng sống thêm một đêm nữa để nàng kể cho xong câu chuyện rồi giết cũng chẳng muộn gì.

Thế là sáng hôm ấy xứ Ba Tư có một người thoát khỏi bị chết vì đức vua sau buổi điểm tâm liền lâm triều không truyền lệnh.

Khổ sở nhứt là quan nhứt phẩm đại thần. Suốt đêm hôm qua ông không hề chợp mắt, lòng cứ phập phồng lo sợ từng giây phút, khắc khoải cho đến sáng hôm sau, trời vừa lờ mờ ông đã trở dậy pha trà uống rồi ngồi chờ tin dữ. Nhưng gần giờ vào chầu cũng chưa thấy thái giám đến, ông mừng rỡ vào triều bái yết.

Ai để ý thì thấy mới qua một đêm mà trông ông già đi hàng chục tuổi. Mãi sau không nghe vua nói gì, ông hết sức cảm ơn thượng đế đã ban phước lạ cho gia đình mình.

Suốt ngày, đức vua Sa-hy-A cùng quần thần làm việc nước cho đến đêm, ông vào cung an nghỉ cùng nàng Mỹ Thanh Loan.

Trời vừa lờ mờ, nàng Mỹ Thanh Liên đã trở dậy cất tiếng êm ái gọi chị:

- Chị ạ! Nếu chị không còn buồn ngủ, xin hãy cho em nghe đoạn kết của câu chuyện đêm qua.

Mỹ Thanh Loan nhìn đức vua Sa-hy-A thì ngài hiểu ý nói ngay:

- Khanh hãy kể tiếp ngay đi, ta cũng đang nóng lòng muốn nghe đây.


ĐÊM THỨ HAI


Mỹ Thanh Loan cám ơn nhà vua rồi kể tiếp:

- Tâu hoàng thượng, người phú thương thấy ông thần hung bạo kia giơ gươm nhất định giết mình thì luống cuống nói mau qua màn lệ:

- Thôi được rồi, nếu ngài cứ cố tình chấp nhất thì tôi cũng đành chịu vậy. Nhưng xin ngài hãy dung tình cho tôi hẹn một thời gian để trở về thu xếp gia đình, chia của cải tài sản cho vợ con, rồi tôi sẽ đến đây để tùy ngài sử dụng để báo oán cho con.

Hung thần cò vẻ hoài nghi trợn mắt nạt:

- Thôi đi, ngươi đừng dối ta, nếu ta cho ngươi một thời gian rồi ngươi trốn ta thì sao?

Ông phú thương vội nói:

- Tôi xin thề với đức thượng đế công minh : nếu tôi sai lời xin trời hãy tiêu diệt tôi.

Hung thần hạ gươm hỏi:

- Ngươi muốn xin bao lâu?

Vị phú thương nói:

- Tôi xin được gia hạn một năm, sang năm đúng ngày nầy tôi sẽ đến đây nạp mạng.

Hung thần nói:

- Ta cũng nhủ lòng nhân tha cho ngươi thêm một năm như lời ngươi thỉnh cầu, nhưng ngươi phải lấy danh của thượng đế mà thề thì ta mới tin.

Vị phú thương quả quyết nói:

- Vậy tôi xin lấy danh nghĩa của thượng đế làm chứng cho tôi lời thề trước.

Hung thần buông ông phú thương ra rồi hóa ra giông tố bụi cát bay mù mịt, ông ta cũng biến theo.

Như vừa tỉnh cơn ác mộng, vị phú thương vội vàng leo lên ngựa phóng mau về nhà.

Đến nơi, vợ con ông xúm lại mừng rỡ, nhưng ông vội gạt nói:

- Mình và con hãy để tôi nghỉ ngơi, tôi vừa trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần cần tịnh dưỡng.

Nhìn thấy nét mặt ủ dột của chồng, bà vợ lo lắng hỏi:

- Tại sao hôm nay mình đi về lại có nét u buồn lo sợ thế, xin mình kể lại cho tội nghe để bớt nỗi u sầu phần nào chăng.

Ông phú thương sụt sùi kể lể:

- Mình ạ, tôi chỉ còn sống có một năm nữa mà thôi. Tôi không tiếc thân tôi nhưng tôi chỉ thương mình và con dại không nơi nương tựa khi tôi mất.

Rồi ông đem câu chuyện kể lại cho vợ nghe.

Bà vợ nghe chồng nói ôm mặt khóc ngất, kêu gào thảm thiết, trách trời đất và nguyền rủa hung thần không tiếc lời. Đứa con cũng sán lại ôm cha khóc kể như mưa.

Thế rồi qua ngày hôm sau, ông phú thương nọ không còn thiết gì đến công việc làm ăn, chỉ lo thanh toán các món nợ nần, chia của cải cho bà con và người nghèo khổ và cho nô lệ trở về quê quán.

Ông ta gầy sút đi thấy rõ. Những bữa ăn toàn cao lương mỹ vị mà ông ta không buồn nếm, chỉ dùng qua loa cho con, vợ yên lòng. Rồi những đêm thao thức lo sợ từng giây phút.

Thời gian thấm thoát đã một năm qua nhanh như thoi đưa. Ông phú thương không dám chậm trễ vội vàng từ biệt vợ con lên đường.

Thế rồi bao nhiêu nước mắt trong chuyến tiễn biệt kia, vợ con ông đều mặc tang chế sau mấy dặm đường cho đến lúc kiệt sức, ông ta thì cũng như chết rồi chỉ còn mong được sớm thoát cõi đời để khỏi bao nhiêu lụy phiền.

Đến nơi thì trời còn tối, ông ta cột ngựa vào cành cây, vẻ mặt buồn rười rượi.

Giữa bầu trời quang đãng của sa mạc ban mai, một ông già từ xa đi lại dắt một con nai xinh đẹp.

Nhìn thấy vị phú thương ngồi một mình, ông ta đến gần hỏi:

- Ông bạn ôi! Ông ngồi làm gì giữa nơi hoang vắng này thế? Ông không sợ nguy hiểm có thể xảy ra cho một người giàu có, hiền từ như ông sao?

Người thương gia buồn bã đáp:

- Thưa ông, dù cho vua sư tử tôi cũng không sợ vì tôi sắp chết rồi, chỉ chốc nữa thôi, tôi sẽ bị giết để đền một tội vô tình mắc phải.

Ông già ngạc nhiên hỏi:

- Ông bạn nói gì lạ vậy? Sao lại ngồi đây chờ chết? Mà ông bạn làm gì?

Vị phú thương liền kể rõ câu chuyện tại sao mình lại ở đây chịu chết ; ông già nghe xong bất bình than thở:

- Thật là một việc lạ lùng, ông bạn không thể bội ước lời thề sao?

Vị phú thương thiểu não đáp:

- Không thể nào được vì tôi đã thề với đấng Thượng đế công minh rồi.

Ngưng một lúc để suy nghĩ, ông già đáp:

- Thế thì tôi sẽ ở lại đây để mục kích câu chuyện bi đát nầy để xem có cách nào giúp ông bạn không?

Vị thương gia nhìn ra xa xôi nói:

- Thôi đừng mong lay chuyển con người đó, nếu ông muốn thì cứ ở lại xem thôi, đừng nói vào chọc giận ông ta mà không toàn tính mạng.

Lúc ông già và phú thương đang nói chuyện với nhau thì… Mỹ Thanh Loan nhìn ra ngoài trời thấy đã sáng nên buồn bã nói:

- Trời đã sáng rõ, tiếc quá, câu chuyện đã đến lúc hay.

Nhà vua vì muốn nghe nốt câu chuyện nên bằng lòng cho Mỹ Thanh Loan sống thêm một hôm.


ĐÊM THỨ BA


Đêm đó, Mỹ Thanh Liên cũng y như trước, gọi chị dậy yêu cầu kể tiếp.

Đức vua Sa-hy-A không đợi nàng hỏi, bảo:

- Nàng hãy kể tiếp đi.

Mỹ Thanh Loan dịu dàng mỉm cười tiếp tục:

- Tâu hoàng thượng, giữa lúc cả hai đang bàn chuyện thì bỗng có một ông già khác dắt theo hai con chó mực đến gần.

Ông già thứ hai cũng tiến đến chào hỏi như thường lệ của kẻ gặp nhau trong sa mạc.

Ông già dắt nai cái liền kể lại câu chuyện cho ông mới đến nghe. Nghe xong ông bùi ngùi nói:

- Nếu thế tôi cũng ở lại để xem có gì có thể giúp ông bạn đây chút nào.

Cả ba chưa dứt lời thì lại có một ông già thứ ba tiến đến. Câu chuyện lại được kể lại cho ông bạn mới, rồi ông ta cũng đòi ở lại nghe cho xong câu chuyện lạ lùng đó.

Họ tiếp chuyện nhau chưa được bao lâu thì có một luồng gió mạnh thổi đến rồi bụi cát tung lên mù mịt. Vừng bụi tiến đến một hồi mới dừng lại trước mặt bốn người ; rồi hiện ra một ông thần hung dữ, trợn tròn đôi mắt, giơ cao thanh kiếm nhìn người phú thương hét:

- Ngươi đã chuẩn bị xong chưa, mau chịu tội.

Thấy tính mạng mình sắp mất, người phú thương đột nhiên bật khóc òa lên, ba ông già cũng khóc làm xao động cả bãi sa mạc hoang vu…

Đến đây thì trời đã sáng, Mỹ Thanh Loan liền dừng lại.

Đức vua Sa-hy-A đành hậm hực lâm triều.

Riêng nói về kẻ vui mừng nhứt là quan cận thần nhứt phẩm, ba đêm qua ông ta luôn sống trong hồi hộp, sáng hôm nay vẫn không nghe vua nhắc nhở đến vụ chém giết, ông ta hân hoan ra mặt.

Dân chúng trong nước cũng bớt hồi hộp vì mấy ngày lo lắng cho tiểu thơ Mỹ Thanh Loan cũng như cho con gái họ.

Tối hôm đó, sau khi chung chăn gối, đức vua và Mỹ Thanh Loan cùng yên giấc cho đến nửa đêm.


ĐÊM THỨ TƯ


Mỹ Thanh Liên gọi chị dậy yêu cầu kể nốt câu chuyện trong lúc đức vua cũng để ý đến đoạn kết thật hồi hộp.

Mỹ Thanh Loan tiếp:

- Muôn tâu hoàng thượng, lúc hung thần vừa đưa tay nắm lấy cổ vị phú thương thì ông già dắt con nai cái vội quỳ xuống đất rập đầu lạy vị hung thần, nói:

- Thưa ngài, xin ngài cho tôi nói một lời.

Hung thần nhìn ông ta rồi hỏi:

- Ngươi là ai, sao dám ngăn ta trả thù cho con ta?

Ông già rập đầu tâu:

- Thưa ngài, tôi chỉ là người bàng quan không có bà con quyến thuộc gì với ông đây, nhưng ngài hãy cho tôi kể một câu chuyện thật về đời tôi, nếu ngài thấy lý thú thì xin hãy tha tội cho ông phú thương khổ sở này.

Hung thần thấy ý kiến của ông già hơi ngộ nghĩnh liền ngẫm nghĩ một lúc rồi bằng lòng.

- Ta chấp thuận lời cầu xin của ngươi, vậy ngươi hãy kể đi.

Ông già thứ nhất dắt con nai cái cám ơn rồi tâu:


CHUYỆN ÔNG GIÀ THỨ NHẤT VÀ CON NAI


- Thưa ngài, nếu ngài đã đồng ý cho phép thì tôi xin bắt đầu ; trước khi kể rõ câu chuyện ngộ nghĩnh nầy tôi xin giới thiệu với ngài và quý vị con nai nầy : chính nó là em họ và cũng là vợ tôi.

Tôi cưới nàng lúc nàng vừa được đầy một giáp, nghĩa là mười hai tuổi trong lúc tôi đã ngoài ba mươi cho nên nàng xem tôi là một người cha hơn là người chồng hay người anh.

Sống gần nhau được ba mươi năm mà không phai lạt tình yêu khắng khít.

Nàng muộn màng không con mà tôi lại là con một, nên tôi rất mong muốn có con để nối dõi, nhưng tôi rất ngần ngại. Sau cùng tôi vì quá thương nàng nên bàn sẽ mua một nàng nô lệ để tìm con chớ không lấy vợ lẽ vì sợ nàng ganh tị.

Nàng đành phải bằng lòng. Tôi liền đi lựa mua một nàng da trắng đẹp đẽ và một năm sau, nàng nô lệ xinh đẹp kia cho tôi một con trai.

Dù rất thương yêu nàng, tôi cũng không quên vợ tôi, nhưng quí vị còn lạ gì tính đàn bà ghen, nhất là cái ghen ngấm ngầm của vợ tôi thật là độc hại.

Tôi không dám tỏ ra cưng chiều đứa con trai ra mặt và vì có việc nhà cứ phải đi xa luôn nên tôi không hiểu những sự đối đãi của vợ tôi với nó.

Con tôi rất ngoan, nó không bao giờ làm phiền tôi nên tôi không thấy gì hơn là mừng cho cảnh vui vẻ của gia đình. Con tôi ngày càng lớn mau như thổi.

Lúc nó được mười tuổi, tôi phải xa nhà một thời gian lâu. Quá thương con nhưng không tiện đem theo, tôi đành gửi mẹ con nó lại cho vợ tôi với sự ân cần dặn bảo:

- Mình hãy ở lại trông nom nhà cửa và chị em hãy lo cho con như có tôi ở nhà.

Vợ tôi, ngoài mặt vẫn tỏ ra vui vẻ vâng dạ nhưng trong lòng lại để tâm oán trách tôi lo cho con, nên nhất định trả thù.

Thừa dịp tôi vắng nhà mấy tháng, vợ tôi đi tìm học phù phép rồi sau khi thành công nó biến nàng nô lệ và con tôi thành ra hai con bò, một mẹ, một con, xong đem giao cho người tá điền bảo nuôi giùm.

Người tá điền vẫn không chút nghi ngờ, vẫn nuôi nấng chăm nom như những con bò khác nhốt chung một chuồng.

Hơn một năm sau tôi mới về thì không thấy mẹ con nàng đâu cả, hỏi thì vợ tôi trả lời:

- Nàng nô lệ đã chết rồi.

- Thế còn thằng con của nàng đâu?

Vợ tôi hờ hững trả lời:

- Nó đi mất tích gần tháng nay, tôi có cho người đi tìm khắp nơi nhưng không thấy.

Buồn chán quá, tôi cứ bỏ đi lang thang. Nhân dịp một lễ to, tôi truyền cho người tá điền bắt một con bò nào mập nhất trong chuồng ra đề làm lễ tế trời đất.

_______________________________________________________________________
Còn tiếp
 

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

CÂU CHUYỆN MỞ ĐẦU (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Lừa mệt mỏi quá không buồn nhìn món cỏ khô thứ dành cho bò thường ngày, nó nằm im suy nghĩ:

- Mình thật là ngu dại, ai đời đi bảo cho bò biết cách làm reo để mình phải thay thế cho nó làm việc. Đời ta đang sống thảnh thơi sung sướng lại đi chuốc khổ vào thân, nếu ta không khéo chắc phải khổ sở suốt đời thay nó.

Kể đến đấy vị đại thần hiển nhiên nhìn mặt Mỹ Thanh Loan nói:

- Đó con có thấy cái tài khôn dại dột của lừa chưa. Nếu con cứ một mực nhất định làm theo ý nghĩ thì sẽ đi đến chỗ chết như con lừa kia.

Mỹ Thanh Loan vẫn mỉm cười thản nhiên nói:

- Thưa cha, dù cho câu chuyện giáo huấn của cha kể có đúng sự thật đi nữa thì con cũng không có thể thay đổi ý định kia. Nếu cha không bằng lòng, con sẽ một mình đến xin với đức vua ân huệ kia.

Thấy con cứ cứng đầu, quan nhất phẩm đại thần can nàng, nói:

- Thật nếu con không đổi ý thì buộc lòng cha phải đối xử với con tàn nhẫn như vị phú thương kia đã xử với vợ. Đây, để cha kể tiếp cho con nghe rồi tùy con liệu định…

Người phú thương biết lừa bị cực khổ như thế chắc sẽ còn nói thêm gì với bò nên ăn cơm xong, lại xuống chuồng bò, lừa để nghe.

Trăng vừa lên mà vẫn chưa nghe lừa nói gì, phú thương định trở vào thì bà vợ lại mang ghế dựa ra cùng chồng ngắm trăng.

Lừa có vẻ hơi mệt nên hỏi bò:

- Này anh bò, nếu hôm nay họ đem cỏ khô đến, họ cư xử không phải như trước thì anh liệu thế nào?

Bò nói:

- Thì còn gì hơn là thi hành chiến thuật của anh hôm qua đã dạy là phải dậm cẳng, húc mạnh, rống to, rồi giả đau nằm im thì họ phải thôi chứ gì?

Lừa đã có ý định sẵn nên giả vờ thương hại bò, nói:

- Ờ, không được đâu, nếu anh cứ làm mãi, ngày kia chắc anh không thể nào sống được.

Bò ngạc nhiên hỏi:

- Sao kỳ thế anh?

Lừa làm ra vẻ quan trọng nói:

- Anh không hiểu loài người rất lợi hại sao? Hôm qua sở dĩ họ cho anh nghỉ ngơi, ăn ngon là vì họ sợ anh ốm nhiều mất việc của họ nên dưỡng sức cho anh. Còn hôm nay, nếu anh còn ốm nữa thì họ sợ anh chết mất sẽ mất thịt cả luôn thì sẽ thiệt hại nhiều, vì thế họ sẽ làm thịt anh trước khi anh bị bệnh chết.

Bò có vẻ hoài nghi hỏi lừa:

- Sao lại thế? Hôm qua họ để cho tôi sung sướng mà?

Lừa làm ra vẻ dửng dưng nói lơ là:

- Ồ, đó là tùy ở anh, tôi thấy anh dại tôi chỉ cho thế thôi, còn anh muốn làm gì thì làm, tôi đâu dám xui.

Bò nhìn lừa với vẻ thành khẩn, nói:

- Anh lừa ơi! Anh làm ơn chỉ cho tôi điều phải nếu không tội nghiệp cho tôi lắm.

Lừa giả vờ thương hại bò, nó nói:

- Được rồi, nếu anh yêu cầu thì tôi không nỡ từ chối vì lúc nãy khi về chuồng, tôi có nghe ông chủ của ta nói với bà chủ như thế nầy : “Con bò đó hôm qua trông có vẻ mệt nhọc nay lại đau ốm, tôi muốn làm thịt nó để lấy bộ da, còn thịt thì bố thí cho người nghèo chứ nếu bán thì chẳng được giá gì giống bò ốm đau kia.”

Bò hốt hoảng vội rối rít năn nỉ lừa:

- Thế anh dạy tôi phải làm thế nào? Tôi hứa sẽ không dám quên sự dạy bảo của anh muôn đời.

Lừa làm như mình rất nhân đạo, nó nói:

- Chỗ chúng ta với nhau chẳng lẽ thấy anh nguy mà tôi không cứu, vậy anh cứ yên lòng làm theo lời chỉ bảo của tôi thì anh sẽ thoát nguy.

Bò mau mắn hỏi:

- Làm thế nào, anh hãy làm ơn cứu tôi với?

Lừa chậm rãi đáp:

- Được rồi, tôi đã hứa sẽ giúp anh kia mà. Anh hãy làm đúng theo lời tôi là khi nào người thợ cày mang cỏ, rơm khô đến anh hãy đứng lên cho mạnh dạn và cho thật nhanh, không được húc hay làm dữ gì cả, người thợ cày sẽ vào nói với ông chủ là anh đã lành bịnh thì ông ta sẽ không làm thịt anh nữa.

Bò tuy đỡ sợ nhưng vẫn chưa hết vẻ lo lắng, cứ luôn thấp thỏm thở ra thở vô thật thảm não.

Ông phú thương nghe dứt câu chuyện đột nhiên bật cười lớn vì thấy quả con lừa rất tinh ranh. Ông ta quên mất là mình đang ngồi với vợ.

Người vợ đang nhiên thấy chồng bật cười thì không rõ việc gì nên gạn hỏi:

- Mình cười gì một mình thế, hãy nói để chúng ta cùng cười cho vui.

Người phú thương lắc đầu nói:

- Mình đừng bắt tôi phải nói điều mà tôi không thể nào nói được vì nó sẽ làm cho tôi không còn sống trên đời nầy.

Vốn là người đa nghi, vợ người phú thương nhất định bắt chồng kể cho bằng được câu chuyện. Bà ta nói:

- Mình thật là không đứng đắn, ngồi với vợ mà nghĩ đâu đâu. Nếu mình không kể cho tôi nghe câu chuyện kia thì tôi nhất định không chịu đâu.

Ông phú thương nói:

- Mình đừng nên nghi ngờ, điều tôi nói đó chỉ là tôi cười về chuyện của hai con bò và lừa đang nói với nhau thôi.

Bà vợ nhất định không nghe, cố nài nỉ:

- Tôi không tin, nếu thế có gì mình phải giấu, mình cứ nói ra cho tôi tin.

Ông phú thương nói:

- Không thể nào tôi kể được với mình vì tôi sẽ chết ngay khi dứt lời, đó là sự thật, nếu mình thương thì hãy nên tin tôi.

Bà vợ ông ta có vẻ hoài nghi nói:

- Làm thế nào tôi lại tin được câu chuyện hoang đường kia. Thôi mình đã không còn yêu tôi, sanh lòng nọ kia thì để tôi chết cho mình vừa lòng.

Nói xong bà ta khóc nức nở.

Vốn thương chiều vợ, ông phú thương không thể cầm lòng trước những giọt nước mắt của vợ mình. Ông ta liền sai gia nhân đi mời tất cả bà con hai họ đến khuyên giải giùm vợ ông.

Nhưng mặc cho những lời khuyên can, bà ta cứ nhất định không nghe, cứ càng làm già hơn, bỏ cả ăn uống, cứ lăn lộn đòi chết, nếu không được chồng kể cho nghe chuyện kia.

Quá buồn bã, ông ta liền bảo với vợ:

- Thôi để cho gia cảnh được an vui, tôi bằng lòng kể cho bà nghe câu chuyện kia để cho bà tin lòng tôi. Vậy bà hãy cho mời những gia trưởng trong thân tộc đến để làm chúc thư và để tôi gởi gấm các con vì tôi sẽ chết tức khắc lúc kể xong cho bà nghe điều bí mật ấy.

Nghe chồng bảo sẽ kể cho nghe, bà ta thích quá quên mất cái chết sắp đến của chồng, bà ta liền trở dậy trang điểm để đi mời người gia trưởng.

Kể đến đây, ông quan đại thần hỏi Mỹ Thanh Loan:

- Đấy, con xem người chồng có đáng thương không?

Mỹ Thanh Loan vẫn thản nhiên hỏi lại cha mình:

- Thưa cha, thế ông phú thương nọ có chết không?

Nhứt phẩm đại thần buồn rầu đáp:

- Không, ông ta may mắn gặp được một lời giải đáp chứ không như cha bị bế tắc trước cái cứng đầu dại dột của con. Thôi để cha kể tiếp cho con nghe.

Ông phú thương biết chắc mình sẽ chết để cho vợ vui lòng thì buồn rầu vô cùng. Ông ta gọi các con lại, ôm chúng vào lòng dặn dò lẽ phải để sống ở đời rồi đi khắp nơi để nhìn lại những con vật thân yêu một lần cuối cùng.

Đến trước sân, ông ta thấy con gà trống đang theo một chị mái to lớn gạ gẫm.

Cón chó nằm tiu nghỉu gần đấy thấy thế mắng gà:

- Thật mầy là đồ vô dụng, trong lúc này mà mầy còn có thể làm được việc kia không hổ thẹn sao?

Con gà trống cãi lại:

- Tại sao anh mắng tôi?

- Ta mắng mầy vì mầy là quân vô ơn bội nghĩa, có thể vui thú trong lúc gia chủ đang có việc bối rối trong nhà.

Gà ngạc nhiên hỏi lại:

- Chuyện gì mà anh có vẻ quan trọng thế?

Chó lớn tiếng nói:

- Thật mầy là giống ngu ngốc, ông chủ nuôi mầy chỉ uổng gạo, lúa mà thôi. Mầy có biết đâu từ hôm qua đến nay ông chủ và bà chủ có việc cãi nhau, bà chủ cứ nằng nặc đòi ông kể cho nghe câu chuyện bí mật mà ông cố giấu vì nếu kể sẽ bị chết ngay. Nhưng rồi bà khóc lóc đập đầu đập cổ, ông thấy thế chịu không được đành phải chiều bà và hẹn sẽ kể. Một lúc nữa đây nếu ông kể thì ông sẽ chết, mà ông chết thì chúng ta sẽ phải chịu một cái tang, đó chẳng là điều quan trọng sao?

Gà trống hách dịch ngước lên gáy te te rồi nói:

- Ồ! Ông chủ ngu thì ông ta chết, tội gì mà buồn cho bận tâm. Thôi hãy để yên cho ông ta chết, đừng có dài giòng nữa.

Chó tức giận hỏi:

- Tại sao mầy dám nói là ông chủ ngu?

Gà trống mỉm cười nói:

- Chẳng những tôi nói ông chủ ngu mà tôi còn khinh ông chủ dại nữa kia.

Chó gạn hỏi:

- Nhưng tại sao mầy có ý nghĩ đó?

Gà quạt cánh tiếp:

- Anh xem như tôi, một mình có đến năm mươi bà vợ mà nào có khi nào có chuyện gì xảy ra đâu. Đó là vì tôi khéo biết cách dạy cũng như thu xếp trong nhà. Ông chủ chỉ có một bà mà lại để sanh chuyện nọ chuyện kia thì chẳng dại là gì?

Chó hỏi:

- Thế chú mầy biểu ông chủ nên làm sao?

Gà nói:

- Theo tôi ông chủ cần gì phải năn nỉ và phải chết một cách vô lối thế kia, cứ việc xách roi vào vụt cho mươi chiếc thì đâu phải vào đó ngay, có việc gì mà buồn khổ.

Người phú thương nghe câu nói của gà thì mừng rỡ tươi ngay nét mặt, vùng đi vào nhà thì gặp ngay bà vợ đang hớn hở đi về cho hay đã tìm được người gia trưởng.

Không nói một câu, ông ta cứ lôi bừa bà vào phòng rồi vớ lấy phất trần đánh lấy đánh để, vừa đánh vừa la:

- Nầy, cứng cổ nầy.

Bà vợ bị chồng đánh đau quá vội vàng la lên:

- Thôi mình tha cho tôi, tôi không dám đòi hỏi gì nữa cả.

Thấy vợ biết hối cải, ông phú thương mừng rỡ vô cùng, ông vội ngừng tay ra tiếp người gia trưởng. Ai nấy nghe nói ông ta đã thu xếp xong chuyện đều khen ông biết cách chống giữ gia đình.

Kể xong, quan nhất phẩm đại thần hỏi con gái:

- Còn con, con có muốn cha cũng đối xử như vị phú thương nọ rồi mới chịu bỏ tánh cứng đầu không?

Mỹ Thanh Loan khôn khéo nói:

- Cha giận mà bảo thế chứ con tin một người hiền lành như cha không bao giờ lại đối xử với con như thế. Nếu cha muốn, con xin kể cho cha nghe nhiều chuyện khác chứng tỏ rằng cha nên bằng lòng cho con làm điều đó. Xin cha hãy khứng cho lời cầu xin của con, hoặc con sẽ làm theo lời nói nếu cha không cho con đi.

Thấy đứa con gái khôn ngoan của mình cứ khăng khăng đòi đi cho bằng được, quan đại thần nghi là Mỹ Thanh Loan đã có ý định gì nên phải chiều theo. Ngài nói:

- Thôi, nếu con đã muốn thì cha cũng làm vừa lòng con, nhưng con hãy liệu làm sao cho tay cha khỏi phải nhúng vào máu của con, đấy là điều đau đớn nhất cho cha.

Nói xong ông ta liền tức tốc đi vào triều để báo tin cho vua hay tối nay tiến cung con gái của mình.

Vua Ba Tư ngạc nhiên hỏi:

- Vì lý do nào khanh lại đem con gái dâng cho trẫm, bộ trong nước hết gái đẹp rồi sao? Khanh có biết dù cho con của khanh đi nữa thì nàng cũng phải chịu chết sáng ngày mai như lời hứa của ta sao?

Quan nhứt phẩm buồn bã tâu:

- Thưa hoàng thượng, thần đã biết rõ điều đó, nhưng chính con gái của hạ thần đã nhất định đòi vào cung để được cái vinh dự làm hoàng hậu một đêm, thần không sao cản được.

Vua Sa-hy-A nói:

- Nếu thế thì ta cũng truyền cho khanh cứ y theo lệnh mà làm. Nếu sáng mai khanh không thể chém đầu con gái thì chính tay ta sẽ chém đầu khanh, khanh hãy nghe cho rõ đi.

- Tâu hoàng thượng, từ mấy đời nay ông cha thần vẫn luôn giữ trọn đạo làm tôi, hoàng thượng hãy tin lòng trung thành của hạ thần.

Vua Ba Tư bằng lòng.

Quan đại thần tất tả trở về, buồn bã báo tin cho con hay. Mỹ Thanh Loan rất vui mừng, nàng liền tìm lời an ủi cha:

- Thưa cha, nếu cha đau lòng hôm nay thì ngày sau cha sẽ sung sướng thấy hạnh phúc của con và hãnh diện vì con, xin cha hãy an lòng.

Nói xong nàng gọi Mỹ Thanh Liên vào phòng riêng dặn:

- Em ạ! Chị cần có em làm hậu thuẫn để đổi lòng ông vua tàn bạo kia cứu trăm họ. Vậy em hãy vui lòng giúp chị một việc là nếu tối nay đức vua có đòi em vào cung em hãy bình tĩnh đừng sợ hãi vì đó là do chị yêu cầu ; em hãy yên lòng khi chị xin đức vua cho em ngủ gần chị, rồi đúng khi trời gần sáng mỗi hôm em hãy đánh thức chị dậy để yêu cầu chị kể cho em một câu chuyện trước khi chị từ giã cõi đời. Em hãy nhớ rõ lời chị và cứ thế mà thi hành, chị sẽ làm được như ý chị muốn.

Mỹ Thanh Liên vui vẻ nhận lời.

Đêm hôm ấy như thường lệ, quan cận thần mang tiến cung Mỹ Thanh Loan. Ông ta không khỏi thấy lòng bồi hồi cảm động khi thấy đứa con thân yêu đi vào cõi chết.

Nàng từ giã cha khi bước vào Hoàng Cung, vẫn rạng rỡ không chút u sầu.

Đức vua cầm lấy tay nàng giở chiếc mạng che, gương mặt tuyệt đẹp của Mỹ Thanh Loan làm cho ông rung động.

Khẽ kéo nàng ngồi kế bên mình, Sa-hy-A hỏi:

- Tại sao mặt hoa nàng có nét ủ dột?

Mỹ Thanh Loan nét mặt lộ vẻ u buồn rồi trên đôi mắt lại long lanh đôi giọt lệ. Nàng buồn rầu nói:

- Muôn tâu Hoàng thượng, thần thiếp được vào đây thật là diễm phúc, nhưng vì thương một đứa em gái từ trước đến nay không hề xa rời nhau mà ngày mai thì thần thiếp sẽ xa rời trần thế, vậy nếu bệ hạ có lòng nhân thi ơn cho thiếp được gặp em đêm cuối cùng thì thần thiếp muôn vàn cảm tạ.

Vua Ba Tư chuẩn y lời của nàng. Ngài liền sai nội giám đến nhà quan nhất phẩm đại thần đem chiếu chỉ đến với Mỹ Thanh Liên.

Đại thần nhất phẩm đang ngồi lo buồn về sinh mạng cô con gái yêu của mình thì thấy nội giám vào dâng chiếu chỉ.

Xem xong ông ta suýt ngất đi khi thấy vua truyền lịnh cho đòi con gái thứ của ông là Mỹ Thanh Liên vào chầu.

Nhưng dù sao trước lệnh của vua ông ta không thể nào cưỡng lại được nên đành bảo con thay đổi quần áo vào bệ kiến.

Mỹ Thanh Liên không ngạc nhiên trước cái tin kia vì nàng đã được chị cho biết trước nên rất vui vẻ ra đi.

Quan nhất phẩm cận thần không hiểu sao hai đứa con của mình đều dửng dưng trước cái chết nên cũng rất lạ lùng.

Khi Mỹ Thanh Liên vào đến nơi, hai chị em mừng nhau rồi đức vua truyền lệnh bày yến tiệc để khoản đãi hai nàng.

Đêm hôm ấy đức vua cùng Mỹ Thanh loan chung gối trên Long sàng còn Mỹ Thanh Liên thì ngủ trên một chiếc giường Ngự-Ỷ gần đấy.

Lúc gần sáng, gà vừa gáy sang canh, Mỹ Thanh liên đã trở dậy gọi chị.

- Chị ơi, nếu chị đã thức giấc với em thì chị hãy kể cho em nghe lần cuối cùng câu chuyện lý thú như những lần trước chị đã kể cho em nghe vì mai chị có còn nữa đâu.

Mỹ Thanh Loan mỉm cười nói với vua Sa-hy-A:

- Tâu hoàng thượng, nếu hoàng thượng thấy không có gì trở ngại, xin vui lòng cho thiếp được làm vừa lòng đứa em yêu dấu lần chót trước khi chị em vĩnh biệt ngàn thu.

Đức vua muốn chiều người vợ một đêm, lại cũng muốn biết hai chị em họ nói gì với nhau nên gật đầu đồng ý.

Mỹ Thanh Loan sung sướng cảm ơn đức vua rồi bắt đầu kể.