Một trong những lá thư của những người tôi không quen biết, một người đã nhận xét: "Với hai lối trình diễn khác nhau như thế, cô rõ là người mang hai bộ mặt".
Hai thôi sao? Ít vậy! Một người lớn khi biết tôi cũng là những bà già Huế, thiếu phụ Bắc, cô gái Nam-kỳ... thường phone tới quấy rầy, ông đã kêu lên khi khám phá ra: "Thay vì thực hiện một show ca nhạc, đề nghị cô lập ban kịch đi, con người muôn mặt kia ơi."
Một người lớn khác nghe tôi kể lại đã cười nhạt: "Ông ta nói cay cô đấy". Nói cay, nói đắng, nói ngọt, nói mặn, nói chua... những vị nọ tôi đều đã được nếm, thì có thể tự biện minh được chăng, rằng những chiếc mặt nạ tôi đeo đều có công dụng như những chiếc khiên để chống đỡ và phòng ngừa những mũi tên lời nói nọ bắn ghim vào chút tim trần trụi.
Con kỳ nhông đổi sắc theo màu lá để khỏi bị xé bằng nanh, nuốt hút vào bao tử của những con thú thèm thịt nó. Tôi cũng tập tành bắt chước giống cắc kè, kỳ đà nầy.
Nhưng lá cây chỉ quẩn quanh đôi màu lục nâu vàng đỏ tím, còn những bộ mặt khác nhau của người đời thiên hình vạn trạng, tôi đuối mệt trong cuộc chơi biến dạng ẩn thân này.
Để cuối cùng, phương cách tốt nhất để tự ủi an tìm được vẫn là im lặng nhắm mắt hồi tưởng ; hoặc đôi khi mắt vẫn mở trao tráo mà tai không thu được chút gì những người chung quanh chạo nhạo bàn cãi, và hồn phiêu về một cõi cũ cỏ tơ thơ dại phá phách hồn nhiên không hậu ý diễn trò.
Chẳng hạn như nhớ căn nhà ma quái ở miền Nam. Ma trong bụi chuối phần phật bên hè, ba mê hát bội bỏ mấy mẹ con ôm nhau run rẩy thức. Ma vắt vẻo ngồi trên trinh thè lưỡi cuốn lấy đứa nào cành nanh: "Không cho má-cha đi đánh tơ nít, không cho má-mẹ đi chợ mua muối à ơi". Ma dưới gầm giường kéo chân con nhỏ mê giày mới đòi mang cả vớ hoa, giầy bụi, nằm ngủ lăn quay trên tấm ra trắng xóa. Ma hù to giật tóc bé con ra ao rau muống sau nhà thút thít tủi thân vì cả nhà bâu quanh con chuột đỏ hỏn mới về giành hai vú má, giành cả chiếc nôi, giành luôn chai sữa thủy tinh khác đỏ của mình. Ma còn nhốt nhà tắm ai lười đi học đến nỗi má phải thuê một ông phi xe mặt mày đầy sẹo bế liệng vào lòng xe chở thẳng đến trường và ba rút dây nịt ra chực quất. Ấy thế mà trò chơi quỷ nhập tràng do anh Hai bày đầu vẫn được tán thưởng khi ba má vắng nhà cửa đóng tối om dầu tim muốn đứng im khi cây đèn pin trước ngực xoắn anh Bảy chớp tắt và khi chị Năm làm con linh miêu nhảy sang xác của mình.
Giả bộ như tôi không có hối lộ mấy khúc bánh mì làm bằng thân lục bình mổ ra nhét thịt khoai đỏ lòm là hoa điệp, hãy nói đi ma, tôi đã giấu nỗi sợ sệt của tôi sau chiếc mặt nạ nào hay chỉ là đôi tay nhỏ như mười con thằn lằn đứt đuôi lẩy bẩy run trên mắt khít sau khi ngọn đèn dầu được thổi phụp, cơn gió vút qua, gai ốc nẩy mọc.
Chẳng hạn nữa, nhớ con cá rớt từ ống tre xuống tóc khi tắm suối ở xứ Núi. Nhớ cô bạn hù rằng nếu mày ghi tên tao lên bỗng về tội nói chuyện tao sẽ thư ếm cho xem. Nhớ vườn cà phê đứa canh chừng đứa chui sang hái trộm của mấy bà sơ. Nhớ đồi chà là hoang cách một thung lũng đầy mả hoang sau trường tiểu học mới. Nhớ vị chát đắng bó miệng của trái non khiến chẳng thấy ngon lành khi ăn cơm cũng phải rán nuốt vì sợ má nghi. Nhớ con trâu đen suýt húc sừng vào người ở vườn ương An Mỹ vì lỡ nghịch dại kéo những sợi "râu-đuôi" lắn quắn. Nhớ cái lò sát sinh ở dốc xuống thung lũng trồng rau cải khi đi mua su hào, những hạt lệ óng ánh van vỉ của bọn bò vàng khi cẳng quỵ dưới những trái dái mít sau dãy cư xá của học sinh Sắc tộc, thằng Pu K' Lao dúi cho vài hột muối trắng đục lợn cợn đã bốc lén của ông cai. Ôi ông cai với thúng cơm nhẫy mỡ, cái áo thun đã đen xạm màu khói hóng, cầy cục với hai que tre nồi cơm to bằng thanh hàng rào, sẵn sàng phang lên đầu lũ học trò háu đói. Rồi những giờ học chỉ đợi tiếng trống thùng để ào ra giành chơi với bọn mẫu giáo những cầu tuột, xích đu hình gon gà, con thỏ...
Tôi nghĩ mãi chẳng ra chiếc mặt nạ nào tôi đã vẽ trong thời gian xông pha lừng lẫy với bọn thú cầm và mộc thảo ấy...
Rồi chẳng hạn, nhớ đồi cát ngát, nhớ vòm dứa gai hoang nằm hát một mình rồi ngủ quên làm cả nhà quýnh quáng đi tìm cứ ngỡ con nhỏ bị ma xó nhét cát vào mồm hay kéo chân xuống đầm sen nước ngọt. A, bẩy đồi cát như bẩy chú lùn mà anh Uyên đã gọi là thần dân của tôi. Nhớ tôi không, bẩy ngọn đồi? Đồi Nhạc Tím, đồi Dứa Trăn, đồi Keo Mùa Đông, đồi Gió Đàn, đồi Keo Mùa Thu, đồi Cỏ Kim, đồi Kem Vàng... dấu chân chim cát tôi và anh Uyên đã chạy hụt hơi rình bắt. Khoanh kẹo đỏ hồng của bọn trẻ chăn trâu quẳng cho. Anh Uyên bảo tôi đứng ngang chiều gió để anh chụp ảnh. Tóc phủ mặt thơm nồng gió bể. Tôi phá anh bằng cách le lưỡi, méo mồm. Chị Sáu bảo phải gắn một cái Kiên Nhẫn Bội Tinh cho anh Uyên. Anh dỗ ngon dỗ ngọt tôi tập đàn tranh, tập ngồi nhu mì nghiêng nghiêng đeo móng sắt vào khảy tang tình những bài vỡ lòng chán ngắt như Đăng Đàn Cung, Long Hổ Hội, Thu Hồ, Xuân Phong Long Hổ... Thế em không biết sao, ngày xưa mọi cô công chúa triều Nguyễn đều phải tập những bài nầy. Nhưng em đâu có thèm làm công chúa. Làm công chúa bị cấm trèo cây, cấm leo lên nóc nhà thả diều, cấm đứng trên hải đăng liệng sỏi xuống người ta, cấm ngắt thân khoai mì làm đạn để bắn ná với con trai. Anh Uyên đưa hai tay lên trời. Nhưng chưa chịu thua, anh lại dụ dỗ con nhỏ chịu học đàn bằng cách phô trương tài nghệ.
Dưới ngón tay anh lá rung những sợi tơ bay mờ lẩy bẩy. Em cũng lẩy bẩy che mặt. Uyên là tên một thứ chim. Anh bay sang tận Belgique. Vài năm đầu còn liên lạc được. Những bức ảnh, tờ thư tôi xem đã nát. Thường là những tin vui, khoe họ mời anh mang đàn tranh lên truyền hình, khoe huy chương nhiếp ảnh mới đạt ; nhưng cuối thư bao giờ cũng là: "những hôm nhiều gió nghe thông reo mà nhớ sóng biển, nhớ nhà gỗ nâu... và tự hỏi chẳng biết chú-thỏ-lười đã xong bài Một Bàn Tay chưa hay thầy đi lại trả "nốt" cho thầy"... Những năm sau nầy chỉ còn biết tin anh qua những người may mắn được về. Biết được anh có chân trong một tờ báo chỉ có thể chuyền lén nhau đọc. Bây giờ, tin cuối đã rõ, có thể vĩnh viễn anh đóng vai Kinh Kha ở quê người, ngày về không có. Hôm nọ, bác trưởng nhóm ảnh nhờ tôi giúp anh Uyên một vài bức ảnh về hát bội trong luận án đệ trình khi ra trường. Bảy năm rồi còn gì. Chẳng biết, anh có nhận ra tôi cũng là người vẽ mặt bôi bết đỏ xanh trong ảnh đó.
Như thế, chim Uyên, làm sao thầy có thể nói cho học trò biết, chiếc mặt nạ nào học trò đã hay sẽ mang với một người sống đó nhưng chẳng sao gặp lại. (Thầy, chớ sao, nhất "nốt" vi sư - bán "nốt" vi sư mà)
Và đếm làm sao hết, những bạn cũ đã mất, đã xa, đã nhăn nhó bực bội: "Tụi tao ghét cái trò Na-Mi nhạt nhẽo của mày vì Na-Mi là của thiên hạ, tụi tao chỉ thích mày bởi lẽ mày là một Mi-Na cùng phá cách cùng rong chơi, cùng lê la xẻ chia vui khổ... riêng của tụi tao."
Rõ là trò ú tim chưa. Nhắm mắt. Xoay một vòng. Mở ra. Mất hết. Bẩy Tiền đi lính pháo binh ở Hàm Thuận. Phúc Cận đeo nhẫn của người đẹp Tây Đô nào đó. Tuyền An làm cô giáo ở Long Hương một ngày bốn lượt lội qua một giòng sông không đò không cầu. Lão Ngoan Đồng đang chuẩn bị đón đứa con thứ tư. Vĩnh Đoàn cravate nghiêm trang tròng vào cổ nghe đâu lập nghiệp ngoài Phan Rí Cửa. Hiếu Để, Mỹ Lệ đã bay khỏi Việt Nam. Thầy Hát chẳng biết có bớt được rượu không, ở vùng đất trích ấy...
Thôi hết những đêm trăng nhòa đồi cát đảo hoang chòng chành thuyền câu đón mặt trời mọc. Tìm đâu ra những thân tình cũ, những ruột gan dốc hết, những tiếng cười hào sảng rụng sao. Chốn này, tôi ngậm trong miệng một tiếng kèn âm âm trong lồng ngực tối. Bạn xưa, dịp nào nữa, nói cho nhau, Mi-Na đã diễn xuất trò gì giữa những tình thân như thế.
Bây giờ là chiều của tháng cuối năm, trên sông lạ, ở xứ xa. (Tôi, tôi có coi nơi nào đích thực là quê nhà để nhớ tưởng?), một làn nước gợn đủ xao động hồ tim, đủ nhắc nhở những vân cát bị phá tan bởi bốn bàn chân trần trụi của tôi và Di. Nhưng làm sao tôi còn cất được tiếng cười dòn dã của thuở săm soi ốc sò rong cát xếp thành triều đình, tưởng tượng ra những câu chuyện éo le kỳ bí. Tóc dài phơi phới sau lưng tôi thả. Đôi tay vươn cong chận bước trêu cợt của lũ còng gió. Di tàn bạo dẫm bẹp thân còng để tôi phịu má lẫy hờn cho dù cái dẫm đó cho tôi, vì tôi. Nhưng rồi mình lại làm lành với nhau, không thôi làm sao tối đến một đứa xách đèn bão, một đứa lắn quắn chụp còng cho vào bị, rồi kiếm một hốc đá bật lửa nướng còng nhai với muối tiêu chanh gói theo. Di nhận xét còng gần biển nhà mình cùng họ với cá tra nên béo bùi thơm ngọt chứ không nhạt thếch như Trinh Còng ở Đá Ông Địa để mình lại cãi nhau. Trẻ thơ mau giận mau hờn cũng như nhậy cãi lẫy, nhậy làm quen. Cho đến một ngày nhận ra mắt Di nhìn tôi khang khác để mắt tôi ngỡ ngàng theo. Tôi thoáng hiểu ra tuổi mình vừa lớn và một cụm rong lãng mạn đã vướng chân cậu bé. Nên từ đó tôi lãng xa Di. Để khỏi phải trông thấy trong tay em vỡ òa những hạt tròn của nhánh rong mơ lãng. Bởi cũng như anh Uyên, Di là tên của một thứ chim lạ mà ngày nào tôi đã tỏ ý mong Di thoát bay cao, đừng để chí lớn chìm vào trong những cái tầm thường của lũ còng thấp ẩn sâu dưới lòng đất, đừng để rong rêu quấn quít dấu chim phi.
Ở xa, ngày được tin Di chết trẻ, tôi ngồi và lặng lẽ cười khi nhìn và sờ lại hai sợi tóc ngắn dài của Di và tôi trên tờ giấy trắng. Di ơi, tờ giấy quá trắng, trắng rợn, và nước mắt thì làm gì có màu phải không Di.
Nếu Di biết với Di tôi quả đã có mang mặt nạ diễn trò ấy là lúc phải giả vờ lạnh lùng nghiến răng cắt đứt mọi quan hệ với Di. Nếu Di biết tôi bây giờ sống khỏe lắm, mãi mãi một mình, không tha thiết nổi điều chi, gắng gỏi theo đuổi những việc làm mình không ham thích, chỉ thở dễ dàng với bọn trẻ thơ như một kẻ già nua. Nếu Di biết ngay cả chú chó Mi-Na cùng tên cùng tuổi với tôi cũng đã bỏ tôi đi. Ừ! Nó chết rồi Di. Bịnh già! Tôi sao thế này. Nhắc đến cái chết hoài trong tiết tàn đông, bung nở trăm hoa. May là mạch sống dửng dưng vươn khỏe một cách tàn bạo của thiên nhiên chung quanh đã khiến tôi rùng mình ghê sợ.
Bởi nếu Di biết tôi đang gắng hết sức mình để luôn được là một thứ Trinh-Còng lang thang đời nhạt thếch còn hơn là biến thể thành loại còng cùng họ với cá tra béo bùi thơm ngọt để giúp vài giây khoái khẩu của một ai.
Vì Di à, có một loại người vĩnh viễn ta chẳng còn lừa dối được nữa, mọi thứ đều vô ích, khi họ đã gần thật gần ta như Di (Di hóa thành cái bóng của tôi rồi mà!) hoặc xa quá xa như anh Uyên (anh nhất quyết thành Kinh Kha thật sao?)
Và bởi vì nữa, Di ơi, tôi vẫn còn giữ hai sợi tóc ngắn dài của hai ta mà màu đen ngậm ngùi cũ đã khô quắt ngả màu vàng úa héo trên nền giấy trắng rợn...
NGUYỄN THỊ NGỌC MINH
(Trích Xuân Hồng Tuổi Ngọc, 1975)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét