Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

ÁO DẠ HỘI - Nguyễn thị Thụy Vũ


Nghi chải đi chải lại mái tóc dù đó là mái tóc cụt ở phía sau ót. Nàng cố kéo dài thời gian đứng trước tấm kiếng để ngắm đi ngắm lại khuôn mặt của mình, hôm nay. Sao khuôn mặt tôi có vẻ chín muồi như vầy? Tôi đã trưởng thành rồi chăng? Mười chín tuổi, nhưng từ lâu, tôi không nghĩ rằng mình đã thành nhơn chi mỹ. Sống trong gia đình, dưới gối mẹ, tôi vẫn tưởng tôi vừa mới bước vào ngưỡng cửa dậy thì. Coi kìa, cặp mắt của tôi hôm nay sao có vẻ buồn buồn? Cặp môi của tôi cũng có vẻ buồn nữa. Nhưng tôi có điều gì để mà buồn, mà lo đâu? Nghi mỉm cười. Khuôn mặt nàng bây giờ lại đổi khác. Té ra, mỗi khi mình làm ra tuồng trang nghiêm, khuôn mặt mình lại đổi ra buồn. Nghĩ tới đây, Nghi cười rộng miệng hơn. Khuôn mặt nàng có vẻ lẳng lẳng làm sao ấy, giống hệt các cô đào chiếu bóng trong các phim gián điệp. Cái type người như mình làm ra vẻ buồn, coi hơi chướng chướng. Mình không thể buồn làm dáng được. Vẻ hồn nhiên chắc chắn là thích hợp với mình hơn.
 
Nghi không muốn dồi phấn tô son. Nàng nghĩ rằng son phấn sẽ giết chết cái rạng rỡ của khuôn mặt mình. Nhưng đêm nay, nàng đi dự dạ hội, một bữa tiệc ăn mừng thi đậu lên năm thứ hai Đại Học Văn Khoa do Khang và lũ bạn của chàng tổ chức. Dưới ánh đèn, khuôn mặt không son phấn sẽ tái xanh. Nàng cầm cây son màu hường dợt thoa nhẹ lên môi, sau khi điểm chút phấn hồng sương  sương lên má. Điểm nổi bật trên khuôn mặt nàng là đôi mắt to, sáng ướt viền một làn nước thuốc đen thật mỏng. Nghi mặc chiếc áo bằng soie Pháp màu xanh rồi mở cửa buồng bước ra. Chị Dung cũng đã trang điểm, ăn mặc tươm tất. Chiếc maxi robe màu hồng cùng mái tóc đánh boucles anglaises làm cho chị thật gợi cảm.
 
- Trông như bà hoàng vậy - Nghi nghĩ thầm kèm theo cái bĩu môi.
 
Chị Dung kêu lên:
 
- Con Nghi mặc áo dài xanh giống mấy cô nàng chiêu đãi viên hàng không quá.
 
Rồi chị hát:
 
Em còn nhớ anh nói rằng
Khi nào em đến với anh
Xin đừng quên chiếc áo xanh 

Nghi thẹn thùa xoay qua chuyện khác:
 
- Sao chừng nầy anh Cường chưa lại vậy chị?
 
Chị Dung nói:
 
- Ảnh hiện đang dưới phòng khách, hầu chuyện với mẹ vợ.
 
Rồi chị chuyển qua giọng thân mật:
 
- Nghi à, tao không ngờ mầy cũng có mèo như ai. Thằng bồ của mầy coi được trai quá chớ, ăn nói cũng dễ thương chớ bộ.
 
Nghi nói:
 
- Từ đây xuống Saigon mà đi bằng xe La Dalat e không xứng với cái nhan sắc của chị.
 
Chị Dung nguýt Nghi một cái thật sắc rồi mắng:
 
- Mầy đừng có nói giọng đỏng đảnh đó. Thời buổi xăng nhớt hiếm hoi, cầu có xe La Dalat mà đi. Nếu không, thì mình cũng ngồi xe lô hoặc xe đò. Xe đò giá một trăm rưỡi, còn xe lô giá hai trăm một chỗ ngồi.
 
Cả hai bước xuống thang gác. Cường mặc quân phục ngồi hầu chuyện kinh kệ với má của Nghi. Cỡ trình độ hiểu biết của bà, thì chàng giở chuyện quả báo luân hồi cùng cảnh giới nước Cực Lạc ra mà tán với bà chớ cần gì đến Kinh Lăng Nghiêm nhức đầu nhức óc. Ai chớ Cường là chúa xạo, chuyện gì chàng cũng có thể thọc mõm vào tán lếu tán láo xuôi rót. Má Nghi sung sướng cười hỉ hả. Mắt chị Dung cũng sáng long lanh. Nghi nói:
 
- Anh Cường sẵn sàng chưa?
 
Cường gật đầu:
 
- Rất sẵn sàng. Tôi chờ hai chị em Dung muốn hụt hơi.
 
Dung õn ẽn khoe:
 
- Anh xem em mặc robe dạ hội có bảnh không?
 
Cường nói xuôi:
 
- Dung thì ăn mặc dẫu bà Jackie Onassis cũng phải khen nữa.
 
Má ân cần dặn:
 
- Chị em bây nhớ mai về sớm và mua cho má dâu ngọt và măng cụt cúng rằm nghen.
 
Trên xe Nghi ngồi ở băng sau, dựa lưng vào thành xe, thả tâm trí trong cơn lơ mơ êm ả. Khang có nhã ý mời anh Cường và chị Dung dự dạ hội vì anh Cường, qua miệng của chị Dung là một cây nhót, còn chị Dung đến Khang còn phải công nhận là chị đẹp mặn mòi, khêu gợi. Nhân dịp này, chị Dung cũng muốn kết thân với Khang vì trong thâm tâm, chị coi Khang như em rể của mình. Chị Dung không còn khinh thường Nghi là thứ hạng người cà ngơ cà ngất, ăn chưa no lo chưa tới. Chị đã nói với má rằng con Nghi quả có mắt tinh đời, lựa một thằng kép dễ thương đáo để. Bắt đầu khi hội kiến với Khang, chị mới chịu nhìn thấy cái độc đáo của Nghi. Chị nói rằng Nghi không đẹp, nhưng có duyên và thông minh. Dữ ác hôn! Nghi mới thấy chị không chơi đè, mai mỉa nàng. Thật ra, Nghi biết sở dĩ lúc này chị Dung nhìn đời bằng con mắt bao dung, thân ái đó là vì chị đang hạnh phúc, chị sắp bước lên xe hoa về nhà anh Cường trong tháng mười sắp tới.
 
Nghi hé miệng cười yên lặng. Anh Cường vừa lái xe vừa hát bản "Tình Ca" của Phạm Duy. Thỉnh thoảng, chị Dung chót chét phụ họa. Trời đất! Chị Dung mà cất giọng lên là chua gấp ba lần Yaourt. Trông chị hát thật xấu tệ. Chị chỉ đẹp lúc chị ngồi yên, chớp mắt mơ màng. Thế nhưng chị lại hay hát và có lần chị hỏi Nghi chị có nên đi học hát không?
 
Nắng đã lên cao. Xuống Saigon, Nghi phải đến địa điểm tổ chức dạ hội để phụ giúp Khang trang hoàng phòng khánh tiết. Nàng còn phải khuấy cho chàng hai bình kem lạnh để đãi khách nữa. Tóc tai nàng gọn ghẽ như vầy, nhưng cũng cần đến tiệm hấp và chải phun keo.
 
Từ hôm nghỉ hè tới nay, Nghi mới có dịp được bận rộn, nhưng đầy hứng thú như vậy. Nàng mở chiếc ví da, nhìn chăm chú khuôn mặt trang điểm của mình. Chưa đúng mức đâu. Đây là lượt trang điểm thí nghiệm. Tối nay, nàng cần phải trang điểm sắc sảo hơn nữa kia. Nàng có mang theo kem lót mặt, son tươi, phấn hồng cùng đủ đồ nghề làm tốt cùng hai chiếc áo dài, một cái bằng sura màu hồng in hình hoa huệ đen, một cái bằng mousseline màu đỏ tươi. Ánh đèn của dạ hội sẽ làm tăng những màu tươi thắm cùng những màu không nên mặc dưới ánh sáng ngoài trời. Má há chẳng nói với chị Dung rằng:
 
- Con gái chỉ có một thời mà thôi.
 
Dì Tư của Nghi hồi năm năm về trước lộng lẫy, kiêu sa thế kia mà nay bắt đầu phát phì, mình mẩy úc núc như trái xoài cát. Được rồi, đêm nay nàng sẽ ăn diện, sẽ làm dáng kiêu kỳ, sang cả như chị Dung, sẽ tạo cho Khang từ cái ngạc nhiên nầy đến cái ngạc nhiên khác. Nếu cần, nàng sẽ chọc cho chàng nổi ghen chơi.
 
*
 
Phòng khánh tiết hãy còn thưa người. Buổi tiệc tối dọn theo kiểu self service. Những thức ăn cùng la ve và nước ngọt chất trên hai dãy bàn dài phủ khăn ăn bằng loại vải không thấm nước màu huyết dụ. Chén dĩa ly tách, khăn ăn toàn bằng giấy. Ghế xếp chung quanh khoảng trống dành làm vũ sảnh.
 
Căn phòng khánh tiết được treo bông thắt tuội bằng những thứ giấy màu tươi. Âm nhạc dành cho buổi khiêu vũ ở những cuộn băng xếp trên máy stéreo. Tuy nhiên ở cuối phòng, đối diện với vũ sảnh là một sân khấu nhỏ, gắn máy vi âm và đặt một giàn nhạc gồm có đại hồ cầm, giàn trống và thanh la, não bạt.
 
Nghĩa, bạn thân của Khang nói với Nghi:
 
- Chị khuấy bình kem lạnh nầy rất hạp ý tôi. Kem nước cốt dừa được nhiều người chiếu cố hơn. Người Bắc kỳ không ăn được kem soài riêng.
 
Nghi sung sướng khoe tài nội trợ của mình:
 
- Tôi đã thêm bột vanille và hạnh nhân trong kem đó anh. Món kem nầy sẽ thơm béo như kem ở tiệm.
 
Tân, anh bạn khác chêm vào:
 
- Chị thì nhất. Thằng Khang sẽ hãnh diện lây vì chị.
 
Mọi người đưa mắt về Khang. Chàng đứng giữa mớ giấy đủ màu lụn vụn, cọ sơn, chổi, nùi giẻ chưa kịp thu dọn, miệng nhai ngau ngáu khúc bánh mì dồn thịt nguội. Khang ngồm ngoàm nói:
 
- Thằng nầy mãi tới bây giờ mới có bánh trám bao tử. Trời, đói sao mà đói kinh khủng.
 
Nghi âu yếm bảo:
 
- Anh đi tắm rửa và diện cho thật bảnh coi nào. Sắp tới giờ khai mạc dạ hội rồi đó.
 
Khang nuốt xong miếng bánh chót rồi thu dọn những thứ lụn vụn trước khi đi tắm. Nghi nghĩ thầm:
 
- Chàng ta lúc nào cũng có vẻ hồn nhiên, nhất là lúc ăn bánh, trông ngau ngáu như một đứa trẻ.
 
Nghi bước tới Nghĩa và Yến, người yêu của Nghĩa đang cầm tấm danh sách những người dự dạ hội. Nàng đảo mắt nhìn qua danh sách những khách phái nữ, hỏi Yến:
 
- Alice Lệ Dung là ai vậy Yến?
 
Yến cười rộng miệng, phô hàm răng trắng muốt và cái nướu hồng tươi:
 
- Coi, chị Dung của Nghi chớ ai?
 
Nghi tròn mắt, rồi sịu mặt:
 
- Chị Dung tên thật là Nguyễn thị Dung mà.
 
Yến cười khì:
 
- Nghi thật thà quá. Đến dạ hội, mình có quyền lấy biệt hiệu chớ. Yến cũng không thể xưng là Đỗ thị Yến trơn lu, trơn láng nên mạn phép lấy tên là Trang Ngọc Yến cho xôm vậy mà. Nhằm nhò chi, Nghi? Chừng ra khỏi dạ hội rồi thì mình sẽ là Đỗ thị Yến, ai mà giết mổ gì mình?
 
Nghi thun mũi "hừ" một cái:
 
- Còn cái tên Nghi cúng cơm của tôi thì ghép thêm chữ gì cho ra vẻ văn chương Tao Đàn một chút đây?
 
Không đợi Yến trả lời, Nghi lướt về phía cuối phòng, chỗ dành cho bục gỗ để trình diễn ca nhạc. Bày đặt kiểu cọ hoài. Tên Yến, tên Dung nào có xấu xí gì mà còn ghép thêm những tiếng khác. Ai chớ chị Dung khoái cái trò hoa hòe hoa sói đó lắm. Còn anh Cường cũng lập dị không kém. Cái tên Đinh văn Cường của ảnh rồi sẽ biến thành Hùng Cường hoặc Huy Cường cho có vẻ tài tử màn bạc cũng không biết chừng.
 
Lối sáu giờ ngoài, khách khứa tài hoa son trẻ bắt đầu tới lui rộn rịp. Khang đã diện veston bảnh bao và rất trẻ trung bước ra. Mái tóc hơi dài, hơi xoăn của chàng trông có vẻ nghệ sĩ thế nào ấy. Nghi cũng đã diện chiếc áo dài mousseline đỏ với mái tóc giả cuộn từng chùm boucles anglases như chị Dung. Khang nheo mắt nhìn nàng làm nàng nhột:
 
- Hôm nay em huy hoàng, lộng lẫy.
 
Nghi nói:
 
- Anh ca em vừa vừa thôi kẻo ông bà khuất mặt khuất mày quở mà em ấm đầu sổ mũi.
 
Yến mon men chạy lại:
 
- Nè Nghi, Yến đã chọn cho Nghi một tên mới. Nghi Xuân được không?
 
Nghi phì cười:
 
- Yến làm như tui là con của Phạm Công và Cúc Hoa không bằng. Nhưng tùy Yến. Nghi Xuân cũng được, mà Tấn Lực cũng chẳng ăn chung gì với mình.
 
Yến hối hả sửa lại tên Nghi trong tấm danh sách. Chị Dung và anh Cường khoác tay bước vào. Chị Dung vẫn trang điểm và ăn mặc như hồi sáng, nhưng Cường đã thay thế bộ quân phục bằng bộ smoking màu nâu đậm. Chàng chải đầu thật khéo, thoa một chút dầu bóng trên bộ ria mép, đen lánh. Trông chàng giống một tướng lãnh đã một thời gây cơn sốt sôi bỏng cho thời cuộc. Khang nói:
 
- Hôm nay, anh chị chịu khó tới chung vui với tụi nầy quả là hân hạnh lắm vậy.
 
Chị Dung đưa mắt nhìn qua Cường mỉm cười. Cường nói:
 
- Chú đừng khách sáo quá vậy. Chúng mình còn trẻ mà.
 
Chị Dung thân mật:
 
- Rồi đây chúng ta sẽ là người nhà với nhau. Phải không Nghi?
 
Nghi cười bẽn lẽn. Chưa bao giờ Nghi thấy chị Dung khả ái hơn lúc nầy. Một cô bạn của Nghi sà lại bên chị Dung, trầm trồ:
 
- Chị Dung mặc chiếc áo nầy giống các cô ca sĩ trong ban Ba Con Mèo hoặc các cô ca sĩ trong ban Ba Trái Táo.
 
Chị Dung mỉm cười:
 
- Em à, chị mặc áo đỏ, trông chị có giống trái chôm chôm không em?
 
Đang lúc đó thì anh chàng Tân mập la lớn:
 
- A kìa, cô hoa hậu Ái Lan đến kìa!
 
Yến biểu đồng tình, reo lên:
 
- Ái Lan sắc nước khuynh thành.
 
Nghĩa đang loay hoay với kèn saxo trên bục gỗ, nghe vậy, bèn đưa kèn lên miệng, chùn chân xuống, thổi eng éc phụ họa lời Yến. Ái Lan với chiếc áo dạ hội màu xanh da trời thêu kim tuyến bước vào. Chiếc áo bày một khoảng ngực vun chùn và trắng ngồn ngộn như màu bánh ít trần. Cô gái bước đi theo kiểu mình xà uốn khúc, cái mông bự ngoáy theo bước đi. Nghi bĩu môi mà không tự kiểm soát được. Lẹ như con sóc, Khang phóng lại cô gái, miệng mồm tía lia:
 
- Ái Lan! Trời ơi, Ái Lan! Lâu quá mới gặp em.
 
Ái Lan nhí nhảnh:
 
- Nghe anh thi đậu, em mừng lắm lắm.
 
Khang nhanh nhẩu giới thiệu Ái Lan với mọi người. Mặt chàng khinh khỉnh một cách khả ố, khả bỉ. Chàng được đứng gần Ái Lan làm như được đứng gần nữ hoàng Anh Quốc hoặc đứng gần nữ tài tử Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng không bằng. Nghi nguýt chàng một cái rồi thu mình vào một góc tối, lòng tức bực muốn nghẹt thở.
 
Chị Dung rờ chiếc áo của Ái Lan trầm trồ:
 
- Ố là là! Thứ mousseline nầy trông đẹp tuyệt. Ái Lan may áo nầy ở đâu vậy Ái Lan? Trông thanh thoát và gợi cảm biết là ngần nào.
 
Ái Lan chúm môi, liếc liếc cười cười:
 
- Thưa chị, em may áo nầy ở tiệm Thiết Lập.
 
Ái Lan cười duyên với Khang, rồi nũng nịu nói:
 
- Chốc nữa, em với anh song ca bài "Love Story" nghen.
 
Khang gật đầu lia lịa:
 
- Rất sẵn lòng. À, mình phải hát thêm bài "Que sera, sera" nữa chớ. Như mọi khi mình đi dự mấy cái Réceptions trước đó đó...
 
Ái Lan cất giọng phơi phới:
 
- Chớ sao. Chỗ nào mà có anh là em mới chịu khó cơm ghe bè bạn tới chớ bộ.
 
Nghi thun mũi lại như ngưởi gặp một mùi hôi thúi gớm ghiếc. Quá quắt rồi! Khang coi nàng chẳng còn kí lô gì nữa, chẳng còn ra cái mùi mẽ gì, chẳng còn ra cái thớ chi chi rồi. Nỗi tức bực như làm nàng rơi vào cơn hôn mê ngắn. Chàng còn đang bận lăng líu, chót chét với Ái Lan kia kìa. Mồ tổ ơi, mình không nên khóc ở đây, nhứt là trong giờ phút này. Khóc là chứng tỏ mình đại bại từ ở bước đầu.
 
Khách đến càng lúc càng đông. Khang cùng Tân và Nghĩa lại lo tiếp rước, nói xã giao tíu ta tíu tít. Không ai để ý gì đến Nghi cả. Chị Dung và Cường lại ngồi gần máy stéréo cười nói thật tương đắc. Nghi nép mình vào khoảng đèn tối, mờ mờ ảo ảo như đèn chong trong chòi hoang. Không ai còn nhớ tới mình hiện diện ở dạ hội này.
 
Tân mập khai mạc buổi dạ hội bằng một tràng "đít cua" đơn giản, tếu tếu làm nét mặt mọi người tươi lên. Khang bước ra xin hợp ca với Cường và anh chàng Hải lùn một bản nhạc tình.
 
Khang nói:
 
- Thưa  quý bạn, chúng tôi là ban hợp ca "Ba...
 
Ái Lan ở phía dưới rống lên:
 
- Ba Con Khủng Long.
 
Yến hét như còi xe lửa:
 
- Ba Trái Sầu Riêng.
 
Một giọng chói lói cất lên:
 
- Ba Trái Chuối Dà.
 
Cường chớp lấy câu nói sau cùng:
 
- Vâng, ban Tam Ca "Ba Trái Chuối Dà" xin ra mắt quý bạn bản "Mộng Dưới Hoa" của Phạm Đình Chương.
 
Một loạt vỗ tay vang lên. Tiếng vĩ cầm lẫn đại hồ cầm trổi lên dìu dặt. Ba chàng trẻ tuổi bắt đầu cất giọng ấm áp, mềm mại để khoe tài. Không khí trong phòng khánh tiết ồn ào, sôi động nên loại nhạc êm dịu không gây chú ý lắm cho mọi người dầu Cương lẫn Hải lùn hát bè hai, bè ba kèm bên giọng chánh vững vàng của Khang. Bài hát dứt, tiếng vỗ tay lẹt đẹt, lấy lệ làm cho cả ba chàng ca sĩ tài tử tuột lẹ xuống bục ca, mặt hơi tẽn tò.
 
Tiếp tục chương trình, Yến leo lên sân khấu với bộ áo đen mướt, xẻ đùi cùng với hai cô gái cũng mặc chung một thứ áo với cô ả. Họ xưng là "Ba Con Cá Trê". Cả ba gào thét, uốn éo mình xà, lắc lư như lên đồng. Khác giả phía dưới bục ca cười nhăn nhở và tán thưởng nồng nhiệt khi bài hát chấm dứt. Yến tìm tới chị Dung hỏi bằng giọng thẽo thợt:
 
- Chị Dung xem con Trang Ngọc Yến nầy hát tới không?
 
Chị Dung chu miệng cá chim:
 
- Tuyệt ơi là tuyệt!
 
Ái Lan đỏng đảnh:
 
- Ái Lan thích loại nhạc tình cảm tân thời hơn.
 
Yến kín đáo háy dài Ái Lan rồi cùng hai cô bạn ngoe ngoảy vào buồng riêng để thay xiêm đổi áo. Trên bục ca, trong khi đó, ba cô khác mặc robe tím lợt bước lên tự xưng là "Ba Trái Dừa Xiêm" xin hát một bản ngoại quốc. Ở phía dưới, khán giả phản đối:
 
- Đâu có được, ba người phải có sáu trái dừa xiêm chớ.
 
- Không phải sáu trái dừa xiêm mà là sáu trái chanh.
 
Có kẻ rống lên hát theo tiết điệu bản Thiên Thai : Thiên Thai, chúng em xin dâng hai chàng trái dừa xiêm.
 
Không khí hỗn loạn khủng khiếp. Lối cợt nhả xô bồ xô bộn đến nước trâng tráo, hỗn xược. Nghi lén nhìn Khang. Chàng mải mê lo điều khiển chương trình lẫn giàn nhạc nên không thèm lý gì tới nàng nữa. Cái thứ đồ đểu không ra đểu, nghệ sĩ nghệ sùng không ra nghệ sĩ nghệ sùng. Cái thứ nửa mặn nửa chay, nửa nạc nửa mỡ, nửa nước nửa cái, thấy mà ứa gan!
 
Nghi lách qua nhóm đực rựa ngồi rải rác ở ngoài hiên của căn phòng dành làm phòng khánh tiết. Ở đó, họ đang bàn tán ầm ĩ về vụ chấm thi Tú Tài theo kiểu IBM, chuyện dầu lửa ở Việt Nam từ Hoa Hồng số 9, chuyện đòi quyền tự do báo chí v.v... Chán quá, chuyện thời cuộc đối với Nghi sao bằng cái chuyện tự ái nàng bị cào xé, rách rưới như chiếc áo người ăn mày như vầy. Nàng cần phải ra ngoài vườn, nếu không, não cân nàng sẽ đứt lìa. Nàng cần tìm bóng tối để khóc cho hả hơi, Ngày mai, nàng sẽ tuyệt giao với Khang. Uổng công nàng trang điểm đẹp đẽ trong buổi tối nầy. Uổng công nàng chọn lựa áo dạ hội.
 
Nghi lướt một vòng quanh phòng khánh tiết, thầm mong Khang sẽ để ý đến nàng chăng? Nhưng Khang mắc lo thì thầm to nhỏ với Ái Lan có vẻ tương đắc lắm. Miệng chàng hoạt động, hai cánh môi co giãn liên hồi. Ái Lan nghe nhiều hơn nói, thỉnh thoảng liếc cái nhìn đồng lõa về phía Khang.
 
Trên bục ca, ba cô gái gầy ốm, vai mỏng bước ra vùng rọi đèn sáng quắc tự xưng là "Ba Khô Mực". Ba cô nầy hát nhạc Dân Ca Ba Miền khá hay nên làm cho khán thính giả như được đổi thực đơn. Sau đó là màn song ca giữa Ái Lan và Khang. Cả hai được hoan nghinh quá xá qua bản "Love Story". Mọi người như xoắn lấy Ái Lan. Mình là một chiếc bóng mờ bên cạnh Ái Lan nếu ngay bây giờ mình lân la làm quen với cô ả. Nghi rút lui ra ngoài vườn trước khi Khang và chị Dung mở màn cuộc khiêu vũ và trong lúc Ái Lan hát một bản Tango trên bục ca.
 
Khu vườn sáng mờ dưới ánh trăng. Nghi tìm chiếc băng đá, tâm hồn chìm trong nỗi buồn chán nản. Ở đây là thế giới của kẻ bị bỏ rơi, bị đời gạt ra rìa. Ở trong phòng khánh tiết là chỗ người ta so tài ca hát, khoe nhan sắc, khoe bước khiêu vũ bay bướm. Trời ơi, phải dè hồi mới lớn lên, nàng đi học hát, học nhảy đẩm, ghi tên ở sân vận động Phan Đình Phùng để tập thể dục thẩm mỹ? Tài làm bánh mứt bây giờ không giúp được gì cho nàng cả.
 
Gió đêm mát rười rượi. Mùi hoa nguyệt quí lẫn mùi hoa cam, hoa bưởi lảng vảng trong sương đêm dần dà làm nàng dễ chịu hơn. Song cơn mệt mỏi tinh thần có thể vơi đi một phần nào nhưng nỗi buồn vẫn còn đè nặng trái tim nàng. Nàng thù Khang, thù hết thảy loài người...
 
Một giọng trầm trầm cất lên phía hành lang:
 
- Nghi ơi! Có em ở ngoài vườn không?
 
Rõ ràng là tiếng Khang, song Nghi nín thinh. Một bóng người mảnh dẻ bước thoăn thoắt về phía nàng. Nghi vẫn ngồi bất động. Khang tha thiết:
 
- Nghi, sao em ngồi đây?
 
Nghi cay đắng:
 
- Tôi mệt, ra ngoài nầy ngồi cho thoáng khí một chút.
 
- Anh tìm em nãy giờ.
 
Nghi cười gằn, không nói gì thêm. Khang ngồi xuống bên cạnh nàng, đặt tay lên vai nàng. Nàng gạt phắt tay chàng ra, rồi phủi vai mình làm như mình vừa mới bị phỏng lửa. Khang ngạc nhiên:
 
- Em làm cái gì vậy? Em giận anh chăng?
 
Nghi hằn học:
 
- Anh tìm tôi làm gì cho mắc công. Ở trỏng vui lắm mà. Con Ái Lan đẹp như minh tinh tài tử, hát hay còn hơn là Thái Thanh nữa. Tui ở ngoài nầy có trúng gió mà chết đi nữa, anh cũng chẳng cần biết.
 
Khang cười hề hề:
 
- Nghi của anh lại giận lẫy rồi, lại ghen bậy ghen bạ nữa. Xấu lắm nghe chưa? Mà em biết Ái Lan là gì của anh không chớ?
 
Nghi xí một tiếng ghét bỏ:
 
- Biết làm gì cho mắc công.
 
Khang ôm chặt lấy Nghi:
 
- Em cần phải biết rồi sẽ kết tội anh sau. Ái Lan là em chú bác của anh đó.
 
Nghi làm thinh, không biết nói sao. Khang hôn nàng đắm đuối rồi nói:
 
- Em có thấy em vô lý không? Nãy giờ anh mắc lo điều khiển chương trình, nhưng  bây giờ anh có thể giao mọi việc cho thằng Nghĩa được rồi.
 
Nghi gục lên vai Khang khóc tấm tức tấm tửi. Nàng nhẹ nhõm cả cõi lòng và trái tim nàng như một bông hoa mở rộng để đón lấy cái yên tĩnh thơ mộng của đêm tối. Khang vuốt tóc nàng, thì thào:
 
- Nghi à, hay là mình vào trong ấy đi. 

Nghi lau nước mắt rồi hỉ mũi rồn rột. Nàng bấu chặt lấy vai Khang, có cảm giác thẹn thùng khi nghĩ tới lúc vào phòng khánh tiết, dưới muôn ngàn cái nhìn tò mò của lũ bạn. Bỗng dưng nàng ngái cả người. Mình dị quá đi thôi. Thiệt là một con cà chớn, chưa chi đã ghen tuông khó coi với Ái Lan. Song nàng vẫn chưa hết khó chịu khi nghĩ cái áo hở ngực của Ái Lan cùng tài ca hát của cô ả. Dầu sao mình cũng chỉ là bóng mờ trước Ái Lan. Mình phải làm sao tìm cách vớt vát đôi chút hào quang trước mặt Khang. Mình sẽ đọc sách văn nghệ. Mình sẽ nghiên cứu các tác phẩm của Sartre, của Camus mà lũ bạn bè đã ca tụng. Mình sẽ làm thơ, viết văn để lột xác thành người đàn bà trí thức. Đàn bà mà ca hát thì thường quá. Đàn bà làm thơ, làm văn thử hỏi được bao nhiêu trong cái đất nước Giao Chỉ nhỏ bé nầy? Chỉ như vậy, mình sẽ không chìm lỉm khi giao du với Ái Lan. Nghĩ tới đây, Nghi mỉm một nụ cười trong bóng tối. Nhứt định là mình không thể nào để lép vế trước mặt Ái Lan, một cô gái xảnh xẹ, se sua mà trí óc cạn cợt như cái dĩa đựng bánh bèo. Nghĩ tới đây, niềm hăng hái như làm căng phồng trái tim nàng. Nàng thì thầm với Khang:
 
- Anh à, em có thể viết văn được không anh?
 
Khang cười hì hì:
 
- Em tôi lẩn thẩn quá. Ý gì mà em hỏi anh như vậy?
 
Chàng nói một câu bằng tiếng Pháp nháy theo tựa một cuốn phim:
 
- Sois belle et tais-toi.
 
Nghi ngắt chàng một cái thật đau. Chàng giục nàng vào phòng khánh tiết. Nghi do dự nói:
 
- Anh đưa em vào toilette một chút. Em cần phải trang điểm lại kẻo người ta bắt gặp khuôn mặt loang lổ nước mắt của em.
 
Nói xong câu đó, Nghi tự nghĩ: buổi tối nay, nếu chị Dung biết được ẩn tình của mình, chắc chị sẽ cho mình cà chớn như lúc chị chưa biết mình có một chàng kép sáng giá như Khang.
 
 
NGUYỄN THỊ THỤY VŨ      
 
(Trích từ giai phẩm VĂN Xuân Ất Mão, 1975)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét