Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC - Nguyễn Hiến Lê


“Mãi mãi là trong những phút giây” (Xuân Diệu).
 
Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (sau đổi tên là Chu Văn An), ăn tết ở Phương Khê xong, trở về Hà Nội.

Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Ðề Tích Sở Kiến Xứ.

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.


Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.

Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

“Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”
(1)

mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước.

Cảnh cũ, người cũ đã không sao cùng gặp lại được, thì thử kiếm cảnh khác, miễn là cũng đủ đào hoa nhân diện? Ở Hà Nội việc đó rất dễ. Từ hai mươi lăm tháng chạp, suốt phố Hàng Ðường tới cửa chợ Ðồng Xuân như một rừng đào, cái cảnh “hoa chi tự kiểm, kiểm như hoa”(2).

Ðâu phải là hiếm, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm giác cũ. Tôi nghĩ có lẽ tại đường phố náo nhiệt, mà hoa không còn trên gốc, thiếu vẻ thiên nhiên chăng?

Có lần tôi lên tận làng Yên Phụ, thơ thẩn cả buổi trong các ngõ hẹp, lát gạch bên bờ Hồ Tây. Nơi đây còn vài ngôi đình chùa cổ, trong tiếng gió tiếng sóng như văng vẳng giọng ngâm thơ của Hồ Xuân Hương. Nhà nào cũng có vườn, tuy không rộng nhưng cũng trồng đủ giống hoa như làng Ngọc Hà, nhiều nhất là đào, đỏ ối mỗi khi xuân sang. Các thiếu nữ nửa quê nửa tỉnh, vừa tỉa cành vừa niềm nở chào khách, miệng tươi như hoa, nhưng lòng tôi chỉ vui vui chứ không xúc động; vẫn không phải cảnh sắc năm xưa. Thế thì thiếu cái gì đây? Tôi nghĩ không ra.

Kế đó, tôi vô Nam và năm nào Tết đến cũng ngắm hoàng mai mà bâng khuâng nhớ đào.

*

Rồi một hôm cách đây mười tám năm, vào đầu mùa mưa, đi ngang qua vườn một ẩn sĩ, thấy đẹp, tôi ghé vào thăm. Vườn nằm trên bờ một con kinh, ở vòng ngoài thành phố Long Xuyên, nổi tiếng vì có nhiều loại hồng quí từ Pháp gởi về.

Tôi vào tới giữa sân thì một thiếu nữ tươi cười bước ra chắp tay: “Thưa thầy”. Thiếu nữ vẻ thanh tú, ngừng lại bên một bụi hồng leo màu phơn phớt đỏ. Ánh nắng ban mai chiếu vào chùm hoa và phản ánh làm cho má thiếu nữ cũng ưng ửng. Tôi còn đương cố nhận mặt thì thiếu nữ đã nhắc giùm. Tôi hỏi thăm mấy câu rồi trầm ngâm dạo vườn một lát. Vườn trồng cả chục loài hoa, nhiều nhất là hồng, và hồng có cả chục giống; sương mai lấp lánh mà hương thơm ngào ngạt.

Thật thú vị, khi không cố ý tìm thì ngẫu nhiên gần như gặp lại cảnh cũ. Trong vài giây, lòng tôi lại xúc động như hồi trẻ ở Sơn Tây. Xúc động nhẹ thôi: trời hôm đó dịu nhưng không phải là trời xuân ngoài Bắc, mà hồng cũng không thể sánh với đào được. Có lẽ còn tại cái tuổi, cái tâm trạng của tôi nữa chăng? Nhưng cũng là một phút đẹp trong đời, và ở vườn hồng ra, tôi lại ngâm thầm bài thơ của Thôi Hộ, nhớ lại tuổi xuân, cảm xúc triền miên, dịu dịu.

Hôm sau vào lớp học, thiếu nữ cùng với các bạn, đứng dậy chào tôi, nhưng lạ quá, tôi gần như không nhận ra nữa: cũng chỉ như mọi nữ sinh khác, lễ phép, nhu mì, thế thôi; như bé lại vài tuổi, còn cái duyên hôm trước thì đã biến đâu mất. Tôi bước lên bục mà phân vân tự hỏi tại sao. Tại không khí trong lớp học chăng? Hay tại thiếu bụi hồng dưới ánh dịu ban mai bên bờ nước? A, giá đừng gặp lại!

*

Tôi nhớ đâu như Alfred de Vigny có câu:

“Aimez ce que jamais on ne verra deux fois”.

Trước kia tôi vẫn cho Vigny là quá bi quan, hơi ngược đời nữa. Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy, luôn luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất, không sao gặp lại được lần thứ hai.

Phải, cái buổi sáng ở Sơn Tây kia, cũng như cái đêm tôi qua Ðèo Cả, cách đây non ba chục năm, chỉ ngẫu nhiên xuất hiện một lần trong một đời người. Ðêm đó, tôi đương ngắm cảnh biển mênh mông nhấp nhô dưới ánh trăng thì xe lửa lượn vào một khúc quẹo và những lớp sóng bạc bỗng biến đâu mất mà trước mặt tôi hiện lên một dãy núi đen tím với một cái vũng lốm đốm mươi ngọn đèn chài đỏ như than hồng trên một làn nước phẳng lặng: cảnh biến đổi thật huyền ảo và trong một phút tôi có cảm giác là mọc cánh mà lên tiên. Có thể rằng sau này tôi được gặp một cảnh trăng trên biển tương tự cảnh đó, nhưng có may lắm thì cũng chỉ phảng phất vài phần như cảnh vườn hồng so với cảnh vườn đào thôi. Vì phải có một sự giao hội kì diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên, từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng cùng nhau tấu lên một hòa khúc thì mới gây cho ta được một cảm giác hoàn toàn thỏa mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quí ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi. Ðừng kiếm lại nó, vô ích, mà cũng đừng mong cho nó kéo dài: nếu chiếc xe Mĩ Lâm sáng xuân đó và chuyến xe lửa đêm trăng kia, vì một lẽ gì ngừng lại, thì cái mĩ cảm của tôi tất phải giảm mà dư hưởng tất không bền.

Vigny khỏi phải nhắc: Chúng ta chỉ “yêu cái gì không thấy tới hai lần” mà xuất hiện chỉ trong một nháy mắt. Cái tuyệt mĩ bao giờ cũng phù du, mà lại thọ nhất.


Sài Gòn
Xuân Tân Hợi
________________________

(1) Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác:
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Ai có tài dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm.
(2) Thơ của một nữ sĩ đời Thanh: “Cành hoa tựa má, má như hoa”.
 

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

MÙA XUÂN TRONG RỪNG - Phạm văn Bình


Tiếng chim hót líu lo dưới rừng vọng lại đánh thức Ylang. Sương núi cuồn cuộn và gió lạnh của từng cơn qua liếp tre khiến nàng lười biếng nằm nán lại trên chiếc chõng mây, lưu luyến chút hơi ấm của đêm còn ủ lại trong chiếc chăn dầy. Ylang nằm lơ mơ trong ánh sáng chập choạng của một ngày vừa mới bắt đầu và bóng đêm chưa tan hết. Nàng chợt mỉm cười một mình, thương sự đúng hẹn của những chú chim rừng. Thật tội nghiệp, không biết ai bắt buộc mà cứ vào giờ này, bao nhiêu cái mỏ dễ thương đều hót lên, ca ngợi tia nắng ấm đầu tiên của mặt trời xuyên thủng màn sương, rọi xuống hoa cỏ.

Sinh ra và lớn lên trong núi rừng Ylang biết được giờ nào, theo mùa giống chim nào xuất hiện, nàng còn phân biệt được giọng hót vui tươi, dồn dập của anh em họa mi, vành khuyên, lối chuyện trò ríu rít của bác cháu nhà sáo, tiếng kêu buồn bã của gia đình tu hú và một loài chim nàng không biết tên nên vẫn gọi đùa là chim tương tư. Mỗi buổi sáng theo mẹ vào rừng bẻ măng hay buổi chiều mang gùi xuống suối lấy nước, Ylang thường ngẩn ngơ khi tiếng chim tương tư ảo não từ rừng xa vọng về, bao giờ cũng hai tiếng trước ngắn, đi liền nhau và tiếng sau kéo dài thê thiết "Chi buồn, rứa..."

Cha nàng, một người miền xuôi, còn kể rằng hồi kháng chiến chống Pháp trong những khu rừng dọc theo dãy Trường Sơn có hai đàn chim lạ từ đâu bay về. Đàn thứ nhất mỗi lần hót, điệu mạnh mẽ, thúc dục, âm thanh tương tự câu "Tây về cho biết". Nỗi ước mơ của đồng bào ta dạo đó. Điệu thứ hai buông xuôi, chán nản hơn: "Thôi rồi cơ cuộc". Vẫn theo lời cha nàng, giống chim này là hiện thân một lãnh tụ quốc gia, sau một vụ công đồn Tây thất bại, đơn vị bị tiêu diệt gần hết, ông buồn rầu trở về rừng tự sát, hồn hóa thành con chim khóc thương thời cuộc.

Mẹ Ylang ho khẽ dưới bếp, gọi nàng:

- Ylang, dậy đi. Sáng nay con phải đi ra cái suối.

Nàng vẫn nằm yên, chăn kéo lên tận cằm, nũng nịu:

- Con không đi ra cái suối đâu. Sương rừng còn lạnh lắm.

Mẹ nàng ném thêm một cành khô vào bếp. Than hồng nổ lách tách.

- Không được lười biếng! Sống trong rừng, kẻ nào lười biếng để cho cái cọp, cái beo ăn thịt.

Ylang ngồi bật dậy. Nàng nhớ ra hôm nay là ngày ba mươi tết, và công việc bận bịu của một ngày cuối năm đang chờ đợi: Xuống suối vo nếp cho vào các ống tre rừng giúp mẹ nàng nấu xôi, rửa mấy miếng thịt nai khô. Chiều nay nàng còn phải đến chia thịt heo, quà tặng của các mẹ sóc cho những nhà trong buôn mỗi lần tết đến. Xem thử nàng phải làm gì nữa? Còn phải ra chợ mua rượu và múc đầy mấy gùi nước. Tại bộ lạc này vẫn có tục lệ cử lấy nước trong ba ngày xuân. Nước, ơn sủng của thiên nhiên được dân miền cao xem như tiền bạc, phải đổ đầy vại, đầy chum và tưới ướt bất cứ người nào du xuân ngang qua nhà suốt trong ngày mồng một.

Ylang đi xuống nhà bếp. Mẹ nàng đang ngồi nướng thịt, ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt với những nếp nhăn trông giống vỏ thân cây thông sù sì. Nàng ngồi xuống cạnh mẹ, bốc một miếng thịt còn nóng cho vào miệng. Bà mẹ gắt yêu:

- Con gái lớn rồi phải nghiêm trang chững chạc, mai mốt còn bắt cái chồng.

Ylang tiếp tục ăn, khuôn mặt nàng hồng hào ánh lửa. Nàng ngon lành như một trái cây vừa chín tới.

- Con không lấy cái chồng đâu. Ylang thích khu rừng thân yêu này. Con ở đây hoài với cái... mẹ.

Đáng lẽ nàng nói "ở đây hoài với cái cha cái mẹ" nhưng nhớ ra cha nàng đã mất từ lâu nên kịp ngừng lại. Ylang hơi buồn khi nghĩ đến điều này. Nàng lấy gùi mang vào lưng rồi trèo xuống thang, rời nhà sàn, tiến về dòng suối.

Mặt trời lên cao nhưng sương chưa tan hết, long lanh trên hoa cỏ. Cô gái đi mau, chiếc gùi rung động trên lưng, bước chân nai tung tăng, thỉnh thoảng nàng dừng lại, hái một cánh hoa cài lên mái tóc tung bay tinh nghịch thả bay theo gió. Ylang hát khẽ một khúc nhạc của núi rừng: "Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi"...

Sơn nữ, nàng là sơn nữ ư? Nàng sinh ra và lớn lên giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ và huyền bí này. Tâm hồn nàng mộc mạc, bình dị, như đóa hoa rừng mọc bên bờ suối, đôi chân nàng vô tư như gió cuốn qua thung lũng cỏ xanh và mắt nàng là bóng trăng tỏa dịu dàng xuống đồi cỏ lau mỗi đêm nàng ngồi đó mơ mộng. Mùa xuân nào một cánh chim trắng đã bay vút qua khung trời tuổi mộng. Ylang bước mau không dám nghĩ tiếp nữa. Cánh chim kéo dài, tỏa rộng. Con thần điểu che khuất mặt trời và chẳng mấy chốc bóng tối ập xuống, tràn vỡ lênh láng, che lấp cảnh vật. Chim thần kêu lên những tiếng quái dị và chỉ vài cái dập cánh của nó, cả rừng cây gãy đổ, những cành hoa tan tác trong gió.

Nỗi sợ hãi bao trùm khiến Ylang mọc ốc khắp người.

Ra đến dòng suối Ylang ngồi, thở một hồi cho hoàn hồn rồi mới lấy nước đổ đầy gùi. Ánh mặt trời lấp lánh trong suốt đến đáy, nàng có thể nhìn thấy những viên cuội trắng bên dưới. Lấy nước xong Ylang rửa mặt rồi leo lên bờ suối ngồi chải tóc. Bóng nàng lung linh in xuống mặt nước xanh. Khu rừng mai bên cạnh nở đầy hoa, vàng rợp một vùng. Nếu có xe, nàng sẽ chặt vài gốc mang xuống phố bán, tha hồ dư tiền may áo và một cái xịnh mới (loại váy dài của thiếu nữ cao nguyên).

Ylang bứt mấy lá cỏ thả trôi theo dòng nước và mỉm cười với ý nghĩ hơi thương mại của mình. Nàng cảm thấy mình có lỗi, dám xúc phạm đến thiên nhiên. Thuở còn sống, cha nàng thường dạy: Đời hoa cũng giống như thiếu nữ, cũng có hồn và biết đau đớn. Yêu hoa chỉ có quyền ngắm hoa chứ không được hái về nhà, dầu với mục đích làm đẹp mùa xuân.

Ylang bỗng im lặng. Hình như có người đang lội qua dòng suối, tiến về phía nàng, bước chân bì bõm trong nước. Không, không phải, nàng lầm, một cành khô gãy vừa rơi xuống nước. Một cơn gió ào ạt lướt tới, cả rừng mai chuyển mình, hoa vàng phất phới bay đầy không gian. Lần này không thể lầm được. Rõ ràng nàng nghe tiếng người nói, cười đùa, chạy đuổi nhau. Một đôi tình nhân. Tiếng cười khúc khích, trong veo của một cô gái. Tiếng ai sao nghe giông giống tiếng nàng. Không, không phải nàng, nàng đang ngồi đây. Giọng hát trầm ấm của một chàng trai. Không thể được. Trời ơi! Giọng hát: "Một đêm trong rừng vắng. Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh"

Chiều tất niên năm ngoái Ylang sửa soạn rời trường trở về nhà. Tiệc liên hoan thật vui và lòng nàng rộn rã khúc nhạc xuân, môi còn thắm ngọt dư vị những lát mứt gừng, mứt bí nhấm nháp cùng lũ bạn vừa thưởng thức chương trình văn nghệ cuối năm. Ylang thích nhất vũ khúc "Hái chè" do các chị lớp 12 trình diễn. Dưới ánh đèn  mờ, cả một bình minh rực rỡ, đầy ắp điệu chim ca, bàn tay các sơn nữ thoăn thoắt ngắt những lá chè xanh. Tiếng hát trên môi và trời xanh trong mắt.

Ylang tiến ra sân trường, lòng nàng lâng lâng theo những cơn gió mát từ thung lũng xa kéo về, lay động những cánh hoa trồng trước cửa lớp. Chùm giấy màu phất phơ bay lượn trông giống chiếc đuôi con diều khổng lồ. Trên đường trở về nhà Ylang giật mình khi nghe tiếng gọi phía sau:

- Ylang!

Nàng quay lại, một chàng trai miền xuôi đang bước nhanh, cố theo kịp nàng.

Ylang ngạc nhiên vì không hề quen biết chàng. Nàng hỏi:

- Ông vừa gọi tôi?

Chàng trai đã theo kịp, thở mạnh:

- Vâng.

- Nhưng tôi không quen ông.

Chàng trai cười. Nụ cười ranh mãnh của một người không sinh trưởng nơi rừng núi.

- Ở thành phố này ai cũng biết cô là hoa khôi lớp 11.

Nàng cúi xuống tránh mặt mấy người bạn đi ngược chiều. Ylang cảm thấy hơi khó chịu khi chàng trai cứ lẽo đẽo theo mình.

- Điều đó hơi thừa đối với tôi.

- Nhưng không thừa với tôi. Tôi cần hỏi cô một chuyện.

Nắng đã tắt bên kia dãy núi, mây phớt hồng rồi chuyển sang màu tím. Ylang nóng nảy:

- Chuyện gì xin ông hỏi ngay đi. Tôi cần phải về nhà gấp, mẹ tôi đang đợi.

- Ở đây không tiện, tôi mời cô vào một quán nước.

Con sóc nhỏ giật bắn người như vừa chạm phải lửa.

- Ấy chết. Ông quên mất tục lệ miền này: Trai gái dẫn nhau vào quán nước là đã phải lòng nhau.

Chàng trai đốt một điếu thuốc.

- Tôi xin lỗi cô, tôi quên mất. Thôi để vài hôm nữa tôi kiếm cô tại nhà vậy.

Ylang tròn xoe mắt, ấp úng:

- Đó là tối kỵ. Thế nào tôi cũng bị mẹ đánh đòn.

Chàng trai cười. Khói thuốc bay bay, hoàng hôn đang xuống.

- Cô khó quá. Thôi được, tôi kiếm cô ở con suối đầu rừng vậy.

Hai hôm sau chàng trai đến kiếm Ylang ở dòng suối thật.

Tắm rửa xong nàng mải mê chạy đuổi theo mấy con bướm xinh xinh đang lởn vởn hút nhị hoa bên bờ suối. Buổi sáng trời thật trong, mây cao vút, xanh thắm màu mắt thiếu nữ. Thiên nhiên êm ả, bình lặng và lòng cô gái núi rừng cũng dung dị như hoa cỏ. Nàng thường ví mình như một con sóc nhỏ, sống quanh quẩn nơi núi rừng. Nàng yêu cái khe, cái suối, cái rẫy, cái nương. Tuy học đến lớp 11 nhưng Ylang không hề mơ ước cao xa. Nàng chỉ muốn sau khi học hết chương trình trung học sẽ về giúp mẹ lo việc rẫy nương, trồng cái lúa, cái khoai, vào rừng đào cái măng, xuống suối bắt cái cá.

Tiếng hát bên kia dòng suối vọng sang cắt đứt ý nghĩ Ylang. Lời hát thật hay. Bài "Sơn nữ ca". Hình như thầy Khoa, giáo sư Việt văn có hát cho cả lớp nghe một lần nhưng lâu quá nàng quên bẵng mất.

Chàng trai lội suối sang, ngồi xuống bên cạnh Ylang.

- Chào nàng công chúa của núi rừng.

Ylang cười lớn, giọng cười trong suốt như pha lê.

- Không dám, chào lữ khách của miền đất văn minh, ánh sáng.

- Cô khách sáo quá.

Cô gái ném một hòn sỏi xuống dòng suối, nước bắn tung tóe.

- Chính ông mới khách sáo. Mà bây giờ muốn hỏi gì xin ông cứ hỏi. Ở đây không có ai nghe đâu mà sợ.

Chàng nhìn vào đôi mắt Ylang.

- Cô đẹp lắm!

Con sóc nhỏ che miệng cười khúc khích.

- Ông mất thì giờ theo tôi đến đây để chỉ nói câu đó thôi sao?

Chàng trai bứt một cọng cỏ vân vê trong tay:

- Tôi có một điều thắc mắc đã ba tháng nay, kể từ khi được nhìn thấy cô.

Ylang giật mình.

- Ông theo đuổi tôi từ ba tháng nay rồi?

- Nói theo đuổi không đúng. Thật ra thì cái quán cà phê tôi thường uống mỗi sáng nằm trên đường cô đi đến trường.

- Rồi sao?

- Thú thật, nhìn thấy vẻ đẹp của cô tôi thường băn khoăn vì cô khác xa những bạn bè sinh trưởng tại dây. Nước da cô trắng và đôi mắt đen láy như một thiếu nữ người kinh.

Ylang quắc mắt, nhắc chàng trai:

- Người miền xuôi.

Chàng trai cười cầu hòa:

- Vâng, người miền xuôi.

Vẻ mặt Ylang xa vắng:

- Tôi tiếc nước da không được đen sậm, đôi mắt không nâu đục như chị em ở đây. Họ bình dị và mộc mạc, không giảo quyệt, phản trắc.

- Cô có vẻ không ưa người miền xuôi. Ai truyền thụ cho cô những ý tưởng cay đắng đó?

Ylang im lặng một lát rồi thở dài:

- Mẹ tôi.

Chàng trai đứng lên:

- Thôi chào cô, tôi có việc phải về. Tạm biệt con sóc nhỏ. Mồng một Tết tôi sẽ lại thăm cô và bác gái.

- Tôi sẽ đóng kín cửa, không cho ông vào nhà.

Trước khi bước đi, chàng trai cười đắc ý:

- Cô quên mất tục lệ nơi đây: Mở cửa hân hoan đón tiếp mọi người trong ba ngày tết, không phân biệt bạn hay thù.

Tội nghiệp con sóc nhỏ. Nó đã bỏ quên những bước nhảy nhót vô tư, chân cuống quít trên lối đi hẹn hò, chân thẫn thờ dẫm nát lá khô những lần vắng mặt. Tội nghiệp nàng công chúa rừng xanh. Chàng hoàng tử hào hoa đến từ miền ánh sáng buổi mai nào đã đánh thức nàng dậy với chiếc hôn tình tứ chứa đầy nọc rắn. Họ trải qua một mùa xuân mật ngọt bên nhau, vai kề vai bên suối, tay trong tay dạo chơi dưới thung lũng bát ngát cỏ hoa. Nhưng sau những tháng ngày trăng mật của tình ái đầu đời chàng trai đã cất bước phiêu lãng, lìa bỏ núi rừng, quên hết những lời hẹn hò, nuốt mất những câu thề thốt.

Tội nghiệp nàng. Tội nghiệp con sóc nhỏ bơ vơ trên nhánh cây đời cằn khô, chờ mong lộc nõn của một mùa xuân ảo tưởng không bao giờ trở lại. Tội nghiệp chú chim tương tư với tiếng hót não nùng "Chi buồn, rứa..." những lúc trăng mờ bên suối.

Hai giọt lệ nóng ấm rơi xuống cánh tay Ylang, nàng khóc hồi nào không hay. Nắng lên cao, nhảy múa trên rừng mai vàng rực nhưng nàng không hề thấy đó như một biểu tượng của mùa xuân. Màu vàng héo hắt, tàn úa như hồn nàng. Màu vàng phản trắc như tình chàng. Và dòng suối, chứng nhân vô tình của thiên nhiên những lần hai người hẹn hò với nhau, trao gửi những nụ hôn đắm đuối giờ đây biến thành một dòng suối chết, khô cạn như trái tim nàng.

Gió thổi từng cơn, cả rừng mai xào xạc, hoa vàng bay đầy không gian. Trong tiếng gió văng vẳng câu hát năm xưa: "Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây"...


PHẠM VĂN BÌNH      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc Xuân Giáp Dần, 1974)

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

BỚT ĐI MỘT TRÁI - Bình Nguyên Lộc

Bọn họ về đến Thủ Đức là đã mười một giờ khuya. Sau khi viếng chợ đêm ngày Tết của Sài Gòn tưng bừng ánh sáng và màu sắc, họ trở về với chợ quận và có cảm giác là đang ở nhà lầu thì phải tuột xuống nhà tranh.

Ánh sáng đô thành vẫn thấy đỏ rực trên trời đằng hướng Nam và nhìn vầng sáng ấy, họ nhớ đến những tà áo muôn màu họ vừa ngắm một giờ trước đây. Giờ đây màu đen của y phục những người đi sắm Tết từ trong xóm ra, sao mà u buồn lạ.

Những gian hàng, phần lớn thắp đèn dầu, sao mà trông nghèo khổ và bịnh hoạn vô cùng.

- Bây giờ ta phá cái gì cho vui đặng qua đêm chớ. - Thạch đề nghị.

- Thì lại cũng cứ lăn dưa chớ còn trò gì nữa đâu. - Công quyết định.

Đó là một bọn con trai năm người, sống vào thời tiền chiến rất yên ổn ngày xưa, đã hưởng rất nhiều thú vui mà vẫn còn thấy thiếu.

- Hồi sớm, tao để ý đến một hàng dưa do một con bé có duyên lắm trông nom. Không biết ở xứ nào tới mà coi bộ ngây thơ lạ. Ta có lăn dưa thì nên lăn dưa của con bé ấy và nếu có thể được, lăn luôn... nó cho vui trò.

- Mấy nói miết, ban ngày nó có coi hàng, nhưng tối lại thì ông già bà già nó coi chớ còn đâu nó nữa.

- Ậy, mầy mới dốt phong tục. Ở chỗ khác, dưa tứ xứ về bằng ghe. Trên ghe có cả ông già bà già, con cái lu bù thay phiên nhau mà coi hàng. Ở chỗ ta không có sông, dưa về bằng xe bò. Xe bò đậu lâu không được. Tao thấy ông già ổng đánh xe về hồi sớm.

- Bây giờ bắt thăm coi đứa nào phải lăn năm nay đây.

- Tao cho !

- Tao !

- Tao mới phải; bốn năm liền tao chưa lăn lần nào hết.

- Năm nào mầy cũng kiếm cớ thối thác. Năm nay lại tham. Tao biết mà, tại có con bé ấy. May là bây chưa thấy mặt nó đa mà còn giành như vậy. Nếu bây mà thấy như tao thì...

- Thì tao còn giành dữ hơn tụi bây nữa.

- Hơn bao giờ hết, ta phải rút thăm mới được.

- Coi chừng nó gian lận tụi bây ơi. Nó đã thấy con bé rồi, thì chết nó cũng lập mưu mà lăn cho được. Phải kiểm soát cho gắt kẻo trúng phải lá "thăm tráo" của Từ Mậu Công.

Bọn họ kéo nhau vào một quán cà-phê ở dãy phố ngó vào một gian hàng ngả đó mà rằng :

- Đó, gian thứ nhì kế gian góc bên trái chợ.

- Đâu con bé đâu ?

- Nó ngồi trong tối làm gì thấy được.

Trong bất kỳ chợ Tết của nơi nào, cả chợ Tết của Sài Gòn cũng vậy, nếu gian mứt, gian rượu sáng sủa sạch sẽ bao nhiêu thì gian hàng dưa, bưởi lôi thôi, tối tăm bấy nhiêu.

Những gian hàng ấy luôn luôn ở cuối chợ và trông giống như những người bà con nghèo ở ngõ hẻm.

Trước gian hàng mà Công chỉ, họ chỉ thấy một ngọn đèn dầu hôi đang un khói. Sau ngọn đèn, trên chiếc đệm, dưa chồng chất như kim tự tháp, nền lớn, ngọn nhỏ. Và sau dãy núi dưa, có lẽ con bé đang ngủ gục vì vào giờ nầy chỉ còn lưa thưa vài khách hàng đi mua nhang đèn, bánh, pháo, thôi.

Sợ Công gian lận, họ oản tù tì chớ không bắt thăm. Đê được thăm, anh ta nhảy ra liền khỏi tiệm.

Lạ, năm ngoái anh bắt thăm trúng, tự cho là xui xẻo, vì đi ăn cắp dưa Tết có ngày phải ăn chổi chà. Nhưng năm nay anh ta mừng hùi hụi và cứ tự bảo là vận mình đỏ lắm.

Đê bước đi những bước nhẹ nhõm, lòng thong thả không lo ngại gì hết vì anh thấy tán gái quê không gì khó cả.

Không mấy chốc anh đã tới trước gian hàng, đặt chân lên đệm và dõng dạc hỏi to :

- Ai bán dưa ?

Người chủ gian hàng bưởi bên cạnh là một người đàn bà đứng tuổi, vạch vách ngăn bằng đệm dòm qua. Bên nầy thì im lặng lạ lùng. Trong bóng tối, sau trái núi dưa hấu, đôi mắt như hai hột ngọc đang nhìn ra ngoài.

Trong ánh đèn vàng úa. Đê thoáng thấy một gương mặt không đẹp mà dễ thương, hiền hậu mà không khờ khạo tí nào. Gương mặt ấy đương bình thản nhìn anh ta hơi mỉa mai kiêu ngạo một chút.

- Dưa bao nhiêu một chục cô ?

- Dạ, bán rẻ cho thầy chín đồng.

- Sao lại bán rẻ cho tôi ?

- Vì có lẽ thầy không biết trả lên trả xuống, em không nỡ nói thách.

À, con bé quá quắt lắm. Nó dùng tiếng "không nỡ" là khinh mình đây ! Đê nghĩ rồi nói :

- Chín đồng một chục thì chạy chín cắc một trái. Như vậy mà cô bảo là bán rẻ cho tôi. Má tôi mua dưa cỡ nầy ba cắc một trái thôi.

- Thầy làm toán chia tài dữ ! Chín đồng một chục, mà ra chín cắc một trái...

Bấy giờ Đê đã ngồi xuống. Chàng ta nhìn cô gái để đợi cái phút cô lo ra đặng thi hành kế quỉ. Nhưng cô gái vẫn không nhìn đâu khác hơn là người khách hàng nửa đêm.

- Thì một chục là mười, nếu có đầu là mười hai, thì chín cắc một trái có lẽ là tạm trúng rồi chớ gì.

Nghe câu đó cô gái không nghiêm trang được nữa, rũ ra mà cười.

Đê không thèm để ý, liếc mắt dòm lại sau lưng mình thì thấy bạn hữu đã đưa nhau đứng gác từng khoảng cách nhau sáu thước.

Cô bé cười híp mắt, lắm khi rũ xuống.

Đê thừa dịp tốt, lấy tay hất một trái về hướng Công, người đứng đầu trong sợi dây xích ăn cắp dưa nầy.

Đây là một bọn trai trẻ con nhà giàu, chơi trò lăn dưa cho vui vậy thôi, không nghĩ là mình ăn cắp và không thấy ghê tởm khi làm công việc nầy.

Lăn xong một trái, và chắc bụng là bạn hữu đã chuyền mà đưa trái dưa ấy đi xa, Đê làm bộ ngạc nhiên hỏi :

- Sao cô lại cười tôi ?

- Thầy đi mua dưa mà không biết dưa hấu một chục mấy trái thì lầm chết.

- Chớ cô nói một chục mấy trái ?

- Dưa hấu thì một chục hăm bốn trái.

- Dữ vậy à ? - Đê ngạc nhiên thật tình mà nghe con số kỳ dị nầy.

- Lại còn thứ trái cây một chục mười sáu trái. Chục trầu thì chỉ có hai lá thôi. Ấy, chục của ta nó rắc rối lắm, - cô bé nói thêm.

- Trời ơi, té ra tôi còn non. Cũng may là đi mua dưa thôi, chớ đi coi vợ mà khờ khạo như vầy thì "lầm chết" đúng y như cô vừa nói.

- Không sao, thầy đừng lo. Một cô gái hai mươi tuổi thì vẫn hai chục tuổi. Vì tuổi tác không có chục mười sáu, chục hăm bốn mà lo.

- Nếu có chục hăm bốn thì tôi, tôi đoán là cô chưa đủ chục, có phải không cô?

- Cái đó là việc khác không ăn thua đến vụ mua dưa.

Đê một lần nữa, nhận ra gái quê dạn nói cà rỡn hơn gái chợ trong dịp trêu ghẹo của con trai. Họ bộc lộ hơn gái chợ, lắm khi rất trây trớt và có lẽ nhờ thế, họ không bị uất khí và ít sa ngã.

Bấy giờ Đê đã lăn đến trái thứ năm. Mấy anh kia, bắt dưa dính như thủ môn giỏi bắt ba-lông, và đưa dưa đi tài tình như trên bãi cỏ, các cầu tướng "giao nhỏ".

Cô bé mảng cà rỡn mà không thấy gì hết.

Đê làm bộ lập nghiêm vì thấy cô gái cũng là tay bản lĩnh, tán láo không được. Anh hỏi qua về quê quán, gia đạo cô gái, hẹn gặp nhau năm tới và tiếc phải chia tay.

- Năm tới có lẽ ba em sẽ đi chợ khác. Cái nghề dưa nầy không thể nào bám mãi một chợ được. Mỗi năm phải tiên đoán coi chợ nào ít người bán mà vào, rủi đụng đầu với nhau thì nguy.

Đê cũng hơi bùi ngùi, đứng dậy nói :

- Rất tiếc không mua giúp cô được, vì tôi ngỡ một chục mười trái nên thiếu tiền.

- Không hề gì, thầy lấy chơi năm trái, thì trả tiền năm trái là xong.

Đê bủn rủn tay chơn, muốn té quì xuống. Không phải vì anh ta sợ tốn tiền. Cũng không phải sợ tội ăn cắp. Nhưng bị một cô gái như thế lột mặt nạ một cách bình tĩnh như vậy khiến anh ta kinh khủng không biết ngần nào.

Anh ấp úng :

- Tôi... thử... xem cô có lanh mắt không.

- Em vẫn biết thầy thử, nên em cố lơ đãng cho vui trò vậy mà.

À, nó khéo lắm, con bé ấy. Thế mới chết.

- Dạ (Đê thấy cần phải lễ phép) dạ bây giờ cô tính bao nhiêu cô ?

- Dạ, dưa mua tính giá khác. Còn dưa ăn thử thì cứ một đồng một trái, lấy rẻ thôi.

Con bé mắc dịch, Đê rủa thầm. Nhưng nếu nó đòi mười đồng một trái, mình cũng phải trả, chớ dám nói gì.

*

Khi Đê theo kịp bạn hữu, anh ta mặt bí xị và làm thinh mãi, không họa theo họ mà reo đắc thắng.

- Sao, có nước mẹ gì không mà coi bộ sò thế ? - Tạo hỏi.

- Có nước con thì có, chớ nước mẹ gì.

Công ngắt, chận lại nói:

- Các anh à, bọn bán dưa họ biết cái ngón của mình nên đề phòng dữ. Cứ mỗi một năm ta làm kém năm rồi một, hai trái.

- Mỗi năm bớt đi một trái dưa cũng chưa nguy. Tôi sợ năm nay phải bớt đi một người trong bọn ta, - Đê than.

- Anh định bỏ chúng tôi đi lăn con bé à ?

- Không lăn nó, mà chính tôi tự lăn vào nó đấy.

- Úy mẹ ơi, một cậu trong bọn mình si tình rồi đây bây ơi.

- Không si tình sao được, các anh. Phải chi các anh có bị đánh như tôi, nó vừa đánh vừa vuốt ngực thì mới biết.

- Nó đánh bằng chổi chà hay bằng gì ?

- Bằng cái đòn tinh khôn mà rất dễ thương của nó.

 (Trích từ tập truyện ngắn Tâm Trạng Hồng)    

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

CHO MỘT NGÀY ĐẦU NĂM - Từ Kế Tường


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hôm nay có mặt trời trong cửa mắt
Đường sáng trưng, những ngỏ nắng đầy tay
Chim mới về giọng lửng xuống mây bay
Hồn trẻ lại để nghe ta nhảy nhót

Năm có dáng núi cao xanh chót vót
Có ngày theo sóng biển nói bao la
Có em vàng áo lụa ở đâu xa
Chiều gió đẩy tôi về dong sức lớn

Hồn mạnh khỏe với châu thân biển gợn
Bóng trường giang xuôi khắp chỉ một dòng
Mưa qua đời tang lễ giữa hư không
Chôn cất hết chiếc quan tài củi mục

Cây trái ngọt trĩu trên cành hạnh phúc
Đường mới thơm tà áo đỏ mới khoe
Má mới đào môi mới chỉ cười che
Và hương phấn mới đàn trên phím tóc

Tự nhiên có ngày vui trong lớp học
Ô cửa buồn bỏ lại những giờ chơi
Tay làm thuyền buồm no gió ra khơi
Chân với bạn vang trên đường mở hội

Nghìn sân cỏ để hồn chim em tới
Nắng trong xanh từng thảm bọc chiều nhung
Tạnh hết rồi hôm mưa bão mịt mùng
Ngày tháng cũng thay gương làm ánh sáng

Hoa với bướm ở trong vườn quên lãng
Chỉ một lần kỷ niệm trắng bông phai
Tôi như mùa thu cũ rớt trên vai
Hờn rất nhẹ giùm em đôi chiếc lá

Đầu một ngày vội chi em, thong thả
Nhận giùm tôi lồng nhỏ với chim khuyên
Bước thật thà từ một bước đầu tiên
Năm sẽ ngỡ em vô cùng thương mến.

                                            TỪ KẾ TƯỜNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 24 (bộ cũ), tuần lễ từ 26-12-1969 đến 2-1-1970)

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

ĐÊM XUÂN CÕNG HOÀNG ĐẾ - Bình Nguyên Lộc

 

Đã tới hồi gay cấn rồi đây, đã tới lúc nghẹt thở khi ông tư Sang kể đến đoạn quân Tây Sơn rượt chúa Nguyễn Ánh tới đình làng Tân Quang vào đầu một đêm xuân kia.
 
Tôi định rằng ông tư Sang bịa láo, ít lắm cũng về cái thời điểm xảy ra câu chuyện, ông đặt nó vào ngày Tết cho hợp với không khí đêm nay, cho vui vậy thôi, chớ Tây Sơn là kẻ thắng thế rõ rệt quá thì cứ nằm nhà mà ăn Tết, sang giêng sẽ hay, chớ tội gì phải vất vả truy nã kẻ thù vào một đêm xuân.
 
Đêm nay là đêm hăm chín tháng chạp, nhà tôi nấu bánh tét, hầm thịt, làm nem, nhà bếp vui lắm, nhưng sợ trẻ con buồn ngủ nên má tôi mới lờ đi cho ông tư Sang, khi thấy ông tới chơi. Chớ thường thì những ngày, những đêm bận rộn, má tôi không cho ông vào sợ ông làm mất thì giờ của người nhà.

Ông tư Sang là người láng giềng của nhà tôi, ông ở một nếp nhà tranh vách đất sau miếng vườn tổ phụ của chúng tôi, không vợ, không con và quanh năm, suốt tháng, cả ngày, ông hết la cà nhà này, đến chà lết nhà khác, vì cái nghề chánh của ông về sau này là nghề chèo đò ngang trong làng, mà ông cũng đã bỏ rồi, thì giờ của ông dư nhiều quá, không làm gì mà lấp cho hết các khoảng trống không mà ông tư rất sợ hãi.

Ông tư ngưng câu chuyện để ăn một cái bánh ít bột năng. Ông tuy dốt nát và thuộc thế hệ hồi Tây mới chinh phục ta nhưng lại rất thạo mánh khóe của báo hằng ngày. Ngày nay họ đăng phóng sự hoặc tiểu thuyết tới đoạn toát mồ hôi lạnh thì họ cho "còn nữa" để ngày mai ta phải mua báo hầu đọc tiếp.

Nhà tôi đêm nào cũng có quà cho anh chị em tôi ăn, nhưng cũng để đãi ông tư, một ông lão kể chuyện đời xưa rất hay mà thân phụ tôi rù quến tới để giúp vui cho cả nhà.Ông tư là bợm nhậu, chỉ ưa quà mặn, nhưng má tôi lại ghét rượu chè, đãi toàn quà ngọt, ông đành chịu vậy, bằng hơn đi nhà khác, kể ráo bọt mồm mà chẳng được một chén trà. Vả bánh ít bột năng là bánh ít loại sang, người thường mà mấy thuở được ăn, nên ông tư cũng tự an ủi rằng dầu sao gia đình tôi cũng đã trọng đãi ông lắm.

Lão tư Sang làm nghề trạo phu, chèo thuê cho các tay lái thương hồ. Nhưng năm ấy lão đã bảy mươi lăm, yếu từ mười năm rồi nên chỉ chèo được chiếc đò ngang đưa sang sông, bến đò ở trước nhà tôi.

Lão là một nông dân không thật thà chút nào, tánh tự nhiên của lão vốn đã láu lỉnh rồi, rồi nghề nghiệp của lão lại lưu manh hóa lão phần nào ; nghề thương hồ của các ông chủ của lão đã đưa lão đi khắp các nẻo đường của Tam-kỳ Lục-tỉnh. Lão đã sống một trăm lần nhiều hơn một nông dân thật sự, đã nghe các chủ nhân của lão nói láo trắng trợn một ngày mấy mươi bận với khách hàng, thành thử lão không còn là nông dân nữa.

Cha mẹ tôi không ưa lão, nhưng cứ cho lão tới nhà, hơn thế, còn khuyến khích lão tới bằng quà bánh, chỉ vì anh chị em tôi quá mê nghe chuyện, còn lão thì là tay thầy trong nghệ thuật đó, khắp vùng tôi ở, gồm mấy làng lân cận với làng tôi, không có một ông cụ, một bà cụ nào mà kể chuyện tài tình bằng lão trạo phu không có áo này. Ấy, lão ta cởi trần quanh năm, nói là trời nóng nực lắm, nhưng thật ra, lão ta không có chiếc áo nào hết.

Ăn xong cái bánh ít, ông tư uống một chén trà ngon, rồi hút thuốc, lâu lắc quá, khiến chúng tôi sốt cả ruột gan.

Rồi sao nữa ông tư? - Chị tôi hỏi.

- Chẳng, như vầy : Tía tôi làm ông từ giữ đình làng, có nhà trong sân đình. Tôi đã có vợ, ra riêng từ vài ba năm rồi, nhưng đêm đó, tôi đi thăm tía tôi.

Thình lình tía con tôi thấy một đạo hào quang nhoáng lên, vì là giữa mùa nắng, nên không thể lầm hào quang với lại chớp được. Cha con tôi nhìn ra sân thì thấy một người có phong độ đế vương đẩy cổng đình và chạy mau vào sân.

Cha con tôi đoán được ngay đó là ai rồi, thế nên tôi vụt nhảy ra khỏi nhà, chạy đến rước người ấy, đoạn quỳ mọp trước mặt người. Người ấy bèn để cho tôi cõng chạy trốn. Tôi thuộc các ngõ ngách nên trốn thoát.

Chỉ lúc chạy được xa rồi, tôi mới để Hoàng đế xuống và bấy giờ, tôi mới có thì giờ tung hô vạn tuế người.

Lớn lên học sử, tôi mới biết là ông tư nói dóc. Năm đó ông tư 72 tuồi, tức ông sanh 1853, vua Gia Long đã chết thành tro rồi, còn đâu để ông ta cứu giá. Vả lại, nếu có ai cứu giá thì đó là Chúa Nguyễn Phúc Ánh, chớ làm gì đã có Hoàng-đế, vì chúa Nguyễn Phúc Ánh còn bôn đào, đã xưng đế đâu nào.

Nhưng ông ta kể rất là sống động, y như chuyện quả có xảy ra thật, thành thử thân phụ tôi vốn biết ông ấy nói dóc mà chính người cũng ham nghe.

Lịch sử của miền Nam gồm nhiều đoạn thăng trầm trong đó có hai thiên mà người ta cho là hào hùng nhất. Đó là những năm đầu khẩn hoang, theo kế hoạch của các chúa Nguyễn, và đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy trối chết trước các cuộc ruồng bố của Tây Sơn.

Nhưng nhiều kẻ lại lờ đi về thiên anh hùng ca đầu, nó là anh hùng ca thật sự đấy, mà cứ ca hát cái thiên cứu giá chúa Nguyễn Phúc Ánh mãi, cho đến kẻ sanh sau đẻ muộn là ông tư Sang nghèo rớt mồng tơi nầy mà cũng khoe rằng mình đã cứu giá. Nếu ông ấy cứu giá thì ông ấy đã được phẩm hàm, ơn vua lộc nước rồi, chớ đâu có cả đời làm trạo phu.

Thấy sang bắt quàng làm họ, đó là bản tính của kẻ hèn. Trị thủy, phá rừng, giết thú dữ, đánh nhau với thổ dân là những kỳ công oanh liệt, nhưng quá tối tăm, đâu có rạng rỡ như cõng "Hoàng đế" chạy trốn. Lại còn cái vụ hào quang của Hoàng đế ấy nữa. "Hoàng đế" lẩn trốn trong Nam bao nhiêu năm là họ bịa ra bao chuyện ly kỳ, nào là rùa linh nổi lên chở Hoàng đế sang sông, nào là rái linh cắn quân Tây Sơn để cứu chúa. Nếu chằng may Tây Sơn mà thắng thì thật uổng những chuyện truyền kỳ hấp dẫn đó không biết bao nhiêu.

Ông tư lại ăn bánh. Ấy, bánh bột năng thuở đó ba xu một cái, bằng bây giờ mười lăm đồng, vậy mà ông già này đã tiêu thụ hết bốn cái rồi đó. Giá một buổi đầu hôm kể chuyện của ông ta, tính theo thời giá ngày nay lên đến một trăm đồng, vì rồi ông còn ăn nữa, chớ có phải bốn cái là đủ đâu. Mắc hơn một vé xi-nê ngày nay!

Sau chiếc bánh thứ tư, ông Sang kể chuyện ăn trộm vào thế hệ của ông. Về vụ đánh cọp, đánh cướp ; bắt trộm thì ông khỏi bịa láo vì những câu chuyện thật ấy, tự nó đã hay rồi. Tôi chú ý đặc biệt đến cái chi tiết về bộ máy ra-đa của kẻ trộm thời xưa.

- Họ - ông tư Sang kể - được võ trang bằng một que tre thật mỏng manh và dài độ bốn gang tay. Vào được trong nhà rồi thì họ vừa đi tới, vừa hươi que tre lia lịa trước mặt họ. Que tre chạm phải cột, hoặc tủ bàn gì thì họ biết ngay để mà tránh, trong khi đó thì chủ nhà cứ ngủ thẳng cẳng vì sức va chạm quá nhẹ nhàng bởi que tre quá mỏng. Thành thử như là họ có con mắt thần, thấy mọi vật trong bóng tối dầy đặc. Con mắt thần còn khám phá ra được cái vật quí giá trong nhà nữa.

"Chẳng, thuở ấy cho đến bực giàu có của ta nhà cũng chẳng có gì, trừ lư đồng, nồi đồng và mâm thau, nữ trang và tiền bạc thì không kể vì hai thứ đó được cất trong rương xe, một loại rương rất lớn, có bánh xe để dời đi được ra khỏi nhà khi nào có hỏa hoạn, và chủ nhà nm trên mặt rương mà ngủ, khó xơi lắm.

"Bọn trộm chúng nó mang gạo theo đầy cả túi, rồi vào nhà xong, chúng nó hốt gạo mà tung ra như là gieo mạ. Tiếng các hột gạo chạm vào những vật bằng đồng, nghe là biết ngay, đối với người đang thức, còn người ngủ thì chẳng hay biết gì cả.

Câu chuyện cũng hấp dẫn lắm, nhưng trừ bọn trẻ con chúng tôi ra, còn thì người lớn không ai thèm nghe hết vì thuở còn bé, cha mẹ tôi đã biết tài nghệ của bọn ăn trộm đời xưa, bọn nầy là tay nhà nghề chỉ mới tàn lụn cách đó độ vài mươi năm mà thôi.

Thế nên bác dâu tôi mới nói to lên một câu lạc đề:

- Sang giêng chú cho tôi mượn chiếc xe ngựa với thằng đánh xe để tôi đi thăm vợ của Bác-vật Năng nghe chú.

Bác Hai tôi không con, nên giao phần hương hỏa và nhà thờ cho thân phụ tôi. Bác qua đời rồi, người bác dâu của tôi trở về nhà mà ở để theo đúng cái cang "tùng phu" vậy ; không có tử để mà "tùng tử", bác ấy tùng nhà thờ của họ tôi là đúng đạo tam cang.

Còn vợ của Bác-vật Năng là người chị bà con xa của tôi, chị ấy lấy chồng làm kỹ sư canh nông dưới Sài gòn mà thuở ấy người ta gọi là Bác Vật Trồng Tỉa. Chị ấy sanh đứa con thứ ba đã đầy tháng rồi.

Thân phụ tôi đứng lên, đốt thuốc nơi ngọn đèn tọa đăng thắp dầu lửa, đặt điếu thuốc trên đầu cái thông phong, bập vài bập cho điếu thuốc cháy rồi mỉm cười mai mỉa mà hỏi rằng:

- Chị muốn cứu giá như chú tư đây hả?

Bác dâu tôi ngơ ngác không hiểu gì hết nên hỏi:

- Chú nó nói cái gì mà cứu giá?

- Chú tư đây đã khẩn hoang một mình bốn mẫu rừng, vậy mà chú không cho đó là kỳ công, cứ ham cõng ông Hoàng đế Gia Long mà thôi.

Nói xong, thân phụ tôi cười ha hả, rất là đắc chí.

Bác dâu tôi đã hiểu, vì chính tôi là trẻ con mà còn hiểu kia mà. Chị cả của tôi lấy chồng ở làng bên. Nhưng chị lấy chồng dân dã lại nghèo, nên năm rồi chị sanh con so mà bác dâu tôi không hề hỏi thăm một tiếng.

Bác ấy là con cháu nhà quan, ít lắm cũng theo lời bác khoe, chớ theo chỗ tôi biết thì ông cụ của bác ấy ngày xưa chỉ làm Chánh tổng. Tuy cũng là quan đó, nhưng mà quan nhỏ quá, quan ở trong làng. Bác ấy phong cho ông cố bác làm quan Án-sát tỉnh Trấn-biên, nên chi bác ấy chỉ giao thiệp với hàng Chánh tổng sắp lên mà thôi.

Nhiều người miền Nam ta, phần đông những kẻ tăm tối rất ưa khoe tổ tiên họ làm quan cho chúa Nguyễn. Vì đông người khoe như vậy, kẻ biết chuyện rất buồn cười mà nghĩ rằng chúa Nguyễn hẳn dư quan nên mới cho vào Nam đông đến thế. Những người ấy nhứt định chối bỏ dĩ vãng hào hùng của tổ tiên họ là lưu dân bị đày vào đây, hoặc là những kẻ nghèo khổ được chúa Nguyễn mộ vào Nam để khẩn hoang. Những đợt sóng Nam tiến anh dũng không tiền khoáng hậu trong lịch sử ta, thế mà họ có biết đâu. Cũng may là miền Nam chỉ có 300 năm lịch sử thôi, chớ nếu đây là đất "nghìn năm văn vật" thì có lẽ họ đã khoe tổ họ là Hùng Vương rồi vậy.

Bác dâu tôi hiểu, nhưng vẫn cãi:

- Chú nói mát làm gì. Có khác đó chớ. Chú tư đây chỉ nói láo để ké thơm lây của nhà vua, còn tôi có nói láo đâu. Tôi đi thăm cháu tôi đó mà.

- Nhưng cháu của chị cũng là một thứ nhà vua. Nó cũng là cháu của tôi hơn là cháu của chị nữa vì nó mang họ nhà tôi, nhưng nó sanh con ra thì y như là nhà giàu họ cất ngôi nhà thứ năm, thứ sáu, họ đâu có ăn tân gia nữa, và ta đâu có phải mừng cho họ nữa.

Lão trạo phu lại ăn bánh ít và để được ăn quà mỗi đêm, lão ta nịnh thân phụ tôi:

- Ông Cả nói đúng đó bà hội à! Tôi cõng Hoàng đế, Hoàng đế ban cho tôi giấy tốt, nhưng rồi tôi ăn cái gì chớ? Tôi chỉ được ăn cơm nguội sau những buổi chèo thuyền. Ông Cả đây không được lưu danh hậu thế như Hoàng đế, nhưng tôi lại được ăn bánh mỗi đêm. À, thưa cô bác, bà con, tôi có cõng Hoàng đế thật đó chớ.

Thân phụ tôi lại cười ha hả. Thuở thanh xuân, ông tư Sang có theo hát bội mấy năm, ban đầu làm quân chạy hiệu, sau được lên quân hầu. Quả lão ta có cõng Hoàng đế thật sự, chỉ có điều đó là những Hoàng đế tuồng.

Riêng tôi, tôi bỗng đâm tin nơi nguồn gốc mà bác dâu tôi thường khoe khoang. Bác ấy là con quan thật sự đó, vì rồi bác lại hỏi thân phụ tôi:

- Nhưng thôi, hơn thua nhau vài tiếng làm gì. Chú có cho mượn xe hay không thì nói.

- Chị cứ tự tiện. Tất cả đều là của hương hỏa, nghĩa của chung, chị có quyền dùng.

Chỉ có quan và con cháu nhà quan mới không giận, mới thực tế phớt đi, để được lợi. Danh lợi trên hết! Nếu phải quỳ lụy bề trên để được thăng quan tấn tước, người ta cũng chẳng ngại dẻo lưng, huống hồ gì một sự công kích nhè nhẹ của một người em chồng trong nhà.

Thật là hú vía cho cánh họ của tôi. Tổ tiên của tôi có lẽ là bần dân tiên phuông đi khai sơn phá thạch tìm kế sinh nhai. Họ đã bị quan chúa Nguyễn kiểm soát và cai trị. Ba trăm năm sau, có một người con gái của quan lẻn vào họ tôi để mà cai trị nữa. Nhưng may thay, bác ấy không con, thành thử họ tiên phuông mới giữ được mãi dòng máu tiên phuông, không lai giọt máu quan nào cả.

Lão trạo phu chối bỏ hàng ngũ lại ăn bánh ít. Lão ta ăn cái nầy nữa là cái thứ bẩy rồi đó. Nếu quả lão đã cõng Hoàng đế thật sự thì giờ này lão cũng đã hưởng ít lắm là năm mẫu ruộng với ngôi tiên chỉ trong làng. Nhưng phong thái của lão cứ là phong thái nông dân cọng với phong thái hát bội, thêm vào đó phong thái trạo phu.

Có lắm thứ quan. Có quan từ nhiều thế hệ văn nho mà xuống, với truyền thống riêng của họ, đẹp đẽ lắm. Lại có quan chỉ có quan nhờ cõng Hoàng đế chạy vài dặm mà thôi. Loại quan nầy thật là giống những bác cai phu, nhờ chiến tranh trở nên thầu khoán tỷ phú, đi xe Mercedes nhưng ăn cơm thì phải cởi trần họ ăn mới ngon miệng.

Chẳng hạn như quan bánh ít đây. Lão ta ăn kêu như heo, uống nước cũng kêu soạt soạt.

Năm 16 tuổi, tôi đốt quyển gia phả của họ tôi, mặc dù tài liệu ấy quí vô song vì ở miền nam nầy, trong một ngàn gia đình, chưa dễ có một họ có chép gia phả. Tôi thiêu hủy tập vở chữ Nôm mà tôi đọc không được ấy, vì tôi nghe ông chú tôi bảo rằng ông cố mười đời của tôi làm quan Án-sát tại Trấn biên.

Biết đâu ông cố của tôi lên quan Án-sát chỉ nhờ đã cõng vua Gia Long. Nếu nhờ tài liệu nào khác mà nhờ một nhà khảo cứu bỗng khám phá ra điều ấy thì thật là không rạng rỡ tí nào.

Thà cứ làm con cháu của những đợt sóng tiên phuông đã anh dũng chiến đấu với thiên nhiên để tạo ra miền Nam trù phú ngày nay, còn "le" hơn là con cháu nhà quan "Cõng", bởi vì tôi thích làm "Tôi", chỉ ăn ngày hai bữa hơn là làm bác cai phu lên chức nhà thầu lớn, đi xe Mercedes mà chửi thề như phu gạo.

Mấy năm sau, bác dâu tôi qua đời và nhà sư trụ trì ngôi chùa trong làng tôi, tới thỉnh bài vị vào chùa ngay. Những tháng cuối cùng của bác, bác chuẩn bị cái chuyến đi xa ấy rất chu đáo, có bao nhiêu tiền, bác cúng hết cho chùa để chùa lo hương khói bác đời đời kiếp kiếp. Chắc bác không thích cho hàng dân dã cúng quảy, khói hương cho bác. Tôn giáo còn ở trên quan trường nữa thì vào chùa hách hơn ở nhà dân.


BÌNH NGUYÊN LỘC     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 26, tuần lễ từ 18 đến 25-11-1971)