Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

MÙA XUÂN TRONG RỪNG - Phạm văn Bình


Tiếng chim hót líu lo dưới rừng vọng lại đánh thức Ylang. Sương núi cuồn cuộn và gió lạnh của từng cơn qua liếp tre khiến nàng lười biếng nằm nán lại trên chiếc chõng mây, lưu luyến chút hơi ấm của đêm còn ủ lại trong chiếc chăn dầy. Ylang nằm lơ mơ trong ánh sáng chập choạng của một ngày vừa mới bắt đầu và bóng đêm chưa tan hết. Nàng chợt mỉm cười một mình, thương sự đúng hẹn của những chú chim rừng. Thật tội nghiệp, không biết ai bắt buộc mà cứ vào giờ này, bao nhiêu cái mỏ dễ thương đều hót lên, ca ngợi tia nắng ấm đầu tiên của mặt trời xuyên thủng màn sương, rọi xuống hoa cỏ.

Sinh ra và lớn lên trong núi rừng Ylang biết được giờ nào, theo mùa giống chim nào xuất hiện, nàng còn phân biệt được giọng hót vui tươi, dồn dập của anh em họa mi, vành khuyên, lối chuyện trò ríu rít của bác cháu nhà sáo, tiếng kêu buồn bã của gia đình tu hú và một loài chim nàng không biết tên nên vẫn gọi đùa là chim tương tư. Mỗi buổi sáng theo mẹ vào rừng bẻ măng hay buổi chiều mang gùi xuống suối lấy nước, Ylang thường ngẩn ngơ khi tiếng chim tương tư ảo não từ rừng xa vọng về, bao giờ cũng hai tiếng trước ngắn, đi liền nhau và tiếng sau kéo dài thê thiết "Chi buồn, rứa..."

Cha nàng, một người miền xuôi, còn kể rằng hồi kháng chiến chống Pháp trong những khu rừng dọc theo dãy Trường Sơn có hai đàn chim lạ từ đâu bay về. Đàn thứ nhất mỗi lần hót, điệu mạnh mẽ, thúc dục, âm thanh tương tự câu "Tây về cho biết". Nỗi ước mơ của đồng bào ta dạo đó. Điệu thứ hai buông xuôi, chán nản hơn: "Thôi rồi cơ cuộc". Vẫn theo lời cha nàng, giống chim này là hiện thân một lãnh tụ quốc gia, sau một vụ công đồn Tây thất bại, đơn vị bị tiêu diệt gần hết, ông buồn rầu trở về rừng tự sát, hồn hóa thành con chim khóc thương thời cuộc.

Mẹ Ylang ho khẽ dưới bếp, gọi nàng:

- Ylang, dậy đi. Sáng nay con phải đi ra cái suối.

Nàng vẫn nằm yên, chăn kéo lên tận cằm, nũng nịu:

- Con không đi ra cái suối đâu. Sương rừng còn lạnh lắm.

Mẹ nàng ném thêm một cành khô vào bếp. Than hồng nổ lách tách.

- Không được lười biếng! Sống trong rừng, kẻ nào lười biếng để cho cái cọp, cái beo ăn thịt.

Ylang ngồi bật dậy. Nàng nhớ ra hôm nay là ngày ba mươi tết, và công việc bận bịu của một ngày cuối năm đang chờ đợi: Xuống suối vo nếp cho vào các ống tre rừng giúp mẹ nàng nấu xôi, rửa mấy miếng thịt nai khô. Chiều nay nàng còn phải đến chia thịt heo, quà tặng của các mẹ sóc cho những nhà trong buôn mỗi lần tết đến. Xem thử nàng phải làm gì nữa? Còn phải ra chợ mua rượu và múc đầy mấy gùi nước. Tại bộ lạc này vẫn có tục lệ cử lấy nước trong ba ngày xuân. Nước, ơn sủng của thiên nhiên được dân miền cao xem như tiền bạc, phải đổ đầy vại, đầy chum và tưới ướt bất cứ người nào du xuân ngang qua nhà suốt trong ngày mồng một.

Ylang đi xuống nhà bếp. Mẹ nàng đang ngồi nướng thịt, ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt với những nếp nhăn trông giống vỏ thân cây thông sù sì. Nàng ngồi xuống cạnh mẹ, bốc một miếng thịt còn nóng cho vào miệng. Bà mẹ gắt yêu:

- Con gái lớn rồi phải nghiêm trang chững chạc, mai mốt còn bắt cái chồng.

Ylang tiếp tục ăn, khuôn mặt nàng hồng hào ánh lửa. Nàng ngon lành như một trái cây vừa chín tới.

- Con không lấy cái chồng đâu. Ylang thích khu rừng thân yêu này. Con ở đây hoài với cái... mẹ.

Đáng lẽ nàng nói "ở đây hoài với cái cha cái mẹ" nhưng nhớ ra cha nàng đã mất từ lâu nên kịp ngừng lại. Ylang hơi buồn khi nghĩ đến điều này. Nàng lấy gùi mang vào lưng rồi trèo xuống thang, rời nhà sàn, tiến về dòng suối.

Mặt trời lên cao nhưng sương chưa tan hết, long lanh trên hoa cỏ. Cô gái đi mau, chiếc gùi rung động trên lưng, bước chân nai tung tăng, thỉnh thoảng nàng dừng lại, hái một cánh hoa cài lên mái tóc tung bay tinh nghịch thả bay theo gió. Ylang hát khẽ một khúc nhạc của núi rừng: "Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi"...

Sơn nữ, nàng là sơn nữ ư? Nàng sinh ra và lớn lên giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ và huyền bí này. Tâm hồn nàng mộc mạc, bình dị, như đóa hoa rừng mọc bên bờ suối, đôi chân nàng vô tư như gió cuốn qua thung lũng cỏ xanh và mắt nàng là bóng trăng tỏa dịu dàng xuống đồi cỏ lau mỗi đêm nàng ngồi đó mơ mộng. Mùa xuân nào một cánh chim trắng đã bay vút qua khung trời tuổi mộng. Ylang bước mau không dám nghĩ tiếp nữa. Cánh chim kéo dài, tỏa rộng. Con thần điểu che khuất mặt trời và chẳng mấy chốc bóng tối ập xuống, tràn vỡ lênh láng, che lấp cảnh vật. Chim thần kêu lên những tiếng quái dị và chỉ vài cái dập cánh của nó, cả rừng cây gãy đổ, những cành hoa tan tác trong gió.

Nỗi sợ hãi bao trùm khiến Ylang mọc ốc khắp người.

Ra đến dòng suối Ylang ngồi, thở một hồi cho hoàn hồn rồi mới lấy nước đổ đầy gùi. Ánh mặt trời lấp lánh trong suốt đến đáy, nàng có thể nhìn thấy những viên cuội trắng bên dưới. Lấy nước xong Ylang rửa mặt rồi leo lên bờ suối ngồi chải tóc. Bóng nàng lung linh in xuống mặt nước xanh. Khu rừng mai bên cạnh nở đầy hoa, vàng rợp một vùng. Nếu có xe, nàng sẽ chặt vài gốc mang xuống phố bán, tha hồ dư tiền may áo và một cái xịnh mới (loại váy dài của thiếu nữ cao nguyên).

Ylang bứt mấy lá cỏ thả trôi theo dòng nước và mỉm cười với ý nghĩ hơi thương mại của mình. Nàng cảm thấy mình có lỗi, dám xúc phạm đến thiên nhiên. Thuở còn sống, cha nàng thường dạy: Đời hoa cũng giống như thiếu nữ, cũng có hồn và biết đau đớn. Yêu hoa chỉ có quyền ngắm hoa chứ không được hái về nhà, dầu với mục đích làm đẹp mùa xuân.

Ylang bỗng im lặng. Hình như có người đang lội qua dòng suối, tiến về phía nàng, bước chân bì bõm trong nước. Không, không phải, nàng lầm, một cành khô gãy vừa rơi xuống nước. Một cơn gió ào ạt lướt tới, cả rừng mai chuyển mình, hoa vàng phất phới bay đầy không gian. Lần này không thể lầm được. Rõ ràng nàng nghe tiếng người nói, cười đùa, chạy đuổi nhau. Một đôi tình nhân. Tiếng cười khúc khích, trong veo của một cô gái. Tiếng ai sao nghe giông giống tiếng nàng. Không, không phải nàng, nàng đang ngồi đây. Giọng hát trầm ấm của một chàng trai. Không thể được. Trời ơi! Giọng hát: "Một đêm trong rừng vắng. Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh"

Chiều tất niên năm ngoái Ylang sửa soạn rời trường trở về nhà. Tiệc liên hoan thật vui và lòng nàng rộn rã khúc nhạc xuân, môi còn thắm ngọt dư vị những lát mứt gừng, mứt bí nhấm nháp cùng lũ bạn vừa thưởng thức chương trình văn nghệ cuối năm. Ylang thích nhất vũ khúc "Hái chè" do các chị lớp 12 trình diễn. Dưới ánh đèn  mờ, cả một bình minh rực rỡ, đầy ắp điệu chim ca, bàn tay các sơn nữ thoăn thoắt ngắt những lá chè xanh. Tiếng hát trên môi và trời xanh trong mắt.

Ylang tiến ra sân trường, lòng nàng lâng lâng theo những cơn gió mát từ thung lũng xa kéo về, lay động những cánh hoa trồng trước cửa lớp. Chùm giấy màu phất phơ bay lượn trông giống chiếc đuôi con diều khổng lồ. Trên đường trở về nhà Ylang giật mình khi nghe tiếng gọi phía sau:

- Ylang!

Nàng quay lại, một chàng trai miền xuôi đang bước nhanh, cố theo kịp nàng.

Ylang ngạc nhiên vì không hề quen biết chàng. Nàng hỏi:

- Ông vừa gọi tôi?

Chàng trai đã theo kịp, thở mạnh:

- Vâng.

- Nhưng tôi không quen ông.

Chàng trai cười. Nụ cười ranh mãnh của một người không sinh trưởng nơi rừng núi.

- Ở thành phố này ai cũng biết cô là hoa khôi lớp 11.

Nàng cúi xuống tránh mặt mấy người bạn đi ngược chiều. Ylang cảm thấy hơi khó chịu khi chàng trai cứ lẽo đẽo theo mình.

- Điều đó hơi thừa đối với tôi.

- Nhưng không thừa với tôi. Tôi cần hỏi cô một chuyện.

Nắng đã tắt bên kia dãy núi, mây phớt hồng rồi chuyển sang màu tím. Ylang nóng nảy:

- Chuyện gì xin ông hỏi ngay đi. Tôi cần phải về nhà gấp, mẹ tôi đang đợi.

- Ở đây không tiện, tôi mời cô vào một quán nước.

Con sóc nhỏ giật bắn người như vừa chạm phải lửa.

- Ấy chết. Ông quên mất tục lệ miền này: Trai gái dẫn nhau vào quán nước là đã phải lòng nhau.

Chàng trai đốt một điếu thuốc.

- Tôi xin lỗi cô, tôi quên mất. Thôi để vài hôm nữa tôi kiếm cô tại nhà vậy.

Ylang tròn xoe mắt, ấp úng:

- Đó là tối kỵ. Thế nào tôi cũng bị mẹ đánh đòn.

Chàng trai cười. Khói thuốc bay bay, hoàng hôn đang xuống.

- Cô khó quá. Thôi được, tôi kiếm cô ở con suối đầu rừng vậy.

Hai hôm sau chàng trai đến kiếm Ylang ở dòng suối thật.

Tắm rửa xong nàng mải mê chạy đuổi theo mấy con bướm xinh xinh đang lởn vởn hút nhị hoa bên bờ suối. Buổi sáng trời thật trong, mây cao vút, xanh thắm màu mắt thiếu nữ. Thiên nhiên êm ả, bình lặng và lòng cô gái núi rừng cũng dung dị như hoa cỏ. Nàng thường ví mình như một con sóc nhỏ, sống quanh quẩn nơi núi rừng. Nàng yêu cái khe, cái suối, cái rẫy, cái nương. Tuy học đến lớp 11 nhưng Ylang không hề mơ ước cao xa. Nàng chỉ muốn sau khi học hết chương trình trung học sẽ về giúp mẹ lo việc rẫy nương, trồng cái lúa, cái khoai, vào rừng đào cái măng, xuống suối bắt cái cá.

Tiếng hát bên kia dòng suối vọng sang cắt đứt ý nghĩ Ylang. Lời hát thật hay. Bài "Sơn nữ ca". Hình như thầy Khoa, giáo sư Việt văn có hát cho cả lớp nghe một lần nhưng lâu quá nàng quên bẵng mất.

Chàng trai lội suối sang, ngồi xuống bên cạnh Ylang.

- Chào nàng công chúa của núi rừng.

Ylang cười lớn, giọng cười trong suốt như pha lê.

- Không dám, chào lữ khách của miền đất văn minh, ánh sáng.

- Cô khách sáo quá.

Cô gái ném một hòn sỏi xuống dòng suối, nước bắn tung tóe.

- Chính ông mới khách sáo. Mà bây giờ muốn hỏi gì xin ông cứ hỏi. Ở đây không có ai nghe đâu mà sợ.

Chàng nhìn vào đôi mắt Ylang.

- Cô đẹp lắm!

Con sóc nhỏ che miệng cười khúc khích.

- Ông mất thì giờ theo tôi đến đây để chỉ nói câu đó thôi sao?

Chàng trai bứt một cọng cỏ vân vê trong tay:

- Tôi có một điều thắc mắc đã ba tháng nay, kể từ khi được nhìn thấy cô.

Ylang giật mình.

- Ông theo đuổi tôi từ ba tháng nay rồi?

- Nói theo đuổi không đúng. Thật ra thì cái quán cà phê tôi thường uống mỗi sáng nằm trên đường cô đi đến trường.

- Rồi sao?

- Thú thật, nhìn thấy vẻ đẹp của cô tôi thường băn khoăn vì cô khác xa những bạn bè sinh trưởng tại dây. Nước da cô trắng và đôi mắt đen láy như một thiếu nữ người kinh.

Ylang quắc mắt, nhắc chàng trai:

- Người miền xuôi.

Chàng trai cười cầu hòa:

- Vâng, người miền xuôi.

Vẻ mặt Ylang xa vắng:

- Tôi tiếc nước da không được đen sậm, đôi mắt không nâu đục như chị em ở đây. Họ bình dị và mộc mạc, không giảo quyệt, phản trắc.

- Cô có vẻ không ưa người miền xuôi. Ai truyền thụ cho cô những ý tưởng cay đắng đó?

Ylang im lặng một lát rồi thở dài:

- Mẹ tôi.

Chàng trai đứng lên:

- Thôi chào cô, tôi có việc phải về. Tạm biệt con sóc nhỏ. Mồng một Tết tôi sẽ lại thăm cô và bác gái.

- Tôi sẽ đóng kín cửa, không cho ông vào nhà.

Trước khi bước đi, chàng trai cười đắc ý:

- Cô quên mất tục lệ nơi đây: Mở cửa hân hoan đón tiếp mọi người trong ba ngày tết, không phân biệt bạn hay thù.

Tội nghiệp con sóc nhỏ. Nó đã bỏ quên những bước nhảy nhót vô tư, chân cuống quít trên lối đi hẹn hò, chân thẫn thờ dẫm nát lá khô những lần vắng mặt. Tội nghiệp nàng công chúa rừng xanh. Chàng hoàng tử hào hoa đến từ miền ánh sáng buổi mai nào đã đánh thức nàng dậy với chiếc hôn tình tứ chứa đầy nọc rắn. Họ trải qua một mùa xuân mật ngọt bên nhau, vai kề vai bên suối, tay trong tay dạo chơi dưới thung lũng bát ngát cỏ hoa. Nhưng sau những tháng ngày trăng mật của tình ái đầu đời chàng trai đã cất bước phiêu lãng, lìa bỏ núi rừng, quên hết những lời hẹn hò, nuốt mất những câu thề thốt.

Tội nghiệp nàng. Tội nghiệp con sóc nhỏ bơ vơ trên nhánh cây đời cằn khô, chờ mong lộc nõn của một mùa xuân ảo tưởng không bao giờ trở lại. Tội nghiệp chú chim tương tư với tiếng hót não nùng "Chi buồn, rứa..." những lúc trăng mờ bên suối.

Hai giọt lệ nóng ấm rơi xuống cánh tay Ylang, nàng khóc hồi nào không hay. Nắng lên cao, nhảy múa trên rừng mai vàng rực nhưng nàng không hề thấy đó như một biểu tượng của mùa xuân. Màu vàng héo hắt, tàn úa như hồn nàng. Màu vàng phản trắc như tình chàng. Và dòng suối, chứng nhân vô tình của thiên nhiên những lần hai người hẹn hò với nhau, trao gửi những nụ hôn đắm đuối giờ đây biến thành một dòng suối chết, khô cạn như trái tim nàng.

Gió thổi từng cơn, cả rừng mai xào xạc, hoa vàng bay đầy không gian. Trong tiếng gió văng vẳng câu hát năm xưa: "Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây"...


PHẠM VĂN BÌNH      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc Xuân Giáp Dần, 1974)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét