Đã tới hồi gay cấn rồi đây, đã tới lúc nghẹt thở khi ông tư Sang kể đến đoạn quân Tây Sơn rượt chúa Nguyễn Ánh tới đình làng Tân Quang vào đầu một đêm xuân kia.
Tôi định rằng ông tư Sang bịa láo, ít lắm cũng về cái thời điểm xảy ra câu chuyện, ông đặt nó vào ngày Tết cho hợp với không khí đêm nay, cho vui vậy thôi, chớ Tây Sơn là kẻ thắng thế rõ rệt quá thì cứ nằm nhà mà ăn Tết, sang giêng sẽ hay, chớ tội gì phải vất vả truy nã kẻ thù vào một đêm xuân.
Đêm nay là đêm hăm chín tháng chạp, nhà tôi nấu bánh tét, hầm thịt, làm nem, nhà bếp vui lắm, nhưng sợ trẻ con buồn ngủ nên má tôi mới lờ đi cho ông tư Sang, khi thấy ông tới chơi. Chớ thường thì những ngày, những đêm bận rộn, má tôi không cho ông vào sợ ông làm mất thì giờ của người nhà.
Ông tư Sang là người láng giềng của nhà tôi, ông ở một nếp nhà tranh vách đất sau miếng vườn tổ phụ của chúng tôi, không vợ, không con và quanh năm, suốt tháng, cả ngày, ông hết la cà nhà này, đến chà lết nhà khác, vì cái nghề chánh của ông về sau này là nghề chèo đò ngang trong làng, mà ông cũng đã bỏ rồi, thì giờ của ông dư nhiều quá, không làm gì mà lấp cho hết các khoảng trống không mà ông tư rất sợ hãi.
Ông tư ngưng câu chuyện để ăn một cái bánh ít bột năng. Ông tuy dốt nát và thuộc thế hệ hồi Tây mới chinh phục ta nhưng lại rất thạo mánh khóe của báo hằng ngày. Ngày nay họ đăng phóng sự hoặc tiểu thuyết tới đoạn toát mồ hôi lạnh thì họ cho "còn nữa" để ngày mai ta phải mua báo hầu đọc tiếp.
Nhà tôi đêm nào cũng có quà cho anh chị em tôi ăn, nhưng cũng để đãi ông tư, một ông lão kể chuyện đời xưa rất hay mà thân phụ tôi rù quến tới để giúp vui cho cả nhà.Ông tư là bợm nhậu, chỉ ưa quà mặn, nhưng má tôi lại ghét rượu chè, đãi toàn quà ngọt, ông đành chịu vậy, bằng hơn đi nhà khác, kể ráo bọt mồm mà chẳng được một chén trà. Vả bánh ít bột năng là bánh ít loại sang, người thường mà mấy thuở được ăn, nên ông tư cũng tự an ủi rằng dầu sao gia đình tôi cũng đã trọng đãi ông lắm.
Lão tư Sang làm nghề trạo phu, chèo thuê cho các tay lái thương hồ. Nhưng năm ấy lão đã bảy mươi lăm, yếu từ mười năm rồi nên chỉ chèo được chiếc đò ngang đưa sang sông, bến đò ở trước nhà tôi.
Lão là một nông dân không thật thà chút nào, tánh tự nhiên của lão vốn đã láu lỉnh rồi, rồi nghề nghiệp của lão lại lưu manh hóa lão phần nào ; nghề thương hồ của các ông chủ của lão đã đưa lão đi khắp các nẻo đường của Tam-kỳ Lục-tỉnh. Lão đã sống một trăm lần nhiều hơn một nông dân thật sự, đã nghe các chủ nhân của lão nói láo trắng trợn một ngày mấy mươi bận với khách hàng, thành thử lão không còn là nông dân nữa.
Cha mẹ tôi không ưa lão, nhưng cứ cho lão tới nhà, hơn thế, còn khuyến khích lão tới bằng quà bánh, chỉ vì anh chị em tôi quá mê nghe chuyện, còn lão thì là tay thầy trong nghệ thuật đó, khắp vùng tôi ở, gồm mấy làng lân cận với làng tôi, không có một ông cụ, một bà cụ nào mà kể chuyện tài tình bằng lão trạo phu không có áo này. Ấy, lão ta cởi trần quanh năm, nói là trời nóng nực lắm, nhưng thật ra, lão ta không có chiếc áo nào hết.
Ăn xong cái bánh ít, ông tư uống một chén trà ngon, rồi hút thuốc, lâu lắc quá, khiến chúng tôi sốt cả ruột gan.
Rồi sao nữa ông tư? - Chị tôi hỏi.
- Chẳng, như vầy : Tía tôi làm ông từ giữ đình làng, có nhà trong sân đình. Tôi đã có vợ, ra riêng từ vài ba năm rồi, nhưng đêm đó, tôi đi thăm tía tôi.
Thình lình tía con tôi thấy một đạo hào quang nhoáng lên, vì là giữa mùa nắng, nên không thể lầm hào quang với lại chớp được. Cha con tôi nhìn ra sân thì thấy một người có phong độ đế vương đẩy cổng đình và chạy mau vào sân.
Cha con tôi đoán được ngay đó là ai rồi, thế nên tôi vụt nhảy ra khỏi nhà, chạy đến rước người ấy, đoạn quỳ mọp trước mặt người. Người ấy bèn để cho tôi cõng chạy trốn. Tôi thuộc các ngõ ngách nên trốn thoát.
Chỉ lúc chạy được xa rồi, tôi mới để Hoàng đế xuống và bấy giờ, tôi mới có thì giờ tung hô vạn tuế người.
Lớn lên học sử, tôi mới biết là ông tư nói dóc. Năm đó ông tư 72 tuồi, tức ông sanh 1853, vua Gia Long đã chết thành tro rồi, còn đâu để ông ta cứu giá. Vả lại, nếu có ai cứu giá thì đó là Chúa Nguyễn Phúc Ánh, chớ làm gì đã có Hoàng-đế, vì chúa Nguyễn Phúc Ánh còn bôn đào, đã xưng đế đâu nào.
Nhưng ông ta kể rất là sống động, y như chuyện quả có xảy ra thật, thành thử thân phụ tôi vốn biết ông ấy nói dóc mà chính người cũng ham nghe.
Lịch sử của miền Nam gồm nhiều đoạn thăng trầm trong đó có hai thiên mà người ta cho là hào hùng nhất. Đó là những năm đầu khẩn hoang, theo kế hoạch của các chúa Nguyễn, và đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy trối chết trước các cuộc ruồng bố của Tây Sơn.
Nhưng nhiều kẻ lại lờ đi về thiên anh hùng ca đầu, nó là anh hùng ca thật sự đấy, mà cứ ca hát cái thiên cứu giá chúa Nguyễn Phúc Ánh mãi, cho đến kẻ sanh sau đẻ muộn là ông tư Sang nghèo rớt mồng tơi nầy mà cũng khoe rằng mình đã cứu giá. Nếu ông ấy cứu giá thì ông ấy đã được phẩm hàm, ơn vua lộc nước rồi, chớ đâu có cả đời làm trạo phu.
Thấy sang bắt quàng làm họ, đó là bản tính của kẻ hèn. Trị thủy, phá rừng, giết thú dữ, đánh nhau với thổ dân là những kỳ công oanh liệt, nhưng quá tối tăm, đâu có rạng rỡ như cõng "Hoàng đế" chạy trốn. Lại còn cái vụ hào quang của Hoàng đế ấy nữa. "Hoàng đế" lẩn trốn trong Nam bao nhiêu năm là họ bịa ra bao chuyện ly kỳ, nào là rùa linh nổi lên chở Hoàng đế sang sông, nào là rái linh cắn quân Tây Sơn để cứu chúa. Nếu chằng may Tây Sơn mà thắng thì thật uổng những chuyện truyền kỳ hấp dẫn đó không biết bao nhiêu.
Ông tư lại ăn bánh. Ấy, bánh bột năng thuở đó ba xu một cái, bằng bây giờ mười lăm đồng, vậy mà ông già này đã tiêu thụ hết bốn cái rồi đó. Giá một buổi đầu hôm kể chuyện của ông ta, tính theo thời giá ngày nay lên đến một trăm đồng, vì rồi ông còn ăn nữa, chớ có phải bốn cái là đủ đâu. Mắc hơn một vé xi-nê ngày nay!
Sau chiếc bánh thứ tư, ông Sang kể chuyện ăn trộm vào thế hệ của ông. Về vụ đánh cọp, đánh cướp ; bắt trộm thì ông khỏi bịa láo vì những câu chuyện thật ấy, tự nó đã hay rồi. Tôi chú ý đặc biệt đến cái chi tiết về bộ máy ra-đa của kẻ trộm thời xưa.
- Họ - ông tư Sang kể - được võ trang bằng một que tre thật mỏng manh và dài độ bốn gang tay. Vào được trong nhà rồi thì họ vừa đi tới, vừa hươi que tre lia lịa trước mặt họ. Que tre chạm phải cột, hoặc tủ bàn gì thì họ biết ngay để mà tránh, trong khi đó thì chủ nhà cứ ngủ thẳng cẳng vì sức va chạm quá nhẹ nhàng bởi que tre quá mỏng. Thành thử như là họ có con mắt thần, thấy mọi vật trong bóng tối dầy đặc. Con mắt thần còn khám phá ra được cái vật quí giá trong nhà nữa.
"Chẳng, thuở ấy cho đến bực giàu có của ta nhà cũng chẳng có gì, trừ lư đồng, nồi đồng và mâm thau, nữ trang và tiền bạc thì không kể vì hai thứ đó được cất trong rương xe, một loại rương rất lớn, có bánh xe để dời đi được ra khỏi nhà khi nào có hỏa hoạn, và chủ nhà nằm trên mặt rương mà ngủ, khó xơi lắm.
"Bọn trộm chúng nó mang gạo theo đầy cả túi, rồi vào nhà xong, chúng nó hốt gạo mà tung ra như là gieo mạ. Tiếng các hột gạo chạm vào những vật bằng đồng, nghe là biết ngay, đối với người đang thức, còn người ngủ thì chẳng hay biết gì cả.
Câu chuyện cũng hấp dẫn lắm, nhưng trừ bọn trẻ con chúng tôi ra, còn thì người lớn không ai thèm nghe hết vì thuở còn bé, cha mẹ tôi đã biết tài nghệ của bọn ăn trộm đời xưa, bọn nầy là tay nhà nghề chỉ mới tàn lụn cách đó độ vài mươi năm mà thôi.
Thế nên bác dâu tôi mới nói to lên một câu lạc đề:
- Sang giêng chú cho tôi mượn chiếc xe ngựa với thằng đánh xe để tôi đi thăm vợ của Bác-vật Năng nghe chú.
Bác Hai tôi không con, nên giao phần hương hỏa và nhà thờ cho thân phụ tôi. Bác qua đời rồi, người bác dâu của tôi trở về nhà mà ở để theo đúng cái cang "tùng phu" vậy ; không có tử để mà "tùng tử", bác ấy tùng nhà thờ của họ tôi là đúng đạo tam cang.
Còn vợ của Bác-vật Năng là người chị bà con xa của tôi, chị ấy lấy chồng làm kỹ sư canh nông dưới Sài gòn mà thuở ấy người ta gọi là Bác Vật Trồng Tỉa. Chị ấy sanh đứa con thứ ba đã đầy tháng rồi.
Thân phụ tôi đứng lên, đốt thuốc nơi ngọn đèn tọa đăng thắp dầu lửa, đặt điếu thuốc trên đầu cái thông phong, bập vài bập cho điếu thuốc cháy rồi mỉm cười mai mỉa mà hỏi rằng:
- Chị muốn cứu giá như chú tư đây hả?
Bác dâu tôi ngơ ngác không hiểu gì hết nên hỏi:
- Chú nó nói cái gì mà cứu giá?
- Chú tư đây đã khẩn hoang một mình bốn mẫu rừng, vậy mà chú không cho đó là kỳ công, cứ ham cõng ông Hoàng đế Gia Long mà thôi.
Nói xong, thân phụ tôi cười ha hả, rất là đắc chí.
Bác dâu tôi đã hiểu, vì chính tôi là trẻ con mà còn hiểu kia mà. Chị cả của tôi lấy chồng ở làng bên. Nhưng chị lấy chồng dân dã lại nghèo, nên năm rồi chị sanh con so mà bác dâu tôi không hề hỏi thăm một tiếng.
Bác ấy là con cháu nhà quan, ít lắm cũng theo lời bác khoe, chớ theo chỗ tôi biết thì ông cụ của bác ấy ngày xưa chỉ làm Chánh tổng. Tuy cũng là quan đó, nhưng mà quan nhỏ quá, quan ở trong làng. Bác ấy phong cho ông cố bác làm quan Án-sát tỉnh Trấn-biên, nên chi bác ấy chỉ giao thiệp với hàng Chánh tổng sắp lên mà thôi.
Nhiều người miền Nam ta, phần đông những kẻ tăm tối rất ưa khoe tổ tiên họ làm quan cho chúa Nguyễn. Vì đông người khoe như vậy, kẻ biết chuyện rất buồn cười mà nghĩ rằng chúa Nguyễn hẳn dư quan nên mới cho vào Nam đông đến thế. Những người ấy nhứt định chối bỏ dĩ vãng hào hùng của tổ tiên họ là lưu dân bị đày vào đây, hoặc là những kẻ nghèo khổ được chúa Nguyễn mộ vào Nam để khẩn hoang. Những đợt sóng Nam tiến anh dũng không tiền khoáng hậu trong lịch sử ta, thế mà họ có biết đâu. Cũng may là miền Nam chỉ có 300 năm lịch sử thôi, chớ nếu đây là đất "nghìn năm văn vật" thì có lẽ họ đã khoe tổ họ là Hùng Vương rồi vậy.
Bác dâu tôi hiểu, nhưng vẫn cãi:
- Chú nói mát làm gì. Có khác đó chớ. Chú tư đây chỉ nói láo để ké thơm lây của nhà vua, còn tôi có nói láo đâu. Tôi đi thăm cháu tôi đó mà.
- Nhưng cháu của chị cũng là một thứ nhà vua. Nó cũng là cháu của tôi hơn là cháu của chị nữa vì nó mang họ nhà tôi, nhưng nó sanh con ra thì y như là nhà giàu họ cất ngôi nhà thứ năm, thứ sáu, họ đâu có ăn tân gia nữa, và ta đâu có phải mừng cho họ nữa.
Lão trạo phu lại ăn bánh ít và để được ăn quà mỗi đêm, lão ta nịnh thân phụ tôi:
- Ông Cả nói đúng đó bà hội à! Tôi cõng Hoàng đế, Hoàng đế ban cho tôi giấy tốt, nhưng rồi tôi ăn cái gì chớ? Tôi chỉ được ăn cơm nguội sau những buổi chèo thuyền. Ông Cả đây không được lưu danh hậu thế như Hoàng đế, nhưng tôi lại được ăn bánh mỗi đêm. À, thưa cô bác, bà con, tôi có cõng Hoàng đế thật đó chớ.
Thân phụ tôi lại cười ha hả. Thuở thanh xuân, ông tư Sang có theo hát bội mấy năm, ban đầu làm quân chạy hiệu, sau được lên quân hầu. Quả lão ta có cõng Hoàng đế thật sự, chỉ có điều đó là những Hoàng đế tuồng.
Riêng tôi, tôi bỗng đâm tin nơi nguồn gốc mà bác dâu tôi thường khoe khoang. Bác ấy là con quan thật sự đó, vì rồi bác lại hỏi thân phụ tôi:
- Nhưng thôi, hơn thua nhau vài tiếng làm gì. Chú có cho mượn xe hay không thì nói.
- Chị cứ tự tiện. Tất cả đều là của hương hỏa, nghĩa của chung, chị có quyền dùng.
Chỉ có quan và con cháu nhà quan mới không giận, mới thực tế phớt đi, để được lợi. Danh lợi trên hết! Nếu phải quỳ lụy bề trên để được thăng quan tấn tước, người ta cũng chẳng ngại dẻo lưng, huống hồ gì một sự công kích nhè nhẹ của một người em chồng trong nhà.
Thật là hú vía cho cánh họ của tôi. Tổ tiên của tôi có lẽ là bần dân tiên phuông đi khai sơn phá thạch tìm kế sinh nhai. Họ đã bị quan chúa Nguyễn kiểm soát và cai trị. Ba trăm năm sau, có một người con gái của quan lẻn vào họ tôi để mà cai trị nữa. Nhưng may thay, bác ấy không con, thành thử họ tiên phuông mới giữ được mãi dòng máu tiên phuông, không lai giọt máu quan nào cả.
Lão trạo phu chối bỏ hàng ngũ lại ăn bánh ít. Lão ta ăn cái nầy nữa là cái thứ bẩy rồi đó. Nếu quả lão đã cõng Hoàng đế thật sự thì giờ này lão cũng đã hưởng ít lắm là năm mẫu ruộng với ngôi tiên chỉ trong làng. Nhưng phong thái của lão cứ là phong thái nông dân cọng với phong thái hát bội, thêm vào đó phong thái trạo phu.
Có lắm thứ quan. Có quan từ nhiều thế hệ văn nho mà xuống, với truyền thống riêng của họ, đẹp đẽ lắm. Lại có quan chỉ có quan nhờ cõng Hoàng đế chạy vài dặm mà thôi. Loại quan nầy thật là giống những bác cai phu, nhờ chiến tranh trở nên thầu khoán tỷ phú, đi xe Mercedes nhưng ăn cơm thì phải cởi trần họ ăn mới ngon miệng.
Chẳng hạn như quan bánh ít đây. Lão ta ăn kêu như heo, uống nước cũng kêu soạt soạt.
Năm 16 tuổi, tôi đốt quyển gia phả của họ tôi, mặc dù tài liệu ấy quí vô song vì ở miền nam nầy, trong một ngàn gia đình, chưa dễ có một họ có chép gia phả. Tôi thiêu hủy tập vở chữ Nôm mà tôi đọc không được ấy, vì tôi nghe ông chú tôi bảo rằng ông cố mười đời của tôi làm quan Án-sát tại Trấn biên.
Biết đâu ông cố của tôi lên quan Án-sát chỉ nhờ đã cõng vua Gia Long. Nếu nhờ tài liệu nào khác mà nhờ một nhà khảo cứu bỗng khám phá ra điều ấy thì thật là không rạng rỡ tí nào.
Thà cứ làm con cháu của những đợt sóng tiên phuông đã anh dũng chiến đấu với thiên nhiên để tạo ra miền Nam trù phú ngày nay, còn "le" hơn là con cháu nhà quan "Cõng", bởi vì tôi thích làm "Tôi", chỉ ăn ngày hai bữa hơn là làm bác cai phu lên chức nhà thầu lớn, đi xe Mercedes mà chửi thề như phu gạo.
Mấy năm sau, bác dâu tôi qua đời và nhà sư trụ trì ngôi chùa trong làng tôi, tới thỉnh bài vị vào chùa ngay. Những tháng cuối cùng của bác, bác chuẩn bị cái chuyến đi xa ấy rất chu đáo, có bao nhiêu tiền, bác cúng hết cho chùa để chùa lo hương khói bác đời đời kiếp kiếp. Chắc bác không thích cho hàng dân dã cúng quảy, khói hương cho bác. Tôn giáo còn ở trên quan trường nữa thì vào chùa hách hơn ở nhà dân.
BÌNH NGUYÊN LỘC
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 26, tuần lễ từ 18 đến 25-11-1971)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét