Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

TRÒ CHƠI BẰNG TIM - Lê Miên Tường

 

Gửi th.

Chuyện thực sự xảy ra từ những cơn mưa chiều. Cơn mưa thứ nhất. Cơn mưa thứ nhì. Tiếp theo những cơn mưa. Người nghệ sĩ lang thang chính cống thường thích cái gì bất trắc bấp bênh. Mê say những sự vật thuộc âm như sương mù, trăng, cây cỏ và mưa.

Hôm mưa buổi chiều tôi ngồi nói với Phù Vân ở bể nước. Dĩ nhiên cái tên này do tôi đặt. Cha mẹ công khó đẻ con ra ai ngu chi lại đặt cho con mình một cái tên đọc lên nghe gần với  sự chết như thế.

- Phù Vân nè.

Vừa đặt xong là tôi gọi liền.
 
- Anh nói cái chi đó?
 
Phù Vân ngơ ngác hỏi tôi, hai bàn tay vẫn nhúng sâu dưới lớp bọt xà phòng nghịch ngợm một cách rất trẻ con.
 
- Tôi kêu tên đấy.
 
- Anh kêu ai thế?
 
- Phù Vân.
 
- Phù Vân là ai?
 
- Là người.
 
- Nhưng mà người nào mới được chứ?
 
- Người nào có tên là Phù Vân. 

- Thế thì đi kiếm cô nào có tên là Phù Vân mà kêu. Ở đây không có Phù-Vân-Phù-Vúng gì cả.

- Có chứ.

- Đâu?

- Làm bộ không biết hả?

- Thèm làm bộ. Không biết thì nói không biết.

- Không biết thì thôi.

- Không biết thì hỏi chứ.

- Ở đây có mấy người nhỉ?

- Hai.

- Trong hai người, ai tên là Phù Vân đây?

- Chắc là anh?

- Thôi cô ơi. Đừng giả vờ nữa. Biết chắc rồi còn làm bộ.

- Thế Phù Vân là tên em hả?

- Chứ còn ai vô đó nữa.

- Thôi. Không thích đâu. Tên chi nghe "ngắn ngủi" quá trời.

Mưa rơi sàn sạt trên  mái tôn nghe buồn thật gần. Phù Vân mở to mắt duyên dáng bày tỏ sự ngạc nhiên cố ý. Tôi đưa tay chỉ những chiếc bong bóng nước do giòng nước từ máng xối chảy xuống tạo thành tiếp nối nhau vỡ tan trong "phuy" nước gần ngang miệng trắng đục như bọt biển.

Phù Vân trông theo. Tôi nói:

- Vân biết gì đó không?

- Nhỏ này đâu đến nỗi ngu mà hỏi.

- Thế Vân có thích không?

- Không.

- Sao thế?

- Có chi đẹp đâu mà thích.

- Đẹp lắm chứ.

- Đẹp sao?

- Nêu có nắng chiếu vào Vân sẽ thấy những chiếc bong bóng nước xanh đỏ nhiều màu đẹp như cầu vồng.

- Sao nữa?

- Nếu soi vào đó, Vân sẽ thấy mặt mình lấp lánh như thủy tinh, hoặc trong xanh như mắt mèo.

- Mèo ăn vụng hả?

- Ta nói thật mà cứ giỡn.

- Rồi sao nữa? Anh tả hết đi.

- Nếu Vân nhìn vào đây mà chải tóc thì khỏi chê.

- Anh biểu em cứ mỗi sáng rửa mặt mũi xong là "vác" lược xuống soi vào đó để chải tóc hả?

- Ừ.

- Lỡ trời không mưa thì sao?

- Lạy cho trời mưa.

- Nếu lạy mãi mà trời cứ không mưa thì anh biểu em phải làm sao? Chắc phải lấy tay thò xuống bể nước quậy quậy cho nổi bọt để soi mặt hả?

- ...

- Thôi. Đừng xúi bậy mấy bà bán gương kiện chết.

Phù Vân cười chọc. Tôi vẫn phớt tỉnh. Vẫn nói về những chiếc bong bóng nước vốn đã ám ảnh tôi từ thời thơ trẻ. Ám ảnh về cái tan vỡ mau chóng. Về sự mỏng manh. Về hư không.

Tôi hỏi:

- Vân nhận xét thế nào về những chiếc bong bóng nước?

- Nó chóng vỡ.

- Sao nữa?

- Nó có vẻ phù vân.

- Thông minh lắm.

- Anh biết thế sao còn đặt tên em là Phù Vân?

- Tên hay rồi còn đòi chi nữa/

- Bộ anh muốn em như mây khói hả?

- ...

- Đúng không?

Tôi không biết mình nên lắc đầu hay không nên. Thấy điệu bộ ấm ớ của tôi, Phù Vân nói thêm:

- Từ nay trở đi cấm không được kêu em là Phù Vân nữa nghe chưa?

- Chưa.

- Anh mà không nghe em nghỉ chơi với anh liền.

- Nghỉ đi.

- Thách phải không?

- Ừ. Thách.

- Để rồi coi. Anh mà còn kêu em như vậy nữa tức khắc em từ anh cái một. Ở đó mà thách.

- Chấp.

- Còn chấp nữa phải không? Không ngán nhỏ này phải không?

- Sức chi mà ngán.

- Liều ghê đi - Phù Vân vừa nói vừa giẫy nẩy - Anh còn nói giọng "cha nội" đó nữa em tát nước cho coi.

- Tát đi.

- Bộ không sợ lạnh hả?

- Không.

- Làm "le". Để coi thử có ngán không cho biết. 

Dứt câu, Phù Vân thò cả hai tay vô thau nước, chực tát. Tôi kêu lên:

- Ê, nếu tát nước, sẽ bị trả thù.

- Trả thù sao?

- Sẽ không cho mượn truyện.

Nghe nói truyện, Vân sáng mắt lên, vội vã rút tay ra khỏi thau nước, nói mau:

- Thôi thôi không tát nước đâu. Cho mượn truyện nghe.

- Không nghe.

- Cho mượn mau đi.

- Không đi.

- Đi. Lên lấy mau đi. Trời lạnh như ri mà "vách củ tỏi" vừa lười biếng vói tay bốc đậu phộng rang ăn vừa rề rà đọc truyện thì "hết sẩy".

- Hết sẩy?

- Chớ gì nữa. Các "ông" thì "chun" vô quán cà phê. Còn các "bà" ở nhà nằm đọc sách nghe mưa. Thế mới đúng "gu".

- "Đi" chứ ai lại "chun".

- "Chun" là tiếng tượng hình mà.

- Tượng hình?

- Nói "chun" mới diễn tả hết được độ thèm ngồi quán, thèm cà phê của các "đấng".

- Có chắc như vậy không?

- Đúng "y boong" như vậy.

- Ê, vừa nói cái chi đó?

- "Y boong".

- Là chi? Tiếng Thượng hả?

- Ngu quá. Là đúng y như vậy. Trúng phóc. Đúng "ngay chóc". Không sai vào đâu được.

- Học mấy tiếng đó ở đâu thế? Chắc giở tự điển ra coi không có đâu nhỉ?

- Làm chi có. Chỉ riêng "bọn" này biết mà thôi. Mấy ông làm tự điển có đọc được cũng lắc đầu.

- Oai ghê.

- Ê. Đừng vòng vo tam quốc nữa nghe. Bộ muốn lơ hả?

- Lơ gì?

- Thì truyện đó. Bộ lơ rồi "chùa" luôn hả?

- Không lơ. Nhưng mà phải đổi. Bữa nay không dại nữa.

- Thế lâu nay anh dại lắm hả?

- Không phải. Lâu nay là ta "chiều" đó. Luật có nói như vậy. Con trai phải chiều con gái.

- À à. Té ra là "chiều" chứ không phải "dại".

- Có "dại" vì Vân cũng cứ... vui lòng như thường.

Nghe tôi nói thế, Vân nhẹ chớp mắt. Cho dù có cố gắng che đậy bằng cách cười giỡn tôi vẫn tinh mắt đọc thấy chút xúc động tuyệt vời đó ẩn hiện bàng bạc trong đôi mắt Vân tròn to đen ướt.

- Giờ anh muốn đổi cái gì đây?

- Cái này dễ lắm. Khỏi phải mất tiền mua. Khỏi phải mất công đi kiếm đâu xa. 
 
- Cái gì thế anh?

- Nhưng mà Vân phải hứa là chịu đổi đã.

- Khó vừa vừa thì chịu. Nếu khó quá phải cho Vân khất lại vài hôm chứ.

- Dễ lắm. Vân hứa chịu đi.

- Ừ hứa. Đâu thế anh?

= Nó ở ngay trên người Vân.

Trời đất. Trên người Vân, có cái gì đáng giá để đổi cho anh đâu?

- Đáng giá lắm chứ.

- Đâu?

- Nhiều vô kể.

- Cái chi kỳ vậy hả?

- Vân đoán thử xem?

- Để coi. Mắt thì để Vân học bài với lại để thấy đường mà đi, không thể đổi được. Miệng  để ăn. Mũi để thở. Chân tay đi đứng cử động. Những thứ đó dĩ nhiên không đổi được rồi.

- Mau đi.

- Chi nôn thế. Để thủng thẳng ta nghĩ đã.

- Nghĩ mau đi.

- Giày dép cũng chẳng đổi được. Con trai đâu có thèm đi giày của con gái. Khăn tay cũng không thể đổi. Đổi khăn tay... xui lắm. Cái gì hả?

- Ra chưa?

- Anh cho Vân đổi một trái ổi nghe?
 
- Đâu được.
 
- Mười trái. Chịu không?
 
- Tôi đâu phải tham ăn như cô.
 
- Thế thì cái chi? Nói mau không ta khóc liền cho coi.

- Khi không làm ầm lên chi vậy. Nghe nói phải im lặng.

- Im lặng rồi. Nói đi "cha".

- "Cha" nào?

- Thì "cha" nào nữa. Anh đó.

- Ủa, lên chức hồi nào mau vậy?

- Không phải "cha con" đâu mà chức với tước. "Cha" đây là "cha" đặc biệt. Ai... thân thiết lắm ta mới kêu bằng "cha" chứ bộ.

- Thôi thôi. Cô cho tôi xin. Cô làm ơn kêu bằng thằng hoặc chú bác ông gì cũng được. Nhưng đừng kêu bằng "cha". Nghe tội lắm.

- Kêu bằng "ông" nghe?

- Cũng được.

- Thêm một chữ "anh" nữa là thành "ông anh" nghe?

- Cũng được.

- Ông anh nói đi. Ông anh muốn đổi cái chi?

- Muốn đổi một sợi tóc của Vân.

Ở chỗ này, tôi nói mau vì sợ nói không được. Phù Vân, lúc nghe tôi nói xong, như con mèo, vụt một cái, Vân chạy lẹ vào nhà và để lại tặng tôi câu nói nửa vui nửa thẹn:

- Không được đâu. Không được đâu. Anh khôn thấy mồ.

Tuy "không được đâu" và "anh khôn thấy mồ", nhưng sau đó vài ngày, lúc đưa truyện cho Vân, tôi nhận được một tờ giấy pelure xanh xếp tư gói sợi tóc và mấy giòng chữ viết bằng mực tím: Vân soi mặt trong mấy bong bóng nước cố lựa tìm một sợi tóc dài nhất. Tuy đau ghê gớm nhưng Vẫn cũng không ngán chi hết, vẫn "nhổ" cho anh. Tóc-của-Vân-là-Vân-đó. Một cây-triết-lý đây.

Tôi giữ sợi tóc. Và từ đó trong cung cách đối đãi, tôi rất đặc biệt với Phù Vân. Ngày nào cũng phải nhìn cây-triết-lý. Ngày nào cũng phải nghe cây triết lý hét hò ca hát tùm lum. Một lần khác, ở bể nước cũ, Phù Vân lại nói với tôi về sợi tóc.

- Ê, cho đi thì phải cho lại chứ.

- Không được nói là "cho". Phải nói là "tặng". Cung tặng đàng hoàng.

- Tặng cũng được.

- Vân muốn tôi tặng cái chi?

- Mình nhận của "thiên hạ" cái chi thì tặng lại cho "thiên hạ" cái đó.

- Một sợi tóc?

- Chứ gì nữa.

- Trời đất, con trai ai lại tặng tóc bao giờ.

- Mặc kệ. Ta thích thế.

- Muốn mấy sợi đây? Trăm sợi nhé?

- Một thôi.

- Muốn khi nào lấy?

- Ngay bây giờ. Kẻo nguội.

- Thôi. Cho khất đi.

- Khất đến bao lâu?

- Hồi nào ra tiệm hớt tóc tôi sẽ kêu Vân theo.

- Chi vậy?

- Theo hốt tóc về chứ gì nữa.

Dĩ nhiên là Vân phải cười. Tôi cũng cười. Chúng tôi có tài đùa. Một chuyện quan trọng nhất, cũng đùa được. Cứ cười một tiếng là hết cả mọi bi thảm, buồn rầu, nghiêm trang, hệ trọng. Tôi thường nói với Phù Vân: cứ cười một ngày đúng ba lượt, trong một năm sống, ta trẻ lại được gần bốn tháng.

Phù Vân cũng thích thế bởi tính Vân rất trẻ con. Một lần khác, đi chơi về, vừa bước lên cầu thang tôi đã nghe ở phòng Vân vang ra những tiếng một hai một hai bên phải quay bên trái quay, trước bước nghiêm chào nghiêm chào, tôi vội ngừng lại. Chuyện gì đây? Vân đang làm chi trong phòng? Mấy hôm trước Vân bị ốm vì dịch cúm nằm liệt giường liệt chiếu sao giờ này nói chi ồn ào?

Tôi kêu một đứa em của Vân ra hỏi. Nó nói:

- Chị Vân đang tập "quân sự".

- Cái gì?

- Tuần nay chị Vân không học chữ.

- Sao thế?

Mấy lớp đệ nhị cấp của trường thành lập xong Liên đoàn phòng vệ hậu phương nên chị học quân sự.

- Rồi sao?

- Học đã được ba ngày. Chị Vân đau nên không đi được. Ba có làm đơn xin phép.

- Sao nữa?

- Nghỉ mới ba hôm, chịu không được, hồi sáng chị Vân nèo nẹo đòi ba chở đến tận nơi bạn bè chị đang học cho được.

- Chị Vân cũng học "quân sự"?

- Dạ. Bây giờ chị đang "dợt" lại ở trong phòng.

- "Dợt" lại hả?

- Dạ. Chị nói vài bữa nữa đi diễn hành một hai một hai.

- Kêu chị Vân ra đây.

- Dạ.

Đứa bé quay đi. Phù Vân ló mặt ra ở khung cửa với mồ hôi chảy bết tóc trên trán. Với khuôn mặt tái xanh.

- Ê. Hỏi gì thế?

- Muốn mau-về-chầu-tiên-tổ hả?

- Cái gì?

- Muốn một hai một hai thì đợi khỏi bệnh đâm đơn vô lính mà một hai trước bước sau quay.

- Kệ người ta.

- Vô nghỉ đi và chiều không được một hai một hai nữa.

- Ghê chưa.

- Mau. Không có cãi.

Tôi hét lên thực sự giận dữ. Phù Vân biết tôi đã quyết liệt quá nên chực khóc. Và sau khi trở vô phòng Vân nói lí nhí:

- Làm tàng. Ta tập "quân sự" mà cũng cấm.

Tôi bật cười vì tính trẻ con của Vân. Nghe tôi cười, Vân lẩm bẩm thêm:

- La người ta rồi còn cười nữa chớ. Để coi.

Tôi bỏ về phòng.

Những ngày sau đó, khi đã khỏi bệnh, Phù Vân quyết lẩn tránh tôi bất kỳ ở đâu. Ở trường học. Ngoài đường. Trong tiệm sách. Trước mặt nhà thờ...

Tôi chắc là bởi lý do hôm tôi cự với Phù Vân ở phòng. Ngoài lần đó ra, tôi thấy chẳng có lần nào khác nói lớn tiếng với Vân cả. Tuy thế, tôi vẫn cảm thấy sao sao bởi những lần tránh tôi, đôi mắt Vân buồn quá. Buồn đến độ tôi đâm ra lo sợ vớ vẩn mà chẳng dám diễn tả sự lo sợ bằng một biến cố không may. Tôi nhất quyết phải hỏi Phù Vân cho ra lẽ.

Cho tới một hôm, buổi chiều, mưa, tôi xách ấm xuống lấy nước để nấu pha cà phê, tôi gặp ba Vân đang hì hục phá đục những lớp xi măng cũ. Tôi hỏi:

- Bác làm chi thế bác?

Trả lời:

- Tôi đúc lại ảng nước.

- Để chi thế bác?

- Để coi cho tử tế một chút. Lại nữa, để hôm nào khách bên nhà trai đến "ăn hỏi" cháu nhỏ ở nhà, trông vào họ khỏi chê.

- Ăn hỏi ai thế bác?

- Thì cháu Vân đó.

- ...

- Bữa nào mời cậu uống chút rượu nghe.

Những chiếc bong bóng do đường nước từ máng xối chảy xuống tạo thành đang vỡ tan dần trong phuy nước tràn đầy. Nước tràn chảy xuống cùng rác rến sâu bọ tập trung đầu khe mương đang dần dà trôi ra ống cống cái ngoài đường đầy ngập.

Có những trò chơi bằng tim óc máu huyết lúc đem vào cuộc người không mặc cả đắn đo. Tình yêu khác với sòng bài. Như trời mưa. Mưa cao nguyên buồn bã. Có bao nhiêu lần trời đã mưa? Có bao nhiêu chiếc bong bóng đã vỡ? Có bao nhiêu đứa con gái đã bỏ cuộc chơi dương thế theo chồng? Có bao nhiêu sợi tóc đã trao? Có bao nhiêu mộng đã chìm?

Những câu hỏi lơ ngơ lớ ngớ. Và bởi không muốn lớ ngớ lơ ngơ cho nên tôi không có lời đáp. Chỉ có một lời đáp duy nhất thì Phù Vân đã chẳng muốn nghe.

Tôi đã cho Vân những gì? Vân đã cho tôi những gì? Không là gì cả của nghĩa nhận và cho.

Bởi vì, cuối cuộc, trò chơi đã chấm dứt, Phù Vân đã ở một đời riêng định phận.


LÊ MIÊN TƯỜNG    
(Blao, 27.10.1972)     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 83, tuần lễ từ 28-12-1972 đến 4-1-1973)

 

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

ĐÔI MẮT CỦA BIỂN - Nhật Đàn

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Làm sao anh mở ngực
Cho em nhìn trái tim
Đang bồi hồi thổn thức
Vì thật tình yêu em

Làm sao anh mở ngực
Cho em nhìn máu anh
Từng giòng buồn rưng rức
Bởi yêu em không thành

Làm sao em biết hết
Những uẩn khúc đời anh
Những đêm dài nước mắt
Không thấy bóng ngày xanh

Xưa buông tay lầm bến
Buồn suốt một mùa đời
Bỗng dưng em lại đến
Những ngày đông mưa rơi

Những ngày đông gió thổi
Nhớ cắt cứa thịt da
Em làm sao hiểu nổi
Anh yêu em xót xa

Nghẹn ngào nghe nước mắt
Lăn xuống tim trọn đời.

NHẬT ĐÀN

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 83, tuần lễ từ 28-12-1972 đến 4-1-1973)




Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

MỘT KỶ NIỆM GIÁNG-SINH - Truman Capote


TRUMAN CAPOTE là một nhà văn thời danh, có sách bán chạy hàng đầu (best-seller) tại Hoa-kỳ trong những năm gần đầy.

Bản Việt văn dưới đây được dịch thẳng từ nguyên tác, nhan đề "A Christmas Memory".

Thử tưởng tượng một buổi sáng cuối tháng mười một. Một buổi sáng đầu mùa đông cách đây đã hơn hai mươi năm. Thử hình dung gian bếp của một ngôi nhà tồi tàn, cũ kỹ tại một tỉnh nhỏ. Vật trang hoàng chính yếu là một cái lò sắt lớn màu đen, nhưng ngoài ra còn có một cái bàn tròn lớn, một lò sưởi với hai chiếc ghế dựa xích đủ để phía trước. và buổi sáng hôm ấy lại đúng là buổi sáng mà cái lò sưởi đang bắt đầu phát ra những tiếng rít thường niên.

Một người đàn bà với mái tóc bạc cắt ngắn đang đứng bên khung cửa sổ gian nhà bếp. Bà mang một đôi giày tơ-nít và mặc choàng lên chiếc áo vải mỏng một chiếc áo len đã nhầu. Bà có vóc người nhỏ nhắn và láu táu như một con gà chọi, nhưng hai vai thì lại thật còng, do một cơn bịnh dằng dai hồi nhỏ. Khuôn mặt đẹp, hơi giống khuôn mặt Lincoln, cũng có nhiều nếp nhăn, cũng sạm lại vì nắng gió, nhưng thon và thanh nhã. Trong đôi mắt màu hạt dẻ có thoáng một nét rụt rè.

Lúc ấy bà kêu lên, hơi thở làm mờ khung cửa kính:

- Ồ, chết chửa! Đã đến mùa làm bánh cake rồi thôi!

Người đang đứng nghe bà nói câu nói ấy là tôi. Tôi được bảy tuổi. Bà đã ngoài sáu mươi. Chúng tôi có họ xa với nhau và cùng sống một nhà... tôi nhớ mang máng thế. Trong nhà còn có những người khác, những người trong gia tộc, và mặc dầu là những người nầy, đối với chúng tôi, vẫn thích tỏ ra là họ có quyền, vẫn thích làm chúng tôi khổ tâm phát khóc, nhưng chúng tôi thì lại cứ làm ra như không để ý gì bao nhiêu đến sự có mặt của họ. Chúng tôi là hai người bạn rất thân nhau. Bà gọi tôi là Buddy để nhớ đến một cậu  bé vốn là bạn thân của bà hồi nhỏ. Người bạn Buddy ấy đã chết năm 1880, lúc bà hãy còn là một cô bé con. Và mãi cho đến bây giờ bà cũng vẫn còn là cô bé con như ngày trước.

Bà quay lưng lại khung cửa sổ. Một sự quyết định hăng hái làm hai mắt bà sáng ngời lên.

- Sáng nay trước khi ngủ dậy tôi đã cảm thấy thế rồi. Tiếng chuông ngoài sân nghe lạnh quá và trong trẻo quá. Không còn con chim nào cất tiếng hót. Chúng đã bay hết về những miền ấm áp cả rồi. Đúng thế. Ồ Buddy! Đừng ngồi đó ngốn bánh nữa, mau đi lấy chiếc xe nôi. Tìm hộ cho tôi nón. Chúng mình còn phải nướng cho xong ba mươi cái bánh.

Bao giờ cũng vẫn thế. Cứ vào một buổi sáng tháng mười một là bà cô tôi kêu lên: "Đã đến lúc phải làm bánh cake rồi thôi. Đi đẩy chiếc xe nôi, tìm hộ cho tôi nón." Làm như bà chính thức khai mạc mùa Giáng sinh hàng năm, mùa Giáng sinh đã khơi dậy óc tưởng tượng và thêm lửa cho trái tim đang héo hắt của bà.

Chúng tôi tìm chiếc nón rơm, trên vành nón có gắn một vòng hoa hồng cắt bằng nhung đã phai màu vì nắng gió. Đó là chiếc nón cũ của một bà thích ăn vận sang trong họ. Và chúng tôi xúm lại đẩy chiếc xe nôi cũ ra khỏi vườn, trực chỉ về phía một rặng cây pécan. Chiếc xe vốn của tôi, nghĩa là đã được mua hồi tôi mới sinh ra. Xe đan bằng mây, nhưng nay thì mây cũng đã đứt và bốn bánh xe lăn xiêu vẹo như chân người say rượu. Tuy nhiên lại là một món đồ vật trung thành. Mùa xuân chúng tôi đẩy nó vào rừng, hái đủ loại hoa lá chất lên để đem về trông trong mấy chiếc chậu ngoài cửa ngõ.  Mùa hạ chúng tôi nhét lên đó những vật dụng đi pic-nic, những chiếc cần câu và đẩy ra tận bờ suối. Chiếc xe lại còn rất có ích trong dịp mùa đông về, chúng tôi dùng nó để tải củi từ ngoài sân vào nhà bếp và để làm thành một chiếc giường rất ấm cho con Quennie, con chó nhỏ lông cứng màu cam và trắng của chúng tôi, rất hay bắt chuột, vừa ốm một trận nên thân và vừa thoát chết sau hai lần bị rắn mai hoa cắn. Hiện giờ thì con Quennie đang chạy tung tăng bên cạnh.

Ba tiếng đồng hồ sau chúng tôi kéo về đến nhà bếp một xe đầy ăm ắp những trái pécan rụng. Chúng tôi nhặt đến mỏi cả lưng, vì công việc không dễ dàng gì (các chủ vườn, dĩ nhiên không phải là chúng tôi, đã cho hái hết các trái chín và đem bán). Chúng tôi chỉ nhặt được những trái còn sót lại, nằm ẩn dưới lớp lá, trong các đám cỏ bất trắc và lạnh buốt. Rắc, rắc, rắc. Những tiếng rắc vui tai, những tiếng sấm thu nhỏ, khi lớp vỏ cứng vỡ ra và đống hạt màu ngà vàng ửng, béo một cách dịu dàng, hiện ra cao dần trong chiếc chén thủy tinh thường dùng đựng sữa. Con Quennie đòi nếm thử, thỉnh thoảng bà bạn tôi bẻ cho nó một miếng nhỏ và cho thấy là chúng tôi đã phải nhịn để chiều ý nó: "Không nên thế, Buddy ạ! Nếu chiều thì không biết phải chiều đến đâu mới hết. Ngần nầy có lẽ chỉ vừa đủ. Mà nào có ít ỏi gì. đến những ba mươi chiếc bánh!"

Gian bếp tối dần. Trời hoàng hôn biến cửa sổ thành một tấm gương, bóng chúng tôi lẫn vào bóng con trăng đang lên trong khi chúng tôi loay hoay làm việc bên ánh lửa trước lò sưởi. Và đến lúc trăng đã lên thật cao chúng tôi ném mấy chiếc vỏ pécan cuối cùng vào trong đống lửa, nhìn chúng bốc cháy và cùng thở đánh phào. Trong xe không còn sót lại một tí gì và chiếc vại pécan đã đầy ắp.

Lúc ấy chúng tôi ăn bữa tối : bánh bít-quy nguội, thịt mỡ, mứt dâu và bàn đến những công việc, ngày mai. Ngày mai công việc mà tôi thích nhứt sẽ bắt đầu: công việc đi mua sắm. Chanh và mận, gừng và va-ni, dứa Hawaii đóng hộp, nho, các thứ vỏ, hạt noa và rượu huýt-ki. Ồ, và còn bao nhiêu là bột, là bơ, là trứng, bao nhiêu là các món gia vị linh tinh. Không nói ra ai cũng biết là phải cần đến cả một con ngựa nhỏ mới kéo nổi chiếc xe nôi về nhà.

Nhưng trước khi mua bán còn có vấn đề tiền. Cả bà, cả tôi đều không có, ngoài mấy món trợ cấp khốn khổ mà thỉnh thoảng những người trong nhà đã bố thí cho - một đồng "cent" được xem là một gia tài nhỏ - và ngoài những số tiền do chính chúng tôi kiếm được nhờ những hoạt động vặt vãnh như: bán mấy món đồ cũ, mấy thùng dâu hái được, mấy lọ mứt, mớ táo nấu đông, mấy bó hoa nhân dịp các đám tang, đám cưới... Có lần chúng tôi đã chiếm được giải thứ bảy mươi chín gồm năm đô la trong cuộc thi bóng tròn toàn quốc. Cả hai chúng tôi đều không biết bóng tròn là cái quái gì. Chẳng qua là vì chúng tôi đã tham dự tất cả các cuộc thi đã được nghe nói đến. Hiện thời thì chúng tôi đặt hết hi vọng vào giải thưởng Năm Vạn Đô-la tặng cho kẻ nào nghĩ ra một khẩu hiệu hay nhứt để lăng xê một hiệu cà phê mới. Và nói sự thật thì công việc làm ăn thực sự đẻ ra tiền duy nhứt của chúng tôi là Phòng Trưng bầy các Cuộc vui và Vật lạ do chúng tôi thiết lập trong một gian nhà kho ở cuối sân, phía sau nhà cách đây hai năm về trước. Các Cuộc Vui gồm những bức ảnh của hai thành phố Washington và New York nhìn qua một đôi ống dòm phóng đại của một bà trong họ đã đến viếng Phòng Trưng bầy cho mượn (bà rất lấy làm bất bình khi biết được duyên cớ của sự mượn nầy). Vật lạ là một con gà con ba chân do một trong các con gà mái của chúng tôi ấp được. Mọi người trong vùng đều muốn xem con vật lạ. Người lớn chúng tôi đòi hai mươi lăm cents, trẻ con năm cents. Và chúng tôi thu được hai mươi đô la nhưng sau đó thì Phòng Trưng bầy phải đóng cửa vì lẽ con vật lạ không sống được lâu.

Nhưng bằng cách nầy hay cách khác chúng tôi dành dụm các món tiền Giáng sinh để tổ chức "Quỹ làm bánh cake". Các món tiền ấy chúng tôi giấu trong một chiếc ví cũ kết bằng hạt trai, dưới lần gỗ lát sàn nhà, dưới cái chậu nước tiểu đêm, dưới chiếc giường cũ của bà cô họ. Nằm ở một chỗ rất an toàn ấy chiếc ví ít khi được lấy ra, ngoại trừ để bỏ thêm tiền vào, hoặc mỗi thứ bảy, để rút ra một số tiền nhỏ. Vì ngày thứ bảy tôi được phép lấy mười cents để đi xi-nê. Bà cô tôi chưa bao giờ đi xi-nê và cũng không bao giờ có ý định đi xi-nê. "Nghe Buddy thuật lại thích hơn. Vì như thế tôi hiểu rõ. Vả lại những người ở cái tuổi như tôi tưởng cũng không nên phí phạm đôi mắt quá. Ngày nào được về với Chúa tôi muốn nhìn thấy mặt Chúa rõ ràng". Thêm vào việc không bao giờ đi xi-nê, bà bạn tôi lại còn không bao giờ ăn trong các hiệu ăn, không bao giờ đi xa nhà quá mười cây số, không bao giờ nhận được hoặc gởi đi một bức điện tín nào, không bao giờ đọc sách gì khác hơn mấy tờ báo hài hước và Kinh Thánh, không bao giờ dùng son phấn, không bao giờ chửi mắng hoặc nguyền rủa ai, không bao giờ nói dối một cách cố ý, không bao giờ để đói một con chó vô chủ đến xin ăn... Trái lại bà đã can những tội rất hiếm hoi sau đây: dùng xẻng giết chết một con rắn mai hoa to nhất trong vùng (con rắn có đến mười sáu cái khoang trên cổ), hít thuốc lá bột (những lúc không có ai), tập loại chim ruồi (thử tập mà xem!) để chúng đánh đu trên ngón tay, kể những chuyện ma (cả hai chúng tôi đều tin là có ma) ghê rợn đến nỗi tuy là đêm tháng bảy mà chúng tôi vẫn cứ rùng mình, nói lảm nhảm một mình, đi thơ thẩn dưới cơn mưa, trồng những cây japonicas đẹp nhất tỉnh, biết tất cả những toa thuốc bí truyền của dân Da Đỏ ngày xưa, kể cả một bài thuốc ma quái để làm rụng những mụt cóc sần sùi nữa.

Và bây giờ, ăn bữa tối xong, chúng tôi rút vào phòng, trong một chỗ kín đáo nhất nhà, nơi mà bà cô tôi ngủ trên một chiếc giường sắt đơn màu hồng, màu bà thích nhất, dưới một tấm chăn kết lại bằng những mẩu vải vụn. Vừa im lặng, vừa cảm thấy hồi hộp thích thú như những người đang làm quốc sự, chúng tôi lôi chiếc ví hạt trai ra và giải số tiền lên trên tấm chăn bách nạp. Những tờ một đô la cuộn thật chặt, xanh biếc như những nụ lá tháng năm. Những đồng năm mươi cents đen xỉn, và nặng đến nỗi tưởng chừng có thể dùng để dằn lên mắt của người chết. Những đồng một xu xinh xắn, sống động, ngân rất thanh, và những đồng một hào, hai hào nhẵn thín một cách đáng yêu như những hòn đá cuội trong lòng suối. Nhưng nhất là một đống những đồng penny với mùi vị đắng cay. Mùa hạ năm ngoái, những người trong nhà đã hứa trả cho chúng tôi một penny mỗi lần chúng tôi giết được hai mươi lăm con ruồi. Ồ! Cái vụ tàn sát ruồi hồi tháng tám! Những con ruồi mà chúng tôi tin là đã lên thẳng Thiên đàng! Tuy nhiên đó không phải là một công việc khiến chúng tôi hãnh diện. Trong lúc chúng tôi ngồi chồm chỗm đếm từng đồng chúng tôi có cảm tưởng đi lùi trở lại đằng sau, làm một cuộc kiểm tính những xác ruồi đã chết. Cả hai chúng tôi đều không ai có tài sử dụng các con số. Chúng tôi cộng thật chậm, sau đó quên lấp mất và phải bắt đầu trở lại. Theo các bài tính của bà cô tôi thì gia tài chúng tôi lên đến mười hai đô la bảy mươi ba. Theo các bài tính của tôi thì là mười ba đô la chẵn. "Có lẽ Buddy đã cộng sai rồi. Không thể nào là con số 13 cho được. Vì nếu như thế bánh sẽ bị hư hoặc sẽ khiến cho người nào đó khi ăn vào sẽ ngã lăn ra chết. Riêng tôi thì những ngày 13 dù cho ai có cho gì nhất định tôi cũng không thức dậy!" Mà quả thật thế. Những ngày 13 bà thường nằm trên giường cho đến tối. Do đó để tránh cái xui chúng tôi lấy ra một đồng penny và ném qua cửa sổ.

*

Trong số những vật liệu cần thiết để làm bánh cake thì rượu huýt-ky là món đắt tiền nhất và rất khó mua. Luật lệ trong tiểu bang cấm bán. Nhưng ai cũng biết là có thể đến mua một chai đằng tiệm lão Haha Jones. Ngày hôm sau, sau khi đã mua sắm những thứ tầm thường dễ sắm chúng tôi đưa nhau đến quán của lão Haha, một nơi mà có rất nhiều người đã cho là nơi bất hảo, vừa là quán rượu, vừa là quán ăn, vừa là quán nhảy ở cạnh bờ sông. Trước đây chúng tôi đã có đến nhiều lần, cũng để mua rượu huýt-ky về làm bánh, nhưng những cuộc giao tiếp chỉ diễn ra với bà vợ của lão Haha, một người đàn bà Da Đỏ có nước da nâu sậm, mớ tóc ngả màu vàng và bộ điệu vô cùng ưỡn ẹo. Chưa bao giờ chúng tôi trông thấy ông chồng, mặc dù chúng tôi biết rõ lão ta cũng là người Da Đỏ. Một người rất to lớn với hai bên má đầy những sẹo. Gọi lão là lão Haha vì lão có một vẻ âm u dễ sợ, không bao giờ trông thấy lão cười. Lúc gần đến quán không ai bảo ai, chúng tôi cùng bước chậm lại (quán là một gian nhà rộng cất bằng những thân gỗ để nguyên, bên trong và bên ngoài có mắc những chùm đèn màu sặc sỡ, và nằm cạnh bờ sông, dưới bóng những cây to có những cành phủ đầy rêu như một vầng sương mù xám). Cả con Quennie cũng ngừng chạy tung tăng và đến nép bên cạnh chúng tôi. Có rất nhiều người đã bị giết chết trong quán của lão Haha! Bị chặt ra từng khúc! Bị đập chết! Có một vụ đang sắp sửa ra tòa trong tháng tới! Và dĩ nhiên là những chuyện ấy đã xảy ra ban đêm, lúc các bóng đèn màu tỏa ra một vầng ánh sáng lạ và chiếc đàn dây cót buông ra những âm thanh rên rỉ. Ban ngày quán của lão Haha trông thật tồi tàn hoang vắng. Tôi đập cửa, con Quennie sủa váng, bà cô tôi gọi: "Bà Haha, bà Haha ơi! Có ai trong nhà không?"

Có tiếng chân bước. Cánh cửa mở. Tim chúng tôi như ngừng đập. Người đang đi ra chính là lão Haha. Thật là một lão khổng lồ. Mặt đầy sẹo và miệng không cười. Không. Lão đưa cặp mắt xếch nhìn chúng tôi chăm chú và hỏi: "Các người muốn hỏi gì Haha?".

Lúc ấy chúng tôi sợ quá nên không thể trả lời ngay được, mãi sau bà cô tôi mới mở được miệng, nhưng giọng nói của bà chỉ là một giọng nói thì thầm: " Thưa ông Haha, chúng tôi định xin ông bán cho chúng tôi một chai huýt-ky ngon".

Cặp mắt của lão Haha đã  xếch lại càng thêm xếch. Và, không biết chi tiết nầy bạn có tin không, chớ thật ra thì lúc ấy lão đã mỉm cười. Rồi lão cười thật sự.

"Mua huýt-ky để cho ai?"

"Thưa ông, chúng tôi mua để làm bánh cake. Bánh cake Giáng sinh!"

Mặt lão bỗng tối sầm lại. Lão cau mày: "Như thế thật phí rượu huýt-ky ngon!" Tuy nhiên lão cũng quay ngoắt vào trong và mấy giây sau trở ra, mang theo một chai rượu không nhãn hiệu, màu vàng như màu hoa cúc. Lão đưa cái chai soi lên ánh mặt trời và nói: "Hai đô la."

Chúng tôi trả bằng những đồng xu, bằng những đồng penny, bằng những đồng hào. Lão xốc những đồng tiền trong lòng bàn tay như xốc mấy con xúc xắc và đột nhiên nét mặt lão dịu xuống. Lão trút mớ tiền trở lại vào trong chiếc ví hạt trai và nói: "Mà nầy, hay là khi nào làm bánh xong bà cứ gởi cho tôi một chiếc."

Trên đường về bà cô tôi bảo tôi:

"Có thế chứ! Người như thế mới là người tốt. Chúng mình sẽ đặc biệt thêm vào chiếc bánh của ông ta một cốc nho khô."

Chiếc lò đen sì đầy ắp than và củi khô cháy sáng lên như một chiếc đèn cắt bằng vỏ bi. Các cây đánh trứng hoạt động không ngừng, những chiếc muỗng xoay trong những chiếc bát đựng bơ và đường, mùi va-ni làm không khí hóa ra êm dịu, gừng và gia vị. Những mùi thơm quyện vào nhau, mơn trớn mũi, tỏa khắp gian bếp, khắp nhà, chui qua ống khói lò sưởi để tràn ra ngoài từng đợt. Trong vòng bốn ngày mọi việc đều xong. Ba mươi mốt chiếc bánh cake ướt đẫm huýt-ky nằm yên trên ngăn tủ.

Những chiếc bánh ấy để cho ai?

Cho các bạn bè. Và không nhất thiết phải là các bạn bè bên hàng xóm. Nói thật ra thì một số lớn các bánh cake sẽ dùng để tặng những người mà có lẽ chúng tôi chỉ được gặp có một lần và cả những người mà chúng tôi không hề gặp. Những người đã làm chúng tôi thán phục. Chẳng hạn ông Tổng thống Roosevelt, mục sư Lucey và vợ, các cha dòng Báp-tít từ đảo Bornéo đến giảng đạo vào dạo mùa đông rồi. Hoặc chú bé mài dao mỗi năm đi qua đây hai bận. Hoặc Abner Packer, bác tài xế hàng ngày lái chuyến xe ca sáu giờ từ Mobile đến và vẫn chào hỏi chúng tôi mỗi khi bác vụt qua trong vầng bụi tung mù mịt, Hoặc đôi vợ chồng trẻ Wistons ở California mà một buổi xế chiều nọ nhân bị pan xe trước nhà đã trò chuyện vui vẻ với chúng tôi ngót một giờ ngoài cửa ngõ. (Ông Wistons đã chụp ảnh chúng tôi, chiếc ảnh độc nhất của chúng tôi từ trước đến giờ). Có phải chăng vì bà cô tôi đã rụt rè trước tất cả mọi người mà chúng tôi có cảm tưởng là những người lạ mặt ấy và cả những người mà chúng tôi chỉ mới quen biết qua loa, đều là những bạn thân thật sự? Mà tôi tin là thế. Và những quyển an-bom do chúng tôi cất giữ, những lời cảm tạ viết trên giấy mang dấu hiệu Tòa Bạch cung, những bức thư ở California và Bornéo gởi đến, những tấm bưu ảnh rẻ tiền của chú bé mài dao, tất cả đều đã cho chúng tôi cái cảm giác được nối liền với những thế giới chứa đầy những chuyện ly lỳ, sôi động, vượt lên trên gian nhà bếp nhỏ nhìn ra một mảnh trời không thay đổi, im lìm.

Bây giờ một cành vả mùa đông trụi lá đang phất phơ bên cửa sổ. Gian nhà bếp hóa ra trống trải, bánh cake đã gởi đi rồi, hôm qua chúng tôi ra nhà bưu điện gởi chiếc bánh cuối cùng, tiền tem đã làm chúng tôi sạch túi. Tôi hơi thất vọng nhưng bà cô tôi thì lại cứ khăng khăng đòi mở tiệc mừng - với hai lóng tay huýt-ky còn sót lại trong chai của lão Haha Da Đỏ. Con Quennie được một muỗng đổ trong cái bát cà phê (nó vẫn thích uống cà phê pha thật đậm). Phần còn lại chúng tôi rót đều ra hai cái cốc đựng mứt trái cây. Cả hai chúng tôi đều rất hồi hộp khi nghĩ là mình sắp sửa uống rượu huýt-ky nguyên chất. Mùi rượu làm chúng tôi như bị căng thẳng và rùng mình khó chịu. Nhưng sau đó chúng tôi hát, hát cùng một lượt, nhưng mỗi người lại hát một bài hát khác nhau. Tôi không thuộc trọn bài hát của tôi, mà chỉ thuộc mỗi một câu: "Em ơi em, Đi ra mà xem, Xem người ta nhảy, Ngoài thành phố đen!" Nhưng để bù lại tôi biết khiêu vũ. Đó là cái mộng của tôi sau nầy. Tôi muốn trở thành một vũ công clắc-kết đóng trong phim xi-nê. Cái bóng run rẩy của tôi nhảy múa trên tường, giọng chúng tôi làm rung bát đĩa, chúng tôi cười rú lên như bị một bàn tay vô hình cù vào nách. Con Quennie nằm lăn ngửa bụng ra, bốn chân cào trong không khí, hai bên mép nhếch lên như đang cười. Trong thâm tâm tôi tôi cảm thấy có một cái gì đang bốc cháy bừng bừng và làm tung ra vô số là tàn lửa đỏ như những thanh củi đang nổ lách tách trong lò sưởi. Bà cô tôi nhảy một điệu "van" quanh chiếc lò, vạt của chiếc juýp bằng vải cũ kẹp nhón trong hai ngón tay làm như đó là một chiếc áo dài dạ hội. Bà hát: "Hãy chỉ cho tôi đường về". Đôi giày tơ-nít của bà rít trên sàn gạch. "Hãy chỉ cho tôi đường về...".

Lúc ấy "hai người trong họ" chạy xịch đến. Bộ điệu giận dữ. Những cặp mắt khinh bỉ và những giọng nói chan chát như quất vào da. Những câu hằn học ào ào trút xuống thành một bản nhạc căm hờn: "Một thằng ranh bảy tuổi mà đã nặc nồng mùi rượu! Sao lại thế hử? Bà có điên không? Đó là con đường đưa đến sự hư thân trắc nết. Cái gương của mợ Kate còn sờ sờ ra đó! Và chú Charlie nữa! Cả ông anh rể của chú Charlie! Không biết thẹn à? Quá lắm! Quá lắm! Quì xuống đi! Cầu nguyện Chúa đi thôi!".

Con Quennnie chuồn một mạch trốn dưới chiếc lò. Bà cô tôi nhìn xuống hai mũi giày. Cằm bà run run, bà nâng vạt juýp lau mũi rồi bỏ chạy vào phòng. Mãi thật lâu về sau, lúc cả tỉnh đã ngủ say rồi, lúc trong nhà mọi vật đều im lặng trừ tiếng tíc-tắc của mấy chiếc đồng hồ, tiếng khật khừ của đống lửa đang dần dần lụi xuống, mà bà cô tôi hãy còn khóc, mặt úp trên chiếc gối ướt đẫm như tấm khăn tay của người góa phụ khóc chồng.

Tôi đến ngồi dưới chân giường và cố dỗ: "Bà đừng khóc nữa". Tôi cảm thấy lạnh mặc dù đã choàng chiếc áo ngủ bằng dạ còn thoang thoảng mùi thuốc xi-rô ho mùa lạnh năm rồi. Và vừa nghịch mấy ngón chân bà, cù vào lòng bàn chân bà, tôi vừa nói: "Bà đừng khóc nữa... Không được khóc nữa... Bà đã lớn rồi!"

Bà tấm tức: "Vì tôi già rồi. Đã già lại còn ngốc nghếch!"

"Không phải ngốc nghếch. Bà chỉ thích đùa thôi. Mà đùa còn hay hơn bao nhiêu người khác. Mà nầy, nếu bà không nín khóc, ngày mai bà sẽ mệt nhoài ra, không còn sức đâu để đi tìm cây sa-pin nữa".

Bà ngồi choàng dậy. Con Quennie nhảy chồm lên giường (những lúc thường nó không được phép nhảy như thế) và thè lưỡi liếm hai bên má của bà. "Đúng thế Buddy ạ. Và tôi lại còn biết chỗ tìm những cây sa-pin thật đẹp. Cả những cây gai đẹp nữa. Với những trái đỏ mọng to bằng hai mắt của Buddy kia. Chỗ ấy xa lắm, ở mãi tít trong rừng. Mình chưa bao giờ đi đến. Ngày xưa cha tôi vẫn có lệ cứ Giáng sinh đến là vào rừng đẵn cây sa-pin rồi vác trên vai mang về cho chúng tôi. Chuyện năm mươi năm về trước. Ồ Buddy ạ, tôi sốt ruột quá, có lẽ không chờ được đến sáng mai đâu".

Và buổi sáng đến. Sương đọng thành giá lấp lánh trên đầu ngọn cỏ ; mặt trời tròn như quả cam và vàng ửng như mặt trăng vào những đêm nóng bức hiện ra nhấp nhô ở cuối chân trời và tô màu nâu lên những thân cây mùa đông trắng bạc. Có tiếng gà rừng cất lên văng vẳng. Một con lợn đi lạc kêu hồng hộc trong bụi rậm. Một lát sau chúng tôi đành bỏ chiếc xe nôi lại trên bờ một dòng suối nước chảy nhanh như cắt và dâng cao đến trên đầu gối. Con Quennie bơi qua suối trước tiên, vừa bơi vừa sủa vang vì dòng nước chảy nhanh quá và lạnh quá. Chúng tôi đi theo, giơ cao khỏi đầu hai đôi giầy và mấy dụng cụ đẵn cây (gồm một chiếc rìu nhỏ và mấy cái bao tải). Còn phải đi một quãng độ một ngàn năm trăm thước nữa giữa những cành gai và những vỏ cây có lông tua tủa bám đầy vào quần áo, giữa những hoa thông mục có lác đác những cụm nấm sặc sỡ và những lông chim ướt đẫm. Đây đó, một tiếng động chuyền cành, một hơi thở phập phồng, những tiếng hót ríu rít nhắc cho chúng tôi nhớ là không phải tất cả các loài chim đều đã bay hết về phương Nam. Con đường mòn ngoằn ngoèo trải dải, xuyên qua những vũng nắng màu vàng sáng và những vòm cây nho rừng đã chết khô. Còn phải lội qua một con suối nữa. Một đàn cá đốm hoảng sợ tung nước thành bọt quanh chân chúng tôi. Những con ếch to bằng chiếc dĩa phồng mang kêu ỏm tỏi. Những con hải ly kéo củi khô làm một con đê chắn nước. Bên kia bờ suối con Quennie đang run lập cập vẩy lông. Bà cô tôi cũng run lập cập, nhưng không phải vì lạnh mà là vì thích quá. Lúc bà ngẩng đầu lên để hít lấy làn không khí thơm nức mùi nhựa thông thì trên chiếc nón rơm một cánh hoa hồng cắt bằng nhung rơi xuống. "Chúng mình gần đến nơi rồi. Buddy có nhận thấy thế không?" Bà nói với tôi, làm như bà và tôi sắp sửa ra đến ngoài Biển cả.

Mà thật thế, đây là một loại Biển cả. Cánh rừng bát ngát với những hương thơm, những cây trổ hoa, những cành houx với lá chìa gai tua tủa. Những trái chín đỏ, sáng ngời như những chiếc lục lạc đồng. Đàn quạ đen bay sà xuống và kêu quang quác. Chúng tôi hái lá houx và trái đỏ cho đầy vào bao, hái thật nhiều, đủ để trang hoàng khoảng một tá khung cửa sổ. Sau đó chúng tôi quyết định chọn một cây sa-pin. "Phải chọn một cây cao bằng hai lần chiều cao của đứa trẻ. Như thế mới không sợ bị trẻ con đánh cắp mất chiếc ngôi sao". Cây sa-pin do chúng tôi chọn cao hơn tôi gấp hai lần. Rất đẹp, rất hung hăng, phải bổ đến ba mươi nhát rìu nó mới chịu ngã xuống với một tiếng rắc đau xé như tiếng thở dài hấp hối. Chúng tôi kéo lê nó như một cái xác chết và sửa soạn quay về. Cứ cách vài thước là chúng tôi phải ngừng lại, ngồi bệt xuống và thở phì phì. Nhưng cảm thấy tràn trề sức mạnh không khác những tay thợ săn khi săn được một con thú lớn. Sức mạnh ấy và mùi hương cứng cáp và lạnh giá của cây sa-pin đã thúc giục chúng tôi, khuyến khích chúng tôi gắng sức. Suốt buổi chiều, trên con đường đất đỏ đưa về thành phố, những ai trông thấy chúng tôi đều cất tiếng khen, ngắm nghía mãi cây sa-pin nằm vắt trên chiếc xe nôi. Nhưng bà cô tôi thì lại tỏ ra cẩn thận và dè dặt. "Cây sa-pin đẹp nhỉ! Bà tìm được ở đâu thế?" Bà chỉ đáp nhỏ, mơ hồ: "Ồ, tìm được ở đằng kia", Có một lần, một chiếc ô tô ngừng lại và bà vợ của ông chủ nhà máy sợi thò đầu ra, nói the thé như người khịt mũi: "Có bán không? Tôi trả cho hai hào." Lệ thường bà cô tôi không bao giờ dám từ chối điều gì với ai cả nhưng lần nầy thì bà lắc đầu ngay: "Có trả đến một đô la tôi cũng không bán!" Bà chủ nhà máy sợi nằn nì: "Một đô la? Nói thật không? Thôi năm mươi cents, giá chót đấy. Bà bán đi, rồi tìm một cây khác!" Thay vì trả lời thẳng bà cô tôi chỉ nói thật khẽ: "Không tin được. Ở đời một vật đẹp như thế không bao giờ có đến hai lần!"

Về đến nhà, con Quennie nằm vật bên cạnh đống lửa, ngủ một giấc đến sáng hôm sau và ngáy như người thật.

*

Trong chiếc rương để trên gác có một cái hộp giấy đựng giày bên trong đựng toàn những chùm lông trắng (rứt ở chiếc áo choàng của một bà hơi kỳ lạ trước kia đã thuê một phòng trong nhà để ở), những cuộn giấy hoa màu bạc đã ngả vàng vì năm tháng, một ngôi sao bạc, một chùm đèn điện đủ màu đã hư và có lẽ rất nguy hiểm khi dùng đến. Những món nếu đem dùng trang hoàng thì thật đẹp nhưng tính lại thì cũng vẫn không xong. Bà cô tôi muốn cây sa-pin của chúng tôi phải sáng rực lên như một ô kính màu trong nhà thờ Báp-tít, các cành phải trĩu xuống vì mớ tuyết rắc bên trên. Nhưng chúng tôi thì lại không đủ sức để sắm những thứ sang trọng "made in Japan" ấy. Thành thử chúng tôi đành làm những việc mà mọi năm chúng tôi vẫn làm. Chúng tôi cặm cụi suốt ngày trước chiếc bàn trong gian nhà bếp, cắt, vẽ, xếp nhũng đống giấy màu. Tôi vẽ hình trên giấy để bà cô tôi cắt. Vô số mèo, vô số cá (vì dễ vẽ), vài quả táo, vài quả dưa, vài thiên thần có cánh cắt trên những tờ giấy trang kim mà chúng tôi đã cẩn thận cất riêng trong một góc. Chúng tôi đính những tác phẩm ấy lên cây sa-pin bằng những chiếc đinh ghim. Và để hoàn tất công trình chúng tôi rắc trên các cành mớ bông mà chúng tôi đã nhặt để dành từ tháng tám. Bà cô tôi ngắm nghía kết quả, hai bàn tay chắp vào nhau: "Thật tình mà nói, Buddy ạ, nó đẹp đến nỗi trông thấy mình những muốn ăn". Riêng con Quennie thì cu cậu đang tìm cách ngoạm một chú thiên thần.

Buộc xong những lá gai trên các cửa sổ trước nhà, công việc sau đó của chúng tôi là công việc sửa soạn các món quà biếu xén. Những chiếc khăn quàng nhiều màu cho các bà. Cho các ông là những chai xi-rô nấu theo toa thuốc gia truyền với chanh, cam thảo và thuốc cảm dành riêng để uống ngay sau khi nhận thấy những "Triệu Chứng Bị Lạnh" hoặc khi vừa đi săn về. Nhưng đến lúc phải sửa soạn những món để tặng riêng cho nhau thì bà cô tôi và tôi liền mỗi người đi lẻn ra một nơi để chuẩn bị trong vòng bí mật. Tôi vẫn ao ước mua biếu bà một con dao cán bằng sừng, một chiếc máy ra-dô. một kí lô mận rim đường bọc sô-cô-la (một lần chúng tôi đã được nếm thử và kể từ đó bà không ngớt bảo tôi: "Tôi chỉ thích ăn có mỗi thứ ấy, Buddy ạ. Chỉ thích ăn có mỗi thứ ấy, Chúa ơi!") Thay vào những thứ đã kể, tôi chỉ dán một con diều. Phần bà, bà vẫn mong biếu tôi một chiếc xe đạp (bà đã nói thế cho tôi biết có đến hàng triệu lần): "Giá mà tôi có thể làm được như ý muốn Buddy ạ! Trong đời, phải chịu thiếu thốn những món mà mình mơ ước có đã là một chuyện đáng buồn. Đến cái việc không thể biếu cho những người khác những món mà mình ao ước biếu lại là một chuyện đáng buồn hơn nữa. Nhưng Buddy ạ, thế nào rồi cũng sẽ có ngày tôi làm được như ý muốn, là tìm cho Buddy một chiếc xe đạp. Đừng hỏi là tôi sẽ tìm bằng cách nào. Có thể là tôi sẽ đi đánh cắp cũng nên!" Thay vào đó, tôi gần như có thể chắc chắn là bà lại cũng sẽ dán một con diều, cũng như năm rồi, cũng như năm trước nữa. Năm trước cái năm trước nữa bà và tôi đã làm súng cao su để tặng nhau. Nhưng đối với tôi thì tất cả những cái ấy đều là những cái gì toàn hảo. Vì chúng tôi vốn là những tay vô địch chơi diều, biết ngóng hướng gió thành thạo như những người đi biển. Bà cô tôi, hơn tôi một bậc, còn có thể thả diều vào những lúc trời không có lấy một tí gió để đẩy các  cụm mây đi.

Hôm áp lễ Giáng sinh, vào buổi chiều, chúng tôi chung nhau vơ được hai hào, đến hàng thịt mua cho con Quennie món quà thường lệ, một khúc xương bò thật ngon để gậm. Khúc xương, bọc trong giấy sặc sỡ được treo tít trên cao, gần chiếc ngôi sao bạc. Con Quennie biết có khúc xương ở đó nên cứ ngồi chồm chỗm dưới gốc cây, mõm nghếch lên, tỏ vẻ lăng xăng thèm muốn. Đến đêm, không tài nào đuổi được nó đi nơi khác. Nó nhất định không đứng lên. Tôi cũng sốt ruột không kém, ngọ nguậy trong chăn và xoay mãi chiếc gối làm như đang ở giữa một đêm mùa hè nóng bức. Thỉnh thoảng một con gà cất tiếng gáy một cách sai lầm, vì lúc ấy mặt trời hãy còn ở bên nửa phần kia của trái đất.

"Buddy! Ngủ à?" Từ phòng bên bà cô tôi gọi. Một lát sau bà đến ngồi cạnh giường tôi, trong tay cầm một ngọn nến.

"Tôi không sao chợp được mắt. Đầu óc cứ nhảy múa lung tung. Nầy Buddy, không biết đêm nay bà Roosevelt có mang bánh cake của chúng mình ra ăn không nhỉ?"

Chúng tôi ngồi thu chân thật gọn trên giường, và bà ấp chặt bàn tay tôi, âu yếm: "Tôi có cảm tưởng là bàn tay Buddy bé quá. Tôi không thích nghĩ rằng có một ngày nào đó Buddy sẽ lớn lên. Vì khi Buddy lớn lên không biết chúng mình có còn thân nhau không nhỉ?" Tôi đáp: "Còn chứ, còn mãi mãi!"

"Nhưng Buddy ạ, tôi đang rất khổ tâm. Tôi vẫn ao ước được biếu Buddy một chiếc xe đạp! Cầy cục mãi để bán viên ngọc thạch của cha tôi cho ngày trước mà cũng không xong. Và Buddy ạ... (đến đây bà ngập ngừng, bối rối) tôi đã dán cho Buddy một con diều khác." Tôi cũng thú thật là chính tôi, tôi cũng đã dán một con diều. Và cả hai chúng tôi cùng cười.

Ngọn nến cháy xuống quá thấp nên không thể cầm trên tay được nữa, rồi nến tắt, để lộ ánh sáng của các ngôi sao. Những ngôi sao xoay vòng trước khung cửa sổ như một đám kéo quân và dần dần buổi mai nhè nhẹ trở về làm cho đám kéo quân im tiếng. Có lẽ chúng tôi đã ngủ thiếp đi, nhưng ánh bình minh đã dội xuống chúng tôi như một tia nước lạnh. Chúng tôi thức dậy, mở to hai mắt, đi lê la khắp đó đây, đợi những người khác trong nhà thức dậy. Bà cô tôi cố ý đánh rơi chiếc ấm nước xuống sàn gạch trong nhà bếp. Tôi nhảy một điệu clắc-kết trước những cánh cửa còn đóng kín. Những người trong nhà lần lượt hiện ra, làm như họ muốn giết chết chúng tôi. Nhưng vì là ngày lễ Giáng sinh nên họ không giết được.

Bắt đầu là một bữa điểm tâm sang trọng. Có đủ các món từ bánh crếp và thịt chiên đến rau cải và bánh mật. Mọi người đều vui vẻ, trừ bà cô tôi và tôi. Thật tình thì chúng tôi đang rất sốt ruột, chỉ muốn chạy xổ đến xem ngay các quà biếu nên không làm sao nuốt được lấy một miếng.

Và tôi thất vọng. Làm sao mà không thất vọng vì quà biếu chỉ vẻn vẹn một đôi tất ngắn, một chiếc áo sơ-mi, mấy cái mu-soa, một chiếc áo đan bị ế và một năm báo trẻ con. Tôi tức sôi lên.
 
Bà cô tôi may mắn hơn. Một bao hạt Satsuma! Món quà đáng giá nhất. Tuy nhiên cũng thêm được một cái khăn quàng bằng len trắng của một người chị đan cho. Nhưng bà bảo tôi là món quà thích nhất vẫn là con diều do tay tôi dán. Vì con diều đẹp thật. Đẹp thật. Nhưng chưa đẹp bằng con diều của bà dán tặng tôi, con diều màu xanh có những đốm kim nhũ và những ngôi sao màu lục. Hơn nữa bên trên có ghi rõ tên tôi : Buddy.

"Buddy ạ, có gió rồi thôi!"

Mà có gió thật. Và không có gì ngăn được chúng tôi chạy xuống cánh đồng cỏ ở phía dưới ngôi nhà, nơi con Quennie vừa phóng ra để chôn giấu khúc xương chúng tôi vừa tặng (và cũng chính nơi nầy, mùa đông năm sau, con Quennie sẽ yên giấc ngàn thu). Ra đến nơi chúng tôi đi sấn vào trong đám cỏ mọc cao đến ngực, rồi mở đôi diều ra cho bay trong gió ; đôi diều kéo thẳng đoạn dây, quẫy đuôi phần phật như những con cá trên trời. Dưới ánh nắng ấm chúng tôi nằm dài trên cỏ, bóc hạt Satsuma và theo dõi đôi diều đang bay lượn. Trong giây lát tôi quên mất đôi tất ngắn và chiếc áo đan bị ế để cảm thấy sung sướng như vừa nhận được giải thưởng Năm Vạn Đô-la trong cuộc thi khẩu hiệu cà phê.

"Buddy ạ, có thể nói là tôi điên thật."

Bà cô tôi kêu lên như thế và đột nhiên có dáng chăm chú như một bà nội trợ vừa chợt nhớ ra mình đã bỏ quên mấy cái bánh trong lò. Rồi bà hỏi tôi bằng giọng của người vừa khám phá ra được một điều gì lạ, và bà mỉm cười, không phải với tôi, mà là với một điểm nào đó trên không.

"Buddy có biết là tôi vẫn thường nghĩ gì không? Tôi vẫn nghĩ là trước khi về với Chúa con người cần phải trải qua một thời gian ốm đau và chờ chết. Và tôi tưởng tượng là lúc ấy mọi thứ sẽ giống như cái lúc mình nhìn lên một ô kính màu trong nhà thờ Báp-tit, rất đẹp với ánh nắng chan hòa và sáng chói đến nỗi mình sẽ không ngờ là bóng đêm đã đến. Tôi vẫn cảm thấy được an ủi khi nghĩ rằng chính cái ánh sáng ấy sẽ giúp mình không sợ hãi. Nhưng tôi đoan chắc là việc ấy sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi đoan chắc là đến phút cuối cùng con người sẽ hiểu là Chúa đã có đến với mình. Con người sẽ hiểu là được trông thấy vạn vật như thế nầy (bàn tay bà vẽ một vòng tròn, chỉ cho tôi thấy những cụm mây, đôi diều, đám cỏ và con Quennie đang bới đất để giấu khúc xương)... như thế nầy đây, cái ấy có nghĩa là con người đã trông thấy Chúa. Riêng phần tôi, tôi có thể thản nhiên dời bỏ cõi đời nầy với ngày hôm nay trong đôi mắt".

*

Cái Giáng sinh năm ấy là cái Giáng sinh cuối cùng của  chúng tôi.

Cuộc đời sắp sửa ngăn cách chúng tôi mỗi người ra một ngả. Những-kẻ-tự-nhận-là-cái-gì-cũng-biết đã quyết định gởi tôi vào một trường quân sự. Do đó trong đời tôi những chuỗi ngày tù hãm cứ nối tiếp nhau trong tiếng kèn đồng, trong tiếng còi báo thức của những trại mùa hè. Tôi có một mái nhà mới. Nhưng mái nhà thật sự của tôi lại là nơi có bà cô họ, và lại là nơi tôi không được phép quay về.

Bà ở lại đó với con Quennie, hàng ngày thơ thẩn trong gian nhà bếp. Rồi sau đó bà chỉ còn lại trơ trọi một mình. ("Buddy thân yêu, bà viết cho tôi bằng một nét chữ xô bồ, khó đọc, hôm qua Quennie đã bị con ngựa của Jim Macy đá phải. Cũng đáng mừng là Quennie không bị đau đớn gì nhiều. Tôi bọc Quennie trong một tấm ra thật mịn và chở bằng chiếc xe nôi ra tận cánh đồng cỏ của bác Simpson, nơi đây Quennie sẽ gặp lại tất cả những khúc xương mà Quennie đã chôn từ trước.")

Trong một thời gian bà hãy còn tiếp tục làm bánh cake một mình, không nhiều bằng dạo trước, nhưng cũng gọi là có. Và dĩ nhiên là bà gửi cho tôi chiếc bánh ngon nhất của bà. Cũng như trong mỗi bức thư bà đều nhét kèm theo một đồng hào bọc trong giấy lụa. "Tiền nầy để Buddy đi xi-nê, và Buddy nhớ thuật cho tôi nghe câu chuyện." Nhưng lần lần, trong các bức thư, bà lại đâm ra lầm lẫn tôi với người bạn Buddy của bà hồi còn trẻ, người bạn Buddy đã chết năm 1880. Và về sau, ngày nào bà cũng nằm mãi trên giường, không chỉ riêng gì ngày 13 như dạo trước. Rồi có một buổi sáng tháng mười một nọ, một buổi sáng trời chớm mùa đông, một buổi sáng không lá không chim, bà không còn làm sao ngồi dậy nổi để kêu lên như thường lệ: "Ồ! Chúa ơi! Đã đến mùa làm bánh cake rồi thôi!"

Và khi sự ấy xảy ra thì tôi đã biết trước. Bức thư báo tin buồn khi đến tay tôi chỉ làm được mỗi cái việc xác nhận điều mà linh tính tôi đã nói cho tôi nghe trước cả rồi, và tôi cảm thấy như có một cái gì đã tách ra vĩnh viễn trong tôi để bay đi biền biệt như con diều bị đứt dây. Bởi thế cho nên, vào buổi sáng tháng chạp hôm nay, khi đi ngang qua bãi đất hoang trước cửa nhà trường, tôi đăm đăm nhìn lên khoảng không trung làm như đang chờ đợi bắt gặp một đôi diều giống hình trái tim, bị đứt dây, trôi băng băng trên vòm trời xa tắp.


TRUMAN CAPOTE          
NGUYỄN MINH HOÀNG dịch   

(Trích từ tạp chí Văn số 168, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 15-12-1970)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

GIÁNG SINH HÃY CHỜ ĐỢI - Nguyễn Xuân Hoàng

 

 Vy yêu dấu,

Không biết những dòng chữ này có kịp đến tay em trong mùa Giáng sinh năm nay? Và nếu may mà nó đến kịp trước giờ Thánh lễ, không biết em sẽ đọc chúng dưới thứ ánh sáng nào? Hư ảo lung linh của những hàng bạch lạp hay chói chang nóng hổi của những ngọn đèn 300 watts, dù dưới bất cứ thứ ánh sáng nào anh cũng xin em hãy đọc nó dưới những tia lửa của trái tim mình, nghe không, bé?

Em còn biết chứ, Vy? Buổi sáng đưa em ra bến xe, trời còn tối, gió thổi lạnh quá chừng, con đường ấy ngày thường đầy xe cộ, người vật, đầy những tiếng động của máy xe và khói của dầu, bụi đường, thế mà bữa đó chỉ có mình anh với em. Luôn luôn chúng ta là những kẻ cô đơn, những kẻ đi một mình trên con đường quạnh hiu lạnh lẽo. Anh không dám chạy nhanh lắm vì sợ cái khí lạnh thấm nhập vào da thịt, tuôn qua buồng phổi, gây thêm trong anh những trận ho mà em kêu là làm em đau xót. Ôi, sao lại có thể có được một người đau xót được nỗi đau xót của đời anh. Em đã đau được nỗi đau ở ngực anh, em đã thở dùm anh hơi thở cuộc sống anh, em đã nói giúp anh những điều anh không thể nói.

Vy yêu dấu, 

Em yếu đuối là thế nhưng mạnh mẽ hơn anh biết là bao, em đạp mọi chông gai trên đường em đi, em dám đương đầu những bất trắc của đời sống phù phiếm, em dẫm chân lên mọi thị phi, đàm tiếu, em ngửng mặt lên cao, nghinh nhìn mọi thử thách, em dám sống đời sống đích thực của em. Còn anh, sự khỏe mạnh của thân xác, cái chiều cao của cơ thể, vóc dáng vạm vỡ của những thớ thịt thật ra chẳng là cái quái gì. Anh còn tiếp tục sống cái đời sống tưởng như sót lại của anh, anh còn tiếp tục hoạt động những công việc mà anh đã mất lòng tin tưởng, anh còn đi trên con đường mà anh đã từng nhiều lần vấp ngã đau nhói, cũng là nhờ tình yêu của em dành cho anh. Tình yêu, tiếng gọi ấy tưởng chẳng bao giờ còn làm vang động được chút nào nữa trong chiếc đầu khô cứng và chai đá của anh từ nhiều năm nay, tình yêu ấy bỗng hiện ra rực rỡ như màu sắc của những chùm bông giấy, những ngôi sao, những món đồ chơi trên cây Giáng Sinh, có thực như những dòng chữ anh đang viết cho em đây. Tình yêu ấy có thực từ khi em yêu anh, chúng ta yêu nhau.

Vy yêu dầu,

Em không phải đau xót dùm anh, chính ra anh phải đau xót cho em mới đúng. Anh là người nhiều kinh nghiệm, anh khinh đời, anh coi mọi vật quanh anh chả là cái gì, chẳng phải là anh đã nhiều lần tự hào nói với em như thế sao? Nhưng thực ra đó chỉ là những lời tự hào láo lếu, thái độ tự đắc kiêu căng ấy em biết nhưng không nói ra, bởi vì cái sức mạnh của anh có được ngày nay chính là sức mạnh do em trao tặng. Liệu em có thể tin tưởng một điều kỳ dị như vậy không Vy? Đưa em ra bến xe rồi trở về Phương vẫn còn ở nhà, nàng không ngủ, anh nói với Phương là anh nhớ em. Hình như điều đó làm Phương cười. Không ai đủ lòng tin tình cảm nào còn lại nơi anh. Anh đâu chỉ quen có mình em, anh bay nhảy như con chim sẻ, anh ca hát như chú họa mi ngu xuẩn, anh là một họa sĩ tồi chỉ vẽ được những trái tim trống rỗng.

Từ lúc em đi căn phòng vắng dễ sợ, sự gọn gàng ngăn nắp cũng theo em ra đi. Em biết không, mấy chai nước bây giờ chỉ còn có cái vỏ không, bình lọc cà phê chẳng buồn dùng đến, những tờ báo cũ ngổn ngang dưới chân giường, trên bàn khách, ở sọt rác, hộp mứt em mang cho anh từ mấy bữa trước cũng đã đầy kiến đen vì quên đổ nước ở chân dĩa. Hộp thuốc mà lẽ ra mỗi tối anh phải uống theo lời dặn của em, anh cũng quên luôn rồi. Những cuốn sách anh mang từ nơi làm việc về mỗi ngày một nhiều chồng chất thêm mãi cao lên mãi và ngày càng lung tung vô trật tự mãi. Phương không đến sau hôm em đi, nàng có gọi dây nói hỏi thăm tin tức của em, bởi vì cũng như anh, nàng không rõ âm hao gì về em. Anh biết em đang gặp khó khăn và trắc trở. Tất cả chỉ là vì anh. Nếu không có anh, nếu anh đừng có mặt trong đời sống này, chắc gì em đã chông gai và phiền lụy như thế, phải không Vy yêu dấu?

Em đã đi, mang theo tất cả sự nồng ấm. Chút lạnh lẽo hiếm hoi của buổi sáng Saigon chịu ảnh hưởng cơn bão Thérèse vẫn còn đọng lại mãi trong căn phòng anh. Không có em, căn phòng ấy chỉ nhốt được có sách vở và không khí. Anh trở về vào lúc sắp tới giờ giới nghiêm. Bước từng bước nặng nhọc lên cầu thang dốc, những miếng sắt khua vang dưới gót giầy anh và làm lay động giấc ngủ của những người ở phòng bên cạnh. Mở khóa cửa, bật đèn, điều chỉnh tốc độ của chiếc quạt máy, cởi dây giầy, rửa mặt, đọc tin tức ở trang nhất của tờ nhật báo, vặn nút chiếc máy thu thanh, tắt ngọn đèn đọc sách ở đầu giường, nhắm mắt. Cho đến khi choàng tỉnh dậy vì những cơn ngứa ở cổ, ho khan tức tưởi, anh đã nhìn thấy được những ngôi sao xa trên bầu trời xanh đêm.

Vy yêu dấu,

Lúc đó em đang làm gì, đang làm gì trên cái cao nguyên lạnh lùng và buồn thảm đó? Ôi, giá mà anh là chim anh sẽ bay lên đó, giá mà anh là gió anh sẽ thổi qua cửa sổ buồng em, giá mà anh là tấm chăn bông anh sẽ làm cho em bớt đi những hơi rét của thời tiết. Những ngôi sao xa nhìn ta và không nói gì. Hãy nói cho Vy biết là ta yêu nàng. Khung cửa sổ tối tăm ấy, em đã ngồi, đã lặng nhìn lên bầu trời quen thuộc của đôi ta, đã mặc anh với những trang sách mà anh ưa thích. Vy ạ, em yêu anh nhưng em cô đơn biết là chừng nào. Phải không? Người ta sẽ không yêu được ai lâu nếu kẻ đó không mang đến ra lợi ích nhiều hơn. Với anh, mà tình yêu bền bỉ của em qua bao nhiêu là dày xéo, bao nhiêu là nguyển rủa nhục nhã, lợi ích chẳng thấy đâu, chỉ thấy vấy bẩn quanh ta những mớ bùn đau khổ. Em là người làm vườn kiên nhẫn trồng trọt cây hạnh phúc bằng những dòng nước mắt của yêu thương. Người ta ra công trồng cây không phải để hái những chiếc lá úa. Có đúng không, Vy? Vậy mà em, em hái được gì trên cành cây tình yêu kia? Chỉ là anh, chiếc lá úa vàng lẻ loi của nhánh cây buồn bã. Anh với đầy dẫy những tật xấu, những thói xấu tật hư của anh, như anh mới đọc đâu đây trên trang báo mà em từng ưa thích, rằng chúng giống như những móng tay, cứ cắt hoài nhưng vẫn cứ mọc ra. Những tệ hại của anh mà mọi người đều nhìn thấy, đều thì thầm nói với nhau một cách đắc thắng, những thứ ấy trùng trùng lớp lớp như lá trong rừng, như mây trên trời, như tóc trên đầu em. Nhưng em đâu có sợ. Em chấp nhận anh với hai cánh tay mở rộng. Em là bà tiên với đôi đũa thần làm biến mất những vết nhơ trên khuôn mặt người tàn tật xấu xí là anh.

Vy yêu dấu,

Em biết đấy anh không phải là một tín đồ Ki Tô giáo, anh cũng chẳng là tín hữu của bất cứ một tôn giáo nào khác, anh thờ kính cha mẹ, yêu thương anh em, anh được dạy dỗ để sống giữa những người khác cùng là người như anh, chứ không được giáo dục để sống với bầy thú. Mưu toan trong đầu để hãm hại người khác, bắt chẹt một vài câu nói để du người ta vào thế bí hầu phỉ bang và bôi lọ người ta, điều ấy anh chưa bao giờ được giáo dục bởi một bà mẹ rất dễ thương nhất đời anh, một người đàn bà rất ít kiến thức nhưng vô cùng giàu lòng nhân từ. Vy ạ, trong cái nôn nao của một mùa Giáng Sinh Hy Vọng, anh muốn bắt chước tất cả những con chiên của Chúa nguyện cầu cùng với sự ra đời của Ngài sẽ đem theo sự ra đời của phép mầu mang Hòa Bình đến cho nhân loại, thanh bình cho Việt Nam, và sự yên ổn trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

Em biết một niềm mơ ước như trên đây có vẻ là một niềm mơ ước công thức,  cũ kỹ, lặp đi lặp lại, đã mòn nhẵn. Nhưng làm thế nào được, anh và em, chúng ta đang có sự bất ổn trong tâm can, đang có sự sôi động trong đầu óc và sự Yên Ổn của mỗi chúng ta chỏ có thể thành hình một khi có được sự Yên Ổn trong trái tim của mọi người.

Vy yêu dấu,

Buổi sáng hôm nay, trời trong xanh, nắng vàng, mọi người mọi vật đều bừng bừng sức sống, một đám tang vừa đi ngang qua trước cửa nhà, trong những giọt nước mắt của người lớn anh nhìn thấy có nụ cười của đám trẻ thơ, trong sự mệt mỏi rã rượi của người này anh đọc thấy sức sống vũ bão của người khác, bên kia bóng tối của dĩ vãng chắc chắn phải là ánh sáng của tương lai.

Vy, dù sao anh tin rằng những dòng chữ này sẽ đến tay em sớm hơn là anh mong ước. Anh cũng tưởng tượng là em choàng áo len dầy đang ngồi trên chiếc xích đu ngoài sân nhà xây trên một ngọn đồi cao buổi chiều sương đang xuống, đọc những ý nghĩ này của anh, những ý nghĩ rời rạc không ra đâu vào đâu, lang bang và lan man như đời sống anh. Em hỏi anh đang làm gì trong lúc này, anh đang nghĩ đến ai. Anh đang viết thư cho em và anh đang nghĩ đến em. Anh nhớ em trong vô cùng nỗi nhớ. Em như viên thuốc Ascorbine tan thơm trong miệng anh. Vy, anh đang gọi tên em để làm thơm đời anh. Em là đôi cánh chắp vào thân anh để anh có thể bay cao hơn. Em là những chiếc bánh xe lắp vào chân anh để anh lăn mau hơn. Em là ánh sáng gắn thêm vào mắt anh để anh nhìn rõ hơn cuộc đời đầy ngõ ngách. Em là trái tim đập mỗi phút giây trong lồng ngực anh để anh còn có được sự sống. Em là anh và anh là em. Chúng ta là một.

Vy yêu dấu,

Hãy thắp sáng buổi chiều trên thành phố cao nguyên đó bằng ngọn lửa của trái tim em, và hãy đọc thư anh bằng con mắt của niềm hy vọng mà em lúc nào cũng sẵn có.

Nếu những dòng chữ này vẫn không kịp đến với em vào phút linh thiêng, em hãy nghe lại điệp khúc của bản thánh ca quen thuộc Les Anges Dans Nos Campagnes. Hãy nhắm mắt lại, hãy đếm từ một cho đến khi nào tiếng chuông của ngôi giáo đường gần nhà em ở nhất ngân lên, lúc ấy em hãy mở mắt ra vì anh đã đến với em và em sẽ chẳng cần phải đọc những dòng chữ này nữa, lá thư ấy là anh và chúng ta sẽ đọc những ý nghĩ của chúng ta trong mắt nhìn của người khác.

Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng chỉ là điều vô ích, nếu một khi chúng ta đã không còn muốn đọc nhau nữa. Phải không em?

 
NGUYỄN XUÂN HOÀNG      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 82, tuần lễ từ 22-12 đến 29-12-1972)