Gửi th.
Chuyện thực sự xảy ra từ những cơn mưa chiều. Cơn mưa thứ nhất. Cơn mưa thứ nhì. Tiếp theo những cơn mưa. Người nghệ sĩ lang thang chính cống thường thích cái gì bất trắc bấp bênh. Mê say những sự vật thuộc âm như sương mù, trăng, cây cỏ và mưa.
Hôm mưa buổi chiều tôi ngồi nói với Phù Vân ở bể nước. Dĩ nhiên cái tên này do tôi đặt. Cha mẹ công khó đẻ con ra ai ngu chi lại đặt cho con mình một cái tên đọc lên nghe gần với sự chết như thế.
- Phù Vân nè.
Vừa đặt xong là tôi gọi liền.
- Anh nói cái chi đó?
Phù Vân ngơ ngác hỏi tôi, hai bàn tay vẫn nhúng sâu dưới lớp bọt xà phòng nghịch ngợm một cách rất trẻ con.
- Tôi kêu tên đấy.
- Anh kêu ai thế?
- Phù Vân.
- Phù Vân là ai?
- Là người.
- Nhưng mà người nào mới được chứ?
- Người nào có tên là Phù Vân.
- Thế thì đi kiếm cô nào có tên là Phù Vân mà kêu. Ở đây không có Phù-Vân-Phù-Vúng gì cả.
- Có chứ.
- Đâu?
- Làm bộ không biết hả?
- Thèm làm bộ. Không biết thì nói không biết.
- Không biết thì thôi.
- Không biết thì hỏi chứ.
- Ở đây có mấy người nhỉ?
- Hai.
- Trong hai người, ai tên là Phù Vân đây?
- Chắc là anh?
- Thôi cô ơi. Đừng giả vờ nữa. Biết chắc rồi còn làm bộ.
- Thế Phù Vân là tên em hả?
- Chứ còn ai vô đó nữa.
- Thôi. Không thích đâu. Tên chi nghe "ngắn ngủi" quá trời.
Mưa rơi sàn sạt trên mái tôn nghe buồn thật gần. Phù Vân mở to mắt duyên dáng bày tỏ sự ngạc nhiên cố ý. Tôi đưa tay chỉ những chiếc bong bóng nước do giòng nước từ máng xối chảy xuống tạo thành tiếp nối nhau vỡ tan trong "phuy" nước gần ngang miệng trắng đục như bọt biển.
Phù Vân trông theo. Tôi nói:
- Vân biết gì đó không?
- Nhỏ này đâu đến nỗi ngu mà hỏi.
- Thế Vân có thích không?
- Không.
- Sao thế?
- Có chi đẹp đâu mà thích.
- Đẹp lắm chứ.
- Đẹp sao?
- Nêu có nắng chiếu vào Vân sẽ thấy những chiếc bong bóng nước xanh đỏ nhiều màu đẹp như cầu vồng.
- Sao nữa?
- Nếu soi vào đó, Vân sẽ thấy mặt mình lấp lánh như thủy tinh, hoặc trong xanh như mắt mèo.
- Mèo ăn vụng hả?
- Ta nói thật mà cứ giỡn.
- Rồi sao nữa? Anh tả hết đi.
- Nếu Vân nhìn vào đây mà chải tóc thì khỏi chê.
- Anh biểu em cứ mỗi sáng rửa mặt mũi xong là "vác" lược xuống soi vào đó để chải tóc hả?
- Ừ.
- Lỡ trời không mưa thì sao?
- Lạy cho trời mưa.
- Nếu lạy mãi mà trời cứ không mưa thì anh biểu em phải làm sao? Chắc phải lấy tay thò xuống bể nước quậy quậy cho nổi bọt để soi mặt hả?
- ...
- Thôi. Đừng xúi bậy mấy bà bán gương kiện chết.
Phù Vân cười chọc. Tôi vẫn phớt tỉnh. Vẫn nói về những chiếc bong bóng nước vốn đã ám ảnh tôi từ thời thơ trẻ. Ám ảnh về cái tan vỡ mau chóng. Về sự mỏng manh. Về hư không.
Tôi hỏi:
- Vân nhận xét thế nào về những chiếc bong bóng nước?
- Nó chóng vỡ.
- Sao nữa?
- Nó có vẻ phù vân.
- Thông minh lắm.
- Anh biết thế sao còn đặt tên em là Phù Vân?
- Tên hay rồi còn đòi chi nữa/
- Bộ anh muốn em như mây khói hả?
- ...
- Đúng không?
Tôi không biết mình nên lắc đầu hay không nên. Thấy điệu bộ ấm ớ của tôi, Phù Vân nói thêm:
- Từ nay trở đi cấm không được kêu em là Phù Vân nữa nghe chưa?
- Chưa.
- Anh mà không nghe em nghỉ chơi với anh liền.
- Nghỉ đi.
- Thách phải không?
- Ừ. Thách.
- Để rồi coi. Anh mà còn kêu em như vậy nữa tức khắc em từ anh cái một. Ở đó mà thách.
- Chấp.
- Còn chấp nữa phải không? Không ngán nhỏ này phải không?
- Sức chi mà ngán.
- Liều ghê đi - Phù Vân vừa nói vừa giẫy nẩy - Anh còn nói giọng "cha nội" đó nữa em tát nước cho coi.
- Tát đi.
- Bộ không sợ lạnh hả?
- Không.
- Làm "le". Để coi thử có ngán không cho biết.
Dứt câu, Phù Vân thò cả hai tay vô thau nước, chực tát. Tôi kêu lên:
- Ê, nếu tát nước, sẽ bị trả thù.
- Trả thù sao?
- Sẽ không cho mượn truyện.
Nghe nói truyện, Vân sáng mắt lên, vội vã rút tay ra khỏi thau nước, nói mau:
- Thôi thôi không tát nước đâu. Cho mượn truyện nghe.
- Không nghe.
- Cho mượn mau đi.
- Không đi.
- Đi. Lên lấy mau đi. Trời lạnh như ri mà "vách củ tỏi" vừa lười biếng vói tay bốc đậu phộng rang ăn vừa rề rà đọc truyện thì "hết sẩy".
- Hết sẩy?
- Chớ gì nữa. Các "ông" thì "chun" vô quán cà phê. Còn các "bà" ở nhà nằm đọc sách nghe mưa. Thế mới đúng "gu".
- "Đi" chứ ai lại "chun".
- "Chun" là tiếng tượng hình mà.
- Tượng hình?
- Nói "chun" mới diễn tả hết được độ thèm ngồi quán, thèm cà phê của các "đấng".
- Có chắc như vậy không?
- Đúng "y boong" như vậy.
- Ê, vừa nói cái chi đó?
- "Y boong".
- Là chi? Tiếng Thượng hả?
- Ngu quá. Là đúng y như vậy. Trúng phóc. Đúng "ngay chóc". Không sai vào đâu được.
- Học mấy tiếng đó ở đâu thế? Chắc giở tự điển ra coi không có đâu nhỉ?
- Làm chi có. Chỉ riêng "bọn" này biết mà thôi. Mấy ông làm tự điển có đọc được cũng lắc đầu.
- Oai ghê.
- Ê. Đừng vòng vo tam quốc nữa nghe. Bộ muốn lơ hả?
- Lơ gì?
- Thì truyện đó. Bộ lơ rồi "chùa" luôn hả?
- Không lơ. Nhưng mà phải đổi. Bữa nay không dại nữa.
- Thế lâu nay anh dại lắm hả?
- Không phải. Lâu nay là ta "chiều" đó. Luật có nói như vậy. Con trai phải chiều con gái.
- À à. Té ra là "chiều" chứ không phải "dại".
- Có "dại" vì Vân cũng cứ... vui lòng như thường.
Nghe tôi nói thế, Vân nhẹ chớp mắt. Cho dù có cố gắng che đậy bằng cách cười giỡn tôi vẫn tinh mắt đọc thấy chút xúc động tuyệt vời đó ẩn hiện bàng bạc trong đôi mắt Vân tròn to đen ướt.
- Giờ anh muốn đổi cái gì đây?
- Cái này dễ lắm. Khỏi phải mất tiền mua. Khỏi phải mất công đi kiếm đâu xa.
- Cái gì thế anh?
- Nhưng mà Vân phải hứa là chịu đổi đã.
- Khó vừa vừa thì chịu. Nếu khó quá phải cho Vân khất lại vài hôm chứ.
- Dễ lắm. Vân hứa chịu đi.
- Ừ hứa. Đâu thế anh?
= Nó ở ngay trên người Vân.
Trời đất. Trên người Vân, có cái gì đáng giá để đổi cho anh đâu?
- Đáng giá lắm chứ.
- Đâu?
- Nhiều vô kể.
- Cái chi kỳ vậy hả?
- Vân đoán thử xem?
- Để coi. Mắt thì để Vân học bài với lại để thấy đường mà đi, không thể đổi được. Miệng để ăn. Mũi để thở. Chân tay đi đứng cử động. Những thứ đó dĩ nhiên không đổi được rồi.
- Mau đi.
- Chi nôn thế. Để thủng thẳng ta nghĩ đã.
- Nghĩ mau đi.
- Giày dép cũng chẳng đổi được. Con trai đâu có thèm đi giày của con gái. Khăn tay cũng không thể đổi. Đổi khăn tay... xui lắm. Cái gì hả?
- Ra chưa?
- Anh cho Vân đổi một trái ổi nghe?
- Đâu được.
- Mười trái. Chịu không?
- Tôi đâu phải tham ăn như cô.
- Thế thì cái chi? Nói mau không ta khóc liền cho coi.
- Khi không làm ầm lên chi vậy. Nghe nói phải im lặng.
- Im lặng rồi. Nói đi "cha".
- "Cha" nào?
- Thì "cha" nào nữa. Anh đó.
- Ủa, lên chức hồi nào mau vậy?
- Không phải "cha con" đâu mà chức với tước. "Cha" đây là "cha" đặc biệt. Ai... thân thiết lắm ta mới kêu bằng "cha" chứ bộ.
- Thôi thôi. Cô cho tôi xin. Cô làm ơn kêu bằng thằng hoặc chú bác ông gì cũng được. Nhưng đừng kêu bằng "cha". Nghe tội lắm.
- Kêu bằng "ông" nghe?
- Cũng được.
- Thêm một chữ "anh" nữa là thành "ông anh" nghe?
- Cũng được.
- Ông anh nói đi. Ông anh muốn đổi cái chi?
- Muốn đổi một sợi tóc của Vân.
Ở chỗ này, tôi nói mau vì sợ nói không được. Phù Vân, lúc nghe tôi nói xong, như con mèo, vụt một cái, Vân chạy lẹ vào nhà và để lại tặng tôi câu nói nửa vui nửa thẹn:
- Không được đâu. Không được đâu. Anh khôn thấy mồ.
Tuy "không được đâu" và "anh khôn thấy mồ", nhưng sau đó vài ngày, lúc đưa truyện cho Vân, tôi nhận được một tờ giấy pelure xanh xếp tư gói sợi tóc và mấy giòng chữ viết bằng mực tím: Vân soi mặt trong mấy bong bóng nước cố lựa tìm một sợi tóc dài nhất. Tuy đau ghê gớm nhưng Vẫn cũng không ngán chi hết, vẫn "nhổ" cho anh. Tóc-của-Vân-là-Vân-đó. Một cây-triết-lý đây.
Tôi giữ sợi tóc. Và từ đó trong cung cách đối đãi, tôi rất đặc biệt với Phù Vân. Ngày nào cũng phải nhìn cây-triết-lý. Ngày nào cũng phải nghe cây triết lý hét hò ca hát tùm lum. Một lần khác, ở bể nước cũ, Phù Vân lại nói với tôi về sợi tóc.
- Ê, cho đi thì phải cho lại chứ.
- Không được nói là "cho". Phải nói là "tặng". Cung tặng đàng hoàng.
- Tặng cũng được.
- Vân muốn tôi tặng cái chi?
- Mình nhận của "thiên hạ" cái chi thì tặng lại cho "thiên hạ" cái đó.
- Một sợi tóc?
- Chứ gì nữa.
- Trời đất, con trai ai lại tặng tóc bao giờ.
- Mặc kệ. Ta thích thế.
- Muốn mấy sợi đây? Trăm sợi nhé?
- Một thôi.
- Muốn khi nào lấy?
- Ngay bây giờ. Kẻo nguội.
- Thôi. Cho khất đi.
- Khất đến bao lâu?
- Hồi nào ra tiệm hớt tóc tôi sẽ kêu Vân theo.
- Chi vậy?
- Theo hốt tóc về chứ gì nữa.
Dĩ nhiên là Vân phải cười. Tôi cũng cười. Chúng tôi có tài đùa. Một chuyện quan trọng nhất, cũng đùa được. Cứ cười một tiếng là hết cả mọi bi thảm, buồn rầu, nghiêm trang, hệ trọng. Tôi thường nói với Phù Vân: cứ cười một ngày đúng ba lượt, trong một năm sống, ta trẻ lại được gần bốn tháng.
Phù Vân cũng thích thế bởi tính Vân rất trẻ con. Một lần khác, đi chơi về, vừa bước lên cầu thang tôi đã nghe ở phòng Vân vang ra những tiếng một hai một hai bên phải quay bên trái quay, trước bước nghiêm chào nghiêm chào, tôi vội ngừng lại. Chuyện gì đây? Vân đang làm chi trong phòng? Mấy hôm trước Vân bị ốm vì dịch cúm nằm liệt giường liệt chiếu sao giờ này nói chi ồn ào?
Tôi kêu một đứa em của Vân ra hỏi. Nó nói:
- Chị Vân đang tập "quân sự".
- Cái gì?
- Tuần nay chị Vân không học chữ.
- Sao thế?
Mấy lớp đệ nhị cấp của trường thành lập xong Liên đoàn phòng vệ hậu phương nên chị học quân sự.
- Rồi sao?
- Học đã được ba ngày. Chị Vân đau nên không đi được. Ba có làm đơn xin phép.
- Sao nữa?
- Nghỉ mới ba hôm, chịu không được, hồi sáng chị Vân nèo nẹo đòi ba chở đến tận nơi bạn bè chị đang học cho được.
- Chị Vân cũng học "quân sự"?
- Dạ. Bây giờ chị đang "dợt" lại ở trong phòng.
- "Dợt" lại hả?
- Dạ. Chị nói vài bữa nữa đi diễn hành một hai một hai.
- Kêu chị Vân ra đây.
- Dạ.
Đứa bé quay đi. Phù Vân ló mặt ra ở khung cửa với mồ hôi chảy bết tóc trên trán. Với khuôn mặt tái xanh.
- Ê. Hỏi gì thế?
- Muốn mau-về-chầu-tiên-tổ hả?
- Cái gì?
- Muốn một hai một hai thì đợi khỏi bệnh đâm đơn vô lính mà một hai trước bước sau quay.
- Kệ người ta.
- Vô nghỉ đi và chiều không được một hai một hai nữa.
- Ghê chưa.
- Mau. Không có cãi.
Tôi hét lên thực sự giận dữ. Phù Vân biết tôi đã quyết liệt quá nên chực khóc. Và sau khi trở vô phòng Vân nói lí nhí:
- Làm tàng. Ta tập "quân sự" mà cũng cấm.
Tôi bật cười vì tính trẻ con của Vân. Nghe tôi cười, Vân lẩm bẩm thêm:
- La người ta rồi còn cười nữa chớ. Để coi.
Tôi bỏ về phòng.
Những ngày sau đó, khi đã khỏi bệnh, Phù Vân quyết lẩn tránh tôi bất kỳ ở đâu. Ở trường học. Ngoài đường. Trong tiệm sách. Trước mặt nhà thờ...
Tôi chắc là bởi lý do hôm tôi cự với Phù Vân ở phòng. Ngoài lần đó ra, tôi thấy chẳng có lần nào khác nói lớn tiếng với Vân cả. Tuy thế, tôi vẫn cảm thấy sao sao bởi những lần tránh tôi, đôi mắt Vân buồn quá. Buồn đến độ tôi đâm ra lo sợ vớ vẩn mà chẳng dám diễn tả sự lo sợ bằng một biến cố không may. Tôi nhất quyết phải hỏi Phù Vân cho ra lẽ.
Cho tới một hôm, buổi chiều, mưa, tôi xách ấm xuống lấy nước để nấu pha cà phê, tôi gặp ba Vân đang hì hục phá đục những lớp xi măng cũ. Tôi hỏi:
- Bác làm chi thế bác?
Trả lời:
- Tôi đúc lại ảng nước.
- Để chi thế bác?
- Để coi cho tử tế một chút. Lại nữa, để hôm nào khách bên nhà trai đến "ăn hỏi" cháu nhỏ ở nhà, trông vào họ khỏi chê.
- Ăn hỏi ai thế bác?
- Thì cháu Vân đó.
- ...
- Bữa nào mời cậu uống chút rượu nghe.
Những chiếc bong bóng do đường nước từ máng xối chảy xuống tạo thành đang vỡ tan dần trong phuy nước tràn đầy. Nước tràn chảy xuống cùng rác rến sâu bọ tập trung đầu khe mương đang dần dà trôi ra ống cống cái ngoài đường đầy ngập.
Có những trò chơi bằng tim óc máu huyết lúc đem vào cuộc người không mặc cả đắn đo. Tình yêu khác với sòng bài. Như trời mưa. Mưa cao nguyên buồn bã. Có bao nhiêu lần trời đã mưa? Có bao nhiêu chiếc bong bóng đã vỡ? Có bao nhiêu đứa con gái đã bỏ cuộc chơi dương thế theo chồng? Có bao nhiêu sợi tóc đã trao? Có bao nhiêu mộng đã chìm?
Những câu hỏi lơ ngơ lớ ngớ. Và bởi không muốn lớ ngớ lơ ngơ cho nên tôi không có lời đáp. Chỉ có một lời đáp duy nhất thì Phù Vân đã chẳng muốn nghe.
Tôi đã cho Vân những gì? Vân đã cho tôi những gì? Không là gì cả của nghĩa nhận và cho.
Bởi vì, cuối cuộc, trò chơi đã chấm dứt, Phù Vân đã ở một đời riêng định phận.
LÊ MIÊN TƯỜNG
(Blao, 27.10.1972)
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 83, tuần lễ từ 28-12-1972 đến 4-1-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét