Em sinh trong mùa Đông. Vũ trụ mở ra từng cánh hoa tẩm hương nồng ngát. Vũ trụ khép vào ngàn tiếng khóc chia buồn. Mẹ bảo: "Hồi sinh ra con không khóc tiếng nào, cô đỡ phải đét hai ba cái vào đít mới ngoác mồm ra." Buồn nghê. Ngay khi còn nhỏ đã bị đòn, chẳng trách gì lớn lên ít khi em gặp điều may mắn.
Bố thường nói: "Hồi sinh ra con khổ ơi là khổ, mẹ mày đau ốm liên miên, bố thì thất nghiệp, nhiều lúc muốn quẳng cô vào thùng rác cho rồi." Em nghe mà nước mắt vòng quanh cho dù hình ảnh ấy chẳng biết là thật hay đùa nữa. Nhưng dù sao cũng cầu xin đấy chỉ là câu nói đùa cô con gái rượu của bố. Chả lẽ em họ Hoa Thơm lại là kẻ mang niềm bất hạnh đến cho mọi người kề cận.
Từ Saigon bố kéo gia đình lên Đà Lạt. Từ Đà Lạt bố tạt ngang sang Blao và bây giờ là Pleiku. Một tỉnh nhỏ hắt hiu miền núi, quanh năm nụi đỏ mưa bùn. Những nơi chốn dừng chân ngắn ngủi ấy chỉ để lại trong em chút kỷ niệm đậm đà nhưng nhòa nhạt. Em yêu làm sao những sớm sương mù dầy đặc, đóng áo len ra ngồi trên bực cửa nhìn áo len màu lũ lượt ngang qua. Em yêu làm sao những chiều xám thấp chạy từ trên Dốc Mơ xuống đón Hạ lại thăm. Hình như em có duyên nợ với sương mù và xứ lạnh nên Phố Núi bây giờ cũng là xứ lạnh sương mù.
Ở nhà, mỗi người là một thế giới biệt riêng. Bố, suốt ngày là băng nhạc, máy móc và bây giờ, vòm trời lửa hạ với bổn phận ngày ngày trước mắt. Mẹ, bận rộn luôn với những công việc từ đâu mò tới. Chỉ có em và Tuấn Khanh luôn là một đầu đề cho các em riễu cợt: "Ba mươi sáu xương sườn" cộng "hột đậu đen", "lép" với "tròn". "Mẹ sinh hai anh chị giống như Nam cực và Bắc cực, ông Thiện và ông Ác", nhưng Khanh còn có Lý, chủ nhật nào cũng dắt nhau "triển lãm". Rốt cuộc thì cũng chỉ mình em khép kín trong thế giới thu nhỏ ồn ào đó.
Trường Mơ Điệp bây giờ xây cao, đứng trên lầu tư em có thể thấy xa xa ngôi nhà Bướm Vườn nhô cao trên con dốc Hoa Phượng. Mắc cỡ biết bao một lần Rosa bắt gặp: "Lêu lêu. Ngày nào chả gặp mà đứng đây nhìn mãi. Xa thế này làm sao trông rõ hắn." Chả bao giờ có ai hiểu được Hoa Thơm và Bướm Vườn nhớ nhau đến thế nào.
Trung Thu vừa rồi, trời mưa lâm râm. Trăng sao ngủ sớm trên bầu trời đen thinh lặng đến rợn người. Em một mình ngồi trong quầy nghe nhạc nhìn người ngửi khói mà nước mắt chực rơi. Bởi thế nào đi nữa thì em cũng phải hiểu rằng, đời sống chỉ như một xâu chuỗi dài quàng vào đời người mà nghe từng hạt nước mắt rơi xuống tim rất mặn.
Trên trời mong như chim liền cánh
Dưới đất mong như cây liền cành
Sao cầu xin nhiều
Mà mấy điều được nguyện
Bướm Vườn ạ. Giòng họ Hoa Thơm thì muôn đời chỉ như lớp sa mù che phủ mọi đường đến lối về tim.
Tháng năm xưa Phố Núi ồn ào, gia đình hối hả dọn về Saigon. Buổi sáng ngồi trên xe hàng, nhìn dốc Hoa Phượng qua khung cửa nhỏ mặc gió réo trên tóc, mặc mưa gõ trên tay mà nước mắt rưng rưng. Đến khi ấy em mới hiểu rõ tình thương cho Phố Núi, Bướm Vườn nhiều biết cơ man nào kể.
Em về Saigon, về vùng trời ngát hương thơ ấu với một chút âu sầu giấu kín trong tim. Về để thấy rằng trong bóng lá đan nhau của khu vườn xanh ngắt kia, bóng đôi chim bồ câu trắng đã mất dạng và dưới bậc thềm rêu phủ mượt mà, những đóa hoa mười giờ héo rũ. Em về để thấy rằng tuổi nhỏ như một nơi chốn dừng chân ngắn ngủi. Em đã qua tự hôm nào không biết.
Tối xưa nằm bên Phố Hạ nhớ về Yên Đỗ với đằm đằm tiếc nuối. Rồi Chín, Minh, Phương, Hải cũng phủi tay, quay lưng với tiếng cười lênh láng, ánh trăng, bóng lá cùng trò chơi Thiên đàng Địa ngục. Thiên đàng địa ngục hai bên, ai khôn thì lại, ai dại thì xa, đêm nằm nhớ chúa nhớ cha, đọc kinh cầu nguyện nhỡ sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng. Được chúng mình mê say hồi thơ trẻ. Tám chín giờ tối là khoảng sân đã đong đầy trẻ nít. Trò chơi rồng rắn, Phố Hạ luôn dẫn đầu, làm mẹ và bao giờ cũng vậy, em luôn là cái đuôi run rẩy khi ông thầy cho thuốc rượt theo. Chẳng bao giờ chúng mình còn được ngồi dưới gốc bồ đề, nghe anh Thanh kể về một vòm trời màu sắc nữa, phải không những bạn của ngày xưa. Thiên đường thơ trẻ của chúng mình đã khép. Ngậm ngùi còn lại "đá mòn rêu nhạt".
Ngay từ hồi nhỏ, em đã phải cậy nương vào vòng tay Nhã Tần che chở. Sợ hết vía những lần Chín xâu thằn lằn thành chuỗi dọa quàng vào cổ em làm quà cưới. Lúc đó em chỉ biết khóc và cười ròn khi thấy Nhã Tần đè Chín ra tát vào hai bên má: "Không được hỗn. H. là của tao. Tao xí trước mày." Câu nói ngây ngô ấy in đậm trong tâm hồn em những đường nét đẹp như mơ. Trước ngày trở lại Phố Núi, em có lại thăm Nhã Tần. Hai đứa chỉ nhìn nhau cười. Nụ cười chắc hẳn mang nhiều ý nghĩa như câu thơ Tần chép cho trên giấy hương trầm.
Nhìn nhau bối rối
Nhìn nhau chờ đợi
Nghìn đời cách ngăn
Tình duyên không tới.
Em có nên hay không nhắc Bướm Vườn về một ngày sinh nhật sắp tới. Tháng 12. Mùa đông mở ra như một thân quen từ lâu không ngờ tới. Nhớ năm xưa. Buổi tối lén bố mẹ ra ngồi trên thành cửa, đếm mười một ông sao nhỏ, lựa mười hai ông sao to mà tưởng như món quà Li gửi về từ một góc mồ quanh năm lạnh lẽo. Ôi, đêm sinh nhật thinh lặng đến với em bằng nước mắt lẫn tay chào. Nước mắt khóc người đã bỏ rơi và tay chào nụ cười đã nghìn đời bặt vắng.
Tựa như lá cây
Ta nằm xuống ngủ giấc dài
Không lời ru, không hơi thở
Em đừng khóc chỉ nên cười
Bởi sống chết chỉ như thân gởi
Này cát bụi phải trở về bụi cát.
Con đường dẫn đến lũng Sa Mù sẽ chẳng bao giờ in dấu chân Hoa Thơm lẫn Bướm Vườn. Rồi cũng như mộng. Giấc mộng mờ bao phủ một đời người. Rồi cũng như đốm sáng lập lòe lóe lên trong khoảng không vô tận. Bởi cuối cùng thì em cũng hiểu, trong muôn ngàn bến bờ chờ đợi, tỉnh nhỏ tội nghiệp này chỉ như một lằn ngang khuất vào quên lãng, phải không hở Bướm Vườn? Cho dù sự hiểu muộn màng ấy có tựa như mũi gai đâm vào tay rướm máu...
NGUYỄN THỊ VÔNG VANG
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 81, tuần lễ từ 15-12 đến 22-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét