Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

TƯ HƯƠNG - Yên Nhiên

 
 



 
 
 
 
 
 
 
 
 Chồi xanh lộc nõn điểm cành lê
Nhắc nhở rằng xuân sắp sửa về
Khắc khoải giao thừa hồn viễn khách
Bồi hồi mây trắng chốn làng quê
 
Ngổn ngang trăm mối lòng se thắt
Bao nỗi cơ hàn khó liệu bề
Non nước dặm ngàn thân lữ thứ
Sầu này xin gửi ngọn thanh khê

                                                       Yên Nhiên
 

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

TRÚNG SỐ - Khái Hưng

 

Bính và Mẫn nghỉ học rủ nhau vào hiệu Gô-đa chơi, vào chơi thôi chứ cũng chẳng định mua thức gì.

Trước bàn trả tiền, hai chàng ngây người đứng ngắm cô Pháp lai thủ quỹ. Cô tươi cười hỏi Bính:

- Thưa ông, cái gì của ông?

Bính nhìn Mẫn. Cô kia hỏi luôn Mẫn:

- Và ông?

Thấy hai chàng luống cuống, cô mủm mỉm cười nói tiếp:

- Chừng ông muốn mua một số phiếu thi xe đạp?

Rồi cô mở tập phiếu ra, bàn tay trắng trẻo cầm một tờ toan xé:

- Ông mua số này thế nào cũng trúng. Số độc đắc là một cái xe mô-tô. Tay tôi xé may mắn lắm, giá có một đồng thôi.

Bính tưởng nên trả lời một câu tình tứ:

- Tay cô xé cho biết bao nhiêu người rồi, mà đều may mắn cả.

- Nhưng riêng phiếu này may mắn nhất.

Hai chàng chống lại sao nổi cái nụ cười thơm tho. Bính thì thầm hỏi Mẫn:

- Anh có tiền đấy chứ?

- Tôi chỉ có năm hào.

- Tôi cũng vậy.

- Vậy mua chung nhé?

Tức thì hai chàng dốc cả túi đếm đủ mười hào lên miếng đồng vuông trên bàn trả tiền, để đổi lấy cái cười đủ hai hàm răng trắng nuột, và một phiếu đánh số xe đạp.

*

Mẫn không tiếc lời kỳ kèo bạn, kỳ kèo cho đến hôm xem nhật trình thấy mình trúng số độc đắc. Từ đó, cố nhiên hai chàng không ai kỳ kèo ai nữa. Bính toan đến ngay Gô-đa cám ơn cô Pháp lai xinh đẹp. Mẫn cho thế là hơi lố, nên gạt đi.

Hai chàng đến lĩnh xe mô-tô. Đứng trước chiếc xe bóng loáng, hai chàng sung sướng như người... mới trúng số độc đắc. Mẫn hỏi Bính:

- Anh có biết lái xe mô-tô không?

Bính gật gù tự phụ:

- Còn phải nói. Đến xe ô-tô tôi còn lái được, nữa là xe mô-tô.

Mẫn buồn rầu ngẫm nghĩ:

- Vậy thế nào ta cũng phải bán xe.

- Nhưng làm thế nào đem được nó về bây giờ. Hay ta thuê xe bò kéo.

Mẫn cười:

- Kìa, anh đã quên rằng anh lái xe mô-tô giỏi hơn lái xe ô-tô.

- Ồ nhỉ!

Sau khi đã hỏi người thợ máy ở hãng xe về các máy móc, Bính liền cưỡi xe cho chạy. Nhưng cái xe còn mới lạ chưa quen chủ, nên nó bất kham chẳng chịu đi. Bính, Mẫn đành thay nhau dắt nó về chỗ trọ học.

Sau khi Bính, Mẫn đã giở hết tài hùng biện và đi khắp mọi nơi để tán tụng cái xe quý, thì một người đội Tây nghe bùi tai bằng lòng trả lại hai trăm bạc, nghĩa là chưa đầy nửa số tiền thực giá của nó. Nhưng hai chàng cũng mừng quýnh bắt tay cảm ơn mãi người đội mà hai chàng coi như ân nhân của mình. Bính bảo Mẫn:

- Với hai trăm bạc ấy, chúng ta sẽ mời anh em chén một bữa thực sang, rồi tặng một cái cúp ten-nit thực oai ê-xê-tê-ra... ê-xê-tê-ra...

Nhưng trước khi được hưởng những lạc thú ấy, hai chàng còn phải chịu khó một lần cuối cùng dắt xe tới một hiệu chữa xe ở phố Cửa Nam để người thợ máy ở đấy soát lại máy móc một lượt. Người đội hứa hôm sau sẽ đem tiền đến đó lấy xe.

Hôm sau Bính trở lại hiệu chữa xe Cửa Nam để nhận tiền. Mẫn đã đến trước. Bính hỏi:

- Nó đâu?

Mần bĩu môi đáp:

- Nó đã trở nên một đống sắt nát.

Bính không hiểu, kinh ngạc:

- Anh bảo lão đội?

Mẫn thản nhiên:

- Không, tôi bảo cái xe. Kìa anh trông.

Bính ngắm chiếc xe mô-tô rúm ró trong một xó:

- Anh chỉ nói đùa!

- Lại đùa nữa.

Người chủ hiệu phải buồn rầu và thuật lại sự rủi ro khi thử xe cho Bính nghe. Bỉnh mới tin là thực. Mẫn cũng trầm ngâm đứng nghĩ tới sự rủi ro của bữa tiệc và cái cúp ten-nít.

- Nhưng không sao, để tôi chữa lại mới nguyên.

Bính gắt:

- Mới nguyên! Xe của tôi giá năm trăm bạc mà ông làm ra nông nỗi như thế kia... Không được, ông phải đền tôi. Giá xe năm trăm bạc, tôi chỉ lấy hai trăm thôi.

Chủ hiệu không có hai trăm và xin đền bằng bốn cái xe đạp mới. Mẫn đã toan nhận lời, nhưng Bính nhất định không nghe, đòi cho bằng được hai trăm không thì kiện.

Bính tưởng dọa đùa một câu để chủ hiệu có sợ mà đền tiền chăng. Chẳng ngờ đùa quá hóa thực. Là vì Bính, Mẫn có một người bạn làm thư ký cho một ông thầy kiện ở Hà thành. Người bạn ấy bảo hai chàng:

- Quan trạng của tôi cãi đâu được đấy. Các anh chạy lấy ba chục, tôi sẽ nói ngài cãi giúp các anh. Đền hai trăm à? Năm trăm là ít.

Chiều hôm ấy, Bính Mẫn mỗi người gửi về nhà một bức điện tín tối khẩn như sau này: "Gửi ngay tiền học ba tháng tới, nếu không sẽ bị đuổi".

Và hôm sau mỗi người nhận được một cái ngân phiếu ba chục. Món tiền học ba tháng lớp nhất trường trung học Albert Sarraut ấy tức thì trở nên tiền giấy mực trạng sư.

Chủ xe tuy cũng thuê trạng sư, nhưng ý chừng ông trạng ấy còn kém cỏi, vì một năm sau, Bính, Mẫn được kiện.

Được kiện mà mất cho trạng sư có gần trăm bạc, thành thử lãi những hơn bốn trăm, vì tòa xử bên bị phải đền bên nguyên đủ số tiền năm trăm.

Bính Mần, suýt hôn thầy kiện của mình. Rồi hai chàng nhờ ngay thừa phát lại đến hiệu chữa xe ở phố cửa Nam đòi tiền.

Một lát sau, thừa phát lại trở về.

Mẫn mừng quýnh hỏi:

- Nó trả rồi chứ?

Thừa phát lại thản nhiên trả lời:

- Nó vỡ nợ đã ba tháng nay, và hiện ở đâu không biết, vì không để đia chỉ lại.

*

Chiều hôm ấy Bính, Mẫn vào Gô-đa để di dưỡng cặp mắt và cố quên nỗi phiền muộn trong lòng.

Sau một năm, cô Pháp lai ở bàn trả tiền vẫn nhận được Bính, cái anh chàng hay ngắm nghía mình. Cô ta hỏi:

- Thế nào, năm ngoái ông có trúng số không?

Binh nhìn Mẫn suýt ứa nước mắt.

- Có trúng, trúng số độc đắc.

- Trời ơi! Trúng số độc đắc! Đã bảo tay tôi xé phiếu may mắn lắm mà!

 

KHÁI HƯNG     

 (Trích từ tập truyện ngắn Đội Mũ Lệch) 

 

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

SẦU NGÂM - Tôn Nữ Thu Nga

 
Ảnh : Dương Quốc Định

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 em nằm giữa cõi phù vân
tóc bay như lá cây hàng liễu dương

gió về vạn ngả, trăm đường
áo em lụa nhạt nghê thường vóc hoa

tờ thư mù bóng nhạn sa
chắc người đã lãng quên ta lâu rồi

thôi ta từ giã cuộc chơi
ngậm ngùi gõ nhịp hát bài sầu ca

đêm nghe dế nhỏ thầm thì
ngày nghe cầm thú gọi lên tiếng rừng

chiều chiều tắm đẫm: tà dương
ứa dòng lệ bạch như sương nhạt nhòa

Tay non vò xé nụ hoa
gót hồng ngơ ngẩn, nắng lòa mưa bay

dùng dằng từng bước nhớ ai?
tiếng chim như thể xé dài cơn đau

hỏi hoa, hoa đã thay màu
hỏi lòng, lòng đã trao nhau lỡ rồi

thì thôi, thôi, cũng đành thôi!
dòng dòng lệ ngọc thắp ngời đêm đen

người về đâu dấu chân quen
hai bàn tay nõn, lạnh mềm trong tay

ước mơ thì có vậy thôi
nhưng mơ ước cũng ngậm ngùi sầu tư

                                            TÔN NỮ THU NGA

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 86, tuần lễ từ 25-1 đến 1-2-1973)


Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

LÊN XỨ LẠNH NHỚ MẶC THÊM ÁO ẤM - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Chiếc xe ca từ phi trường đưa anh về thị xã. Nhà cửa phố chật như thu nhỏ lại, co ro dưới những mái ngói đỏ. Đã hết mùa đông chưa, nhưng mùa lạnh đó có qua đi thì cũng bắt đầu vào mùa xuân, trời lạnh không kém.

Anh đi bộ trên con dốc cao, miệng lập cập thở đầy khói trắng. Trời không có ánh nắng, da thịt không giọt mồ hôi. Những người đi đường ở đây đều trở nên to lớn thùng thình trong mấy lớp áo ấm dầy cộm, ngoài còn choàng áo manteau và khăn quấn kín cổ. Riêng anh thì không, anh mặc áo sơ mi xăn tay lên tận cùi chỏ như thường lệ, cổ áo để hở, bít tất mỏng và bàn chân như đau buốt tê tái trong chiếc giày sắp rách đế.

Từ lâu, anh chỉ ở lì tại Sài gòn. Một thành phố nóng, rất nóng, tắm một ngày hai lần vẫn còn nhột nhạt mồ hôi. Áo mỏng bỏ ra ngoài, chân đi dép lè phè, mỗi buổi trưa nắng nung lửa trong không khí làm anh không ngủ được, anh phải ra quán cà phê ba Tàu góc đường, gác chân lên ghế, mượn tờ nhật báo rách nát in đầy chữ tàu chằng chịt để phe phẩy quạt, và uống một chai bia lớn với thêm thật nhiều đá lạnh.

Nhưng ở đây, nghĩ đến những thỏi đá lạnh, những ly kem bốc hơi... trời ơi, anh đã thấy ớn người như bị nhét cả một đống nước đá bào chảy tràn lan trên da bụng. Mặt mũi chân tay như se lại, mốc khô, da lấm tấm sần sùi như một đùi gà luộc, môi khô cứng sần sượng, điếu thuốc lá cháy tàn kẹp phỏng giữa kẽ tay một lát mới nhận ra.

Trời lạnh thì thú vị tuyệt vời rồi. Nhưng với điều kiện phải nhốt mình trong hai ba lớp áo ấm, hay cuộn mình trong chăn lơ mơ đọc sách, hay ngồi trong phòng nhỏ ấm áp, tay bỏ vào túi quần, nghe nhạc, âm điệu dịu dàng bất tận, thêm một chiếc gạt tàn đầy ắp tàn thuốc lá... Xin thêm một bình hoa hồng hay hoa cúc cho có vẻ đông đúc quây quần, thêm một cánh sổ nhìn ra hàng trăm mái nhà dưới chân đồi, dưới thung lũng.

Và thêm nữa... thêm nhiều nữa, hai bàn tay giá lạnh siết chặt quấn quít mười ngón tay đan vào nhau, và ngón áp út của nàng hãy khoan đeo nhẫn cưới hỏi gì hết. Cũng còn thiếu, xin thêm nữa... một nụ môi hôn chết điếng người không chịu dứt ra cho đến khi rã rời. Thêm nữa, hơi ấm nóng rực của thân thể nàng ôm chặt, mềm mại theo làn áo len có những sọc nhỏ. Cứ ôm nhau như thế mãi, người nàng ấm lắm.

Và cứ xin thêm nhiều nữa (phải biết đòi hỏi, phải mở miệng xin mới có chứ) cho đến lúc cả hai hợp tác với nhau đuổi cái lạnh chạy dài mất biệt, không ai còn thấy lạnh nữa. À, lúc đó, ái tình, mặt trời đỏ ối chói lòa trong miền tuyết giá. Ái tình, mặc áo len thượng hạng bằng da gấu cho những thân thể trần. Chà... anh phải ghi nhớ điều này vào trong óc mới được : không phải chỉ có bốn mùa xuân hạ thu đông mà thôi, còn có thêm một mùa thứ năm nữa, mùa ái tình, ở xen lẫn chen chúc trong tất cả bốn mùa kia, và nó không lạnh run, không nắng cháy, không lá rụng, không hoa nở gì cả. Mùa ái tình chắc chắn không phải là mùa lạ lùng nhất, nó trộn lẫn tan hòa vào nhau tất cả những hoa lá, ánh nắng gió mưa. Tuyệt diệu biết bao.

Nhưng đáng buồn thay. Giờ đây, lủi thủi một mình ở Cao nguyên vào lúc sáu giờ chiều, những điều trên đây chỉ là ảo ảnh. Như trong chuyện bằng hình màu, có gã thuyền trưởng rậm râu khát nước cháy cả cuống họng ở sa mạc, mắt nhấp nhem thế nào mà trông chú nhỏ Tin Tin hóa ra chai rượu vang quý lâu đời.

*

Anh đứng ngơ ngác giữa phố, chợ chiều vắng người dần. Thành phố sửa soạn mau chóng cho một đêm xuống, chắc là phải rất âm u hoang vắng. Vì ở đây có gì đâu, không ánh sáng đèn màu của phòng trà, rạp hát bóng thưa thớt người, lạc lõng vang một bản nhạc xưa cũ nghe rè rè, thiếu những hàng quán lấp lánh ánh sáng sau lớp kính thủy tinh choáng lộn, đường vắng hẳn bộ hành dạo chơi qua lại. Ở đây, vào buổi tối, nghe nói người ta chỉ tụ họp bên cạnh lò sưởi, cửa ngõ đóng sớm vì chẳng mong ai đến thăm nhà trong lúc này.

Thế mà trước khi hai cánh cổng lởm chởm những cọc gỗ nhọn được khéo ập vào nhau, bao quanh bằng một sợi xích lớn. Trước đó một phút, trời chưa tối hẳn, anh đã lách mình vào kịp.

Đống củi chất ngổn ngang trong sân nhà với một cây búa dùng để chẻ củi vứt cạnh bên, hình ảnh đó làm anh ấm lòng. Dấu hiện hứa hẹn những thanh củi và diêm bào đốt bùng trong lò sưởi, lửa màu huyết dụ nóng ran người và lung linh.
 
Cây hoa anh đào không cho thấy màu hồng thắm vì đã khuất lấp trong bóng chiều tà. Những bông cúc dại có lẽ là màu tím, vương vãi trên bồn cỏ và hai bên cổng vào sân.

Anh hút thêm một điếu thuốc, ngồi xuống trên một đống củi lớn, bồn chồn nhìn quanh quẩn khắp ngôi nhà. Chẳng có gì lạ, sau vài ba năm anh không thấy mặt nó.

Cũng mái ngói đỏ, dầu ủ dột mầu rêu buồn bã, tường vẫn quét vôi màu hồng, loang lỗ nhợt nhạt nhiều chỗ, những cánh cửa đều đóng kín và tối đen, chỉ trừ một chút ánh sáng vàng hắt ra từ khung cửa cao, ở tầng gác trên.

Chỉ có thế, và dĩ nhiên vẫn còn cây cầu gỗ nhỏ làm lối ra vào vì ngôi nhà tình cờ xây ở một nơi cách mặt đường một bờ ao khá sâu. Những thanh gỗ xếp làm chiếc cầu tạm đã mục, trơn trợt và rung rinh dưới bước chân an , anh không chắc nó sẽ không sụp đổ dưới những bánh xe bò.
Nhưng dầu sao, anh cũng đã vào sân nhà rồi, chần chờ một lát, gió rít từ những cánh rừng xung quanh thổi mạnh thêm. Thị trấn ngoài kia như mất hút, biệt tích trong lòng thung lũng tối, dầu lốm đốm mỗi nhà một ánh sáng nhỏ, nhưng mù mờ xa xăm quá .

Anh không chịu nổi cái lạnh, anh tê điếng người và nghĩ rằng mình sẽ trở thành một cái cây mùa đông chết đứng nếu cứ ngồi ngoài trời như thế này mãi. Anh vòng tay trước bụng, gù gù mình xuống thấp cho bớt lạnh, rồi lóng cóng bước lên bậc thềm. Tay gõ vài tiếng e dè vào cửa kính. Tiếng động cọc cọc gởi trả lại cho một mình anh. Anh tiếp tục gõ cửa, tiếng động mạnh mẽ nôn nóng hơn nhưng cũng trả lại trong tai anh một cách buồn bã.

Anh ngước mặt trông ngóng ánh sáng duy nhất từ căn phòng trên. Nhưng mọi sự đều bất động, căn nhà vẫn đầy bóng tối ù lì câm nín.
 
Anh đấm cửa bằng bàn tay nắm chặt lại, tấm cửa gỗ mỏng manh nhưng anh có cảm tưởng như một bức vách dầy cứng.
 
Anh lặng người muốn khóc, áp mặt vào cửa, mắt nhắm nghiền lát lâu lại mở ra trừng trừng cố nhìn xuyên qua những kẽ hở của cánh cửa. Tối đen. Anh mở miệng định la lên, định gọi tên một người bỗng anh sợ hãi dừng lại. Anh không xứng đáng gọi tên người ấy.

Anh mệt lả người trong cơn đói và lạnh, đầu gối anh lại quỵ xuống dần. Anh sắp sửa thiếp ngủ dưới mái hiên, bỗng ánh đèn đột ngột bừng cháy sáng trong nhà, lan ra từ khe cửa. Anh mừng rỡ gõ thêm vài tiếng. Bên trong hình như có tiếng thở mạnh lo sợ. Rồi tiếng nói cố gượng vẻ cứng cỏi vẳng ra.
 
- Ai đó ?
 
Anh đã nhận ra tiếng đàn bà quen thuộc ấy. Sợ hãi lẫn vui mừng nôn nao hỗn loạn trong con người anh. Anh ấp úng cố trả lời:
 
- Tôi...
 
Bên trong lại rơi vào hoàn cảnh lặng thinh nghe ngóng. Anh lắp bắp nói tên mình cho người đàn bà trong nhà biết. Một lát sau. Ở trong vẳng ra tiếng nói , hết vẻ lo lắng nhưng nghe rất khô khan lạnh lùng, và chính điều đó làm anh giá lạnh hơn cả. Hơn tất cả. Núi rừng, mưa, gió, đêm mùa đông... đều ít lạnh hơn tiếng nói thân thiết nhưng giờ đây sắc nhọn đâm vào lòng anh.
 
- Anh về đây làm gì nữa ?
 
Anh run rẩy nói nhỏ:
 
- Anh không biết... Em mở cửa cho anh vào.
 
- Nếu không biết thì vào làm gì ?
 
- Anh lạnh... ở ngoài này trời lạnh lắm.
 
- Tôi biết, đây là miền núi mà.
 
- Nhưng bây giờ trời lạnh quá, hơn lúc trước nhiều... Em, đã hết mùa đông chưa ?
 
Có tiếng hứ giọng rồi tiếng mai mỉa:
 
- Anh mà còn để ý tới mùa thu mùa đông gì à ?
 
- Thôi... em. Anh sẽ nói chuyện nhiều sau... nhưng mở cửa cho anh vào đã... em. Nhà còn lò sưởi chứ ?
 
- Còn. Nhưng tôi tắt lửa rồi, mấy lúc này hay đi ngủ sớm.
 
- Để anh chụm lửa lại, nhưng... anh phải vào nhà đã. Mở cửa cho anh...
 
Dằng co giữa hai người một lúc lâu, và anh nghĩ rằng mình sẽ chết mất nên bao nhiêu hơi ấm hiếm hoi còn sót lại trong người cứ bay theo những lời van xin năn nỉ. Anh im lặng không nói gì thêm nữa, thân hình anh tựa sát vào cửa, tay gõ trên lớp gỗ một cách đều đặn đến chai lì.

Bỗng chốc có tiếng chìa khóa lách cách trong ổ, cánh cửa hé mở cùng giọng nói một người đàn bà :
 
- Vào đi. Tôi cho anh năm phút thôi rồi anh đi đâu tùy ý.
 
Anh chạy vào trong nhà, cố lết đến chiếc ghế bành để thả người rơi xuống co ro trong làn nệm ấm. Anh đưa cả hai tay vào lò sưởi nhưng như lời nàng nói, lửa đã dụi tắt từ lâu. Anh quỳ gối xuống sàn nhà khom mình khơi diêm bào phủ lên những cây củi thông nhỏ cháy nửa chừng, anh quẹt diêm châm lửa, phút chốc, lò sưởi bùng lên ánh lửa đỏ nhảy nhót hơi nóng cuồn cuộn thấm dần trên da thịt anh.

Anh cảm thấy dễ chịu đôi chút. Bây giờ anh mới quay lại nhìn người đàn bà.
 
Nàng nãy giờ vẫn đứng yên, hai tay thu dấu dưới tấm áo choàng xám thùng thình dài đến tận gót. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh, và ánh mắt nàng lạnh lẽo như một giọt mưa đá.


Ngày ấy... có lẽ rằng mới hơn hai mươi tuổi, thế mà chỉ mới vài năm qua, trông nàng đã mệt mỏi già dặn như một thiếu phụ. Tóc nàng, ngày xưa đen nhánh chảy mềm thân yêu trong tay anh, vì anh đã có dịp cài trên đó một bông hoa sứ trắng... giờ đây mái tóc nàng bịt kín trong tấm khăn quàng đầu. Thân hình nàng cũng thay đổi hay có lẽ anh không thấy được vẻ mảnh mai khi chiếc áo ấm dầy màu đen che phủ tất cả.

Nàng làm anh đau lòng, ngày xưa nàng đâu có tiêu điều thế này. Anh gượng mỉm cười với nàng, hai tay đưa về phía nàng như muốn ôm trọn tấm thân nồng nàn yêu dấu ấy trong tay. Nhưng nàng đã quay mặt đi giận dữ.
 
Anh chợt thấy trên sập tủ gần anh có đặt một chiếc bình sứ cũ cắm vài bông hồng màu vàng, ngày xưa nàng đâu thích loài hoa này. Gần đó là một chiếc máy hát kiểu thật xưa, có một đĩa bắt đầy bụi đang đặt sẵn sàng trên máy, hình như nàng vừa nghe một đoạn nhạc nửa chừng nào đó rồi tắt.
 
Anh cũng muốn nghe một chút nhạc trong lúc này nhưng anh không dám cử động gì nhiều. Không khí trong phòng, dầu bây giờ đã ấm áp chút ít nhờ ngọn lửa và tiếng nổ tí tách của củi, nhưng vẫn còn căng thẳng như sắp nổ bùng tan vỡ nếu anh có cử động mạnh bạo nào.
 
Anh duỗi chân ra cho đỡ tê cóng, hơi ấm đã dần dần trở lại trong người anh. Anh ngậm một điếu thuốc, châm lửa từ lò sưởi nóng rực. Khi anh quay lại, nàng đã bỏ đi đâu mất, đèn dưới bếp chợt sáng lên và anh nghe thấy những tiếng vui tai của ly tách chạm nhau.

Lát sau, khi anh mơ màng thiếp ngủ, một chiếc tách dằn mạnh trên thành ghế cạnh anh làm anh giật mình nhổm dậy. Nàng lạnh lùng chỉ vào tách cà phê đang bốc khói và một mẩu bánh mì, miếng pho mát trắng nhỏ. Anh mỉm cười cám ơn nàng nhưng nàng vội vàng quay đi, đưa tấm lưng câm nín trước mặt anh. Anh vội vã nhai bánh mì rào rạo thật ngon lành trong khi bụng đói. Và sau cùng là một hớp cà phê nóng.
 
Bây giờ , mới có tiếng nói của nàng:
 
- Mấy năm nay anh làm gì ?
 
Anh đặt tách cà phê xuống bàn, bối rối:
 
- Anh viết... một vài thứ, có lẽ anh là... nhà văn.
 
Giọng nàng mỉa mai:
 
- Chà... nhà văn, chữ nghĩa... nghề đẹp lắm. Nhưng anh đã viết được những thứ gì ?
 
Anh gượng cười, lúng túng:
 
- Anh viết... những chuyện tình.
 
Nàng bĩu môi tỏ vẻ khinh miệt, tiếng nói nàng chua chát:
 
- Chuyện tình ? Anh mà biết gì về tình yêu ?

Anh không trả lời nàng được. Anh cúi đầu lặng thinh xấu hổ. Phải, nàng nói đúng, anh mà biết gì về yêu. Ngày đó anh và nàng có nhau gần gũi trong tay, anh suốt ngày thủ thỉ bên tai nàng những lời yêu thương ngọt ngào, và dìu nhau trong hoàng hôn êm ái trên những con đường mòn của đồi thông vắng lặng, bên hồ, quán cà phê, thung lũng... Anh đã nói tiếng yêu triệu lần cho anh, một đêm thân xác nàng hừng nóng trao phó cho anh đang cuồng si ham muốn, đêm đó vào mùa thu, thân thể cả hai tan tành trong nhau không gìn giữ lại một chút gì và anh đã nhắc đến một hôn lễ vào mùa đông sắp đến. Thế rồi, anh bỏ nàng, bỏ tất cả những dấu chân đã in trên lớp đất đỏ miền núi này, anh lao đầu xuống những thành thị lộng lẫy quyến rũ với những tham vọng, tiền bạc, những gái chơi giang hồ qua đường... và gì nữa... và những ánh sáng ma quái thu hút anh làm con đom đóm vật vờ trong nhiều năm cho đến ngày ngã gục, xơ xác trở lại đây. Như thế, anh làm sao còn dám nói gì về tình yêu ?

Nàng ngồi xuống bên "đi văng", nhưng cách anh một khoảng xa, nàng tiếp tục nói:
 
- Anh có viết gì về cái chết không ?
 
- Chưa.
 
- Dĩ nhiên rồi. Anh mà biết gì về chết chóc. Mẹ tôi đã buồn rầu sinh bệnh vì tôi, vì anh. Bà mới chết năm ngoái.
 
Trời còn lạnh nhưng vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh. Anh ôm lấy đầu như muốn bịt kín trí não lại, không dám nghe điều gì nữa.
 
Nhưng giọng nàng vẫn tiếp tục lạnh giá sắc bén như trong ngày phán xét.
 
- Anh có viết gì về đau đớn, và tội ác không ?
 
- Chưa...
 
- Bởi vì anh chẳng biết gì về chuyện đó cả, anh nhắm mắt làm lơ vô trách nhiệm, vô tội vạ để chỉ mình tôi hứng chịu...
 
Giọng nàng chợt run rẩy nhưng nàng cố gượng tỉnh táo và bình thản tiếp tục:
 
- ... Tôi phá thai rồi đó. Chắc anh không biết mình đã có một đứa con... không... chưa phải, chỉ mới một bào thai mấy tháng.
 
Mồ hôi chảy dài trên sống lưng làm anh rùng mình lạnh buốt. Anh ngã quỵ trước lò sưởi, cho hai bàn tay gần như nắm lấy những thanh than củi cháy rực nhưng vô ích, cái lạnh đã trở lại và lần này không có một lò sưởi nào xua đuổi được. Có lẽ nàng vừa chùi vội nước mắt trong tay áo nhưng nàng ngẩng đầu lên ngay, nét mặt cứng cỏi trơ lạnh. Nàng nhích mép, không phải là để cười, môi nàng chỉ hoàn toàn là dấu hiệu khinh miệt:
 
- Anh là một nhà văn tồi .

Anh đau đớn lặng người như vừa bị ai đánh mạnh vào một vết thương cũ. Tính anh nhạy cảm đến độ mỗi khi nghe thấy một lời chê bai nào nhẹ nhàng đến đâu, cũng làm anh buồn bã. Nhưng lần này, những lời nói của nàng đánh thốc vào bụng anh dữ dội làm anh đau nhói.
 
Bởi vì anh biết nàng nói đúng. Rốt cuộc, anh là một nhà văn tồi, một người huênh hoang kênh kiệu với những điều rỗng tuếch trong khi chân bị hụt hẫng dưới hố sâu, sẽ làm anh tan xác bất cứ lúc nào.

Anh đã sống, đã biết, đã thâm cảm được gì với Tình Yêu, Cái Chết, Đau Đớn, Tội Ác...? Thế mà anh đã nóng nảy đuổi theo tiếng cười hời hợt giả tạo bên ngoài, để được nghe những tiếng vỗ tay hoan nghênh của đám người bỏ tiền ra mua vui trong chốc lát. Anh thua kém nàng xa. Nàng ôm ấp một mình với nỗi đau đớn bao la của nàng, còn anh lố bịch đi rêu rao những lời ngọt ngào mua chuộc.

Tiếng chuông đồng hồ bỗng đánh kinh coong rời rã . Giọng nàng quyết liệt:
 
- Đã quá năm phút rồi. Tôi sắp đi ngủ. Bây giờ anh có thể đi, khỏi cần lén lút như trước nữa.
 
Anh thẫn thờ đứng dậy. Lò sưởi đã tắt vì anh không buồn chụm thêm củi. Anh nghĩ đến trời đêm cao nguyên rét lạnh khủng khiếp bên ngoài, và có lẽ trời đang mưa lất phất. Nhưng anh không còn mặt mũi nào để cầu xin một xó nhà ngủ lại nữa. Anh run rẩy tiến đến cánh cửa đã mở sẵn, có nàng đứng chờ đợi bên cạnh. Một ngọn gió từ ngoài kia, có lẽ từ trên đồi, thổi hắt vào làm người anh gập đôi xuống muốn gẫy vụn ngã nhào trên sàn nhà. Nhưng lần này, anh cắn môi cho đến bật máu, cương quyết ra khỏi nhà.

Nàng chăm chú nhìn anh, nàng bỗng nói, vẫn không có chút dịu dàng nào cả.
 
- Chờ một chút. Tôi đi lấy cho anh một cái áo ấm cũ. Tôi không muốn thấy sáng mai anh nằm chết cóng trước sân.
 
- Anh sẽ cố đi xa khỏi nhà, càng xa càng tốt... Gần đây chắc có khách sạn nào...
 
- Tôi không biết. 
 
Anh ra khỏi nhà, đứng dưới mái hiên chờ nàng. Trong chốc lát, nàng đi ra, đưa cho anh một chiếc áo len kiểu đàn bà sờn cũ, áo lông màu xanh nhưng đã rách nhiều chỗ, nhất là ở hai cùi chỏ.

Anh nói cám ơn nhưng không mặc vào, và bước đi. Giọng nói nàng nhỏ lại sau lưng anh:
 
- Mặc vào đi cho khỏi chết rét. Và... lần sau... lên xứ lạnh nhớ mặc thêm áo ấm. 
 
Anh quay đầu lại:
 
- Có lần sau... nào nữa không ?
 
Nhưng nàng đã đóng ập cánh cửa. Một lát sau, cửa sổ duy nhất có ánh sáng, phòng nàng cũng tắt đèn. Ngôi nhà đen lầm lì như nấm mồ.

Anh đã bước ra đến đường, không quên đóng kín lại ngõ vào như sợ rằng mình sẽ yếu đuối trở lại.

Trời tối đen, lạnh kinh hồn dễ sợ.
 

Hoàng Ngọc Tuấn ( 1972 ) 
  

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

HÃY BAO DUNG NẾU BỐ MẸ GIÀ ĐI - Piere Antoine



Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… xin con hãy bao dung!
 
Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
 
Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ mà hãy lắng nghe!
 
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hằng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.
 
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
 
Con hãy nhớ lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
 
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu.
 
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
 
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ đôi chút thời gian suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình tức giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
 
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ, vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
 
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
 
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
 
Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
 
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình… và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ “sinh tồn”.
 
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
 
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
 
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời.
 
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…
 
Hãy giúp bố mẹ những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…
 
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
 
Thương con thật nhiều…   
 
Bố mẹ…    
 
 
Piere Antoine (Việt kiều Pháp)   
 

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

ÓC HÀI HƯỚC

 


Những mẩu chuyện chứng minh người hài hước có thể hóa dữ thành lành.

Người có đầu óc hài hước, không chỉ là người thông minh, hiểu chuyện mà còn có thể biến mọi chuyện trên đời thành một vở kịch vui, bình thản mà đối đãi. Những câu chuyện ý nghĩa dưới đây là minh chứng cho điều đó.

Tuyệt chiêu “cướp súng” của Sác-lô

Thiên tài phim câm Charlie Chaplin (Vua hề Sác-lô) từng đụng độ một tên cướp có súng. Chaplin biết mình ở thế yếu nên không hề chống cự vô ích mà ngoan ngoãn giao nộp ví tiền.

Thế nhưng ông đề nghị với tên cướp rằng:

“Số tiền này không phải là của tôi mà là của ông chủ tôi, bây giờ bị anh lấy đi rồi, ông chủ nhất định sẽ cho rằng tôi ăn chặn tiền công. Anh này, tôi và anh thương lượng thế này đi, nhờ anh bắn 2 phát lên nón của tôi để chứng minh là tôi bị cướp”.

Tên cướp đã nổ súng bắn hai phát lên trên nón của Chaplin. Chaplin lại xin hắn ta:

“Anh gì ơi, anh có thể bắn thêm 2 viên đạn lên áo và quần được không để ông chủ tôi tin tôi hơn”.

Tên cướp suy nghĩ đơn giản cứ thế làm theo và bắn hết cả 6 viên đạn. Lúc này, Chaplin đấm hắn ta ngất đi, nhanh chóng lấy lại ví tiền, cười haha rồi bỏ đi.

Kẻ trộm là anh ta chứ không phải là tôi

Trước khi ông Franklin D. Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, nhà ông bị trộm, bạn bè viết thư an ủi. Ông Roosevelt trả lời thư rằng:

“Cảm ơn thư của các bạn, bây giờ tôi rất bình tĩnh, bởi vì:

Thứ nhất, trộm chỉ lấy đi tài sản của tôi chứ không đe dọa tính mạng tôi.

Thứ hai, trộm chỉ lấy đi một phần chứ không phải tất cả.

Thứ ba, điều đáng mừng nhất đó là: kẻ trộm là anh ta chứ không phải là tôi”.

Một lời nói hài hước có thể khiến ổn định tình hình đất nước

Khi vừa nhậm chức không lâu, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có một lần bị ám sát, trúng đạn, viên đạn xuyên vào ngực ông. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, ông lại nói với người vợ vừa chạy vội đến bên mình rằng:

“Em yêu à, anh quên mất phải tránh đi”.

Khi người dân Mỹ biết tin tổng thống bị thương nặng mà vẫn không quên sự hài hước vốn có, họ đều hy vọng vào ngày ông khỏe mạnh, nhờ vậy mà đã có thể ổn định lại tình hình chính trị bị lung lay do việc tổng thống bị thương.

Sự việc xảy ra tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là bạn nhìn từ góc độ nào

Trong một buổi diễn thuyết của cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson, giữa chừng đột nhiên có một người gây rối lớn tiếng ngắt lời ông:

“Rác rưởi!”.

Tuy bị ngắt lời, nhưng ông Wilson lại nhanh trí bình tĩnh nói:

“Anh gì đó, mong anh kiên nhẫn cho, tôi sắp nói đến vấn đề bảo vệ môi trường mà anh đề ra rồi”, khiến cả hội trường đều vỗ tay khen ngợi phản ứng nhanh nhạy của ông.

Hiểu rõ cảm xúc của bản thân mới có thể nắm bắt được tương lai

Trong một buổi diễn thuyết công khai của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, bên dưới khán đài có người ném một tờ giấy có viết hai chữ “Ngu ngốc!” lên. Ông Churchill biết rằng bên dưới có người phản đối ông đang đợi nhìn thấy ông bị bối rối, ông bèn ung dung nói với mọi người rằng:

“Vừa rồi tôi nhận được một lá thư, tiếc là người viết chỉ nhớ ký tên mà quên viết nội dung”.

Ông Churchill không chỉ không bị ảnh hưởng với tâm trạng không vui mà ngược lại còn dùng sự hài hước để đáp trả đối phương, quả thật là một “chiêu” rất hay.

Hài hước thay đổi hoàn cảnh

Trong một lần tướng Dwight D. Eisenhower (một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ, đồng thời cựu Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34) tham dự một buổi tiệc có sắp xếp phần diễn thuyết, tổng cộng mời 5 vị khách quý đến góp lời, ông Eisenhower là vị cuối cùng lên sân khấu. Bốn vị trước đó mỗi người nói rất nhiều, đến lượt ông thì đã gần 10 giờ rồi.

Bên dưới khán đài đã không còn hứng thú nữa. Khi lên sân khấu, ông Eisenhower bèn nói:

“Bất cứ một buổi diễn thuyết nào cũng đều có câu kết thúc, tối nay để tôi làm câu kết thúc của buổi diễn thuyết này là được” rồi cúi chào lui xuống.

Bên dưới khán giả cười.

***

Có một lần, nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland (người đã đạt giải Nobel Văn học năm 1925) – ông George Bernard Shaw đang đi dạo trên phố bị một chiếc xe đụng phải ngã xuống đất, may là không có gì đáng ngại.

Người gây tai nạn vội vàng đỡ ông dậy và liên tục xin lỗi. Ông phủi phủi bụi và hài hước nói:

“Anh bạn không may rồi, nếu anh đụng chết tôi thì có thể nổi tiếng khắp thế giới rồi đấy”.

***

Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn rất thoải mái, tự do tự tại, hài hước thú vị khi giao tiếp với mọi người. Có một phóng viên hỏi ngài rằng:

“Phật giáo có cách nói không ăn quá giờ Ngọ đúng không?”

Ngài nói:

“Đúng vậy!”.

Phóng viên lại hỏi:

“Vậy đói bụng thì phải làm thế nào ạ?”.

Ngài trả lời:

“Thì xuống bếp ăn vụng thôi!”.

***

Nhà văn nổi tiếng của Mỹ Mark Twain có một lần do không đồng tình với phương án nào đó được Quốc hội thông qua nên đã đăng một bài viết trên báo rằng:

“Nhân viên quốc hội có một nửa là đồ khốn”.

Sau khi tờ báo được bán ra, rất nhiều cuộc điện thoại phản đối gọi đến, các nhân viên Quốc hội cho rằng những lời này là không đúng, họ liên tục yêu cầu ông Mark Twain đính chính.

Thế nên Mark Twain lại đăng một bài đính chính như sau:

“Tôi sai rồi, các nhân viên Quốc hội có một nửa không phải là đồ khốn”.

***

Bậc thầy hài hước Lâm Ngữ Đường từng dạy tiếng Anh tại một trường đại học. Ngày đầu tiên lên lớp, ông xách một chiếc cặp da lớn đi vào lớp, học sinh đều nghĩ là sách. Khi ông mở ra thì chỉ toàn là hạt đậu phộng (hạt lạc), rồi ông dạy cách ăn đậu phộng bằng tiếng Anh.

Ông nói:

“Ăn đậu phộng phải ăn loại có vỏ, tất cả mùi vị đều nằm ở việc bóc vỏ, vỏ càng khó bóc thì càng ngon”.

Ông nói thêm:

“Đậu phộng còn có tên là quả trường sinh, ngày đầu lên lớp tôi mời các vị ăn quả trường sinh, chúc các vị trường sinh bất lão, sau này tôi không điểm danh, nhưng mong mọi người ăn quả trường sinh rồi thì sẽ mạng sống cũng kéo dài hơn, đừng trốn học”.

Ông nói xong, cả phòng bật cười. Từ đó mỗi khi ông giảng bài, giảng đường luôn kín chỗ ngồi.

Hài hước hoàn toàn không phải là giỏi ăn nói, mà là có thái độ sống vui vẻ, trưởng thành, hiểu rõ được điều này có nghĩa là nắm bắt được kết tinh của trí tuệ, có được cội nguồn của niềm vui.
 

Theo Trithucvn.org   

khaiphong

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

MÔN ANH VĂN VÀ TÔI - Trần thị Phương Lan

 

 
Môn Anh Văn và tôi té ra có nhiều duyên nợ, gần như là suốt đời Thật ra, tôi thích học Pháp văn hơn:  Tiếng Pháp nghe cứ líu lo véo von như chim hót;  thơ ca Pháp ngữ thật êm đềm, bay bổng; và loại nhạc Pháp phổ thông tôi được biết đến khi mới lớn thì thật là lãng mạn và du dương (như bài Aline, Ensemble, Main dans la main, La plage aux romantiques...); trong khi tiếng Anh nghe mạnh mẽ và không được êm tai, thanh tao cho lắm. Tệ nhất là tiếng Tàu, nghe khủng khiếp và ghê rợn làm sao, kế đó là tiếng Đức, và cả tiếng Việt nữa, vì theo ý kiến khách quan của  một đồng nghiệp người Anh của tôi: cả tiếng Đức và tiếng Việt của chúng ta nữa, nói chuyện bình thường với nhau thôi, nhưng nghe cứ như sắp sửa cãi lộn tới nơi vậy! Viết tới đây tôi chợt nhớ đến câu văn khen "tiếng Việt thánh thót, líu lo như tiếng chim hót" của Graham Greene trong tác phẩm Người Mỹ Trầm Lặng, nhưng hình như ông ấy có mẹ là người Việt, nên ông ta binh vực tiếng mẹ đẻ cũng phải!

Dù gì thì tôi cũng vô tình gắn bó với tiếng Anh cả đời, từ lúc đi học tới khi ra đi làm. Và nghiệm lại, cả đời tôi chỉ có vỏn vẹn hai nghề: nghề gõ đầu trẻ, và nghề làm dịch thuật kiêm thư ký văn phòng. Cả hai nghề này dĩ nhiên đều dính dáng mật thiết tới Anh văn, là nghề của nàng!

Nhắc tới nhóm chữ "gõ đầu trẻ", tôi mới nhớ hình như chúng xuất phát từ một chữ duy nhất nhưng đa âm trong tiếng Pháp là godautre (nghề mô phạm, ngành sư phạm). (Xin nhờ các vị cao niên rành rẽ tiếng Pháp chỉ giáo thêm cho ở đây ạ),  và đã được các cụ nhà ta Việt hóa một cách thần kỳ và vô cùng lý thú, hợp lý như trên. Nhưng trong đời làm cô giáo của tôi, tôi còn phải "gõ" cả đầu bạc, đầu già nữa, chớ không chỉ đầu trẻ thôi đâu, vì hầu hết bà con, họ hàng của tôi, mà các bạn đã từng được biết qua trong những hồi ký trước đây của tôi, về sau đều thành học trò của tôi hết, như bác trai, chị Tâm là chị họ của tôi, bạn chị Tâm, lũ cháu họ... và có lãnh lương đàng hoàng vì... con dạy đâu cũng vậy, con dạy đây bác cám ơn! 

Tôi ra trường đại học đúng vào lúc thiên hạ đang ùn ùn rủ nhau đi vượt biên, nên chuyên ngành tiếng Anh của tôi theo một nghĩa nào đó, đúng là gặp thiên thời địa lợi. Suốt ngày tôi chỉ đi dạy kèm tiếng Anh, chẳng những cho mấy em học sinh, mà cả phụ huynh của chúng nó nữa! Đôi khi nhóm này đang ngồi học thì bạn tụi nó tới chơi, thấy bạn học Anh văn vui quá nên về xin má cho học theo! Thế là một nhóm khác hình thành tại một địa chỉ khác, và đôi khi cả nhà cùng ngồi học, càng đông càng vui. Tôi cứ gọi là đi dạy kèm mệt nghỉ! 

À mà "mệt-nghỉ" thiệt. Có lần đang dạy một nhỏ học trò thì nó mệt nên đòi nghỉ, xin ra chơi, và rủ tôi qua nhà bồ nó, cũng ở gần đó. Sau này tôi mới biết được lý do vì sao nó cứ rủ tôi đến nhà bồ nó chơi hoài như vậy, " vì cô lễ phép lắm, tới nhà  người ta, cô vòng tay cúi đầu chào hết người này tới người khác, không như lũ bạn em, chẳng biết chào hỏi ai làm em quê mặt"! Nhiều khi tôi cứ ngỡ mối quan hệ của chúng tôi là tình bạn thì đúng hơn là tình thày trò, vì chuyện gì nó cũng tâm sự với tôi. Nó còn chỉ dạy cho tôi cả cách "cua bồ"! Những lúc như vậy, mặt của tôi cứ gọi là nghệt ra, mắt trợn tròn. Đến lúc quay trở lại bài học Anh văn còn dang dở, nhìn tôi thao thao giảng cho nó nào văn phạm, nào ngữ vựng, phát âm tiếng Anh, mặt nó cứ ngớ ra y như bản mặt tôi lúc nghe nó "lên lớp" về  chuyện bồ bịch vậy!

Cũng vì cái sự lễ phép của tôi mà tôi đã có một đêm Noel đáng nhớ. Số là những  chỗ dạy kèm của tôi đều do người quen "làm mối". Một lần nọ, anh K. bạn anh hai tôi giới thiệu tôi dạy kèm Anh văn cho một cô gọi là học trò nhưng lại bằng tuổi cô giáo, tên là N. (Chẳng hiểu sao tất cả những học trò của tôi đều rất uyên bác, về một hay nhiều phương diện nào đó. Trước giờ học, họ đều huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng tới lúc học Anh văn thì họ lại ngậm tăm! N. cũng vậy). Rồi một hôm anh K. ghé nhà và nói rằng đêm Noel này gia đình N. mời tôi tới ăn reveillon, và còn nói thòng thêm một câu, chắc là có gì gì rồi! "Gì gì đây" bắt nguồn từ một hôm trên đường ra cổng đi về nhà sau giờ dạy, tôi giáp mặt với anh hai tên L. của N. Vốn tính lễ phép và ngoan ngoãn (khác xa bây giờ), tôi đã khoanh tay, cúi đầu, lễ phép nói, xin phép anh em về! Đó không phải là lần đầu tiên trong đời tôi thấy phản ứng của người khác trước cung cách lễ độ, lịch sự của tôi: họ cứ ngẩn người ra như sắp xỉu tới nơi, như thể trong đời, trước đây họ chưa bao giờ được nghe một giọng nói êm ái hay đối mặt với một kiểu lễ phép đến thế! Chẳng biết anh nghĩ ngợi sao, nhưng sau đó, anh L. đã xin một giờ học của em gái để "tìm hiểu" tôi!  Trong việc học Anh Văn thì tôi cứ gọi là thày cô dạy một tôi hiểu biết mười, nhưng chuyện bồ bịch thì...! Anh L. cứ việc ngồi nói, bóng gió gần xa có, mà huỵch tẹt cũng có, còn tôi cứ việc ngồi nghe và xếp hết câu nói này tới câu khác của anh L. và cất vào bộ nhớ như người ta xếp giấy, tờ này chồng lên tờ kia, để về hỏi má, nhờ má hiểu giùm!

Bữa tiệc reveillon diễn ra sau đó, có mặt đủ bá quan văn võ, gồm anh K, anh L, N, một vài người bạn khác của gia chủ, và cả bà cụ thân sinh hiền hậu của họ, người có lẽ đã cố tình  "phỏng vấn",  xem giò xem cẳng tôi sau hôm tôi vô tình chạm trán anh L. Diện hẳn lên trong bộ đồ vest, anh L. đã chằm chằm nhìn tôi mà rằng anh ấy đang muốn tuyển đầu bếp, để thay cho bà cụ thân sinh sắp tới tuổi nghỉ hưu! Em anh K. tới nhà tôi chơi, chắc cũng đã nghe hết chuyện từ anh K, vừa nhéo má tôi vừa nói rằng, con gái ngoan ngoãn hiền lành có giá lắm đó!

Dù câu chuyện đó chẳng đi tới đâu, nhưng trên đường đời vạn lý, nếu đây đó nở ra những bông hoa bé dại dưới chân đi, cũng ít nhiều đã làm vui lòng người lữ hành, và làm dịu đi những nỗi cay đắng trong đời, nhất là trong những tháng ngày tăm tối đó, chẳng ai biết được tương lai mình sẽ ra sao, hay lại tiếp tục đen như mực, phải mò mẫm mà đi như trong đêm Giáng sinh..đen thui năm ấy (trái ngược hẳn với Tây có Giáng sinh Trắng,  White Christmas)!: không lấp lánh của  ánh đèn màu rực rỡ,  không lung linh của dây kim tuyến làm bằng giấy trang kim,  không nét lộng lẫy của trái châu và đồ trang trí  tô điểm cây Noel quen thuộc, không tiếng đàn tiếng hát rộn rã thuở nào của những Mùa Sao Sáng năm xưa trong ký ức giờ đã trở nên xa vời!

Thày cô giáo ra khỏi lớp vẫn là thày cô giáo. Tôi đã nghiệm ra được điều này trong quãng đời xuôi ngược đi gõ đầu thiên hạ. Một lần nọ, tôi cùng vài đứa bạn  rủ nhau vô chợ ăn phở. Chẳng những ăn mà thôi, chúng tôi còn giỡn hớt cười nói oang oang nữa. Bỗng một cô học trò nhỏ, chắc từ dịp tôi còn đi thực tập, ngồi ngay cạnh tôi  trong quán hủ tíu, và dù tôi không nhớ mặt cũng chẳng biết tên, đột nhiên đứng vụt dậy và khoanh tay cúi đầu chào tôi, thưa Cô! Trời ơi không cần diễn tả thì chắc các bạn cũng đủ hiểu cảm xúc của tôi lúc bấy giờ: tôi chỉ muốn độn thổ để che bản mặt đỏ rần! Tôi xấu hổ! Tôi quê! Tôi nhục! 

Một bạn giáo viên đồng nghiệp của tôi cũng kể một kinh nghiệm tương tự. Nhiều lúc trời mưa tầm tã, đường vắng ngắt không một bóng xe qua lại, mà đèn đỏ bật lên là anh chàng ta cứ tự động ngoan ngoãn chịu đội mưa dừng xe ngay chớ nhất định không dám vượt đèn đỏ, vì sợ lỡ có đứa học trò nào hoặc cả phụ huynh chúng nó nữa, ở quanh đó và thấy tác phong không chuẩn mực của thày giáo, thì tới giờ Công Dân Giáo Dục phải giảng giải Luật Đi Đường cho học trò chẳng hạn thì ma nào mà nó thèm nghe thày nữa? 

Cái nghề bán cháo phổi không thôi cũng đã đủ cực khổ rồi, mà lại còn bao nhiêu gò ép vòng ngoài nữa, khiến tôi nhiều lúc đâm nản, nên tới thời mở cửa, tôi đã gần như ngay lập tức "thôi chia tay từ đây"  nghiệp giáo và xin vô làm ở một công ty xây dựng của Anh quốc.

Còn đang cắp sách tới trường thì học Anh văn cũng phải, nhưng tới khi ra đi làm rồi mà tôi vẫn còn được công ty cho đi học thêm. Số là những "con ông cháu cha" trong công ty thì được đặc cách qua công ty mẹ bên Anh tu nghiệp, những kỹ sư  "không thân không thế" thì được biệt phái về các công ty con ở Malaysia, Thailand... thực tập, còn hạng dịch thuật kiêm thư ký văn phòng tép riu như tôi, và cả những kỹ sư nữa, nếu muốn, sẽ được công ty cho "du học tại chỗ"!  Một hôm, một thày giáo Tây tới công ty để rà soát trình độ và tổ chức thi xếp lớp tụi tôi, nên hôm ấy công ty được nghỉ làm hẳn nửa buổi. Kể từ sau hôm đó, ngày đi làm, tối tối tôi lại tới trường tiếp tục sách đèn.

Có học thì mới biết bể học mênh mông. Tôi vốn hay tự cao tự đại là luôn đứng nhất lớp cả môn Việt văn lẫn Anh văn, nhưng khi ra đi làm, mỗi lần mấy ông người Anh nói chuyện tôi đều phải luôn miệng hỏi lại "Sorry?" (Xin lỗi ông nói gì?) thiệt nhục ơi là nhục. Hóa ra trong trường, tôi chỉ quen với tiếng Mỹ, khi nghe radio tôi chỉ quen giọng Mỹ đài VOA, ấy thế mà trời xui đất khiến làm sao tôi lại lọt ngay vào một công ty Ăng Lê mới chết chứ! Giọng người Anh, người Úc, người  Scotland... nghe nặng một cách kỳ lạ, như thể họ đang nói ngọng vậy, như thể không phải là nói mà là đánh vật mới đúng, nhưng dĩ nhiên chỉ vì mình nghe không quen mà thôi. May mắn gặp được ông kỹ sư nào (như đồng nghiệp của tôi, kỹ sư Stuart Marshall chẳng hạn) người Anh nhưng nói giọng Mỹ thì "hai đứa tụi tôi" cứ như đang nói tiếng Việt với nhau, ôi thật sung sướng!

Trở lại chuyện học "tại chức", những ông thày Tây của tôi tại ngôi trường này rất thích học sinh Việt Nam. Họ đều nói từng dạy tiếng Anh nhiều nơi trên thế giới, nhưng chỉ có học trò Việt Nam mới rầm rầm/răm rắp/lục tục đứng lên chào thày khi thày vô/ra khỏi  lớp, làm họ cảm động lắm, và cảm thấy được trọng vọng vô cùng, chỉ có điều họ nói rằng khi tụi tôi gọi họ là Teacher, teacher (thày ơi thày!) thì họ sẽ không hiểu, vì thế chỉ nên gọi bằng tên như "Dave!" (Thày Dave ơi!)... là đủ. 

Một vài mẩu chuyện vui khi còn làm "học sinh già" xin được kể hầu các bạn: Ông thày Tây rà trình độ và xếp lớp cho tụi tôi hôm trước hóa ra cũng là thày dạy của tôi ở ngôi trường mới này. Chắc ông ta vẫn tò mò muốn biết tụi tôi có phải tự lo liệu hay không, nên đã hỏi chung cả lớp nếu ai được công ty tài trợ học phí cho thì giơ tay lên. Cả lớp chỉ có tôi và anh Hùng kỹ sư cùng công ty giơ tay. Thấy vậy, một cô gái tự nhận là người mẫu ngồi học cạnh tôi, nói nhỏ với tôi rằng chị sướng quá há! Cô ta chắc mới ở ngoài kia vào,  nhưng không dữ, và cũng không đẹp, nhan sắc cỡ trung bình, và mũi thì sửa nhìn là biết ngay, vì bình thường mũi không đỏ rực lên một cách kỳ lạ như thế. Có thể khi lên sàn catwalk, diện quần áo son phấn vào, chắc cô ta trông sẽ lộng lẫy hơn chăng, vì người đẹp nhờ lụa mà? Cũng không hiểu rõ ý cô gái là sao, tôi trả lời chung chung, trời đất ơi, em là người mẫu, chị là người thường, chị không nói em sướng thì thôi, sao em lại nói ngược như vậy? Cô ấy buồn bã nói rằng, mình phải tự lo hết đó chị, tiền áo váy giày dép son phấn chẳng có công ty nào trả cho mình đâu. Thì ra là vậy.

Cũng ngồi học gần tôi là một anh chàng người Hoa,  khi phải tự giới thiệu đã nói mình là dân Đài Loan hay Hongkong gì đó tôi không nhớ rõ, và tên là Sunny Sun! (tạm dịch là Minh Nhật). Đến chừng thày giáo giải thích một chữ tiếng Anh nọ có nghĩa là "không trẻ, không già", tôi bèn quay sang anh Hùng nói đùa, "sồn sồn", anh Sunny Sun kia bỗng phá ra cười. Té ra anh ta Hongkong bên hông Chợ Lớn nhưng lại muốn giựt le, chơi nổi, vì Đài Loan, HongKong nào mà hiểu được câu tiếng lóng rặt Việt Nam đó? Từ đầu tôi đã nghi nghi rồi!
 

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)