Môn
Anh Văn và tôi té ra có nhiều duyên nợ, gần như là suốt đời Thật ra,
tôi thích học Pháp văn hơn: Tiếng Pháp nghe cứ líu lo véo von như chim
hót; thơ ca Pháp ngữ thật êm đềm, bay bổng; và loại nhạc Pháp phổ thông
tôi được biết đến khi mới lớn thì thật là lãng mạn và du dương (như bài
Aline, Ensemble, Main dans la main, La plage aux romantiques...);
trong khi tiếng Anh nghe mạnh mẽ và không được êm tai, thanh tao cho
lắm. Tệ nhất là tiếng Tàu, nghe khủng khiếp và ghê rợn làm sao, kế đó là
tiếng Đức, và cả tiếng Việt nữa, vì theo ý kiến khách quan của một
đồng nghiệp người Anh của tôi: cả tiếng Đức và tiếng Việt của chúng ta
nữa, nói chuyện bình thường với nhau thôi, nhưng nghe cứ như sắp sửa cãi
lộn tới nơi vậy! Viết tới đây tôi chợt nhớ đến câu văn khen "tiếng Việt
thánh thót, líu lo như tiếng chim hót" của Graham Greene trong tác phẩm
Người Mỹ Trầm Lặng, nhưng hình như ông ấy có mẹ là người Việt, nên ông
ta binh vực tiếng mẹ đẻ cũng phải!
Dù
gì thì tôi cũng vô tình gắn bó với tiếng Anh cả đời, từ lúc đi học tới
khi ra đi làm. Và nghiệm lại, cả đời tôi chỉ có vỏn vẹn hai nghề: nghề
gõ đầu trẻ, và nghề làm dịch thuật kiêm thư ký văn phòng. Cả hai nghề
này dĩ nhiên đều dính dáng mật thiết tới Anh văn, là nghề của nàng!
Nhắc
tới nhóm chữ "gõ đầu trẻ", tôi mới nhớ hình như chúng xuất phát từ một
chữ duy nhất nhưng đa âm trong tiếng Pháp là godautre (nghề mô phạm,
ngành sư phạm). (Xin nhờ các vị cao niên rành rẽ tiếng Pháp chỉ giáo
thêm cho ở đây ạ), và đã được các cụ nhà ta Việt hóa một cách thần kỳ
và vô cùng lý thú, hợp lý như trên. Nhưng trong đời làm cô giáo của tôi,
tôi còn phải "gõ" cả đầu bạc, đầu già nữa, chớ không chỉ đầu trẻ thôi
đâu, vì hầu hết bà con, họ hàng của tôi, mà các bạn đã từng được biết
qua trong những hồi ký trước đây của tôi, về sau đều thành học trò của
tôi hết, như bác trai, chị Tâm là chị họ của tôi, bạn chị Tâm, lũ cháu
họ... và có lãnh lương đàng hoàng vì... con dạy đâu cũng vậy, con dạy đây
bác cám ơn!
Tôi
ra trường đại học đúng vào lúc thiên hạ đang ùn ùn rủ nhau đi vượt
biên, nên chuyên ngành tiếng Anh của tôi theo một nghĩa nào đó, đúng là
gặp thiên thời địa lợi. Suốt ngày tôi chỉ đi dạy kèm tiếng Anh, chẳng
những cho mấy em học sinh, mà cả phụ huynh của chúng nó nữa! Đôi khi
nhóm này đang ngồi học thì bạn tụi nó tới chơi, thấy bạn học Anh văn vui
quá nên về xin má cho học theo! Thế là một nhóm khác hình thành tại một
địa chỉ khác, và đôi khi cả nhà cùng ngồi học, càng đông càng vui. Tôi
cứ gọi là đi dạy kèm mệt nghỉ!
À
mà "mệt-nghỉ" thiệt. Có lần đang dạy một nhỏ học trò thì nó mệt nên đòi
nghỉ, xin ra chơi, và rủ tôi qua nhà bồ nó, cũng ở gần đó. Sau này tôi
mới biết được lý do vì sao nó cứ rủ tôi đến nhà bồ nó chơi hoài như vậy,
" vì cô lễ phép lắm, tới nhà người ta, cô vòng tay cúi đầu chào hết
người này tới người khác, không như lũ bạn em, chẳng biết chào hỏi ai
làm em quê mặt"! Nhiều khi tôi cứ ngỡ mối quan hệ của chúng tôi là tình
bạn thì đúng hơn là tình thày trò, vì chuyện gì nó cũng tâm sự với tôi.
Nó còn chỉ dạy cho tôi cả cách "cua bồ"! Những lúc như vậy, mặt của tôi
cứ gọi là nghệt ra, mắt trợn tròn. Đến lúc quay trở lại bài học Anh văn
còn dang dở, nhìn tôi thao thao giảng cho nó nào văn phạm, nào ngữ
vựng, phát âm tiếng Anh, mặt nó cứ ngớ ra y như bản mặt tôi lúc nghe nó
"lên lớp" về chuyện bồ bịch vậy!
Cũng
vì cái sự lễ phép của tôi mà tôi đã có một đêm Noel đáng nhớ. Số là
những chỗ dạy kèm của tôi đều do người quen "làm mối". Một lần nọ, anh
K. bạn anh hai tôi giới thiệu tôi dạy kèm Anh văn cho một cô gọi là học
trò nhưng lại bằng tuổi cô giáo, tên là N. (Chẳng hiểu sao tất cả những
học trò của tôi đều rất uyên bác, về một hay nhiều phương diện nào đó.
Trước giờ học, họ đều huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất,
nhưng tới lúc học Anh văn thì họ lại ngậm tăm! N. cũng vậy). Rồi một hôm
anh K. ghé nhà và nói rằng đêm Noel này gia đình N. mời tôi tới ăn
reveillon, và còn nói thòng thêm một câu, chắc là có gì gì rồi! "Gì gì
đây" bắt nguồn từ một hôm trên đường ra cổng đi về nhà sau giờ dạy, tôi
giáp mặt với anh hai tên L. của N. Vốn tính lễ phép và ngoan ngoãn (khác
xa bây giờ), tôi đã khoanh tay, cúi đầu, lễ phép nói, xin phép anh em
về! Đó không phải là lần đầu tiên trong đời tôi thấy phản ứng của người
khác trước cung cách lễ độ, lịch sự của tôi: họ cứ ngẩn người ra như
sắp xỉu tới nơi, như thể trong đời, trước đây họ chưa bao giờ được nghe
một giọng nói êm ái hay đối mặt với một kiểu lễ phép đến thế! Chẳng
biết anh nghĩ ngợi sao, nhưng sau đó, anh L. đã xin một giờ học của em
gái để "tìm hiểu" tôi! Trong việc học Anh Văn thì tôi cứ gọi là thày cô
dạy một tôi hiểu biết mười, nhưng chuyện bồ bịch thì...! Anh L. cứ việc
ngồi nói, bóng gió gần xa có, mà huỵch tẹt cũng có, còn tôi cứ việc
ngồi nghe và xếp hết câu nói này tới câu khác của anh L. và cất vào bộ
nhớ như người ta xếp giấy, tờ này chồng lên tờ kia, để về hỏi má, nhờ má
hiểu giùm!
Bữa
tiệc reveillon diễn ra sau đó, có mặt đủ bá quan văn võ, gồm anh K, anh
L, N, một vài người bạn khác của gia chủ, và cả bà cụ thân sinh hiền
hậu của họ, người có lẽ đã cố tình "phỏng vấn", xem giò xem cẳng tôi
sau hôm tôi vô tình chạm trán anh L. Diện hẳn lên trong bộ đồ vest, anh
L. đã chằm chằm nhìn tôi mà rằng anh ấy đang muốn tuyển đầu bếp, để
thay cho bà cụ thân sinh sắp tới tuổi nghỉ hưu! Em anh K. tới nhà tôi
chơi, chắc cũng đã nghe hết chuyện từ anh K, vừa nhéo má tôi vừa nói
rằng, con gái ngoan ngoãn hiền lành có giá lắm đó!
Dù
câu chuyện đó chẳng đi tới đâu, nhưng trên đường đời vạn lý, nếu đây đó
nở ra những bông hoa bé dại dưới chân đi, cũng ít nhiều đã làm vui lòng
người lữ hành, và làm dịu đi những nỗi cay đắng trong đời, nhất là
trong những tháng ngày tăm tối đó, chẳng ai biết được tương lai mình sẽ
ra sao, hay lại tiếp tục đen như mực, phải mò mẫm mà đi như trong đêm
Giáng sinh..đen thui năm ấy (trái ngược hẳn với Tây có Giáng sinh
Trắng, White Christmas)!: không lấp lánh của ánh đèn màu rực rỡ,
không lung linh của dây kim tuyến làm bằng giấy trang kim, không nét
lộng lẫy của trái châu và đồ trang trí tô điểm cây Noel quen thuộc,
không tiếng đàn tiếng hát rộn rã thuở nào của những Mùa Sao Sáng năm xưa
trong ký ức giờ đã trở nên xa vời!
Thày
cô giáo ra khỏi lớp vẫn là thày cô giáo. Tôi đã nghiệm ra được điều này
trong quãng đời xuôi ngược đi gõ đầu thiên hạ. Một lần nọ, tôi cùng vài
đứa bạn rủ nhau vô chợ ăn phở. Chẳng những ăn mà thôi, chúng tôi còn
giỡn hớt cười nói oang oang nữa. Bỗng một cô học trò nhỏ, chắc từ dịp
tôi còn đi thực tập, ngồi ngay cạnh tôi trong quán hủ tíu, và dù tôi
không nhớ mặt cũng chẳng biết tên, đột nhiên đứng vụt dậy và khoanh tay
cúi đầu chào tôi, thưa Cô! Trời ơi không cần diễn tả thì chắc các bạn
cũng đủ hiểu cảm xúc của tôi lúc bấy giờ: tôi chỉ muốn độn thổ để che
bản mặt đỏ rần! Tôi xấu hổ! Tôi quê! Tôi nhục!
Một
bạn giáo viên đồng nghiệp của tôi cũng kể một kinh nghiệm tương tự.
Nhiều lúc trời mưa tầm tã, đường vắng ngắt không một bóng xe qua lại, mà
đèn đỏ bật lên là anh chàng ta cứ tự động ngoan ngoãn chịu đội mưa dừng
xe ngay chớ nhất định không dám vượt đèn đỏ, vì sợ lỡ có đứa học trò
nào hoặc cả phụ huynh chúng nó nữa, ở quanh đó và thấy tác phong không
chuẩn mực của thày giáo, thì tới giờ Công Dân Giáo Dục phải giảng giải
Luật Đi Đường cho học trò chẳng hạn thì ma nào mà nó thèm nghe thày
nữa?
Cái
nghề bán cháo phổi không thôi cũng đã đủ cực khổ rồi, mà lại còn bao
nhiêu gò ép vòng ngoài nữa, khiến tôi nhiều lúc đâm nản, nên tới thời mở
cửa, tôi đã gần như ngay lập tức "thôi chia tay từ đây" nghiệp giáo và
xin vô làm ở một công ty xây dựng của Anh quốc.
Còn
đang cắp sách tới trường thì học Anh văn cũng phải, nhưng tới khi ra đi
làm rồi mà tôi vẫn còn được công ty cho đi học thêm. Số là những "con
ông cháu cha" trong công ty thì được đặc cách qua công ty mẹ bên Anh tu
nghiệp, những kỹ sư "không thân không thế" thì được biệt phái về các công ty con ở Malaysia, Thailand... thực tập, còn hạng dịch thuật kiêm
thư ký văn phòng tép riu như tôi, và cả những kỹ sư nữa, nếu muốn, sẽ
được công ty cho "du học tại chỗ"! Một hôm, một thày giáo Tây tới công
ty để rà soát trình độ và tổ chức thi xếp lớp tụi tôi, nên hôm ấy công
ty được nghỉ làm hẳn nửa buổi. Kể từ sau hôm đó, ngày đi làm, tối tối
tôi lại tới trường tiếp tục sách đèn.
Có
học thì mới biết bể học mênh mông. Tôi vốn hay tự cao tự đại là luôn
đứng nhất lớp cả môn Việt văn lẫn Anh văn, nhưng khi ra đi làm, mỗi
lần mấy ông người Anh nói chuyện tôi đều phải luôn miệng hỏi lại
"Sorry?" (Xin lỗi ông nói gì?) thiệt nhục ơi là nhục. Hóa ra trong
trường, tôi chỉ quen với tiếng Mỹ, khi nghe radio tôi chỉ quen giọng Mỹ
đài VOA, ấy thế mà trời xui đất khiến làm sao tôi lại lọt ngay vào một
công ty Ăng Lê mới chết chứ! Giọng người Anh, người Úc, người
Scotland... nghe nặng một cách kỳ lạ, như thể họ đang nói ngọng vậy,
như thể không phải là nói mà là đánh vật mới đúng, nhưng dĩ nhiên chỉ vì
mình nghe không quen mà thôi. May mắn gặp được ông kỹ sư nào (như đồng
nghiệp của tôi, kỹ sư Stuart Marshall chẳng hạn) người Anh nhưng nói
giọng Mỹ thì "hai đứa tụi tôi" cứ như đang nói tiếng Việt với nhau, ôi
thật sung sướng!
Trở
lại chuyện học "tại chức", những ông thày Tây của tôi tại ngôi trường
này rất thích học sinh Việt Nam. Họ đều nói từng dạy tiếng Anh nhiều nơi
trên thế giới, nhưng chỉ có học trò Việt Nam mới rầm rầm/răm rắp/lục
tục đứng lên chào thày khi thày vô/ra khỏi lớp, làm họ cảm động lắm, và
cảm thấy được trọng vọng vô cùng, chỉ có điều họ nói rằng khi tụi tôi
gọi họ là Teacher, teacher (thày ơi thày!) thì họ sẽ không hiểu, vì thế
chỉ nên gọi bằng tên như "Dave!" (Thày Dave ơi!)... là đủ.
Một
vài mẩu chuyện vui khi còn làm "học sinh già" xin được kể hầu các bạn:
Ông thày Tây rà trình độ và xếp lớp cho tụi tôi hôm trước hóa ra cũng là
thày dạy của tôi ở ngôi trường mới này. Chắc ông ta vẫn tò mò muốn biết
tụi tôi có phải tự lo liệu hay không, nên đã hỏi chung cả lớp nếu ai
được công ty tài trợ học phí cho thì giơ tay lên. Cả lớp chỉ có tôi và
anh Hùng kỹ sư cùng công ty giơ tay. Thấy vậy, một cô gái tự nhận là
người mẫu ngồi học cạnh tôi, nói nhỏ với tôi rằng chị sướng quá há! Cô
ta chắc mới ở ngoài kia vào, nhưng không dữ, và cũng không đẹp, nhan
sắc cỡ trung bình, và mũi thì sửa nhìn là biết ngay, vì bình thường mũi
không đỏ rực lên một cách kỳ lạ như thế. Có thể khi lên sàn catwalk,
diện quần áo son phấn vào, chắc cô ta trông sẽ lộng lẫy hơn chăng, vì
người đẹp nhờ lụa mà? Cũng không hiểu rõ ý cô gái là sao, tôi trả lời
chung chung, trời đất ơi, em là người mẫu, chị là người thường, chị
không nói em sướng thì thôi, sao em lại nói ngược như vậy? Cô ấy buồn bã
nói rằng, mình phải tự lo hết đó chị, tiền áo váy giày dép son phấn
chẳng có công ty nào trả cho mình đâu. Thì ra là vậy.
Cũng
ngồi học gần tôi là một anh chàng người Hoa, khi phải tự giới thiệu đã
nói mình là dân Đài Loan hay Hongkong gì đó tôi không nhớ rõ, và tên là
Sunny Sun! (tạm dịch là Minh Nhật). Đến chừng thày giáo giải thích một
chữ tiếng Anh nọ có nghĩa là "không trẻ, không già", tôi bèn quay sang
anh Hùng nói đùa, "sồn sồn", anh Sunny Sun kia bỗng phá ra cười. Té ra
anh ta Hongkong bên hông Chợ Lớn nhưng lại muốn giựt le, chơi nổi, vì Đài Loan, HongKong nào mà hiểu được câu tiếng lóng rặt Việt Nam đó? Từ
đầu tôi đã nghi nghi rồi!
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét