Những mẩu chuyện chứng minh người hài hước có thể hóa dữ thành lành.
Người có đầu óc hài hước, không chỉ là người thông minh, hiểu chuyện mà
còn có thể biến mọi chuyện trên đời thành một vở kịch vui, bình thản mà
đối đãi. Những câu chuyện ý nghĩa dưới đây là minh chứng cho điều đó.
Tuyệt chiêu “cướp súng” của Sác-lô
Thiên tài phim câm Charlie Chaplin (Vua hề Sác-lô) từng đụng độ một tên
cướp có súng. Chaplin biết mình ở thế yếu nên không hề chống cự vô ích
mà ngoan ngoãn giao nộp ví tiền.
Thế nhưng ông đề nghị với tên cướp rằng:
“Số tiền này không phải là của tôi mà là của ông chủ tôi, bây giờ bị
anh lấy đi rồi, ông chủ nhất định sẽ cho rằng tôi ăn chặn tiền công. Anh
này, tôi và anh thương lượng thế này đi, nhờ anh bắn 2 phát lên nón của
tôi để chứng minh là tôi bị cướp”.
Tên cướp đã nổ súng bắn hai phát lên trên nón của Chaplin. Chaplin lại xin hắn ta:
“Anh gì ơi, anh có thể bắn thêm 2 viên đạn lên áo và quần được không để ông chủ tôi tin tôi hơn”.
Tên cướp suy nghĩ đơn giản cứ thế làm theo và bắn hết cả 6 viên đạn.
Lúc này, Chaplin đấm hắn ta ngất đi, nhanh chóng lấy lại ví tiền, cười
haha rồi bỏ đi.
Kẻ trộm là anh ta chứ không phải là tôi
Trước khi ông Franklin D. Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa
Kỳ, nhà ông bị trộm, bạn bè viết thư an ủi. Ông Roosevelt trả lời thư
rằng:
“Cảm ơn thư của các bạn, bây giờ tôi rất bình tĩnh, bởi vì:
Thứ nhất, trộm chỉ lấy đi tài sản của tôi chứ không đe dọa tính mạng tôi.
Thứ hai, trộm chỉ lấy đi một phần chứ không phải tất cả.
Thứ ba, điều đáng mừng nhất đó là: kẻ trộm là anh ta chứ không phải là tôi”.
Một lời nói hài hước có thể khiến ổn định tình hình đất nước
Khi vừa nhậm chức không lâu, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có một lần
bị ám sát, trúng đạn, viên đạn xuyên vào ngực ông. Trong lúc nước sôi
lửa bỏng, ông lại nói với người vợ vừa chạy vội đến bên mình rằng:
“Em yêu à, anh quên mất phải tránh đi”.
Khi người dân Mỹ biết tin tổng thống bị thương nặng mà vẫn không quên
sự hài hước vốn có, họ đều hy vọng vào ngày ông khỏe mạnh, nhờ vậy mà đã
có thể ổn định lại tình hình chính trị bị lung lay do việc tổng thống
bị thương.
Sự việc xảy ra tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là bạn nhìn từ góc độ nào
Trong một buổi diễn thuyết của cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson, giữa
chừng đột nhiên có một người gây rối lớn tiếng ngắt lời ông:
“Rác rưởi!”.
Tuy bị ngắt lời, nhưng ông Wilson lại nhanh trí bình tĩnh nói:
“Anh gì đó, mong anh kiên nhẫn cho, tôi sắp nói đến vấn đề bảo vệ môi
trường mà anh đề ra rồi”, khiến cả hội trường đều vỗ tay khen ngợi phản
ứng nhanh nhạy của ông.
Hiểu rõ cảm xúc của bản thân mới có thể nắm bắt được tương lai
Trong một buổi diễn thuyết công khai của cựu Thủ tướng Anh Winston
Churchill, bên dưới khán đài có người ném một tờ giấy có viết hai chữ
“Ngu ngốc!” lên. Ông Churchill biết rằng bên dưới có người phản đối ông
đang đợi nhìn thấy ông bị bối rối, ông bèn ung dung nói với mọi người
rằng:
“Vừa rồi tôi nhận được một lá thư, tiếc là người viết chỉ nhớ ký tên mà quên viết nội dung”.
Ông Churchill không chỉ không bị ảnh hưởng với tâm trạng không vui mà
ngược lại còn dùng sự hài hước để đáp trả đối phương, quả thật là một
“chiêu” rất hay.
Hài hước thay đổi hoàn cảnh
Trong một lần
tướng Dwight D. Eisenhower (một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ,
đồng thời cựu Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34) tham dự một buổi tiệc có sắp xếp
phần diễn thuyết, tổng cộng mời 5 vị khách quý đến góp lời, ông
Eisenhower là vị cuối cùng lên sân khấu. Bốn vị trước đó mỗi người nói
rất nhiều, đến lượt ông thì đã gần 10 giờ rồi.
Bên dưới khán đài đã không còn hứng thú nữa. Khi lên sân khấu, ông Eisenhower bèn nói:
“Bất cứ một buổi diễn thuyết nào cũng đều có câu kết thúc, tối nay để
tôi làm câu kết thúc của buổi diễn thuyết này là được” rồi cúi chào lui
xuống.
Bên dưới khán giả cười.
***
Có một lần, nhà
soạn kịch người Anh gốc Ireland (người đã đạt giải Nobel Văn học năm
1925) – ông George Bernard Shaw đang đi dạo trên phố bị một chiếc xe
đụng phải ngã xuống đất, may là không có gì đáng ngại.
Người gây tai nạn vội vàng đỡ ông dậy và liên tục xin lỗi. Ông phủi phủi bụi và hài hước nói:
“Anh bạn không may rồi, nếu anh đụng chết tôi thì có thể nổi tiếng khắp thế giới rồi đấy”.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn rất thoải mái, tự do tự tại, hài hước thú vị
khi giao tiếp với mọi người. Có một phóng viên hỏi ngài rằng:
“Phật giáo có cách nói không ăn quá giờ Ngọ đúng không?”
Ngài nói:
“Đúng vậy!”.
Phóng viên lại hỏi:
“Vậy đói bụng thì phải làm thế nào ạ?”.
Ngài trả lời:
“Thì xuống bếp ăn vụng thôi!”.
***
Nhà văn nổi tiếng của Mỹ Mark Twain có một lần do không đồng tình với
phương án nào đó được Quốc hội thông qua nên đã đăng một bài viết trên
báo rằng:
“Nhân viên quốc hội có một nửa là đồ khốn”.
Sau
khi tờ báo được bán ra, rất nhiều cuộc điện thoại phản đối gọi đến, các
nhân viên Quốc hội cho rằng những lời này là không đúng, họ liên tục yêu
cầu ông Mark Twain đính chính.
Thế nên Mark Twain lại đăng một bài đính chính như sau:
“Tôi sai rồi, các nhân viên Quốc hội có một nửa không phải là đồ khốn”.
***
Bậc thầy hài hước Lâm Ngữ Đường từng dạy tiếng Anh tại một trường đại
học. Ngày đầu tiên lên lớp, ông xách một chiếc cặp da lớn đi vào lớp,
học sinh đều nghĩ là sách. Khi ông mở ra thì chỉ toàn là hạt đậu phộng
(hạt lạc), rồi ông dạy cách ăn đậu phộng bằng tiếng Anh.
Ông nói:
“Ăn đậu phộng phải ăn loại có vỏ, tất cả mùi vị đều nằm ở việc bóc vỏ, vỏ càng khó bóc thì càng ngon”.
Ông nói thêm:
“Đậu phộng còn có tên là quả trường sinh, ngày đầu lên lớp tôi mời các
vị ăn quả trường sinh, chúc các vị trường sinh bất lão, sau này tôi
không điểm danh, nhưng mong mọi người ăn quả trường sinh rồi thì sẽ mạng
sống cũng kéo dài hơn, đừng trốn học”.
Ông nói xong, cả phòng bật cười. Từ đó mỗi khi ông giảng bài, giảng đường luôn kín chỗ ngồi.
Hài hước hoàn toàn không phải là giỏi ăn nói, mà là có thái độ sống vui
vẻ, trưởng thành, hiểu rõ được điều này có nghĩa là nắm bắt được kết
tinh của trí tuệ, có được cội nguồn của niềm vui.
Theo Trithucvn.org
khaiphong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét