Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020
Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020
CHỜ NGƯỜI TRONG MƯA THU - Duy Nguyên
Cơn gió mạnh đột ngột ập tới, ào ạt mạnh mẽ như một cánh tay hung bạo, khi Uyển vừa lọt vào trong nhà qua vuông cửa, cánh cửa đóng mạnh sau lưng làm Uyển giật mình quay lại. Cùng với tiếng động to, khô, đó là một khoảng bóng tối tràn đến. Dễ cũng hơn 5 giờ rồi. Những hạt mưa xiên xiên, nhỏ như mũi kim đâm vào da. Gió phập phồng trên lớp vải áo mỏng, lạnh buốt. Uyển bật đèn, đóng cửa sổ. Thò tay ra đón những hạt mưa óng vàng ánh đèn, tay lạnh như đang cầm một cục nước đá. Bất giác Uyển rùng mình, đóng nhanh khung cửa. Mưa gió vẫn gào ngoài kia, và trong phòng ấm áp một cách cô đơn với màu ánh sáng vàng.
Cánh cửa sổ phía trái gió tạt ngược chiều nên vẫn khô ráo, mở ra một vùng cây cỏ buồn phiền. Uyển thấy rõ mấy cành hồng chực chờ bò lên cửa, oằn oại một cách tội nghiệp. Mấy đóa hồng thấm nước, rũ xuống. Xa hơn là những chiếc lá ngọc lan xanh nõn, hoa cứng lấm tấm nước mới dễ yêu làm sao. Tưởng tượng những giọt nước trong veo trên màu hoa trắng, hẳn là thơm ngát. Cây ngọc lan mới trồng, cao hơn Uyển một tí, đã chớm ra hoa. Dưới gốc là các chậu cúc. Các bông hoa nở sớm vàng rực rỡ trong mưa. Nó cao ngạo, vươn lên giữa đám lá xanh và các nụ hoa hân hoan tắm mưa. Hoa mụ mẫm tràn đầy sinh lực. Và hoa cúc cũng như nói với Uyển, trong cơn mưa rạt rào chiều nay, là mùa thu vừa đến. Uyển đứng bần thần bên khung cửa phía trái, thật lâu. Uyển có cảm tưởng thế, vì nhìn thấy không biết bao nhiêu hạt mưa tưới xuống đám cỏ, cho đến khi mưa trắng mịt mùng chỉ còn thấy một chấm vàng giữa màu mưa kín bưng.
Uyển khoác vào chiếc áo len và nằm xơ rơ trên giường. Tiếng mưa át cả mọi tiếng động hắt lên dưới nhà, tiếng mẹ nói nghe mơ hồ như từ căn nhà nào xa lắm. Mơ hồ thoang thoảng như tiếng Duy ban chiều. Mai nhớ đến nhé, anh đợi. Nhớ nhé, Uyển. Bây giờ nằm đây, nghe văng vẳng tiếng nhắc nhở một cách chân thành.
Duy và Uyển ngồi trong một quán nước. Chỗ ngồi quen thuộc trong những ngày mưa. Nơi mái hiên, tre khô che sơ sài. Duy ngồi ngoài, hướng gió thổi lên, Uyển đối diện. Một vài hạt mưa lấm tấm trên tóc. Mưa trắng mịt mùng trên sông. Uyển nhìn những hạt mưa rơi xuống nước trông đến hay. Có các bong bóng nước loáng thoáng, vỡ ra. Cây cao bên bờ cơ hồ không còn một chiếc lá, một cái hoa nào để rơi nữa, đập vào nhau, nghiêng qua lại theo gió. Uyển chống tay lên cằm, mắt mở ra như có những hạt mưa, cơn gió mịt mù trong đó.
Duy hát nho nhỏ bài hát lạ: "Gặp em trong quán nhỏ, bên kia mưa sông dài. Mắt em vương màu nhớ, khi thu về..."
Những bài hát dở chừng, đứt đoạn. Rời rã như từng mẩu chuyện rời rạc. Cả hai im lặng, và mưa bao quanh. Vòng khói thuốc quấn quít, ngưng đọng trong bầu không khí ẩm. Hai người nhìn nhau qua lớp khói, như thể một màn sương mờ mờ, Uyển có cảm tưởng rất nhẹ đến nỗi chỉ cần thở mạnh là tan ngay. Mấy ngày nay bão đến một nơi nào đó, mưa lũ theo sau. Uyển hỏi sao người ta đặt các trận bão bằng những tên con gái thật đẹp. Như bão Catherine, Elizabeth, Juliette. Duy cười im lặng. Lát sau, Duy cười nói nhỏ. Nếu được quyền, tôi sẽ đặt trận bão này tên Uyển. Bão Uyển thổi qua hồn tôi. Uyển nháy mắt, anh thích bão lắm à? Duy đáp, không, chỉ riêng trận bão này mà thôi.
Không hiểu sao, lần nào Uyển cũng nhắc lại điều đó. Điều mà nó đã trở thành nỗi ám ảnh bao trùm hai người. Sao lại rớt nhỉ? Nhiều lần Duy gắt, còn hỏi sao nữa. Sau đó nhìn Uyển buồn, Duy dịu giọng hơn. Nhưng Uyển đỗ đủ rồi nhỉ! Uyển muốn ứa nước mắt. Em muốn đổi cái may mắn cho anh. Uyển nghe như trong tiếng mình có chút nuối tiếc mơ hồ, chút nỗi buồn. Và Uyển chợt nhớ ra, tháng chín gần hết...
Có một con chim bay lạc trong mưa. Nó kêu chiêm chiếp. Uyển nghiêng người, nhổm lên nhìn. Con chim bay vạch một đường ngang bầu trời mù đục. Đôi cánh ướt nước, sau cùng nó lảo đảo sà xuống cành sao. Lúc đó mưa hơi ngớt, bóng cây cũng đủ che mưa. Nụ cười nhỏ nở trên môi, Uyển vuốt vuốt mớ tóc. Hạt mưa nhỏ như bụi hắt từ các kẽ tre cũng đủ làm ướt cả tóc. Duy cười nói trông Uyển giống như con chim bị ướt nước.
Cứ thế buổi chiều đi qua. Rất nhẹ nhàng. Nhẹ đến nỗi cả hai không hay biết, không nhận ra bước chân chiều chậm đi. Lúc Uyển nghe như có tiếng gió thở dài. Hay tiếng thở dài của chính mình, một cách mơ hồ nhận ra những ngày gần nhau sắp hết. Uyển không rõ. Mà có một điều giờ Uyển biết rõ, chiều sắp hết, mưa đã ngớt và phải về nhà. Duy thở khói mù mịt. Ly cà phê gần cạn, lạnh cóng trên tay. Còn buổi chiều nào nữa gặp nhau.
Uyển nhìn Duy. Duy nhìn Uyển. Cả hai nói rất ít. Uyển chỉ tay lên cành sao, nàng vừa thấy con chim khi nãy bay ra. Lần này nó không bay một mình. Có một con nữa bên cạnh. Hai đôi cánh vỗ vỗ, bay ríu rít. Mặt sông còn lưa thưa những hạt bóng nước. Giữa giòng lang thang các đám lục bình, gỗ cũ trôi. Nước dâng lớn hơn bao giờ.
- Em phải về.
Duy đứng lên, mở áo mưa. Cả hai che chung một chiếc chậm rãi đi. Như hai con chim bên nhau. Uyển nghe rõ tiếng nước bên trên, khi đi ngang một thân cây. Trời đùng đục, không có dấu hiệu trong sáng buổi chiều nay hay tối nay mà thôi. Tháng tám mưa sụt sùi như một người phiền muộn. Mưa khóc chuyện Ngưu Lang Chức Nữ từ tháng bảy mưa sang. Mưa buồn cho những người muốn gần nhau mà phải xa nhau.
- Mai nhớ đến nhé, anh đợi.
Uyển gật đầu. Nàng có cảm tưởng đó là một lời từ biệt.
Cơn mưa kéo dài đến sẫm tối. Ngớt hạt rồi lại kéo dài lê thê. Mưa thu chi mà dai đến phát khiếp. Nó làm cho cơ thể mỏi mệt, chỉ muốn nằm yên một chỗ. Uyển cầm quyển sách đọc vài trang, bỏ xuống, lắng nghe. Mọi tiếng động quen thuộc bao quanh, như một màng lưới vô hình bền bỉ. Đôi lúc Uyển tự hỏi, mất mát những điều thân ái đó sẽ ra sao nhỉ? Chắc là buồn lắm, buồn lắm. Uyển nghe tiếng guốc, tiếng mẹ càu nhàu. Mưa chi mưa hoài, chẳng cho người ta làm ăn gì cả. Lũ em xếp thuyền thả trôi ngoài mương, cười giỡn. Gió thổi qua vườn, Uyển tưởng nghe rõ tiếng cành sầu riêng lung lay. Lẫn trong tiếng mưa bùi ngùi, tiếng nhạc dưới phòng người chị văng vẳng. Một bài hát về những cơn mưa mùa thu. Với giọt mưa trong vắt, chiếc lá thu ướt đẫm.
Thốt nhiên Uyển nghe cô đơn vô cùng. Nỗi cô đơn trong sự ấm áp, bình yên là một niềm hạnh phúc. Như một nhà văn đã nói, đó là một sự cô đơn ấm áp. Nó làm người ta muốn ứa nước mắt cho niềm vui sướng đang nắm giữ, đồng thời ta dễ nhớ thương những người khác, bất hạnh hơn. Uyển nghĩ đến Duy. Không biết tháng mười có còn mưa dai dẳng? Mong cho nắng ấm, để không ai buồn trong những ngày mưa một mình. Mong chiều mai đừng mưa. Chúng ta chỉ còn gặp nhau vài lần nữa mà thôi. Uyển nhìn quanh phòng. Bức tranh Monet chụp lại do Duy tặng, đặt một nơi trang trọng nhất. Đứng, ngồi bất cứ nơi nào trong phòng đều trông thấy. Bức tranh dùng một màu tối, u ám với hàng cây khô rơi rớt vài chiếc lá. Màu sáng nhạt, màu tối đám lá tạo bức tranh vẻ kỳ lạ đặc biệt, như một khu rừng hoang, một mùa nhớ. Uyển đặt tên bức tranh là Mùa thu chết. Này là cái gương nhỏ quen thuộc mỗi ngày. Nó như một nhân chứng suốt quãng đời vừa lớn, từ khi mái tóc còn ngắn đến nay chăm mỗi ngày với gương. Sách vở, bàn ghế, giường màn, lọ hoa, bộ bàn ghế nhỏ xíu, poster trên tường. Jimi Hendrix uể oải chán nản. Léonard Whiting và Veronique Mercier thân ái.
Tất cả đó, tạo thành cuộc sống yên ổn. Từ bao lâu nay cho đến khi nhón gót gần đụng cửa ra vào. Nghĩa là đã lớn. Uyển thấy mình sắp rời bỏ chúng, hoặc không gặp thường xuyên, Uyển còn phải lên Đại học. Khi rời ngôi trường thân quen, làm như mình lớn hẳn ra. Cuộc đời chờ sẵn ngoài kia, tặng cho ta nhiều ngọt ngào lẫn chua xót. Và mãi mãi không còn như thuở làm học trò. Uyển nằm nghĩ lan man hết chuyện này đến chuyện khác. Và buồn. Như tuổi vừa lớn sắp qua.
Nửa đêm, thức giấc tình cờ. Mưa tạnh hẳn, gió đập lá cựa trên mái ngói. Nước đọng trên máng, nhỏ giọt. Thoạt đầu, Uyển nghe tiếng nước rơi đều đặn. Giọt nước rơi ngay một ống bơ, lon sữa nào ở dưới, thành một tiếng động rõ mồn một. Uyển thao thức lắng nghe. Tiếng động thánh thót, cô độc. Nghe như tiếng nước nhỏ xuống la va bô trong đêm vắng trằn trọc, ở một phim ma quái, làm Uyển rùng mình. Tiếng động duy nhất trong đêm khuya có một vẻ kỳ bí gì đó. Uyển không thể không nghe. Thoạt đầu, nước trên máng còn nhiều, tiếng động đều đặn, êm ả. Nếu cứ nhịp điệu đó, vừa dứt giọt này đến ngay giọt khác, thì đó là một bản đàn ru ngủ. Tuy nhiên, dần dần khoảng cách lâu hơn. Nước nhỏ thưa hơn. Uyển chờ đợi tiếng giọt nước kế tiếp rơi xuống. Đợi mãi, cho đến lúc nó rơi thật lâu, mòn mỏi. Uyển nghe rõ, trông rõ trong đầu nhiều hạt nước nhỏ bắn ra từ giọt nước đó. Dần dần, giọt nước làm cho Uyển mệt như một kẻ yếu tim. Nàng mở rộng vành tai, chờ đợi. Có lúc Uyển có cảm tưởng tim mình muốn ngừng đập. Nàng không hiểu mình chờ mong, băn khoăn đến độ đó với những giọt nước như vậy. Nó làm cho Uyển có cảm tưởng đang đợi chờ khắc khoải. Nóng ruột. Bồn chồn. Không yên một điều nào đó. Có lúc Uyển muốn ra ngoài quăng cái ống lon. Để khỏi thao thức vì một tiếng động tầm thường. Nhưng cái lạnh làm nàng chùn bước. Uyển nhìn trên một góc bàn, kiếm mấy viên thuốc ngủ. Nàng nhớ thuốc màu trắng, bé bé xinh xinh như viên kẹo của anh Quí làm trong Quân y cho. Nghe nói công hiệu lắm, anh cho Uyển cất một nơi nào không nhớ, nghĩ là ít có dịp dùng. Trên góc bàn, chỉ có ống Cetonic, hộp Hépachaud và ống Xervotonic. Bây giờ lại lười lục tìm quá, thôi rán ngủ đi.
Cứ thế, Uyển không chợp mắt được. Trí óc trống rỗng căng thẳng đến gần sáng. Uyển mở to mắt, như đang chờ đợi việc gì không rõ rệt đến gần, đến gần...
*
Vậy mà buổi sáng trời đẹp, không có nắng rực rỡ nhưng cũng là một ngày quang đãng dễ chịu. Có lẽ chiều sẽ mưa, mà buổi sáng khô ráo thế cũng tốt rồi. Cơn mưa mấy ngày qua làm cây xanh tốt, cỏ mướt non. Bọn trẻ lấy ống đu đủ, nhúng xà phòng thổi bong bóng. . Bóng đủ màu óng ánh nhưng ít cái nào bay cao. Vừa lên một tí, đụng phải cành là vỡ tan. Bọn trẻ tiếc rẻ tí xíu, lại tiếp tục thổi. Hình ảnh những chiếc bóng màu bay bay làm nhớ đến những ngày yên bình rất xa.
Sáng Uyển định ở nhà chăm sóc lại mảnh vườn nhỏ. Sau mấy ngày dầm mưa, coi bộ chúng tàn tạ quá. Nhiều hạt mầm bị thối, chồi non gãy. Mẹ bảo ra phố mua bánh trái gì cho Trung thu ; sẵn dịp sao giấy tờ. Uyển sửa soạn đi, nàng hái hai cành cúc vào cắm. Hai đóa hoa đầu mùa, mùa thu. Một đóa nở to, một vừa chớm. Uyển cắm vào chiếc lọ trắng thủy tinh cao cổ. Hai đóa hoa lẻ loi, tuy nhiên nổi hẳn giữa màu bàn tủ nâu sậm. Màu vàng của hoa mang vô nhà rực rỡ hẳn.
Thế nhưng trời trong chỉ được tí buổi sáng. Khoảng 11 giờ mưa lại về. Mạnh mẽ, xối xả hơn bao giờ. Mưa như tương tư vùng đất này, không thể vắng lâu. Lúc đó Uyển đã xong việc, trú mưa ngay hiệu bánh. Mưa làm con đường biến thành một dòng sông nhỏ. Một nhánh sông nước đục mù. Qua màn mưa, loáng thoáng người chậm chạp đi ngang qua, như trong một phim câm. Một vài người trú mưa, nhả khói mù mịt như đoàn tàu phun khói. Hơi khói cay nồng ứa nước mắt làm Uyển muốn sặc. Nàng nhớ đến Duy, hương khói nhẹ nhàng buổi chiều trên sông.
Đứng dưới hiên phố khá lâu, khói thuốc nhiều quá làm Uyển khó thở. Nàng mong một cái xe ngựa hoặc xích lô đón về. Nhưng mưa mù mịt, đường ngập nước chỉ có xe gắn máy mà thôi. Thôi, cũng phải về vậy. Uyển ôm gói giấy vòng trước ngực, men theo dãy phố. Đoạn đường về nhà có một khoảng dài một bên là hàng cây, một bên là bờ tường của một cơ xưởng. Uyển mím môi, lắc đầu nhìn mưa trước mặt. Sau cùng Uyển quyết định đi, chân ngâm dưới nước, đầu đội mưa ướt mem. Gió tạt luồn hai tay áo rét run. Uyển vuốt nước mưa trên mặt, môi mím chặt. Đoạn đường vắng, ai trông thấy chắc cho Uyển là người điên. Người điên đi trong mưa một mình. Thú vị đấy chứ. Uyển bật cười. Đi một mình lạnh quá. Và Uyển buồn quá sức.
Về đến nhà, bước vô bậc thềm Uyển thấm lạnh. Nàng thay vội áo quần, xuống bếp sưởi, ăn qua loa bát cháo. Trong lúc ăn, Uyển nghe lạnh run ở môi, hàm răng đánh vào nhau. Uyển sờ trán, nóng hâm hấp. Uể oải lạ. Ăn xong Uyển trở về phòng. Nằm được một tí, nghe nhức đầu. Trùm chăn kín, tiếng mưa rào rạt bên tai. Mưa chi mưa hoài, dễ ghét. Chẳng biết chiều nay có mưa? Thôi nằm nghỉ cho khỏe, chiều sẽ không mưa đâu.
Sao mà nặng đầu quá, trán nóng, chân lạnh tay lạnh. Không khéo cảm nặng à. Coi chừng chiều ngồi dậy không nổi, phải tìm viên thuốc mới xong. Uyển ngồi dậy, lại bàn lấy một cái hộp nhỏ. Uyển rót nước, ngửa cổ bỏ thuốc vào. Viên thuốc bọc đường lớp đường mỏng quá làm Uyển nhăn mặt. Nàng uống một hớp nước, cất chai. Uyển đứng vịn ghế, có cảm tưởng thuốc đang ngấm vào mạch máu vào tế bào. Uyển vui vẻ với ý nghĩ đó.
Uyển nhìn ống cetonic. Nàng tưởng tượng vị chua chua, ngọt ngọt tan trong lưỡi ngon như một viên ô mai. Nước bọt ứa ra trong chân răng, Uyển cười. Uyển lấy ống cetonic, mừng rỡ vì thấy nặng. Nàng lắc lắc và nghe tiếng những viên thuốc màu da cam va chạm. Uyển lau nhẹ lớp bụi mỏng bám trên ống, đọc. Người lớn uống 6 viên. Hôm nay mình chưa uống viên nào cả, vậy là có quyền dùng trọn. Ngày xưa, để tranh thủ thời gian khi bận, mệt ; Uyển hay uống một lượt ba, bốn viên không ngậm. Bây giờ thì mình cần ngủ bù giấc ngủ tối qua. Uống một mạch cho xong.
Uyển mở ống cetonic. Nàng rót ly nước đầy. Uyển đổ thuốc ra tay, cầm ly nước đưa lên, những viên thuốc trắng be bé xinh xắn trên bàn tay trắng hồng. Uyển mỉm cười, nàng nghe mệt hơi hơi, làm như nãy giờ chỉ bệnh tưởng. Uyển uống hớp nước, cho cả năm, sáu viên thuốc trắng vào miệng. Nàng hơi rùng mình vì mùi chua lợ, vội vã nuốt. Uyển đặt ống cetonic trống rỗng lên bàn. Vuốt ngực ; làm như cử chỉ đó giúp cho thuốc mau tan và mau công hiệu.
Uyển đứng trong tư thế đó một lúc, tay vịn ghế. Bức tranh Monet nhìn nàng, trông như đoạn đường khô dẫn vào nghĩa trang. Đôi mắt chàng ca sĩ da đen Jimi Hendrix nhìn Uyển, như từ một cõi xa nhòa nhạt nào chào đó. Uyển cầm đóa cúc, ngửi mùi hăng hăng...
Trùm chăn kín người, Uyển vẫn nghe tiếng mưa không dứt. Uyển chợt nhận ra tiếng mưa êm đềm quá đỗi. Ước gì mình được nghe hoài tiếng thì thào êm ái đó. Uyển cảm thấy buồn ngủ, mắt nặng, ríu lại. Một bên tai, Uyển nghe khúc Ave Maria của Schubert vẳng lên.
Mưa không ngớt, như kéo dài từ mùa thu này đến mùa thu khác, không ngơi nghỉ. Uyển ngủ bằn bặt trong tiếng mưa từ tiền kiếp những mùa thu...
Và, tại một nơi quen thuộc Duy ngồi nhìn ra mặt sông chờ đợi. Mưa vẫn gào thét, phẫn nộ trên sông, trên những nhánh cây. Duy nhìn thấy cả lá còn xanh tươi, gió tàn bạo quất lìa khỏi cành. Lá lao chao rơi xuống tại một vị trí, như đã định sẵn. Cũng như đời là đã định sẵn, một thời gian nào đó.
Duy thở khói mù mịt, chờ đợi với nỗi bứt rứt không yên.
Cho đến khi chiều xuống, vẫn không thấy Uyển đến. Duy khoác áo mưa bước ra, chợt nhớ cơn mưa chiều qua. Duy và Uyển che chung chiếc áo, cũng trên đoạn đường này, mùa này. Tiếng người nữ ca sĩ gào, phát ra từ trong quán. Mùa thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho. Em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa, trên cõi đời này, trên cõi đời này, từ nay mãi mãi không thấy nhau, từ nay mãi mãi...
Đến trước nhà Uyển, Duy dừng lại dưới những chùm hoa vàng. Mưa xối xả chung quanh, mưa trắng xóa nhà im vắng. Duy nhìn, nhìn màn mưa mịt mùng. Cho đến lúc không nhìn thấy gì cả...
... Và, chúng mình sẽ khóc, chỉ biết khóc mà thôi, phải không?
DUY NGUYÊN
(Trích từ tuần báo Tuổi Ngọc số 71, tuần lễ từ 5-10 đến 12-10-1972)
Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020
VÀNG XƯA - Đan Hoàng
Thành phố đó không bao giờ có sương mù, nắng luôn luôn rực rỡ trên ngọn cây. Nắng nhẩy nhót cười trên đôi môi, trên mái tóc, trong đôi mắt của người trẻ tuổi. Nắng gieo vàng trên những bờ cỏ, trên những ruộng lúa, trên những con sông. Nắng cho thành phố vẻ đẹp, người ta gọi vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp mộc mạc và chân thành. Ở đây, thành phố đẹp kiêu kỳ, lãnh đạm. Tôi yêu cả hai vẻ đẹp ngang nhau, nhưng nếu bắt buộc tôi phải chọn lựa rõ ràng tôi sẽ không làm khác hơn. Có một câu nói nào thật dễ thương. "Nơi nào đẹp nhất? – Thưa, đó là nơi người yêu tôi ở".
Mặt trời không chịu ló ra khỏi đám mây dầy đặc cùng với sương mù. Tôi thèm một tia nắng óng ánh vờn trên mái tóc. Tay tôi lạnh như một cục nước đá, lạnh đến cứng ngắc làn da khô héo. Tôi nghĩ chắc mặt mình phải xấu đi nhiều lắm. Tôi cũng nghĩ đến cảnh những người già yên lặng ngồi sưởi nắng mặt trời mùa đông. Hình ảnh buồn bã làm sao.
Tôi nhìn thấy mầu áo len xám của L. hiện ra trên con đường dốc nhỏ. L. vừa đi vừa cúi người trên đám hoa bươm bướm đủ mầu. Tôi se sẽ mỉm cười một mình, nụ cười rỗng không. Vô tình. L. trao cho tôi một đóa hoa bươm bướm mầu tím đậm:
- Chị đi dạo sớm thế, xem này, mầu hoa đẹp ghê chưa?
Tôi yên lặng cầm lấy bông hoa nhỏ bé, cánh hoa mướt như làn lụa mới. L. ngắt một đóa hoa khác:
- Về cắm hoa rồi ăn sáng đi. Hôm nay em muốn ra phố sớm để mua một ít quà.
- Còn sớm mà.
- Chị cứ tưởng. Tại ở đây mặt trời lên muộn. Đã gần tám giờ rồi.
Tôi lơ đãng áp đóa hoa lên má:
- Ừ, thì về.
Lá cỏ yểu điệu nghiêng mình dưới cơn gió sớm, con đường vẫn lạnh lẽo như lúc ra đi. L. hà hơi thành những đám sương trắng bay tản trong không gian.
- Hôm nay chị có vẻ buồn.
- Có lẽ.
- Buồn làm quái gì!
- Ừ.
- Lại nhớ rồi phải không?
- Có lẽ.
L. ngắm nghía túm hoa dại trên tay.
- Ở vùng mình ở em chẳng thấy có đóa hoa nào mầu vàng cả.
- Ngoài phố thì có.
- Ngoài phố nói gì. Chị nhớ ở T. không, đầy cả hoa mầu vàng.
Câu nói của L. như một tiếng chuông nhỏ lảnh lót reo trong trí nhớ. Tôi vụt hiểu tại sao từ ngày lên đây tôi chỉ thích nhìn những cánh hoa vàng. Những đóa huỳnh anh nuột nà đầy khắp cả mọi nơi ở T. một buổi sáng mai nào. Tôi gọi T. là xứ của hoa huỳnh anh. Đâu đâu cũng thấy những giàn huỳnh anh nở đầy rực rỡ. Chắc chả bao giờ tôi còn trở lại T. để nhìn lại giàn huỳnh anh cũ dấu yêu. Chầm chậm, tôi cùng L. trở ngược con dốc theo lối về nhà. Sương mù là là trên ngọn cỏ hắt hiu. Tôi cảm thấy một nỗi buồn rầu nhẹ nhàng phủ lên từng bước chân.
- Mai mình về B. thôi chị M. ạ. Em chán ở đây quá rồi, buồn chết người.
Tôi mơ màng nhìn hàng cây xanh trước mặt, đi đâu thì cũng thế thôi. Bông hoa bươm bướm ẻo lả gục xuống trong lòng bàn tay. Ở B. có nhiều hoa bươm bướm vàng, ở B. cũng có huỳnh anh.
- Mai về chứ chị M?
- Ừ.
Người ta như những cánh chim, không bao giờ chim ở yên một chỗ. Chúng có mùa thiên di. Con người cũng có mùa. Tại sao nắng lại không lên kìa, lá cây xanh quá. Tôi muốn chúng có một chút vàng óng ả điểm tô.
- Ở T. giờ này nắng vỡ đầu chị M. nhỉ?
Tôi đọc se sẽ, một mình – một ngày nhớ đóa huỳnh anh. L. hỏi tôi chị làm thơ đấy à. Tôi không trả lời L.
Bây giờ là tháng chín. Bây giờ ở T. huỳnh anh đang nở thật vàng. Tôi yêu huỳnh anh.
Th., với Th. thì nơi nào đẹp nhất?
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 71, tuần lễ từ 5-10 đến 12-10-1972)
Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020
NHƯ RU TÌNH NGỦ SAY - Tôn Nữ Thu Dung
Tình mãi mãi còn đau
Người như chim rừng núi
Mang mang một mối sầu
Vô tình ta không biết
Ngàn năm sóng phũ phàng
Âm thầm trôi đi hết
Không một lời âm vang
Mơ hồ nghe tiếng người
Cũng bất ngờ ảo vọng
Thức giấc quên đóa cười
Hạnh phúc về trên tay
Một ngày ta chờ ngóng
Tình yêu đầy hai vai
Xin đời hãy bình yên
Một ngày ta đuổi bóng
Xin suốt đời là đêm
Rằng người đã vội quên
Tiếng chim nào thảng thốt
Vẳng trong chiều buồn tênh
Chỉ một mình ta nghe
Êm đềm không ai biết
Âm thầm không ai nghe
Chỉ một mình ta hay
Gió ru từng sợi tóc
Như ru tình ngủ say
Kỷ niệm đã trùng trùng
Đời mình như dòng suối
Nghìn năm rất dửng dưng…
Nguồn : https://tranthinguyetmai.wordpress.com
Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020
MÙ SƯƠNG - Bùi Hữu Miên
Cửa sổ phòng ăn của biệt thự trắng bên ngọn đồi Cù đã được mở ra. Giờ này, đứng ở cửa sổ đó người ta có thể nhìn thấy những cánh phù dung trắng và những tà áo trắng của học sinh trường nữ trung học. Tất cả đều có vẻ co ro.
Bàn ăn thường ngày có bốn chiếc ghế: ông bà Minh Tâm, cậu Minh Ngọc, cô Hạ Phương. Nhưng sáng nay có thêm một chỗ ngồi cho Lâm, bạn của Minh Ngọc từ Saigon lên có chút việc cần trên này. Buổi sáng lạnh. Căn phòng lò sưởi vẫn cháy nhưng ông Minh Tâm thường có thói quen mở cửa sổ để nhìn ra vườn, những con đường và những ngọn đồi mù sương buổi sớm.
Chị Hai dọn món điểm tâm cuối cùng lên bàn rồi lui gót trở ra. Bàn ăn không còn chiếc ghế bào trống. Bữa điểm tâm được bắt đầu trong không khí lặng lẽ. Ông bà Minh Tâm thường mặc quần áo đến sở ngồi vào bên bàn ăn. Ăn xong ông bà sẽ đi ngay. Ông Minh Tâm làm cho một ngân hàng tư và bà Minh Tâm làm cho hãng hàng không. Ông minh Tâm cầm muỗng khuấy đều ly và phê của mình, nhìn thấy Lâm đang xé vụn những mẩu bánh mì.
- Cậu Lâm thấy ở đây như thế nào?
- Thưa bác, cháu cảm thấy thích hợp ghê lắm ạ.
Lâm đáp như vậy rồi nhìn ra phía cửa sổ. Cậu rất thích những đồi thông mờ ảo trong sương. Bà Minh Tâm hớp một ngụm nước trà, cũng nhìn ta cửa sổ nhưng để ngắm những đóa hoa phù dung nở trắng dưới vườn.
- Nhưng cháu Lâm có chịu lạnh nổi?
Bà không gọi cậu Lâm như chồng. Bà thường thân mật và rất hiếu khách. Lâm thấy dễ chịu giữa không khí của gia đình bạn. Cậu Minh Ngọc lên tiếng:
- Chịu nóng thì được chứ lạnh sao được, Lâm nhỉ?
Lâm nhìn bạn cười đáp:
- Chắc vài hôm rồi sẽ quen.
Bà Minh Tâm thôi không nhìn ra vườn nữa. Bà đặt tách trà đã vơi nửa xuống bàn, cầm khăn lau miệng và đùa:
- Biết đâu cháu sẽ mê thành phố của bác.
Vừa nói bà vừa đứng dậy và bước ra khỏi phòng. Một lúc sau ông Minh Tâm cũng đứng dậy và đi ra. Suốt bữa ăn người ta nhận thấy cô Hạ Phương không nói một tiếng nào cả. Riêng cậu Lâm, cậu chưa nghe được tiếng nói của cô Hạ Phương từ lúc bước chân vào căn nhà của bạn. Căn phòng chỉ còn lại có ba người. Cô Hạ Phương đặt ly sữa của mình xuống bàn rồi nhìn cậu Minh Ngọc, cậu Lâm. Cô thấy e dè trước người bạn của cậu Minh Ngọc. Một lúc sau ba người nghe tiếng máy xe rồ lên ở dưới nhà. Cậu Minh Ngọc lên tiếng khi cô Hạ Phương sửa soạn đứng dậy:
- Hôm nay Phương lấy xe anh đi, anh ở nhà với Lâm.
Cô Hạ Phương đứng dậy và lấy tay vén tóc. Cô vẫn chưa nói gì. Cậu Lâm bây giờ mới thấy cô Hạ Phương cũng mặc áo dài trắng như những nữ sinh đi rải rác dưới kia. Và cô có vẻ nửa trẻ thơ nửa nghiêm trang, vẻ mặt không lãnh đạm không ân cần. Cậu Minh Ngọc tưởng cô Hạ Phương không nghe nên nhắc lại câu nói cũ. Cô Hạ Phương dạ nhỏ và bước ra khỏi phòng.
Sau khi cậu Minh Ngọc và cậu Lâm đã xuống dưới vườn, chị Hai rón rén bước vào phòng đóng hai cánh cửa sổ lại và dọn dẹp. Bàn ăn đã trống tất cả những chỗ ngồi.
Cậu Minh Ngọc cúi xuống sửa lại một cành phù dung. Và trong lúc đó cậu Lâm đang nhìn theo dáng cô Hạ Phương lái chiếc xe honda dame màu xanh lăn từ từ ra phía cổng.
Sương mù đã tan bớt ở tất cả mọi nơi và nắng đã hồng lên rải rác trong vườn. Cậu Lâm nhìn đóa hoa phù dung nở trắng và nghĩ đến chiếc áo dài đồng phục của cô Hạ Phương.
Cũng trong những chỗ ngồi của ngày hôm trước. Sau khi ông bà Minh Tâm đã ra khỏi phòng. Cậu Minh Ngọc đẩy đĩa trứng tráng sang cậu Lâm, nói với cô Hạ Phương:
- Chút nữa anh Lâm sẽ đưa Phương đến trường và đem xe về. Anh ở nhà sửa soạn vài thứ. Trưa Phương chịu khó về bộ. Hôm nay anh đưa anh Lâm đi chơi thác.
Cô Hạ Phương dạ nhỏ và đưa mắt nhìn cậu Lâm. Cô không ngờ cậu Lâm nhìn mình. Cô bối rối chớp chớp đôi mắt và ngượng ngùng bước ra khỏi phòng.
Năm phút sau, cậu Lâm chở cô Hạ Phương đi ra ngoài hai cánh cổng sơn xanh.
Và buổi sáng vẫn còn mù sương lãng đãng.
Cậu Minh Ngọc đưa tay che gió để mồi điếu thuốc. Cậu dừng lại bên cửa một lát rồi mới bước ra với cậu Lâm đang đứng im lặng dưới thềm. Cậu Lâm cũng đang hút thuốc. Hai người đứng thì thầm gì đó với nhau. Cậu Minh Ngọc nhìn bâng quơ ra vườn. Ban đêm miền sương mù lạnh hơn buổi sớm. Nhưng trăng rất đẹp ở bên hồ. Và cậu Lâm thấy lạnh co ro cũng là một nỗi tuyệt vời. Hai người nói với nhau thêm nhiều câu nữa và cùng bước trở vô.
Cậu Minh Ngọc đi từng hai bước lên lầu, trở vô phòng riêng. Cậu Lâm đốt một điếu thuốc mới và rẽ qua lối đến phòng học. Đèn phòng còn sáng và cậu biết cô Hạ Phương còn học ở trong. Cậu Lâm định nói gì đó với cô Hạ Phương.
Cô Hạ Phương ngồi trước cuốn vở đã mở ra, một bên chi chít những chữ và một bên còn trống. Tuy ngồi đó nhưng cô Hạ Phương không học. Cô đang ngồi suy nghĩ điều gì đó. Cô Hạ Phương nghe rõ tiếng chân bước gần đến cửa phòng, từ từ lại rất lâu và quay gót lui. Cô Hạ Phương đứng dậy và nhìn ra cửa. Cậu Lâm vừa khuất bóng trên lối lên lầu. Cô Hạ Phương trở lại bàn học gấp cuốn vở lại và tắt đèn. Bóng tối xuống căn phòng và trên người cô.
Một giờ sau chị Hai thấy cô Hạ Phương còn ở dưới vườn. Chị muốn gọi cô vào nhưng lại không dám.
Ở đó có hai chiếc ghế bỏ trống. Một của cậu Lâm và một của Minh Ngọc. Ông bà Minh Tâm không nói gì cả và bắt đầu bữa ăn. Cậu Minh Ngọc đưa cậu Lâm ra bến xe. Cô Hạ Phương bưng ly sữa lên nhưng không uống, cô nhìn màu trắng đục của sữa và buồn buồn. Một lát sau, ông bà Minh Tâm cùng đứng dậy đi ra. Ông Minh Tâm nói gì đó nhưng cô Hạ Phương không nghe rõ. Cô chỉ dạ nhỏ ơ hờ.
Chị Hai dợm bước vào phòng và thấy cô Hạ Phương ngồi thừ trong đó. Chị Hai còn đủ thời giờ để bước ra mà cô Hạ Phương không hay. Chị biết mình phải đi thật êm hơn lúc vào. Chị mỉm cười và nghĩ cô Hạ Phương buồn lắm vì cậu Lâm đã về Saigon. Chị đắc ý khi biết được điều đó.
Cô Hạ Phương không hiểu tại sao chị Hai lại bước trở ra. Nhưng cô cũng không buồn để ý lâu. Vì cô đang bận nghĩ đến một điều nào khác.
Khi cô Hạ Phương sửa soạn đến trường thì nhìn thấy mảnh giấy từ biệt của cậu Lâm để lại trên bàn học. Mảnh giấy có lẽ được xé ở một cuốn sổ tay. Cô Hạ Phương đọc xong xé vụn mảnh giấy và không hiểu nghĩ sao cô lại nhặt tất cả lên và bỏ vào hộp viết. Rồi lặng lẽ xách cặp đi ra.
Đàlạt, mùa sương mù thật buồn.
BÙI HỮU MIÊN
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 68, tuần lễ từ 14-9 đến 21-9-1972)
Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020
Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020
CÁI ẤM ĐẤT - Khái Hưng
Người cha giơ bàn tay ra vội gạt:
- Không, cha khởi cơ nghiệp bằng cái ấm đất. Vậy con phải nói: Cha đã ấm đất dựng lên nhà gạch mới đúng.
- Dạ, con cũng biết thế. Nhưng xây nhà xây cửa, tậu vườn tậu ruộng, há không phải do hau bàn tay trắng với lòng kiên nhẫn, với cái thông minh mẫn tiệp của cha? Trên đời có biết bao nhiêu đứa trẻ bán nước vối, vậy thử hỏi ngoài cha ra đã một ai làm nên trăm nên nghìn chứ đừng nói làm nên vạn như cha vội. Vậy thì cái ấm đất chỉ là một vật, một khí cụ mà cha đã dùng trước là để kiếm ăn, sau là làm giàu, cũng như cái cầy, cái bừa, chẳng hạn. Vâng, thưa cha, cái cầy, cái bừa, con trâu đã giúp cha gây dựng cơ nghiệp to tát, con thiết tưởng ít ra ba thứ ấy cũng phải được xếp ngang hàng với cái ấm đất chứ. Cớ sao cha lại nỡ bên trọng, bên khinh...
Người cha mỉm cười ngắt lời:
- Thôi, con không nên dài lời vô ích, cũng không nên bắt bẻ cha, tội nghiệp. Cha hiểu ý con rồi. Con muốn được chia phần hai trăm mẫu ruộng và năm chục con trâu chứ gì?
Người con yên lặng cúi đầu không đáp. Người cha lại nói:
- Quả thực con không xứng đáng được cha chia cho cái ấm đất trong sạch và thiêng liêng của cha. Vậy đem bút mực đây để cha điền tên con vào chỗ phần thứ hai.
Người con cả, sung sướng chạy vội đi lấy cái bút và nghiên mực đặt ở bên mình cha, rồi đưa tay ra sau gáy nâng cha ngồi dậy. Người ốm vừa viết vừa nói:
- Đáng lẽ cha phải chia cho con phần dinh cơ vì trong đó có nhà thờ thờ ông cha, mà con lại là con trưởng. Nhưng con đã thích ruộng, thích trâu, thì cha cũng chia ruộng trâu cho con. Cha không muốn làm phật lòng các con trước khi cha nhắm mắt. Bây giờ đến lượt anh Hai. Anh nghĩ sao? Anh thử trả lời để cha xem anh có xứng đáng được hưởng cái phần gia tài quí giá nhất của cha không?
Người con thứ hai lễ phép cúi đầu thưa:
- Cha đã hỏi, con xin thành thực trình bày. Cái ấm đất mà cha vừa kể cho chúng con biết rõ lịch sử, thực là một cái ấm đất quý, một cái ấm đất phi thường, một cái ấm đất thiêng liêng nữa, như lời cha dạy. Nó là người bạn buổi thiếu thời của cha, nó là người bạn trong sạch nhất của cha. Bây giờ cha lại muốn để nó làm bạn với một trong ba anh em chúng con, thì con thiết tưởng kẻ nào được phần danh dự ấy phải là người có tài cao, có đức lớn mới xứng đáng. Nay con tự xét mình con tài hèn đức mỏng...
Người cha vội cướp lời:
- Nghĩa là con không ưng lấy cái ấm đất chứ gì!
- Dạ, xin cha cho phép con nói hết ý nghĩ của con đã. Cha là người có đại tài, đại đức nên đã tay trắng làm nên cơ nghiệp to tát ngày nay. Con nói tay trắng, tuy con vẫn nhớ công cái ấm đất kia. Con nói thế là vì con cho rằng có tài, đức như cha thì dù xuất thân làm nghề gì cha vẫn tới được cái đích giàu có hằng vạn. Cái ấm đất chỉ may mắn được lọt vào tay cha lúc ban đầu. Nếu cha xuất thân làm thợ ngõa thì chắc cái bay, cái thước nay cũng được cha quý trọng như cái ấm đất. Tóm lại, làm nên giàu có là chỉ nhờ về tái đức của cha. Nếu con cũng có tài cao, có đức dầy thì với cái ấm đất cha để cho con, con sẽ cũng làm nổi cơ đồ như cha ngày nay. Nhưng tiếc rằng tài con hèn, đức con mỏng nên không dám cáng đáng lấy cái công việc khó khăn mà những người phi thường như cha mới làm nổi.
Người cha cười:
- Khéo! Khéo! Khéo! Con khéo nói lắm. Như thế kể con cũng có tài đấy, cái tài ngôn ngữ. Nhưng đức của con thì quả còn mỏng mảnh như con nói. Vậy con chưa xứng đáng được cha chia cho cái ấm đất của cha. Còn anh Ba, anh Ba nghĩ sao? Thử nói cha nghe nào.
Người con thứ ba đáp:
- Thưa cha, cái ấm đất của cha thực là một gia bảo của nhà ta, nếu cha giao nó cho con, thì con xin cam đoan với cha rằng con sẽ chăm nom giữ gìn nó, con sẽ là người bạn suốt đời của nó.
Người cha kinh ngạc hỏi:
- Con có đủ tài đức để giữ nó không, để giữ nó mãi mãi không?
- Thưa cha, con không dám tự cao cho rằng con có đủ tài, đủ đức, và con cũng không biết con có xứng đáng được cha giao cho thứ bảo vật yêu quý của cha không, nhưng nếu cha xét thấy con xứng đáng mà ban cho thì con xin vui lòng nhận.
- Con vui lòng?
- Vâng, con vui lòng.
- Nhưng con phải biết phần gia tài ấy chỉ có một cái ấm đất với mười quan tiền để mua nồi, mua vối, mua củi...
- Thưa cha, ngày xưa cha xuất thân chỉ có một cái ấm đất với ngót một quan tiền.
- Con phải đi bán nước vối rong, con sẽ phải cất cao giọng rao suốt ngày ấy sang ngày khác: "Có ai uống nước vối nóng không?"
- Cha làm được thì con cũng xin cố làm được.
- Con sẽ ngủ nhiều đêm ở vệ hè, ở trong quán chợ.
- Người ta ngủ như thế được thì con cũng ngủ như thế được.
- Hai anh con được một người hai trăm mẫu ruộng, và một người cái dinh cơ đồ sộ này, mà con chỉ được mỗi một cái ấm đất, con không suy bì?
- Thưa cha, hai trăm mẫu ruộng, một nơi dinh cơ rộng rãi với một cái ấm đất hơn kém nhau thế nào khó lòng mà so sánh được. Nhưng có một điều con tin chắc, là cha đã chia ra làm ba phần bằng nhau, thì tất ba phần ấy phải bằng nhau, không hơn không kém. Nhận phần hai trăm mẫu ruộng, hay phần dinh cơ, hay phần một cái ấm đất, con tin chắc rằng cũng thế mà thôi, nhất con lại được nghe cha ca tụng cái quãng đời bán nước vối của cha là trong sạch, là sung sướng, và mạt sát cái đời làm chủ nhân ông mấy tòa nhà và hai trăm mẫu ruộng mà cha cho là một đời lừa lọc, gian trá, ác nghiệt, tàn nhẫn. Thưa cha, nếu kiếm ăn với một ấm nước vối là sống và tiêu pha phung phí trong tòa nhà này cũng chỉ là sống thì can gì không chọn lấy cái sống trong sạch và sung sướng kia mà lại đi chuốc lấy cái sống ô trọc, khổ sở này. Thưa cha, con quả quyết xin cha ban cho con cái ấm đất, nếu cha xét con thực xứng đáng được lĩnh phần gia tài quí báu ấy.
Người cha vui cười:
- Xứng đáng thì con xứng đáng lắm rồi. Ngày xưa, lúc lâm chung mẹ con, mẹ con có căn dặn cha rằng thằng Ba khá hơn hai anh nó, vậy khi chia gia tài, phải nghĩ đến nó hơn hai anh nó một chút. Quả thực ngày nay cha thấy rõ ràng con khá hơn hai anh con, và quả thực ngày nay con được cha chia cho phần gia tài đích đáng nhất. Cha cứ tưởng phần gia tài ấy không ai được nhận và cha sẽ phải làm lại chúc thư. Nhưng bây giờ thì cha sẽ yên tâm mà nhắm mắt từ biệt các con.
Năm hôm sau người cha chết, chết giữa lúc tâm trí còn sáng suốt, vì lời cuối cùng của nhà cự phú là lời dặn các con nên giản dị trong việc ma chay. Dẫu có lời dối dăng ấy, anh Cả và anh Hai cũng cứ làm ma linh đình để được tỏ lòng hiếu, không phải hiếu đối với cha mà đối với làng xóm, họ hàng. Vì đối với người cha đã qua đời, họ không cần lấy lòng lấy bề như xưa để hòng được hưởng phần gia tài lớn nữa.
Riêng người con thứ ba là thành thực đau đớn. Xưa nay anh vẫn yêu cha, vì yêu cha là một tính tình tự nhiên trong lòng anh. Nhưng từ lúc được nghe mấy lời tâm huyết của cha, tình yêu của anh lại tăng lên bội phần, tình yêu lẫn trong tình thương. Ban ngày ngồi một mình, anh tưởng tượng cái đời vất vả, nghèo đói, khổ sở của cha thủa trước. Anh thấy hiện ra trước mắt một thằng bé rách rưới, gầy còm, xách ấm nước vối chạy rong, miệng luôn luôn giao hàng: "Có ai uống nước vối nóng không nào!". Thằng bé ấy là cha anh, và vài hôm nữa sẽ là anh. Đã có đêm Ba chiêm bao thấy chính Ba xách ấm đi thất tha thất thểu ngoài đường, dưới mưa phùn gió lạnh. Tỉnh dậy Ba lại càng thương cha. Và Ba muốn sống ngay cái đời rét mướt ấy để được biết ngày xưa cha khổ sở đến bực nào.
Anh Cả và anh Hai thương hại em và muốn chia của cho em để em được cùng mình hưởng giàu có. Nhưng Ba nhất định từ chối, nói cha đã chia cho một cái ấm đất và một chục quan tiền để làm vốn mua vối nấu nước bán, thì anh chỉ nhận phần gia tài ấy thôi. Hai anh dọa Ba rằng Ba sẽ chết đói. Ba cười đáp:
- Thế thầy ngày xưa thì sao? Không những thầy không chết đói mà thầy còn làm nên nhà cửa, tậu được ruộng vườn để ngày nay chia cho anh em ta.
Và Ba lại cười. Hai anh cho rằng Ba nói mỉa mai, tức giận im lặng. Vì sự thực những nhà cửa, ruộng vườn ấy chỉ hai anh được hưởng, chứ Ba có dự phần vào đâu. Nhưng cái cười của Ba là cái cười tự nhiên, chứ không có ngụ ý mỉa mai hay oán trách hai anh. Vả lại chính Ba đã bằng lòng và xin nhận cái phần gia tài mà cha cho là trong sách ấy. Anh nghĩ thầm: "Có lẽ cái trong sạch đã làm cho cha sung sướng, khi cha còn bần hàn, vì trong cái đời giàu có của cha, ta chưa từng thấy cha sung sướng bao giờ: lúc nào cha cũng phàn nàn, lo nghĩ, xoay sở, có khi mất ngủ mất ăn. Ta chỉ mong được sung sướng, vậy thì có cái ấm đất mà sung sướng còn hơn có cửa nhà, vườn ruộng mà khổ sở."
Thế là Ba quả quyết với cái chí tự lập lấy thân.
Vừa xong việc tang ma, anh bắt đầu bước vào nghề mới, cái nghề bán nước vối rong.
Anh bỏ ra ba quan thuê một cái quán tranh ở bên chợ. Với năm quan anh mua lá vối và các đồ dùng để nấu nước. Rồi sáng sáng thức dậy thực sớm, dậy trước cả tiếng gà gáy thứ nhất, anh nấu nước rót vào cái ấm đất ra đi và cất tiếng rao lanh lảnh:
- Nước vối nóng ngon có ai uống không" Có ai uống nước vối nóng ngon không nào?
Mà nước vối của Ba vừa nóng vừa ngon thực. Lá vối trước khi nấu Ba đã ủ kỹ nhiều ngày. Ba lại nấu với nước mưa trong sạch và tra vào một ít nụ vối. Vì thế nước vối của Ba ngọt và thơm. Các bà đi chợ xa nghe tiếng rao, vui mừng bảo nhau: "Chúng ta hãy đặt gánh nghỉ chân uống một bát nước vối của anh Ba đã! – Nước vối anh Ba uống vào là hết nhọc mệt liền!" Rồi gọi lại mỗi người uống một bát. Uống xong các bà khen lấy khen để: Nước vối anh Ba nấu khéo quá! Ai đã uống một lần thì không sao quên được nữa, không sao bỏ được nữa, người ta nghiện nước vối anh Ba như nghiện rượu. "Nước vối anh Ba" câu áy đã thành như một câu ngạn ngữ.
Đi khỏi một quãng, các bà đem chuyện anh Ba ra nói với nhau cho vui trên con đường xa. Một bà bảo:
- Anh Ba là con cụ Bá làng tôi. Cụ giàu nứt đố đổ vách mà sao cụ vừa mất được mươi hôm anh ấy đã phải đi bán nước rong!
Bà khác đáp:
- Hai người anh cũng tệ! Nào nhà cửa linh đình, nào ruộng nương hằng trăm mẫu mà nỡ để em đi bán nước vối.
Bà thứ ba nói:
- Nghe đâu hai người anh có xin chia của cho em, nhưng anh Ba anh ấy nhất định không nhận. Anh ấy bảo ngày xưa cụ Bá xuất thân với cái nghề bán nước vối rong thì nay anh ấy cũng cứ theo cái nghề ấy.
- Dễ thường anh ấy điên?
- Chẳng điên thì cũng lẩn thẩn. Thiên hạ lại có người chê của thì cũng lạ!
Trong khi các bà kháo chuyện anh thì Ba đương rẽ xuống ruộng bán nước vối cho một bọn thợ gặt. Nghe tiếng rao trong trẻo, họ đã ngừng tay cắt lúa và cất tiếng gọi:
- Anh Ba, đem nước xuống đây bán cho chúng tôi, nước vối của anh chúng tôi uống hôm qua, hôm nay vẫn còn nhớ vị thơm ngọt. Chúng tôi đương mong ngóng anh đây!
Chẳng mấy lúc ấm nước đã cạn. Ba chạy về nhà rót đầy ấm khác rồi lại đi bán rong cho khách qua đường, mãi xế chiều mới trở về nơi quán tranh thổi cơm ăn. Cơm xong, Ba nghêu ngao hát chèo, hát trống quân chơi, rồi đi ngủ để sáng hôm sau lại dậy sớm nấu nước vối đi bán.
Và anh tự cho là anh sung sướng, tự cho là đời anh đầy đủ. Phải, anh còn thiếu một thứ gì? Anh có nhà để ở. Có một nghề "trong sạch" để kiếm ăn. Anh không lo nghĩ, không phiền muộn, băn khoăn. Ngày ngày anh kiếm không những đủ ăn, mà còn để ra được chút đỉnh. Số tiền ấy anh sẽ dùng vào việc thuốc thang khi không may anh xảy ra đau ốm. Nhưng anh chắc chắn rằng không khi nào anh sẽ đau ốm được. Anh ăn uống có điều độ, ngủ thức có điều độ. Công việc làm không những anh cho là không vất vả mà lại còn có hứng thú nữa. Khi xưa ở nhà với cha, không bao giờ anh để ý ngắm cảnh đẹp, không bao giờ anh để tai nghe chim hót. Ngày nay thì anh coi như đó là những vật sở hữu của anh. Buổi sáng tiếng chim chích chòe làm cho lòng anh thư thái ; buổi chiều tiếng chim sơn ca vừa hót vừa bay thẳng vút lên trời xanh làm cho trí anh cao rộng.
Rồi thân thể anh nở nang ra dưới gió mát, dưới nắng trong, dưới làn không khí thênh thang nơi đồng áng. Cả mưa dầm gió lạnh cũng không làm cho thân anh hao tổn, trái lại nhờ thế mà bắp thịt anh rắn chắc lại, mà lòng can đảm, chí phấn đấu của anh tăng mãi lên. Và anh càng thấy anh sung sướng.
Một buổi sáng, Ba dậy sớm nấu nước vối xong rót vào ấm đất ra đường rao bán. Nhưng hôm ấy không phải là ngày phiên chợ nên anh phải đi một quãng đường dài để đến bán nước cho bọn thợ cấy ở các thửa ruộng xa. Gần tới nơi, anh gặp một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi mệt lả ở bên vệ đường. Ông lão uể oải giơ tay vẫy anh, như không còn đủ sức để cất tiếng gọi. Ba lại gần hỏi:
- Cụ xơi nước?
Ông lão gật. Rồi Ba chưa kịp rót nước ra bát, ông lão đã giựt lấy cái ấm đất và ngậm vòi uống ừng ực. Ba vội kêu:
- Ấy nước nóng, khéo không cụ bỏng mồm đấy.
Nhưng lạ chưa! Không những ông lão không bỏng mồm mà ông còn có vẻ khoan khoái nữa. Một lát, ông đưa cái ấm đất trả lại Ba. Anh cầm thấy nhẹ bỗng, ghé mắt nhòm vào trong thấy ấm ráo hoảnh. Ông lão mỉm cười nói:
- Lão uống mất nhiều phải không? Lão khát quá đi mất thôi. Không có ấm nước vối của anh thì không khéo lão đã chết rồi. Cám ơn anh nhé. Thôi, lão đi đây, bây giờ khỏi khát rồi thì lão đi xa đến đâu cũng được.
Dứt lời, ông lão đứng lên đi thẳng.
Ba không nói gì, chỉ vội vàng chạy một mạch về nhà rót đầy ấm nước khác đem đi bán.
Hôm sau cũng vào lúc ấy và ở chỗ ấy, Ba gặp một bà lão nằm rên khừ khừ. Ba ghé lại hỏi thăm:
- Cụ làm sao thế?
Bà lão đáp:
- Già khát lắm mà không có tiền uống nước. Không khéo già chết khát mất thôi.
- Thưa cụ, có nước vối nóng đây, xin mời cụ xơi, bao giờ cụ có tiền cụ trả cũng được.
- Nhưng già làm gì cò tiền, già nghèo lắm.
- Mời cụ cứ xơi, cháu xin biếu không cụ một bát.
- Một bát thì thấm thía vào đâu!
- Vậy mời cụ muốn uống bao nhiêu tùy ý.
- Thế à?
Bà lão vui sướng vồ lấy cái ấm đất, nhưng tay bà run lẩy bẩy đánh rơi ấm xuống cỏ, nước đổ lênh láng.
- Thôi, thế này thì khổ già rồi. Đổ không còn lại một giọt nào nữa.
Ba không lộ vẻ thất vọng, không thốt một lời gắt gỏng hay phàn nàn. Anh chỉ ôn tồn bảo bà lão:
- Cụ chịu khó ngồi đấy chờ cháu một lát, cháu về nhà lấy ấm nước khác đem đến mời cụ xơi.
Rồi anh xách cái ấm đất cắm đầu chạy thực mau về nơi quán tranh, trong lòng chỉ áy náy lo rằng nếu mình chậm trễ thì bà lão kia sẽ chết khát mất. Lúc ra tới chỗ cũ thì quả bà lão, mệt lả vì khát, đương nằm phục bên đường. Anh vừa thở hổn hển vừa gọi:
- Cụ ơi! Nước đây rồi, cụ dậy mà uống.
Bà lão vội vàng ngồi dậy nói:
- Ồ! Thế thì tốt quá!
Rồi choàng tay ra vồ lấy cái ấm đất. Nhưng trong lúc hấp tấp, bà ta lại đánh đổ hết nước trong ấm.
Lần thứ hai, Ba xách ấm chạy về nhà. Không những anh không bực tức và oán trách bà lão, mà anh còn cố chạy mau hơn lần trước, vì sợ bà lão đã khát quá không khéo lần này anh sẽ không kịp cứu sống.
Nhưng Ba cứu sống được bà lão, vì lần cuối cùng này anh rất cẩn thận, cầm ấm và bát rót nước cho bà lão. Bà uống luôn ba bát, và mặt bà tỉnh táo hẳn lên. Bà mỉm cười nói:
- Anh tốt bụng lắm, vừa thương người vừa nhẫn nại. Thương người già yếu thì có người bằng anh đấy, nhưng nhẫn nại như anh thì có lẽ không một ai nữa. Nước của anh đổ, anh đã không tức giận, không tỏ lòng tiếc, lại còn hấp tấp chạy về nhà lấy ấm nước khác để cho người đánh đổ nước của anh uống ; anh thực là một người hiếm có và giống hệt cha anh thủa còn hàn vi...
Ba kinh ngạc hỏi:
- Thưa cụ, cụ biết cha cháu từ thời cha cháu hàn vi?
Bà lão cười đáp:
- Phải, tôi biết lắm. Chính vì tôi đã giúp cha anh trở nên giàu có. Tôi thấy cha anh là người phúc hậu nên tôi thương, – tôi nói ngày xưa cơ, chứ về sau cha anh đã thay đổi hẳn, không còn dễ dàng và có lòng tốt thương người nữa. Cho hay đó vẫn là lẽ tự nhiên, khi người ta giàu có thì người ta dễ thay đổi tính tình...
- Vậy thưa cụ, cụ là ai?
- Tôi là linh hồn cái ấm đất này. Tôi là thần Ấm-Đất, và cũng như cha anh ngày xưa, nhờ phép tôi, anh sẽ trở nên giàu có ngay lập tức. Anh đã hiểu vì sao cha anh chia cho anh cái ấm đất này chưa? Anh đã hiểu vì sao thương yêu anh nhất trong ba con, cha anh đã chia cho anh phần gia tài quý báu này chưa? Trong ba phần gia tài thì phần này to hơn nhất, mà to hơn nhất là vì tôi sẽ có phép làm cho anh giàu có hơn cả hai người anh không tốt của anh. Anh thì anh tốt lắm. Hôm qua tôi đã thử anh một lần, hôm nay tôi lại thử anh hai lần nữa, đều thấy anh vẫn không thay lòng đổi dạ.
Ba ngây người đứng nghe, tưởng mình đương chiêm bao. Bà lão lại tiếp:
- Cha anh chia cho anh phần gia tài này còn vì một lẽ nữa. Là nếu cái ấm đất có lọt vào tay hai người con lớn của cha anh thì họ cũng chẳng biết, chẳng thèm dùng đến. Mà có dùng đến thì cũng chẳng được tôi hóa phép giúp đỡ, vì tôi rất ghét cái tính ngạo mạn và huênh hoang của chúng. Cha anh biết chỉ anh mới cảm động nổi tôi. Quả thực anh đã được lòng tôi, vì tôi đã hiện lên đây để giúp đỡ anh.
Ba vẫn ngây người không hiểu. Anh nhắc lại:
- Giúp đỡ cháu?
- Phải, giúp đỡ anh. Nhưng trước khi hóa phép, tôi hãy hỏi anh câu này: "Anh muốn giàu có như cha anh và suốt đời lo nghĩ, băn khoăn, cặm cụi, mong ước mỗi ngày một giàu có mãi hơn lên, phải, anh thích cái đời giàu có và không bình tĩnh một chút nào ấy hay cái đời đủ ăn và luôn luôn thư thái. Không làm phiền ai và không bị ai làm phiền mình. Tóm lại, anh thích một đời giàu có hay một đời sung sướng?"
Hai tiếng "sung sướng" như đánh thức Ba. Anh không ngần ngừ nữa, quả quyết trả lời:
- Cháu chỉ ao ước được sung sướng, suốt đời sung sướng.
- Nghĩa là anh không ham giàu?
- Không.
- Anh không thích sang?
- Không.
- Anh không thích ở nhà lầu? Anh phải biết ở nhà lầu cao ráo, sạch sẽ, mát mẻ.
- Thưa cụ ở nhà tranh cũng có thể cao ráo, sạch sẽ, mát mẻ được.
- Anh không thích ăn sơn hào, hải vị? Sơn hào, hải vị ngon lắm chứ?
- Thưa cụ, rau muống, đậu phụ chấm tương cũng ngon lắm mà lại lành.
- Anh không thích được ngắm những thửa ruộng thẳng cánh cò bay của mình?
- Thưa cụ, cháu thường được ngắm nhiều hơn thế, cháu thường được ngắm những cánh đồng lúa chạy thẳng tắp đến tận chân trời.
- Nhưng đó không phải ruộng của anh.
- Thưa cụ như thế càng hay, vì cháu được ngắm cái đẹp mà không phải chăm nom săn sóc tới.
- Nhưng thóc sẽ về tay người khác.
- Nhưng người ấy có ăn được hết số thóc đâu? Cháu không có một tấc ruộng nào mà hằng ngày vẫn đủ no. Tiền bán nước vối cũng đủ nuôi sống cháu rồi.
- Vậy anh muốn gì? Anh muốn tôi giúp anh như thế nào, vì thế nào tôi cũng phải giúp anh. Tôi là bạn thân của cha anh thủa xưa, cha anh đã phó thác anh cho tôi, chẳng lẽ tôi lại để anh nghèo đói, khổ sở, chẳng hóa ra tôi phụ lòng tin cậy của cha anh lắm ư?
- Thưa cụ, quả cháu không khổ sở. Nếu cụ làm cho cháu cứ được vui vẻ, sung sướng suốt đời như ngày hôm nay thì cháu cám ơn cụ lắm.
Bà lão đứng dậy nói:
- Anh sẽ vui vẻ, sung sướng suốt đời.
Rồi bà biến đi.
Sáng hôn sau Ba dậy sớm để nấu nước, nhưng lạ quá! cái ấm đất ai đem để ngay trong nồi, và lạ hơn nữa! cái ấm đất ấy đựng đầy nước vối nóng. Ba rót ra bát nếm thử thì thấy nước ngọt và thơm hơn mọi ngày nhiều. Anh vui mừng xách ấm đi bán rong. Và mãi chiều anh mới về nhà thổi cơm ăn vì cái ấm đất kỳ dị của anh không lúc nào nước vơi, nên anh không cần về lấy thêm. Hàng anh bán lại chạy gấp năm, gấp mười trước: Hình như tiếng rao của anh có phép thiêng lôi cuốn khách lại.
Đó là pháp thuật của thần Ấm-Đất. Thần đã chuẩn lời mong ước của Ba: Suốt đời sung sướng.
Và Ba sẽ suốt đời sung sướng với cái ấm đất linh thiêng bao giờ cũng đầy nước vối thơm ngọt.
Ba sẽ sung sướng được sống một đời trong sạch.
Ba sẽ sung sướng với sự giúp đỡ kẻ nghèo, vì không cần giàu có, Ba vẫn có thể giúp đỡ được kẻ nghèo bằng một bát nước vối nóng thơm, ngọt.
Ba sẽ sung sướng vì một đời bình dị sẽ không bao giờ thay đổi lòng Ba như một đời giàu có: Ba sẽ mãi mãi giữ được nguyên vẹn lòng tốt của mình.
Không có lòng tốt thì người ta sung sướng sao được?
Ba sẽ suốt đời sung sướng.
Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020
ĐÊM HOA ĐĂNG THÁNG BẢY - Tôn Nữ Thu Dung
Thấy bóng trăng soi xanh biếc trên vai
Nghe chừng đâu đây tiếng người trong vắt
Theo gió liêu trai câu hát Nam Ai…
(Hoàng Ngọc Tuấn)
Vườn cỏ nằm chờ nắng, xanh đến ngút ngàn trong chiều hanh hao, những cây Ngô đồng cao loáng thoáng màu hoa phơn phớt tím… Tiếng chim về ríu ra ríu rít trên cành đào, cành ổi. Mùi ổi chín thơm phức trong chiều muộn, Vân Anh nhón chân cắn trái ổi trên cành làm xao xác bầy bướm hoang vỗ cánh bay lên, tiếng Vân Anh cười giòn tan một mình trong gió… Vân Anh là tên của một nàng tiên bị đọa trong câu chuyện “Ngọc đến Lam Kiều “, tôi không phải là chàng thư sinh trong truyện nhưng tôi vẫn điên cuồng yêu hậu duệ của nàng tiên xưa… Đôi mắt đen tròn của Vân Anh lấp láy qua vòm lá thấp: