Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

CHƯƠNG 16, 17, 18_TAY NGỌC


16


Ngày 15 tháng 3...

Thưa mẹ bề trên,

Khi bắt đầu khởi sự một công trình, thường thường ai cũng có lòng hăng hái và nồng nhiệt. Điều đó khiến cho người nào cũng cảm thấy thích thú, say mê và họ đã tham gia một cách vui vẻ như đang dự một trò tiêu khiển. Nhưng rồi niềm vui háo hức ban đầu tan biến đi, đoạn đường còn lại tuy chẳng nhiều chông gai gì hơn, nhưng chính từ đó sự khó khăn mới bắt đầu thành hình, chính từ đó người ta mới bắt đầu phải chiến đấu với sự buồn tẻ, chán nản, độc điệu mà phần lớn ít ai khắc phục được và họ đã phải bỏ cuộc nửa chừng. Đó là những lý do mà con suy luận để cắt nghĩa cho những sự ruồng bỏ của các bạn cùng lớp của con đối với công tác từ thiện mà con đã đề xướng. Cho đến hôm nay thì con gần như cô độc hoàn toàn. Cái việc phải tiếp xúc mãi với ngần ấy khuôn mặt ngây dại và bệnh hoạn của lũ trẻ thơ để ban phát đôi chút lòng thương hại không còn là một nguồn hứng khởi đối với mọi người nữa. Có thể tình thương trong lòng hãy còn dồi dào, sự xúc động trong đời sống tình cảm của họ không khô cạn, nhưng chắc chắn nó chỉ có thể nẩy nở, xuất phát, bộc lộ trong một hoàn cảnh mới mẻ hơn cái bầu không khí buồn tẻ, độc điệu ở Cô nhi viện này. Bởi vì, dầu sao họ cũng là những thành phần trẻ tuổi nồng nhiệt, nhưng chóng chán, và luôn luôn muốn tìm tòi những cái mới, cái lạ. Con đã tự an ủi mình như thế, khi liên tiếp trong buổi chiều hôm qua, con nhận được những câu khước từ khéo léo của hầu hết mọi người. Chị Mỹ Ái nói:

- Papa bắt buộc mình phải học dương cầm vào những thì giờ rỗi rãi. Dương cầm papa mua về rồi. Papa hẹn một năm phải đánh được bài Danube bleu cho papa nghe. Thế là từ nay mình hết có dịp nào cộng tác với Hạnh được rồi...

Còn chị Thu Dung thì nói:

- Classement tháng này mình sụt mất sáu bậc, ba má ở nhà la quá chừng. Ba má cấm đi ngày chủ nhật và bắt phải học bài liên miên. Khổ quá Hạnh à...

Lý do của chị Diễm Hương còn rõ ràng hơn nữa:

- Hôm qua ba má Hương có xuống thăm Cô Nhi Viện An Hòa. Ba má Hương kêu quá chừng vì đường xa và xe cộ nguy hiểm. Ba má không cho Hương tiếp tục xuống đó nữa. Tuy vậy ba má cho Hương đóng góp phần của Hương bằng tiền. Vậy mỗi tháng Hương sẽ gửi vào quỹ Cô nhi viện năm trăm đồng. Ồ! Năm trăm đồng đánh đổi lấy một buổi lao động của Hương ngày chủ nhật. Hương không ngờ mình lại có giá đến như thế...

Con trả lời:

- Tiền thì Cô Nhi Viện cũng cần. Nhưng sự chăm sóc và tình yêu thương đối với các em còn cần hơn nữa.

- Đành rằng thế, nhưng mà...

Hương còn đang tìm ý để bào chữa thì con đã vội đỡ lời:

- Không làm sao cả. Chuyện Hương phải rút lui là ngoài ý muốn. Miễn là Hương có lòng đối với các em là đủ.

Hương vội gật đầu lia lịa:

- Điều đó thì dĩ nhiên rồi. Đối với chúng nó, bao giờ Hương cũng có kỷ niệm đẹp.

Thưa mẹ, như thế có nghĩa là con đã phải trở lại sự lủi thủi độc hành lúc khởi đầu. Con không lấy làm buồn, nhưng với sĩ số mỗi  ngày một tăng thêm ở Cô Nhi Viện, sự tiếp tay của một nhóm người hăng hái và nồng nhiệt như các bạn đồng lớp của con đã từng làm, là một điều rất cần thiết. Không biết rồi đây chị Yến sẽ xoay xỏa làm sao để điều hòa được nếp sống, ăn ngủ của đám đông trẻ thơ bất hạnh ấy. Đó là chưa kể tới vấn đề tinh thần của chúng nó lại càng cần phải có thêm người săn sóc hơn nữa.

Buổi tối hôm ấy, nhìn vẻ mặt không vui của con, Thu Cúc mỉm cười ranh mãnh:

- Cô ả bị họ cho tuột dù rồi phải không?

Con vờ ngạc nhiên:

- Tuột dù cái gì cơ?

- Này thôi đi! Đây không muốn biết thì thôi, chứ nếu đã muốn biết thì không có cái gì qua mắt con Cúc này được.

Con thở dài:

- Bắt đầu gặp khó khăn rồi Cúc ạ. Ai ai cũng có cớ thoái thác cái công tác xã hội mà mình đề xướng.

- Cho cô mở mắt cô ra. Đây đã bảo rằng chúng nó là một lũ a dua tuốt luốt mà.

- Đừng nói tầm bậy! Tôi xin thề rằng họ đã tham dự công tác một cách rất nhiệt thành, vô vị lợi. Chẳng qua là họ thiếu kiên nhẫn đó thôi.

Cúc im lặng một giây rồi nói:

- Tao đề nghị mày ban phát một số huy chương gọi là "mồ côi bội tinh" chả hạn. Chừng đó thì sẽ có rất nhiều kẻ chứng tỏ cái khả năng kiên nhẫn của mình.

- Khi nhận lời đến Viện Cô Nhi chắc chắn chẳng có ai mong rằng mình sẽ được ân thưởng cái này hay cái kia cả.

- Đó là sự hứng chí lúc khởi đầu. Nhưng càng về sau, cái mệt mỏi, buồn chán mới lại càng hiện ra. Chừng đó lại phải dùng đến một động cơ khác để thúc đẩy. Trên đời này, không có một ai làm việc gì mà lại không đòi công cả. Ngay cả đến việc má tao đến lễ chùa cũng là đòi Phật ban phúc cả đấy chứ.

- Thế bây giờ bồ bảo tôi phải tính làm sao đây? Bao nhiêu là dự định chưa làm được gì đã rã đám thì đáng buồn quá.

Thu Cúc lắc đầu:

- Chả làm thế nào được hết. Mấy lại tao không thích dính dáng gì đến cái bọn đã coi tao như một thứ hủi cần phải tránh cho xa. Còn về phần tao thì mày yên tâm. Chúng nó bỏ thì tao làm giúp mày. Chẳng phải vì tinh thần cao gì, nhưng tao thích làm ngược thiên hạ, vậy thôi!

Con trợn tròn mắt lên:

- Có thật không? Đừng có nói rỡn đấy chớ?

Cúc nhún vai:

- Ai nói rỡn làm gì cho hoài hơi. Mà mày cũng chẳng nên lấy thế làm cảm động. Trong sự tình nguyện này, tao cũng đã thủ lợi được rồi. Tụi chuột nhắt kia thấy con quỷ này dám dọn lối để lên thiên đàng chắc là chúng nó sẽ tấm tức lắm. Bởi vì chả lẽ lại đuổi tao ra để lại giành lấy cái công việc chẳng lấy gì làm thú vị cho lắm đó hay sao?

Một lát Cúc tiếp:

- Nghĩ đến bộ mặt ngẩn ngơ của lũ chúng nó, bộ mặt của những kẻ bỗng nhiên bị người khác sấn sổ chen lấn giành mất một chỗ tốt trên thiên đàng. Tao khó mà nhịn cười được.

Nói rồi Cúc bật lên cười rúc rích. Tiếng cười ngạo nghễ, khinh mạn của một kẻ rất tin tưởng ở chính mình. Quả nhiên Cúc là người có tâm hồn mạnh mẽ, một quan niệm sống vững chãi, một lề lối xử sự quyết liệt. Con không biết rằng Cúc đúng hay sai nhưng ở gần Cúc, con cảm thấy mình bé nhỏ hơn nó. Suốt buổi tối hôm ấy, con bàn luận với Cúc về kế hoạch làm thế nào để cải thiện đời sống của các em nhỏ trong Viện Cô Nhi, nhất là trên phương diện tinh thần. Con hỏi Cúc rằng vấn đề đặt ra như vậy có quá lớn lao đối với khả năng của hai đứa không? Cúc công nhận rằng công việc đó có vẻ là một công cuộc đội đá vá trời, nhưng khó thì "lũ chuột" mới duỗi ra, và chính có vì thế mà Cúc mới lao vào. Nó nói:

- Mày có nhớ cái trò chơi "Kết bạn Hướng Đạo" không?

- Như thế nào?

- Khởi đầu là mình gửi cho một người quen một tấm carte postale kèm theo một lá thư có năm địa chỉ của năm người bạn khác của mình. Trong thư mình đề nghị người nhận được hãy sao lá thư thành năm bản khác để gửi cho những người có tên trong các địa chỉ đồng thời đề nghị người đó cho thêm một địa chỉ mới để thay thế vài địa chỉ đầu đã được gửi thư. Cứ như thế tạo thành dây chuyền...

Con reo lên:

- Và trong nội dung của lá thư mình sẽ đề cập đến hoàn cảnh bi đát của các em mồ côi để đề nghị họ đỡ đần tinh thần cho một em nhỏ...

Cúc mỉm cười gật đầu:

- Nữ văn sĩ có khác, nói sơ qua là đã nắm ngay được vấn đề rồi. Có điều là mình sẽ không gửi thư cho từng người để tránh cái cảnh chóng vui, chóng chán, mà mình sẽ gửi cho từng hội đoàn. Chỉ cần vài hội đàn đáp ứng thôi, mình cũng đả có vô khối bàn tay tiếp sức với mình trong cuộc xây dựng đời sống tinh thần cảu lũ nhỏ.

Con sung sướng vỗ tay:

- Ý kiến tuyệt diệu! Giản dị có thế mà không nghĩ ra.

Nhưng rồi con lại lo lắng:

- Không biết lời kêu gọi của mình có được đáp ứng không nhỉ?

Cúc đáp:

- À! Cái đó thì chưa chắc. Nhưng cũng cứ phải làm. Hội đoàn nào lập ra mà chẳng có mục đích xã hội. Lập hội đoàn mà không làm công tác xã hội thì để rủ nhau đi ăn cướp à? Vấn đề là ở chỗ cái công tác xã hội do mình đề nghị có đủ tầm quan trọng khả dĩ lôi cuốn được sự tham gia của người ta không. Thế thôi! Nếu họ đồng ý rồi thì chừng đó khỏi phải lo. Họ sẽ coi đó là một bổn phận của chính họ.

- Mình sẽ phải nói thế nào để họ thấy được cái sự "đủ tầm quan trọng" đó?

Cúc mỉm cười:

- Thế mới là cần đến tài làm văn sĩ của cô. Kế hoạch này thành hay bại là do ngòi bút của cô hết.

- Eo ôi!

- Chứ sao!

- Có bài văn của tác giả nào cho mình cọp giê được không?

- Thiếu gì!

Con vui mừng, vội vã hỏi:

- Ở đâu? Của ai thế?

- Ở các đầu đường. Của các trự ăn mày.

Rồi Cúc nhắm mắt lại, quơ hai tay ra đằng trước, đổi giọng kêu gào:

- Con cá nó sống vì nước, Cô nhi viện tôi sống vì hội đoàn của các ông, các bà.

Con phát vào lưng nó một cái và cằn nhằn:

- Nỡm ở đâu ý! Đang bàn chuyện đứng đắn mà xoay ra rỡn ngay được. Người ta hỏi thật đấy chứ. Bắt đây viết thì biết viết cái gì?

Cúc nhại lại lời của anh Sơn:

- Thì nghĩ cái gì viết cái nấy. Hình thức càng giản dị thì người đọc càng dễ thông cảm nội dung. Cũng như muốn ăn mì thì viết tôi muốn ăn mì.

Con vội ngắt lời:

- À! Hay là mình nhờ anh Sơn thảo hộ cho. Anh ấy nói hay một cây mà.

Cúc bĩu môi:

- Cái ông tướng chỉ có nói là giỏi chứ chẳng làm được cái tích sự gì. Chỉ có mỗi một lá đơn xin nghỉ việc mà cũng đùn cho tao thảo hộ.

Con giật mình:

- Ủa! Anh ấy không muốn làm chỗ cũ nữa hay sao?

- Không thể tiếp tục được nữa. Vì anh ấy cho rằng làm ở đấy "văn nghệ bị chỉ huy" quá.

- Tại sao vậy?

- À, bởi vì cái goût mầu sắc của ông chủ rạp khác, của bà chủ rạp khác, của anh ấy lại khác nữa. Vì thế vẽ xong một tấm phông quảng cáo là một vấn đề gay go. Chẳng hạn cái nền mầu lam thì anh ấy thích lam sẫm, ông chủ lại đòi lam xanh tầu, còn bà chủ thì quyết định xoa hết để thay vào đó mầu đỏ cánh sen cho nó sặc sỡ. Thế là chỉ một cái nền thôi cũng hộc máu mồm ra rồi chứ đừng nói đến chuyện vẽ voi, vẽ chuột gì vô đó nữa.

Con gật gù:

- Ờ! Thế thì xin nghỉ cũng là phải.

- Mày giống ảnh như đúc. Tao thì tao cho chẳng phải chút nào. Các ngài không biết phân biệt cho rõ ràng lúc nào con người mình phục vụ thực sự cho văn nghệ, lúc nào mình phục vụ cho cái nồi cơm của mình. Đối với cái việc vẽ phông quảng cáo mà đem hết cả tâm hồn nghệ sĩ của mình ra để phục vụ thì quả thật dại ơi là dại. Bà chủ thích màu đỏ trên nền lam ư? Ừ thì màu đỏ trên nền lam. Nào có chết chóc ai kia chớ? Can chi mà phải ngồi étude màu sắc cả buổi tối, nhiều khi thấy phát sốt ruột.

- Vì thế mày mới không làm được họa sĩ!

- Làm được chớ sao không! Nếu tao biết vẽ có thể tao sẽ cầu kỳ vấn đề mầu sắc còn hơn anh ấy nữa. Nhưng phải tùy chỗ, tùy lúc, chẳng hơn phết mầu lên rồi, chỉ cẩn bà chủ nhún vai một cái là sổ toẹt. Mà suốt 30 ngày ròng như thế, anh ấy bị sổ toẹt đủ 30 lần mà vẫn không chừa. cái đó mới là kỳ chớ.

- Thế thì anh ấy nghệ sĩ thật. Cái tài ấy, tâm hồn ấy, sự say mê ấy mà không có phương tiện phát triển kể ra cũng uổng.

- Nho nên qua năm tới, có lẽ tao sẽ kiếm việc làm để giúp anh ấy có phương tiện sáng tác.

- Với một dúm chữ thế này thì làm gì được?

- Mộng của tao vẫn là trở thành một thứ ca sĩ có khả năng về cả giọng ca lẫn nhạc lý, nhờ ma soeur Félicité, tao sẽ đạt được điều đó không khó.

- Có sợ mình còn nhỏ tuổi quá không?

- Mười bẩy, mười tám rồi còn nhỏ cái nỗi gì. Với lại aux âmes bien nées. Có còn nhớ bà Juliette tán hươu tán vượn về lời nói ấy của chú nhỏ Don Rodrigue không?

Thưa mẹ,

Theo lời yêu cầu của Thu Cúc, con đã hoàn thành bức thư gửi cho các Hội Đàn một cách vô cùng chật vật. Thật ra đó không phải là một lá thư khó viết. Nhưng chính vì tính cách hệ trọng của nó làm con run sợ. Cô Nhi Viện có được tiếp tay không, các em mồ côi có được chăm sóc an ủi nhiều hơn nữa hay không đều được quyết định ở lá thư này. Khi cầm bút đặt lên trang giấy, lòng con hoang mang khôn tả. Con không biết sẽ phải viết những gì, mặc dầu có rất nhiều điều mà con muốn bầy tỏ với những người bạn trẻ chưa quen biết về cảnh thương tâm mà họ chưa có dịp chứng kiến. Con đã dập xóa hàng chục lần, xé đi không biết bao nhiêu là trang giấy, và rút cục con đã hoàn tất một lá thư mà nội dung vẫn chưa làm con toại ý mặc dầu con đã làm hết sức của mình. Con xin sao lại để gửi mẹ:

"Thưa các anh, các chị,

Chúng tôi là một nhóm nữ sinh của Thánh Mẫu Học Đường đang thực hiện một công tác xã hội tại Viện Cô Nhi An Hòa (số... đường...). Mục tiêu của chúng tôi muốn nhắm tới là đem lại cho các em mồ côi trong Viện những cơ hội làm nẩy nở đời sống tinh thần, làm thức dậy trọn vẹn những tình cảm mà vì hoàn cảnh thiếu thốn, các em đã trở nên thui chột và khô héo. Chúng tôi nghĩ rằng, một con người toàn vẹn là một con người phải được phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là về phương diện tinh thần. Các em bé mồ côi ở đây lại không có cái may mắn để được nẩy nở theo chiều hướng đó. Chúng nó chỉ được nuôi dưỡng để lớn lên như cây cỏ. Và những cái cây, ngọn cỏ này đã hoàn toàn cô đơn trong thế giới thầm lặng mà chỉ một mình nó biết đến nó mà thôi. Từ đó, các anh các chị hãy tưởng tượng xem cái hậu quả lớn lao sẽ xẩy đến với các em như thế nào? Tâm hồn của các em sẽ bị thu hẹp lại, trí thông minh sẽ bị hạn chế phát triển, mặc cảm cô quạnh sẽ bó chặt lấy đầu óc các em như một thành trì kiên cố và không bao giờ các em được thưởng thức những ân huệ mà Thượng Đế ban cho con người là sự tươi vui, cởi mở, hồn nhiên, trong sáng. Nụ cười sẽ vĩnh viễn khô héo trên vành môi các em, tiếng nói sẽ trở thành một phương tiện ít cần thiết và các em đã không có cơ hội tiếp xúc với người này, kẻ khác. Hàng ngày, những băng ghế dài cô quạnh, hàng trăm khuôn mặt bé bỏng tội nghiệp kia đã ngồi nhìn nhau một cách lạnh lùng, khổ hạnh như vẻ mặt của những tu sĩ già nua cằn cỗi. Không có một vùng tâm hồn nào lại bằng phẳng ghê rợn đến như vùng tâm hồn nhỏ bé của các em. Xin hãy xót thương chúng như xót thương chính mình. XIN HÃY DÙNG NHỮNG BÀN TAY NGỌC TƯỚI LÊN NHỮNG BÔNG HOA HÉO ÚA NÀY TẤT CẢ MỌI TÌNH CẢM TƯƠI MÁT ĐỂ VƯỜN HOA TUỔI TRẺ CỦA CHÚNG TA KHÔNG CÒN CÓ NHỮNG CỤM HOA TÀN TẠ. Công việc lớn lao này đã vượt quá khả năng của đám học sinh nhỏ bé trong Thánh Mẫu Học Đường của chúng tôi. Chính vì thế mà chúng tôi viết lá thư này kêu gọi đến các anh chị, tùy theo khả năng của các anh chị, xin hãy tìm đến đỡ đầu cho một vài tâm hồn bé nhỏ. Chúng tôi tin chắc rằng, với tình thương yêu, với lòng cởi mở nồng nhiệt, thiết tha, không vụ lợi của Tuổi Trẻ, các anh các chị sẽ dìu dắt được những tâm hồn ấy ra khỏi hoàn cảnh tối tăm hiện tại để đi vào thế giới chói lòa ánh sáng của tuổi thơ ngà ngọc.


Một nhóm Nữ Sinh      
Thánh Mẫu Học Đường  

Thưa mẹ, dù muốn dù không, con vẫn phải đưa cho Thu Cúc và anh Sơn đọc trước lá thư này với tất cả sự ngượng ngập và e thẹn của một thí sinh trình bày bài làm với giám khảo và con sẵn sàng đón nhận những lời chỉ trích. Nhưng ngạc nhiên thay, anh Sơn đã khen con hết lời mà không đề nghị một sự sửa chữa nào. Còn Thu Cúc thì nói:

- Thì tôi vẫn phong cho bồ cái chức dame écrivain của Thánh Mẫu Học Đường. Lá thư có thể đem đăng báo được ấy chứ!

Con sung sướng đỏ mặt:

- Đăng báo thì chẳng dám, nhưng vấn đề là nó sẽ có mang lại kết quả như mình mong muốn hay không?

Anh Sơn tin tưởng:

- Tôi chắc là được. Bởi vì tôi đã sinh hoạt nhiều trong các hội đoàn, nhất là Sói Con và Hướng Đạo, châm ngôn của họ là Sắp Sẵn và Giúp Ích. Điều cần là mình phải biết phối hợp với họ một cách chặt chẽ để sự tiếp tay của họ được điều hòa một cách lâu dài. Tôi đề nghị cô lập cho tất cả các em trong viện mỗi em một hồ sơ riêng biệt để theo rõi sự tiến triển của từng đứa như cô đã từng làm cho bé Thục. Rồi nhóm nào nhận đỡ đầu cho những ai, cô cũng cần liên lạc chặt chẽ với họ để thảo luận và trao đổi ý kiến. Cô sẽ trở thành một thứ Tổng Thư Ký thứ hai của Viện với tất cả những sự bận rộn bù đầu, bù óc. Rồi về sau chắc chắn cô sẽ còn phải điều động nhiều công tác khác để đáp ứng những sáng kiến của họ về việc phát triển đời sống của các em ở trong viện...

Con lắc đầu lè lưỡi:

- Eo ơi! Nếu như thế thì tôi làm sao có thể cáng đáng nổi. Tôi tưởng khi họ đã nhận lời rồi mạnh ai nấy làm chứ.

- Sao được! Khi đứng ra kêu gọi thế này, mặc nhiên cô đã thành lập một tổ chức có qui mô hẳn hoi. Mà chẳng bao giờ có cái tổ chức nào lại "mạnh ai nấy làm" cả.

- Tôi sợ quá!

- Cô đừng có lo. Rồi đâu sẽ vào đó cả. Miễn là biết kiên nhẫn và chịu đựng.

- Cũng phải có tài, có sáng kiến và biết tổ chức nữa chứ?

- Rồi công việc sẽ dậy dỗ cho cô tất cả những thứ ấy. Không có ai khởi sự một công trình nào mà lại nói rằng mình có dư khả năng để quán xuyến tất cả mọi bất trắc có thể xẩy ra. Phải học, học mãi, học hoài, học đến đầu bạc răng long cũng vẫn còn có những kinh nghiệm mới để mà học hỏi. Cô đồng ý như thế chứ?

- Đồng ý! Nhưng mà thôi, chớ đặt con trâu trước cái cầy. Anh làm như tất cả bàn dân thiên hạ kéo nhau về đây cộng tác với mình không bằng.

- Thì cứ dự tính như vậy đi là vừa. Bây giờ tôi xin đóng góp cái phần nhỏ bé đầu tiên của tôi. Tôi sẽ đem thuê in ronéo lá thư này ra làm nhiều bản và sẽ giúp cô trong việc phân phối tới các hội đoàn.

Thu Cúc hỏi:

- Thế còn tui? Tui sẽ phải làm cái gì?

Sơn nhìn Cúc rồi mỉm cười:

- Cô ấy à? Sois belle...

Cúc dẫy nẩy lên:

- Này thôi đi, đừng có giỡn. Anh phải biết những vua lười như em lâu lâu mới nổi hứng xin lãnh công tác một lần. Anh mà lôi thôi làm em cụt hứng thì lúc đó có cậy bằng xà beng, cóc cũng không mở miệng đâu.

- Vậy em muốn làm gì? Tổng trưởng nội vụ hay tổng trưởng ngoại giao...

Cúc cười khanh khách:

- Nội vụ thì đã có Hạnh, ngoại giao thì đã có anh. Thôi, cho em làm kinh tế, tài chánh.

Anh Sơn tròn mắt lên nhìn Cúc:

- Cô mà đòi làm kinh tế, tài chánh?

Cúc vênh mặt:

- Chứ sao! Bộ anh "khi" em thế hay sao.

Sơn mỉm cười gật gù:

- Ờ... Ờ... Kể ra những người bướng bỉnh như cô thì làm gì mà chẳng được. Nhưng quỹ của nội các đã có một xu quỉ nào đâu!

- Không có thì kiếm chứ sợ gì.

- Ái chà!

- Anh lạ lắm hả. Nếu tiền tài đã có sẵn rồi thì còn nói làm gì, ai làm mà chẳng được. Đằng này không có gì mà dám làm mới đáng gọi là kinh tế với tài chánh chứ.

Sơn nhìn Cúc nghi ngờ:

- Rồi!... Rồi!... Tôi xin đề nghị cô Hạnh phong cho cô cái chức vụ ấy. Nhưng rồi cô lại sắp sửa đề nghị cái gì động trời đây phải không?

Cúc mỉm cười:

- Động trời thì chẳng động, nhưng động đến anh thì có!

Sơn giật nẩy mình:

- Chết! Sao lại động đến tôi! Cô nên nhớ là tôi vừa thất nghiệp đấy nhé.

- Thì anh có thất nghiệp em mới gõ đến anh. Đây này, em xin đề nghị một cách kiếm tiền cho quỹ hoạt động rất là hợp pháp và giản dị.

- Thôi chết tôi rồi!

Cúc ngừng lại nhìn Sơn rồi hỏi:

- Sao anh lại rên la một cách khổ sở như vậy? Anh đã biết được em định nói cái gì chưa?

- Thừa biết đi rồi!

- Cái gì? Anh thử nói ra coi nào.

- Cô định sai tôi phát động một cuộc lạc quyên chứ gì?

- Lầm to! Em ghét nhất là phải đem cái sự khổ sở của hai tiếng mồ côi ra để bó buộc mọi người phải sử dụng tình thương một cách miễn cưỡng khó chịu.

- Thế thì tôi chịu!

- Hạnh chịu chưa?

Con vội đáp:

- Chịu luôn!

Cúc nhìn mọi người một lát rồi mới thủng thỉnh đáp:

- Đây này! Anh Sơn là một người vẽ tốc họa về chân dung rất tài. Em chỉ trưng dụng anh mỗi tuần một buổi sáng chủ nhật trong vòng một, hai tháng. Ta sẽ kê cho anh một cái giá vẽ để ngay trong sân Cô nhi viện. Quí vị quan khách tới thăm viếng, vị nào muốn có một bức họa của chính mình thì cứ việc xáp vô. Anh Sơn sẽ trổ nghề và sau đó tiền trao cháo múc. Khách cũng hể hả, mà quỹ của mình cũng hể hả. Chẳng thấy ai móc túi của ai.

Sơn la lên:

- Ý kiến của cô ác nghiệt quá.

- Làm sao mà ác?

- Tôi vẽ thì được, nhưng giơ tay cầm tiền tốc suỵt cái kiểu đó có vẻ... phi văn nghệ vô cùng.

Cúc giở bàn tay vuốt lên ve áo của anh:

- Thì ai đã bắt anh ngửa tay cầm tiền tốc suỵt. Em sẽ đóng cho anh một cái hộp, và đặt cho nó một cái tên. Hộp Tương Trợ chẳng hạn. Ai được vẽ tranh xong rồi cứ tùy tiện bỏ tiền vào đó. Vô hạn định.

- Ngộ nhỡ người ta chỉ bỏ vào đó mấy đồng bạc cắc thì sao?

Cúc đáp:

- Có thể lắm. Nhưng không hẳn ai cũng như vậy. Nếu có người bỏ bạc cắc thì cũng có người biết lùa được cả voi vô đó. Biết đâu cả đoàn voi không chừng. Ít lắm thì trong vài tuần cũng có thể đủ tiền mua sắm được nhiều thứ cần thiết: tập, vở cho chúng nó tô mầu, xe đạp ba bánh cho chúng nó luyện tập gân cốt hai cẳng chân, cuốc, xẻng xinh xinh cho chúng nó tha hồ đào xới, vui đùa. Đám bàn dân thiên hạ của nội các chúng ta sẽ có lớp học, có vườn chơi, có cả dụng cụ âm nhạc và hội họa nữa không chừng...

Con vỗ tay reo lên:

- Chỉ cần nghe Cúc nói tôi cũng đủ thấy mê đi rồi.

- Thì có cái gì là khó khăn đâu nào. Cái khó nhất là đẩy được cái ông này chịu đứng ra làm đầu tầu ăn dỗ tiền của mọi người...

Anh Sơn nhìn Cúc rồi thở hắt ra thật dài:

- Khó gì mà khó hở cô. Cái gì cô đã muốn thì là trời muốn mà...



17


Ngày 10 tháng 6...

Thưa mẹ bề trên,

Đã ba tháng trời ròng rã trôi qua. Ba tháng vùi đầu miệt mài vào không biết bao nhiêu công việc bề bộn ở nhà, ở trường, ở Viện Cô Nhi, con đã không kịp báo cáo thường xuyên lên mẹ để mẹ theo dõi công việc của chúng con. Điều ấy con thật là có tội, xin mẹ rộng lòng tha thứ cho con.

Nhờ những sáng kiến táo bạo và đôi khi bất ngờ của Thu Cúc, chúng con đã tiến hành một cách vô cùng khả quan chương trình hoạt động mà chúng con đã dự tính. Anh Sơn cũng đã tự nguyện đóng góp một phần công lao không nhỏ vào những hoạt động ấy. Bầu không khí sinh hoạt ở Viện độ này náo nhiệt hẳn lên, nhất là vào những ngày nghỉ. Tổng cộng có tất cả tám hội đoàn đã đáp ứng lời kêu gọi của chúng con một cách nồng nhiệt. Họ đã phân chia công tác cho từng tiểu đội. Mỗi đội phụ trách hướng dẫn và dìu dắt từ ba đến năm em nhỏ. Cảm động nhất là những cố gắng tích cực của các em Sói Con và Chim Non. Các em đã đem tâm hồn tươi sáng của mình để làm tan đi những bóng mây mù u tối ở chốn này. Những bàn tay nhỏ xíu nắm những bàn tay nhỏ xíu hơn nữa chập chững đi trong khoảnh đất nhỏ bé nhưng tràn đầy yêu thương. Con đã ngắm những khung cảnh ấy một cách say mê, xúc động và tưởng như những tâm hồn nhỏ bé ấy đang dìu nhau chắp cánh bay lên trời cao. Vòm trời tươi sáng không gợn một bóng mây, chan hòa ánh nắng của hy vọng và đầy ắp tiếng cười ròn rã, tiếng nô đùa ồn ào, tiếng hò hét từ những cửa miệng đã từ bao lâu nay khép kín.

Một chị trong đoàn Chim Non đã kiên nhẫn từ hai tháng nay để tập đi cho một em nhỏ. Nó có cái tật là hễ đặt xuống thì hai chân rút lên như thể sợ hãi tiếp xúc với nền đất. Chỉ một cái tật này chị ấy đã phải mất hơn nửa tháng trời để khắc phục. Rồi mỗi ngày trong nửa giờ vào buổi chiều có gió mát, chị em kiên nhẫn dìu nhau đi từng bước nhỏ quanh dẫy hành lang trong viện. Đến một hôm vào cuối tuần trước, cô bé đã chập chững tự ý đi được một vài bước đầu tiên trong cuộc đời của mình. Nhìn kết quả ấy, chị đỡ đầu cho nó tự nhiên bật lên khóc. Ôi, thưa mẹ, không còn gì quí giá bằng những giọt lệ sung sướng của một người đã hoàn thành tác phẩm của mình sau những ngày tháng đằng đẵng chiến đấu với khó khăn, mệt mỏi đôi khi đến thất vọng.

Một em Sói khác đã tạo được thành tích kỳ diệu không kém là cứ mỗi lần em xuất hiện ở ngưỡng cửa lối vào hàng hiên là một lũ bẩy tám em nhỏ mồ côi cùng bật lên cười rúc rích. Tiếng cười của chúng càng to hơn nữa khi em Sói trổ cái tài hài hước của mình bằng những cử chỉ gật gù cái đầu, ve vẩy cái tay, hoặc tròn mồm hay méo miệng. Những cử chỉ nhỏ nhặt ấy không ngờ bọn trẻ lại rất khoái. Chúng xà lại để chào đón em một cách nồng nhiệt và thích thú. Nhưng nghĩ cho cùng không phải ai cũng có thể tạo được những thành công kỳ diệu đó. Phải là một kẻ có tâm hồn vị tha yêu người như yêu chính mình và hơn thế nữa, phải biết lấy nguồn vui của kẻ khác làm nguồn vui của chính mình. Thưa mẹ, cái tâm hồn ấy, cái lòng yêu thương ấy, sự hy sinh cao cả ấy ai có thể ngờ lại được thể hiện qua một em bé không đầy mười tuổi, một em Sói Con.

Thưa mẹ, sự sinh hoạt vui nhộn hàng tuần ở đây, những mẩu sống vui tươi, hồn nhiên, những cử chỉ săn sóc tận tình chứa chan lòng yêu thương và nhân ái, tất cả đã đem lại cho con nhiều sự xúc động và cảm hứng mới. Con đã bắt đầu thấy mình dồi dào ý tưởng, để có thể tiếp tục con đường mơ ước của mình, đó là mơ ước được theo đuổi sự nghiệp sáng tác văn chương. Con đã bắt đầu viết những trang đầu tiên cho một tập bút ký. Con sẽ ghi lại ở đó tất cả những gì mà con đã được chúng kiến, đã vui vẻ hay buồn rầu, đã cảm động hay xót xa, và đã thành công hay thất bại. Điều đặc biệt là con đã viết một cách dễ dàng, đến độ con nghi ngờ ngay cả nguồn cảm hứng dào dạt của chính con. Vì thiếu kinh nghiệm nên con không đủ sáng suốt để nhận định được đó là những trang giấy thành công hay thất bại. Nhưng có một điều mà con có thể đoan chắc được với mẹ là con đã rất thành thực với mình mỗi khi ngồi vào bàn miệt mài với quyển vở, cái bút. Một đôi khi sự mệt mỏi về thể chất làm con uể oải và mất niềm hăng say tin tưởng. Nhưng sau đó, con đã cố gắng khắc phục để tiếp tục một cách điều hòa. Con đã nhận ra được một điều là chuyện viết văn không phải là chuyên khó, nhưng chính cái sự phải vật lộn chiến đấu với những nỗi chán chường, mệt mỏi, luôn luôn xúi dục mình bỏ cuộc mới là chuyện gay go. Điều này đã xác định lời khuyên của anh Sơn đối với con là đúng. Anh ấy đã từng nói, muốn sáng tác, người ta phải có đầy đủ ba điều cần thiết: đó là kiến thức, thiên bẩm và sự say mê. Say mê là khí giới mầu nhiệm để chiến thắng với tinh thần chủ bại và sự cám dỗ bỏ cuộc. Con đã từng nhìn thấy sự say mê tột cùng của Thu Cúc đối với âm nhạc, cũng như của anh Sơn đối với vấn đề hội họa của anh ấy. Họ đã là những tấm gương sáng cho con trông vào để tự rèn luyện. Nếu mẹ bề trên là ân nhân của con về phương diện lãnh đạo tinh thần, ma soeur Félicité là ân nhân của con đã từng dìu dắt con bước từ cuộc đời tăm tối ra ngoài ánh sáng, thì họ cũng là những người đã đẩy con bước vào lãnh vực của nghệ thuật.

Chúng con đã sống với nhau những giờ phút vô cùng sung sướng. Quãng thời gian ở bên họ đối với con là những mẩu sống đầy mầu sắc, đầy âm thanh và chan chứa tình thương mến.

Ở trang đầu tiên của tập bút ký mà con đang thực hiện, con đã ghi lại một dòng chữ trích trong lá thư mà hồi trước chúng con phổ biến đến các hội đoàn: Xin hãy dùng những bàn tay ngọc tưới lên những bông hoa héo úa này tất cả mọi tình cảm tươi mát để vườn hoa tuổi trẻ của chúng ta không còn có những cụm hoa tàn tạ. Thưa mẹ, đó là mơ ước của con, nguyện vọng của con và cũng chính là phương cách thực hiện lời mà con đã hứa cùng mẹ trong lá thư đầu tiên hôm nào con gửi đến mẹ.

*

Thưa mẹ,

Trong số những trẻ em nẩy nở nhanh nhất về phương diện tinh thần ở đây, con phải kể đến bé Thục.

Hình ảnh một cô bé xanh xao èo uột, khuôn mặt hốc hác đượm vẻ lạnh lùng đến gần như không có một nguồn sinh lực nào thể hiện qua cặp mắt lờ đờ ấy, làn môi khô héo ấy, bây giờ đã hoàn toàn thay đổi một cách đáng mừng. Về thể chất, Thục đẫy đà hẳn ra với khuôn mặt bầu bĩnh, cặp mắt to và đen lay láy, hai bên má phinh phính một cách vô cùng dễ thương. Về tinh thần, Thục đã trở nên tươi sáng với ánh mắt nhanh nhẹn và khôn ngoan, đặc biệt nhất là nụ cười mà bao nhiêu lâu nay con chờ đợi bây giờ đã luôn luôn chúm chím trên vành môi xinh xắn của nó. Bao giờ gặp con, Thục cũng dang hai cánh tay nhỏ xíu ra đòi bế. Con ôm lấy nó vào lòng, tay Thục níu chặt lấy vai con, đầu nó nép vào ngực áo của con và miệng nó u ơ bắt đầu phát hiện ra những tiếng nói đầu tiên như tất cả những trẻ em bình thường khác. Chị Yến thường phát vào mông nó một cái thật nhẹ rồi mắng yêu:

- Công trình của chị Hạnh mày đấy nhé. Lớn lên có nhớ ơn chị hay là lại coi chị mày như cái rơm cái rác.

Con ghì chặt lấy Thục hơn nữa và trả lời bằng một tiếng chanh chua:

- Sức mấy!

Chị Yên bĩu môi:

- Rồi ở đấy mà coi "sức mấy"!

Con đáp:

- Lớn lên, em không cần nó nhớ em nhưng em sẽ bắt nó phải ngoan ngoãn và thảo với chị. Chính chị mới là người có công với nó nhất.

Chị Yến nhìn Thục hồi lâu rồi chép miệng thở dài:

- Chả biết rồi nó có còn được gặp mình hay không mà chửa chi đã nói chuyện công với lênh. Ở đây cứ có đứa nào tốt mã một chút là người ta đến xin mất.

Con la lên:

- Em không chịu đâu!

- Lam sao mà cô giữ được. Bộ cô có thể nuôi nấng nó được cả đời sao. Thà rằng để nó đi như vậy sau này nó còn sướng. Được ăn, được học đầy đủ, tử tế...

- Nhưng em thấy bất nhẫn thế nào ấy...

- Đành là như thế. Mình chăm nom săn sóc chúng từ tấm bé, có họa là gỗ đá mới không thấy lòng bất nhẫn. Nhưng rồi sẽ quen đi. Đó không phải là những trường hợp độc nhất. Ở đây những chuyện ấy xẩy ra là thường.

Con bỗng ghì chặt lấy Thục vào lòng như thể đã có người tới xin nó mất rồi. Lòng con xúc động sâu xa. Đây là một yếu tố bất ngờ mà chưa bao giờ con lường được tới hết cả, mặc dầu nó hợp lý và rất dễ dàng có thể xẩy ra. Chỉ cần nghĩ như vậy là con đã rưng rưng khóc rồi. Con áp má của Thục vào cặp mắt rướm lệ của con. Mùi da thịt thơm tho của nó như truyền vào cơ thể con tới từng mạch máu. Con ghì lấy Thục chặt chẽ hơn nữa. Tội nghiệp cho Thục, hình như nó cũng thông cảm mối cảm tình nồng thắm của con đã dành cho nó, nên nó cũng đáp lại bằng một cử chỉ âu yếm. Hai chị em con bế nhau ra đứng gần cửa sổ. Con hồi tưởng ngày nào mới bỡ ngỡ bước chân lần đầu tiên vào chốn này. Không ngờ thời gian thấm thoát đã gần một năm. Một năm đầy những kỷ niệm vui, buồn, nhiều khi thật sung sướng hồn nhiên nhưng cũng nhiều khi thật chua xót. Cảnh vật quanh đây hầu như không thay đổi. Nhưng bàng bạc đâu đó, nơi nào, chốn nào, người nào cũng đều vương vấn trong ý nghĩ của con nhửng tình cảm thân yêu, nồng thắm. Con bỗng khám phá ra rằng cái mảnh đất nhỏ bé nằm ở một góc thành phố này đã trở thành một phần cuộc đời của con, chi phối trọn vẹn tình cảm của con, và con chỉ còn biết cầu nguyện cho tất cả được vẹn toàn mãi, sum họp mãi mà thôi.

Tuy vậy, con biết chắc rằng những lời cầu nguyện ấy chỉ là một điều mơ ước. Cuộc đời trôi qua như dòng nước chẩy, và mọi người, mọi vật đều phải xuôi dòng để sẽ phân tán đi bao ngả ở ngoài đại dương. Ôi! Thật là đáng buồn thay cho cuộc sống, phải không thưa mẹ. Ý nghĩ về những mầm mống chia ly này cứ ám ảnh con trong suốt một tuần lễ đó, và con đã trải qua những giờ phút thật là buồn rầu và cô quạnh. Mãi tới kỳ đến Viện cô nhi lần kế tiếp, nhận được tin vui mừng của chị Yến con mới rũ bỏ được hết nỗi bi quan để chia xẻ nguồn vui với chị.

Thưa mẹ, con chắc mẹ đã đoán được chuyện vui mừng ấy thế nào rồi... Đó là cả hai người, chị Yến và ông Bình cùng trịnh trọng báo tin cho con biết về lễ đính hôn của họ. Họ thật là đẹp đôi và có thể trở thành một trong những đôi chim lý tưởng nhất. Hôm ấy, khi thoạt tiên bước vào phòng, điều mà con nhận thấy ngay là cử chỉ bối rối khác thường của chị Yến. Chân tay chị luống cuống, cặp mắt long lanh, còn hai gò má chị đỏ bừng lên như đang được chiếu rọi bởi một nguồn ánh sáng chói lòa. Còn ông Bình thì "lên" một chiếc caravate mới tinh hảo, nom súng sính và e lệ như một chàng trai mới lớn lần đầu tiên đứng trước người yêu của mình. Sau đó, trải qua rất nhiều cử chỉ lúng túng và vụng về, cả hai người mới phát biểu được điều mà họ dự tính nói cùng với con:

- Cô Hạnh! Chúng tôi xin loan báo cho cô biết về lễ đính hôn của chúng tôi.

Con ngạc nhiên (mà thật ra chẳng đáng ngạc nhiên chút nào!) và reo to lên:

- Ô! Tuyệt diệu quá! Em xin mừng anh chị!

Ông Bình nói:

- Xin cám ơn cô rất nhiều. Và kể từ nay như thế là chúng tôi cùng lên một chức rồi đấy nhé. Chức ông xã, bà xã "giả định".

Chị Yến phát vào lưng ông ta một cái đau điếng:

- Khéo nỡm cái ông này! Làm chi mà nhanh dữ vậy.

Ông Bình xuýt xoa:

- Thì thế mới là giả định. Nay mai còn phải phục vụ hộc xì dầu mới lên "thực thụ" ấy chứ bộ!

Chị Yến cong cớn:

- Phục vụ! Ai phục vụ ai?

Ông Bình cười nhe hai hàm răng ngựa:

- Thì tôi phục vụ bà chớ còn ai vào đây nữa.

Chị Yến phì cười:

- Chỉ được cái ăn nói tào lao là không ai bằng! Tôi chẳng cần ai phục vụ cho tôi hết đó.

Ông Bình giật vai một cái:

- Ý chà! Nói nghe ngon không. Sai người ta chết cha lên rồi mà còn cứ làm điệu.

- Bộ như vậy rồi oán lắm hả?

- Trời!

- Sao mà trời! Có oán thiệt không thì cứ nói.

- Ai mà dám oán. Còn hân hạnh nữa là khác ấy chớ.

- Hừm! Cứ nghe mồm anh thì đổ thóc giống ra mà ăn.

Cặp vợ chồng này trong tương lai chắc có nhiều cái tức cười. Họ cãi vã nhau suốt ngày nhưng lại yêu nhau một cách say đắm và chân thành. Thái độ lên nước của chị Yến biểu lộ một sự làm nũng của kẻ chịu phục tùng. Còn ông Binh tuy thế lại là một người anh cả độ lượng và dễ dãi. Con tin chắc sự kết hợp của họ sẽ vững bền và chắc chắn họ tìm thấy hạnh phúc. Cũng như họ đã sống chan hòa hạnh phúc trong suốt thời gian tận tụy phục vụ ở Cô Nhi Viện này.



18


Ngày 10 tháng 8,

Thưa mẹ bề trên,

Ngày mà đám cưới của chị Yến được cử hành, đánh dấu một sự kết hợp bền vững giữa hai tâm hồn yêu thương nhau thì cũng lại là ngày anh Sơn được lệnh lên đường nhập ngũ. Thu Cúc đón nhận tin này với tất cả sự bình tĩnh và thản nhiên cố hữu của nó. Nhưng chắc chắn trong lòng Cúc nổi nhiều cơn sóng gió. Bởi vì thường thường giữa mọi câu chuyện nói với con, Cúc bao giờ cũng làm chủ tình thế. Nó phân tích vấn đề tới tận những khía cạnh sâu xa, phát biểu những lời thật đốp chát nhiều khi đến sửng sốt, và trước vẻ mặt sững sờ của con, Cúc phá lên cười, tiếng cười hồn nhiên của một con người ưa nhìn thẳng, không thích mầu mè, cong queo, làm điệu bộ hình thức bên ngoài. Nhưng hôm đó, Cúc không còn giữ được những phong độ thường ngày. Nó vẫn cười, nhưng nụ cười nhiều khi thiếu nguồn sinh lực cố hữu, cặp mắt vẫn đầy vẻ láu lỉnh, sâu sắc tuy nhiều khi bỗng lạc lõng đến một khung trời nào xa vắng.

Sau khi dự lễ rước dâu từ nhà ông Bình ra, hai đứa chúng con kéo nhau đến tìm anh Sơn để rủ anh ấy đi chơi một buổi chiều. Lần này chúng con đáp xe ra khỏi thành phố để tìm một nơi yên tĩnh cho tâm hồn. Thu Cúc đã dành cho anh những cử chỉ săn sóc, trìu mến và thân thiết hơn. Riêng anh thì vẫn tươi cười, ánh mắt linh động, nụ cười bao dung, và hầu như không có một đám mây đen nào bay qua vầng trán phẳng. Ba người ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt. Anh ấy hỏi con:

- Tập bút ký của cô Hạnh đến đâu rồi?

- Hoàn toàn không đi đến đâu cả anh ạ.

- Chết chửa! Tại làm sao thế?

- Hạnh khổ sở với nó vô cùng. Càng đi xa càng thấy mệt mỏi chán chường, nhiều khi Hạnh còn tự hỏi không biết có phải mình đang làm một công cuộc phí phạm thì giờ một cách vô ích hay không?

- Đó là dấu hiệu của sự hình thành một tác phẩm tốt đẹp. Chẳng một nghệ sĩ nào lại không bị dằn vặt trước khi khai sinh một đứa con tinh thần của mình cả.

- Nhưng Hạnh không tin ngay cả chính mình. Nhiều khi Hạnh tự hỏi viết như thế có được không, ý tưởng như vậy có nghèo nàn không, lời văn như thế có nhạt nhẽo không, và mình còn tiếp tục làm gì khi đã nhìn thấy trước những thất bại chứa đầy dẫy trong đoạn đường mình đang đi kia rồi.

- Tôi nhớ có một nhà hùng biện đã từng nói rằng: "kẻ nào khi bước ra trước thính giả mà không lo âu, không hồi hộp, không băn khoăn thắc mắc, thì chắc chắn anh ta sẽ thất bại trong buổi nói chuyện của mình":

Cúc la lên:

- Sao lại vô lý như thế? Đối với kẻ hùng biện, chắc chắn anh ta phải coi thường những tình cảm vụn vặt như vậy chứ!

- Thế thì em lầm. Cái tâm trạng băn khoăn, hồi hộp, lo lắng không phải là tâm trạng biểu lộ sự bất tài, mà chính là thể hiện sự kính trọng của diễn giả đối với thính giả. Chỉ những kẻ coi thường thính giả mới nhơn nhơn chắp tay đi ra diễn đàn, mà không thèm dò trước những phản ứng của thính giả đối với bài nói chuyện của mình. Một đằng xây dựng công trình trên tinh thần trách nhiệm sâu xa, một đằng buông xuôi công việc theo tác phong tùy hứng, tùy thời, thử hỏi ai sẽ thành công hơn ai?

Thấy Thu Cúc im lặng không trả lời, anh Sơn tiếp:

- Chính vì lý do đó mà tôi tin cô Hạnh đã xây dựng tác phẩm của cô trên tinh thần trách nhiệm. Có nhận lãnh trách nhiệm, cô mới băn khoăn về hậu quả của nó, và có nhận lãnh trách nhiệm, cô mới phải chịu khó tìm tòi, thận trọng trong suốt thời gian xây dựng tác phẩm. Chỉ riêng yếu tố đó cũng đủ bảo đảm cho một phần lớn về sự thành công rồi.

Con trả lời:

- Nói chuyện với anh bao giờ Hạnh cũng được nhiều điều mới lạ và bao giờ anh cũng làm Hạnh yên tâm. Bây giờ thì không thấy chán chường nữa rồi.

Thu Cúc bật cười:

- Mày làm như một thứ con nít lên ba, người lớn nói thế này thì ngả theo chiều này, nói thế kia lại ngả theo chiều kia, không bao giờ gọi là có "lạp xường" cả.

- Đúng như vậy đó! Rất ít khi mình có lập trường dứt khoát về mọi vấn đề, đó là một khuyết điểm tai hại mà sửa thế nào cũng không được.

Anh Sơn nói:

- Cô hãy còn trẻ, lo gì vội. Khi bước chân vào cuộc đời, nhiều sự va chạm của thực tế sẽ dạy cho cô biết thế nào là cứng dắn và cương quyết.

- Thế Thu Cúc cũng cùng lứa tuổi của Hạnh mà tại sao nó khôn lanh như ma vậy?

Anh Sơn nhìn thẳng về phía Thu Cúc với cặp mắt nồng nàn trìu mến:

- Thu Cúc ấy à? Cô mà cho Thu Cúc khôn lanh như ma là cô lầm. Cúc chỉ bướng bỉnh, ngang ngạnh chứ không thể gọi là khôn ngoan được. Người khôn ngoan là người phải biết chế ngự cái tôi của mình để hòa hợp với hoàn cảnh.

Thu Cúc kêu lên:

- Vậy anh muốn em bướng bỉnh thế này hay là khôn ngoan như anh vừa nói?

Sơn mỉm cười:

- Tất nhiên là anh muốn Cúc giữ nguyên những cái gì của Thu Cúc. Đó là cá tính đặc biệt của mỗi người và chính anh yêu Cúc cũng là vì cái cá tính bướng bỉnh đó. Phải không em?

Thu Cúc trả lời anh bằng một cái nhìn ý nghĩa và nồng nàn. Một lát sau Cúc mới nói, giọng buồn buồn:

- Chỉ sợ mai mốt xa Cúc rồi anh sẽ tìm thấy những cá tính đặc biệt hơn...

Sơn quay lại nắm lấy bàn tay Cúc lắc mạnh rồi nói:

- Có cô Hạnh đâ đã từng chứng kiến những giờ phút buồn vui của hai đứa chúng mình. Anh tin rằng Hạnh sẽ còn theo rõi đường đi của chúng mình mãi mãi.

- Đúng đấy! Hạnh sẽ cầu nguyện cho anh đi bình an và ngày anh trở về Hạnh sẽ viết được cả một tác phẩm để ca ngợi quê hương thanh bình, ca ngợi những mối tình bền vững sau bao cơn sóng gió, thử thách mà chắc chắn trong đó phải có hai ông bà là nhân vật số một!

- Ngộ nhỡ tôi bỏ mình trong khói lửa thì sao?

Cúc la lên, giơ tay bịt ngay miệng anh Sơn lại:

- Anh chỉ chúa hay nói dại không ai bằng.

Sơn mỉm cười:

- Thu Cúc bắt đầu mê tín từ bao giờ đấy?

Thu Cúc đỏ mặt, quay đi trả lời:

- Từ khi Cúc bắt đầu yêu anh, Cúc đã đi coi bói cho anh rồi. Số anh thọ đến chín mươi lận!

- Thế còn em?

- Chưa biết, nhưng chắc chắn là sẽ chết trước anh và như thế là đủ rồi!

Sơn mỉm cười đứng dậy khoanh tay nhìn về phía đồng quê phẳng lặng ở đằng xa với đồng lúa xanh mướt và những ngọn khói lam bốc lên trên những mái nhà mầu rêu xám. Một lát sau anh nói, giọng trầm ngâm:

- Đồng quê thật là êm ả. Nếu không có tiếng động cơ của những chiếc máy bay rền rĩ trong bầu trời, và không có cái cảm giác tờ giấy gọi động viên còn nằm trong túi thì tôi tưởng như đất nước mình đang ở trong một thuở thái bình, thịnh trị. Vậy mà khói lửa đã thiêu đốt không ngừng xứ sở còm cõi của chúng ta hơn một phần tư thế kỷ rồi đấy nhé.

Con chép miệng thở dài:

- Chúng mình thật nhỏ bé, chúng mình không thể thay đổi được gì cho quê hương.

Sơn cãi lại:

- Sao lại không nhỉ. Chiến tranh một ngày kia sẽ chấm dứt, và tương lai đất nước sẽ nằm trong tay những lứa tuổi như Hạnh. Cho nên chưa làm được gì không phải là sẽ không làm được gì.

Thu Cúc nhún vai:

- Ồ! Nói chuyện tương lai có vẻ xa xôi quá. Thu Cúc sẽ sống cho hiện tại và hãy chỉ biết có hiện tại. Sau khi anh đi rồi, Cúc sẽ gửi tới anh và những người lính như anh những bài ca và giọng hát của Cúc qua làn sóng điện. Đó cũng là một cách chia xẻ với anh và những người như anh nỗi nhọc nhằn mà vì quê hương các anh phải chịu đựng.

Nói rồi Cúc đứng dậy theo, sóng vai Sơn nhìn ra phía đồng trống. Trong ánh nắng chói chang của một buổi chiều cuối hạ, bóng dáng của hai người in như cắt trên nền trời trong xanh và cao thẳm. Trông họ như hiện thân của tuổi trẻ đầy sinh lực và nhiệt huyết, hơn thế nữa lại là tuổi trẻ biết can đảm nhận lãnh trách nhiệm của mình. Nhìn họ, con cảm thấy hãnh diện và vui sướng. Con muốn chắp tay nguyện cầu.

Nguyện cầu cho thanh bình mau chóng trở lại để mọi người ra đi được trở về góp sức xây dựng lại quê hương đang gẫy đổ.

Nguyện cho nguồn vui sống sẽ nẩy nở chan hòa trên khắp mọi nơi, mọi chốn để xua tan đi cái bóng tối đang triền miên ngự trị trên xứ sở đau thương nghèo khó của chúng ta.


NHẬT TIẾN
Đà-Lạt - Mùa Thu Đinh Mùi (1967)