7
Ngày 28 tháng 10
Thưa mẹ khả kính,
Đề
tài Luận Quốc văn của chúng con do ma soeur Juliette ra cho làm trong
tuần này đã gây sự sôi nổi của cả lớp: "Chị hãy tả một buổi đi thăm
viếng một viện cô nhi và cho biết chị có dự tính gì để có thể xoa dịu
nỗi khổ đau của các em bé mồ côi đó". Đọc xong cái đầu bài do ma soeur
viết trên bảng, con rưng rưng cảm động đến ứa nước mắt. Như thế là các
soeur đã luôn luôn theo dõi việc làm của con. Và con thấu hiểu rằng sự
cho ra một đề luận như vậy, tức là các soeur đã gián tiếp giúp đỡ mọi
người. Sáng kiến đó thật là hữu hiệu. Con thấy tất cả các chị nhao nhao
lên bàn tán sôi nổi. Một số người phản đối một cách hăng hái, viện cớ
chưa bao giờ trông thấy một Viện cô nhi ở đâu cả. Nhưng bà Juliette đã
ra một thời hạn là hai tuần lễ để làm bài. Trong thời gian ấy, họ bắt
buộc phải đi tìm tài liệu cho bài viết của mình. Mặc dầu vậy, có nhiều
chị vẫn cho rằng bà Juliette thật là ác. Họ tranh luận với nhau om xòm
suốt lúc xếp hàng để chờ vào phòng ăn. Đến giờ ngủ trưa hôm đó, sau khi
bà Cécile xách cái roi mây đi ra khỏi phòng là họ lại nhao nhao lên bàn
tán. Một chị la to:
- Ê! Thu Thủy! Bồ dự tính cái gì để xoa dịu nỗi khổ đau của trẻ mồ côi?
Thu Thủy lúng túng:
- Em... em chưa nghĩ ra cái gì cả.
- Còn chị Mỹ Dung?
- Em cũng thế!
- Vậy ai có sáng kiến gì xin đưa ra để mọi người xài chung.
Chị Diễm Hương tung cái mền nhỏm dậy:
- Tôi!
Mọi người đồng thanh:
- Hoan hô chị Diễm Hương! Có ý kiến gì cho tụi em "cóp" với.
Chị Diễm Hương tủm tỉm cười rồi đáp:
- Muốn xoa dịu nỗi khổ đau của trẻ mồ côi thì em dùng dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín.
Cả
bọn ồ lên một lượt, và trong số đó có một chị lợi dụng cơ hội hét lên
một tiếng thật to. Tiếng hét của chị ta làm mọi người xanh mặt. Tất cả
đều chồm về chỗ của mình và luồn ngay vào tấm mền nằm im thin thít.
Nhưng may quá, lần này không thấy có soeur nào chạy vào. Cánh cửa thông
sang hành lang vẫn khép kín. Sự tĩnh mịch của buổi trưa im vắng không
thấy vang lên tiếng gót giầy chạy lóc cóc một cách vừa vội vã, vừa giận
dữ của một soeur nào cả. Nằm yên nghe ngóng một lát các chị lại tung
cái mền và nhỏm dậy đồng loạt. Lần này chị Diễm Hương đổi lại kiểu nói
của mình:
- Nói đùa vậy thôi chứ muốn có sáng kiến thì phải hỏi chị Hạnh. Chị Hạnh chủ nhật nào cũng vô thăm Viện Cô Nhi.
Cả bọn liền đổ dồn mắt về giường của con. Chị Mỹ Dung nói:
- Phải đấy! Chỉ có chị Hạnh là có thẩm quyền nói về lũ mồ côi. Bài luận quốc văn làm thế nào hả chị?
Con trả lời:
- Dễ lắm! Chị nào muốn chứng kiến tận mắt thì chủ nhật này đi theo em, ở trong Viện mồ côi có bao nhiêu là idée để về làm bài.
Chị Mỹ Ái nói:
- Thôi thì chị cứ kể đi. Tụi em chỉ cần nghe nói là cũng có idée rồi.
-
Em sợ như thế bài làm của chị sẽ bị kém điểm. Vì theo lời ma soeur
giảng, những bài luận về narration phải chứng kiến tận mắt thì văn viết
mới lưu loát, mới hay được.
-
Nhưng eo ơi, cả tuần có mỗi một ngày chủ nhật để về với gia đình lại
phải đi quan sát mà làm bài thì còn nói gì nữa. Với lại tuần này em phải
ở nhà sửa soạn lễ ăn mừng sinh nhật. Không thể nào đi được rồi.
- Thật đáng tiếc!
- Vậy thì chị kể giùm cho em nghe đi. Trong viện mồ côi có những cái gì.
- Có toàn là trẻ con mồ côi. Với lại các chị người làm và y tá săn sóc thuốc men.
- Thế thôi à?
- Thế thôi!
- Kỳ nhỉ. Em tưởng ở trong ấy chắc là ghê tởm lắm.
- Tại sao lại ghê tởm?
Chị Mỹ Ái lúng túng:
- Thì... thì tại toàn là một lũ mồ côi. Chúng nó dơ bẩn, chúng nó chẳng có ai dậy dỗ, răn bảo nên dữ dằn, mất dậy...
-
Thế thì chị nhầm. Dơ bẩn thì có phần nào, chứ dữ dằn, mất dậy thì
không. Chúng nó rất ít nói và cả ngày chỉ ngồi buồn hiu một mình.
- Chắc là chúng nó nhớ bố, nhớ mẹ.
-
Chưa chắc! Trừ một vài đứa mới được nhận vào còn khóc kêu, nhưng phần
đông thì được nuôi từ thuở nhỏ nên chúng nó cũng không ý thức được cái
sự thiếu bố, thiếu mẹ của mình.
- Ủa! Vậy mới đẻ ra đã phải vào Viện cô nhi rồi à? Thế bố chúng nó đâu, mẹ chúng nó đâu?
- Bố mẹ chúng nó cho chúng nó vào đấy.
- Tại sao thế? Họ không nhớ, không thương con họ sao?
- À... Tại bởi vì họ nuôi không nổi, hoặc giả họ không muốn nuôi.
- Vô lý! Ai mà đẻ con ra rồi lại không muốn nuôi con.
-
Thì thật sự như vậy đó. Có nhiều đứa được bố mẹ gửi vào rồi đi thẳng
một mạch, không bao giờ ngó đến. Nghiễm nhiên chúng trở thành một đứa mồ
côi.
- Thế thì chắc chúng nó khóc dữ lắm.
- Rồi cũng quen đi.
- Ở trong trại mồ côi chắc là khổ lắm nhỉ. Đói, rét...
-
Trái lại, chúng nó sống khá đầy đủ. Thực phẩm, quần áo không thiếu thốn
là bao. Có nhiều cơ quan, đoàn thể và tư nhân gửi vào tặng đều đều...
- Ý! Nếu vậy thì mồ côi đâu có khổ.
-
Khổ lắm chứ, nhất là về tinh thần. Có những đứa bé suốt ngày chẳng được
ai ngó ngàng tới. Nó nằm nhìn cái quạt trần suốt ngày này sang ngày
khác, tháng này sang tháng khác...
- Khiếp!
- Thật đó!
- Vậy mọi người đâu sao không bế nó?
- Đông như vậy ai mà bế cho xuể.
- Tội nghiệp! Em sẽ gửi tặng cho nó một con búp bê.
- Một con búp bê chỉ làm vui được cho một đứa. Còn cả trăm đứa khác...
- Vậy thì phải làm thế nào?
- Một mình thì chẳng làm gì hơn được. Cần có sự tham gia của toàn thể mọi người.
- Vậy em sẽ cổ động cho mọi người cùng tham gia. Má em rỗi, em sẽ "bắt" má em tham gia cùng với em nữa.
- Hoan hô chị Mỹ Ái!
Mỹ Ái nhoẻn một nụ cười thật xinh xắn và hồn nhiên rồi bỗng quay sang phía Thu Cúc lúc đó đang ngồi chầu hẫu nghe chuyện và hỏi:
- Ê! Con Thu Cúc. Thu Cúc có tham gia không?
Cúc nhún vai, dè bỉu:
- Tôi đấy à? Còn lâu!
Mỹ Ái nhăn mặt về câu trả lời sống sượng của Cúc. Nhưng rồi chị ta cũng gượng cười và hỏi:
- Tại sao vậy?
-
Tại vì tôi ghét làm những cái gì mà tôi không chủ tâm nghĩ tới. Trẻ mồ
côi! Hừm, bộ chỉ có viện cô nhi nhà các cô mới có trẻ mồ côi thôi hay
sao. Chòm xóm nhà tôi thiếu giống!...
Mỹ Ái ngạc nhiên:
- Ủa? Thế chúng nó không vô Viện cô nhi hay sao?
- Vô để mà ăn cái giải gì ở trong đó. Ở ngoài chúng nó tự do hơn.
- Nhưng mà ai nuôi?
- Chả ai nuôi thì làm lấy. Đi ăn mày, đi cướp giật, đi làm tất cả những cái gì cho ra tiền thì thôi...
- Thế thì là du đãng chứ đâu có phải mồ côi.
Cúc phá lên cười:
- Mồ côi với du đãng đâu có khác gì nhau. Giả dụ bây giờ cô thử bị mồ côi bố mẹ coi. Chỉ ít ngày là thành du đãng gấp!
Mỹ Ái đỏ mặt:
- Khiếp! Ví với von gì mà kỳ cục vậy.
Nói rồi Mỹ Ái nằm vật xuống đệm tung mền lên chùm kín mít. Trong khi ấy, Cúc rúc rích cười. Con trách Cúc nhẹ nhàng:
- Sao đằng ấy lại nói thế... Chạm tự ái của người ta.
Cúc gân cổ lên cãi:
- Thì tao nói thế có đúng không nào?
- Không đúng!
- Tại sao không?
- Thì chính tao đây này. Tao không có bố lại mồ côi mẹ, tại sao tao không trở thành du đãng?
- À, mày thì lại khác. Mày có bà Félicité đỡ đầu, như thế còn sướng hơn là không mồ côi nữa!
- Nói tầm bậy!
-
Thiệt chứ! Nhiều khi tao muốn mồ côi như mày mà không được. Mày tự do,
mày muốn làm gì thì làm chẳng ai cấm cản cả. Còn tao, không có thì giờ
nào là của tao cả. Ở trường thì mấy bà soeur già bắt ne bắt nét, còn ở
nhà thì hơi một tí là đã bị đánh, bị chửi rồi...
- Tại mày không ngoan, không vâng lời.
- Sao mày biết tao không vâng lời?
- À... tao... tao đoán thế.
- Đúng! Tao không vâng lời thật. Nhưng mày có biết tại sao không?
- Không.
- Vì toàn là những lời dở ẹc thì làm sao tao vâng được.
- Chết! Sao lại nói bố mẹ như thế?
Cúc gân guốc:
- Tao cứ nói! Tao cứ nói! Tao ghét mẹ tao. Tao thù bố tao. Tao không nhận tao là con của "họ".
Câu
chuyện có thể sẽ còn kéo dài một cách vô vị như thế, nếu không có
chuông reo báo hiệu chấm dứt giờ ngủ trưa. Tất cả mọi người đều sửa soạn
lên phòng học bài và làm bài. Cúc giấu một xấp bản nhạc trong cặp vào
lớp. Từ bao lâu nay, Cúc tỏ ra rất say mê ca nhạc. Tuy vậy chưa bao giờ
Cúc trình bày trọn vẹn một bản nhạc cho ai nghe. Thỉnh thoảng cao hứng,
con chỉ thấy Cúc hát một vài đoạn ngắn lúc vắng người. Giọng của Cúc rất
trong và Cúc ngân được rất dài. Trong mọi môn học ở trường, xét ra chỉ
một môn ký âm pháp là Cúc chịu để ý nghe giảng bài và làm bài nhất.
Nhưng trái lại, giờ tập hát Cúc lại ngồi ỳ ra, để mắt mơ mộng đi tận đâu
đâu. Có lần con hỏi Cúc thì nó bảo:
-
Giọng bà Madeleine như ống bơ rỉ. Bà ấy chỉ dậy được một lũ chuột biết
hát cho đều. Như thế có khó gì. Ngọn roi mây dùng để vừa đánh nhịp, vừa
quất vào mông những con chuột ưa hát sẽ làm cho chúng nó hát đều một
cách dễ dàng.
Sau
giờ học bài đến giờ làm bài Cúc không giải toán mà mở nhạc ra chép.
Việc làm của nó bị soeur Cécile bắt được. Bà xách ngay một bên tai của
Cúc bắt nó rời khỏi hàng ghế ra để đứng lên bục. Trước cặp mắt ngơ ngác
của toàn thể mọi người, bà lớn tiếng hỏi:
- Chi Thu Cúc! Chị đang làm gì?
- Thưa ma soeur con đang chép nhạc.
- À! Chị có vẻ yêu nghệ thuật lắm đó. Nhưng giờ này học trò phải làm gì, Thanh Thủy!
Chị Thanh Thủy vội đứng phắt dậy, khoanh hai tay trước ngực và trả lời:
- Thưa ma soeur, giờ này... giờ này...
Bà Cécile trừng mắt nhìn khiến chị ta vội vã:
- Dạ giờ này học trò phải làm bài cho buổi học sáng mai.
- Chị đọc Emploi du temps cho tôi nghe.
- Dạ, ngày mai chúng con có Version Francaise, Morale và Géométrie.
Bà Cécile lẳng lặng xé đôi xấp nhạc mới tịch thu được và tuyên bố lạnh lùng:
- Một ngày rapas sec!
Nói
rồi bà lặng lẽ đi ra. Trong khi ấy Cúc nhún vai nhìn theo bà rồi đi về
chỗ ngồi. Con đẩy qua cho Cúc tờ giấy nháp bài Hình học đã giải xong để
cho Cúc chép nhưng nó đã từ chối sự giúp đỡ ấy một cách hắt hủi:
-
Toán ấy à? Tao học toán để mà làm gì. Tao đâu có mộng làm professeur!
Tao chán đi học lắm rồi. Tao chán cả cái không khí kỷ luật ở đây. Thật
là kỳ cục khi mình cứ phải làm mãi một công việc mà mình chẳng thích thú
tí nào.
- Mày không thích học thì sau này mày sẽ làm cái gì?
Cúc nói:
- Tao sẽ soạn nhạc và trình bầy những bài nhạc của tao.
Con dương đôi mắt tròn xoe lên nhìn Cúc. Cúc đáp lễ lại bằng một cái nhìn ngang nhiên không kém. Một lát nó hỏi:
- Bộ mày lạ lắm sao? Thời buổi bây giờ ca sĩ cũng là một nghề. Một nghề thú vị bằng mấy cái ước vọng trở thành cô giáo như mày.
Con cãi:
- Tao đâu có thích làm cô giáo.
- Thế mày thích làm gì?
Con ngần ngại giây lâu rồi nói:
- Làm văn sĩ! Mày thấy tao làm văn sĩ có được không?
Cúc ngẩn ngơ một lúc, rồi ấp úng:
- Cái đó thì tao không biết. Việc viết văn, viết báo chẳng có mức gì mà đo lường được cả. Tao thấy nó kỳ kỳ...
- Tại sao lại kỳ...
- Vì tao không thể tưởng tượng được lúc mày làm văn sĩ thì nó ra thế nào.
- Thì cũng như thường chứ làm sao.
-
Không thể như thường được. Ở Việt Nam, cứ hễ nói đến văn sĩ thì người
ta hay nghĩ đến các ông hơn là các bà. Các ông đầu bù tóc rối, quần áo
xốc xếch và nghiện oặt sà lai...
- Còn ở ngoại quốc thì sao?
-
Ờ... Ở ngoại quốc lại khác. Nói đến dame écrivain tao lại hình dung đến
những bà thật là đẹp, có dáng điệu quí phái và duyên dáng. Tao tưởng
tượng George Sand, Madame de Sévigné chắc giống như một bà công tước...
- Ừ, tao cũng nghĩ như thế và tao sẽ viết được văn như các bà ấy...
- Thế thì ước vọng của mày thật là to tát. Tao sợ giống cái cảnh con nhái muốn to bằng con bò.
- Tao cũng lo sợ thế nhưng tao không thấy thích thú gì khác hơn. Tao sẽ trình bầy ý nghĩ ấy với bà Antoinette.
Thu Cúc tròn xoe mắt lên, ngạc nhiên hỏi:
- Mày dám nói với mẹ bề trên về cái chuyện viển vông ấy hả?
- Sợ gì?
-
Chẳng sợ gì nhưng thật là táo gan đấy. Bởi vì các bà chằn ấy không mong
muốn gì hơn là các học trò của các bà trở thành bác sĩ, luật sư, giáo
sư hay tu sĩ như các bà.
- Ai bảo mày thế?
-
Chẳng ai bảo nhưng về điều đó thì tất cả mọi người đều một duộc như
nhau. Má tao ca tụng những bà bác sĩ hết mình, còn ba tao thì lại phục
các bà trạng sư. Nhưng cả hai ông bà đều không tin tưởng tao làm nên
được cái trò trống gì hết.
- Vậy thì sao mày không cố học để cho ba má mày thấy tài năng của mày?
Cúc kêu lên:
-
Ui!... Thấy tài năng để làm gì? Tao không bao giờ chịu khổ công để làm
vui lòng người khác. Tao chỉ làm những cái tao thích làm. Và ý thích độc
nhất của tao là trở thành một ca sĩ rồi một nhạc sĩ.
- Như thế trước hết mày phải có giọng thật hay.
Cúc nhún vai:
- Giọng hay chưa đủ. Trước hết cần phải đẹp!
Con tròn xoe mắt lên nhìn:
- Quan niệm cái gì kỳ cục. Nghệ thuật là nghệ thuật chứ.
Cúc mỉm cười:
-
Thế thì mày còn ngây thơ lắm. Trước mắt đám khán giả, người ca sĩ không
có vẻ đẹp thì nghệ thuật trình diễn coi như yếu đi một phần rồi. Tao
cho rằng đó là một trở lực lớn lao nhất. Tuy vậy tao cũng không đến nỗi
xấu xí lắm phải không.
Thưa
mẹ bề trên, cho đến lúc đó con mới chú ý thực sự ngắm bề ngoài của Cúc.
Trong suốt ngần ấy năm sống dưới sự bảo trợ bao dung và nhân ái của ma
soeur Félicité, không bao giờ con biết phán đoán kẻ khác qua bề ngoài
của họ. Chính vì điều đó mà con không hay để ý đến nhan sắc của một ai.
Có lẽ đây là lần đầu tiên con ngắm cái bề ngoài của kẻ khác. Cúc năm nay
mười sáu, nhưng trông nó cao lớn và già dặn như mười bẩy, mười tám.
Thân hình nẩy nở, cân đối, nước da mịn màng, cặp mắt to và đen như mắt
bồ câu. Mái tóc của Cúc biếng chải xõa xuống hai bên bờ vai tròn trĩnh,
trông Cúc còn lộng lẫy hơn nhiều chị khác ở đây. Chỉ tiếc cho Cúc nhất
là nụ cười. Nụ cười không có vẻ hiền hòa êm ái, không có tính chất khoan
dung, cởi mở, mà khi Cúc cười, khuôn mặt của Cúc trở nên chua chát,
chán chường, khinh mạn. Nhưng chính nụ cười ấy lại biểu lộ tâm tình của
Cúc nhiều hơn hết. Tính Cúc xưa nay vẫn chua chát, chán chường và khinh
mạn như thế.
Sau
giờ làm bài, chúng con thả bộ trên những lối sỏi trong vườn hoa để chờ
giờ tập họp đi ăn cơm. Vào mùa này, những cây bàng lớn đang úa và rụng
đầy lá vàng trên nệm cỏ. Trời có gió thoảng. Những cơn gió mang theo hơi
lạnh của mùa thu hiu hắt. Bồn hoa chạy dài theo bốn bờ tường ở mé vườn
sau bắt đầu trổ những bông hoa đầu mùa. Hoa màu đỏ thẫm, hao màu tím
nhạt, còn cả trăm loài kỳ hoa dị thảo khác thi nhau phô sắc rực rỡ trên
những bồn cỏ xanh mướt hay trong những lẵng hoa treo trên bờ tường,
trong những lùm cây. Khung cảnh ở đây thật là lý tưởng cho những tâm hồn
mơ mộng. Trong lòng con cũng rộn ràng những mơ ước. Con mơ đến một ngày
nào đó bé Thục sẽ lớn lên trong những nụ cười tươi sáng và hồn nhiên
của nó. Con cũng mơ đến một ngày mà ở đó tất cả mọi người đều yêu thương
nhau, đều đem đến cho nhau những nguồn an ủi và khích lệ. Để cho ai nấy
đều có thể dễ dàng vượt qua những nỗi khó khăn trong cuộc đời của mình.
Và con mơ ước sẽ viết được thật nhiều để ca tụng lòng yêu thương và
nhân ái đó của nhân loại. Chắc chắn tác phẩm đầu tiên của con khi mới ấn
hành sẽ thơm phức mùi mực mới và giấy mới. Con sẽ dành nét bút đầu
tiên, ý nghĩ đầu tiên để ký tặng mẹ và soeur Félicité, những người đã
dậy cho con biết ý nghĩa của tình yêu thương, chí phấn đấu và nghĩa vụ
làm người.
HẠNH
8
Đêm 8 tháng 11...
Thưa mẹ,
Ngày
chủ nhật hôm nay là một trong những chủ nhật sung sướng nhất trong đời
con. Từ chiều hôm trước con đã nhận được lời căn dặn của rất đông các
chị cùng lớp. Mỹ Ái nói:
-
Sáng mai bồ cho tôi cùng đi tới Viện cô nhi. Papa dặn sẽ đón ra sớm để
đi ăn sáng rồi coi ciné. Nhưng tôi sẽ nói cho papa biết sự bận bịu của
chúng mình. Chắc papa vui lòng đưa hai đứa mình đi, và không chừng papa
đi theo mình vào trong đó nữa.
Chị Thu Dung thì nói:
-
Sáng mai chị Thu Hương sẽ vào đón em đi chọn vải may đồ. Nhưng lui lại
tuần sau cũng không muộn gì. Chị cho em vô viện cô nhi một lần. Biết
đâu em chả giúp chị được một tay vào những công việc ở đó.
Còn Thu Cúc thì nói:
-
Ngày mai tao sẽ không về nhà. Tao đi với mày, mày bằng lòng không. Chắc
ba má sẽ nổi cơn tam bành mà rủa tao cho đến chừng nào ông bà ấy kiếm
được một đứa khác chia bài ngày chủ nhật.
Rồi Cúc mỉm cười:
-
Thà vô cái viện mồ côi bẩn thỉu, hôi hám của mày còn hơn là phải nhìn
mãi, ngắm mãi những bộ mặt khách khứa quen thuộc ở nhà tao. Tịnh một thứ
khách khứa nửa người nửa ngợm, cờ bạc như ranh và nói tục thì không ai
bằng.
Tổng
số tất cả có mười bốn chị tham dự vào chuyến thăm viếng ngày chủ nhật.
Chúng con kéo đến chật ních cả một hành lang ngay từ sáng sớm. Vào giờ
đó quan khách thường xuyên của Viện Cô nhi chưa có một ai tới cả. Ông
lão làm vườn vừa mới quét xong mé sân đằng trước và mở cánh cổng lớn để
lấy lối xe ra vào. Vừa trông thấy chúng con, ông ta đã la lên:
- Này! Thôi! Tôi xin các cô. Chỗ trong đây không phải chỗ để các cô tới, các cô bầy...
Con ngạc nhiên:
- Ai tới đây mà bầy ở đâu!
-
A! Cô Hạnh đó hả. Vậy cô chịu trách nhiệm giùm tôi, chớ cái kiểu đoàn
thể đoàn thung ào tới phá phách một hồi rồi rút êm như tuần trước là tôi
không có thể nào chịu nổi nữa rồi đó.
- Ông cứ yên chí đi, tụi cháu tới đây làm giúp mà.
- Thiệt hôn?
- Dạ, thiệt chớ!
- Vậy còn mé sân đằng sau, các cô làm nốt giùm đi.
Con la lên:
- Ý! Việc quét sân là việc của ông mà. Chúng cháu chỉ đến săn sóc lũ nhỏ thôi.
Ông lão giận dữ:
- Ai biểu với cô quét sân là việc của tôi? Trời ơi! Tôi mà có lấy đồng xu lương nào ở đây, tôi cứ đi bằng đầu.
- Vậy làm sao ông sống?
-
Sống bằng tiền ở cái chỗ chết đói này đó hả? Có bộ mà khùng! Đàn bà nhà
tôi mà không buôn bán, chạy ngoài thì chết đói nhe răng ra từ hồi nào
còn gì.
- Thế mà cháu cứ tưởng ông làm rồi lãnh lương ở đây.
- Không có đâu.
- Vậy chúng cháu phụ ông một tay nhé.
- Ờ! Các cháu giúp ông đi. Bây giờ có tuổi rồi, mới quét được ba lát chổi đã muốn sụm cả lưng.
Vừa
nói ông ta vừa đặt cái chổi xướng đất và lấy ở bên túi bành tô kaki ra
một xị rượu ngửa cổ tu ừng ực. Hơi rượu vào làm mặt ông ta đỏ gay. Những
cọng râu dựng lên trông lởm chởm. Cặp mắt đục lờ đờ của ông nổi lên
những tia máu đỏ ửng. Nuốt ực xong ngụm rượu cuối cùng, ông khà lên một
tiếng khoái trá, rồi vừa run run đậy nắp cái xị rượu vào, ông vừa nói:
- Ráng mần sạch nghe các cháu. Qua còn nhiều việc phải làm lắm đó...
Con nhặt cái chổi lên rồi nói:
- Ông cứ yên chí đi. Chỉ một loáng là xong thôi mà.
Ông
lão vừa ý, gật gù cái đầu nhìn suốt một loạt mấy chị lúc đó đang ngẩn
ngơ nhìn ông như nhìn một vật lạ rồi ông khật khưỡng quay đi. Chị Thanh
Thủy bật lên tiếng nói trước tiên:
- Thấy ghê quá à!...
Một chị khác tiếp:
- Ông ấy làm chết khiếp!
Chị Diễm Hương pha trò:
- Ấy! Trẻ mồ côi trong đây toàn thứ đó cả đấy thôi các "bà" ạ.
Con vội vàng trấn tĩnh tinh thần mọi người:
- Không phải vậy đâu. Ông ấy là người làm vườn ở đây. Tuy nghiện rượu nhưng tính nết tốt lắm. Em vẫn giúp ông ấy hoài.
Chị Thu Dung nói:
- Em thì em thích săn sóc trẻ mồ côi hơn.
- Em cũng thế!
- Vậy thế không có ai chịu quét sân giùm ổng hay sao. Chị nào tình nguyện ra sân sau làm chuyện đó nào?
Chẳng có ai lên tiếng nhận lời. Mãi về sau Thu Cúc mới giơ tay:
- Thôi để đấy cho tôi.
- Hoan hô chị Thu Cúc. Chừng nào quét xong chị đem trả cây chổi xuống dưới nhà ngang rồi lên phòng tìm em nhé!
Thu
Cúc không đáp, cúi xuống nhặt cây chổi rồi lững thững đi về mé đằng
sau. Cả bọn liền tiếp tục kéo nhau bước lên dẫy hành làng của tòa nhà
chính giữa. Vào giờ đó mấy chị giúp việc đang bế từng đứa trẻ ba, bốn
tuổi từ trên lầu hai xuống và đặt chúng nó ngồi dựa lưng trên những băng
ghế dài ở dọc quanh hành làng. Đó là một thông lệ của Viện cô nhi này
vào những ngày chủ nhật. Một lát nữa các quan khách tới viếng thăm Viện,
họ có thể lựa chọn đứa nào mà họ ưa nhìn hay thương hại để ngồi chơi
với nó đến trưa, cho nó ăn kẹo, bánh, hay đồ chơi. Và cũng chính ở chỗ
này thường xẩy ra những cảnh rất mủi lòng, đó là lúc chủ và khách chia
tay nhau ra về. Những cô cậu tí hon nhất định không rời các bà khách,
ông khách, để cứ níu chặt lấy áo họ mà khóc um lên. Đứa này mở đầu, đứa
kia bắt chước, rồi các quan khách cũng mủi lòng sụt sịt khóc theo tạo
nên một khung cảnh rất ngỡ ngàng và bi thảm. Trong lúc chúng con đứng lố
nhố ở hành lang thì các chị giúp việc đã bế xuống được năm, sáu đứa.
Quần áo của chúng nó hôm nay có vẻ tươm tất hơn mọi ngày. Mỗi đứa bận
một bộ quần áo trắng đã ngả mầu nước dưa, phẳng phiu nguyên nếp, và bên
ngoài là một chiếc áo ấm dệt bằng sợi mầu lam.
Thấy
người đông đảo, cả bọn trẻ cùng dương cặp mắt ngơ ngác lên nhìn. Có đứa
đang bắt đầu đu đưa thân hình còm cõi của nó theo một nhịp điệu mà nó
đã tự tạo thành cố tật từ bao lâu nay. Chị Yến đã có lần giải thích về
điều đó, nghĩa là đứa trẻ không có trò chơi gì khác ngoài sự chơi với
chính mình hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Và vì
thế mỗi đứa đã phát sinh một cố tật: có đứa lên ba, lên bốn chỉ biết bò
chứ không biết đứng, có đứa suốt ngày chỉ nghiêng mặt qua bên trái để
hiếng mắt nhìn vào chỗ có nhiều ánh sáng. Đặc biệt trong số mấy đứa này,
có một em bé gái bị câm từ hồi nhỏ mà mãi lên năm tuổi người ta mới
phát giác ra. Bởi vì từ trước không có ai để ý đến việc tạo cho chúng nó
những cơ hội để nói, cười hay đi đứng cả.
Chúng con gặp chị Yến ở ngay cửa ra vào phòng trực. Chị ấy nhìn đám đông lố nhố của chúng con rồi la lên như đã quen thuộc cả bọn từ lâu lắm:
- Trời ơi! Tôi đang cần các cô đây, mời các cô vô cả trong này.
Rồi như chợt nghĩ ra, chị lại nhìn cả bọn một lượt rồi hỏi:
- Các cô đến chơi hay đến giúp chúng tôi đấy?
Con trả lời:
- Chúng em đến giúp chị đây.
Chị Yến gật đầu hài lòng, rồi nói bằng giọng sốt sắng như ra lệnh:
- Nếu vậy thì phải nhanh nhẹn lên. Trời ơi! Cái nhà cô kia bỏ hai cái tay ra khỏi túi áo giùm tôi nào. Con gái con đứa gì mới đổi khí trời một chút mà đã lụ khụ như bà lão. Còn cô kia nữa, cởi bỏ cái áo len trắng ra giùm. Các cô xắn tay lên cho gọn ghẽ coi nào. Lần sau có vô đây thì đừng có đóng bộ như cô dâu mới về nhà chồng như thế kia nữa. Ngứa mắt tôi lắm!...
Cả bọn chúng con líu ríu tuân theo. Những cổ tay trắng nõn nà được xắn tay áo lên cao. Chị Yến phân công một cách rất nhanh chóng, gọn gàng: Ba cô xuống bếp nhóm lửa nấu những thùng nước sôi để luộc chăn mùng, năm cô đi moi móc rác rưởi ở tất cả mọi phòng rồi phun thuốc diệt ruồi, muỗi và rệp, bốn cô phụ giúp các chị trong viện cho trẻ sơ sinh ăn bữa sáng, và mấy cô còn lại phải chia nhau săn sóc cho lũ trẻ ngồi ở băng ghế ngoài hàng hiên hay trông nom những đứa lớn chạy nhẩy ở trong vườn. Rồi chị kết luận:
- Hôm nay tảo thanh hết cho sạch sẽ. Đó là lệnh của bác sĩ. Tuần vừa qua bên Viện Dục Anh có triệu chứng sốt kỳ lạ. Tốt hơn hết cứ cẩn thận là hơn.
Cả bọn chúng con răm rắp tuân theo. Bầu không khí trong Cô Nhi viện bỗng như nhộn hẳn lên. Lần đầu tiên các chị Diễm Hương, chị Thanh Thủy, chị Mỹ Ái, chị Thu Dung... phải bắt tay vào những công việc nặng nhọc, các chị có lẽ lấy làm thú vị. Ở dưới bếp, tiếng nồi soong va chạm vào nhau kêu loảng xoảng. Phía trên lầu, tiếng giường ghế kê dọn thình thịch, ngoài hành lang và dưới sân cỏ, mấy chị tập hợp bọn trẻ lại thành những vòng tròn rồi bầy ra những trò chơi hay tập hát, tiếng hát trong trẻo vang lên trong nắng ấm của một ngày cuối thu.
Chúng con gặp chị Yến ở ngay cửa ra vào phòng trực. Chị ấy nhìn đám đông lố nhố của chúng con rồi la lên như đã quen thuộc cả bọn từ lâu lắm:
- Trời ơi! Tôi đang cần các cô đây, mời các cô vô cả trong này.
Rồi như chợt nghĩ ra, chị lại nhìn cả bọn một lượt rồi hỏi:
- Các cô đến chơi hay đến giúp chúng tôi đấy?
Con trả lời:
- Chúng em đến giúp chị đây.
Chị Yến gật đầu hài lòng, rồi nói bằng giọng sốt sắng như ra lệnh:
- Nếu vậy thì phải nhanh nhẹn lên. Trời ơi! Cái nhà cô kia bỏ hai cái tay ra khỏi túi áo giùm tôi nào. Con gái con đứa gì mới đổi khí trời một chút mà đã lụ khụ như bà lão. Còn cô kia nữa, cởi bỏ cái áo len trắng ra giùm. Các cô xắn tay lên cho gọn ghẽ coi nào. Lần sau có vô đây thì đừng có đóng bộ như cô dâu mới về nhà chồng như thế kia nữa. Ngứa mắt tôi lắm!...
Cả bọn chúng con líu ríu tuân theo. Những cổ tay trắng nõn nà được xắn tay áo lên cao. Chị Yến phân công một cách rất nhanh chóng, gọn gàng: Ba cô xuống bếp nhóm lửa nấu những thùng nước sôi để luộc chăn mùng, năm cô đi moi móc rác rưởi ở tất cả mọi phòng rồi phun thuốc diệt ruồi, muỗi và rệp, bốn cô phụ giúp các chị trong viện cho trẻ sơ sinh ăn bữa sáng, và mấy cô còn lại phải chia nhau săn sóc cho lũ trẻ ngồi ở băng ghế ngoài hàng hiên hay trông nom những đứa lớn chạy nhẩy ở trong vườn. Rồi chị kết luận:
- Hôm nay tảo thanh hết cho sạch sẽ. Đó là lệnh của bác sĩ. Tuần vừa qua bên Viện Dục Anh có triệu chứng sốt kỳ lạ. Tốt hơn hết cứ cẩn thận là hơn.
Cả bọn chúng con răm rắp tuân theo. Bầu không khí trong Cô Nhi viện bỗng như nhộn hẳn lên. Lần đầu tiên các chị Diễm Hương, chị Thanh Thủy, chị Mỹ Ái, chị Thu Dung... phải bắt tay vào những công việc nặng nhọc, các chị có lẽ lấy làm thú vị. Ở dưới bếp, tiếng nồi soong va chạm vào nhau kêu loảng xoảng. Phía trên lầu, tiếng giường ghế kê dọn thình thịch, ngoài hành lang và dưới sân cỏ, mấy chị tập hợp bọn trẻ lại thành những vòng tròn rồi bầy ra những trò chơi hay tập hát, tiếng hát trong trẻo vang lên trong nắng ấm của một ngày cuối thu.
Những đứa nhỏ chưa biết hát thì được các chị ấy lần lượt cho dò từng bước trên những chiếc xe tập đi. Đối với toàn thể các chị thì đây là một trò giải trí mới lạ và thích thú. Trên những khuôn mặt thông minh và khả ái, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên như rạng rỡ thêm lên. Thời gian trôi qua một cách nhanh chóng và cho tới hơn mười giờ con mới chợt nhận ra là vắng bóng Thu Cúc từ buổi sáng sớm. Con hốt hoảng đi tìm chị ấy ở trên lầu, ở dưới bếp và ngoài sân cỏ. Nhưng không biết chị ấy tham gia vào nhóm làm việc nào. Mãi tới khi con xuống dẫy nhà ngang của ông lão làm vườn, mới thấy Thu Cúc đang ngồi bên mé phản hí hoáy viết giùm một lá thư cho bà cụ già. Bà cụ ngồi bên một chiếc ghế gỗ thấp ngay bên cạnh Thu Cúc. Mái tóc ngả mầu muối tiêu, thân hình gầy còm, nước da nhăn nhúm. Trên gò má hốc hác, hai hàng nước mắt chẩy lăn tăn xuống từ đôi mắt đỏ hoe. Trong khi ấy, ông lão đã say khướt và nằm nằm nói năng lảm nhảm trên phản gỗ.
Lúc con bước vào Thu Cúc ngước lên nhìn rồi nói:
- Trời ơi! Nhà văn sĩ chẳng đến giúp giùm. Có mỗi một lá thư mà đây loay hoay mãi không xong.
- Thư viết cho ai đấy?
- Cho con trai bà cụ đang đi lính ở cao nguyên.
Con liền cúi xuống đọc những dòng chữ viết theo kiểu bay bướm cố hữu của Thu Cúc:
Xê con,
Mẹ đã nhận được thư của con viết hồi tháng trước. Có cả cái mandat con gửi tiền về mua áo tặng mẹ. Về phần mẹ thì mẹ chẳng cần may sắm cái gì. Mẹ để dành tiền ấy chừng nào trăm tuổi thì xin một miếng đất dưới chùa mà chôn cất. Còn vợ của con thì từ ngày nó bỏ đi buôn, nó cũng chưa ghé về nhà lần nào. Nghe đâu nó lặn lội ra tận miền Trung làm ăn buôn bán gì đó. Không biết tại sao nó cũng chẳng thư từ gì cho con cả. Mẹ lấy làm lạ. Để rồi mẹ đi dò hỏi lũ bạn bè của nó rồi sẽ tin cho con hay sau. Độ này mẹ cũng bình an như thường. Cha con thì mỗi ngày một tệ. Uống rượu suốt ngày, chẳng nhờ cậy được cái gì cả. Con rán giữ gìn, đừng liều mạng vô ích mà uổng thân. Đến tết này cố xin lấy cái giấy phép mà về thăm mẹ. Mẹ cầu trời cho mau chóng thanh bình, gia đình đoàn tụ như xưa...
- Văn viết như thế là gọn ghẽ lắm rồi còn gì nữa...
Bà cụ nói:
- Nhờ các cô đọc lại cho tôi nghe một lần.
Thu Cúc cầm cái thư lên đọc lại. Tới đoạn nói về người con dâu, ông lão cất giọng lè nhè, vừa văng tục, vừa nói:
- Còn dò hỏi cái con chó gì nữa! Nhờ cô viết giùm cho nó hay là con vợ nó bỏ đi lấy chồng khác rồi.
Bà cụ la lên:
- Ô hay! Cái ông này kỳ cục không. Ông biết nó lấy chồng khác bao giờ mà xía vô?
- Sao không biết. Một đời thằng này kinh nghiệm tới hai thứ tóc mà sao không biết. Đàn bà con gái bây giờ mà, đợi đó rồi nó chờ chồng...
- Thôi im đi! Nhậu cho đã rồi nói càn!
- Chèn ơi! Tôi mà nói càn với bà tôi xin đi bằng đầu. Thiệt tình đó!... Các cô cứ viết thế giùm tôi...
Bà cụ thở dài rồi đưa mắt ra hiệu cho Thu Cúc. Cúc trao lá thư cho bà rồi đứng dậy. Hai đứa chúng con rủ nhau ra ngoài. Tới sân cỏ, Cúc nói:
- Số mình xui quá. Đi đâu cũng gặp cái cảnh gia đình khốn khổ. Có điều mỗi gia đình lại có một cách khốn khổ khác nhau...
- Đừng nghĩ tầm bậy, nó ảnh hưởng vào đầu óc rồi làm cho méo mó hết.
Cúc cười rúc rích:
- Ấy, tao thì tao lại ghét cái gì bình thường. Ở đời này, chân chỉ lắm thì chỉ có thiệt thôi cưng!
- Mày nói như một bà cụ già triết lý từng trải.
- Thiệt đó! Rồi mày coi! Tao thề sẽ không bao giờ thèm sống một đời bình thường. Một là tao sẽ chôn vùi xuống tận bùn đen, hai là tao sẽ chói lọi như một vì sao sáng, nhất định chỉ có thế mà thôi.
Vừa nói mặt Thu Cúc vừa đanh lại. Con vụt thấy ý nghĩ của Cúc đã bỏ đi rất xa tầm tuổi tác của nó. Và do đó, con thấy những lời nói của Cúc chẳng phải là những lời nói suông trong một lúc bốc đồng. Từ trước đến nay, Cúc vẫn sống trung thành với những ý nghĩ của nó. Nghĩa là Cúc chỉ làm những gì mà nó thích. Chính vì thế mà trong Livret tháng vừa rồi, ma soeur Juliette đã phải hạ bút phê một chữ ngắn ngủi: Incorrigible! Phải chi những chị khác đã ôm mặt khóc sướt mướt, nhưng trái lại, Thu Cúc đã mỉm cười và thản nhiên nói:
- Observation parfaite!
*
Chúng con ở lại Viện Cô Nhi cho tới hơn mười hai giờ. Khi chia tay, chị Yến hỏi tất cả mọi người:
- Các cô đã thấy chán cái trò giải trí này chưa?
Chị Diễm Hương mỉm cười:
- Có lẽ chúng em mê chị nên tuần sau sẽ trở lại nữa.
Chị Yến la lên:
- Trời ơi! Tôi mà các cô mê ở điểm nào kia chớ. Thiếu điều tôi xách cái roi rượt các cô làm biếng, vừa làm vừa nô như giặc!
- Chị càng la chúng em càng thích. Em khoái cái kiểu chỉ huy nóng như Trương Phi của chị.
- Thiệt không?
- Dạ thiệt!
- Vậy thì tuần sau cứ tới đây đi. Được sai các tiểu thư làm tôi cũng khoái nữa. Các cô có biết may vá gì không?
- Dạ biết sơ sơ!
- Biết là biết chứ không thể nói là biết sơ sơ. Nữ sinh của trường bà phước thì phải nói là giỏi. Tôi có cả trăm bộ đồ, cái thì tuột chỉ, cái thì đứt cúc, bây giờ tôi khoán cho các cô đó, được không?
Cả bọn đồng thanh:
- Thế thì dễ, chúng em làm được.
-Vậy thì tuần sau nhé. Nhớ mang theo cả kim chỉ chớ trong này tôi chẳng có cái gì hết ráo.
Cả bọn chúng con từ giã chị ra về. Trên đường đi, chị Thu Dung phát biểu cảm tưởng trước:
- Bài luận quốc văn của em kỳ này sẽ mở đầu bằng câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, hôm nay tôi đã được quan sát tại chỗ thêm rất nhiều điều ngoài những cái Phabitude mà tôi...
Chị Diễm Hương ngắt lời:
- Nếu vậy thì trước hết chị phải viết như thế này: Lundi, le hai mươi bốn octobre... Luận Vietnamienne...
Mặt Thu Dubg đỏ bừng lên. Chị ta cãi:
- Thì đấy là người ta mới đọc bronillon cho mà nghe. Đến khi viết ra bài sẽ phải kiếm những mots équivalents mà thế chứ.
- Cũng chả cần Thu Dung ạ. Ma soeur nhà mình đâu có dốt.
- Thôi em chả chơi với chị nữa. Chị chọc em hoài...
Diễm Hương quay mũi dùi châm chọc về phía người khác:
- Còn chị Mỹ Ái, chị nghĩ thế nào về chuyến du hí hôm nay?
Mỹ Ái cãi:
- Em thì em không cho là du hí. Em coi là bổn phận.
- Ái chà! Tinh thần cao!
- Chứ sao! Ít ra thì chị cũng phải đồng ý với em như thế chớ.
- Đồng ý! Đồng ý hoàn toàn! Phát biểu ý kiến nốt đi.
- Hôm nay về em sẽ nói với papa annuler cái lễ mừng sinh nhật của em đi. Em sẽ đem số tiền đó đi mua thêm mấy cái xe tập đi cho lũ nhỏ. Chị có thấy rằng mấy cái xe của tụi nó thảm hại quá rồi không? Cái thì gẫy trục, cái thì mất bánh, hay mục rách cả vải làm chỗ ngồi. Mà theo lời chị Hạnh thì nếu không tập cho chúng nó đi luôn luôn chúng nó sẽ bị tê liệt phải không?
- Phải rồi! Bây giờ đã có đứa được thả xuống đất là chân nó co rúm lại, không chịu đứng (con đáp lời chị Mỹ Ái như thế).
Chị Mỹ Ái bùi ngùi:
- Trước những hoàn cảnh như thế, mình ăn tiêu du hí cái gì cũng là phí phạm cả, phải không các chị.
Tất cả mọi người đều im lặng không ai trả lời. Đó là sự im lặng mang ý nghĩa của sự biểu đồng tình. Mãi một lát sau Diễm Hương mới lại cất tiếng nói:
- Ê! Còn bồ Thu Cúc. Hôm nay bồ làm được những cái gì và ý kiến của bồ ra làm sao?
Thu Cúc nháy một bên mắt rồi mỉm cười trả lời:
- Bí mật quân sự! Để hôm trả bài rồi các bồ sẽ biết. Nói trước để cá bồ cọp giê ý kiến của người ta ấy à!...
9
Ngày 10 tháng 11
Thưa mẹ bề trên,
Nếu ngày chủ nhật vừa qua đem lại cho con niềm phấn khởi trong công tác từ thiện ở Viện Cô Nhi bao nhiêu, thì chính ngày hôm đó cũng là ngày gây ra những nguyên nhân khiến cho con hối hận, ray rứt bấy nhiêu.
Nạn nhân là Thu Cúc, người bạn bướng bỉnh, gan góc và cũng là thân thiết và thành thực nhất của con.
Trưa hôm chủ nhật, sau khi cả bọn chúng con chia tay nhau ra về thì Thu Cúc chùn ở lại và nói với con:
- Tao mời mày đi ăn cơm rồi đi chơi với tao nốt buổi chiều chủ nhật hôm nay.
Con nhìn Cúc ngần ngại và đang định kiếm lời từ chối thì Cúc đã nói:
- Tao đang buồn. Rất buồn. Nếu phải về nhà giờ này để trông thấy ông cụ, bà cụ và đám khách bài bạc của họ thì tao đến chết mất. Đi ăn cơm rồi đi ciné. Ít ra cũng phải có một buổi chiều dành cho chính mình.
- Nếu vậy để tao vào xin phép ma soeur Félicité trước đã.
Ma soeur đi vắng. Con dặn dò lại chị Hai làm công trong trường rồi đi ra với Cúc. Hai đứa chúng con đi lang thang gần khắp thành phố mới kiếm được một chỗ ngồi ăn vắng vẻ và kín đáo. Bữa cơm thanh đạm nhưng thích thú vô cùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày má con mất, con ăn một bữa cơm ở quán ăn ngoài phố. Chúng con vừa dùng bữa vừa thủ thỉ tâm sự với nhau về đủ mọi thứ chuyện trong đời sống. Như con đã trình bầy cho mẹ biết, mẹ của Cúc chỉ là dì ghẻ của nó, và con với nó cùng một cảnh ngộ mồ côi. Điều đó khiến con thấy thương Cúc hơn và thấu hiểu một phần nào những tư tưởng oán ghét gia đình của Cúc. Niềm mơ ước của Cúc là mong cho chóng đến tuổi trưởng thành để có thể thoát ly gia đình và tự lập. Từ đây đến đó, Cúc chỉ để hết tâm trí vào việc trau giồi khả năng về âm nhạc để cho ước mơ đi vào thế giới âm thanh của mình được thực hiện. Cúc có một ông anh họ xa làm nhạc sĩ. Hồi hè năm ngoái ngày nào Cúc cũng đến nhà anh ta trau giồi lý thuyết về ký âm pháp. Ông ta cũng luyện tập cho Cúc về nghệ thuật xướng âm. Cúc tiến bộ rất mau chóng, nhưng chỉ tiếc lớp học không kéo dài được quá hai tháng. Vào buổi học hôm đó, trời đổ cơn mưa tầm tã. Thành phố như thu nhỏ lại trong những làn mưa trắng xóa. Tiếng đàn và giọng hát bị giam lỏng trong căn phòng chật hẹp và ấm cúng mà chính ở đó, trong giây phút sự êm đềm của ca nhạc xen lẫn với cơn phẫn nộ tầm tã của bầu trời, Cúc đã bị người anh họ xa ôm ghì vào lòng để đặt lên môi nó cái hôn đầu tiên trong cuộc đời. Cúc không nhớ được những gì xẩy ra sau đó, nhưng hình như Cúc đã trải qua một cơn phẫn nộ còn dữ dội hơn cả trời đất và nó đã tung cửa chạy ra bất chấp đường phố lụt lội và cơn mưa tầm tã. Thế là Cúc đã mất đi một chỗ học tập cần thiết cho việc xây dựng ước mơ của mình. Từ ngày đó, Cúc không học thêm một cours ký âm pháp nào. Những ngày cuối cùng của mùa hè còn lại, Cúc chịu khó ngồi tập đặt lời ca cho nhũng bản nhạc classique mà Cúc ưa thích. Nhưng những bản này Cúc không giữ lại được, trong một cơn giận dữ của ba Cúc, ông đã đập nát cây đàn guitare cũ kỹ và thủ tiêu tất cả những bản nhạc mà ông tìm thấy trong bàn học. Sau những biến cố xẩy ra, Cúc coi như mình đã trải qua một mùa hè buồn thảm. Và khi cắp sách trở lại nhà trường vào mùa thu bắt đầu chớm lạnh, Thu Cúc đã ghi lại những cảm nghĩ của mình vào một đoạn nhạc ngắn:
Mùa thu trở về bầu trời trĩu nặng kỷ niệm buồn thê lương.
Mùa thu trở về, lòng người man mác nhìn cánh chim trời tha hương.
Cuộc đời tha hương nào ai có trông chờ.
Bầu trời, lòng người mãi mãi tê tái hững hờ.
Thu Cúc hát lại bản nhạc này khi hai đứa sau bữa cơm trưa dừng chân trên một thảm cỏ xanh trông ra một con đường đất đỏ ngập bùn vì trận mưa mấy ngày trước. Từng lốt bánh xe nặng nề in dấu nhằng nhịt trên nền đất. Con đường dẫn qua một vùng đồng ruộng có mạ lúa xanh rì. Thấp thoáng ở đằng xa, một vài túp lá ngả màu rêu xám đang nhả từng đợt khói xanh lơ trên nền trời êm ả. Thật khó mà tưởng tượng được rằng quê hương xinh đẹp và hiền hòa như vậy mà lại đang chìm đắm trong khói lửa. Hồi buổi sáng chị Yến trong Viện cô nhi đã bàn tán với ông y tá về việc bà giám đốc tính sửa sang dẫy nhà sau để lấy thêm chỗ thâu nhận trẻ mồ côi. Ba đứa hài nhi do Viện nhận vào hồi đầu tuần trước là sản phẩm của sự kết hợp giữa hai dòng máu da vàng và da đen. Hai đứa do mẹ chúng đem gửi vào Viện, một đứa do người ta nhặt được trong bãi rác, khi đem nó vào viện, nó chỉ còn thoi thóp và do đó nó chỉ sống được có hai ngày. Sẽ còn nhiều và thật nhiều, ông y tá Bình nói thế, và ông còn cho biết rằng đó là chưa kể đến những trẻ mồ côi vì cha mẹ thân nhân của chúng đã chết đi trong chiến tranh. Loại trẻ mồ côi này phần lớn được nuôi dưỡng trong những trại riêng biệt mới thành lập. Một số trốn ra ngoài sống lang thang chui rúc như những con chuột trong thành phố. Cuộc sống của những trẻ thơ là sản phẩm của chiến tranh này sẽ còn cần nhiều đến những bàn tay nhân ái của toàn thể mọi người. Con rất vui mừng và sung sướng khi lôi cuốn được sự tham dự của một số chị em cùng lớp vào công tác sã hội ở Viện Cô Nhi lúc buổi sáng. Nhưng sự thích thú của con đã bị Cúc làm cho cụt hứng. Cúc nói:
- Đừng có tin tưởng vào tụi chúng nó. Chúng nó không thể yêu thương được người nếu chúng nó chưa cực khổ. Cái sốt sắng, nhanh nhẩu lúc buổi đầu chỉ là sự sốt sắng, nhanh nhẩu vì được tham dự vào một trò giải trí mới lạ. Một lũ a dua! thế thôi!
Con cãi lại:
- Mày quá nghi ngờ mọi người. Không ai có thể cầm lòng được trước những cái đau khổ, thiếu thốn của lũ trẻ mồ côi cả.
Cúc giơ tay lên vuốt vào má của con rồi mỉm cười:
- Tội nghiệp cô bé ngây thơ, dễ tin người. Nhưng hãy coi chừng kẻo có ngày bị thất vọng sâu xa!
Lạy Chúa! Xin Chúa hãy chẳng để sự cám dỗ hay đe dọa nào có thể làm lung lạc mọi đức tin nơi các con Chúa. Xin Chúa biết giữ lòng thánh thiện, để mọi vết nhơ sẽ được xóa bỏ, mọi tội lỗi sẽ được dung tha, mọi đau khổ sẽ được xoa dịu và nhân loại sẽ tạo dựng được địa vị trong sáng lúc ban đầu.
Hai đứa chúng con tha thẩn đi chơi ở vùng ngoại ô thành phố mãi đến sáu giờ chiều mới chia tay, con trở về lưu xá. Còn Thu Cúc, theo lời Cúc kể lại vào ngày hôm sau, thì Cúc chưa chịu trở về nhà ngay. Nó ngán ngẩm khi nghĩ đến phải trở về cái không khí nặng nề của gia đình. Cúc lại đi lang thang trên khắp vỉa hè thành phố, dán mũi vào những tủ kính rực rỡ bầy biện đủ thứ đồ dụng cụ xa xỉ. Và cuối cùng, Cúc vào ngồi nghe nhạc ở một phòng trà gần bờ sông. Quán thật là vắng vẻ. Khi mới bước vào, Cúc chỉ nhìn thấy một thanh niên đang ngồi trầm ngâm trước một ly cà phê và gói thuốc lá. Theo lời Cúc tả thì chàng ta có vẻ mang nhiều nghệ sĩ tính. Mái tóc bồng bềnh biếng chải, khuôn mặt như bị nuốt mất bởi cặp kính lấp lánh sáng ngời. Bộ quần áo cũ kỹ mang nhiều dấu vết nhầu nát phù hợp với đôi giầy tây mòn vẹt có đôi vớ gần tụt hết vào tận bên trong. Tuy vậy, Cúc lại thấy chàng ta có nụ cười một mình vừa ngạo nghễ, vừa hồn nhiên trông đầy vẻ tự tin. Nói chung bề ngoài của anh ta thật đã chinh phục cảm tình của Cúc hoàn toàn. Khi đĩa nhạc trên giàn phono vừa chấm dứt, Cúc nói với người bồi bàn để yêu cầu cho chạy một đĩa classique. Bản Tristesse của Chopin. Anh chàng vụt nhìn sang phía Cúc biểu lộ một vẻ mặt đồng tình. Cúc nheo mắt đáp lại sự đồng tình đó. Khi bản nhạc chấm dứt, anh chàng kéo ghế đứng dậy, tiến về phía bàn của Cúc và nói bằng giọng dịu dàng:
- Tôi đang có tâm sự buồn. Chắc cô cũng thế. Nếu có thể được, cô cho phép tôi được hầu chuyện trong giây lát.
Cúc mỉm cười bằng lòng. Anh chàng giới thiệu tên mình là Sơn. Sơn mới tốt nghiệp Viện Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, ngành Đạo diễn Thoại kịch. Nhưng ngành Thoại kịch ở nước nhà chưa phát triển mạnh mẽ nên chàng thất nghiệp và xin được một chân vẽ phong cảnh cho một gánh hát. Thì ra ngoài nghề đạo diễn, chàng còn là một họa sĩ tài hoa. Sơn thổ lộ tâm sự rằng chẳng có ai dại dột và điên khùng như chàng cả. Lao tâm khổ trí, chật vật trong ba năm liền để chỉ thu lượm được một mảnh bằng vô dụng, không thể nuôi sống nổi được chính mình. Nhưng Cúc an ủi chàng:
- Đó là bản chất của nghệ sĩ. Chỉ có nghệ sĩ mới chỉ làm những điều gì theo ý thích của mình.
- Nhưng làm nghệ sĩ ở xứ ta thật là thiệt thòi...
Cúc mỉm cười:
- Ồ! Nếu còn biết tính toán thiệt hơn thì đâu còn là nghệ sĩ nữa...
Hai người thân thiết nhau ngay. Họ đã trải qua một buổi tối êm đềm dưới bầu trời có những vì sao lạnh lẽo và sáng long lanh như những hạt ngọc. Dấu chân của họ đã in trên những con đường hun hút chạy dài dưới những lùm cây. Thời gian trôi qua như gió thoảng, và không gian huyền ảo như một giấc mơ. Một giấc mơ êm đềm và tha thiết đến độ làm Thu Cúc ngơ ngẩn suốt cả một buổi sáng ngày thứ hai trong giờ học và mặc dầu Cúc đã bị trải qua một trận đòn mê tơi ngay sau khi từ giã Sơn, trở về nhà lúc gần khuya hôm trước. Sau giờ tan học, Cúc kéo con vào phòng rửa mặt và lật ngược tà áo cho con nhìn. Con giật mình hốt hoảng. Trên làn da mịn màng và mềm mại của Cúc, những lằn roi hiện ra tím bầm chi chít những mạch lươn. Rồi Cúc thản nhiên chép miệng:
- Đó là kết quả của sự đánh đổi lấy một ngày tự do đầy hứng thú. Nhưng nếu cần tao sẽ đi nữa... đi nữa... đi hoài! Roi vọt chỉ đẩy tao xa gia đình thêm nữa mà thôi.
Chừng đó con chỉ biết ôm chầm lấy Thu Cúc mà khóc nức nở. Con hối hận vô cùng vì đã gián tiếp làm cho Cúc đau đớn như vậy. Nếu có một phép lạ nào khiến cho con chịu sự đau đớn thay cho sự đau đớn của Cúc thì con sẽ quỳ xuống xin ơn trên ban cho con phép lạ ấy. Đối với con, sự đau đớn bằng thể xác không khổ sở bằng sự ray rứt và hối hận trong tâm hồn. Nhìn vẻ mặt chua xót, vừa băn khoăn ray rứt của con, Thu Cúc an ủi:
- Đừng băn khoăn thắc mắc gì cả. Tao có thấy đau đớn gì đâu. Đó là những vết thương êm đềm...
Nói rồi Cúc cười hồn nhiên. Nụ cười như xuất phát từ một tâm hồn đang chắp cánh bay lên thật cao.
Suốt ngày hôm đó, Thu Cúc như chìm đắm trong một giấc mơ. Có khi Cúc thẫn thờ nhìn qua khung kính ngắm không chớp mắt những cành cây lả ngọn đu đưa trong nắng ấm. Một đôi khi Cúc chợt mỉm cười một mình. Bị người khác bắt gặp, Cúc tỏ ra bối rối, đôi má đỏ au nóng bừng. Vào buổi tối, sau giờ học bài, chúng con dẫn nhau ra thềm đá của tòa nhà sau, ngồi nhìn xuống sân cỏ. Không gian êm ả lạ lùng. Bầu trời xanh đen, thưa thớt mấy vì sao ướt. Ngoài bồn cỏ, tiếng nước róc rách chẩy trong bể phun nước tạo thành những âm thanh thánh thót. Cúc ngồi dựa lưng vào thành tường. Mái tóc đen dài, xõa xuống che khuất nửa khuôn mặt. Dưới ánh sáng mờ ảo của từng ngọn đèn treo lơ lửng trên những cột cao, đôi mắt của Cúc trở nên long lanh và đượm vẻ buồn man mác. Cúc ngồi suy nghĩ bâng khuâng như vậy rất lâu rồi bỗng Cúc cất tiếng hát, giọng hát trầm đủ để hai đứa nghe thấy. Âm thanh của bản nhạc Tristesse buồn da diết như thấm sâu vào tâm hồn mỗi người. Cả một kỷ niệm thời ấu thơ hiện ra trong ý nghĩ của con. Con nhớ đến ngày xưa, khi mẹ con chưa lìa đời, chủ nhật nào bà cũng đón con ra khỏi lưu xá. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau ở ngoài cổng sắt. Bà ghì chặt lấy con trong vòng tay mềm mại của bà. Rồi vành môi êm ái của bà hôn lên mắt, lên cổ con. Sau đó, hai mẹ con đưa nhau đi chơi suốt ngày chủ nhật, có khi ngồi xem lá bàng lả tả rụng trên ghế đá ở vườn hoa, có khi ngồi nhìn từng đám mây vẩn đục nặng trĩu của bầu trời mùa thu xám ở ven hồ, hoặc ngắm những cánh buồm nâu trôi trên mặt nước đỏ ngầu, gợn sóng ngoài bờ sông. Rồi mẹ con hát cho con nghe những bài hát nhẹ nhàng. Giọng của bà trầm, buồn phảng phất một nỗi niềm u ẩn không nguôi. Trái lại, con lại hát cho bà nghe những bản nhạc vui tươi do các soeur đã dậy. Bản La vie en rose, bản Au clair de la lune, bài Chantons, mes Rossignoles v.v... Rồi đến tối khi trở về nhà, sau bữa cơm tối, hai mẹ con thủ thỉ nằm trò chuyện trong chăn ấm. Nếu vào mùa hạ, có trăng lên, thì bà sẽ ngồi vào cây đàn dương cầm để dạo những nốt nhạc thật thánh thót. Bản nhạc lúc đầu bao giờ cũng tươi vui nhưng rồi bà chuyển sang những bài buồn thảm từ lúc nào, để trên đôi mắt u sầu của bà cuối cùng bao giờ cũng ngấn hai giọt lệ long lanh. Những hình ảnh ấy tuy đã qua đi lâu rồi bỗng nhiên vùng sống trở lại trong lòng con một cách mãnh liệt. Con thấy như mới chỉ xẩy ra ngày hôm qua, mới vụt đến ngày hôm nay, và cặp mắt của bà, giọt lệ ngấn long lanh trong riềm mi dài cong vút của bà như còn thấp thoáng ở đâu đây, trong lùm cây, trên bóng đèn sáng, trước bồn hoa im lìm êm ả. Cho đến khi tiếng hát của Thu Cúc chấm dứt thì khuôn mặt của con cũng đầm đìa nước mắt.
_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 10, 11, 12