Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

CHƯƠNG 1, 2, 3_TAY NGỌC


1


Ngày 12 tháng 9...

Thưa mẹ,

Hôm trước, vào giờ học cuối của tuần lễ, ma soeur Juliette có báo tin cho chúng con biết là ngày hôm nay, ngày 12 tháng 9 là ngày kỷ niệm thánh Antoinette: vị thánh hằng kính, hằng trọng mà mẹ bề trên đã mang làm danh vị của mẹ, ma soeur có nói với chúng con rằng: "Vào ngày ấy, các con hãy đến chúc mừng mẹ bề trên với một lễ vật. Có thể là một món quà, có thể là một tấm thiếp, có thể là một việc làm ý nghĩa vị tha mà vì nghĩ đến ngày kỷ niệm của mẹ bề trên các con sẽ thi hành đối với kẻ khác".

Qua ngày nghỉ chủ nhật được ra khỏi trường nội trú, sáng thứ hai các bạn cùng lớp của con đã mang đến trường một bầu không khí xôn xao. Nhiều người mang theo những món quà lạ. Dung gói một đôi giầy mới trong một tờ giấy bóng đỏ. Hằng khoe một hộp kẹo lớn in cả một bức tranh tuyệt đẹp ở ngoài nắp sắt. Nguyệt mang đến trường một nửa tá khăn tay có hàng chữ thêu rất đẹp mắt "Antoinette, Sainte de la Charité" và còn biết bao nhiêu đồ lạ lùng, tốt đẹp khác nữa mà con đoán chắc ngày hôm nay mẹ bề trên sẽ đặt lên tấm khăn giải bàn trắng tinh khiết ở trong phòng mẹ. Mẹ sẽ ngắm nghía những gói nhỏ gọn gàng tượng trưng cho những tâm hồn nhỏ nhoi, xinh xắn dưới quyền điều khiển sáng suốt của mẹ. Và con đoán chắc lòng mẹ sẽ hân hoan khi nghĩ đến bầy con nhỏ của mẹ vẫn hằng ngoan ngoãn, dịu hiền, noi gương sáng cần cù của mẹ để mà học hành tiến bộ.

Thưa mẹ bề trên, giữa đám quà tượng trưng cho lòng tôn kính của bọn chúng con ấy, đã có thư này của con. Tên con là Hồ thị Hạnh, 16 tuổi, học cours troisième trường lưu trú Thánh Mẫu, dưới sự điều khiển của Soeur Juliette. Con mồ côi cả cha mẹ. Họ hàng thân thiết của con chỉ còn một người bác độc nhất, bạn thân thiết của mẹ con mà sinh thời mẹ con coi như chị ruột. Vì một hoàn cảnh đặc biệt, con không thể ở chung cùng bác Tuyết của con. Nhưng con đã được ma soeur Félicité nhận lảm mẹ đỡ đầu nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ. Hàng tuần, con ít đi ra ngoài phố. Các bạn hữu của con đã được gia đình đón ra ngoài. Giữa một sân trường rộng rãi, mênh mông, sự yên tĩnh đến độ có thể nghe thấy tiếng chim truyền trên cành, tiếng lá xào xạc trong lùm cây, con đã ngồi tha thẩn hàng giờ trên nệm cỏ xanh mượt, tỉ mẩn đếm từng khóm hoa dại ven bờ rào, nói chuyện bâng quơ với những hòn sỏi trắng hay hát những bài mà ma soeur đã dạy để cho linh hồn má con nghe thấy ở trên trời.

Thưa mẹ bề trên, chính ở chỗ đó, con đã suy nghĩ đến phần đóng góp của con trong dịp lễ kỷ niệm thánh Antoinette, vị thánh hằng kính, hằng trọng mà mẹ bề trên đã mang tên. Nhưng thưa mẹ bề trên, thật là con đã tỏ ra vô cùng dốt nát và hèn kém khi đã không thể nào nghĩ ra sáng kiến gì để thay thế cho các đồ mừng phải mua bằng tiền bạc. Phải chi má con còn sống, con sẽ sung sướng biết bao khi được bà dẫn con đi dạo phố xá buổi sáng ngày chủ nhật. Con sẽ tha hồ yêu cầu bà mua cho con thứ này, thứ khác theo ý muốn.

Thưa mẹ bề trên, đến chiều hôm ấy, một sự tình cờ con được theo chị Tám, người giúp việc nấu ăn trong trường, đi sang bên Viện Cô Nhi của một cơ quan từ thiện. Hôm đó chị Tám phải chuyển phần chuối còn thừa lại của học sinh trong trường cho chị làm bếp ở bên Viện. Thưa mẹ, vì có cơ hội đó mà lần đầu tiên con được tiếp xúc với lũ trẻ nhỏ mồ côi mà đời sống của chúng còn khổ sở hơn con gấp trăm, nghìn lần. Nếu mẹ bề trên không quản mất thì giờ quí báu của mẹ, thì con xin kể lại những điều con đã nghe, thấy. Thưa mẹ, khu trẻ nhỏ ở Viện này chiếm hết tầng lầu thứ hai ở dẫy giữa. Khi con lên hết những bậc thang bằng đá trắng, thì con đã nom thấy một dẫy ghế thật dài kê sát ngay cạnh những tấm cửa sổ. Ở trên ghế là những em bé chừng lên ba, lên bốn tuổi. Tất cả có độ chừng hai chục đứa. Thưa mẹ, con nom chúng nó thật là tội nghiệp, bộ mặt ngơ ngác, cặp mắt buồn thảm, trên môi không có nụ cười. Hai mươi khuôn mặt là hai mươi vẻ hững hờ, tẻ lạnh. Trên băng ghế gỗ, mỗi đứa ngồi theo một điệu riêng. Một thằng bé lên bốn chỉ chơi có mỗi một trò là lắc lư cái đầu từ bên trái qua bên phải, thằng bé lên năm lại gật gù như người đang ngủ gật mặc dầu mắt nó mở to hờ hững nhìn mọi người qua lại. Lại có một em bé chốc lở chỉ biết nhìn nghiêng mà không biết nhìn thẳng. Những điều này theo lời giảng của chị trông nom thì là vì thiếu người săn sóc, hỏi han, thiếu người bầy trò cho chúng nó để chúng khỏi làm lấy có mỗi một điệu, cho nên ngày này qua tháng khác điệu bộ của chúng nó tự nhiên trở thành một thói quen độc nhất: đứa lắc đầu thì cứ lắc mãi, đứa khom lưng thì cứ khom mãi. Đó là tật kinh niên khó mà có thể chữa khỏi. Thưa mẹ, đến khi con bế một em bé thì con khám phá ra một điều. Đó là chúng không sử dụng được hai chân vì không có ai tập cho chúng nó biết đứng cả.

Nhưng sự thực khiếp hãi hơn cả là số phận của hai em gái và một trai vào quãng tuổi lên năm lên sáu. Thưa mẹ, cả ba đứa đều mắc bệnh câm. Có đứa câm từ khi người ta mới cho vào Viện. Bởi vì khi còn ở nhà nó ốm đau, quấy khóc đã bị bố mẹ nó đánh đập quá nhiều đến câm hẳn. Cũng có đứa vào đây chẳng ai dạy nói, để cho đến bây giờ nó vẫn ngồi ngơ ngác nhìn người qua lại với cặp mắt buồn thiu, không có một chút nào sinh khí hoạt động.

Thưa mẹ, đó là một vài hoàn cảnh khổ sở mà tình cờ con đã được chứng kiến trong ngày chủ nhật vừa qua. Bây giờ con mới nhận ra rằng dù con khổ sở thế nào cũng chẳng có nghĩa lý gì với các em đó cả. Cho nên nhớ đến lời ma soeur Juliette đã nói: "Có thể các con làm một việc có ý nghĩa vị tha vì nghĩ đến ngày kỷ niệm của mẹ bề trên mà thi hành đối với kẻ khác", con cảm thấy như mình đã tìm thấy lời giải đáp cho sự thắc mắc cứ lẩn quẩn mãi trong ý nghĩ của con.

Cũng vì sự ấy con đã viết lá thư này để thay cho món quà trong lễ trọng của mẹ.

Thưa mẹ bề trên,

Nhân danh ngày ấy, nhân danh lòng vị tha bác ái cao cả của mẹ, con xin hăng hái nhận một đứa bé khốn khổ nhất làm em đỡ đầu. Và con xin hứa với mẹ bề trên con sẽ đem hết khả năng sẵn có của con để mang lại cho em đó một vài tia sáng sung sướng hy vọng cũng như ý Chúa đã mong muốn cho tất cả mọi người đều được thụ hưởng.

HẠNH     


2


Ngày 20 tháng 9...

Thưa mẹ bề trên,

Con đã đem lời hứa với mẹ trong lá thư trước của con ra trình bày với ma soeur Félicité. Bà đã hoan hỉ và khuyến khích con trong việc làm khó khăn ấy. Như thế là mỗi buổi sáng chủ nhật, con đã có việc phải làm. Con không phải đi bách bộ một mình trong sân sỏi, không phải tấm tức khóc một mình giữa sự yên tĩnh kéo dài như bất tận của sân trường rộng bao la và vắng vẻ. Buổi sáng hôm nay, con đã dậy sớm, sửa soạn quần áo và một ít đồ chơi. Đó là những con thú bằng giấy màu mà con đã gấp theo mẫu trong cuốn "Jeux et divertissement chez soi" có trong thư viện. Con hy vọng sẽ làm quen với lũ trẻ bằng món quà ra mắt ấy. Con cũng muốn kể với mẹ thêm một điều là hai hôm trước đây con đem ý định của con ra trình bày với mấy cô bạn cùng lớp. Nhưng họ đều bận bịu với gia đình cả. Ái Mỹ bao giờ cũng mong tới ngày chủ nhật để đi picnic với ba má. Nguyệt Hồng thì có bà nội đón về trại cây cối ở ngoại ô. Diễm Hương lại thích ở nhà thu nhạc vào bande hơn. Chỉ còn có một mình Cúc thì chủ nhật nào được ra lại phải chia bài cho ba má suốt ngày. Cúc ghét không khí buồn tẻ ở gia đình lắm. Cúc muốn thoát ly ra ngoài để đi đâu cũng được nhưng ba Cúc rất dữ. Trong đám bè bạn, Cúc là kẻ không tìm thấy sự yên ổn trong lòng đâu, thưa mẹ. Con nhận thấy Cúc ghét bỏ những bạn bè có hoàn cảnh gia đình ấm áp. Cúc chỉ hay gần gũi với con. Bởi vì, dầu sao tương đối giữa hàng mấy trăm con người ở chốn này, con là kẻ lủi thủi nhất. Ở trong ý nghĩ của Cúc, Cúc không có một điều gì tươi mát để cho nó cảm thấy hãnh diện. Đối với Cúc tất cả những việc trước mắt đều chứa chất sự bất công, cho nên sự suy luận của Cúc khác hẳn sự suy luận của tất cả mọi người. Như hôm vừa qua, khi nghe con trình bầy về việc sang Viện Cô Nhi săn sóc các em nhỏ, Cúc rất dè bỉu. Nó đã bình phẩm một câu nghe thật rụng rời: "Chúng nó còn sướng hơn tao. Bởi vì chúng nó không có cả cha lẫn mẹ". Xin mẹ rộng lượng hãy cầu nguyện cho nó hơn là ghét bỏ. Nó đáng thương như tất cả những người đáng thương mà con đã gặp. Cho nên nghe Cúc từ chối phũ phàng, con không hề giận dỗi. Cúc không đáng bị giận dỗi bằng lời từ chối kênh kiệu của Diễm Hương: "Có mà điên thì mới bỏ phí thì giờ vào đầy. Nếu mày cảm thấy rỗi rãi thì tao sẽ mời mày về nhà nghe nhạc thâu bande. Tao có đủ tất cả các bản mà mày thích".

Thưa mẹ, sau hôm ấy, con biết là chỉ có một mình con tham dự vào việc khó khăn mà con đã hứa với mẹ. Nhưng con không thấy thế mà buồn lòng. Trong một bài giảng hôm cuối tuần, ma soeur Juliette có khuyên chúng con rằng hãy cố gắng giữ gìn những điều thiện nẩy nở trong tâm hồn, cũng như cố gắng luôn luôn giữ lòng tin cậy Chúa. Chúa chẳng để sự đe dọa nào có thể làm lung lạc đức tin ấy nơi con Chúa. Rồi từ đó, nếu ai ai cũng giữ được lòng thánh thiện, mọi vết nhơ sẽ được xóa bỏ, mọi tội lỗi sẽ được dung tha, mọi điều khổ sở sẽ được hàn gắn, và nhân loại sẽ tạo dựng được địa vị trong sáng ban đầu. Con xin nguyện với mẹ là con sẽ cố gắng thi hành công việc con theo đuổi bằng tất cả khả năng của con. Không phải vì con muốn lập công cùng mẹ, không phải vì mong mỏi được ân Chúa đền bù, nhưng chính là vì niềm vui của kẻ khác.

Con xin kể cùng mẹ về buổi sáng đầu tiên con làm nhiệm vụ ở Viện Cô Nhi. Lúc con đến thì giờ ăn sáng của lũ nhỏ vừa mới chấm dứt. Chúng nó được xếp thành một dẫy ngồi chơi ngoài hành lang. Hôm nay chúng nó được ăn mặc khá tươm tất. . Đó cũng là vì lý do ngày chủ nhật có nhiều người đến thăm. Nhưng vào giờ ấy chưa có ai tới cả. Con tiến lại phía chị Hai đang ngồi đọc truyện trên một tấm ghế gỗ. Chị ấy hỏi con:

- Cô đến có việc gì?

Con đáp:

- Em đến giúp chị. Từ nay tuần nào em cũng đến vào ngày chủ nhật.

Chị ta nhìn con rồi nhún vai:

- Rồi chả được mấy nỗi đâu cô ạ. Khối người lúc đầu hăng hái nhưng rồi lại chán ngấy. Có báu gì mấy cái của bẩn thỉu này.

Con không đáp, cúi xuống bế một đứa bé lên tay. Chị ta hét lên:

- Tôi cấm cô đấy. Cô định làm cho nó quen thói rồi ai dỗ cho đây.

Ồ! Cái nhà chị ta thật là khó tính và hung dữ. Nhưng chính ra con lại thích làm việc với những người như thế. Bởi vì sự nóng nảy ấy biểu lộ một tâm hồn sốt sắng, tham gia công việc bằng tất cả tấm lòng. Còn hơn những kẻ rửng rưng, tắc trách, coi nhiệm vụ của mình là một điều thứ yếu. Gắt gỏng con xong rồi, chị ta dịu giọng:

- Tôi nói thật đấy cô ạ. Hồi đầu có biết bao nhiêu người làm khổ tụi tôi. Mà cũng làm khổ luôn tụi nó nữa. Quí báu gì cái bồng cái bế năm mười phút để bắt chúng nó chờ mong cả một ngày chả có ma nào mà lại gần. Tốt hơn hết là hãy để cho chúng nó ngồi yên. Bây giờ nếu cô có lòng tốt thì xuống phòng dưới mang giùm lên cho tôi mấy cái xe tập đi. Qua cái cửa sơn xanh kia cô đi xuống rồi rẽ về bên tay mặt là tới.

Con vui vẻ nghe lời, nhưng một lát lại quay lên và nói:

- Em không thấy còn cái nào cả. Trừ một đống han rỉ và mất cả bánh xe.

Chị Yến, (tên chị ta là Yến) trợn mắt:

- Vậy cô còn muốn cho chúng nó ngồi xe có nệm bông nữa chắc. Chỉ có mấy cái han rỉ ấy mà thôi.

Con ngập ngừng:

- Nhưng mà còn mấy cái bánh xe...

- Làm sao?

- Em thấy chiếc nào cũng mất ít ra là hai ba cái.

- Thì nó vẫn thế, có làm sao đâu. Cô rắc rối lắm.

- Vậy thì làm sao tập đi cho chúng nó được.

Chị Yến nhìn lũ nhỏ rồi mỉm cười chua chát:

- Tập cho chúng nó đứng được cũng là phúc cho mình lắm rồi. Cô nhìn kỹ chân chúng nó mà coi. Có đứa nào đứng nổi một mình không?

- Tại sao lại đến nỗi này?

- Sao mà cô thắc mắc thế. Cô đi mà hỏi mấy ông, mấy bà cấp trên ấy chớ, vặn vẹo gì tôi. Tôi còn cho là may đấy. Mấy cái xe này là do vợ chồng một người ngoại quốc tặng cho từ hơn nửa năm nay. Chứ trước kia thì một mảnh cũng chả có.

Con buồn bã trở lại chỗ cũ khuân lên được bốn cái xe. Cái nào cũng han rỉ, méo mó và vải nệm mục rách gần hết. Đem đặt cả bốn cái trên nền đá hoa nhẵn bóng trông thật là thảm hại nhất là chả có cái nào lăn đi được một vòng. Tất cả đều chúi mũi xuống nền đá, khi đứa bé đụng tay vào thành xe thì nó rúm người lại vì sự mất thăng bằng của bốn bánh. Chị Yến nói:

- Bây giờ cô đặt giùm tôi đứa này, đứa này vào chỗ hộ. Mỗi đứa được đứng trong vòng 15 phút.

Vừa nói chị vừa chỉ từng đứa được ưu tiên cho đặt vào chỗ. Còn lại mười đứa khác đều đổ dồn mắt vào đấy. Chúng nó nhìn bạn với vẻ thèm thuồng. Dầu sao phải ngồi mãi một chỗ thì cũng chán ngấy, thưa mẹ.

Sau khi tất cả đã yên vị, con bắt đầu dò hỏi chị Yến về trường hợp của từng đứa. Trong bọn này, con chú ý nhất đến hoàn cảnh của một em gái. Nó tên là Thục, ở trong này đã được hai năm. Cha Thục làm ruộng bị đạn lạc chết giữa đồng. Mẹ Thục bỏ lên tỉnh xin làm thợ hồ. Được ít lâu bà ta kiệt sức không nuôi nổi con mới đem gửi vào Viện. Ngày đầu, mỗi tuần lễ bà ta vào thăm con ba bốn buổi. Sau thưa dần rồi bẵng hẳn. Có thể bà ta chết trong nhà thương vì lần thăm chót, chị Yến kể rằng nom bà ta tiều tụy và xanh như một tàu lá. Bà ta nói rằng sẽ đi nằm nhà thương và chắc lâu lắm mới trở lại được. Từ đó đến nay gần một năm, mà Thục thì có lẽ cũng quên cả mặt mẹ nó rồi. Năm nay Thục mới lên ba. Nom nó gầy ốm như một đứa trẻ mười mấy tháng. Đầu nó nhỏ, khuôn mặt choắt cheo, vàng vọt, đôi mắt đục lờ đờ không sinh khí. Chân tay gầy guộc như những khúc mía. Chỉ riêng có cái bụng của nó là lớn. Chị Yến bảo nó có đầy giun. Cũng vì vậy nó ưa nằm sấp hơn là đứng hay ngồi. Dù người ta đặt nó thế nào, loay hoay một lát nó cũng tìm cách nằm úp bụng xuống mặt ghế, hai cánh tay duỗi thẳng theo thân mình, đầu nghiêng đi, dương cặp mắt không chớp nhìn về một phía hết giờ này sang giờ khác, không cựa mình, không động đậy, không cả xua đuổi mấy con ruồi cứ bu lại trên mấy nốt ghẻ lở lấm tấm ở trên đầu. Số phận của Thục hẩm hiu nhất trong đám mười mấy đứa nhỏ trong Viện này. Bởi vì nó xấu xí và không linh hoạt, hơn nữa Thục lại còn mắc cái tật là không bao giờ nói lên được một tiếng. Hồi mới xin vào, nó đã bập bẹ gọi được tiếng má. Nhưng về sau này, chẳng mấy ai hỏi han đến nó nên nó lại quên đi và giữ im lặng như một con cá chép. Con không biết những người điều hành tất cả Viện có lưu tâm điều ấy không, hay chỉ cốt nuôi cho nó đủ no một ngày hai bữa là thấy lòng yên ổn vì đã làm trọn vẹn nhiệm vụ đối với nó rồi. Còn về phần các vị quan khách nhân từ ghé vào thăm Viện cũng chẳng có mấy ai ngó ngàng đến nó. Người ta ưa bế và hỏi han mấy đứa khác xinh xắn, bụ bẫm hơn. Thì ra ở chốn khốn khổ tận cùng này vẫn còn có sự phân chia xếp loại như người ta đã phân chia xếp loại ở tất cả mọi lãnh vực trong đời sống phức tạp hàng ngày.

Thưa mẹ, chính vì sự hẩm hiu ấy của Thục mà con có ý định chọn Thục làm đứa em đỡ đầu của con như đã hứa với mẹ. Con hy vọng sẽ mang lại cho Thục ít nhiều sự an ủi mà nó thiếu thốn, và nhất là biến đổi nó thành một con người có tình cảm, có suy nghĩ để sau này khỏi trở thành khối vô tri vô giác trong thể xác một con người.

Xin mẹ hãy cầu nguyện cho nhiệm vụ khó khăn ấy của con.

HẠNH     


3


Ngày 30 tháng 9...

Thưa mẹ,

Con đã dán một mảnh giấy lên kính cửa phòng ngủ của chúng con, trong đó kêu gọi lòng từ thiện của mọi người. Công việc này có vẻ ra ngoài phạm vi của một học sinh lưu trú, nhưng có lẽ các vị sẽ tha thứ cho con. Buổi sáng lúc vào kiểm soát chăn màn của học sinh, bà Cécile đã đứng đọc hết tờ giấy từ đầu đến cuối. Nhìn dáng dấp đầy vẻ nặng nề, mệt nhọc chứa chất sự cáu kỉnh thường xuyên của bà, chị Diễm Hương đứng cạnh con thì thào:

- Rồi thì mày chết! Lạc quyên bất hợp pháp: repas sec! Làm bẩn kính cửa: repas sec! Không thuộc nội qui: repas sec nữa! Bà này ưa cái kiểu cho học trò ăn cơm với muối trắng mà!

Lời nói của chị làm con thêm bối rối. Tim con đập mạnh. Con nhìn dáng đi nặng nề của bà bằng cặp mắt van lơn và sợ hãi. Nhưng khuôn mặt lặng lẽ của bà thật là khó mà dò được ý tứ bên trong. Bà đi qua dẫy giường mé phía bên phải trước. Tiếng hò hét của bà vang lên trong sự im lặng phăng phắc của tất cả căn phòng rộng rãi và đông người. Chị Vân để quên tập sách dưới gối, chị Thu không lau cái table de nuit cho hết bụi ; chị Tuyết ném vỏ chuối xuống gậm giường (tất nhiên bị phạt một bữa ăn cơm khô với muối trắng vân vân...). Đến khi bà đến trước mặt con thì bà đứng lại nhìn con rất lâu, cặp mắt dữ dội, vẻ nhìn khó đăm đăm chứa chất đầy vẻ cáu kỉnh và bực rọc. Cuối cùng bà nói:

- Cô Hạnh. Drap giường hôm nay cô gấp không thẳng nếp. Một lần nữa thì ăn cơm với muối đó nghe không!

Nói rồi bà quất cái roi xuống mặt nệm khiến cho tấm vải trắng đang phẳng phiu bỗng trở nên nhăn nhúm rồi khó nhọc bước sang mé giường bên. Ôi! Thưa mẹ, tả làm sao cho xiết sự vui sướng của lòng con lúc đó. Soeur Cécile thật là người bao dung và quảng đại. Ở bề ngoài cau có, gắt gỏng ấy đã chứa chất bên trong một tâm hồn đầy lòng vị tha và độ lượng. Con muốn khóc lên vì sung sướng. Mẹ bề trên và các soeur đã giúp đỡ và khuyến khích con trên đường tìm đến ánh sáng của Chúa, con đường lấy nguồn vui của kẻ khác làm nguồn vui của chính mình.

Riêng chị Diễm Hương thì đã biểu lộ một khuôn mặt sững sờ mang vẻ ngạc nhiên đến tột độ. Chị ấy mở to mắt nhìn theo bà và chợt thốt lên:

- Sự lọa... ạ!...

Tiếng nói của chị vừa bật ra, và chị vừa kịp bưng lấy mồm thì bà Cécile đã quay phắt lại nhìn chị với vẻ mặt giận dữ. Rồi bỗng nhiên bà quay trở lại với ngọn roi lăm lăm ở trên tay. Bây giờ thì chị Diễm Hương đã biến mất vẻ nghịch ngợm hàng ngày. Mặt chị cố giữ trang nghiêm. Nhưng càng trông chị càng tức cười. Người chị đứng thẳng, hai tay duỗi dài, quay mặt về chiếc cột đồng ở chân giường phản chiếu vào đôi mắt sáng ngời của chị. Một lát, bà Cécile tiến lại gần. Mắt bà nhìn chị như một người đồ tể nhìn một con vật sắp sửa mang lên bàn mổ. Cây roi của bà chĩa ra, chỉ thẳng vào người chị như muốn lục soát từ đầu đến chân. Rồi bỗng bà thúc ngọn roi vào chỗ gần mạng sườn của chị rồi "à" lên một tiếng sung sướng. Tưởng đến một cảnh sát bắt gặp quả tang một kẻ đang phạm tội vi cảnh cũng không sung sướng bằng như thế. Mọi người trong phòng đều đổ dồn mắt vào đúng chỗ bà Cécile đã chỉ. Ai cũng đều nom thấy một mảnh rách trên áo ngủ của chị Diễm Hương đã được chị túm lại bằng một sợi dây nom như một túm củ hành. Bà Cécile cười khoái trá:

- Hà! Hà! Khen cho tài nữ công khéo léo của chị. Chị thật xứng đáng làm một học sinh của Thánh Mẫu học đường.

Nói rồi bà dùng mấy ngón tay nhón lấy "củ hành" rồi kéo ra giữa phòng. Chị Diễm Hương líu ríu bước theo. Mọi người trong phòng được dịp ồ lên cười. Nhưng bà Cécile đã quắc mắt lên nhìn. Mấy chị đứng gần bà vội vàng bưng lấy miệng. Dưới sự điều khiển của bà, không ai được cười to cả, cho dù sự việc có đáng tức cười bao nhiêu đi nữa. Đã có lần bà mắng chúng con:

- Coi kìa! Con gái gì mà cái mồm ngoác lên tới tận đỉnh đầu. Đi soi gương thử coi có dơ dáy không nào.

Vì vậy tiếng cười tắt ngúm ngay sau cái nhìn giận dữ của bà, mặc dầu cho nó còn tấm tức trong cổ họng của mấy chị thường đã được phong làm vua quấy phá. Chị Diễm Hương bị dẫn ra chính giữa phòng. Cái áo của chị bị bà kéo xếch lên. Bà vừa vỗ ngọn roi lên đầu chị vừa xoắn lấy cái củ hành và chì chiết:

- Con gái con đứa! Công, dung, ngôn, hạnh thế này thì còn ai chịu được chị nữa không kia chớ.

Chị Diễm Hương ấp úng:

- Thưa ma soeur con... con khíu ta... ạm.

Tiếng "tạm" chưa ra dứt khỏi miệng chị thì bà Cécile đã phết cho chị một roi đau điếng. Sau đó bà truyền:

- Tôi hẹn cho chị từ giờ đến sáng ngày mai chị phải trình tôi chỗ rách đã được mạng lại bằng chỉ nhỏ.

Chị Diễm Hương trợn tròn mắt lên hỏi:

- Thưa ma soeur vá hay mạng...

Bà Cécile hét lên:

- Mạng!... Mà mạng bằng chỉ nhỏ!

Nói rồi không chờ xem mệnh lệnh của bà có làm chị Diễm Hương phải ngất hay không, bà đã lầm lũi ra ngoài. Khi cánh cửa phòng vừa khép lại thì tất cả mọi người đều rú lên, bu xúm xít lại chung quanh chị Diễm Hương để chiêm ngưỡng vẻ mặt thảng thốt và sững sờ của chị. Hình phạt của bà Cécile thật là quái ác. Ở trong lớp chị là người đứng hạng chót về môn nữ công!

Thưa mẹ, như vậy là dù không phải tại con, nhưng gián tiếp con cũng đã làm cho chị ấy chắc sẽ bị một ngày trời mất công đi chạy chọt, nhờ vả người khác.

Tấm giấy nhỏ nhoi, viết bằng giọng văn trúc trắc, mộc mạc kêu gọi toàn thể mọi người hãy nghĩ đến hoàn cảnh thiếu thốn của các em bé mồ côi, vẫn còn nằm vô tình trên cánh cửa. Nhưng sự vô tình của nhiều người trong lớp lại còn đáng buồn hơn nhiều. Tờ giấy đem dán lên không được một ngày sau thì đã có nhiều bàn tay vô danh phụ đề nhằng nhịt lên trên bằng những câu đùa cợt:

- Tôi xin góp một củ hành to bằng ngón chân cái.

- Thiếu tiền lẻ!

- Si j' étais riche!

Thưa mẹ, con không lấy thế làm buồn lòng. Bởi vì bên cạnh những kẻ vị kỷ ấy vẫn còn có nhiều tâm hồn vị tha khác. Những buổi tối sau đó thỉnh thoảng trên mặt table de nuit của con lại thấy để một vài gói quà tặng. Có chị cho kẹo, có chị cho khăn tay, có chị cho áo trẻ con, đặc biệt nhất là chị Bích Thủy gửi tặng bốn cái nệm lót xe tập đi do chính tay chị cắt và may lấy. Như thế là đến chủ nhật này con sẽ mang tới viện mồ côi nhiều món quà đầy ý nghĩa. Với ý ấy, lòng con vô cùng phấn khởi và thích thú: cho đến bây giờ con mới thấy thấm thía về những lời giảng dạy của Soeur Félicité trong giờ giáo lý tuần trước. Ma soeur đã nói:

- Đừng có sợ hãi rằng trên con đường khổ nhọc mà mình đang đi không có bạn đồng hành. Cái khó là chỗ mình biết giữ gìn đức tin cho đến phút kiệt lực, phút cuối cùng, phút mà lòng cảm thấy nguồn vui của một kẻ đã đem hết khả năng của mình ra phụng sự cho những điều tốt đẹp.

Thưa mẹ,

Dưới sự hướng dẫn và khích lệ của mẹ và các soeur đáng kính, con tin tưởng là con sẽ đi được đến cùng.

HẠNH     

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4, 5, 6