Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

CHƯƠNG 10, 11, 12_TAY NGỌC


10


Ngày 24 tháng 11...

Thưa mẹ bề trên,

Thu Cúc đã đoán đúng về thiện chí của mọi người trong công tác tại Viện Cô Nhi, nhưng chỉ đúng có một phần. Tuần lễ đầu tiên có mười bốn chị tham dự. Sang tuần lễ thứ nhì rút mất năm người. Và đến chủ nhật ngày 21 vừa qua thì chỉ còn có sáu chị với con nữa là bẩy. Bẩy người, con số cũng không phải là ít đối với một Viện Cô Nhi xinh xắn như Viện An Hào này. Chúng con đã thành lập một cái hội nhỏ lấy tên là "Hội những người bạn của bé Thục". Tất nhiên bé Thục chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho tất cả các em bé mồ côi. Chúng con không chỉ săn sóc hay đặc biệt chú trọng riêng đến một mình bé Thục mà tất cả mọi đứa đều được coi ngang nhau. Trong một số "luật lệ" của chúng con, nguyên tắc "công bằng và không thiên vị" được đưa lên hàng đầu, bởi vì chúng con tự nghĩ sự thiên vị xẩy ra ở chốn đau khổ này sẽ bóp chết những tâm hồn bé nhỏ của những em không có điều gì hấp dẫn đặc sắc đối với mọi người. Ước vọng của chúng con là tiêu diệt được những mặc cảm hay thành kiến trong ý nghĩ của các em mồ côi. Phải làm cho chúng nó nẩy nở được lòng tự tin, niềm kiêu hãnh và sự trong sáng hồn nhiên trong tâm hồn của chúng nó. Thế giới của chúng nó đã là thế giới của sự khổ đau cùng cực rồi, nếu lại còn xẩy ra vấn đề xếp loại, đứa này hơn, đứa kia kém, thì thật không còn điều gì vô lý hơn nữa.

Sau đây là bảng phân chia công tác hàng tuần của chúng con, chiếu theo nhu cầu đòi hỏi của chị Yến:

- Vệ sinh lầu trân : Mỹ Ái, Thu Thủy

- Vệ sinh tầng dưới (Cấm không được quét sân, vì chị Yến ghét ông già làm vườn thậm tệ) : Mỹ Dung, Bảo Quỳ.

- Săn sóc trẻ ngoài vườn chơi : Thu Cúc

- Săn sóc hài nhi : Diễm Hương

- May vá : Hồ thị Hạnh.

Công việc chạy đều như một guồng máy mới tinh hảo. Thật là cảm động khi nhìn thấy chị Bảo Quỳ và Mỹ Dung, những tiểu thơ khuê các lễ mễ khiêng từng sô nước đen ngòm đi lau chùi hết phòng này qua phòng khác. Ở lầu trên các chị Mỹ Ái và Thu Thủy không biết làm những gì mà kê dọn lịch kịch suốt buổi sáng, Ngoài sân chơi, tiếng hát trong trẻo của Thu Cúc vang lên giữa những tiếng bi bô của đám trẻ. Chỉ có chị Diễm Hương là nhăn nhó suốt ngày. Giữa một căn phòng rộng rãi, chị kê một cái ghế đẩu và đứng lên cao để nhòm ngó cho hết gần ba chục đứa trẻ ngọ nguậy trong những cái nôi xinh xắn. Thỉnh thoảng có đứa ở góc này khóc ré lên, đứa ở góc kia đập chân đập tay rẫy rụa, hoặc một đứa khác lật sấp lên giữa chừng rồi không ngóc được dậy nên là hét inh ỏi. Chỉ mới hơn một giờ đồng hồ mà Diễm Hương đã cảm thấy mệt phờ. Cô ta nhăn nhó với chị Yến:

- Thôi em xin hàng cái nhiệm vụ này. Còn mệt hơn đi dự đô vật ở Helsinki nữa!

Chị Yến mỉm cười:

- Thì ai bắt cô cứ nhòm nhỏ hoài tụi nó như một bà mẹ chồng.

- Nhưng chúng nó khóc.

- Khóc mặc kệ! Rồi chúng nó quen đi. Ngồi mà dỗ từng đứa có mà ốm xác. Chỉ cần cô xem có đứa nào bò được ra thành nôi thì giữ nó lại cho khỏi ngã, tới bữa ăn có cái dây treo bình sữa nào lắc lư ra ngoài thì cô đặt lại núm cao su vào miệng chúng nó.

- Thế ngộ có đứa đái dầm khóc um lên thì sao?

- Một giờ đi kiểm soát một lần. Chừng đó thay luôn một thể.

- Chị ác quá!

- Chỉ sợ ba bẩy hai mươi mốt ngày cô còn ác hơn tôi nữa!

- Không bao giờ!

- Vậy tôi xin hoan hô trước!

Ông y tá Bình ngồi gần đó bây giờ mới xía vô:

- Đừng nghe chị ấy xúi dại. Được tiếng khen ho hen chẳng còn!

Chị Yến quay lại, quắc mắt lườm:

- Ai mượn?

- Ai nói chuyện với nhà cô. Tôi nói với cô Diễm Hương "mờ"!

- Khi không chne vào chuyện người khác là bất lịch sự!

- Mà điều tôi không "nhín" được.

- Nhín! Có cái gì mà ông phải nhín?

- Có chớ! Cái sự... hoan hô ý!

Chị Yến tủm tỉm cười:

- Cái sự hoan hô làm sao?

- Hoan hô chết con người ta chứ làm sao. Cô Diễm Hương ạ, đừng có nghe xúi dại nghe không!

Chị Diễm Hương mỉm cười:

- Cháu có thấy ai xui khôn, xui dại gì đâu?

Chị Yến phá lên cười:

- Thế mới thối ủm lên chứ. Biết điều thì cứ im đi là hơn.

Ông Bình hít hít cái mũi mấy lượt rồi trả lời:

- Tôi mà im thì có người khóc!

Chị Yến ngạc nhiên:

- Ơ hay, cái nhà ông này kỳ! Ai mà thèm khóc. Ông mà im đi thì tôi còn mừng!

- Thiệt không?

- Thiệt!

- Vậy tôi im lặng năm phút nữa thôi, xem cô có khóc không nào.

- Được rồi! Để rồi xem ông nói khoác đến đâu.

Được bốn phút trôi qua, chị Yến đang nhìn ông Bình một cách đắc ý thì chợt chị la lên:

- Thôi chết tôi rồi!

Ông Bình phá lên cười. Chị Yến hỏi:

- Ông cười cái gì?

- Tôi... tôi cười nồi cơm của cô!

Mặt chị Yến đỏ rừ. Chị chạy ngay lại đấm ông ta thùm thụp:

- Ác! Ác! Người thế này mà ác! Biết nó khét từ nãy mà không nhắc người ta!

Quả nhiên đến bây giờ thì mùi khét của nồi cơm trên bếp cồn tỏa ra nồng nặc. Chị Yến chạy bổ lại tắt ngay ngọn lửa và mở vung ra, nhưng đã quá trễ. Bốn phía chung quanh nồi cơm đã bị cháy đen lại. Thế là chị giận dỗi quẳng nó xuống mặt bàn và đi thẳng ra khỏi phòng sau khi dập thật mạnh cánh cửa. Ông Bình ngơ ngác nhìn theo, vẻ sợ hãi bỗng hiện ra trên khuôn mặt. Ông ta vội vàng xô ghế đứng dậy chạy vội đi theo. Hai người nhốn nháo ở trong phòng rửa mặt. Một lúc chỉ có tiếng ông Bình dỗ dành rồi cũng im bặt. Ở phòng ngoài, chị Hương nháy nhó một điệu bộ láu lỉnh rồi chị bỗng cất tiếng hát. Tiếng hát của chị vừa ngân lên thì chợt có tiếng trẻ con khóc ré lên ở trong. Chị vội vàng chạy bổ vào bế thằng bé lên. Thì ra nó vừa thò tay lên nắm phải mớ tóc của chính nó rồi nó cứ túm chặt lấy mà giật mãi đến đau phát khóc lên. Chị Diễm Hương vội vàng bế nó lên, gỡ cho nó và tiếp tục hát. Thằng  bé tròn mắt nhìn cái miệng xinh xắn của chị rồi bỗng nó toét miệng ra cười. Diễm Hương sung sướng vì nụ cười hồn nhiên ấy nên ôm ghì lấy nó, hôn như mưa bấc lên cặp má bầu bĩnh. Một lát chị đặt nó xuống nôi, nhưng lần này nó không chịu. Bàn tay xinh xắn của nó níu chặt lấy ngực áo của chị khiến chị giằng mãi không ra. Cuối cùng thằng bé lại òa lên khóc và chị Diễm Hương đành chịu thua, phải bế nó ra đứng ở cửa sổ. Qua những tấm song sắt, chúng con nhìn thấy đám trẻ đang nô đùa ở dưới sân, quanh tà áo trắng bay phơ phất trong nắng ấm của Thu Cúc. Lúc này, Thu Cúc đẹp như một nàng tiên đứng giữa các thiên thần. Mái tóc mềm mại xõa xuống ngang lưng. Khuôn mặt Cúc rạng rỡ với cặp mắt long lanh sáng và nụ cười hồn nhiên cởi mở. Vẻ bướng bỉnh ngày nào của Thu Cúc đã biến đi đâu mất. Bây giờ trông Cúc dịu dàng và hiền hậu như một Hằng Nga trong rừng thẳm.

Trong lúc ấy, ở quãng sân có tráng nền xi măng ngay sát bậc trước hàng hiên, mấy chị làm xong công tác vệ sinh đã xúm lại mấy chiếc xe tập đi để dìu dắt từng đứa nhỏ. Bọn trẻ nhào xuống đất một cách vui mừng. Chúng nó chạy lao đi theo vòng lăn của những chiếc bánh xe và miệng cười rúc rích. Riêng chỉ có một mình bé Thục là bất hợp tác với Bảo Quỳ. Mỗi lần Quỳ lồng hai chân nó vào tấm vải bố là một lần chân Thục co lại dẫy dụa. Quỳ lên tiếng gọi Mỹ Ái giúp một tay. Bé Thục bướng bỉnh hơn càng dẫy dữ dội. Đến lúc chống cự không được thì Thục òa lên khóc. Tiếng khóc của nó làm mấy chị xúm nhau lại dỗ dành. Nhưng càng dỗ dành, Thục càng khóc to hơn, Điều đó khiến con phải vội vàng chạy bổ xuống ôm lấy Thục. Thục ghì chặt lấy hai vai con, nép sát đầu xuống và nín bặt. Một lát con để Thục ngồi vào lòng cho nó ngắm những đứa khác tung tăng trên chiếc xe tập đi. Thục nhìn một cách tò mò chăm chú. Đến lúc chính tay con đặt Thục vào chiếc xe thì nó không còn phản đối gì nữa. Con dắt Thục đi từ từ. Hai cẳng chân khẳng khiu của nó rón rén bước từng bước một. Hai bàn tay xinh xắn của nó níu chặt lấy thành xe. Dần dần  nó bạo dạn hơn và có thể bước đi một mình. Chiếc xe của nó đụng vào một chiếc khác đi ngược chiều. Thằng bé nắm ngay lấy tay Thục bi bô. Thục nhìn nó như muốn đáp lời lại. Tay nó đẩy cái xe của thằng bé trở lùi. Và rồi bỗng nhiên nó toét miệng cười. Nụ cười rất tươi tắn và hồn nhiên. Nụ cười lần đầu tiên con bắt gặp trên vành môi của nó kể từ ngày con đặt chân tới cô nhi viện này.

Buổi trưa hôm ấy, tất cả mọi người đều ra về lúc ốc hụ báo hiệu 12 giờ. Thu Cúc rủ con đi chơi một hôm nữa, nhưng lần này con chối từ, lấy cớ phải ở lại giúp chị Yến tắm cho lũ hài nhi vào hồi bốn giờ vì một chị người làm hôm nay xin nghỉ. Thu Cúc nói:

- Tao hẹn với anh Sơn ở quán nhạc ngoài bờ sông lúc sáu giờ. Bây giờ nếu tao về nhà thì chỉ sợ tới lúc đó không đi được nữa.

Con khuyên Cúc nên thận trọng về vấn đề giờ giấc đi về. Bởi vì nếu bừa bãi quá rất có thể Cúc sẽ bị hoàn toàn mất tự do. Cúc mỉm cười, trả lời bằng giọng ngang ngạnh:

- Không ai có thể ngăn cấm được những gì tao muốn làm. Rồi mày sẽ thấy.

Con trả lời Cúc bằng một nụ cười gượng gạo, không đồng tình. Nhưng con cũng không biết khuyên giải Cúc làm sao trong khi mà nó đã nhất quyết thực hành ý định của mình. Chúng con từ giã nhau trong sự bâng khuâng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Cúc lẳng lặng bước ra khỏi cổng Viện Cô Nhi rồi đi bộ lên phía trung tâm thành phố. Con trở vào dùng cơm với chị Yến và ở lại đó mãi đến hơn sáu giờ mới trở về lưu xá. Chiều chủ nhật ở đây thật là buồn. Sân trường vắng lặng, rộng thênh thang. Những lớp học chìm đắm trong bóng tối lạnh lẽo. Ngọn đèn yếu ớt trên dẫy hành lang không đủ soi sáng một khoảng tường quét vôi trắng xóa. Ở dẫy nhà phía đằng sau, đèn đóm cũng bị tắt tối thui vì chị Tám làm bếp đã đi dự lễ chầu buổi chiều chưa trở về. Con đi tắm rửa sạch sẽ rồi lên vấn an ma soeur Félicité như thường lệ. Bà hỏi thăm con một cách cặn kẽ về việc học ở nhà trường, về nếp sống lưu xá, và về những công tác con thực hiện được ở Viện Cô Nhi. Con đã trả lời đầy đủ và bà tỏ ra rất hài lòng đối với tất cả những câu trả lời đó, Nhân dịp này con trình bầy với bà về việc xin phép cho Thu Cúc được dượt giọng ca của nó qua tiếng đàn dương cầm của con, mà ma soeur đã dậy con học từ thuở còn nhỏ. Nhưng lời đề nghị của con đã bị phê bình gắt gao, ma souer Félicité nói:

- Âm nhạc chỉ có mục đích làm cho tâm hồn của mình thêm thanh cao. Ta không thể quan niệm được rằng đi học nhạc rồi lại đem sử dụng khả năng đó vào công việc mua vui cho kẻ khác để kiếm tiền được.

Con vội vàng xin lỗi ma soeur và hứa sẽ không bao giờ làm trái với điều dậy dỗ đó của bà. Sau đó, bà đưa ra một bản nhạc mới do bà vừa soạn cho ban đồng ca bên nhà thờ vào dịp lễ giáng sinh sắp tới. Bà bảo con ngồi vào đàn dương cầm chơi thử một lần. Con vâng lời, để hết tâm trí vào những nốt nhạc. Khi bản nhạc chấm dứt, bà dịu dàng hỏi:

- Theo ý con thì bản nhạc này diễn tả được những gì?

Con trả lời ấp úng:

- Thưa ma soeur... có lẽ... có lẽ ma soeur diễn tả một bầu trời lạnh lẽo trong đêm giáng sinh êm đềm...

- Rồi sao nữa?

- Rồi âm thanh thánh thót của những thiên thần trên bầu trời cao như mời gọi toàn thể mọi người cùng tiến về hang Bê Lem chứng kiến Chúa sinh ra đời...

Ma soeur chợt bật lên cười:

- Thêm bớt, thêu dệt có vẻ khá lắm. Nhưng con ạ, mẹ chỉ diễn tả tiếng lòng của một con chiên trong đêm giáng sinh muôn thuở mà thôi.

Con đỏ mặt ấp úng không biết trả lời thế nào, thì may mắn làm sao, ngay lúc đó ma soeur Cécile đã gọi bà ở ngoài cửa phòng. Và trong khi hai bà tiếp chuyện với nhau, con tẩn mẩn dạo lại những nốt nhạc khởi đầu của bản nhạc. Không hiểu sao, khi những âm thanh thánh thót run lên trong phím đàn, con chợt liên tưởng đến những nốt nhạc mà Thu Cúc đã hát cho nghe vào một buổi chiều chủ nhật hôm nào:

- Mùa thu trở về, bầu trời trĩu nặng kỷ niệm buồn thê lương. Mùa thu trở về, lòng người man mác nhìn cánh chim trời tha hương.

Bản nhạc của ma soeur Félicité chợt chìm lắng đi và những ngón tay của con vô tình chuyển sang cung bực thiết tha rã rời theo ý nhạc của Thu Cúc. Bản nhạc mới vừa dứt được hai câu thì bà Félicité đã quay trở vào. Con vội ngưng bặt tiếng đàn nhưng bà đã hỏi:

- Hạnh chơi bản nhạc gì thế?

Con ấp úng trả lời:

- Thưa ma soeur một bản bình thường con nhớ được...

- Dạo lại một lần nữa cho ma soeur nghe đi...

Con vâng lời. Lần này con để hết tâm trí vào nốt nhạc. Trong óc con mường tượng đến nụ cười chua chát, đau khổ của Thu Cúc, đến hình ảnh một buổi chiều mưa gió Cúc đội mưa tung cửa ra trốn tránh vòng tay của người anh họ, đến những kỷ niệm buồn mà Cúc đã gặp trong gia đình. Tất cả những hình ảnh đó đã thoảng qua rất mơ hồ trong óc con, và giọng hát trầm buồn của Thu Cúc như quấn lấy âm thanh phát ra từ tiếng đàn:

- Mùa thu trở về, bầu trời trĩu nặng buồn thê lương...

Khi bản đàn chấm dứt, bà Félicité phê bình:

- Ý nhạc có vẻ dồi dào, nhưng còn một vài nốt vụng về. Tuy vậy con không nên luyện tập làm gì những bản nhạc buồn thảm rã rời ấy.

Con trả lời:

- Thưa ma soeur, đó là một bản do chị Thu Cúc làm lấy.

Bà ngạc nhiên:

- Có thật vậy không?

- Thưa ma soeur, con tin chắc là thật. Chị Thu Cúc vẫn ước mơ trở thành một nhạc sĩ. Và chị ấy đã có một số căn bản về nhạc lý...

Ma soeur suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:

- Ngày mai con dẫn Thu Cúc đến gặp Souer vào buổi chiều, sau giờ tan chầu. Thôi bây giờ về nghỉ đi.

Con mừng rỡ đến ríu cả chân tay. Con chỉ muốn mình có cánh bay ngay đến nhà Thu Cúc để báo tin mừng này cho nó. Nhưng cũng chính vì sự háo hức này mà khi trở về con đã quên cả việc chúc ma soeur Félicité một đêm tốt lành.

HẠNH    



11


Ngày 5 tháng 2

Thưa mẹ,

Suốt trong buổi học sáng hôm nay, ma soeur đã dành tất cả thì giờ để phê bình và trả lại bài luận quốc văn mà đề tài viết về Viện Cô Nhi. Đầu tiên ma soeur mở lời khen ngợi chung toàn thể chúng con là đã cố gắng tìm được nhiều documents để cho bài luận được thêm phần phong phú. Ma soeur khen ngợi chị Bảo Quỳ về đoạn văn ngộ nghĩnh như sau:

"Em bé cố lên đi, có bàn tay chị sẵn sàng nâng đỡ em đây. Tôi nhủ thầm như thế và diễn tả lời khuyến khích này bằng một nụ cười thật duyên dáng. Em bé cũng mỉm cười theo tôi. Tôi giơ hai tay lên vẫy và hai cái giò non của chú bé bắt đầu động đậy sau cái quần ngắn đến đầu gối của nó. Tôi vẫy thêm một lần nữa. Thế là chú bé nhào người ra đằng trước. Cái xe trôi tuột đi và nó lôi chú chạy tuốt ra tận đầu hành lang. Mặt chú bỗng xám ngoẹt đi vì sợ hãi và đột nhiên chú tu lên khóc. Tôi cũng hết hồn, vội đuổi theo bế xóc chú ấy lên, rồi miệng tôi rối rít xin lỗi. Trong bụng tôi tự nhủ thầm:

- "Thì ra mình chưa bao giờ sẵn sàng được một cái gì cả."

Một đoạn khác của Vân Anh cũng được ma soeur phê bình với những nhận xét tốt:

- "Tôi bùi ngùi ngắm những chiếc áo sợi đồng loạt viền chỉ đỏ hay vàng mà các em đang bận ở trên mình. Có cái rộng, có cái dài, có cái đã bạc mầu nhưng cũng có những cái còn mới nguyên như vừa được cấp phát. Tất cả vẫn đều là những cái áo, mà sao tôi thấy đó không phải là những cái áo bình thường như của tôi, của các em tôi, của các bạn tôi. Tôi chú ý nhìn kỹ chúng nó hơn nữa. Bây giờ thì tôi nhận ra một điều. Những cái áo mà tôi đang nói đây hình như hàm chưa một cái gì mang một vẻ chua xót, tội nghiệp và bùi ngùi biết bao. Cho đến khi đó mới tìm ra được một câu trả lời hết sức giản dị. Bởi vì những em bé trước mặt tôi đây là những em bé mồ côi."

Còn bài của Thu Cúc, ma soeur cũng bình lên, nhưng kèm theo những nhận xét gay gắt. Thu Cúc viết:

"Quanh tôi, mặt mày ai cũng làm ra vẻ hớn hở. Người lớn cố tạo ra những nụ cười thật tươi, bọn trẻ cũng cười như nắc nẻ. Chỉ khác có một điều là bọn trẻ tìm thấy nguồn vui thực sự, như một cái níu kéo, giằng co những tình cảm mà chúng nó thiếu thốn. Còn cái vui cười của các bà, các cô sang trọng kia? Ồ! Chỉ một cái mốt, một trò tiêu khiển, một sự ganh đua trưởng giả. Cũng chấp nhận được đi. Nhưng rồi cái tinh thần ganh đua đó kéo dài được bao lâu? Chuông reo giã đám. Các bà, các cô ra về thỏa mãn. Riêng lũ trẻ con thòm thèm như chưa được ăn khoái khẩu một cái bánh ngon. Bao lâu nữa sẽ có ngày lại tái ngộ? Một tuần? Một tháng? Một năm? Hay không bao giờ nữa?"

Tàn nhẫn! Trắng trợn! Phủ nhận lòng yêu thương trong con người mà bổn phận tất cả phải gìn giữ và phát triển! Chà đạp lên cả công lao và thiện chí của những tấm lòng từ thiện. Đó là những tiếng gay gắt mà bà Juliette đã dành cho Thu Cúc. Mọi người nhìn về phía Cúc với một vẻ khinh bỉ. Có những khuôn mặt cố diễn tả sự ngạc nhiên, cái ngạc nhiên mà ai cũng hiểu rằng đã ngụ ý một câu thảng thốt:

- Tại sao lại có thể như thế được nhỉ!

Một vài chị ở bàn đầu cố nghển cổ quay về phía sau như để nhìn lại khuôn mặt của Thu Cúc cho rõ hơn. Hình như Thu Cúc ngày hôm nay khác hẳn Thu Cúc ngày hôm qua. Cái mắt ấy, cái miệng ấy, vành môi ấy trở nên khác lạ với mọi người. Như một guồng máy trơn tru bỗng xuất hiện một cái chốt lạc lõng, cái chốt nguy hiểm, có thể làm cho một vài bộ phận gẫy nát, hư hỏng. Mà như thế thì không thể nào chấp nhận được. Phải loại trừ nếu không thì tất cả sẽ phải xấu hổ. Nhất là ở một lớp học đầy thánh thiện như lớp học này.

Bà Juliette kết thúc những lời nhận xét của bà bằng một câu hỏi hướng về Thu Cúc:

- Chị Thu Cúc? Thế nào? Tất cả những lời tôi nói không quá đáng cả chứ?

Thu Cúc ngồi lặng đi một lát rồi đứng dậy đáp:

- Thưa ma soeur, đứng trên căn bản lý luận của ma soeur thì như thế không có gì là quá đáng cả.

Bà Juliette vặn lại:

- Thế nào là trên căn bản lý luận của tôi, và thế nào là trên căn bản lý luận của chị? Ở đây không có cái gì gọi là lý luận theo riêng của cá nhân một ai. Tôi chỉ đứng trên chân lý mà nói.

- Thưa ma soeur, chân lý không cấm người ta bưng bít sự thật.

- Đúng như thế đó. Hơn ai hết, tôi khuyên chị nên tôn trọng sự thật. Bởi vì những người đến Viện cô nhi, không phải vì cầu cạnh riêng tư gì, mà chính vì tình nhân loại cao quí của họ. Đó là sự thật mà chị phải tôn trọng.

- Thưa ma soeur, con không phủ nhận đức tính cao quí đó nhưng tiếc thay, đó là đức tính của một số ít, rất ít. Còn kỳ dư thì phân phát tình nhân loại nhiều khi chỉ là một cái mốt, một thú tiêu khiển.

Mặt bà Juliette tái đi. Đôi môi của bà bắt đầu mím lại, nhưng mọi người vẫn nhìn thấy vẻ run run qua sự cử động của hai bắp thịt má. Bà ta lặng đi một lát rồi nói với một giọng buông xuôi:

- Tôi hết lý để cãi với chị. Người ta không thể còn lý luận gì để nói với một kẻ đã coi tình nhân loại là một hình thức giải trí, một kiểu mẫu thời trang. Bài làm của chị sẽ không bị 01 sur vingt nữa. Tôi không có điểm nào để cho chị cả. Bởi vì tôi chỉ có thể cho điểm những học sinh tin cậy tôi như bậc làm thầy, coi những lời chỉ bảo của tôi là đúng.

Thu Cúc lớn tiếng:

- Thưa ma soeur con không có ý nghĩ như vậy. Bao giờ con cũng kính trọng ma soeur như một bề trên đáng kính của con...

Nhưng bà Juliette quyết liệt:

- Chị đừng nói nữa. Tốt hơn hết chị hãy suy nghĩ về những điều chị nói là đủ!

Nói rồi bà ta vẫy tay ra lệnh cho Thu Cúc ngồi xuống. Lần đầu tiên, Thu Cúc ôm mặt khóc trước mắt mọi người.

Buổi chiều hôm ấy, các chị cùng lớp âm thầm vận động một âm mưu. Một lá đơn không biết do ai thảo đã được truyền đi lấy chữ ký của mọi người. Lá đơn gửi cho soeur Madeleine, giám học của Học đường, xin đề nghị sa thải trò Lưu thị Thu Cúc với lý do: "làm tổn thương đến danh dự của toàn thể bạn cùng lớp vì đã tỏ ra bất phục những lời giáo huấn chính đáng của soeur phụ trách lớp học".

Thưa mẹ bề trên,

Khi lá đơn chuyển đến tay con thì tổng cộng đã mang được mười sáu chữ ký theo vần từ A đến H. Chị Thu Hà nói:

- Hạnh ký, rồi theo danh sách này chuyển đến người kế tiếp.

Con trả lời:

- Em chưa thể ký được. Em muốn hỏi xem, việc làm của chúng ta có hấp tấp quá không?

Thu Hà giương cặp mắt ngạc nhiên lên nhìn:

- Hấp tấp cái nỗi gì chớ? Buổi học hồi sáng, chị có theo dõi từ đầu đến cuối không?

- Tất nhiên là có.

- Chị nghĩ thế nào về sự giận dỗi của ma soeur Juliette? Nếu mình yên lặng mặc nhiên mình đồng lõa với sự làm thương tổn đến lòng tự ái của bà.

- Vậy chị xin đuổi Thu Cúc chỉ vì sự đã làm thương tổn đến tự ái của bà ấy sao?

Thu Hà đỏ mặt lên, rồi cãi lại:

- Không phải như thế. Nhưng sự thực đã quá rõ ràng. Một học trò đứng đắn, có đức hạnh, không thể cãi thầy một cách ngang nhiên như thế được.

- Vấn đề là ở chỗ nên tìm, hiểu xem ý kiến chị ta có hợp lý điểm nào hay không?

- Trời đất ơi! Đến bây giờ lại còn phải bàn cãi cái câu chuyện đó. Phủ nhận lòng yêu thương của con người là hợp lý? Chà đạp lên thiện chí của người khác là hợp lý?

- Không phải ý Thu Cúc nó muốn làm như vậy. Nó vẫn công nhận những cái cao quí ấy của mọi người. Nhưng nó có quyền chỉ trích hạng theo đuôi...

Thu Hà nhìn con với một vẻ khinh bỉ rồi nhún vai:

- Thế tại sao trong buổi học sáng hôm nay, chị không đứng dậy mà bào chữa cho nó?

- Đây là một vấn đề mà tôi bứt rứt từ sáng. Tôi đã hèn nhát một cách đáng khinh bỉ. Đáng lẽ tôi có thể làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa để làm bớt đi cái mâu thuẫn của ma soeur và Thu Cúc.

Thu Hà giật lấy mảnh giấy rồi quay ngoắt đi:

- Vậy thì chị hãy khư khư giữ lấy cái hèn nhát của chị. Lá đơn này thiếu một chữ ký cũng chẳng làm sao.

Con vội vàng chạy theo và nói với:

- Tôi sẽ gặp ma soeur Juliette. Tôi sẽ không để cho mình khổ sở vì những ý nghĩ hèn nhát đó đâu.

Thưa mẹ,

Con quyết định đi gặp ma soeur Juliette từ giây phút ấy. Bà tiếp con ở trên thềm giảng đường, sau giờ cầu kinh tập thể buổi tối. Con rụt rè nói:

- Thưa ma soeur, con thấy rằng con phải trình bày với ma soeur một việc.

- Con cứ nói.

- Thưa đó là việc đáng tiếc mà Thu Cúc đã làm phiền lòng ma soeur buổi sáng nay. Con tin chắc rằng Thu Cúc không có chủ tâm như thế.

Bà nhíu đôi lông mày lại khi nghe nhắc đến chuyện cũ nhưng rồi bà lại thản nhiên hỏi:

- Có phải Thu Cúc nhờ con nói lại như thế không?

Con luống cuống:

- Thưa ma soeur không phải... con không nghĩ ra điều đó... nhưng... nhưng con tin chắc rằng Thu Cúc cũng muốn như thế.

Bà mỉm cươi giơ tay lên vuốt tóc con và nói:

- Đừng bao giờ nghĩ rằng ai cũng như mình. Mà ta cũng không bắt buộc Thu Cúc phải gặp riêng ta như thế. Có ích gì đâu, trong khi thâm tâm, nó đã nhất định cho là nó đúng rồi.

- Thưa con nghĩ là Cúc chưa nói được hết chủ ý của chị ấy. Con tin rằng không bao giờ Cúc lại đi đả phá những đức tính tốt đẹp của mọi người...

- Nó là một người thích châm chọc, thích khác người, vì nó muốn làm ngược lại mọi người, ngay cả sự làm ngược đó có trái với đạo lý cũng vậy.

- Thưa ma soeur, là người có dịp trò chuyện nhiều với Cúc, con thấy Cúc không đến nỗi như vậy. Dầu sao, Cúc cũng có nhiều tính tốt...

- Điều đó không ảnh hưởng gì đến câu chuyện sáng nay cả. Tính tốt mà làm gì khi ta không xây dựng nó trên lòng thương yêu kẻ khác. Một kẻ ích kỷ như vậy sẽ phải chuốc lấy nhiều sự không hay, và còn làm phiền đến những người khác. Ta chỉ khuyên nó có một điều ấy thôi. Nếu con còn nhận thấy là bạn bè được với nó thì hãy phân tích cho nó thấy...

- Con sẽ hết sức nhắc lại. Và con tin chắc chị ta sẽ gặp ma soeur để cầu xin tha tội cho.

Bà Juliette nhún vai, cười nhếch mép:

- Khỏi cần. Ta không nhiều thì giờ để bận tâm có mỗi việc đó.

Nói rồi bà quay đi. Con cảm thấy hối tiếc về sự đã không nói hết được ý nghĩ của mình. Ôi! Cuộc đời thật là phức tạp. Nhiều khi có những vấn đề mà mình hoàn toàn bất lực không thể diễn tả được những điều mà mình chỉ cảm thấy nhưng không nói ra cho rõ ràng mạch lạc được. Con tin chắc Thu Cúc cũng ở trong cái trạng thái đó. Lòng con bỗng trở nên hoang mang vô hạn. Con tự hỏi không biết mình đã giúp ích cho Cúc hay là đã làm hại thêm nó đây. Dầu sao thì con cũng phải thuyết phục nó đến gặp soeur Juliette một lần, trước khi lá đơn của các bạn cùng lớp được gửi đi. Con trở về phòng giữa lúc mọi người đang có một bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng. Con nhận ra điểm này khi thấy căn phòng im lặng một cách khác thường, khác hẳn với vẻ ồn ào thân mật, ấm cúng mọi ngày.

Thu Cúc ngồi ở chân giường, hai chân thõng xuống đất đu đưa. Mặt nó có vẻ nhâng nháo một cách khiêu khích. Một vài chị ngồi ở xa nhìn lại. Mấy chị ở giường bên thì tảng lờ như chăm chú vào mũi đan, hay trang sách. Không thấy có ai cất tiếng hát bâng quơ như mọi ngày.

Sự xuất hiện của con ở trong phòng đã làm cho bầu không khí hoạt động hơn một chút. Một vài chị quay ra cửa phòng. Thu Cúc cũng quay ra, vẻ mặt dịu dàng hơn. Có chị vất cuốn sách xuống nệm giường ngáp thật to. Tiếng ngáp của chị làm nhiều người bật cười. Sự căng thẳng dịu hẳn đi. Nhưng đồng thời có một tiếng cất lên làm tim con thót hẳn lại:

- Ê! Ai giỏi vocabulaire mách giùm hót là gì?

Có người đáp:

- Chanter! L'oiseau chante là chim hót.

- Người hót cơ!

- Ờ... Ờ... souffler! Được không? Mà ai hót, hót cái gì?

- Cái gì rồi sẽ biết. Cả làng sẽ biết...

Con đứng sững người lại và quay mặt về phía người đang nói. Chị Thu Vân. A! Đúng rồi! Khi con đứng nói chuyện với soeur Juliette thì chị Thu Vân đi ngang qua. Trong ánh mắt của chị, thoáng một vẻ nghi ngờ. Bây giờ thì sự nghi ngờ ấy đã quá rõ rệt qua câu nói bóng bió của chị. Con thấy ngay rằng không thể yên lặng để chịu đựng một sự nhục nhã như thế. Không lưỡng lự, con tiến lại phía chị và hỏi ngay:

- Chị Thu Vân, chắc chị không ám chỉ em đấy chứ?

Mắt Thu Vân thoáng một tia bối rối. Nhưng rồi chị ta trấn tĩnh được ngay và mỉmmột nụ cười khinh bỉ:

- Ám chỉ cái gì? Tôi đang học vocabulaire. Chị làm gì mà chị động lòng?

- Em không làm gì cả. Nhưng em biết khi hỏi như thế tức là chị có ngụ ý. Em xin nói thẳng em đi gặp soeur Juliette và nói về chuyện chị Thu Cúc thật đấy.

Tất cả mọi người trong phòng vụt ồn lên trước điều phát giác bất ngờ đó. Nhất là mấy chị chủ chốt trong cái vụ thảo đơn xin đuổi Thu Cúc. Hình như họ cho ngay rằng việc làm đó đã phá hỏng công việc của họ. Một chị la lên:

- Đồ hớt lẻo!

Nhưng con còn la to hơn:

- Ai hớt lẻo? Thế nào là hớt lẻo? Chị đã nghe thấy em nói với ma soeur Juliette những gì chưa?

Chị Vân Anh, vâng chính chị Vân Anh cãi lại:

- Em không cần nghe cũng biết rằng tiết lộ công việc chung của mọi người là một điều xấu.

- Không có ai tiết lộ với ai cái gì cả. Việc của các chị, các chị cứ làm. Em không ký nhưng em xin thề là em cũng chẳng nói điều đó với ai.

Vân Anh dịu giọng lại, hỏi:

- Thế chị nói gì khi gặp riêng bà Juliette?

- Em bào chữa cho Thu Cúc. Ma soeur hiểu lầm Thu Cúc, mọi người cũng vậy.

Một chị khác la lên:

Ma soeur không lầm. Không bao giờ ma soeur lầm lẫn cái gì cả.

Một người nữa tiếp theo:

- Câu chuyện rõ ràng như thế, chỉ có mơ ngủ mới có thể lầm được.

Con nhún vai:

- Chúng mình khỏi cãi cọ. Bằng cớ là Thu Cúc sẽ lên gặp ma soeur để nói về chuyện đó. Và Thu Cúc sẽ xin lỗi ma soeur về sự đã làm ma soeur phiền lòng. Có phải như thế không, chị Thu Cúc?

Thu Cúc vẫn đu đưa hai chân trên thành giường, và Thu Cúc đáp lại bằng một giọng thản nhiên:

- Nếu bà ấy muốn!

Mọi người ồ lên, vẻ mặt rạng rỡ như vừa túm được cái chân lý đã xuất hiện bất ngờ. Về phần con, con cảm thấy như Thu Cúc đã dội một gáo nước lạnh vào mình. Con tiến lại phía Thu Cúc, nắm lấy tay nó và nói:

- Thu Cúc! Không phải như thế. Nhất định Thu Cúc không bao giờ có ý nghĩ như thế. Tất cả là do cái tính bướng bỉnh của Thu Cúc mà ra phải không?

Con hy vọng Thu Cúc sẽ biết điều hơn một chút nữa, ít ra là trong giâu phút này. Đó là nghệ thuật sống trong một đám đông tập thể để không bị phiền nhiễu, xua đuổi, hay hận thù. Nhưng vẻ mặt ngạo nghễ của Thu Cúc vẫn còn đó. Và hình như Thu Cúc lại cố làm ra vẻ ngạo nghễ hơn. Nó nhìn quanh mọi người một lượt như thách đố. Rồi nó mỉm cười, nụ cười nửa như khinh bỉ, nửa như chua chát, nụ cười mà chỉ những người đồng cảnh ngộ như Cúc mới tạo được thành. Rồi Cúc nói:

- Cho đến chết thì tôi vẫn cho rằng tôi đã viết ra rất đúng ý nghĩ của tôi. Tình thương nhân loại, thiện chí... có đấy nhưng chỉ một phần nhỏ. Còn thì chỉ toàn một lũ a dua làm đỏm vậy!

Nói xong, Thu Cúc nhỏm phắt dậy. Mắt nó đảo lên nhìn ngần ấy khuôn mặt chưa tan vẻ vừa giận dữ, vừa ngỡ ngàng. Rồi chợt Thu Cúc chỉ về phía một người và hỏi:

- Chị Lan Anh, tại sao tuần vừa rồi chị không tới Viện Cô nhi?

Mặt Lan Anh vụt đỏ bừng lên, chị ta đáp một cách khó nhọc và lúng túng:

- Chủ nhật tuần qua... Tôi... xem nào... tôi bận...

Thu Cúc nhếch một nụ cười. Ngòn tay của nó lại hướng về một phía khác:

- Còn chị Thu Tâm, chị đã tới cô nhi viện được bao nhiêu lần?

Thu Tâm giật bắn người lên như vừa dẫm chân phải con rắn. Mặt chị ta xám ngoẹt đi. Chị ta ấp úng điều gì không ai nghe rõ. Nhưng Thu Cúc không cần nghe câu trả lời. Ngón tay quái ác của nó đã chĩa thẳng về phía Đoan Trang và nó hỏi:

- Còn chị? Trong một tuần, bao nhiêu lần chị nghĩ đến bọn trẻ mồ côi? Bao nhiêu lần chị thấy rằng chị đã sung sướng hơn kẻ khác và phải làm một sự gì cho họ...

Đoan Trang chưa kịp nói năng gì thì tất cả mọi người đã nhất tề phản ứng lại cái trò đặt câu hỏi tai ác ấy. Có nhiều tiếng nhao nhao lên:

- Dẹp đi! Chị Thu Cúc lấy quyền gì mà hạch người ta như hạch tội nhân vậy?

Một người khác la to:

- Nếu như thế thì chúng tôi cũng hỏi chị xem chị đã đi Cô nhi viện bao nhiêu lần, chị nghĩ đến người xấu số bao nhiêu lần trong một ngày...

Cả bọn liền hùa theo:

- Phải đấy, bắt người khác trả lời được thì mình cũng phải trả lời được...

Thu Cúc điềm tĩnh nhìn mọi người rồi thản nhiên đáp:

- Đối với tôi, lũ trẻ mồ côi một đôi khi cũng đem lại cho tôi sự xúc động. Nhưng sự xúc động không đến nỗi phải diễn tả bằng những danh từ lớn lao như tình nhân loại, lòng yêu thương, sự thiện chí hay nhiệt thành. Tôi đến với lũ mồ côi không phải do lòng tôi bắt buộc tôi phải đến, hay như một thứ nhu cầu không có không được. Nhưng tôi đến là vì tôi thấy nó hay hay. Cũng như tôi đã vào rạp chớp bóng xem một phim hay hay vậy. Và cái hay đó sẽ có một ngày tôi chán. Khi đó tôi sẽ không bước chân trở lại nơi đó nữa. Có thể tôi là một đứa bất nhân, có thể tôi là một đứa ích kỷ, nhưng chắc chắn tôi không phải là đứa nói dối, a dua, hay làm ra vẻ ta đây đạo đức, thánh thiện.

Nói một hơi xong, Thu Cúc bỏ đi thẳng ra cửa phòng. Trong khi ấy, mọi người như bị rơi vào một sự ngỡ ngàng. Điều đó khiến chẳng ai lên tiếng tiếp theo và căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường. Chỉ có tiếng gót giầy của Thu Cúc lóc cóc gõ trên nền đá hoa phẳng và lạnh. Lúc Thu Cúc vừa lách qua khỏi cánh cửa thì con vùng lên chạy theo. Hai đứa chúng con gặp nhau ở dưới mái hiên nhìn xuống sân cỏ. Thu Cúc nhẩy tót lên thềm tường hành lang và ngồi bó gối nhìn ra phía bể phun nước. Có tiếng nước chẩy róc rách trong đêm vắng. Trời tối đen. Gió hơi lạnh, nhưng con cảm thấy nóng nực. Những giây phút căng thẳng vừa qua khiến con mệt nhoài, mồ hôi thấm ướt cả chân tóc và lưng áo. Con tiến lại phía sau Thu Cúc, choàng tay lên vai nó một lúc rất lâu rồi mới cất tiếng:

- Có thể những câu nói đó là sự thật. Nhưng cái sự thật có giúp ích gì thêm cho ai đâu.

- Có chứ! Cho những đứa a dua tịt ngòi để chúng chừa bớt cái thói chỉ biết nhìn vào lỗi lầm của người khác mà không nghĩ gì đến lỗi mình.

- Nhưng đồng thời nó cũng làm nản lòng người khác trong các công việc từ thiện của họ. Ừ, thì cứ cho là họ làm việc thiện là một phương cách giải trí đi. Nhưng là cách giải trí tốt đẹp biết bao, đáng khuyến khích biết bao. Về mặt tinh thần, Cô nhi viện mà chúng mình đang hoạt động cải thiện rất nhiều. Chính họ đã đem đến cho các em nhỏ nguồn vui. Cho dù nguồn vui của họ là do sự giả tạo mà có. Nhưng bọn trẻ nhỏ đã thực tình sung sướng bằng nguồn vui ấy. Thế là đủ rồi.

- Nhưng rồi cái tốt đẹp ấy sẽ kéo dài trong bao lâu?

- Ai mà có thể biết trước được ngày mai thế nào. Hãy cứ cố gắng trong hiện tại và cầu nguyện cho ngày mai.

- Thà nói như thế còn nghe được. Còn xuôi tai hơn là những luận điệu a dua của chúng nó.

Con mừng rỡ:

- Vậy ngày mai hãy đi gặp bà Juliette nhé?

- Để làm gì?

- Xin ăn năn những gì đáng tiếc đã xẩy ra.

- Nhưng bà ấy có nghĩ như mình đâu. Bà ấy cho là tới phá hoại.

- Thì thế mới phải ăn năn.

- Phải ăn năn cả những điều mình không làm hay sao? Luật Chúa nào dạy mày vậy?

- Lậy Chúa, con nhỏ này ăn nói lạ lùng không.

Thu Cúc bĩu môi:

- Lạ lùng cái gì! Mỗi khi người ta nói thật, nói thẳng thì hay kêu là ăn nói lạ lùng, kỳ cục. Còn những đứa xoen xoét cái mồm, mở miệng ra nghe ngọt như đường thì đi đâu cũng được khen là nết na, khéo léo. Nếu có lạ thì lạ ở chỗ đó đó. Có phải như vậy không?

- Chẳng bao giờ như vậy cả. Chúa đã dạy không được ăn gian, nói dối thì những lời nói thực phải được khuyến khích và tuyên dương chớ.

- Chẳng có ai u mê, và ngây thơ đến độ dưới cả cừu non như mày. Nhưng mà thôi, tao cũng chẳng tiêm nhiễm cho mày những ý nghĩ đó làm gì. Bây giờ mày bảo tao phải làm những gì?

- Hãy lên gặp ma soeur Juliette.

- Rồi sao nữa?

- Xin bà tha thứ cho tất cả những gì đã xẩy ra.

- Nhỡ bà ấy không chịu thì sao?

- Không bao giờ bà không chịu cả. Các soeur rất hiền từ. Bao giờ các soeur cũng sẵn sàng tha thứ cho những kẻ biết sửa mình.

Cúc nhún vai:

- Xin lỗi thì tao xin lỗi. Chớ sửa thì tao không sửa. Tao có sai lầm gì trong vụ đó đâu mà sửa với chữa.

- Mày ương ngạnh lạ. Không muốn sửa thì cứ nói như vậy cho êm đẹp.

Cúc reo lên:

- A! Nếu vậy là chị dụ dỗ tôi ăn gian nói dối đó nhé!

Con bỗng đỏ bừng mặt lên, và cảm thấy xấu hổ thực sự trước câu nói đùa cùa Cúc. Con ấp úng:

- Ờ... đâu có phải vậy... đâu có phải vậy... nghĩa là...

Cúc nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của con và nói bằng giọng dịu dàng, âu yếm:

- Nói giỡn vậy thôi, chớ tao xin nghe lời mày hết. Tao nghe lời là vì mày, chỉ vì mày đó thôi. Còn các bà sơ, tao m' en fou!



12


Ngày 18 tháng 2

Thưa mẹ bề trên,

Câu chuyện đáng tiếc xẩy ra về Thu Cúc đã được giải quyết một cách tương đối êm đẹp. Con chỉ dám dùng chữ tương đối thôi. Bởi vì Thu Cúc đã thực sự bày tỏ lòng thành khẩn hối lỗi của nó với ma soeur Juliette, tuy bà Julitette đã đích thân can thiệp với hội đồng kỷ luật nhà trường để lá đơn khiếu nại về hành động vô lễ của Cúc được xếp lại, và Thu Cúc chỉ bị phạt nhẹ có hai ngày ăn cơm với muối trắng, nhưng sự xung đột ngấm ngầm giữa Cúc và các bạn cùng lớp đã trở nên trầm trọng. Hầu như trong lớp không còn ai ngoài con ra, nói chuyện với Cúc. Họ đã giam Thu Cúc vào tấm lưới của sự cô đơn. Trong giờ học, giờ ăn, giờ chơi, nếu không có con ở gần, thì Thu Cúc sống hoàn toàn với sự thầm lặng của nó. Thật là kinh sợ. Nếu ở địa vị con, con sẽ ngộp thở luôn trong bầu không khí nặng nề và khốn khổ đó. Nhưng Thu Cúc vẫn hay cười. Cười một mình. Nụ cười mới chua chát khinh mạn làm sao. Có lẽ chính nhờ ở sự chua chát và khinh mạn ấy mà nó có thể kéo dài được quãng thời gian buồn nản ở trong nội trú đầy mâu thuẫn và chống đối này. Bây giờ Thu Cúc đã dành tất cả thì giờ rỗi rãi vào việc học hành một cách chăm chỉ hơn. Ngoài ra, Cúc để tâm hết sức vào ngành nhạc mà nó ôm mộng theo đuổi. Ma soeur Félicité dành cho Cúc mỗi tuần ba buổi chiều, mỗi buổi một giờ rưỡi để huấn luyện cho Cúc về xướng âm pháp. Một buổi tối khi con đến vấn an ma soeur Félicité, mẹ đỡ đầu của con đã nói:

- Cúc nó rất thông minh và có khiếu về âm nhạc. Nhưng không bao giờ nó trở thành một nhạc sĩ như mình mong muốn. Tâm hồn của nó phá phách, dồn nén, và nó sẽ không dùng âm nhạc để phụng sự Chúa đâu.

Con lo lắng hỏi:

- Thưa ma soeur, nhưng rồi nó vẫn được tiếp tục theo học nhạc chứ?

Bà mỉm cười hiền hậu:

- Tất nhiên. Soeur không hẹp hòi gì mà không hướng dẫn thêm cho nó về kỹ thuật. Nhưng chắc chắn sau này nó chỉ trở thành một nhạc sĩ của những con người còn lạc lõng bơ vơ chưa tìm thấy nguồn an ủi trong ánh sáng của Chúa.

- Con sẽ khuyên nhủ nó dần dần...

- Hãy chỉ giữ vững niềm tin của con là soeur thấy đã giỏi lắm rồi. Bởi vì tiếng nhạc của nó sẽ vô cùng quyến rũ, thế giới suy tư của nó sẽ vô cùng gần gũi với đời sống mà con sẽ phải tiếp xúc sau này. Và cũng đừng nên trách nó làm gì, bởi vì chính soeur, soeur cũng phải vật lộn với những điều đó suốt bao nhiêu năm trời mới có được niềm tin vững chãi như ngày nay.

- Thưa ma soeur, những lời ma soeur nói làm con cảm thấy run sợ. Thực sự, lòng tin của con không vững chút nào. Nhiều khi quan sát hành động của Cúc, con thấy nó có lý vô cùng. Nhưng một tiếng nói cao siêu nào đó lại bắt c on phải nghĩ rằng nó vô lý, nó lầm lẫn, nó còn mê muội. Vì thế con dễ bị sa vào sự xâu xé giữa hai sự kiện ấy và nó đã khiến cho con độ này không được sống yên ổn.

Bà Félicité vuốt khẽ mái tóc của con rồi mỉm cười hiền từ:

- Đó cũng là tâm trạng của soeur ngày xưa. Nhưng soeur có thể nói chắc với con một điều này, khi một bà mẹ thai nghén một đứa con, bà ta phải chịu nhiều nỗi đau đớn dằn vặt. Khi một nghệ sĩ sáng tạo một nghệ phẩm, hắn ta phải thao thức, suy tư và vật lộn với nhiều tư tưởng vò xé trong đầu. Thì, khi con người muốn tạo cho mình một cuộc sống lý tưởng toàn mình dưới chân Chúa toàn năng, con người ấy cũng phải trải qua những giai đoạn vò xé tương tự. Vậy thì hãy noi gương thánh Gabriétée Adolorota hiển tu. Trải qua một thời kỳ tuổi trẻ phóng túng, người vẫn giác ngộ để ngắm tượng Chúa thọ nạn mà khổ tu để rồi toàn mình. Nếu con biết gìn giữ niềm tin qua mọi sóng gió, thử thách, con sẽ cũng tìm thấy hạnh phúc chân thật.

*

Thưa mẹ bề trên,

Những lời khuyên bảo của soeur Félicité thật là quí giá đối với tâm hồn giao động của con lúc này, bởi sự sút giảm trông thấy số các chị tham gia vào công tác từ thiện mà chúng con đang thực hiện tại Viện Cô Nhi. Chủ nhật tuần này chỉ có ba chị hiện diện. Thu Cúc cũng không tới nữa. Nó nói:

- Không còn lý do gì để cầm chân tao với họ nữa cả. Hãy để cái mầm chia rẽ, phá hoại hôi thối này tách xa đám người thánh thiện đó. Nói như thế không có nghĩa là tao bỏ rơi mày đâu. Chẳng qua là mày đã có bạn đồng hành. Rất nhiều là khác. Cho nên tao chờ đến lúc nào máy cảm thấy cô đơn, không còn ai tiếp tay mày nữa, chừng đó Thu Cúc này sẽ trở lại. Ôi, cuộc đời còn dài, vội vã gì đâu. Nếu có cần chạy thi nhau để tới được chân Chúa của mày thì tao để cho họ chạy trước. Xấn xổ chen lấn nhau làm gì, chỉ tổ vướng chân tụi nó, rồi cuối cùng nếu chẳng thấy Chúa đâu, chúng nó lại bảo tại tao thì tao làm sao gột hết tội để lên thiên đàng được.

Thế là với luận điệu đó, Thu Cúc rút lui thực sự. Nó để thì giờ rảnh rỗi chuồn đi chơi với Sơn, người mà lần đầu tiên, nó nhận làm tri kỷ. Sơn tốt nghiệp kịch nghệ rồi thất nghiệp, nói đúng hơn, thất nghiệp cái nghề mà Sơn vừa chấm dứt việc học tập. Ở Việt Nam bây giờ chưa có nghề đạo diễn. Thích thì học. Học rồi chẳng áp dụng được gì. Sơn quay ra đi làm cho một rạp chớp bóng lớn ở Thủ Đô. Đó là một chân vẽ quảng cáo. Nhìn vào bức họa cao năm sáu thước, dài mười mấy thước treo sừng sững ở cửa rạp, con mới thấy là Sơn có tài. Nét bút linh hoạt, bay bướm, biến được những mảng mầu vô tri thành ra tiếng nói. Chỉ tiếc là tiếng nói đó bị giới hạn trong phạm vi quảng cáo của một cuốn phim nên ý nghĩa không được nhiều. Nhưng con tin rằng với tài năng ấy, với tâm hồn ấy, Sơn sẽ là một họa sĩ tài danh trong tương lai, khi mà hoàn cảnh cho phép anh ta được hoạt động tự do hơn.

Trong khi ấy, công việc của Viện Cô Nhi mỗi ngày một nhiều. Sĩ số trẻ mồ côi so với mấy tháng trước đã tăng gần gấp rưỡi. Mọi người bận bịu suốt ngày, không còn thì giờ trống để nghỉ ngơi. Chị Yến đã trở nên một kẻ nhăn nhó thường trực và ông Bình thường xuyên là nạn nhân của sự nhăn nhó đó. Bây giờ, công việc của ông ta không còn thuần túy là một y tá phát thuốc nữa. Chị Yến bắt ông ủi đồ, pha sữa, thay tã lót, thậm chí có khi chị còn bắt ông phụ một tay để giặt đồ cho trẻ con nữa. Mà nào ông có được gì. Chung qui, vì chưa quen việc, làm ăn lóng ngóng, ông ta vẫn bị chị Yến la lối suốt ngày. Mỗi lần bị ức hiếp như vậy, ông chỉ nhe hàm răng ngựa ra cười rồi bắt chước cái nhăn nhó trên khuôn mặt nhăn nhó của chị Yến và chọc giận chị ấy thêm:

- La tôi thì béo thêm được mấy kí mà sao cứ la hoài vậy.

- Làm ăn như vậy, làm sao không la. Đầu óc ông để đâu? Nói một đằng, xằng một nẻo.

- Tui để ở đó đó!

Chị Yến lườm:

- Đó là đâu?

- Đố biết!

- Ai thèm biết làm gì.

- Thiệt hôn?

- Thiệt chớ bộ!

- Thế thì thôi. Còn hỏi làm chi

- Nói thế chớ tôi biết thừa đi rồi.

- Đâu? Nói thử coi?

Chị Yến mỉm cười:

- Thì để ý vào cô Bẩy vẫn giao bánh mì tới đây chớ gì?

Ông Bình cười hềnh hệch:

- Đúng quá! Đúng quá! Sao mà cô tinh đến thế được.

Chị Yến có vẻ tức:

- Thiệt hả? Ông để ý đến cô ấy đến thế kia à?

- Chớ sao!

- Hừm!

- Cái gì "hừm"?

- Cái gì mà chẳng được. Bộ khó chịu lắm sao? Nếu ông khó chịu thì bỏ hết việc đi, tôi không thèm nhờ nữa.

Ông Bình giật mình:

- Ô hay giận hả?

- Ai thèm giận cái mặt ông làm chi.

- Tôi xin lỗi.

- Xin lỗi cô Bẩy đó!

- Trời ơi nói đùa một chút cho vui. Chớ tôi mà để ý tới cô Bẩy thì tôi chít.

- Hay chưa! Ông để ý tới ai thì mặc ông chớ. Can chi lại đi thề thốt với tôi.

Ông Bình vò đầu bứt tai:

- Khổ quá! Khổ quá!...

- Ờ! Bộ nói chuyện với tôi cực lắm hả. Thôi, mai mốt đừng nói gì nữa là hơn.

Ông Bình lên giọng triết lý:

- Khổ thì cũng có nhiều thứ khổ. Có thứ khổ không chịu được, cũng có thứ khổ dễ chịu, muốn khổ mãi, khổ hoài...

Chị Yến bật cười:

- Cái khổ nào lại là cái khổ dễ chịu, muốn khổ mãi, khổ hoài...

- Này nhé. Tình yêu có phải là một sự khổ không?

Chị Yến hơi đỏ mặt:

- Ai mà biết được cái đồ quỉ đó.

Ông Bình mỉm cười:

- Ừ, thế lấy thí dụ khác vậy. Mình làm ở đây có khổ không?

- Khổ chứ sao lại không.

- Có ai bắt mình phải chôn chân ở đây không?

- Ai mà bắt được tui.

- Đó! Đó! Thế thì có phải là cô đã khổ, mà lại cứ muốn khổ mãi khổ hoài không?

Chị Yến ngẩn ra một lát rồi nói:

- Mà điều đây là mình vì lũ nhỏ, chúng nó mồ côi.

- Thì đó cũng là một thứ tình yêu. Tình yêu đồng loại.

- Ông tán giỏi một cây!

Ông Bình phá lên cười. Ông nhìn thẳng vào mặt chị Yến làm chị ấy lúng túng. Mà hễ cứ lúng túng một sự gì là chị lại níu lấy con để đánh trống lảng. Chị ấy nói to về phía con lúc ấy đang cho trẻ con ăn sữa ở góc phòng:

- Thế còn cô Hạnh? Hạnh ơi! Chừng nào cô chán cái trò chơi vất vả này?

Con mỉm cười:

- Em ấy à. Em thì không quan niệm đây là trò chơi, mà là bổn phận. Đã gọi là bổn phận thì không có quyền nói chán được.

Ông Bình reo lên:

- Hoan hô cô Hạnh! Phải quan niệm như thế mới là đúng.

- À! Thế ra anh em nhà ông về hùa với nhau để cạo tôi đó có phải không? Còn tôi, tôi bảo là trò chơi đó.

Ông Bình thở dài:

- Ôi! Với những người ương ngạnh như cô thì nói gì mà chẳng được. Điều cần thiết là cô vẫn làm. Làm hơn ai hết.

- Không khiến ai nịnh.

- Tôi mà nịnh?

- Nói như thế có phải là một cách nịnh không Hạnh?

Con trả lời:

- Ông Bình thì vẫn là người khéo léo xưa nay...

Chị Yến bật lên cười:

- Thấy chưa! "Cô giáo" đã nói thì nói văn hoa. Cô ấy dùng tiếng "khéo léo" là để ám chỉ cái thói xấu của ông đó.

Ông Bình trả lời:

- Tôi thiết nghĩ con người ta có nhiều thói xấu. Có những thói xấu nên bỏ, mà cũng có thói xấu đáng yêu nên giữ. Ca tụng một người đàn bà là một thói xấu đáng yêu nên giữ lắm chứ.

Chị Yến ngúng nguẩy:

- Thôi đi, ông lại sắp sửa tán hươu tán vượn bây giờ đó. Xuống coi giùm tôi xem mấy chị làm phiên chót đã tới chưa để tôi còn nhờ ít việc đây.

Ông bình vừa lủi thủi đi ra, vừa phân bua một mình:

- Má nhỏ tôi đó! Má nhỏ sai tối ngày!...

Thưa mẹ bề trên,

Những mẩu đối thoại dấm dẳn giữa hai người cứ kéo dài như vậy suốt ngày, cũng khiến cho thời giờ qua mau hơn và bớt đi được nhiều nặng nhọc. Nhưng việc nặng nhọc nhất theo ý con vẫn là việc thúc đẩy bé Thục tiến triển thêm về sự biểu lộ tình cảm bằng ngôn ngữ và cử chỉ. Bây giờ, Thục đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Nhất là ở tia nhìn của nó. Nhìn vào mắt Thục, con đã biết được Thục vui hay buồn, thích thú hay giận dỗi, và đặc biệt nhất là nó đã biết đòi hỏi cái này, cái kia. Thật trái với ngày trước, không bao giờ Thục tỏ ý muốn một điều gì cả, suốt ngày vẻ mặt nó lúc nào cũng rầu rầu, mắt nhìn lơ đãng chẳng chớp, con ruồi đậu trên mép cũng không buồn xua đuổi, trông nó không khác gì một đứa trẻ đã bị quỉ dữ đoạt mất linh hồn. Nếu mẹ được chứng kiến khuôn mặt của nó bây giờ chắc mẹ cũng sẽ hài lòng về công trình của chúng con đã hứa để vì mẹ mà thực hiện. Nước da của Thục trắng và hồng hào. Cặp mắt của nó đen láy, một đôi khi sáng lên cái ánh sáng của một vẻ thông minh bắt đầu chớm nở trong tâm hồn phẳng lặng của nó. Những lúc Thục vui sướng vẻ mặt của nó trở nên rạng rỡ hơn, riềm mi mở thật lớn không chớp, hai làn môi mấp máy như muốn phát biểu tiếng nói đầu tiên của mình. Nhưng Thục chưa nói được. Lâu lâu nó mới chỉ cất được những tiếng u ơ. Con cũng ít được thấy Thục cười, dù chỉ là một nụ cười nhếch mép. Niềm vui của nó một đôi khi chỉ biểu lộ qua ánh mắt. Nhưng kể như vậy cũng đã là tiến bộ rất nhiều sau những tuần lễ cố gắng của chúng con. Nhớ lại ngày đầu tiên gặp nó, con chỉ thấy Thục là một đứa trẻ không hồn, vô cảm giác, hờ hững với tất cả mọi sự việc chung quanh. Dầu sao, chúng con sẽ còn cố gắng thật nhiều nữa, để vun trồng lấy một bông hoa, một bông hoa quí báu nhất trong tất cả mọi bông hoa trên đời mà con đã được gặp. Bông hoa sẽ chào đón một tâm hồn bé bỏng đi vào một thế giới khác, ở đó không còn có mặc cảm, không còn có sợ sệt, rụt rè, đau khổ hay thiếu thốn.

Thưa mẹ bề trên, bông hoa quí báu ấy chính là nụ cười hồn nhiên trên đôi môi bé bỏng của Thục vậy.

______________________________________________________________