Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

CHƯƠNG 13, 14, 15_TAY NGỌC


13


Ngày 28-12

Thưa mẹ bề trên,

Con vô cùng hân hoan và sung sướng khi nhận được lá thư do chính tay mẹ viết gửi cho con nhân dịp lễ giáng sinh vừa qua. Con không thể diễn tả được sự xúc động đã dâng trong lòng con đến như thế nào, nhưng con đã nhỏ những giọt lệ sung sướng và cảm động trên những hàng chữ thân yêu của mẹ, trên những lời huấn từ êm ái và khả kính mà mẹ bề trên đã ban cho con một mùa giáng sinh đầy đủ nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc sống mồ côi của con từ trước đến nay. Con đã đem chia xẻ vinh dự này với ma soeur Félicité. Ma soeur cũng sung sướng, cảm động và nói với con:

- Đây là phần thưởng cao quí nhất và xứng đáng nhất mà mẹ bề trên đã dành cho những cố gắng của con. Ta chia vui với con về điều đó và mong con cố gắng hơn nữa để khỏi phụ lòng tin yêu và sự săn sóc đặc biệt của Người vì chỉ riêng con mới được cái vinh dự ấy mà thôi.

Trong cái tâm trạng vô cùng vui sướng ấy, con đã trải qua những ngày nghỉ lễ thật là tuyệt diệu. Đêm giáng sinh con cùng chị Yến và ông Bình đi lễ nhà thờ. Con định xin phép chị Yến cho cả em Thục cùng đi nữa. Nhưng nghĩ lại, làm như thế sẽ có vẻ bất công đối với những đứa cùng cảnh ngộ như Thục nên con chỉ ở chơi với Thục và toàn thể chúng nó đến hơn mười giờ mới ra đi. Nhà thờ quá đông, chen chân không được, nên loanh quanh một hồi lâu thì con lạc mất hai người. Con không lấy làm tiếc gì về điều đó lắm. Sự hiện diện của con trong những phút đầu đã đầy đủ để cho họ bớt ngượng ngập. Về sau, nhiều khi con có cảm giác thừa thãi trong thế giới thương yêu của họ.

Chính vì thế mà sự đi lạc lối lại là một điều hay, giải thoát sự trói buộc cho con và cho họ. Con đã nhìn lên những ngọn đèn ngôi sao sáng chói trên nóc nhà thờ để cầu nguyện cho hạnh phúc của hai người. Lòng con sung sướng, tràn ngập niềm vui, như niềm vui của họ chính là của con vậy.

Sau đó, do một sự tình cờ con bắt gặp Thu Cúc và anh Sơn trên một đường phố đông người. Thu Cúc mừng quá và con bé la lối như người hét lên. Chúng con ôm chầm lấy nhau như thể đã xa nhau hàng đời. Từ đó Cúc không cho con rời ra nữa. Cúc giới thiệu anh Sơn với con như là người yêu của nó. Mặt Thu Cúc rạng rỡ hẳn lên, và sắc đẹp của Cúc như càng thêm lộng lẫy. Còn anh Sơn thì chỉ mỉm cười. Nụ cười hiền từ, dễ dãi của một người đầy vẻ phóng khoáng và rộng lượng. Họ có vẻ đẹp đôi. Có lẽ chỉ những nghệ sĩ kiểu như Sơn mới phù hợp với bản tính sôi nổi, thẳng thắn, nhiều khi cay chua đến nghiệt ngã của Thu Cúc, điều mà ít người có thể chịu đựng nổi. Anh Sơn mời chúng con vào uống nước ở một tiệm kem rồi cả ba người kéo nhau ra ngồi trên kè đá ngoài bờ sông. Thu Cúc ném những hòn sỏi nhỏ xuống mặt nước êm đềm rồi nhìn sang vùng ánh sáng bên kia bờ mà thổ lộ dự tính tương lai của hai người. Anh Sơn sẽ sửa soạn những họa phẩm sáng tác của anh cho một phòng triển lãm chung với hai người bạn trẻ. Vừa là đạo diễn, vừa là họa sĩ, hai điều đó không có gì là tham lam và chống đối nhau cả, Thu Cúc nói thế, và cô bé hy vọng Sơn có thể làm được nhiều hơn là tự anh ta xét đoán, nếu có sự khuyến khích khôn ngoan của Cúc. Những lời nhiệt thành của Cúc (Cúc làm như những phòng triển lãm của anh đã khai mạc và thành công ồn ào như giọng ồn ào của nó rồi) đã khiến cho anh Sơn bối rối một cách ngượng nghịu. Anh phải hãm bớt cái đà nhiệt thành của người yêu lại.

- Đấy là trí tưởng tượng phong phú của Cúc, cô Hạnh đừng có quá tin. Nếu thành công nào cũng quá dễ dàng như thế thì cuộc đời này đã có vô số những thiên tài.

Cúc cãi lại:

- Nhưng anh là một thiên tài, hay ít nhất đối với em, anh là một thiên tài.

Rồi Cúc phân bua:

- Hạnh thử nghĩ mà xem, gặp nhau vừa đúng hai tuần, anh ấy đã vẽ lại hình Cúc trên một bức tranh sơn dầu tuyệt tác.

Sơn cãi:

- Nhưng đó là sự thúc đẩy của... tình yêu. Anh không thể vẽ được người nào khác như thế nữa.

Cúc mỉm cười:

- Thế thì từ nay tình yêu sẽ thúc đẩy anh thật nhiều. Anh không có quyền lựa chọn tự do cho mình nữa. Anh đã chui vào rọ của tình yêu rồi.

Sơn ngượng nghịu đánh trống lảng:

- Thế còn cô Hạnh? Cô có ước vọng sẽ làm gì không?

Rồi Sơn chỉ lên bầu trời:

- Kia kìa! Có một vì sao sáng nhất ở trên cột buồm cao nhất kìa. Tôi xin dành vì sao ấy cho sự ước nguyện của cô.

Thu Cúc cãi lại:

- Đã ước thì phải chờ sao đổi ngôi mới ăn thua chớ.

Sơn mỉm cười:

- Chẳng cần. Cứ tìm một vì sao sáng nhất mà ước, thì cái điều ước đó sẽ chói lọi như thế, không thua. Nào, cô Hạnh, sau này cô muốn trở nên cái gì?

Con cảm động thực sự và áp hai tay lên ngực như nén sự hồi hộp của mình. Rồi con nói như mơ:

- Hạnh ước sẽ viết được thật hay để thành một nhà văn in được sách của mình.

Sơn cười:

- Đã thành nhà văn thì tất nhiên là in được tác phẩm rồi. Mà cái đó thì cô chẳng cần ước cũng sẽ thành sự thực. Bởi vì nghe Cúc nói, cô viết văn rất hay lại có một tâm hồn rất phong phú.

- Cúc nói giỡn vậy thôi chứ chưa bao giờ tôi nghĩ là tôi viết văn cả. Bởi vì viết văn chắc phải khác ghê lắm. Tôi mới tập làm văn thôi.

- Như thế nào là tập làm văn?

- Nghĩa là... nghĩa là viết bậy bạ, gặp gì viết đó, nghĩ gì thì tả ra thế đó.

- Ồ! Như thế là cô đã nắm được cái bí quyết thành nhà văn rồi. Bởi vì một nhà văn có tài không bao giờ nghĩ là họ đang viết văn cả. Họ rất thành thật. Họ chỉ diễn tả những cảm nghĩ thành thực của họ. Cái thế hệ của loại văn bay bướm, vẽ vời hoa lá đã qua rồi.

Cúc xen vào:

- Nếu nói như anh Sơn thì em viết văn cũng được. Nghĩ gì viết nấy. Như thể bây giờ em đang đói thì em viết ra là em đang đói. Rồi em muốn đi ăn mì, em sẽ viết ra là em muốn đi ăn mì...

Sơn mỉm cười:

- Đúng! Đó là phần hình thức diễn tả của tác phẩm. Hình thức chuyên chở nội dung từ người viết đến người đọc. Viết càng dễ hiểu bao nhiêu, người đọc càng dễ thâu nhận bấy nhiêu.

Cúc hỏi:

- Thế còn nội dung?

- À! Đó là một vấn đề trọng đại. Nếu cô chỉ nói toàn chuyện đói, muốn đi ăn mì thì tác phẩm của cô sẽ chẳng có gì cần phải chuyên chở tới người đọc cả. Ít ra là cô phải suy tư, và rồi cô lại thấy cần gửi gấm sự suy tư của cô vào tác phẩm để chuyển tới người đọc, chừng đó cô hãy nên cầm bút...

Thu Cúc bí câu trả lời nên kêu lên:

- Anh nói như Thánh Thán. Làm như anh đã là văn sĩ trứ danh đại tài rồi...

Sơn đáp:

- Ở những bộ môn nghệ thuật thì kỳ cục lắm. Thường thường người ta nói được mà làm không được. Bởi thế mới có những nhà phê bình. Người phê bình tranh có cần phải vẽ được tranh đâu.

Cúc reo lên:

- Như vậy về sau em làm nhà phê bình sướng hơn, chẳng cần phải làm gì mà tha hồ nói...

Sơn củng lên đầu người yêu một cái:

- Cô tưởng nói mà dễ à. Nói đúng thì được chớ nói sai thì người ta gõ lên đầu cho.

Thu Cúc nũng nịu:

- Nếu như vậy thì anh bảo em sẽ làm gì?

Sơn nhìn Cúc âu yếm:

- Sois-belle êt tais-toi!

Cúc kêu lên:

- Anh đừng có tưởng! Em sẽ không gà tồ như nhân vật mà Mylène Démongeot diễn tả trong cái phim đó đâu.

Sơn mỉm cười:

- Nói đùa vậy thôi. Chứ anh thì vẫn thích nghe Cúc hát. Nhất là bài "Giấc mơ hồi hương" của Vũ Thành.

Thu Cúc nhìn anh mỉm cười thân yêu rồi cất giọng hát nho nhỏ. Âm thanh nhẹ nhàng tan vào không gian yên tĩnh gây nên một nỗi bâng khuâng, man mác. Trong tiếng hát dìu dặt đó, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Anh Sơn trở nên xa vắng. Thu Cúc như đắm đuối trong tình yêu thương trọn vẹn. Riêng lòng con, một nỗi xúc động nhẹ nhàng làm xao xuyến trong lòng. Tâm hồn của con như mở rộng đón nhận những ý nghĩ thanh cao. Lòng con bỗng dâng lên một niềm háo hức. Sự háo hức như thúc đẩy con, đem lại cho con một nguồn cảm hứng dạt dào như khuyến khích con đi vào lãnh vực của nghệ thuật. Ôi! Ước vọng của con thật là lớn lao trong khi tâm hồn con thật nhỏ bé. Con bỗng cảm thấy một nỗi e dè có pha lẫn một chút run sợ. Con sẽ ra sao trong cuộc phiêu lưu táo bạo này? Nhưng điều chắc chắn mà con cảm thấy được, là hình như con không trốn thoát khỏi được cái ma lực thu hút vào thế giới của những người sáng tạo. Con vừa cảm thấy rất xa họ mà lại vừa rất gần gũi với họ. Trong bàn tay run rẩy của con đang hiện lên một cuốn sách còn thơm mùi mực mới. Cuốn sách do chính con viết ra được từng hàng, từng chữ, bằng những giờ phút băn khoăn, khắc khoải dưới ánh đèn vàng úa trong đêm khuya. Những hàng chữ sẽ hiện ra với những nét mực lóng lánh, tuy rất vô tri mà lại chứa đầy những suy nghĩ, những cảm giác mà không thời gian ào xóa mờ cho được.

Thưa mẹ bề trên,

Như thế là trong cái giây phút cảm động đó nguyện vọng mơ hồ ngày trước của con bây giờ đã thực sự thành hình. Con không còn nghi ngờ gì nữa. Con đã quyết định chọn lấy con đường đi của mình như một lời tự nguyện long trọng và cương quyết. Con sẽ viết thật nhiều, rất có thể con sẽ chẳng làm nên được điều gì, nhưng hầu như con đã nhận diện được cái nghiệp đó đang bắt đầu ám ảnh tâm hồn của con. Trong nhật ký ngày hôm đó, con đã ghi lại đầy đủ những câu chuyện giữa ba người: con, Thu Cúc và anh Sơn. Con cũng ghi lại những cảm xúc xao xuyến của mình trong dự định về tương lai, và con tự gán cho mình một lời hứa: "Đó là sẽ cố gắng thường xuyên để sẽ trở thành một văn sĩ!"

Thưa mẹ,

Cuộc đi chơi đêm Noel của chúng con chấm dứt vào lúc gần nửa khuya. Thu Cúc và anh Sơn đưa con về đến tận cổng trường. Khi chia tay với họ, con còn đứng dưới lùm cây nhìn theo mãi bóng hai người sóng đôi đi trên đường phố vắng. Con duyệt lại trong ý nghĩ tất cả những gì đã xẩy ra vào buổi tối hôm ấy. Thu Cúc có vẻ đã sống trọn vẹn với những cảm nghĩ thành thực của mình. Nó có vẻ tự tin và hăng hái nhìn về tương lai một cách can đảm. Tuyệt nhiên Cúc không đả động gì đến vai trò của gia đình trong những dự tính của nó. Đã biết qua hoàn cảnh gia đình của Cúc, con không lấy điều đó làm lạ. Không sớm thì muộn, Cúc sẽ phải quyết định lấy cho cuộc đời của mình. Điều cần là nó phải biết can đảm và giảm bớt đến tối thiểu những mơ mộng. Những sự đó có thể Cúc đã thừa biết và Cúc đã làm như thế. Dạo này, trong lớp học, Cúc tỏ ra chăm chỉ hơn, đến nỗi ma soeur Juliette phải ngạc nhiên. Có lẽ bà tự hỏi không hiểu có phải vì muốn chuộc những lỗi lầm đã qua mà Cúc tỏ ra cố gắng vượt bực trong các môn dạy của bà không. Trong cột ghi nhận xét của professeur principal vào dịp cuối tháng này Cúc được ghi một chữ đầy khích lệ: des progressions. Nhưng sự tiến bộ đáng kể nhất mà Thu Cúc gặt hái được vẫn là những giờ học nhạc với ma soeur Félicité. Trái với những năm thụ huấn chật vật của con mà phần nhiều con chỉ bắt gặp những vẻ bất bình thoáng qua trên vầng trán phẳng của bà như một làn mây u tối. Còn Thu Cúc, luôn luôn được bà ban cho những nụ cười thoải mái, mãn nguyện. Chính vì thế mà bà trở nên tận tụy hơn đối với Thu Cúc, nhiều khi giờ học mải miết kéo dài gấp hai, gấp ba. Thời gian như không còn nghĩa lý gì trước những âm thanh thánh thót vọng qua cửa sổ lướt đi trên những khóm lá lay động nhẹ nhàng và tan biến vào không gian vô tận. Trong thế giới của âm nhạc, khuôn mặt Thu Cúc trở nên dịu dàng, những vẻ chống đối, chua chát biến đi trên nụ cười, trong ánh mắt. Con bỗng cảm thấy Thu Cúc dễ thương vô cùng. Ở đây rất nhiều người ghét nó, nhưng thực sự, bản chất của nó lại rất ngay thẳng. Nó chỉ có một tội, đó là sống thực với mình, với người. Mà chỉ một tội ấy thôi, cũng khó mà được chấp nhận ở trong cái tập thể khuôn phép luật lệ, và triệt để tôn trọng hình thức này. Nghĩ cho cùng, một thái độ sống như thế can đảm nhưng chẳng khôn ngoan. Có thể, Thu Cúc sẽ trở thành người lữ hành cô độc đi trong dòng đời giả dối này. Thu Cúc cũng biết như vậy nhưng nó tin rằng ít nhất trong đám đông ồn ào ở chung quanh cuồn cuộn chẩy qua từng ngày, từng giờ, nó cũng sẽ gặp được một tri kỷ, và chỉ cần một mà thôi. Và trong thái độ sống bớt hằn học, hận thù, biết lo lắng về tương lai từ ngày quen biết anh Sơn, con tin là Thu Cúc đã gặp được tri kỷ của nó rồi. Bây  giờ con chỉ cầu xin cho Cúc được toại nguyện trong những dự tính tương lai của nó. Và con càng cảm thấy cái ý nghĩa sâu xa trong lời huấn từ mà mẹ bề trên đã ban cho con trong thư vừa qua. Đó là hạnh phúc của con người thật ra không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi. Hãy tìm kiếm nó ở trong tầm tay với của mỗi người. Cũng như dưới ánh sáng của lòng nhân từ và yêu thương của mẹ, con đã cảm thấy hoàn toàn sung sướng trong những trách vụ nhỏ bé của con ở nhà trường, ở Cô Nhi Viện. Đó là hạnh phúc đơn giản nhưng chân thực. Đó là nghĩa sống trong cuộc đời.

HẠNH     



14


Ngày 16 tháng 1

Thưa mẹ bề trên,

Trong những ngày vừa qua, con suy nghĩ rất nhiều đến cái quan niệm cầm bút mà anh Sơn đã nói hôm nào. "Ít ra là cô phải suy tư và cô lại thấy cần gửi gấm sự suy tư của cô vào tác phẩm để chuyển tới người đọc. Chừng đó cô hãy nên cầm bút". Vấn để quả thật trong đại và hết sức lớn lao. Suy tư hay suy nghĩ (chắc là cũng vậy) thì con suy nghĩ rất nhiều. Nhưng với cái đầu óc nhỏ bé tí teo này đâu có vấn đề gì đáng để chuyển tới người đọc. Ý nghĩ này khiến con trở nên lo sợ và chán nản. Nhờ thư viện ở nhà trường, con cố gắng đọc và tìm hiểu tác phẩm của một số nhà văn đương thời. Nhưng tác phẩm mà con thích thú nhất vẫn là tập nhật ký của Anne Frank, cô bé Do Thái 13 tuổi cư ngụ tại Thủ Đô nước Hòa Lan trong thời kỳ bị quân Đức chiếm đóng. Số phận của Anne hẩm hiu hơn bất cứ cô gái nào khác. Ròng rã hai mươi lăm tháng trời sống trong nhà trú ẩn, chống trả với những nỗi lo sợ, kinh hoàng và cô đơn, lòng can đảm của cô thật là phi thường. Và chính trong hoàn cảnh bi đát này, Anne đã giải tỏa nỗi cô đơn của mình bằng những lời tâm sự thủ thỉ triền miên với một nhân vật tưởng tượng, chị Kitty. Có thể có những sự kiên nhẫn như vậy được sao? Thật khó mà tưởng tượng nổi, phải không thưa mẹ. Và chính nhờ Anne, con đã học được một bài học bền bỉ, nhất là ở vào tuổi mau chán, dễ nản như con hiện tại. Đó là một bài học vô cùng cần thiết, như một động cơ chính yếu chi phối tất cả những dự tính về tương lai. Không thể có một hoạt động nào đạt được thành công nếu không có lòng kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn chiến thắng được những chán nản, buồn rầu, khi ta mệt mỏi hay thất bại. Những thiên tài trên thế giới phần lớn đã chẳng thoát thai từ những tháng năm dài kiên nhẫn đó sao. Ý nghĩ này lại khiến con hăm hở trở lại với những sự nồng nhiệt ban đầu.

*

Thưa mẹ,

Con bắt đầu khai bút viết một câu chuyện đầu tiên mở đầu cho ước vọng trở thành văn sĩ của con. Câu chuyện này sở dĩ có được là do kết quả của một chuyến con cùng đi với dì Sáu về dưới nhà xứ. Ở đây, trong khi dì Sáu đi tiếp xúc với mấy người liên hệ về việc cung cấp rau cho nhà trường thì con được thong thả vào thăm khu định cư của những người tị nạn. Họ là những nạn nhân của chiến cuộc. Tất cả đều mang một vẻ hiền lành, chất phác. Chắc chắn không có một ước vọng nào khác hơn là mong được sống yên lành qua những nét mặt cần cù, và nhẫn nại ấy. Bây giờ họ đã mất tất cả sản nghiệp và bắt đầu lại từ số không. Điểm đặc biệt là hầu như tất cả mọi người đều giấu kín trong lòng vẻ phẫn uất hay căm hờn. Họ chỉ chịu đựng. Sự chịu đựng xen lẫn vẻ khiếp sợ, hãi hùng như vừa trải qua một thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Trong một dãy lều tạm trú, có đến hai phần ba là chít trên đầu một vành khăn tang. Điều này khiến cho sự đau khổ của họ càng như sâu đậm thêm, và người ta không còn biết dùng những tiếng nào để mô tả hết được nỗi nhọc nhằn mà họ phải gánh chịu. Ở ngay túp lá đầu tiên có một bà mẹ trẻ tuổi đang săn sóc việc ăn uống cho hai đứa con của bà. Đứa bé nhất độ lên hai thì được bón cho ăn bằng một khoanh khoai luộc rừ đã nghiền nát thành bột. Đứa lớn hơn độ lên năm phải gặm lấy củ khoai của mình. Trong cái rổ to bằng vừa đúng hai bàn tay, chỉ còn những mảnh vỏ khoai nóng hổi vừa được bóc ra và còn đang bốc khói. Bàn tay xanh xao của bà mẹ đã nhặt lên một cách chăm chỉ và nhai không sót một mảnh nào. Có tiếng reo hò của lũ trẻ ở rạch nước đằng xa làm đứa lớn toan cất chân chạy. Nhưng mẹ nó đã giữ ngay được nó lại và nói rất ôn tồn:

- Ăn hết khoai rồi hãy đi chơi. Đem ra ngoài tụi nó ăn dỗ hết. Củ khoai này là cả bữa trưa đấy. Trưa đói đừng kêu.

Đứa bé dừng lại và ngồi xuống nệm cỏ gặm nhấm nốt củ khoai. Thật khó mà tưởng tượng được củ khoai nhỏ bé này có thể làm đầy đến bao nhiêu phần dạ dày của nó và làm cho nó no bụng được trong bao lâu. Nhưng điều chắc chắn là nó sẽ phải chịu đựng từ bây giờ cho đến chiều tối, nghĩa là từ lúc ánh nắng buổi sáng chưa lên khỏi những rặng dừa nước mọc ở bờ rạch tương đối thấp. Cũng lại khó mà tưởng tượng được cô bé lên năm này sẽ phải vật lộn thế nào với những cơn đói sẽ hành hạ nó trong khoảng thời gian đằng đẵng kia. Củ khoai này bây giờ đang nóng hổi, và thực sự đang chui vào cái miệng xinh xắn đó một cách ngon lành. Nhưng đến trưa, sau một giấc ngủ chắc chắn nó sẽ không còn dấu vết nào ngay ở trong trí nhớ non nớt của cô bé nữa và như thế cô bé sẽ thấy là mình đã phải trải qua luôn một ngày nhịn đói.

Thưa mẹ bề trên, những ý tưởng miên man đó cứ ám ảnh con suốt từ lúc được chứng kiến mẩu hoạt cảnh xót xa và sống thực đó. Và con thấy nếu đem được những ý tưởng này vào một tác phẩm để gửi đến người đọc nhất là các bạn trẻ đầy đủ sung túc hơn, thì cũng là một việc nên làm. Công việc này đến đây chẳng còn mấy khó khăn. Con chỉ còn viết lại đầy đủ những điều đã thấy, đã nghe và đã suy nghĩ chung quanh củ khoai nhỏ bé đó. Và sau nhiều giờ cặm cụi, con đã hoàn thành một truyện ngắn đầu tiên với nhan đề: "Hỏi thăm bé, củ khoai có còn trong trí nhớ?"

Thưa mẹ, thực sự, sau khi chép lại bản nháp đến dòng chữ cuối cùng, con cảm thấy vô cùng mắc cỡ ngay cả với chính mình. Con không dám đọc lại một lần thứ hai và đem giấu biến xuống tận đáy ngăn tủ quần áo rồi khóa lại thật chặt. Ấy vậy mà, quanh quẩn ở đâu đây, trên đình màn, dưới sàn đá, trong kẹt cửa, đâu đâu con cũng thấy như có những cặp mắt của độc giả nhìn mình riễu cợt xen lẫn với những nụ cười chế nhạo. Chao ôi, thì ra làm văn sĩ còn phải có một cái can đảm lớn lao nữa, đó là đem trình tất cả những gì mà mình đã viết cặm cụi trong đêm khuya. Cái can đảm này, con chưa tập luyện được. Chính vì thế mà suốt ngày hôm sau con vẫn còn đỏ mặt với chính mình mỗi khi nghĩ đến tác phẩm đầu tay đã viết.



15


Ngày 24 tháng 2

Thưa mẹ bề trên,

Con xin kể tiếp về số phận tác phẩm mà con đã sáng tác lần đầu. Đáng lẽ ra thì nó vẫn nằm yên trong kẹt tủ và hầu như sẽ chẳng còn dịp nào để con nhắc nhở đến nó nữa. Nhưng hồi cuối tháng trước ma soeur Juliette lại ra một đầu đề cho bài luận quốc văn trong tháng. Đó là "Hãy kể lại một chuyện cảm động nhất mà chị đã trải qua". Đề tài tương đối dễ, nhưng không hiểu vì một lý do nào thúc đẩy, con lại có ý nghĩ đem tác phẩm "Hỏi thăm bé, củ khoai có còn trong trí nhớ?" ra thay thế cho bài luận của mình. Sau khi nộp bài, lòng con vừa lo âu vừa hồi hộp. Suốt hai tuần lễ sau đó, con sống trong thấp thỏm đợi chờ. Đến hôm vừa qua, thì ma soeur đã trả lại bài cho cả lớp.

Chị Diễm Hương đứng thứ nhất với câu chuyện kể một bà mẹ lăn mình vào đám cháy cứu mấy đứa con. Chị Thu Dung thứ nhì với câu chuyện một cô bé cởi áo ấm của mình đắp cho bà lão ăn mày trong gió rét mùa đông. Rồi đến chị Mai Lan tả vợ bác lái đò hy sinh chịu chết đuối để chồng mình ở lại nuôi con (truyện này giống tác phẩm Anh phải sống của Khái Hưng), rồi đến Mỹ Ái kể chuyện một con gà mái đánh nhau với quạ đến chết để bảo vệ đàn con của mình v.v... Mỗi lần một câu chuyện được đọc lên mọi người trong lớp trầm trồ khen ngợi khiến các tác giả sung sướng đến đỏ mặt. Chỉ có Thu Cúc là nhân khi lộn xộn luồn xuống gầm bàn một tấm giấy trắng ghi những lời phụ đề tinh quái và con cũng trả lời lại theo lối như thế. Sau đây là những phần đối thoại của chúng con:

- Phải đét vào đít tụi này mấy roi về tội nói dóc, Hạnh ạ!

- Có thể xẩy ra lắm đấy chứ!

- Làm thế nào tụi nó chứng kiến được cái cảnh dấm dớ giữa sông? Con bé nào có can đảm cởi manteau laine đắp cho kẻ ăn mày?

- Thì "nàm nuận" mà!

- Sao mãi không đến tên Hồ thị Mẹt?

- Chắc là đội sổ.

- Bà này lẫn cẫn rồi, không biết "cậu" là dame écrivain sao?

- Thôi đốt bồ đi.

- Giấu ai chứ giấu con Cúc này sao được. Chuyện "Củ Khoai" của cậu cả làng đọc hết rồi.

- Ý trời đất ơi! Ai? Bao giờ?

- Tôi với anh Sơn. Ở trong ngăn kéo quần áo của bồ và từ đầu tháng kia "lận".

- Thôi, thế là mi giết ta rồi!

- Anh Sơn khen ngợi hết lời còn muốn cái gì nữa.

Thưa mẹ, mẩu đối thoại đến đây bị cắt đứt vì ma soeur đọc đến tên con:

- Hồ thị Hạnh! Sao kỳ này chị xuống thang dữ dội thế. Bài viết chẳng có một ý nghĩa luân lý gì hết cả. Thiếu gì đề tài cảm động mà chị lại chọn một củ khoai tầm thường, phần ngụ ý lại mờ nhạt. Bà mẹ có phải nhịn đói cho con ăn không? Không rõ! Bà mẹ bắt con ăn hết khoai rồi mới cho ra chơi với bạn bè như thế có phải ích kỷ, thiếu lòng nhân ái, vị tha không? Có thể như vậy lắm. L'absence de la moralité, 04 sur vingt!

Phải khó nhọc lắm con mới thu hết can đảm lách qua mấy dẫy bàn để lên nhận bài của mình. Lòng con cay đắng và xấu hổ như một kẻ chiến bại. Tuy vậy, con vẫn phải cố giữ trên môi một nụ cười. Thật là thảm hại làm sao! Nụ cười càng tươi tắn bao nhiêu con càng thấy mình dơ dáng bấy nhiêu. L'absence de la moralité. Không còn một lời phê nào nghiêm khắc hơn nữa. Có lẽ đây sẽ là một bài học sâu xa và đích đáng cho mộng tưởng ngông cuồng của con. Thôi! Hãy trở về với vị trí khiêm tốn của một học sinh cours troisième Thánh Mẫu Học Đường và hãy phải đọc nhiều hơn nữa trước khi quên được kỷ niệm chua xót này để lại có can đảm cầm bút.

Thưa mẹ, sau buổi học ngày hôm ấy con đã hỏa thiêu tất cả các di tích của tác phẩm đầu tay và nằm lì ở trong chăn khóc lên rưng rức!

Nhưng rồi hơn một tuần lễ sau đó con nhận được một lá thư của anh Sơn viết cho con, do Thu Cúc chuyển giao. Nguyên văn như sau:

"Cô Hạnh thân mến,

Tôi không biết diễn tả thế nào cho cô thấy cái cảm giác của một kẻ cố nín cười là tôi trong suốt một tuần qua, sau khi Thu Cúc kể lại những gì đã xẩy ra trong lớp học. Bởi vì quan niệm đọc văn của bà Giáo sư của cô đã tức cười, mà hành động sau đó của cô lại càng tức cười hơn. Đáng lẽ ra tôi không dám lạm bàn vào những việc riêng tư của cô vì có thể là cô sẽ kết tội tôi là kẻ vô lễ, nhưng thứ nhất là vì tôi đã được hân hạnh đọc truyện ngắn cảu cô do Thu Cúc tò mò lấy đọc và chuyển giao cho tôi coi, thứ hai nữa là vì tôi biết cô đang thất vọng sâu xa sau những lời phê bình gay gắt của bà Juliette, mà điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiến thủ của cô trong sự nghiệp văn chương, chính vì thế mà tôi phải gửi cô lá thư này.

Điểm trước tiên mà tôi xin cô lưu ý là phải biết phân biệt hai thứ văn chương: loại văn chương giáo khoa mà người ta dậy dỗ ở học đường, và loại văn chương nghệ thuật sáng tạo bởi những tâm hồn nghệ sĩ.

Ở học đường, mục đích tối hậu của môn quốc văn là tập cho học sinh biết viết một câu văn cho gọn, cho sáng sủa, tập luyện óc phân tích và xét đoán, để có thể xem một bài văn mà hiểu được ý chính một cách thông thường. Một học sinh có giỏi nhất về môn quốc văn theo quan niệm này thì cũng chỉ là một người biết đọc và biết viết một cách gẫy gọn sáng sủa mà thôi. Anh ta không thể chỉ có thế mà trở nên một nghệ sĩ được.

Từ loại văn chương giáo khoa cứng nhắc đó muốn bước sang lãnh vực nghệ thuật, người ta còn phải có một tâm hồn phong phú cộng thêm một đôi phần thiên bẩm và sự say mê. Đó là điều kiện để trở thành một nghệ sĩ.

- Cần có tâm hồn phong phú là vì nghệ sĩ phải rung cảm bén nhậy hơn là người thưởng ngoạn, có như thế mới đem lại cho người thưởng ngoạn những khám phá mới.

- Cần có đôi phần thiên bẩm là vì không ai có thể huấn luyện được ai trở thành nghệ sĩ được cả.

- Và sau nữa, cần phải có sự say mê con đường mà mình đã chọn thì mới khắc phục được những cam go, trau giồi được học thức và kiến thức trong lãnh vực hoạt động của mình để tiến bộ.

Cho nên, nếu chỉ mới vì một lời phê bình không thích đáng theo quan niệm nhận xét của một tâm hồn khắc khổ, khuôn phép và đầy tính chất luân lý giáo khoa thư mà cô đã chán nản đến xé cả bài viết của mình tức là cô đã thiếu mất điều kiện thứ ba trong việc chinh phục ước vọng lớn lao của cô sau này. Điều kiện đó tức là say mê nhiệt thành, không có sự gì chia rẽ được giữa ta và điều ta lựa chọn, hoàn cảnh có níu ta lại thì ta cũng lăn xả vào, nồng nhiệt, hăng hái như bị hấp dẫn bởi một ma lực vô hình. Nói theo kiểu triết lý Phật giáo thì tức là đã mang lấy cái nghiệp vào mình thì muốn rứt cũng không ra, muốn chối bỏ cũng chẳng được nào. Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Hồ chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Cái say mê của anh chàng nghiện thuốc lào cũng giống cái say mê của người cầm bút vậy.

Bây giờ, xin cô hãy tự hỏi lòng mình xem mình đã có được cái say mê như thế hay chưa?

Nếu không có, thì sự thất vọng hiện tại của cô lại là điều đáng mừng vì cô còn cố gắng thế nào, cũng sẽ là vô ích. Còn ngược lại, cô thấy rằng chỉ vì sự sợ hãi mà bỏ cuộc, thì tôi mong rằng lá thư này sẽ giúp ích cô một phần nào trong việc nhận chân cái thực chất của câu chuyện đã xẩy đến với cô trong lớp học. Bởi vì theo ý tôi, soeur Juliette chê bài của cô là đúng lắm, chứ nếu bà khen cô thì mới là sự lạ và khi đó mới cần phải xét đến cái bất tài của mình. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi làm suy giảm uy tín soeur Juliette của cô đâu. Thực sự bà ta đã làm trọn vẹn vai trò của một giáo sư ở học đường. Bởi vì, đã nói đến học đường thì tất cả những gì liên quan tới nó đều phải nằm trong một khuôn khổ đúng mực. Mà sự đúng mực nhiều khi lại là một yếu tố làm chết văn tài. Cái khó của nghệ sĩ là phải biết điều hòa sự đúng mực ấy vào trong sự bứt phá của vấn đề sáng tạo. Vấn đề này không ai huấn luyện được cho ai. Cô sẽ phải tìm tòi lấy qua những kinh nghiệm mà cô sẽ thâu nhận được trên đường sự nghiệp cam go sau này".

Thân mến

Thưa mẹ,

Thực sự con cũng chưa nghiền ngẫm hết được những ý tưởng mà anh Sơn gói ghém trong lá thư này. Nhưng ý nghĩ đầu tiên của con sau khi đọc hết là con thấy anh đã có lý nhiều phần. Dẫu sao, trong cơn bấn loạn về tinh thần hiện tại, những lời khuyên nhủ của anh cũng đã là một cái phao cho con bấu víu để tìm lại lòng can đảm của mình. Nhờ thế, con cũng bớt thấy khổ sở hơn, mỗi khi nhớ đến lời phê nghiêm khắc của ma soeur đã hạ bút trong bài. Và còn cảm thấy mừng lòng vì đã được giáo dục trên cả hai quan niệm: quan niệm của anh Sơn và của soeur Juliette. Vấn đề còn lại là con phải biết hòa hợp để có cái tiết điệu điều hòa, đúng như phần cuối lá thư mà anh Sơn đã viết. Từ lời giải đáp này, con lại thấy tin tưởng hơn và con đang tìm một đề tài mới để khởi sự lại bước dò dẫm ban đầu.

HẠNH     

_________________________________________