Kỳ trước, chúng ta đã đọc "CHIM HÓT TRONG LỒNG" và đã cùng hồi hộp, thương cảm, theo dõi những dòng tâm tư của một bé Hạnh thông minh, dễ thương mà đời phủ đầy bất hạnh. Bất hạnh lớn nhất đời cô bé trên dưới 10 tuổi này là : đã không cha lại mồ côi luôn mẹ, đang lúc sống yên ấm trong nội trú. Gấp cuốn truyện lại, chắc nhiều độc giả tự hỏi : không biết tương lai cô bé đó ra sao?
Tác giả đã trả lời chúng ta bằng một tác phẩm. Đó là cuốn TAY NGỌC, NHẬT TIẾN viết, VIVI vẽ bìa, Huyền Trân in lần thứ ba, 1971, 250 đồng.
TAY NGỌC được tác giả "viết tặng tâm hồn trong sáng của các em Thiếu nhi" hoàn tất tại Đàlạt mùa thu năm Đinh mùi, 1967. Đây là những dòng chữ viết tiếp những trang nhật ký, những lá thư gởi má trong "Chim hót trong lồng".
TAY NGỌC là một truyện dài viết dưới hình thức những lá thư. Hạnh, nhân vật chính của cuốn truyện đã trình bày những hoạt động, những cảm nghĩ, những sự việc xảy ra liên quan đến mình và các bạn nội trú trong những lá thư gởi mẹ bề trên. Hạnh bây giờ tuy mồ côi nhưng được một Sơ nhận đỡ đầu và cho tiếp tục ăn học như cũ. Trong một dịp đi sang viện Cô nhi, Hạnh đã được chứng kiến tận mắt những cực khổ, thiếu thốn của các em cô nhi nên cô đã tình nguyện hàng tuần, vào những ngày nghỉ, đến viện Cô Nhi để săn sóc các em bất hạnh đó. Hạnh đã say sưa với công việc bác ái này và đã kêu gọi, thuyết phục, lôi cuốn được một số bạn nội trú tiếp tay săn sóc, giúp đỡ các em. Chính Hạnh đã nhận đỡ đầu và săn sóc đặc biệt cho một em mồ côi tên Thục. Em này "đầu nhỏ, khuôn mặt choắt cheo, vàng vọt, đôi mắt đục lờ đờ không sinh khí. Chân tay gầy guộc và hình như bị bỏ rơi chẳng mấy ai ngó ngàng đến vì những người vào thăm ưa bế và hỏi han mấy đứa khác xinh xắn, bụ bẫm hơn". Hạnh chọn Thục với hy vọng biến nó thành một người có tình cảm và suy nghĩ.
Lúc đầu Hạnh kêu gọi các bạn giúp đỡ các em bằng cách viết lời kêu gọi vào giấy dán lên kính ở cửa nhà, nhưng chỉ được "những bàn tay vô danh phụ đề những câu đùa cợt như:
- Tôi xin góp một củ hành to bằng ngón chân cái.
- Thiếu tiền lẻ!
- Si j' étais riche!" (tr. 32) (1)
Sau nhờ kiên tâm và lòng yêu trẻ, Hạnh đã lôi cuốn được một số bạn đến tiếp tay. Họ lập "Hội những người bạn của bé Thục" (Thục là một tên tượng trưng cho các em mồ côi). Tất cả 7 người, họ chia nhau các công việc trong Viện như quét dọn nhà cửa, săn sóc, may vá quần áo cho các em. Hoạt động được một thời gian, các hội viên rút dần, chỉ còn lại mình Hạnh! Sau Hạnh kêu gọi đến các hội đoàn giúp đỡ. Trong thư gởi đến các đoàn có đoạn sau: "Xin dùng những bàn TAY NGỌC tưới lên những bông hoa héo úa này (2) tất cả mọi tình cảm tươi mát để vườn hoa tuổi trẻ chúng ta không còn có những cụm hoa tàn tạ".
Nhờ Hạnh, các bạn Hạnh và các em hướng đạo sinh mà những cô nhi đã được sống những giây phút thoải mái, tâm hồn được sưởi ấm bằng ngọn lửa tình thương tỏa ra từ những bàn TAY NGỌC. Chính những bàn TAY NGỌC này đã xoa dịu bao nỗi thương đau, tủi hờn và mang lại hạnh phúc cho các em kém may mắn của Viện Cô Nhi.
Tác giả còn cho biết về quan niệm giáo dục qua lời phê bình của Cúc, bạn Hạnh ; quan niệm về viết văn qua lời thư của Sơn, bạn Cúc ; quan niệm về bác ái, qua thư gởi các hội đoàn của Hạnh.
Ngoài ra, tác phẩm còn hiến cho các học sinh những đoạn văn tả người (tr. 97), tả cảnh (tr. 98), thuật sự (tr. 218)... đặc sắc mà các em có thể mô phỏng khi làm luận văn.
Trong hoàn cảnh sách báo thiếu lành mạnh tràn ngập thị trường hiện nay, TAY NGỌC với nội dung lành mạnh, lý tưởng, với lời văn trong sáng, giản dị... quả là một món ăn tinh thần bổ ích cho giới trẻ học sinh.
NHUỆ HƯƠNG
27. 8. 72
-----------------
(1) Nếu tôi dư tiền. (2) Các trẻ mồ côi.
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 33, ra ngày 5-9-1972)