Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

CHƯƠNG 4, 5, 6_TAY NGỌC


4


Ngày 6-10...

Thưa mẹ,

Sáng chủ nhật vừa qua con đã đến Viện Cô Nhi từ lúc trời còn sớm. Vào giờ ấy người phụ trách hãy còn đang bận rộn quét dọn những đám lá rụng xơ xác trên khắp mặt sân sỏi. Bầu không khí mùa thu gây lạnh bao trùm khắp cảnh vật với những cơn gió heo may đầu mùa và những khóm lá ẩm ướt. Con chạnh nhớ đến những ngày đã qua trong kỷ niệm. Vào những ngày nghỉ như hôm nay, giờ này, bao giờ bóng dáng của mẹ con cũng thấp thoáng bên cánh cửa sắt ngoài cổng trường. Bà bận quần đen, áo đen đầu choàng một cái khăn voile cũng màu đen nữa. Ở giữa một đám đông các phụ huynh gồm đầy đủ các màu sắc rực rỡ, lòe loẹt của các tà áo, bóng dáng của bà hiện ra như một biểu hiệu của sự trang nghiêm, trầm lặng nhưng cô đơn và lạnh lẽo. Trong lúc đứng chờ để được gọi tên, con đã nhìn thấy bà nhưng bà không nhìn thấy con. Khuôn mặt bà thật buồn. Cặp mắt sâu, đen và xa vắng. Con mong bà nở một nụ cười với bất cứ kẻ nào đứng cạnh bà. Nhưng bà không nói, không nhìn ai cả. Chỉ đến lúc con thoát được ra ngoài cánh cổng sắt, xô lại tưởng như muốn bay bổng tới ngay phía bà, thì khuôn mặt của bà mới vụt tươi lên, nụ cười vụt hé nở trên đôi môi mộc mạc không phấn son, và bà đã giang cả hai cánh tay ra ghì chặt lấy thân hình bé bỏng của con như ghì lấy tất cả sự sống.

Ôi, thưa mẹ bề trên, con không hiểu tại sao con đã vô tình khơi lại những kỷ niệm cũ của con trong lá thư này. Có lẽ những giây phút này, ngồi trong bàn làm việc, mắt nhìn qua khung cửa kính trông xuống khoảng sân trường vắng lặng xác xơ rụng đầy lá vàng, mọi hình ảnh quen thuộc êm đềm ngày xưa đã sáng lên rực rỡ trong tâm tư của con. Nào con có còn lại gì đâu ngoài những hình ảnh ấy, kể từ khi mẹ con đã mất. Cho nên nếu con có làm mất đôi chút thì giờ quí báu của mẹ bề trên, con cũng xin mẹ vui lòng tha thứ.

Con xin nhắc lại từ lúc con đến Viện Cô Nhi thì cổng ngoài còn đóng im ỉm. Hai tay con lủng củng nhiều đồ lề. Đó là những món quà của các bạn cùng lớp con quyên tặng. Con đã kéo cái chuông bên bờ tường với tâm trạng của "một người lớn". Ồ, con không là người lớn sao, khi con đi đến chốn này với nhiệm vụ chứ chẳng phải rong chơi hay đùa nghịch. Giống như hồi đêm hôm qua, lúc con dạo một bài dương cầm cho ma soeur Félicité nghe trước khi đi ngủ, ma soeur Félicité đã ôm con vào lòng, hôn lên mắt con và nói:

- Tiếng đàn đã khá lắm rồi. Những âm thanh này là những âm thanh của một người lớn.

Con đã rúc vào ngực bà nói nũng nịu:

- Thưa ma soeur, nhưng con bao giờ cũng là con bé bỏng của ma soeur.

Và con đã ngoan ngoãn như một đứa trẻ lên năm, đi theo bà để bà dìu về phòng ngủ.

Ông già gác cửa nghe tiếng chuông kêu đã vứt cái chổi và chạy ra với bộ mặt cằn nhằn:

- Làm gì mà gọi rối lên thế. Hôm nay chín giờ mới mở cửa cho vào thăm.

Con đáp:

- Thưa ông cháu không phải người ngoài. Cháu đến giúp việc.

- Ai mướn cô?

- Chẳng có ai mướn cả. Cháu tự ý thôi.

Ông già nhìn con từ đầu xuống đến chân rồi nói:

- Vậy ra cô tình nguyện. Tốt lắm chúng tôi đang cần người.

Đoạn ông tra cái khóa vào ổ và mở cửa cho con vào. Sau khi cầm giúp con mấy món đồ lặt vặt, ông lại nói:

- Cô chịu làm tất cả mọi việc đấy chứ?

- Dạ chịu, miễn là vừa sức của cháu.

- Tốt lắm. Cô đi xuống dưới này, tôi còn một nửa cái sân chưa quét, lá rụng đến úa mục cả ra, cô làm nốt hộ.

Nói rồi ông lão ấn ngay vào tay con cái chổi mà ông ta đang quét và vừa quay đi vừa nói:

- Chừng nào xong, cô trao lại chổi cho tôi ở buồng xép phía sau.

Con vui vẻ nhận lời và cúi xuống chăm chỉ làm việc. Mãi đến nửa giờ sau công trình của con mới hoàn tất. Người con lấm tấm mồ hôi, mặc dầu có những trận gió lành lạnh thổi xao xác trong các khóm lá.

Lúc con gặp lại ông ta, thì ông ta lại trao cho đầy đủ thứ việc: rửa một chậu đầy bát đũa, ly chén sặc sụa mùi rượu trắng, thu dọn lại cái bếp nhỏ ngập ngụa những lá bánh, vỏ trái cây và xương xẩu gặm nham nhở vứt đầy trên nền đất, cuối cùng là công việc xách những thùng đổ đầy một cái lu lớn.

Mãi đến gần chín giờ mới xong việc, nhìn quanh thì ông lão đã bỏ đi từ bao giờ. Con thu dọn đồ lề rồi lên lầu tìm gặp chị Yến. Chị ta nhìn con và bĩu môi:

- Tôi biết mà! Rồi chỉ trong hai, ba kỳ nữa cô tới đóng cái cổng ngoài giùm chúng tôi lúc hết giờ là vừa vặn.

Con tức mình cãi:

- Đâu có! Em tới từ lúc trường hãy con sương mù.

- Vậy cô đi đâu suốt từ lúc đó đến bây giờ?

- Em giúp ông lão coi vườn làm việc. Quét sân này, rửa bát này, dọn bếp này, xách nước này...

- Có phải cái ông già có hàm râu cá chốt ở cằm này không? Có phải cô dọn dẹp ở mé nhà đằng sau không?

- Phải.

Chị Yến phá lên cười:

- Cái lão già mắc dịch đã đánh lừa cô rồi. Việc ấy là việc riêng của lão, ai bảo cô rỗi hơi đi làm. Hồi hôm, lão say rượu rượt vợ chạy có cờ. Hôm nay ở nhà chỉ có một mình lão, lão lợi dụng bắt cô làm đó!...

Nói xong chị Yến kéo con vào lòng tỏ vẻ thương hại và yêu mến. Đó là cử chỉ rất đặc biệt mà chưa bao giờ con thấy chị biểu lộ  ra với ai. Những lần trước gặp chị, bao giờ con cũng thấy chị cau có, gắt gỏng, như thể ở trên đời này, không có việc nào, không có con người nào hợp được với ý thích của chị vậy.

Sau đó con đã giúp chị cho lũ trẻ ăn sữa và bánh mì buổi sáng. Chị Yến trao cho con một khúc bánh mì và một ly sữa nhưng con từ chối và nói:

- Thôi để cho chúng nó, em không đói chị ạ.

Mặt chị đang tươi bỗng lại sầm xuống và chị gắt gỏng:

- Bộ tưởng cô ăn hết phần của chúng nó sao. Ê hề ra kia kìa. Được cái đồ ăn ở đây thì không thiếu. Một hãng bánh mì đã tặng không cho viện mỗi ngày một sọt!

- Nhưng em không có thói quen ăn sáng.

- Về ăn uống thì chẳng có ai quen cả. Đã làm thì phải ăn. Có ăn thì mới làm được, cô còn giở thói ra nữa thì tôi không chịu nổi cô nữa đâu.

- Vậy em xin một chút thôi nhé.

Chị Yến phá lên cười:

- Một chút à? Cô cứ thử cầm cả khúc này coi. Tôi coi cái mồm huếch ra thế kia cô lại không vật bay ba khúc nữa ấy chớ!

Nói rồi, chị ta trao cho con nguyên cả một cái bánh. Lời nói lỗ mãng nhưng đượm lòng yêu thương của chị mang lại cho con một nguồn vui mới lạ bởi vì trong những ngày sống bên cạnh má con hay dưới sự chăm sóc của Soeur Félicité, con chưa  bao giờ được ai tỏ lòng yêu thương bằng tính cách "quyết liệt" đến như thế.

Ăn sáng xong, con phụ giúp chị Yến đi rửa ráy cho lũ trẻ rồi đặt chúng nó ngồi trên một tấm ghế dài. Con hỏi:

- Làm sao cho chúng nó nói? làm sao cho chúng nó cười?

Chị Yến nhún vai:

- Tôi đố cô đấy. Nhưng tôi cấm cô không được bế một đứa bé nào lên tay quá năm phút. Nó mà quen thói đi thì rồi chính nó khổ.

Nói rồi chị kéo cái ghế đưa lại gần phía cửa sổ và cắm cúi đan. Còn về phần con, con đã bầy ra trước mặt mỗi đứa một món đồ chơi và hỏi han từng đứa. Nhưng vẻ mặt của chúng bình thản đến độ như không thể có một nỗi cảm xúc nào lộ ra được. Nhất là Thục, đứa em nuôi của con lại còn tệ hơn nữa. Mặt nó rầu rầu, cặp mắt lờ lững, vành môi khô héo không muốn nhúc nhích ngay cả khi có những con ruồi chạy nhẩy ở trên đó. Con cầm lấy tay Thục và làm điệu bộ khôi hài với nó. Nó nhìn con rồi lầm lũi quay đi. Bỗng một ông y tá mặc áo trắng đi qua, ông ta đứng dừng lại ở ngay mé đằng sau con và nói:

- Hà hà... bất hợp tác hả?

Thấy con quay lại, ông ấy lại tiếp:

- Tôi giúp cô nhé!

Nói rồi ông ấy trợn mắt lên nhìn Thục. Cái miệng ông ngoác ra, cái lưỡi ông thè ra thật dài, hàm răng của ông mọc bừa bãi, lổn nhổn. Bộ mặt ấy làm Thục hết hồn. Nó vừa trừng mắt lên nhìn ông với vẻ sợ hãi thì vừa vặn ông lại phát cho nó một cái vào mông đau điếng. Thục chóe lên khóc. Con vội ôm chầm lấy nó. Hai tay nó níu lấy cổ của con thật chặt như cầu xin một sự che chở. Thật là kỳ diệu. Chỉ trong vòng không đầy một nháy mắt, con đã mua chuộc và làm rung động được vùng tình cảm khô khan của con bé. Con nhìn ông y tá bằng một cái nhìn cảm tạ nồng nàn, nhưng bóng dáng cao lêu đêu của ông đã khuất sau cánh cửa, chỉ còn để lại một tiếng cười dài.

Sự ồn ào ấy làm chị Yến ngửng đầu lên. Mặt chị đỏ rần, cặp mắt long lanh sáng, chị dẩu mồm nhìn theo ông ta và cất tiếng chua ngoa:

- Thừa cơm rửng mỡ chưa? Khi không cũng đến cấu nó một cái cho nó khóc.

Nhưng chị không hiểu được nỗi vui mừng của con lúc ấy. Lợi dụng tiếng khóc của Thục, bất cần luật của chị đặt ra, con đã bế thốc Thục chạy về cuối dẫy hành lang để vào tìm khăn lau mặt cho nó. Con bé nín khóc. Trong ánh mắt của nó đã rạng lên một niềm vui yếu ớt. Lợi dụng được cơ hội ngàn vàng này, con đã hỏi han chuyện trò được với Thục. Mặc dầu nó không trả lời con, nhưng trông nét mặt và ánh mắt của nó, con biết nó đang đi gần tới sự thông cảm, lòng yêu thương mà con đặt vào nó. Một lát sau thì nó cười. Nụ cười tuy héo hắt nhưng làm rạng rỡ hẳn khuôn mặt buồn hiu mọi ngày, như thể trong một bầu trời u ám của những ngày mưa ròng rã bỗng vụt hiện lên những tia sáng yếu ớt của vừng thái dương sắp ló dạng.

Một lát sau con mới bế Thục trở lại. Lúc này ông y tá đã lại xuất hiện ở bên khung cửa sổ đối diện ngay với cái ghế mà chị Yến đang ngồi. Chị đang có vẻ giận dữ, kỳ kèo về cử chỉ lúc vừa qua của ông ta. Còn về phần ông thì ông chỉ đáp lại bằng nụ cười, tiếng cười hể hả dễ dãi phô ra một hàm răng lổn nhổn và to như răng ngựa. Chị Yến nói:

- Sao ham cười quá vậy? Mình cười để bắt con người ta khóc mà chịu được hả?

Ông y tá đáp:

- Vậy thôi nhé. Từ nay tôi không cười nữa. Về nhà má tôi có hỏi, tôi đổ thừa cho cô nhé.

- Ông có má hả? Vậy tôi sẽ mách má ông về tội ông bắt nạt trẻ con cho ông coi.

- Thế thì tôi xin chắp hai tay vái cô mười cái, cô mà mách má tôi thì tôi chết.

Chị Yến bật cười:

- Bộ ông sợ má lắm hả. Bả chắc là dữ đòn.

- Dữ thì không dữ nhưng bả bắt tôi cưới vợ. Eo ôi! Tôi thiết tưởng tôi mà phải cưới vợ thì tôi chít.

- Sao mà "chít"?

- Tại tôi chưa gặp một người nào hợp với ý muốn của tôi. Nhưng tôi thiết tưởng rằng tôi sắp gặp rồi đó.

Mặt chị Yến bỗng đỏ rần. Chị ném cuộn len xuống ghế và chạy lại bế một em nhỏ đang ngồi lên.

Thật là một sự lạ, trái với nguyên tắc khó khăn mọi ngày do chính chị đặt ra. Đó là không có bế ẵm một đứa nào lên tay cả.

Lúc ông y tá đi rồi chị Yến vẫn còn có vẻ bồi hồi. Sự bối rối biểu lộ bằng niềm vui bất ngờ hiện trên nét mặt của chị mà chị muốn giấu cũng không được. Suốt buổi ấy, hai chị em nô đùa vui vẻ với lũ trè con.

Trên dẫy hành lang mọi ngày lặng lẽ và buồn tẻ, bỗng rộn rã những tiếng cười hồn nhiên và vô tư.

Thưa mẹ, con nghĩ rằng đó là tiếng cười phát xuất từ nguồn tình cảm bắt đầu bởi sự yêu thương. Chỉ sự yêu thương mới xóa bỏ được hết nỗi ưu tư và nhọc nhằn của tất cả mọi người.

Con nguyện sẽ vì tình yêu thương đó mà tận tụy hết lòng.

HẠNH    



5


Ngày 10 tháng 10.

Thưa mẹ,

Đáng lẽ ra, để khỏi làm mất thì giờ quí báu của mẹ, con chỉ được tường trình với mẹ về công tác từ thiện mà con đang làm để thực hiện lời con hứa nhân ngày kỷ niệm thánh Antoinette, vị thánh bổn mạng của mẹ. Nhưng qua những lá thư mà con đã gửi mẹ, bỗng nhiên con tìm thấy một con đường vụt mở rộng trước tương lai của con. Con đường mà con thấy đầy hoa thơm cỏ lạ, ở đó thời gian được làm ngừng lại, muôn ngàn sự việc kết tinh thành những ý nghĩ thuần khiết, và con sẽ đem những ý nghĩ ấy kết thành từng trang giấy để gửi mẹ. Cũng con đường ấy, con cảm thấy càng đi sâu vào, tâm hồn con càng xao xuyến nhiều nỗi niềm rung động. Con đã nghe thấy tiếng nhựa sống chuyển mình trong thân cây, tiếng thở dài của một chiếc lá úa nằm phơi mình trên nệm cỏ hay những lời lẽ âm thầm chuyển đi qua tiếng chuông nhà thờ ngân nga vào những buổi chiều sắp tắt. Con đường mà con tin chắc rằng nó sẽ dẫn con đi tới một thế giới kỳ lạ, ở đó cảnh vật hòa lẫn với ý nghĩ, chỉ cần tâm niệm và gìn giữ cho ý nghĩ của mình trong sáng thì bầu trời cũng sẽ trở nên quang đãng, cây cỏ trở nên tốt tươi và số phận hẩm hiu của những cuộc đời khốn khó cũng được chiếu sáng bằng ánh sáng của tình thương yêu và nhân ái. Con đường ấy là sự gợi lên tiếng nói của yên lặng bởi vì chỉ có sự yên lặng mới hàm chứa đầy đủ mọi âm thanh gây ra bởi những việc làm tốt đẹp cũng như xấu xa. Sự kỳ diệu này chứng tỏ trong đoạn văn của Georges Duhamel viết về đoạn Quang cảnh Ba Lê nhìn từ tháp nhà thờ Notre Dame mà con mới đọc được trong một cuốn sách giáo khoa.

"Có một lúc im lặng kéo dài. Người ta nghe thấy từ dưới đất vọng lên những âm thanh, không phải là tiếng ồn ào hỗn tạp mà là cả ngàn tiếng động, cả ngàn tiếng riêng rẽ và khác biệt. Người ta nhận ra từng tiếng xe chạy, tiếng vó ngựa từng con, tiếng giầy của mỗi kẻ đi đường, tiếng rao của người bán hàng, tiếng gọi của một bà mẹ, tiếng còi của bộ máy, tiếng cọt kẹt của một cánh cửa, tiếng vĩ cầm than thở, tiếng chuông ngân nga, có lẽ cả tiếng động của một đồng bạc cắc, và bỗng nhiên có tiếng trong trẻo của của bọn trẻ đang chơi đùa trong sân Tòa Giám Mục, tiếng chúng reo hò, ca hát, nói năng, gần như nghe thấy cả hơi thở của chúng...

- ... Bởi vậy mà em tin là Chúa ở trên cao phải nghe thấy tiếng động của trần gian, chắc Chúa cũng như chúng ta trong giây phút này, phân biệt được lời than van của người này, tiếng kêu la giận dữ của kẻ kia, tiếng ca vui của người nọ. Giá mà thính tai thêm một chút nữa thì em có thể nói: Có một người thọt cũng đang đi, có một công nhân đang tất tả vì sợ bị đuổi, và có một thằng bé đang nói dối lần đầu tiên".

Thưa mẹ, con tin rằng chỉ những nghệ sĩ đi theo con đường mà con đang trình bày với mẹ mới có thể thấu suốt được vạn vật một cách sâu xa và kỳ diệu đến như thế.

Bởi vì chính con đường ấy đã biến nghệ sĩ thành sứ giả, thông ngôn lại tiếng nói thầm kín ẩn sâu trong những ước vọng của con người, để đem đến cho cuộc sống một sự thấu hiểu và cảm thông.

Con đường ấy còn là lối thoát mở cửa cho những tâm hồn hèn mọn như tâm hồn của con, cho những cuộc sống thấp kém như những cuộc sống của chúng con được có cơ hội nhìn lên cao, sung sướng, thẳng thắn và hãnh diện.

Thưa mẹ bề trên,

Con đường ấy chính là sự sáng tạo, là lãnh vực của những người cầm bút, là xứ sở do những ngôi sao sáng từ lâu đã trị vì, xứ sở của Alphonse Daudet, Anatole France, của những tác giả mà con được các ma soeur cho phép đọc trong tủ sách của thư viện nhà trường.

Con xin được làm một thần dân bé nhỏ và mới mẻ của những vị vua sáng chói ấy. Nhưng khác một điều, là bạn bè của con, những nhân vật của con, những sự việc mà con sẽ nói tới sẽ mãi mãi chỉ là những tuổi thơ đau khổ mà chính nhờ ở mẹ, con đã được biết tới, cảm thông và quyết phơi bày lên trang giấy. Con sẽ không có cao vọng in những hàng chữ thô sơ này  thành sách, con cũng không có cao vọng mong tất cả mọi người sẽ cùng đọc lên những ý nghĩ thầm kín của con mà con tự hứa sẽ chăm chỉ viết hàng ngày một cách đều đặn. Con chỉ xin coi việc làm đó như ý nghĩa của một sự tự nói chuyện với mình, một cách du ngoạn trong thế giới kỳ ảo của nghệ sĩ và con chỉ xin tường trình những điều đó dưới cặp mắt khả kính của mẹ. Chỉ cầu xin mẹ chấp nhận cho con điều đó là con đã đủ thấy lòng vô cùng sung sướng một cách trọn vẹn lắm rồi.

Thưa mẹ,

Đã có lần con trình bày với mẹ về trường hợp của Cúc, cô con gái có khuôn mặt trái soan, nước da đen ngâm ngâm, cái trán bướng bỉnh và đôi mắt lúc nào cũng mang vẻ hận thù. Thu Cúc là con của một gia đình không lấy gì làm nền nếp lắm. Ba của Cúc có vẻ không thương yêu gì đứa con gái mang số phận hẩm hiu này. Bởi vì Cúc là con của người vợ trước. Mẹ Cúc mất đi từ năm Cúc lên tám, cho đến bây giờ thì Cúc đã mười bẩy. Chín năm trời sống thiếu thốn tình thương, hoàn cảnh biến Cúc thành một cô gái quá quắt, ích kỷ, cô đơn và đôi khi còn độc ác một cách rất bình thản nữa. Trong lớp Cúc học hành một cách lơ đãng, không bao giờ Cúc chịu tìm hiểu những điều hay trong giáo lý, không bao giờ chịu khuất phục hoàn toàn trước bất cứ một ma soeur nào ở đây cả. Sự vâng lời của Cúc bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa bị đè nén, áp bức và tia mắt của Cúc luôn luôn phát ra cái ánh sáng của sự oán hờn hay thù hận. Như thế, tất nhiên những thái độ của Cúc chẳng thể nào chiếm được lòng tin yêu của các soeur trong Thánh Mẫu học đường. Tuy vậy các bà vẫn để cho Cúc yên ổn với sự cô độc của nó, miễn đừng phá phách hay lôi cuốn những người khác vào vòng tối tăm, mờ ám đang ám ảnh tâm hồn của Cúc. Một đôi khi có giận dữ lắm thì bà Madeleine chỉ hét lên thật lớn:

- Đổ quỷ dữ! Đồ quỷ dữ định phá phách cái gì ở đây chứ!

Rồi bà vùng vằng bỏ đi, khuôn mặt đỏ rừ, làn môi mỏng của bà tái lại và trở nên run run. Mỗi lần như thế Cúc đều bị phạt ăn cơm với muối trắng. Và bao giờ Cúc cũng lại phản đối bằng thái độ không ăn uống gì cả rồi tìm cách thủ tiêu lọ muối trắng vào bất cứ một xó xỉnh nào mà có khi cả tháng sau do một sự tình cờ người ta mới tìm ra.

Một lần trong bữa ăn, bốn chị bị phạt repas sec. Đó là chị Nguyệt Hồng, chị Lucie, chị Thanh Thảo và Thu Cúc. Bốn người được dọn riêng một bàn và có bà Cécile trông coi. Bà đứng nghiêm trang như một viên cảnh sát đắc lực, cặp kính trễ xuống tận sống mũi để lộ ra hai con mắt lạnh lẽo một cách dữ dội lúc nào cũng gườm gườm nhìn các chị như sẵn sàng vồ lấy một chị phạm lỗi để quất vào mông chị ta đau điếng. Điều đó khiến Nguyệt Hồng, Thanh Thảo và Lucie len lét như cố thu nhỏ lại trên mặt ghế. Các chị ấy cố gắng nhai những miếng cơm khô khan bằng một vẻ hết sức uể oải. Chỉ có Cúc là vẫn giữ nguyên vẻ bình thản. Nó gẩy từng hạt cơm vào miệng một cách rời rã, không chú ý trong khi đó cặp mắt của Cúc nhìn miệng ba người kia với ánh tinh nghịch. Hình như Cúc có vẻ khoái về sự có bạn đồng hành trong hình phạt của các soeur giáng xuống. Nhưng bà Cécile đã không để cho Cúc được ngắm người ta lâu hơn. Ngọn roi của bà đã chĩa vào đúng ngay giữa cằm của Cúc và đẩy từ từ cho cái đầu của nó ngay lại. Vừa làm bà vừa nói:

- Hãy lo lấy phần của mình. Phải vừa ăn vừa suy nghĩ về tội lỗi của mình đã gây ra. Như thế lần sau mới nhớ mà chừa đi được.

Cúc buông ngay đôi đũa xuống bàn và nói:

- Thưa ma soeur con đã suy nghĩ rồi và con thấy con không có lỗi gì cả!

Căn phòng đang rì rào tiếng nói nho nhỏ bỗng im phăng phắc. Tất cả mọi người đều ngừng tay và hướng về phía Cúc với một vẻ hồi hộp. Con bé gớm thật! Chỉ có một mình nó là dám ngang nhiên nói lên những điều mà nó đang nghĩ. Còn tất cả ở đây không một ai có đủ can đảm để làm công việc ấy, cho dù ai cũng tự cho rằng mình bị thọ hình một cách oan uổng cả.

Lời nói của Cúc làm bà Cécile giật thót người lên. Ngọn roi hạ từ cằm xuống vai của Cúc một cách sững sờ. Trong khi đó cặp môi hồng và mỏng của bà Cécile bắt đầu tái lại và trở nên run run. Bà xốc lại cái gọng kính cho khỏi tụt xuống trễ trên sống mũi rồi bằng tất cả sự cố gắng để nén cơn tức giận của mình bà ráng sức nở một nụ cười, nhưng trong hoàn cảnh ấy, phù hợp với vẻ mặt ấy, nụ cười như bị méo đi, kéo hai bên mép của bà nhếch lên làm làn da ở má đã rúm ró lại càng trở nên rúm ró. Vì thế trông bà đầy vẻ dữ dội, sự dữ dội hàm chứa một vẻ thâm trầm, nguy hiểm. Cười xong mặt bà Cécile vụt lạnh băng lại và lần này thì bà cất tiếng nói, đủ to để cho tất cả mọi người nghe thấy:

- Các soeur không xét xử ai oan uổng bao giờ. Nhưng nếu Thu Cúc thấy là mình bị oan uổng thì tôi cho phép cô trở về bàn ăn chỗ mọi ngày và tôi tuyên bố là hình phạt repas sec hôm nay còn có ba người.

Rồi bỗng nhiên bà đổi giọng:

- Thế nào, chị Nguyệt Hồng, chi Lucie, chị Thanh Thảo, các chị có thấy rằng mình bị oan uổng không?

Cả ba người vội vàng líu ríu nói:

- Thưa ma soeur không... chúng con xin nhận tội và xin hứa xin chừa...

Mặt bà Cécile tươi lên, bà "à" lên một tiếng thích chí, vành môi đang mím lại chợt trễ xuống, và hàm dưới của bà bỗng lúc lắc khiến cho khuôn mặt của bà như có vẻ được dài thêm ra. Nhưng cái nét tươi tắn bí hiểm ấy vụt tắt ngay như ánh sáng của một vì sao rụng, và trong chớp mắt vẻ mặt của bà càng trở nên lạnh lùng, dữ dội bằng mấy lần lúc trước. Bà chiếu ngay cái nhìn về phía Thu Cúc, ở đó bà bắt gặp khuôn mặt thản nhiên gần như chai đá của con bé liều lĩnh. Nó không đứng dậy, không đổi thế ngồi, cũng không cả biểu lộ một vẻ gì gọi là bối rối. Sự im lặng của nó khiến bà Cécile phải cất tiếng:

- Thế nào, cô học trò gương mẫu. Cô không phải chờ tôi mời cô lại một lần thứ hai nữa đấy chứ?

Thu Cúc vụt nhìn bà bằng cặp mắt oán hận rồi từ từ kéo ghế đứng dậy. Cả phòng ăn nín thở nhìn theo điệu bộ của cô bé bướng bỉnh. Cúc rời khỏi chỗ ngồi và lẳng lặng đi về phía giữa phòng. Khi qua mặt bà Cécile, Cúc sầm mặt xuống, và nó giữ vẻ hiên ngang không kém sự hiên ngang của bà. Bỗng nhiên bà Cécile dùng cái đầu roi gõ ngay lên vai Cúc và gọi giật lại:

- Cúc!

Cúc lẳng lặng đứng lại rồi quay mặt về phía bà. Bà Cécile ngắm lại Cúc một lần nữa từ đầu đến chân rồi hỏi:

- Hôm nay ai phạt cô?

- Thưa ma soeur, soeur Juliette!

- Về tội gì?

- Thưa ma soeur con không biết!

Bà Cécile cười "khạch" một tiếng thật kêu rồi với lấy tập hồ sơ để ở gần cửa sổ. Bằng điệu bộ thật chậm rãi và cố tình làm ra vẻ quan trọng, bà giở từng trang, dò từng dòng, truy từng tên, rồi một lát thật lâu, bà mới đọc lớn:

- Lưu Thu Cúc, cours troisième, phạm lỗi vì không nghe giảng giáo lý, không thuộc bài, bướng bỉnh lý sự, đề nghị hai ngày cơm muối trắng và chép phạt năm mươi lần lời tiên tri của Isaia!

Đọc đến đây bà Cécile bỗng ngừng lại và ngẩng lên nhìn. Bà bắt gặp ngay chị Ái Mỹ đang nháy nhó bằng cặp mắt láu lỉnh với chị Bích Hồng. Lập tức bà lớn giọng:

- Thế nào, chị Ái Mỹ! Chị thuộc lời tiên tri của Isaia đó chứ?

Mặt chị Ái Mỹ đang tươi tỉnh bỗng xám ngoẹt lại. Chị đứng dậy với đầy vẻ bối rối, hai bàn tay chị xoắn lấy cái mép khăn giải bàn. Đầu chị cúi xuống. Hai vành tai dần dần đỏ ửng lên. Bà Cécile lại bật lên một tiếng cười khô khan và ngắn. Bà ngắm chị như ngắm một món hàng quí báu rồi thốt nhiên bà đập ngọn roi xuống mặt bàn và nói bằng giọng giận dữ:

- Trong sáu  mươi người ở đây những ai thuộc thì đứng dậy cho tôi coi.

Tất cả mọi người đều buông đũa, đứng dậy đều một loạt. Bà Cécile mỉm một nụ cười hài lòng. Bà vẫy bàn tay ra hiệu cho ngồi xuống rồi nói với chị Thanh Thủy ngồi gần đó nhất:

- Hãy đọc cho mọi người nghe lại một lần nữa lời tiên tri của Isaia.

Chị Thanh Thủy chưa kịp ngồi hẳn xuống đã lại vội vàng đứng dậy. Hai tay chị khoanh chéo vào nhau. Mắt chị ngước lên trần như những lần trả bài cho bà Juliette. Và chị bắt đầu đọc liến thoắng:

- Trong sách Sấm Ngôn, tiên tri Isaia nói rằng: "Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai đặt tên là Emmanuel nghĩa là Thiên chúa ở cùng chúng tôi. Hãy dọn đường tới Chúa, hãy san lối cho phẳng, lấp hố sâu cho đầy, núi đồi hãy bạt cho thấp, đường ngõ quanh co phải uốn cho phẳng, mọi người sẽ được nhìn thấy Chúa Cứu Thế. Luật của Chúa sẽ ban từ Sion, lời của Chúa sẽ phán từ Jérusalem. Người sẽ thống trị các quốc gia và phán xử các dân tộc. Khi đó người ta sẽ lấy gươm rèn lưỡi cầy, lấy giáo đánh thành liềm hái, các quốc gia không còn đâm chém lẫn nhau và tất cả cùng chỗi dậy đi tới ánh sáng của Đấng toàn năng..."

Bà Cécile "à" lên một tiếng mãn nguyện nữa rồi nói:

- Đáng khen! Tất cả nữ sinh của Thánh Mẫu học đường đều phải đáng khen như thế. Thế còn chị Ái Mỹ. Chị trả lời tôi làm sao về sự bê bối của chị đây?

Ái Mỹ lắp bắp trả lời:

- Thưa ma soeur con xin nhận lỗi. Con hứa. Con chừa!

- Chép phạt năm mươi lần và nạp cho tôi vào giờ cầu nguyện buổi tối ngày mai.

Chị Ái Mỹ lẳng lặng ngồi xuống. Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả mảnh lưng áo trắng của chị. Tất cả mọi người vẫn đều im lặng và bây giờ bà Cécile lại chĩa mũi dùi về Thu Cúc:

- Còn chị nữa. Nếu chị kêu oan thì chắc là chị có thể đọc lại cho tôi nghe một lần nữa, nhanh nhẩu như thế, trơn tru như thế và dễ dàng như thế chứ?

Thu Cúc khẽ nhún vai:

- Thưa ma soeur không thể được!

- Tại sao không thể được?

Thu Cúc dằn giọng:

- Bởi vì thưa ma soeur, con là kẻ ngoại đạo!

Cả phòng "ồ" lên một tiếng bất ngờ, và bầu không khí bỗng náo nhiệt hẳn lên. Lập tức bà Cécile đập đen đét cái roi xuống mặt bàn, mặt bà đỏ rừ lên, môi của bà vừa run vừa tái, bà hét lớn:

- Im! Im hết! Các cô định giở cái trò dơ dáy gì ra đây mà ồn ào như vậy chứ?

Sự ồn ào bị cắt đứt ngay lập tức và tất cả ai nấy đều tìm lại vẻ nghiêm trang bình thường. Nhưng cặp mắt của bà Cécile không vì thế mà giảm đi vẻ long lanh giận dữ mà ai cũng đều cảm thấy đang ở mức quá độ. Cặp mắt của bà trừng lên nhìn từng khuôn mặt một cách dữ dội, và tia mắt đó đi tới đâu là làm cho từng ấy chị phải cúi gầm xuống, nín thinh đến một con ruồi bay qua người ta cũng nghe thấy.

Sau khi đã đàn áp được tinh thần của lũ "quỉ dữ" chúng con rồi, bà mới biểu lộ một vẻ vô cùng mệt mỏi, quay lại phía Thu Cúc và nói:

- Cho chị về chỗ, chúng ta không còn gì để bàn luận với nhau thêm nữa!

Nói rồi bà nặng nề đi ra khỏi phòng. Tấm áo trắng còn nguyên nếp hồ cọ vào nhau kêu loạt soạt và sợi dây tràng buộc cây Thánh giá bằng gỗ có gắn tượng Đức Chúa thọ hình lúc lắc theo từng nhịp bước. Trong khi đó, Thu Cúc thản nhiên trở về chỗ ngồi.

Buổi chiều hôm đó, sau giờ cầu nguyện, con có nắm tay Cúc đi quanh sân trường và thủ thỉ:

- Tại sao hồi trưa mày dại dột như thế? Dầu sao, ở đây cũng không bao giờ nên thú nhận một cách thật thà vậy. Các ma soeur rất ghét kẻ ngoại đạo.

Cúc nhún vai mỉm cười:

- Tao biết. Nhưng tao thích làm thế. Đó là một cách trả thù hay ho nhất.

- Hay ho nhưng chẳng có lợi gì cả. Ở trong này không nên để cho các soeur ghét bỏ.

- Để cho các bà ấy yêu thương thì mới là một cái thân tội. Tao không bao giờ và cũng không thể nghe lọt tai được bất cứ một lời giảng giải nào về tôn giáo. Ở nhà má tao cũng soen soét nói chuyện ăn chay và làm việc phúc đức nhưng chưa bao giờ tao thấy bà ấy thực hành cả.

- Má mày khác và các soeur khác.

Một duộc! Tao không tin ai ngoài tin tao cả. Tao ghét lý thuyết không đi đôi với thực hành. Tao ghét cả Chúa lẫn Phật.

- Quỷ dữ! Đừng có nói tầm bậy!

- Vậy thì tốt hơn là mày đừng giao du với tao nữa. Hãy làm như tụi nó. Bây giờ chúng nó coi tao như là hủi. Dính với hủi thì sẽ có ngày phải chép phạt và ăn những bữa repas sec.

- Trái lại, tao không sợ. Tao ghét tính a dua của chúng nó. Thà ăn những bữa cơm muối trắng còn hơn là làm những công việc không vừa ý mình.

Mặt Cúc tươi lên. Nó nắm lấy tay con rồi gật đầu:

- Đúng vậy đó. Thà ăn cơm với muối trắng còn hơn là làm những công việc không vừa ý mình.

Con vội cãi:

- Không phải thế, không phải ý tao muốn nói như thế.

Cúc ngạc nhiên:

- Thì tao nhắc lại nguyên văn lời nói của mày.

- Đành vậy. Nhưng ẩn sau một lời nói, có nhiều ý nghĩa khác nhau. Kẻ phát biểu này hiểu theo nghĩa này, kẻ phát biểu kia hiểu theo nghĩa kia.

- Chẳng có sự nào khác biệt cả. Tao nói rõ hơn, là tao thích làm theo ý của tao dù tao có bị ăn cơm với muối trắng. Mày cũng vậy.

- Không thể vậy được. Bởi vì ý muốn của tao khác và ý muốn của mày khác. Tao muốn khép mình vào một trật tự chung và sống như thế, bởi vì cuộc sống đã xếp đặt như thế rồi. Còn mày, mày phá phách, hằn học, sự phá phách hằn học chỉ thỏa mãn lòng ích kỷ của mày mà thôi.

Cúc trừng mắt lên nhìn:

- Ích kỷ? Thế nào là ích kỷ?

Con đáp:

- Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính mình.

Cúc "à" lên một tiếng khoái trá rồi nói bằng giọng chanh chua:

- Phải rồi! Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính mình. Nhưng Hạnh ơi, mày có bao giờ thấy tao chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính tao không? Không thuộc giáo lý, kinh bổn có phải là ích kỷ không? Nói thẳng những ý nghĩ thành thực của mình cho người khác biết có phải là ích kỷ không? Nếu đúng như thế thì tao sẽ còn ích kỷ hoài hoài bởi vì tao không muốn giấu giếm những ý nghĩ hằn học với kẻ khác. Tao không muốn giữ gìn những lời rủa thầm kẻ đối diện trong khi bề ngoài vẫn làm ra vẻ thân ái và thán phục. Tao không muốn đóng kịch.

Nói rồi Cúc lại cười khẩy tiếp:

- Kỳ thật! Tao thấy các bà ở đây chỉ chú trọng đến bề ngoài. Và các bà ấy có vẻ hài lòng một cách dễ dãi về cái bề ngoài giả dối ấy.

Thưa mẹ bề trên,

Thật lạ lùng. Không hiểu tại sao con lại thấy những lời của Cúc có vẻ hợp lý mặc dầu con đã hết sức nhủ thầm: "Đừng tin Cúc, đừng bao giờ tin Cúc cả. Nó chỉ là một cây cỏ hoang, lớn lên một cách vô trật tự, thiếu săn sóc, vun trồng".

Cả ngày hôm đó con cứ băn khoăn thắc mắc về những lời của Cúc. Tư tưởng của Cúc như một luồng gió lạ làm xáo trộn tâm hồn bấy lâu nay vẫn phẳng lặng hiền hòa của con. Con bỗng thấy run sợ và mất hẳn niềm tin tưởng. Chính vì thế mà con viết thư đến cầu cứu ở mẹ. Xin mẹ bề trên ban cho con một lời khuyên nhủ. Con xin nguyện rằng dù lời khuyên đó đứng về bất cứ lập trường nào, con cũng sẽ vâng theo triệt để. Bởi vì con biết chỉ có mẹ mới là người dẫn dắt được con bước đi những bước ngay ngắn và vững chãi trong cuộc đời.

Con xin đón chờ lời khuyên bảo vàng ngọc của mẹ.

HẠNH    



6


Ngày 20 tháng 10...

Thưa mẹ,

Mặc dầu trí óc của con nhiều khi rất bận rộn về những sự ám ảnh bởi tâm trạng của Cúc, nhưng con cũng không xao lãng nhiệm vụ chính yếu mà con đã tự nguyện phải thi hành bằng được. Đó là nhiệm vụ biến đổi em Thục trở thành một người bình thường.

Bắt chước phương pháp làm việc của các y sĩ, con thiết lập một bản nhận xét về tình trạng của Thục để tiện bề theo dõi như sau:

HỒ SƠ VỀ EM THỤC

Thiết lập ngày 18 tháng 10.

Họ và tên : La thị Thục

Con Ông : La văn Tích

Và Bà : Trần thị Nở

Sinh ngày : 15 tháng 7 năm 19...

Nhập viện ngày : 26 tháng 3 năm 19...

Hoàn cảnh gia đình :

- Cha là nạn nhân của chiến cuộc (trúng đạn tử nạn khi đang làm đồng)

- Mẹ làm thợ hồ ở Sàigòn (có thể đã chết trong nhà thương thí - Lần cuối cùng vào thăm Thục, bà ta đang xin vào nhà thương chữa bệnh lao).

- Mẹ đỡ đầu hiện tại : Bà Lê thị Ánh, giám đốc Viện Cô Nhi Viện An Hòa.

Tình trạng sức khỏe :

- Ốm yếu xanh xao, bị chứng giun sán trầm trọng.

Điểm đặc biệt :

- Câm.

- Ưa nằm sấp nhiều hơn ngồi. Chưa biết đi, chân đứng không vững vì nằm nhiều.

- Không bao giờ cười, không bao giờ nhếch mép.

- Mắt không linh động, không thay đổi cách nhìn.

- Sợ sệt tất cả mọi thứ.

Công việc sẽ phải đạt tới :

- Tập nói.

- Tập đi.

- Tập biểu lộ tình cảm bằng cử chỉ.

Thưa mẹ,

Đấy mới chỉ là sự phác họa những điều hiểu biết và dự tính của con về Thục. Dự tính thật là khó khăn và nặng nề. Nhưng con nghĩ rằng yếu tố của lòng yêu thương sẽ chữa khỏi bệnh cho Thục. Và con sẽ hết sức đem lại cho Thục lòng yêu thương đó. Trong những ngày vừa qua, con đã tiến được một bước nhỏ trong nhiệm vụ này. Bây giờ Thục đã biết giơ tay cho con bế mỗi khi con xòe hai tay ra trước mặt Thục. Trong ánh mắt của nó, có thoáng qua một sự vui mừng chen lẫn ngần ngại, con thông cảm với nó về sự ngần ngại này. Chị Yến đã kể cho con nhiều về số phận hẩm hiu của nó và những nguyên nhân đã làm cho nó lãnh đạm thờ ơ với mọi người. Đó là bởi vì nó xấu, lại tật nguyền, hầu hết các quan khách đến thăm cô nhi viện đã bỏ rơi nó một cách thản nhiên. Có một lần nó giơ tay ra vừa khóc vừa đòi theo một bà sang trọng đang đứng ở trước dẫy nôi ngủ của nó. Nhưng bà ta khước từ. Bà còn mải đi tìm một đứa xinh xắn hơn, kháu khỉnh hơn. Và đó là tật xấu, thiên vị và bất công của một số người. Thục quen dần sự từ chối chua xót ấy. Dần dần nó hiểu ra được cái thân phận hẩm hiu của nó. Lâu ngày, nó không đòi theo ai, và cũng không khóc nữa. Nó nằm yên một mình giương cặp mắt thản nhiên nhìn mọi người đi qua. Cái bụng ỏng của nó ép sát xuống mặt giường. Ông y tá Bình bảo nằm như thế, nó ít bị giun hành hạ. Chị Yến cũng thương hại nó, nhưng chị lại bận quá nhiều việc. Trong Cô nhi viện này có gần một trăm đứa mà chỉ có bốn chị trông coi. Chính vì thế mà mỗi ngày, chị chỉ rờ đến nó những lúc chị nhét cái núm ở bình sữa vào miệng nó. Hai tay Thục phải ôm chặt lấy bình. Chiếc bình được treo dốc ngược lên bằng một sợi dây buộc lủng lẳng trên cái xà ngang ở đầu giường. Khi bú hết, Thục buông tay ra và bình sữa đu đưa ngay trên mũi của nó. Những giọt sữa hấp dẫn lũ ruồi đến một cách đông đảo. Từng đàn ruồi bò ở quanh miệng bình, trên chiếc núm cao su rồi nhẩy múa trên đôi mắt lờ đờ của Thục. Con bé nằm chán rồi thiu thiu ngủ. Hiển nhiên nó đã lớn lên một cách vô tình như một cọng cỏ dại.

Thưa mẹ, con không dám có ý nghĩ làm một việc phi thường. Nhưng quả thật tình cảnh của Thục đã gây cho con một xúc động sâu xa hơn những đứa trẻ khác. Chính vì thế mà con đã dành tất cả tâm lực của con vào công việc săn sóc Thục. Tất nhiên, ở quanh đó còn nhiều hoàn cảnh của các em bé mồ côi cũng đáng thương tương tự. Con hy vọng rồi sẽ có những bàn tay ngọc của các thiếu nữ khác góp phần vào công việc xoa dịu những nỗi thống khổ của chúng nó. Sự kêu gọi các bạn nội trú cùng phòng tuy làm con thất vọng nhưng không vì thế mà con nản chí. Con tin tưởng vào tâm hồn trong sáng và toàn thiện của các chị ấy. Chưa thúc đẩy được họ, ấy chỉ vì lời kêu gọi của con chưa được khéo léo đấy thôi. Con tự hứa một ngày kia, khi Thục đã hoàn toàn quý mến và tin cậy con rồi, con sẽ xin phép bà giám đốc Viện cô nhi và mẹ bề trên cho con được đón Thục vào thăm Thánh Mẫu Học Đường một lần. Biết đâu sự thăm viếng của Thục sẽ là một hình thức tốt để lôi cuốn sự chú ý của các chị vào mục đích tốt đẹp ấy. Lòng con đầy tin tưởng là con sẽ tiến tới được kết quả như ý muốn. Con xin mẹ hãy cầu nguyện Chúa cho con gìn giữ mãi được lòng tin ấy.

Bây giờ con xin kể cho mẹ nghe một vài mẩu chuyện vui về sự liên lạc giữa con và Thục. Tuần qua, nhờ 6 cái bon points về các môn Histoire, Géographic và Conjugaison des verbes con đánh đổi được lấy một quả cam. Con cất đi để dành tới chủ nhật đem vào cho Thục. Chị Yến hét lên:

- Tầm bậy tầm bạ! Cô không nhìn thấy cái bụng giun của nó đấy sao. Cái gì cô cũng chiều nó thì chỉ làm hại nó đấy thôi.

Con cãi:

- Nhưng cam lành!

- Ai bảo cô rằng lành?

- Các bác sĩ!

- Tầm bậy tầm bạ! Chả có bác sĩ nào cho phép đứa bụng giun sán ăn của ngọt cả.

- Nhưng ngọt kẹo khác mà ngọt cam khác.

- Ngọt cam còn tệ hơn là ngọt kẹo. Bởi vì cam có nước. Trẻ con uống nước ngọt vào có khác gì tống thuốc bổ cho giun ăn không? Tuần trước đó, cô không nhớ sao, con Nguyệt bên salle số 4 chỉ có uống nước sirop vào mà đi tiêu chẩy hai ngày liền.

- Sirop khác mà cam khác chớ!

- Chẳng có gì khác cả! Tôi cam đoan với cô như vậy. Về bệnh tật của chúng nó tôi biết quá mà. Dầu gì tôi cũng trông nom chúng nó cả năm, sáu năm liền...

Ông y tá Bình lúc đó đang xức thuốc lở cho mấy đứa ở cuối phòng, bỗng tự nhiên xen vào:

- Á à, thế là cô Yến định cướp nghề của tôi đó nhen.

Chị Yến đỏ mặt quay về phía ông ta trừng mắt nhìn:

- Việc gì đến ông mà ông xía vô công chuyện của người khác.

Ông Bình cười huếch hoác:

- Sao lại không. Tôi phải phản đối cái cách kiêng cữ vô lý của cô chớ. Cô Hạnh ơi, tôi thiết tưởng cô cho nó ăn cam được. Cam lành!...

Chị Yến giận dữ:

- Đừng có tuyên bố ẩu. Tôi mách bác sĩ trực bây giờ đó.

- Cô mách ai tôi cũng chẳng sợ, chỉ trừ mách má tôi...

Chị Yến cố giữ sự nhịn cười:

- Cái nhà ông này hay nhỉ! Cái gì ông cũng giở má ông ra. Đã thế tôi mách má ông thiệt cho coi.

Ông Bình dẫy nẩy lên:

- Ấy chớ! Tôi tấu cô. Tôi lậy cô. Cô mà mách má tôi thì tôi "chít"!

Chị Yến bật cười:

- Có mỗi một câu "tôi chít" mà cứ nói hoài.

- Chớ sao! Tôi thiết tưởng làm người ai mà không sợ chết.

Chị Yến mỉm cười tinh nghịch:

- Bộ ông sợ chết lắm hả?

- Sợ lắm chớ. Nhất là hồi này...

- Tại sao lại "Nhất là hồi này"...

Ông Bình nhìn chị bằng cặp mắt long lanh sáng ngời:

- Vì... vì... Hừm, vì gì thì cô cũng biết đấy.

- Ơ hay! Làm sao tôi biết được. Tôi có là ông đâu mà tôi biết.

- Thế thì bí mật quân sự. Nói ra thì... tôi chít...

- Cái nhà ông này hay thiệt. Thử "nhín" một lần coi?

Ông Bình làm bộ ngơ ngác:

- "Nhín" cái gì kia?

- Thì nhín cái câu đó.

Ông ta cười ranh mãnh:

- Bộ cô không thích tôi nói câu đó hay sao? Vậy thì tôi xin rút lại, tôi thề sẽ ném nó vô lò hấp, không bao giờ xài nữa.

- Thối chửa! Ông nói mặc ông chớ tôi can dự gì vô đó.

Ông Bình la lên:

- Trời! Cô nói chi đau lòng tôi quá vậy. Tôi thiết tưởng...

Chị Yến mỉm cười:

- Ông "thiết tưởng" cái gì...

- Tôi chả nói nữa...

- Tại sao định nói rồi không nói nữa...

- Tại tôi sợ!

- Sợ ai?

- Sợ cô!

- Tại sao sợ tôi?

- Vì tôi mà nói ra thì một là cô nổi giận lôi đình tống tôi một cái văng qua cửa sổ này mà hai là cô độn thổ chui xuống đất.

Mặt chị Yến đỏ rừ lên, chị la lối:

- Tầm bậy tầm bạ! Thôi tôi chẳng thèm nghe ông nói năng tầm bậy tầm bạ đâu...

Nói rồi chị bỏ đi một cách cuống quít và vội vã như không chịu đựng nổi cái nhìn thương mến của ông Bình chiếu thẳng vào đôi mắt long lanh của chị.

Lúc chị ấy đi rồi, con mới hỏi ông ta:

- Cháu cho nó ăn cam được không?

- Không được!

- Ủa, sao lúc nãy ông bảo được?

- Nãy khác, bây giờ khác.

- Sao kỳ cục vậy?

- Tại nãy cam nó ngọt bây giờ thì cam nó chua! Chua là không được!

- Vô lý! Làm sao ông biết quả cam này chua?

- Sao không biết. Tôi là tay tổ về chọn cam mờ! Hồi chưa có chiến tranh, tôi có cả một vườn cam. Cứ nhìn cái vỏ màu xanh ngăn ngắt, lại dầy tụp, lại có gân vàng, lại lấm tấm trứng quốc thế kia là chắc đến chín phần mười cam chua.

- Thiệt không?

- Không tin cô thử bóc ra coi.

Con nghe lời ông Bình, bóc ra nếm thử. Và, thưa mẹ, quả nhiên quả cam chua loét khiến con rùng mình và ê cả răng. Ông Bình cười ha hả, hai hàm răng của ông nhe ra như răng ngựa:

- Chịu thầy chưa?

- Chịu thầy!

- Vậy chia cho tôi một nửa. Tôi khoái ăn của chua. Giá bây giờ có khế mà gặm thì phải biết!

- Cháu biếu ông cả quả. Cháu sợ nhất ăn chua.

- Cô dở ẹc. Con gái mà không thích ăn quả chua thì cóc phải là con gái. Họ nhí nhót tầm ruột chấm muối ớt suốt ngày.

Vừa lúc ấy chị Yến đi vào, ông Bình bèn hỏi ngay:

- Phải không cô Yến?

- Phải cái gì?

- Tầm ruột đó, khế đó, cô thích không?

- Chèn ơi! Ông nói làm tôi nhễu nước miếng.

- Vậy đây! Mời cô nửa trái. Thứ cam này chua ác.

Chị Yến ngạc nhiên:

- Ủa! Thế không phải cam ngọt à?

Con bẽn lẽn:

- Dạ không, cam chua!

- Vậy mà các người xúi nhau cho trẻ nít nó ăn thì có chết người ta không.

Ông Bình la lên:

- Ai xúi?

- Còn ai nữa! Chính ông chứ ai.

- Tôi mà xúi trẻ nít ăn cam chua thì tôi chết!

Chị Yến cau mày giận dữ:

- Tầm bậy tầm bạ! Gì cũng thề, gì cũng thề... phỉ phui đi!...

Nói xong biết mình lỡ lời, chị lắc đầu quầy quậy và giơ hai bàn tay che kín khuôn mặt mắc cỡ của mình. Trong khi ấy ông Bình phun phì phì ra chung quanh và nói lia lịa:

- Phỉ phui! Phỉ phui!...

Cử chỉ của ông càng làm cho chị Yến mắc cỡ thêm. Hai tai chị đỏ ửng. Hai chân chị rẫy rụa dưới đất. Con có cảm tưởng như chị ấy muốn độn thổ, chui xuống nền nhà ngay lúc bấy giờ.

Một lát sau, khi ông Bình  đi khỏi thì chị Yến cũng vừa thay xong cho em Thục một bộ quần áo sạch sẽ và tươm tất. Con xòe tay ra đón Thục. Nó nhìn con như để đo lường mức độ tình cảm con đối với nó thế nào. Rồi bỗng nó giơ tay ra, cặp mắt nó sáng lên một nguồn ánh sáng linh động, vui mừng. Con sung sướng ôm chầm ngay lấy nó rồi bế nó ra đứng ở cửa sổ. Một nhánh Ngọc Lan xòe rộng với cành lá tươi tốt trải một màu xanh êm dịu dưới ánh nắng của một ngày cuối thu. Gió xào xạc trong vòm cây. Có tiếng chim truyền cành kêu chiêm chiếp nhỏ nhẹ như tiếng nói của những tâm hồn vô tư và trong sáng. Xuyên qua kẽ lá, thấp thoáng phía đằng xa là đường phố rộn rã của một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Trên vỉa hè, những tà áo mầu của những thiếu nữ bay rực rỡ như từng cánh bướm. Bầu trời xanh lơ thấp thoáng sau khóm lá có những cụm mây trắng bồng bềnh. Con giơ tay chỉ một con chim vành khuyên có bộ lông xanh mướt cho Thục nhìn thấy. Con chim ở ngay trong tầm tay với. Hai chiếc giò non của nó xinh xắn như hai cây tăm yếu đuối biết nhẩy nhót. Mắt Thục sáng lên nhìn. Nó ngắm con chim một cách chăm chú. Vẻ lờ đờ trong ánh mắt nhường chỗ cho một tia sáng tinh anh. Con rất sung sướng nhận thấy vùng cảm giác chai lì của nó đang bắt đầu giao động. Từ ngày con biết Thục, con chưa thấy Thục cười. Ô! Nụ cười của nó đối với con thật là đáng giá, thưa mẹ. Con nhất tâm sẽ tìm bằng được nụ cười ấy, cho dù có phải tổn hao nhiều tâm trí. Vì đó là nguồn vui của con. Ma soeur Félicité vẫn thường nhắn nhủ chúng con: "Hãy tìm kiếm cho cuộc đời của mình một chuẩn đích rồi hăng hái mà đi tới tận tình. Cuộc đời mà không có chuẩn đích thì khác nào con tầu đi giữa đại dương bão tố mà không có người lèo lái".

HẠNH    

____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 7, 8, 9