Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

ĐẮM TÀU_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


59. ĐẮM TÀU
(Câu chuyện cuối cùng)


Cách đây vài năm, trong một buổi sớm mùa đông, một chiếc tàu lớn rời bến Li-véc-pôn (1) để sang Man-đảo (2). Kể cả 60 thủy thủ, thì trong tàu có tất cả hơn 200 người. Viên thuyền trưởng và những thủy binh phần nhiều là người nước Anh cả.

Trong số hành khách có mười người Ý, ba thương gia, một linh mục, vài nhạc công. Ở đầu tàu, trong số hành khách hạng ba có một cậu bé người Ý trạc 12 tuổi ; coi nét mặt nghiêm trang và quả quyết của cậu, người ta có thể biết cậu là người ở đảo Si-sin (3). Cậu ngồi một mình trên đống dây tàu, tựa vào một cái vali cũ. Da nâu, tóc đen, quần lấm rách, vai đeo túi rết, cậu nhìn tàu, nhìn bể với một nét mặt âu sầu, nét mặt của những kẻ bị đau đớn vì cảnh ngộ suy vi của gia đình.

Tàu đi được một lúc lâu, một thủy thủ người Ý dắt một em gái nhỏ ra đầu tàu, lại chỗ cậu bé, bảo :

- Mã-Lợi-Nga ơi ! Ta đã kiếm cho em một người bạn đồng hành đây.

Rồi người thủy thủ đi.

Mã-Lợi-Nga hỏi cô bé :

- Em đi đâu ?

- Em đi về Man-đảo, để thăm thầy đẻ em đang mong đợi, tên em là Duy-Liệt Phan-Gia-Nương.

Mã-Lợi-Nga không nói gì.

Một lúc sau, cậu lấy bánh và quả khô ở túi rết ra. Duy-Liệt cũng mở gói bánh "bít-quy" , hai em cùng ăn vui vẻ.

- Thú quá ! Sắp được khiêu vũ bây giờ !

Người thủy thủ Ý đi qua nói thế, rồi gió thổi càng mạnh, tàu tròng trành ghê sợ. Nhưng hai em chưa nếm mùi say sóng bao giờ nên không để ý.

Cô bé cười nụ. Cô bằng trạc tuổi bạn, nhưng cao hơn da cũng nâu quần áo cũng tầm thường như cậu, tóc buộc khăn mùi soa đỏ hai tay đeo vòng bạc con, người coi mảnh dẻ, yết ớt, có lẽ cô cũng đã chịu nhiều nỗi gian truân.

Lúc rồi, hai em kể chuyện nhà cho nhau nghe. Cậu bé, mồ côi cha mẹ. Cha cậu làm thợ, mới mất ở Li-véc-pôn được mười hôm nay. Ông lãnh sự Ý thấy cậu bơ vơ liền cấp giấy cho cậu về quê ở Pa-lec-mô. Cậu định về tìm mấy người thân tộc để nương nhờ.

Còn cô bé năm ngoái có bà dì đưa cô sang Luân Đôn (5), làm con nuôi để bớt cho cha mẹ một miệng ăn vì nhà cô thanh bạch. Được vài tháng, dì cô bị tai nạn ô tô, chết không để lại một đồng nào. Ông Lãnh sự Ý ở đây cũng cho cô về nước.

Vì thế cả hai đều được gởi người thủy thủ Ý trông nom.

Cô bé nói :

- Như thế là em trở về tay không, mà thầy đẻ em cứ yên trí là sau này thế nào em cũng có một cái vốn to. Nhưng dù sao thầy đẻ em vẫn thương yêu em và thấy em trở về được mạnh giỏi thì vui sướng biết dường nào ! Các em em cũng thế. Chúng nhớ em lắm. Em có bốn em mà em là chị cả.

Nói xong cô hỏi bạn :

- Thế anh cũng về tìm bà con?

- Anh cũng định thế, song không biết có ai chịu giúp đỡ anh không ?

- Những người ấy không yêu anh à?

- Anh chưa thể biết được .

Cô bé nói tiếp :

- Đến lễ Giáng sinh (6) này, em vừa đúng 12 tuổi.

Suốt ngày, hai trẻ ngồi cạnh nhau, khi nói chuyện tâm sự, khi nhìn mặt bể khơi: ai cũng tưởng là hai anh em. Lúc buồn, cô bé lại giở bít tất ra đan, còn cậu bé thì tư lự nhìn ra mặt bể.

Một buổi chiều kia, khi cậu đang đứng tựa bao lơn xem "động bể" bỗng một lớp sóng bạc đầu kéo đến vỗ vào mặt cậu, đồng thời tàu tròng trành, làm cậu ngã vập đầu vào ghế, máu chảy rỏng ròng.

Cô bé vội chạy hỏi :

- Anh có việc gì không?

Rồi cô tháo mùi soa trên đầu buộc vết thương cho bạn. Một giọt máu ở trán cậu rỏ xuống làm ố chiếc áo vàng của cô.

Cậu bé lấy làm cảm động và xin lỗi cô.

Trời tối, Mã-Lợi-Nga và Duy-Liệt vừa xuống phòng ngủ được một lúc thì trời nổi bão. Trên mui gió giật đùng đùng làm gãy cột buồm, rứt đứt ba chiếc sà lúp treo ở cạnh tàu và đánh bay bốn con bò buộc ở đằng mũi.

Tình trạng lúc bấy giờ thật là lộn xộn, không thể tả được. Một sự khủng bố lớn phát hiện trong tàu : tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng cầu nguyện nổi lên mọi chỗ nghe rất thương tâm. Đêm càng khuya gió càng mạnh. Đến gần sáng thì phong ba lại càng kịch liệt!

Sóng ngang nước ngược trùm lấp cả tàu, gặp cái gì là đánh gẫy và cuốn đi. Nóc buồng máy bị gió đánh sụp xuống, nước tràn vào ồ ồ làm tắt cả lò, khói bay mù mắt ; tài xế đều phải bỏ chạy. Rồi bốn bên nước cứ cuồn cuộn chảy vào như suối, như thác.

- Bơm nước ra !

Viên thuyền trưởng vừa ra lệnh thì bỗng một trận gió giật phi thường làm đứt hết dây và phá tung các cửa, tức thì một cây nước lớn đổ vào đầy tàu.

Hành khách ai nấy rụng rời, mặt xám như gà cắt tiết, gào khóc như điên. Viên thuyền trưởng không để chậm một phút, sai buông luôn một chiếc thuyền xuống bể. Năm người lính thủy vào ngồi... Nhưng thuyền vừa chấm mặt nước bể thì bị một con sóng lớn đánh chìm nghỉm ! Hai người lính thủy chết đuối. Còn ba người kia hết sức bình sinh phấn đấu với sóng mới với được dây leo lên tàu.

Lúc ấy, nước đã gần tới bao lơn.

Một tấn thảm kịch diễn ra ở trên boong. Mẹ thất vọng ôm chặt con vào lòng. Bạn bè hôn nhau để vĩnh quyết. Mấy người nhát gan lánh vào trong phòng để khỏi nhìn thấy cái chết không tránh được. Một hành khách tự tử bằng súng lục lăn xuống chân thang. Một số đông người nữa chen chúc vào nhau đợi chết.

Tiếng kêu khóc lẫn trong gió gào nghe rất kinh hồn.

Mã-Lợi-Nga và Duy-Liệt, hai trẻ lúc ấy đều ôm vào cột buồm gẫy, mắt đăm đăm nhìn bể.

Bây giờ, gió đã bớt mạnh, sóng đã hơi yên, nhưng con tàu cứ dần dần chìm. Chỉ trong vài phút nữa là đắm xuống đáy bể.

- Cho sà lúp xuống bể , mau !

Theo lệnh thuyền trưởng, người ta thả chiếc sà lúp mà gió còn để sót lại. Mười bốn thủy thủ và hành khách được phép xuống.

Viên thuyền trưởng ở nguyên trên tàu.

Bọn thủy thủ kêu to :

- Mời đại úy xuống đây với chúng tôi !

Viên thuyền trưởng đáp :

- Ta phải chết tại nhiệm sở của ta.

Bọn thủy thủ kêu nài :

- Xin đại úy cứ xuống, mau gặp tàu đến cứu thì ta thoát nạn. Xin đại úy cứ xuống mau ! Không thì nguy đến tính mệnh !

- Ta ở lại.

Bọn thủy thủ nhìn hành khách trên tàu gọi :

- Còn một chỗ cho một người đàn bà.

Không thấy có ai trả lời. Bọn ấy lại kêu :

- Một trẻ em vậy !

Nghe tiếng ấy, Mã-Lợi-Nga và Duy-Liệt đều nhảy bổ ra mạn tàu như hai con thú dữ và tranh nhau kêu :

- Tôi ! Tôi !

Tiếng dưới thuyền đưa lên :

- Đứa bé xuống, đứa lớn ở lại vì thuyền đã nặng lắm rồi.

Thấy nói thế, cô bé kinh ngạc, sững người, nhìn Mã-Lợi-Nga bằng đôi mắt của kẻ hấp hối.

Mã-Lợi-Nga lại nhìn cô bé, trông thấy giọt máu đỏ ở vạt áo cô , nhớ ngay cái cử chỉ quí hóa của bạn, rồi một ý định cao thượng qua nét mặt cậu như một luồng chớp, cậu trả lời :

- Cô này nhẹ hơn tôi ! ....Em Duy-Liệt ơi ! Em còn cha, còn mẹ. Anh chỉ có một mình... Anh nhường chỗ cho em. Em xuống mau !

Người dưới thuyền kêu :

- Chùng chình mãi ! Quăng nó xuống đây !

Mã-Lợi-Nga liền ôm ngang Duy-Liệt ném xuống.

Cô bé kêu một tiếng là rơi tòm xuống bể. Một người thủy thủ mau tay cứu được và lôi lên thuyền.

Mã-Lợi-Nga đứng trên mạn tàu trông theo, trán cao ngạo tóc phất phới, vẻ bình tĩnh và trang nghiêm.

Thuyền từ từ xa, Duy-Liệt ngoảnh nhìn Mã-Lợi-Nga khóc thổn thức và đưa tay ra vĩnh biệt.

- Anh ở lại !

- Vĩnh quyết em !

Thuyền đã rời xa, nhấp nhô trong muôn nghìn lớp sóng. Trời u ám. Trên tàu không còn một tiếng kêu, nước ngập đến mui... Duy-Liệt không dám nhìn, giấu mặt trong hai bàn tay. Khi cô bé ngẩng đầu lên, thì con tàu đã biến mất! ... 


Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

LỜI CẢM TẠ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


58. LỜI CẢM TẠ
                                                        Thứ tư ngày 28


Mỗi khi tôi nghĩ lại và so sánh học lực của tôi hồi tháng mười năm ngoái với bây giờ thì tôi thấy hình như tôi đã tiến nhiều. Trong ký ức tôi đã chứa được nhiều điều mới. Khi tôi viết hoặc nói, tôi đã phô diễn tư tưởng được dễ dàng hơn. Đọc sách tôi cũng hiểu nhiều hơn trước. Tôi lại có thể tính toán và giúp một vài việc cho cha mẹ.

Được thế, cũng là nhờ ở nhiều người. Hôm nay là ngày tôi phải cám ơn các vị ấy. Trước hết tôi cảm tạ thầy giáo tôn quý của tôi bao giờ cũng khoan dung và yêu dấu tôi, mỗi một sự tiến bộ của tôi là một sự lao tổn cho thầy.

Tôi cảm ơn anh Đỗ-Sinh, người bạn hiền của tôi, nhờ những lời dẫn giải sốt sắng và phân minh của anh, tôi đã hiểu thấu mọi nghĩa khó khăn và vượt những kỳ thi được dễ dàng.

Tôi cảm ơn anh Tạ-Đinh, người bạn can đảm và khỏe mạnh đã tỏ cho tôi biết có quả cảm mới thành công.

Tôi cảm ơn anh Hạ-Long, một người bạn chính đại quang minh làm cho ai chơi với anh cũng phải trở nên đứng đắn nết na.

Tôi lại không quên cảm ơn các anh Cát-Sinh và Quyết-Tư, các anh đã nêu cho tôi tấm gương can đảm trong lúc biến, tấm gương bình tĩnh trong việc làm !

Nhưng cha ơi ! Chính cha là người con phải cảm tạ hơn hết vì cha vừa là ông thầy thứ nhất, vừa là người bạn thứ nhất của con, cha đã khuyên con biết bao nhiêu lẽ phải, đã dạy con biết bao nhiêu điều hay. Cha đã làm việc vất vả nhưng cha vẫn giấu kín nỗi ưu phiền, chỉ cốt làm cho sự học của con được dễ dàng và đời con được êm ấm.

Cả mẹ nữa, người mẹ hiền từ của con ơi ! Mẹ đã chia xẻ nỗi vui, nỗi buồn của con, mẹ đã học bài, đã làm việc cho con và đã đau khổ vì con ! Con xin quỳ trước mặt mẹ cũng như lúc con còn thơ, để tạ ơn mẹ.

Con xin dâng lại cha mẹ tất cả tấm yêu đương mà cha mẹ đã đặt vào trái tim con trong mười hai năm hy sinh và âu yếm để đền ơn sinh thành. 


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

CUỘC PHÁT THƯỞNG CHO THỢ THUYỀN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


57. CUỘC PHÁT THƯỞNG CHO THỢ THUYỀN
                                                       Chủ nhật, ngày 25

Y hẹn, sáng nay chúng tôi đều đến nhà hát Việt-Tô dự lễ phát phần thưởng cho lớp thợ thuyền.

Nhà hát cũng đông đảo như hôm 14 tháng ba mới rồi, nhưng lần này công chúng phần nhiều thuộc về phái lao công.

Trong sân rạp, hai dãy ghế đầu là học trò hội "hợp ca" ngồi. Giờ khai mạc, các cậu đồng thanh hát một bài cung tặng chiến sĩ trận vong giọng tốt, văn hay quá, nên lúc hát xong, mọi người đều đứng dậy vỗ tay và kêu "bis" , khiến cho các cậu lại phải hát một lần nữa.

Đoạn, những người được thưởng bắt đầu diễn trước mặt ông Thị trưởng, ông Quận trưởng và nhiều viên chức khác. Các ông phát cho họ sách vở, giấy ban khen và bội tinh.

Tôi nhìn thấy "chú phó nề" ngồi một góc phòng với mẹ và ở cuối rạp thấy thoáng bóng ông hiệu trưởng và thầy giáo lớp tôi.

Thoạt tiên là học trò lớp hội họa lên lĩnh thưởng. Chúng tôi nhìn thấy thợ kim hoàn, thợ chạm đồ kim thuộc, thợ in thạch bản, thợ mộc, thợ nề. Kế tới lớp thương mại và lớp âm nhạc. Lớp này có cả mấy cô thiếu nữ và mấy cậu công nhân ăn mặc diêm dúa như ngày hội. Trước vẻ trang trọng ấy, công chúng vỗ tay như pháo. Cuối cùng là lớp phổ thông.

Lớp này gồm đủ người trong các nghề và họ ăn mặc nhiều lối khác nhau : tóc bạc có, râu đen có, người lớn có, trẻ em có. Những người trai trẻ thì vui vẻ, mau lẹ , các ông có tuổi ra chiều bối rối ngượng ngùng. Trong số đó, tôi thấy cả cha "chú phó nề" ông được phần thưởng thứ nhì. Công chúng vỗ tay hoan nghênh tất cả, trẻ cũng như già.

Nhiều người được thưởng có cả vợ con đi theo. Khi thấy cha lên đàn lĩnh giải, mấy em bé gọi và vỗ tay reo.

Một cậu bé quét mồ hóng cũng được thưởng. Mặt cậu hôm nay rửa sạch nhưng quần áo vẫn nhuộm màu than. Ông Thị trưởng hỏi han cậu ân cần và bắt tay khen ngợi. Kế đến lượt một người nấu bếp và một người quét đường : hai người này đều được gắn bội tinh.

Một cậu bé tập nghề, mặc áo của cha lụng thụng lên đàn lĩnh sách, bên dưới có mấy tiếng cười phát ra nhưng bị nhiều tiếng vỗ tay trùm át đi. Sau cậu đến một cụ già đầu hói, râu bạc rồi đến mấy người lính pháo thủ, lính đoan, lính vệ binh là hết.

Để bế mạc lễ này, các cậu trong ban "hợp ca" lại đứng lên hát bài quốc ca rất là hùng tráng.

Ra về, tôi nghĩ đến công việc của những người lao động phải làm thêm những phận sự hàng ngày đã thừa vất vả, nghĩ đến những thời giờ cần phải nghỉ ngơi mà không được hưởng nguyên vẹn, nghĩ đến sức cố gắng của những khối óc không quen học bài, của những bàn tay chai rắn vì lao dịch, lòng tôi cảm thấy một mối như vừa kính trọng vừa thân yêu những người lao công chịu khó, những người cha gia đình xứng đáng nói trên. 


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

CÂY NGỌC LAN TRONG VƯỜN


Xuống tới bậc hiên, cô Ngân đứng lại như vừa sực nhớ một điều gì quan trọng, cô ngoắt tôi đến, vỗ vai dịu dàng, ngần ngừ một lát, đoạn cúi xuống nói khẽ:

– Có ai tới thăm cô, con thưa với họ rằng cô có việc gấp phải đi. Nhớ nghe!

– Dạ.

Ra tới cổng cô Ngân còn quay lui cười mỉm như thầm nhắc lại lời dặn. Tôi nhẹ gật đầu, chia sẻ nụ cười cởi mở kia. Hôm nay trông cô dễ thương và thân mật, không còn đeo bộ mặt nghiêm khắc lạnh lùng thường ngày nữa. Hú vía!

Buổi mai mát dịu. Trời đất đang có vẻ vào thu, thoáng buồn mang mang. Nắng gầy đi, phai sắc nhạt màu. Những phiến nắng mềm mại vàng hoe nằm chen với bóng lá trên mặt đất còn ẩm hơi sương, vỡ ra chút cảm giác lành lạnh tê tái nơi đầu ngón chân vô tình dẫm lên. Tôi đi thơ thẩn quanh vườn, thăm dò lục lọi những trái lựu, mãng cầu cuối mùa còn sót lại trên cành. Cây ổi sẻ mỡ gà, cây khế ngọt đã có nhiều chiếc lá vàng úa héo. Mai mốt đây, vườn sẽ thôi xanh, lá nhuốm bệnh về chiều, lá âm thầm rụng thâu đêm, sáng mai lá chết phơi xác đầy sân, khổ sở tôi phải cầm lên cây chổi ra vườn như người phu đào huyệt cầm cuốc xẻng vào nghĩa trang.

Trên ngọn ngọc lan, con chim nào đó bỗng ngứa cổ hót lên dăm tiếng trong trẻo. Tiếng chim quen thuộc kích thích trí óc tôi, như mời mọc tôi hãy bắt chước giọng nó, hót theo. Im đi một lúc, chờ đợi (?), con chim lại trỗi giọng cũ, lần này nghe giục giã bồn chồn hơn. Tôi bước nhẹ đến gốc cây dõi mắt tìm kiếm nhưng mãi vẫn không thấy tăm dạng bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt đột ngột.

Tôi thở mùi hương ngọc lan tỏa dịu trong không khí ủ hơi nước, lòng khoan khoái, muốn ngà ngà say. Đã qua rồi những ngày hè khô nóng, hương ngọc lan bị nắng đốt lên ngào ngạt gay gắt đến nỗi cô Ngân phải kêu nhức đầu. Những lúc đó, mũi cô chun lại khụt khịt một cách khổ sở, chân mày nhíu lấy nhau tạo ra hai nếp gấp giữa sơn căn; trông cô nhăn nhó như một bà già cay cú, vậy mà có người khen đẹp, ví với cái nhăn mặt của Tây Thi!

Ông nội bảo tôi cùng tuổi với cây ngọc lan này. Mười bốn năm, nó bỏ tôi đứng thấp lè tè dưới đất để vươn cao lên trời, trổ hoa tỏa hương đùa sương giỡn gió thỏa thuê. Nó đâu biết ba bốn năm nay ngày ngày tôi phải mang nước cho nó uống, quét dọn từng chiếc lá cuống hoa nó ném xuống bừa bãi.

Lúc nào ông nội cũng tỏ ra quý mến chăm sóc cây ngọc lan còn hơn lo lắng cho con cháu. Bởi, khắp vùng này chưa nhà nào trồng được. Mỗi lần có bạn đến, ông ân cần mời một chén trà đặc biệt có ướp hương ngọc lan, lòng thầm hãnh diện trước những lời trầm trồ khen thưởng của khách. Khách muốn được xem cây, như chỉ chờ đợi bao nhiêu đấy, ông tôi vồn vã đứng dậy mời khách ra vườn ngay. Dù mang danh là lan nhưng ngọc lan không mềm mại ẻo lả như các loại lan giò treo lủng lẳng trước cửa. Nó thuộc lớp thân mộc, cao lớn suông đuột như cây cột, chẳng có vẻ thẩm mỹ như cái tên nó mang. Thoạt nhìn, khách bỡ ngỡ, bao nhiêu điều tưởng tượng về hình dáng cây hoa nầy đều sai lạc, trái ngược cả. Chừng đoán hiểu được ý khách, ông tôi cười ý nhị, bênh vực:

– Thật không ngờ, với cái thân hình thô thiển thế nầy, nó lại cho mình những nụ hoa thơm danh tiếng.

Pha trà cho ông tôi xong, tôi mang chổi ra quét dăm chiếc lá khô trên lối đi lát gạch trong vườn. Tiếng chim hồi nãy lại trỗi lên líu lo, có vẻ mừng vui hớn hở hơn. Dường như, có đến hai giọng chim đang đối đáp nhau. Chắc chúng vừa gặp nhau sau bao tìm kiếm chờ đợi? Tiếng hót càng rộn rã như muốn tôi dừng tay lắng nghe. Ừ, tôi đang nghe đây. Cứ hót đi khúc nhạc lứa đôi hồn nhiên thần thánh. Cứ truyền nhau hơi ấm thơm tho, mùa thu sắp về rồi kìa, những đám mây bàng bạc đang che lấp mất bầu trời thênh thang của bạn. Như nghe thấu những ý nghĩ khích lệ trong đầu tôi, như ngây ngất với mùi hương ngọc lan nồng đượm, đôi chim đắc ý hót lên lanh lảnh hân hoan. Tiếng hót hòa âm với nhau vang động cả màu lá xôn xao, trong hơi gió mai thổi lất phất. Tôi buông chổi rón rén bước đến gốc cây đưa mắt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt.

Cổng mở, cô Ngân lách mình vào, nụ cười nở sẵn trên môi:

– Biết quét sân nữa hả? Ngoan ghê!

– Cô đi mau vậy?

– Ừ, chút xíu việc, xong rồi. Không ai đến chứ?

– Dạ không thấy.

Cô gật gù đầu, như hài lòng với mình điều gì, đoạn quay gót bước thoăn thoắt vào nhà, tay đong đưa cái xách, mặt hớn hở tựa kẻ vừa đi xa về. Lát sau, tiếng nhạc vang lên từ phòng cô nhè nhẹ, trầm trầm. Mơ hồ, tôi nghe có giọng cô hát theo lạ la là la lá là la…

Cổng lại mở, một người thanh niên lạ bước vào, dáng ngập ngừng như thể định thối lui. Do dự một lát, anh ta cố làm ra vẻ bạo dạn, bình tĩnh bước tới, nét mặt trang bị một niềm tự tin gượng gạo. Đến thẳng trước hàng hiên, nhìn thấy cánh cửa đóng, anh ta tần ngần ngó quanh, bàn tay đưa lên ngang người như định gõ cửa, nhưng bỗng nhiên buông thõng xuống nặng nề. Tiếng nhạc từ phòng cô Ngân vẫn êm ả uốn mình lượn lờ bay ra, quấn quít lấy anh. Người thanh niên nghiêng tai chăm chú nghe, khuôn mặt tươi lên một nét vui kín đáo. Anh ta lấy thuốc ra mồi lửa, nhả khói, dựa lưng vào cột trụ, bộ tịch tự nhiên như một người quen, yên tâm chờ cánh cửa mở ra mà không cần đưa tay lên gõ? Dăm phút trôi qua, anh vẫn đứng yên vậy ngó xuống cái gói cầm trên tay bằng ánh mắt trìu mến. Rồi anh ta đến bên gốc ngọc lan nhìn lên cành lá, vói tay ngắt một nụ hoa đưa lên mũi ngửi giây lâu trước khi bỏ vào túi áo.

Ngồi sau chiếc bể cạn và hòn non bộ, tôi lén theo dõi từng cử chỉ bộ tịch của người khách lạ. Chắc anh ta đã đến đây nhiều lần? Chắc cô Ngân hẹn anh đến chơi sáng nay? Tôi đứng dậy, bước tới trước mặt anh ta, hỏi giọng lạnh nhạt:

– Chú kiếm ai?

Người khách gật đầu vô cớ, không hẳn chào tôi. Anh ngậm miệng lưỡng lự đắn đo một phút rồi hỏi dửng dưng:

– Cô Ngân ở nhà chứ?

– Thưa, vâng.

– Nhờ em trao cái này cho cô. Cám ơn.

Anh ta đưa cái gói trên tay cho tôi, cười ruồi lãng nhách, xong, nhanh nhẩu quay gót bước ra cổng không thèm ngó lui. Cổng mở rồi khép lại, im lìm, thoáng chốc. Tôi mở đôi mắt ngạc nhiên ngó theo. Tôi muốn gọi anh ta thì phải, miệng há ra ngơ ngác. Tôi quên bẵng cái gói đang nằm trong bàn tay ngượng ngập. Người đâu lạ lùng đến thế?

Cô Ngân cũng cau mày thốt ra:

– Lạ thật!

Nếu không có cái gói nầy làm chứng, chắc cô không thể nào tin chuyện một người thanh niên vừa lẩn thẩn vào đây đứng ngu ngơ một chặp rồi lẳng lặng bỏ đi. Tôi nói:

– Ông ta làm như nhà thám tử không bằng. Ai vậy cô?

Cô Ngân vội mở cái gói, lột liên tiếp ba bốn lớp giấy bọc ngoài mới rút ra được quyển sách nhỏ. Nhìn qua dòng chữ in trên bìa, cô “à” lên một tiếng, thở ra nhẹ nhõm:

– Tưởng ai. Sao con không mời người ta vào nhà?

– Chưa kịp mời, ông ấy đã quày quả bỏ đi như chạy trốn.

Cô Ngân lật trang đầu quyển sách, đọc nhẩm gì đó, cười mỉm. Cô lật tiếp vào trong, bối rối dừng tay quay qua nhìn tôi e ngại. Tôi cũng vừa thoáng thấy một góc bì thư xanh nhạt ló ra.

– Con xuống nấu cơm nghe cô.

– Ừ, ngoan lắm.

Buổi cơm trưa, cô Ngân ăn nhanh hơn thường lệ, xong trở lại phòng khóa chặt cửa, bật đèn. Phải tinh mắt mới khám phá thấy một sự thay đổi nào đó ẩn hiện đằng sau vẻ mặt bình thản vô sự cô khéo ngụy trang. Tôi nhớ lại vóc dáng người thanh niên lạ lùng và cố mường tượng ra một cái gì khác anh vừa mang đến cho cô Ngân, ngoài quyển sách và lá thư.

Đêm đó, cô Ngân thức thật khuya.

Sáng hôm sau, đợi cô Ngân đi chợ rồi tôi đem chổi vào phòng cô quét bụi như mọi bữa. Và cũng khác với mọi bữa, hôm nay căn phòng bẩn hơn, đây đó, những mảnh tro, những tờ giấy xé vụn cháy dở như thể còn âm ỉ sự buồn bực trái ý của cô Ngân.

Xế chiều, cô gọi tôi ra vườn, ngần ngừ một lát (thói quen của cô), cúi xuống nói nhỏ:

– Cô định nhờ con chút việc, nhưng con hứa đừng nói cho ai hay cả.

– Con xin hứa.

Cô nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn đo lường sự thành thật:

– Con mang cành hoa ngọc lan nầy đến số nhà… đường… cho người khách đó. Trao cho ông ấy xong, con về ngay. Họ hỏi thêm gì con cứ thưa không biết. Nhớ nghe.

– Con nhớ.

– Canh chừng ông nội trước khi ra khỏi nhà.

– Dạ.

Tôi đã làm tròn “sứ mạng” một cách vừa ý cô Ngân: trao hoa vào tay người thanh niên, nhích mép cười ruồi rồi quay gót rút lui như chạy trốn. Mặc anh ta hoảng hốt gọi vói theo rối rít.

Hai ngày sau, tôi lại vâng lời cô Ngân thi hành “sứ mạng” một cách chu tất. Bộ tịch giữa “sứ giả” và chủ nhân diễn ra hệt như lần trước.

Lần thứ ba, anh ta đi vắng nhưng cửa sổ vẫn để ngỏ. Tôi ném cành hoa vào chiếc bàn bề bộn sách báo bên trong. Thấy không cần phải vội “bôn tẩu thoát thân”, tôi nán lại đọc bài thơ dán trên cửa, nét chữ thảo bay múa trên nền giấy hoa.

Lòng ngát hương sao tình phong nhụy?
Cửa mở rồi hoa phấn chưa sang
Học đòi Trang Tử mơ thành bướm
Bay đến vườn ai trộm ngọc lan
Chao ơi hương phấn màu yêu mị
Mới tương tư đã rụng cánh vàng
Tay chưa vịn cửa chờ, đã vuột
Chưa trải lòng ra hứng, đã tan

………………………………….

Tác giả ký tháu tên mình dưới bài thơ, không đoán được.

Trên đường về, tình cờ tôi gặp người thanh niên. Anh cười tinh ranh như thầm bảo: phen nầy đừng hòng chạy trốn nữa nhé! Tôi bối rối nhưng biết chắc mình không thể thoát đi được, khuôn mặt anh lộ ra vẻ dịu dàng thân mật như níu giữ tôi lại.

– Cháu vừa mang hoa đến cho chú.

– Cảm ơn em, tôi chờ đã hai ngày nay. Sốt ruột ghê.

– Chú dùng những bông hoa ấy làm gì vậy?

Anh cười ỡm ờ:

– À, chỉ để thưởng ngoạn thôi. Cái đẹp đâu có dùng làm gì lợi ích được. Tôi mê ngọc lan, ghiền nặng mùi hương của nó rồi. Làm phiền em quá nhỉ?

– Không đâu. Hân hạnh cho cháu chứ.

– Bây giờ tôi hân hạnh được mời cháu đi ăn kem.

Tôi cười lớn:

– Chú định trả công cho cháu đấy hả?

– Nói vậy tội nghiệp tôi chết. Nào, mình đi.

– Xin chú dịp khác. Sao chú không lại nhà cháu chơi?

– Có nhiều lý do khiến tôi không thể đến.

– ?

– Chẳng hạn cô Ngân không muốn tôi ghé nhà.

– Sao lạ vậy?

– Không sao cả.

– Cháu hiểu rồi.

– ?

– Cháu mới đọc bài thơ chú treo nơi cửa sổ.

– !!??

– Nhưng cháu chưa biết tên tác giả.

– Thì coi như Vô-danh-thị.

– Tên chú?

– Hà.

– Hà?

– …

– ???

– Lạ nhỉ?

– Hà là tên con gái.

– Là một dòng sông. Dòng sông trên trời cháu biết tên gì không?

– Không biết.

– Tôi cũng không biết vậy.

– Thôi, cháu về.

Một hôm, cô Ngân gọi tôi ra vườn, ngần ngừ, trù trừ trước khi nói.

– Cám ơn con đã giúp cô lâu nay. Nhưng ngày mai cô phải đi Sàigòn có công chuyện, chưa biết bao giờ về. Dù vậy, con vẫn cứ tiếp tục hái hoa mang đến cho người ta. Điều quan trọng là đừng nói cho ông ấy biết cô đã đi Sàigòn.

– Sao vậy cô?

– Không sao cả.

Tôi tự trả lời cho sự tò mò của mình. Mày chưa đến cái tuổi đáng được người lớn tin cậy mà thổ lộ tâm sự. Vâng, tôi chỉ là đứa bé ngây thơ chỉ xứng với việc mang những cành hoa vô tri giác mà thôi. Đừng thắc mắc tìm hiểu gì hơn.

Một tuần sau ngày cô Ngân xách hành lý lên máy bay, tôi mới nghĩ đến việc hái ngọc lan đem đến cho người thanh niên. Sau những trận mưa đầu mùa dữ dội, cây ngọc lan trông xơ xác thêm, lá rụng gần hết. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một ít hoa hàm tiếu ẩn mình trên ngọn cao. Khi sắp bước ra cổng, tôi bỗng nghe giọng con chim nào đó hót buồn bã trên cây. Tiếng chim quen thuộc gõ vào ký ức tôi, như nhờ tôi tưởng đến buổi mai nào đó hân hoan ríu rít bên người bạn tình ấm cúng. Tôi bước đến gốc cây nhìn lên: con chim mang chiếc-áo-lông màu vàng nhạt điểm cườm nâu đậu trên một cành thấp, mặt buồn xụ. Nó vẫn hót tiếp từng tiếng bồi hồi ảo não. Thôi bay đi chim ơi, tôi không muốn nghe nữa, hiểu tâm trạng mày rồi. Bay đi chứ, sao cứ đứng trân trối vậy? Tôi rung mạnh thân cây mà nó vẫn ngơ ngác đậu yên chỗ. Hình như nó đuối sức, sắp rớt xuống, đôi cánh không giương ra được nữa?

Trái những lần trước, hôm nay người thanh niên nhận bó hoa ngọc lan với vẻ mặt thờ ơ lạnh nhạt. Anh ta trầm ngâm hút thuốc, mắt trông vời về phía khác, không thèm biết có tôi bên cạnh. Tôi vùng vằng ra về, hận anh ghê lắm, quyết từ nay chẳng hoài công mang ngọc lan tới nữa.

Ba hôm sau, trong bữa cơm chiều, ông tôi cho biết cô Ngân ở luôn Sàigòn với ông chú, không về lại đây. Ông không phản đối ý cô.

Buổi tối, trời lại đổ mưa ào ào. Mưa réo mưa gầm mưa điên cuồng gào thét. Gió thổi vùn vụt qua vườn cây mỗi lúc một hung tợn. Mưa gió toan đè bẹp ngôi nhà côi cút hai ông cháu nầy. Ông tôi báo động từng chặp: trời nổi bão rồi. Nét mặt ông nhuốm vẻ nghiêm trọng nặng nề.

Khoảng chín giờ đêm, bão tung hoành tận lực. Gió đập mái tôn nhà bếp rùng rùng. Cây cối trong vườn kêu rít lên oằn oại. Ngọn đèn dầu leo lét giữa nhà cứ chực tắt, căn nhà thì run lên từng cơn răng rắc. Tôi bối rối chạy tới chạy lui chỉ sợ ngôi nhà sập xuống. Ông tôi không dằn được lo sợ, cuống lên. Gió đã bứt được những tấm tôn ném đi loảng xoảng. Gió hú quanh vườn ghê rợn như tiếng kêu báo tử. Gió chặt cây sàn sạt bên ngoài. Đồng thời, mưa xỉa xói bằm nát trời đất ra, mưa cuồng nộ điên dại, mưa tác oai tác quái, mưa như thác đổ. Ông tôi hết níu cửa sổ lại vịn cột nhà, hoảng hốt, tuyệt vọng. Cuối cùng, sực tỉnh, ông chạy vào bàn thờ run tay đốt lửa thắp nhang và gióng lên một hồi chuông, cầu nguyện.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa liên tu bất tận dù gió đã dịu bớt. Ông tôi hé cánh cửa nhìn ra ngoài và kêu lên một tiếng ai oán. Tôi giật mình chạy lại: cảnh tượng thê lương ngoài sức tưởng! Vườn cây bị tàn sát thê thảm. Mãng cầu, xoài, lựu, vú sữa… hầu hết đều gãy đổ ngổn ngang. Cây mít ngã xuống đập nát hòn non bộ. Nhưng đau đớn hơn hết, cây ngọc lan bay gốc nằm lăn kềnh trên sân, cành lá bị tuốt sạch như có ai dùng rựa phát trụi vậy. Nước mắt tôi ứa ra, nghẹn ngào.

Đợi trận bão rút đi hẳn trời bớt mưa, tôi chạy lại nhà người thanh niên báo tin buồn cho anh. Buồn thật, cây ngọc lan vừa chết oan khiên tức tưởi. Cây hoa anh say mê lâu nay không còn nữa sau cái đêm gió bão oan nghiệt. Còn đâu mùi hương ngan ngát dìu dịu? Còn đâu những nụ hoa gởi gắm bao tình ý thơm tho? Còn đâu chỗ hẹn cho một đôi chim đưa nhau về ca hát ngày nắng ấm? Sao ông Trời nỡ đành nhẫn tâm tàn hại loài hoa yếu đuối dễ thương thế kia?

Cuối cùng, không ai trả lời cho những câu hỏi thảm thiết trong đầu tôi.

Kìa, ngôi nhà cửa đóng chặt, khóa ngoài. Người hàng xóm cho tôi biết:

– Ông ấy đi Sàigòn trước hôm trời bão.


Phạm Ngọc Lư  


(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 70, tuần lễ từ 28-9 đến 5-10-1972)


Nguồn : huyvespa.blogspot.com

 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG












GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG

Con gà đẻ trứng vàng
Mỗi ngày đều một trứng
Chủ ngỡ có kho tàng
Trong bụng chị gà mái

Chủ đem gà cắt tiết
Rồi mổ bụng ra coi
Bụng rỗng, gà giẫy chết
Tiếc của, chủ kêu Trời!


NHỆN VÀ TẰM

Nhện thấy tằm nhả tơ
Vỗ tay cười chế nhạo
Coi nè nhanh như ta
Còn mi ôi chậm chạp

Tằm thủng thẳng trả lời
Phải, tôi đây vốn chậm
Nhưng làm lợi cho đời
Còn anh, vô ích thậm!


CHỚ ĐỂ NGÀY MAI

Sáng hôm nay lão Ngố
Ra vườn và tưới rau
Chợt thấy trong kẽ lá
Có rất nhiều trứng sâu

Định ngày mai sẽ bắt
Ngày mai bị nhức đầu
Thôi để ngày kia vậy
Ngày kia bận đi câu

Nấn ná chần chừ mãi
Sâu cắn hết còn đâu
Thôi từ nay có việc
Phải làm ngay thật mau.


Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

THÚ QUÊ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


56. THÚ QUÊ

                                                          Thứ hai, ngày 19

Cha tôi đã tha lỗi cho tôi và cho phép tôi theo anh Quyết-Tư và cha anh về vùng quê chơi. Chúng tôi vốn khát khao chút khí trời thoáng đãng trong sạch, nay được đi chơi, thật là vui vẻ như ngày hội.

Đúng hai giờ chiều hôm qua, Đỗ-Sinh, Hạ-Long, Ngạc-Phi, Cát-sinh, cha anh Quyết Tư, anh Quyết-Tư, và tôi đều tề tựu tại vườn "Ông Tượng"... Ai nấy đều mang theo hoa quả, bánh, trứng để ăn đường. Tôi mang một cái bát gỗ, một bình sắt tây, Hạ-Long xách một bầu rượu vang trắng, Quyết-Tư đeo một cái binh toong to tướng của cha anh đi lính ngày xưa đựng đầy rượu vang đỏ, Cát-Sinh cắp bên cái yếm thợ rèn, một chiếc bánh hai cân. Chúng tôi đáp ô-tô hàng ra ngoại châu thành chừng năm, sáu cây số.

Nửa giờ sau, chúng tôi xuống xe và rẽ vào một cánh đồng cỏ bao la, xa xa nổi mấy ngọn đồi. Trời xanh cỏ biếc ! Gió thổi hiu hiu. Thực là xinh đẹp và mát mẻ vô cùng ! Chúng tôi đi, chúng tôi chạy, chúng tôi nằm lăn ra cỏ, chúng tôi gội đầu trong suối, chúng tôi nhảy qua bờ rào...!

Cha anh Quyết-Tư, áo vắt vai, miệng ngậm tẩu, đi sau nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại thét lác cho chúng tôi đừng nghịch quá rách cả áo quần. Hôm nay anh Cát-Sinh cũng huýt còi, có lẽ trời mưa mất! Quyết-Tư mau lẹ như con nai, vừa đi vừa lấy cành cây gọt đủ thứ : cánh cối xay, thìa, đĩa, ống tiêm rất khéo ! Đỗ-Sinh chốc chốc lại đứng lại bảo chúng tôi tên các cây cỏ và sâu bọ. Sao mà anh biết lắm thế ? Không biết anh học những khoa ấy tự bao giờ! Hạ-Long im lặng gặm bánh : từ khi mẹ anh mất đến giờ, anh có vẻ kém vui, song lòng anh vẫn tốt như xưa. Anh giơ tay đón mỗi khi chúng tôi qua hố, qua cầu. Cát-Sinh sợ bò như cọp vì ngày còn bé anh bị bò húc một lần. Hạ-Long biết ý mỗi khi gặp bò là anh đứng chắn cho Cát-Sinh đi qua.

Chúng tôi cứ vừa đi vừa chơi như thế cho tới địa phận làng Mặc-Thiện. Ở đây có nhiều đồi, ngọn nào cũng có cây cao bóng rợp. Chúng tôi thi nhau lên đồi, xuống đồi, chúng tôi nhảy nhót lăn lộn...

Cát-Sinh nhảy qua bụi, rách quần, thẹn đỏ mặt. May sao Ngạc-Phi có sẵn ghim trong túi đem ra díu lại cho bạn.

Ngạc-Phi một mình thơ thẩn nhặt sỏi, nhặt đá, chắt chiu giấu kỹ tưởng trong có ngọc, có vàng.

Đỗ-Sinh, Quyết-Tư và tôi, ba người hết chạy nhảy lại leo trèo, hết đùa chỗ rậm lại chơi chỗ nắng, hò reo vùng vẫy như một bọn điên. Cuối cùng mệt lả, chúng tôi mới chịu lên một ngọn đồi rồi gọi nhau hội họp dưới bóng cây, trên đám cỏ để ăn uống. Đứng trên đỉnh đồi chúng tôi nhìn ra một bức toàn cảnh rất đẹp : dưới chân một cánh đồng mênh mông xanh rợn, xa xa là dãy An-Sơn, sườn nhuộm sắc lam, đầu phô tuyết trắng !

Chúng tôi đói quá ăn rất ngon miệng. Cha anh Quyết-Tư hái lá bi làm đĩa đựng giò và phân phát đồ ăn cho chúng tôi. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện về thầy giáo, các bạn vắng mặt và bàn về chuyện thi.

Cha anh Quyết-Tư uống rượu vui vẻ lắm, ông bảo chúng tôi :

- Những người hàng củi cần uống rượu hơn là các cậu học trò, vì bé mà uống rượu thì có hại.

Chúng tôi đáp :

- Chúng tôi không biết uống. Mời ông uống thật say !

Ông nói tiếp :

- Các cậu chơi đùa với nhau hôm nay có thích không?

Chúng tôi đồng thanh đáp "có" và mong thỉnh thoảng lại có cuộc đi chơi này.

Ông nói :

- Bây giờ còn nhỏ, các cậu chơi với nhau xem chừng thân thiết lắm. Nhưng một mai, cậu An-Di, cậu Đỗ-Sinh làm luật sư hay giáo sư chẳng hạn, còn các bạn khác kẻ làm thợ, người buôn, lúc ấy có lẽ "ôi thôi" tình bè bạn !

Đỗ-Sinh đáp :

- Đời nào ! Đối với tôi , Hạ-Long sẽ vẫn là Hạ-Long, Cát-Sinh sẽ vẫn là Cát-Sinh, các bạn khác cũng thế, dù tôi có làm đến Hoàng đế nước Anh chăng nữa, tình cố cựu vẫn y nguyên.

Cha anh Quyết-Tư nâng cốc, nói :

- Khá lắm ! Khá lắm ! Cậu nói nghe được ! Học đường vạn tuế ! Học đường là một gia đình chung cho kẻ khó cũng như người giàu ! Tôi nâng cốc này để chúc cho tình thân ái của các cậu được lâu dài !

Chúng tôi đều vỗ tay khen.

Trời gần tối. Chúng tôi xuống đồi, dắt tay nhau vừa chạy vừa hát. Qua bờ sông Bô-hà, chúng tôi đã thấy lập lòe trăm nghìn con đom đóm giỡn bay trên cỏ và dưới sông sóng vỗ đen ngòm !

Về đến vườn "Ông Tượng", chúng tôi cùng nhau chia tay và hẹn chủ nhật tới sẽ lại gặp nhau trong cuộc phát thưởng cho thợ thuyền. 


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

CHA TÔI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


55. CHA TÔI
                                               Thứ bảy, ngày 17

An ơi ! Chắc hẳn những bạn con như Quyết-Tư và Hạ-Long không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã đối với cha con chiều hôm qua. Con phải thề cùng mẹ rằng từ rày con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia – mà ngày ấy không thể tránh được – cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại gần để trối trăn. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng : trước kia cha con thực là một người bạn tốt của con ; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ vì muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc.

Trừ lòng yêu con, thương con, còn ngoại giả cha con giấu hết. Nào con có biết : những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chằng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải chơ vơ và không nơi nương tựa ! Nào con có biết : bao phen bị mối ưu phiền ấy ám ảnh, cha con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi ! Nào con có biết : lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.

Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con, bỗng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con đau khổ biết dường nào! Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cái gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc con còn bé... con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngày mai cũng không biết chừng !

Ôi ! đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở chung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con đầu tang tóc rối, âm thầm chua xót ! Thôi ! Con ơi, mẹ nói đã nhiều. Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi.

Mẹ con.   

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

32 ĐỘ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


THÁNG SÁU

54. 32 độ (1)
                                                Thứ sáu, ngày 16

Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá ! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân. Cổ và chân đã thấy mỏi, đầu muốn ngả, mắt muốn nhắm. Anh Niên-Ly khổ về nóng nực, mặt mũi xanh xao thỉnh thoảng lại gục đầu xuống vở ngủ một giấc dài. Anh Hạ-Long khôn hơn, bao giờ cũng có ý dựng sách trước mặt để thầy giáo khỏi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu. Còn anh Cát-Lộ cứ kêu ra rả rằng lớp đông người quá, không đủ không khí thở. Coi đó, có thể biết : mùa hè đến, chúng tôi đã cố gắng biết là bao nhiêu để học tập.

Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy cây cối xanh tốt, bóng rợp rung rinh như muốn khêu gợi sự nô đùa mà tôi buồn. Ngày nào cũng phải ngồi giam trong buồng học với cái nóng nung người như thế này thì thực là khó chịu quá ! Tuy nhiên, mỗi khi thấy mẹ tôi đón tôi ở cửa trường có ý thương hại thì tôi lại ra vẻ bình tĩnh. Mỗi khi mẹ tôi thấy tôi loay hoay viết lách và hỏi tôi :"Con có nhọc không?" thì tôi lại làm bộ nhanh nhẹn thưa "không" để mẹ tôi được yên lòng.

6 giờ sáng nay, mẹ tôi gọi dậy để học bài, thấy tôi uể oải, mẹ tôi khuyên :

- Con hãy chịu khó đi học, con ạ ! Chỉ còn ngót tháng nữa, con sẽ được nghỉ hè. Mẹ sẽ cho con về quê chơi. Con còn sung sướng hơn bao nhiêu trẻ không có nghỉ hè. Con chẳng xem trong lúc trời nóng như thiêu như đốt, những đứa trẻ nhà quê phải dãi thân ở giữa cánh đồng ? Những đứa trẻ học nghề luôn luôn phơi mặt bên cạnh lò nấu thủy tinh ? Những cái nóng ấy còn khó chịu gấp mấy cái nóng ở nhà trường !... Cố lên con ạ !

Thêm vào những tấm gương nhẫn nại mà mẹ tôi vừa nói, chúng tôi còn có cái gương hoạt động nữa vẫn ở ngay cạnh mình. Đó là Đỗ-Sinh. Anh không biết nhọc mệt là gì. Mùa hạ cũng như mùa đông, bao giờ anh cũng tỏ ra nhẹ nhàng, mau mắn.

Trong lớp còn có hai người học trò nữa vẫn tỉnh táo và chăm chú là anh Tạ-Đinh, mới chế ra được môn thuốc chữa bệnh ngủ gật là tự véo vào đùi mình và Ngạc-Phi, anh chàng làm tiền cứ luôn tay làm những cái quạt giấy để bán cho anh em. Nhưng người can đảm nhất có lẽ là anh Quyết-Tư đáng thương, ngày nào cũng phải dậy từ gà gáy để vác củi giúp cha ; vì thế cứ đến gần mười một giờ là mắt anh híp lại, đầu anh rũ xuống... Biết thế, anh hết sức cựa cậy hay tự đập vào gáy cho tỉnh ngủ ; có khi anh xin phép ra ngoài để rửa mặt hay nhờ người ngồi bên cạnh cấu hộ cho rõ đau. Sáng nay, không gượng được nữa, anh gục xuống bàn làm một giấc thật say.

Thầy giáo gọi :

- Quyết-Tư !

Anh không biết gì.

Thầy giận gọi lần nữa :

- Quyết-Tư !

Bỗng một người bạn ở gần nhà anh đứng lên mách :

- Thưa thầy, anh ấy đội củi từ 5 giờ sáng ạ.

Thầy để yên anh ngủ và giảng tiếp bài. Nửa giờ sau, thầy sẽ xuống bàn, thổi vào trán anh, anh sực tỉnh, thấy thầy, sợ quá ! Nhưng thầy vỗ vai anh bảo :

- Thầy không mắng con đâu. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của đứa lười. Sáng nay, con đã làm nhiều, thầy biết.

-----------------------
(1) Ở xứ thuộc ôn đới, mùa hè, hàn thử biểu lên đến 32 độ là nóng lắm.


Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

EM BÉ QUÊ


EM BÉ QUÊ mong mỏi vươn mầm non mạnh, kiến thiết xã hội : TƯƠNG LAI.


 Nghe bài hát "Em Bé Quê", xin mời bấm dưới đây :

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

VỢ CHỒNG QUÊ


VỢ CHỒNG QUÊ ca tụng tình yêu trong sạch, sức làm Việc, niềm Hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh : HIỆN TẠI



Nghe bài hát Vợ Chồng Quê xin mời bấm dưới đây:

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

BÀ MẸ QUÊ


BÀ MẸ QUÊ :Tượng trưng lòng Hy sinh, chí Kiên nhẫn, tình Thương : DĨ VÃNG


Nghe bài hát Bà Mẹ Quê mời bấm dưới đây:

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

CHÚ VỊT CON XẤU XÍ


Một ngày nắng đẹp, bên bờ hồ có một chị vịt đang bồn chồn đi lại quanh ổ trứng. Đã đến ngày đàn con của chị chào đời.

Chợt những quả trứng khẽ động đậy, rồi một, hai, ba… chú vịt con xinh xắn đội vỏ chui ra. Riêng quả trứng to nhất, hay được mẹ chú ý nhất, thì mãi không chịu nứt vỏ.

“Sao thế nhỉ? Có chuyện gì xảy ra chăng? Con hãy mau ra đây để ngắm trời xanh, nắng vàng đi chứ!” Vịt mẹ lo lắng nghĩ và lay nhẹ quả trứng.

Nhưng quả trứng vẫn nằm im. Đúng lúc ấy, một bác vịt đi qua, ghé thăm đám vịt mới nở.

Bác khen chúng dễ thương và sau một hồi ngắm nghía quả trứng còn lại trong ổ, bác vịt lắc đầu bảo:

– Tôi e đây là trứng gà tây. Tôi đã gặp chuyện này một lần rồi, rắc rối lắm! Cô quên nó đi, đưa bọn trẻ xuống nước cho chúng tập bơi kẻo tối đến nơi rồi.

Vịt mẹ không đành lòng làm theo lời khuyên của bác vịt kia, chị vẫn kiên trì ấp ủ hơi ấm cho quả trứng út ít. Và rồi cũng đến lúc vỏ trứng tách ra, một chú vịt con to lớn hơn hẳn các anh chị, lông xám xịt hiện ra. Vịt mẹ ngỡ ngàng nhìn nó hồi lâu và lắc đầu khẽ nói:

– Trời ơi, sao con khác lạ và xấu xí quá, chẳng lẽ con lại là gà tây?

Hôm sau, vịt mẹ dẫn cả đàn con ra hồ. Vịt con xấu xí bơi rất giỏi, nó luôn dẫn đầu cả đàn, theo sát sau mẹ. Vịt mẹ thấy vậy mừng lắm:

– Thằng bé đúng là con mình, không phải là gà tây, nó bơi giỏi thế cơ mà!

Khi đám vịt con đã cứng cáp, vịt mẹ dẫn chúng đi chào họ hàng, bà con xóm giềng. Nhưng đi đến đâu, vịt con xấu xí cũng bị cười cợt, chòng ghẹo.

Khi lũ vịt con được chia quà là những con cá trạch tươi ngon thì vịt con xấu xí cũng chỉ được nhận sau cùng. Bác vịt đầu đàn nhìn nó chẳng mấy thiện cảm và còn hỏi:

– Ơ, đứa trẻ xấu xí này là con cái nhà ai mà lạc vào đây thế?

Lũ vịt con thấy thế được thể bắt nạt vịt con xấu xí suốt ngày. Cứ hễ khi nào vắng mẹ là chúng không cho chú cùng ăn, cùng chơi với chúng.

Vịt con xấu xí buồn lắm, đành lủi thủi chơi một mình. Một hôm chú lang thang trong vườn, tình cờ gặp anh gà trống đang tâm sự với chị gà mái. Vừa nhìn thấy vịt con, anh gà trống đã quắc mắt mổ cho nó một cái rõ đau rồi quát lên:

– Đồ nhóc con xấu xí, mò đến đây làm gì cho bẩn mắt ta! Biến ngay!

Vịt con sợ hết hồn hết vía, bỏ chạy thục mạng. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, vịt con xấu xí luôn bị xua đuổi, bị đối xử ghẻ lạnh, sống giữa bầy đàn mà chú luôn cảm thấy cô đơn. Không thể chịu đựng thêm được nữa, một hôm vịt con quyết định bỏ đi.

Vịt con men theo bờ hồ, chậm chạp bước đi. Chú không biết sẽ đi đâu. Đi đâu để tránh được những tiếng chê bai, giễu cợt? Chợt vịt con giật mình dừng lại. Thì ra đám ếch đang ngồi chơi, thấy vịt con đi tới đã đồng loạt nhảy xuống hồ, kêu toáng lên:

– Ộp ộp, con gì mà xấu xí quá, chắc không phải là vịt!

Vịt con tủi thân lắm. Chú nghĩ: “Mình xấu xí đến mức ma chê quỷ hờn hay sao mà ai thấy mình cũng muốn tránh xa thế nhỉ?!

Vịt con chán nản nằm ệp xuống vạt cỏ. Bỗng chú nghe thấy tiếng đập cánh vui vẻ, tiếng trò chuyện xôn xao, liền ngẩng lên nhìn. Một đàn vịt trời bay qua chỗ vịt con, hạ cánh xuống phía hồ bên kia nghỉ ngơi. Vịt con vội nhảy xuống hồ bơi về phía đàn vịt, mong muốn được kết bạn với chúng. Nhưng đám vịt trời vừa nhìn thấy chú đã kêu lên ầm ĩ:

– Con vịt xấu xí này ở đâu ra vậy?

Con cái của chúng ta làm gì có đứa khó coi thế này!

Ngay lúc ấy, tiếng súng nổ chợt vang lên: Pằng! Pằng! Và hai con vịt trời bơi gần vịt con nhất bị trúng đạn, không kịp kêu lên một tiếng nào.

Vịt con sợ hãi, run rẩy, cố rúc đầu vào đôi cánh nhỏ, nấp cạnh khóm sậy.

Vịt con nghe thấy tiếng nước văng rào rào. Một anh chó săn to lớn lù lù tiến đến. Nhưng anh chó chẳng thèm để ý đến vịt con, chỉ ngoạm hai con vịt trời bị bắn chết lôi vào bờ.

Vịt con thở phào nhẹ nhõm: “May quá! Mình xấu xí đến nỗi ngay cả anh chó săn cũng chẳng thèm để mắt đến”.
 
Đêm ấy, vịt con vừa sợ vừa mệt, cuộn mình trong đám cỏ mềm nằm ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau chú lại tiếp tục lên đường. Chú vẫn ước mong tìm được chốn nương thân, tìm được những người bạn tốt. Nhưng mùa đông đã bắt đầu tràn tới, gió lạnh thổi ào ào. Cuộc hành trình của vịt con càng khó khăn hơn. Vừa đói, vừa rét, vịt con lảo đảo bước đi.

Mãi đến khi kiệt sức, vịt con mới gặp một ngôi nhà nhỏ. Nơi ấy có một bà cụ phúc hậu sống cùng với chị gà và anh mèo.

Vừa nhìn thấy vịt con, bà cụ đã xuýt xoa thương xót và đưa ngay chú vào nhà. Bà cụ ủ ấm cho vịt con rồi lấy cháo nóng cho chú ăn. Từ khi rời đàn ra đi, bữa ấy vịt con mới được ăn ngon như thế.

Trong khi ấy thì anh mèo và chị gà cứ lượn lờ quanh vịt con.

Anh mèo gừ gừ hỏi:

– Này vịt con xấu xí kia, mi có biết bắt chuột không?

Còn chị gà thì cục ta cục tác nhặng xị lên:

– Trông chú mày, vịt chả ra vịt, gà chả ra gà, chú mày có biết đẻ trứng như chị không?

Vịt con không biết trả lời ra sao, chỉ biết lắc đầu. Thế là cả anh mèo và chị gà cùng đồng thanh:
– Đúng là đồ vô tích sự! ở đây không có chỗ cho chú em đâu.

Vịt con nghe nói thế không biết làm cách nào, đành ngậm ngùi ra đi.

Một buổi chiều, chú đi đến một cái hồ lớn ven rừng. Trên mặt hồ có đàn thiên nga đang bơi lội, con nào cũng trắng muốt tuyệt đẹp.

– Ước gì mình cũng xinh đẹp như các anh chị ấy thì hạnh phúc biết bao! –

Vịt con ao ước. Chú cứ ngẩn ngơ ngắm mãi cho đến khi đàn thiên nga cất cánh bay khuất dần sau khu rừng. Trời tối rất nhanh. Vịt con không còn biết đi đâu nữa! Nghĩ đến thân phận mình, chú gục mặt xuống tuyết nức nở khóc.

Sáng sớm hôm sau, có một bác gác rừng đi qua, thấy một chú vịt con bị băng phủ kín, lạnh cóng, nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Bác đập vỡ đám băng bám quanh vịt con, bế chú lên, quấn vào vạt áo rồi đưa về nhà.

Vịt con được sưởi ấm, dần dần hồi tỉnh. Từ đó, vịt con xấu xí được ở lại trong căn nhà ấm áp của bác gác rừng tốt bụng. Mọi người trong nhà đều yêu quý chú ta. Vịt con vui lắm, nghĩ rằng sẽ được ở đây mãi mãi.

Nhưng rồi một ngày kia, cả nhà đi vắng hết, chỉ còn một mình vịt con đang thiu thiu ngủ. Chợt vang lên những tiếng kêu chít, chít, chít… Chú choàng tỉnh, lạch bạch chạy vào trong bếp. Một cảnh tượng lộn xộn diễn ra trước mắt chú: Cả đàn chuột đang đánh chén ngon lành trên bàn ăn.

Thấy động, đám chuột xô nhau bỏ chạy tán loạn làm bát đĩa, cốc, chén… rơi loảng xoảng, thức ăn vương vãi lung tung. Khắp phòng bếp bị đảo lộn bừa bộn, bẩn thỉu.

Vừa lúc đó bà chủ trở về. Thấy cảnh đổ vỡ ngổn ngang, còn vịt con xấu xí thì đang ngơ ngác đứng giữa nhà, bà giận dữ la lớn:

– Con vịt xấu xí kia, mày đã làm gì thế này?

Vịt con hoảng sợ, vội bỏ chạy ra khỏi nhà.

Tuyết rơi trắng xoá khắp nơi. Vịt con rét run, lẩy bẩy bước đi. Bỗng chú thấy lấp ló sau bụi cây có một căn nhà xinh xắn.

Vịt con bước đến, rụt rè gõ cửa. Một bác chuột đồng vui vẻ bước ra, ân cần xoa đầu vịt con:

– Tội nghiệp vịt con bé bỏng, vào nhà với bác cho đỡ rét!

Nhà bác chuột đồng rất ấm và chất đầy thức ăn. Mẹ con bác chuột thương vịt con lắm, họ giữ vịt con ở lại cho qua mùa đông giá rét. Lần đầu tiên trong đời, vịt con được yên tâm sống trong cảnh vui vẻ, đầm ấm thương yêu như vậy…

Thời gian thấm thoắt trôi đi, chẳng mấy chốc mùa xuân đã trở lại. Vịt con bây giờ đã lớn lên nhiều, chú bâng khuâng nhớ hồ nước trong xanh, nhớ cánh đồng đầy hoa, nhớ bầu trời cao rộng. Chú liền cám ơn và bịn rịn chia tay mẹ con bác chuột đồng để trở về hồ nước xanh.

Vịt con ra khỏi nhà, ngẩng mặt lên đón những tia nắng ấm áp của ông mặt trời và khoan khoái vẫy nhẹ đôi cánh. Chú chợt thấy mình được nâng bổng lên cao.

Vịt con reo lên:

– Ôi, mình đã biết bay! Mình đã biết bay thật rồi!

Vịt con sung sướng dang rộng và vẫy mạnh đôi cánh. Trong chốc lát, chú đã ở giữa bầu trời xanh bao la. Thật tuyệt vời, vịt con thích thú liệng xuống sát mặt hồ. Chú ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa. In hình trên mặt nước biếc xanh không phải là chú vịt con xấu xí mà là một chàng thiên nga đẹp đẽ, trẻ trung.

“Thật là kì diệu, bây giờ sẽ không còn ai gọi mình là vịt con xấu xí nữa!” Chàng thiên nga tự nhủ và cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Chàng thiên nga kiêu hãnh vươn cao cái cổ thon dài bơi ra giữa hồ. Nơi đó có đàn thiên nga vừa hạ cánh, chúng đang vui vẻ gọi chàng thiên nga nhập bầy, cùng múa lượn đón chào mùa xuân.


HANS CHRISTIAN ANDERSEN  

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

VE VÀ KIẾN_THƠ NGỤ NGÔN











Ve sầu kêu ve ve, 
suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm núm,
Sang chị kiến hàng xóm.
Xin cùng chị cho vay,
Giăm ba hạt qua ngày.
- Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả,
Trước thu, thề đất trời
Xin đủ cả vốn lời.
Tính kiến ghét vay cậy,
Thói ấy chẳng hề chi.
- Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi ve như vậy.
Ve rằng: - Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác.
Kiến rằng: - Xưa chú hát!
Nay thử múa coi đây.


                  Jean de La Fontaine

             Bản dịch của Nguyễn văn Vĩnh


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

VỀ MỘT MÙA ĐANG TRỞ LẠI













Và gió mang theo bụi nắng vàng
Giữa thành phố cũ gọi mùa sang
Cành hoa gạo xế ngang đường chợ
Rụng đỏ ngày qua xác phấn tàn

Lòng anh trở giấc thật tình cờ
Soi tìm dĩ vãng mặt hồ xưa
Năm tháng trôi theo giòng sương biếc
Đời lạnh buồn như lớp khói mờ

Nhớ những đường chim vẽ cuối trời
Trong chiều se sắt lớp mưa rơi
Thương em áo trắng đời đi học
Êm ấm làm sao một chỗ ngồi

Anh cũng như mưa xuống rất buồn
Đằm đằm òa vỡ những nhớ thương
Ở hành lang cũ mùa học trước
Biết mắt ai hong nắng sân trường ?

Đã bỏ quên xưa góc ghế bàn
Những tờ thư ám bụi thời gian
Nghe mưa chạnh thấy lòng xúc động
Cả một thời xa lạnh tuổi vàng

Anh cũng như xe nhớ bến về
Lăn sầu vòng bánh mặt đường kia
Giục anh nghĩ đến mùa đang tới
Có tiếng ve ran gọi giữa hè

Đời sống làm anh phụ quê nhà
Quen dần theo lớp bụi đường xa
Rưng rưng mà nhớ mùa hạ cũ
Rụng xuống lòng anh xác phượng già

                                  TRẦN VĂN NGHĨA

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc )


Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

NGÀY THÁNG HẠ


Một bài hát buồn nhưng mà hay



Nghe bài hát "Ngày tháng hạ", mời bấm dưới đây: